Chuyện về một Lão nông không cam chịu đói nghèo

06/02/2020
    Dù đã ở cái tuổi ngoài “thất thập”, nhưng lão nông Đào Văn Thụ (75 tuổi) ở TDP 10, thị trấn Phú Túc vẫn khỏe khoắn, hoạt bát để tìm ra cây trồng phụ hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao trên chính mảnh đất của mình khai phá.
 
 
    Ông Đào Văn Thụ quê gốc ở tỉnh Thái Bình. Năm 1984, ông cùng gia đình di chuyển vào Krông Pa lập nghiệp diện di dân vùng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ. Lúc vào được Nhà nước cho một số diện tích đất ở và đất nông nghiệp. Những năm đầu, cuộc sống nơi quê hương mới cực kỳ vất vả, nhiều lúc muốn trở về quê hương. Những đêm trằn trọc không ngủ, ông quyết tâm phải tìm ra cây trồng để nuôi sống gia đình. Ông nghĩ, tại sao ở Miền Tây họ sống bằng miệt vườn mà ở đây dất rộng không sống được. Vì thế, ông quyết định bắt đầu bằng cây xoài. Ông ra chợ tìm những trái xoài to, ngon họ bán rồi ông mua về ăn, còn hạt làm giống. Với 60 quả xoài ban đầu, ông đã ươm và trồng hết số xoài giống tổng cộng 60 cây, sau 3 năm chăm sóc, những trái xoài đầu tiên đã ra bói và có thu nhập. Ông cho biết, có đỉnh điểm 60 cây xoài thu được 6 tấn quả, bán được hàng triệu đồng lúc bấy giờ. Tuy nhiên, cũng chỉ được vài năm, diện tích xoài ở địa phương liên tục tăng, dẫn đến giá thành rẻ, không có kinh tế, ông lại chặt bỏ để chuyển sang trồng điều. Tuy nhiên thời gian đó, giá điều bấp bênh, được mùa mất giá và được giá mất mùa, thu không đủ chi, ông lại phá để tìm cây trồng khác. Ông tìm đến cây thuốc lá vàng sấy. Sau 4 vụ trồng, cây thuốc lá đã ngốn của ông hàng chục con bò vì phải bán bò trả tiền công, phân bón. Không thể khuất phục ý trí, ông lại tìm đến cây mía. Ông kể: đối với cây mía, ông là người thứ 2 trồng cây này trên địa bàn thị trấn Phú Túc, nhưng cũng chỉ tồn tại được 2 hay 3 vụ. Ông trồng 1ha mía, đến lúc thu hoạch còn được 6 sào. Nguyên nhân là do mía ngọt, mọi người cứ vào thưởng thức mía của ông. Như vậy, trong khoảng thời gian gần 30 năm, ông đã trồng 4 loại cây gồm xoài, điều, thuốc lá và mía nhưng tất cả các loại cây này ông đều thất bại với nhiều lý do. Năm 2016, tình cờ, thấy trên thông tin đại chúng, ông biết Viện giống cây nông nghiệp có giống ổi ngoại nhập, ông đã lặn lội ra tận Viện ở Hà Nội để tìm hiểu và mua giống về trồng. Sau hơn 3 năm canh tác, hiện tại ông đã có vườn ổi chất lượng, cho thu nhập cao. Ông Thụ nói: “Diện tích cây ổi là 2ha. Mật độ trồng là 4 vuông và hiện tại có hơn 700 cây. Gần sông ba có nước nên làm hiệu quả. Nếu so sánh với cây trồng khác như mỳ, mía thì nó hơn hẳn. Một năm tôi thu nhập từ cây ổi này khoảng từ 200 đến 300 triệu đồng. Để có được như ngày hôm nay, tôi cũng thất bại nhiều lắm, thất bại đi thất bại lại chứ không tự dưng có được như ngày hôm nay”
    Chính sự chủ động, khéo léo tính toán cùng khát vọng làm giàu chính đáng mà lão nông Đào Văn Thụ đã biến “đất thành vàng”. Bởi, trong khi nông dân ở địa phương luôn thâm canh 1 loại cây trồng thì lão nông Đào Văn Thụ lại chọn việc luân canh, biết chọn cây trồng cho hiệu quả kinh tế lại phù hợp với điều kiện đất đai địa phương. Bên cạnh đó, là tinh thần học hỏi và biết áp dụng khoa học kỹ thuật nên mô hình kinh tế của gia đình lão nông Đào Văn Thụ luôn phát triển tốt và cho năng suất cũng như thu nhập cao. Ngoài cây ổi là chính, ông Thụ còn nuôi gà, chim bồ câu, cá và đang thử nghiệm với cây măng tây. Với cách làm kinh tế như ông Đào Văn Thụ đã được người dân địa phương cũng như Hội nông dân thị trấn Phú Túc đánh giá rất cao. Ông Đàm Văn Nguyện-người dân TDP 10, thị trấn Phú Túc, nhận xét: “Mô hình này phát triển từ vùng đất khó khăn. Những mô hình này ta cần nhân rộng. Muốn phát triển kinh tế gia đình ta cần phải trồng nhiều loại cây không nên trồng 1 loại cây mía, cây mì để giảm bớt khó khăn. Như năm 2019 bà con cứ triển khai cây mì, cây mía sâu bệnh nhiều thì thu nhập không thể bằng mô hình trồng cây ăn trái của Đào Văn Thụ đây. Tôi thấy rất hiệu quả”. Còn bà Đỗ Thị Minh Tuyến, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Phú Túc thì nhận xét: “Tôi thấy mô hình trất hiệu quả, vì ông đã làm rất nhiều năm nay rồi. Phải qua nhiều khâu chăm sóc kỹ thuật để cho thu nhập kinh tế gia đình phát triển. Để hội viên Nông dân thị trấn tiếp cận những mô hình như này thì chúng tôi sẽ tổ chức cho hội viên nông dân tham quan, học hỏi để phát triển kinh tế gia đình trong thời đại Công nghiệp hóa như hiện nay”
    Đưa bàn tay gầy gò, gân guốc của một lão nông thực thụ nhẹ nhàng nâng niu, vuốt ve từng trái ổi đang đung đưa trên những cành lá như một người cha đang cưng chiều hết mực những đứa con bé bỏng mà ông đã dành trọn tình yêu thương. Những thăng trầm của cuộc sống mưa sinh bằng chính đôi bàn tay của mình nay đã nở hoa kết trái. Hi vọng rằng trong thời gian tới ông sẽ dành nhiều thời gian hơn nữa để hiện thực hóa giấc mơ có một loại trái mang thương hiệu vùng đất khó-Krông Pa này./.
 Quang Ngọc – Trung tâm VH, TT&TT huyện Krông Pa