26/09/2024
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất - kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất theo quy định pháp luật.
Theo thống kê đến ngày 23/9, Tuyên Quang có 5 người thiệt mạng; 72 nhà bị sập đổ, hư hỏng hoàn toàn; 111 nhà thiệt hại nặng và rất nặng; 20.474 nhà bị ngập nước, thiệt hại dưới 30%; 5.106 hộ phải di dời đến nơi an toàn; 39 điểm trường học, 2 trạm y tế xã bị ảnh hưởng; 5.182,6 ha lúa; 2.890 ha ngô, rau màu; 1.352,7 ha cây ăn quả và cây hàng năm, 908,6 ha cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng thiệt hại; 1.665 con gia súc và 20.072 con gia cầm bị chết; 660 ha ao cá bị ngập, tràn bờ; 466 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi.
Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 nhằm bàn về giải pháp khẩn trương khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhanh chóng ổn định tình hình, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh từ Internet
Mưa lũ cũng khiến 37 công trình trạm bơm, đập dâng, hồ chứa, kè bị sạt lở và hư hỏng; 4 sự cố về đê, kè; 12 công trình nước sạch bị hư hỏng; nhiều tuyến quốc lộ, đường địa phương nhiều tuyến bị ngập, ách tắc, sạt lở, hư hỏng; 13 cầu liên thôn bị hư hỏng; nhiều cột điện, tuyến cáp quang bị gẫy, đổ; nhiều trụ sở cơ quan, trường học bị ngập nước, ảnh hưởng và nhiều thiệt hại khác. Ước thiệt hại khoảng 1.351 tỷ đồng.
Mặc dù cả hệ thống chính trị đã nỗ lực vào cuộc, nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân thiện nguyện đã chung tay hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn giúp sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng đến nay không ít doanh nghiệp, nhà xưởng vẫn đang trong giai đoạn sửa chữa chưa thể hoạt động hết công suất. Diện tích lúa bị ngập hỏng chưa thể bắt đầu vụ mới.
Nhân dân phấn khởi khi thấy Chính phủ đã lập tức có chỉ đạo về việc miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất. Nhưng nhân dân cũng rất cần sự chung tay kịp thời và trách nhiệm của các cấp, ngành. Bởi Nghị quyết đã có, nhưng cần cụ thể hóa ở từng lĩnh vực, địa phương để triển khai cho thiết thực, kịp thời.
Có như vậy, Nghị quyết số 143/NQ-CP mới thật sự kịp thời, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, thiết thực hỗ trợ sản xuất kinh doanh, góp phần sớm ổn định đời sống người dân, doanh nghiệp và thực hiện hiệu quả mục tiêu tăng trưởng.
HOÀNG VĂN VĨNH