Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới

08/05/2017
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 76 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp/162 HTX trong toàn tỉnh, chiếm trên 42%, thu hút 16.970 xã viên, vốn điều lệ đăng ký gần 40 tỷ đồng và tạo việc làm cho 5.303 lao động tại địa phương. 
Các HTX dịch vụ nông nghiệp đã phát huy vai trò là tổ chức kinh tế của các hộ nông dân, xác định rõ định hướng hoạt động, tổ chức thêm nhiều ngành nghề mới, sản xuất kinh doanh ngày thêm hiệu quả. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là làm dịch vụ thủy lợi, phân bón, bảo vệ thực vật, thú y, làm đất, chăn nuôi gia súc… Các HTX nông nghiệp đã thể hiện vai trò trong việc hướng dẫn các hộ thành viên chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.
Việc liên doanh, liên kết giữa các HTX với nhau và giữa HTX với các doanh nghiệp bước đầu có hiệu quả, góp phần tạo điều kiện cho các HTX nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, khả năng cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo lợi ích thiết thực của HTX và xã viên. Các HTX đã thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, hỗ trợ cho nông dân và xã viên tổ chức sản xuất, góp phần gia tăng sản lượng nông sản hàng hóa; huy động được các nguồn lực thúc đẩy ngành nghề phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và người lao động, đồng thời góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng và giải quyết nhiều vấn đề xã hội…
 
Ngoài ra khu vực nông thôn còn có 6 quỹ tín dụng nhân dân hoạt động với tổng nguồn vốn trên 56 tỷ đồng, thu hút 5.950 thành viên, 100% đơn vị hoạt động có lãi đã trở thành kênh huy động vốn và cho vay rất hiệu quả, góp phần hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi.
 
Mặc dù vậy, kinh tế HTX ở Gia Lai còn nhiều khó khăn cần có định hướng tháo gỡ: Nhiều HTX vẫn loay hoay chưa tìm được đầu ra cho sản phẩm một cách ổn định, bền vững và chưa bao tiêu hết sản phẩm cho xã viên. Cán bộ HTX ở cơ sở chưa qua các lớp đào tạo nghiệp vụ một cách bài bản, còn kiêm nhiệm nhiều nên chưa sâu sát. Một số người có vốn tự đứng ra thành lập HTX, do chưa có kinh nghiệm nên trong quá trình hoạt động gặp rất nhiều khó khăn. Việc chuyển giao công nghệ còn nhiều vướng mắc. Mặt khác, các HTX nông nghiệp hiện nay đang rất khó khăn về nguồn vốn. Các HTX không vay được vốn để phát triển và mở rộng sản xuất do không có tài sản thế chấp, khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các ngân hàng thương mại.
 
Để các HTX dịch vụ tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ phát triển gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới, cần tăng cường tuyên truyền cho cán bộ, xã viên nắm được các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; có định hướng và kế hoạch hướng dẫn sản xuất, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cho các hộ xã viên và hộ sản xuất nông nghiệp; mở rộng sản xuất kinh doanh, dịch vụ ra bên ngoài HTX; phối hợp tích cực với chính quyền triển khai và thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn…