Krông Pa: đẩy mạnh công tác sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao tại cộng đồng

11/05/2022
      Từ ngày 05 đến ngày 14 tháng 5, Trung tâm Y tế huyện phối hợp với Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh Gia Lai tổ chức khám sàng lọc, phát hiện chủ động bệnh lao cho người có nguy cơ cao tại cộng đồng trên địa bàn các xã Ia Mlah, Đất Bằng và Chư Gu. Đây là một hoạt động quan trọng của Dự án tăng cường hệ thống cộng đồng vì chấm dứt bệnh lao (CSET) trên địa bàn tỉnh Gia Lai, trong đó có huyện Krông Pa, do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) hỗ trợ. Việc khám sàng lọc chủ động là một trong những giải pháp chiến lược góp phần thanh toán bệnh lao ra khỏi cộng đồng vào năm 2030.
kham-sang-loc-tai-xa-Ia-Mlah-(1).jpg
Hình ảnh: khám sàng lọc bệnh lao tại xã Ia Mlah
      Ia Mlah là địa phương đầu tiên được tổ chức khám sàng lọc bệnh lao và lao tiềm ẩn của dự án. Đến khám là những người có nguy cơ tiềm ẩn trong cộng đồng được đội ngũ Trạm Y tế xã và lực lượng mạng lưới lao của huyện tiến hành rà soát trước với hơn 12.000 người gồm: người tiếp xúc gần với nguồn lây bệnh lao, người ho kéo dài trên 2 tuần, người bệnh lao cũ, người có triệu chứng nghi lao và người có nguy cơ mắc lao cao khác như người nhiễm HIV, bệnh nhân tiểu đường… Tại các điểm khám người dân đều được thực hiện chụp X-Quang phổi ngay tại xe y tế lưu động. Kết quả sẽ được thông báo nhanh, những người có tổn thương phổi trên phim X-Quang được chỉ định lấy mẫu đờm đem về Bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh thực hiện xét nghiệm sinh học phân tử Gene Xpert để chẩn đoán xác định bệnh Lao. Các bệnh nhân lao phát hiện qua khám sàng lọc đều được lập hồ sơ đưa vào quản lý và điều trị ngay theo hướng dẫn của Chương trình chống Lao quốc gia. Bên cạnh việc khám sàng lọc chủ động, cán bộ y tế còn tư vấn cho người dân nhận biết các dấu hiệu, cách phát hiện và phòng, chống Lao tại cộng đồng. Do đã được truyền thông từ trước, nên đông đảo người dân địa phương đã đến từ sớm theo giấy hẹn để khám sàng lọc miễn phí nhằm nắm bắt được tình trạng sức khỏe, kịp thời phát hiện những triệu chứng nghi Lao và mắc các bệnh mãn tính. Chị R’Căm H’Dúp buôn Chính Hòa, xã Ia Mlah một trong những người dân tham gia hoạt động sàng lọc phát hiện lao và lao tiềm ẩn trong cộng đồng cho biết: “Trong gia đình tôi có đứa cháu 3 tuổi bị bệnh về phổi, nên khi được thông báo có chương trình khám bệnh lao miễn phí tôi sắp xếp công việc đến theo giấy mời. Kết quả sau khi chụp X-Quang phổi của tôi bình thường nên tôi rất vui. Việc tổ chức khám tận buôn làng thuận tiện đi lại cho bà con, khám biết bị bệnh gì mà chữa”.
      Đối với ông Rah Lan Chanh (66 tuổi) buôn Ia Rpua, xã Đất Bằng người từng mắc bệnh lao cách đây gần 10 năm và điều trị khỏi, việc được khám sàng lọc ngay tại Trạm Y tế xã rất có ý nghĩa, thiết thực. Sau khi chụp X-Quang phổi và xét nghiệm tiêm dưới da xác định lao (còn gọi là thử nghiệm Mantoux) cho kết quả âm tính ông rất vui mừng. Ông Chanh chia sẻ: “Cách đây 10 năm tôi bị lao phổi, điều trị ở bệnh viên tuyến tỉnh 1 tháng, tại trung Tâm Y tế huyện 1 tháng và về nhà uống thuốc đều đặn do Trạm Y tế xã cấp 4 tháng kết hợp ăn uống đầy đủ nên bệnh đã khỏi và sức khỏe cũng tốt lên. Đợt này có chương trình khám sàng lọc lao miễn phí hai vợ chồng tôi đến để khám và được tư vấn tiêm dưới da. Kết quả không phát hiện vi khuẩn lao tôi rất vui”.
Xet-nghiem-Mantoux-tai-xa-Đat-Bang(2).jpg
Xét nghiệm Mantoux tại xã Đất Bằng
      Krông Pa là địa phương có tổng số bệnh nhân mặc lao đứng 2 trong toàn tỉnh (sau thành phố PleiKu). Trong 5 năm qua, toàn huyện phát hiện có 294 bệnh nhân lao các thể, trong đó 229 bệnh nhân lao phổi. Tỷ lệ bệnh nhân lao phổi điều trị khỏi đạt gần 87%. Những năm gần đây công tác phòng chống bệnh Lao của huyện đã đạt được kết quả quan trọng, xu hướng phát hiện bệnh nhân lao có chiều hướng giảm. Tuy nhiên, 2 năm qua do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động chống lao. Bên cạnh đó, hiện nay, tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh lao tại cộng đồng trên địa bàn huyện chưa được phát hiện còn cao; việc phát hiện bệnh khá thụ động, tức là khi người dân có triệu chứng, nghi ngờ bệnh lao và tìm đến cán bộ y tế mới được phát hiện. Do đó, khám sàng lọc là một trong những giải pháp quan trọng đang được đẩy mạnh để thực hiện mục tiêu của chương trình chống lao với chiến lược 2X tức là chụp X-quang tầm soát, sau đó làm Gene Xpert để khẳng định có lao không. Bác sĩ Mai Minh Hiền-Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Gia Lai cho biết: “Thực hiện Quyết định số 374/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục tiêu đến năm 2030, giảm số người chết do bệnh lao và số người mặc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 20 người/100.000 người dân, chương trình chống lao quốc gia đưa ra chiến lược 2X gồm X-quang và Xpert - nhằm sàng lọc và phát hiện những người mắc bệnh lao ngay cả khi chưa có triệu chứng. Thông qua việc sàng lọc theo phương pháp này giúp người dân, đặc biệt là người có nguy cơ cao mắc bệnh lao được phát hiện và điều trị kịp thời nhằm tránh lây lan ra cộng đồng”.
      
Hiện nay, Chương trình khám sàng lọc bệnh lao tại xã Ia Mlah, Đất Bằng đã hoàn thành và đang triển khai tại xã Chư Gu. Dự kiến từ nay cho đến tháng 10 năm 2022 sẽ tiếp tục khám sàng lọc bệnh lao tại các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn huyện. Bà Kiều Thị Mai Hương-đại diện Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng cho biết: “Trong những năm vừa rồi Trung tâm Trung tâm hỗ trợ sáng kiến và phát triển cộng đồng (SCDI) có mặt tại các tỉnh Tây nguyên như Đăk Nông, Gia Lai, Đăk Lăk. Những năm trước liên quan đến hoạt động phòng, chống sốt rét. Từ năm 2021 có các hoạt động phòng, chống bệnh lao. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 không được tập trung đông người mà các hoạt động của SCDI yêu cầu phải tập trung đông người, chúng tôi đưa đến các dịch vụ như xe Xquang lưu động, xét nghiệm Xpert đến người có nguy cơ mắc cao. Mục đích của chúng tôi là hỗ trợ các địa phương, trong đó có huyện Krông Pa chấm dứt được bệnh lao theo mục tiêu của Việt Nam trước năm 2030”.
      
Tăng cường phát hiện bệnh lao trong bối cảnh dịch Covid-19 thông qua chương trình khám sàng lọc cho người dân tại cộng đồng của dự án tăng cường hệ thống cộng đồng vì chấm dứt bệnh lao trên địa bàn huyện Krông Pa có ý nghĩa và rất cần thiết. Đây là cơ hội để mỗi người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa, người cao tuổi, người mắc các bệnh mãn tính tiếp tục được tầm soát, phát hiện sớm bệnh lao, từ đó được điều trị kịp thời, không để ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và giảm được các chi phí tốn kém khi bệnh nặng./.      
NGÔ THU