Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tích cực trong công tác xóa mù chữ cho hội viên.

27/08/2021
   Nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết, cải thiện cuộc sống cho hội viên phụ nữ, nhất là vùng sâu,vùng xa và hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mù chữ của phụ nữ trên địa bàn huyện. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện đã Krông Pa đã phối hợp với Phòng Giáo dục huyện triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, vận động, tuyên truyền cho hội viên phụ nữ tham gia lớp học xóa mù chữ.
z2709015737938_81a349831d560f373c6d010e8f5c802d.jpg
   Khi trời nhá nhem tối, cũng là lúc chị Ksor H’Tuing ở buôn Ngôl, xã Uar nhanh chóng dọn dẹp, gác lại công việc gia đình, chuẩn bị sách vở để lên lớp học xóa mù chữ. Chị Ksor H’Tuing sẻ: “Bản thân sinh ra trong một gia đình khó khăn vì vậy mà không được đi học. Không biết con chữ nên trong cuộc sống của tôi gặp không ít khó khăn. Sau khi được cán bộ Hội LHPN xã vận động tham gia lớp xóa mù chữ do Trường Tiểu học xã Uar tổ chức. Sau thời gian học tập, hiện nay tôi đã có thể viết và đọc thông tin trên các trang mạng, tôi hạnh phúc lắm, bản thân chị cũng tự tin hơn khi giao tiếp xã hội”.

   Có mặt tại lớp học xoá mù chữ ở Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, xã Chư Drăng, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi nhiều chị đã hơn 50 tuổi rồi nhưng vẫn nghiêm túc học, ghép vần và tập viết theo hướng dẫn của cô giáo. Chị Ksor H’Rô tâm sự: “Năm nay tôi 58 tuổi, do hồi nhỏ, gia đình nghèo, đông anh em nên không được đến trường học chữ. Không biết chữ khổ lắm, không thể tự làm một số việc đơn giản, như ghi lại số điện thoại của người thân; mua gói bánh cũng không biết đã hết hạn hay chưa, mua thuốc trừ sâu thì nhầm sang thuốc trừ cỏ… Vì thế, nay được đi học tôi vui lắm. Từ hôm khai giảng đến nay, tôi chưa nghỉ buổi học nào”.

   Để hội viên tham gia các lớp học xóa mù chữ ngoài việc xây dựng chương trình dạy phù hợp với khả năng tiếp cận của chị em thì việc lựa chọn thời gian cũng là trở ngại không nhỏ. Ban ngày, phần lớn các chị phải đi làm nương rẫy nên những buổi đầu sau khai giảng, lớp học có khi không đông đủ học viên. Khắc phục những khó khăn đó Hội LHPN huyện đã chỉ đạo cán bộ cơ sở đến từng gia đình để tuyên truyền và vận động. Sau khi được vận động các chị em, hội viên đã ý thức được tầm quan trọng của việc học cái chữ nên đã tham gia rất nhiệt tình.

   Là giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy lớp xóa mù chữ, cô giáo Ksor H’Pranh-Giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, xã Chư Drăng cho biết: “Là một giáo viên tham gia giảng dạy lớp mù chữ thì trong quá trình giảng dạy tôi nhận thấy các chị học viên mặc dù đã lớn tuổi, ban ngày thì bận rộn với công việc, nhưng tối đến khi có tiết học thì các chị  tham gia đầy đủ, chú ý lắng nghe. Nhiều chị sau khi tham gia lớp học này không những biết viết, biết đọc mà còn chỉ được cho con em mình đọc bài”.

   Hội LHPN huyện hiện có 11.827 hội viên, trong đó số hội viên không biết chữ chiếm trên 40%; tập trung ở 14 xã, thị trấn. Thực trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện chủ trương của Ðảng, Nhà nước, của Hội cấp trên cũng như tham gia công tác xây dựng Hội vững mạnh, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, ấm no… 

   Trao đổi với phóng viên, bà Rơ Ô Lễ-Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: “Để tăng cường khả năng đọc, viết và giao tiếp bằng tiếng Việt cho các hội viên mù chữ và tái mù chữ, từ đầu năm đến nay, Hội LHPN huyện Krông Pa đã phối hợp với Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện triển khai được 7 lớp xóa mù chữ tại 06 xã, thị trấn: Uar, Chư Drăng, Chư Rcăm, Ia Rmok, Phú Cần và thị trấn Phú Túc cho 70 hội viên, phụ nữ tham gia. Nhờ tham giam gia lớp xóa mù chữ mà từ chỗ không biết chữ, đến nay nhiều chị em hội viên đã viết được tiếng phổ thông, giao tiếp với bên ngoài và sử dụng những phép tính đơn giản…”.

   Với một huyện mà điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng, nhiều địa phương người dân chưa biết chữ thì việc mở lớp xóa mù chữ cho hội viên, phụ nữ của Hội LHPN huyện là chương trình xã hội mang ý nghĩa nhân văn với phụ nữ vùng DTTS, giúp hội viện phụ nữ  tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp và tham gia các hoạt động cộng đồng. Điều này không chỉ góp phần nâng cao dân trí trên địa bàn huyện, mà còn thực hiện công bằng trong giáo dục, giúp xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Gia An - PV Trung tâm VH, TT&TT huyện Krông Pa