13/08/2024
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân tuyệt đối không tin vào hình thức “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” trên mạng xã hội. Không tin tưởng dịch vụ yêu cầu thanh toán trước các khoản phí.
Trong thời gian qua, một số người dân sau khi bị lừa đảo do tham gia làm cộng tác viên chốt đơn cho một số nhãn hàng, đã nghe theo hướng dẫn của đối tượng cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, cung cấp thông tin cá nhân, chuyển khoản tiền “phí dịch vụ” và bị chiếm đoạt thêm một lần nữa
Lợi dụng tâm lý nạn nhân khi bị mất tiền, thường lên các trang mạng xã hội để than vãn, hỏi thăm, tìm lời khuyên để lấy lại được tiền bị lừa trên mạng xã hội, kẻ gian đã thao túng tâm lý, an ủi, dẫn dụ nạn nhân chuyển một khoản tiền gọi là “phí dịch vụ” hay “phí ủy quyền xử lý”... để điều tra giúp lấy lại tiền bị lừa đảo. Sau khi nạn nhân chuyển khoản phí dịch vụ này, những kẻ lừa đảo sẽ biến mất không dấu vết.
Đối với hình thức lừa đảo “lấy lại tiền bị lừa” đang tràn lan trên mạng xã hội, người dân cần đặc biệt lưu ý và tìm hiểu những dấu hiệu để nhận biết và phòng tránh kịp thời.
Cụ thể, đối tượng lừa đảo tạo ra các trang web, nhóm telegram, zalo, viber, facebook chia sẻ vấn nạn “lừa đảo online" và các từ khóa liên quan để nạn nhân tìm kiếm, các tài khoản ảo, không có thông tin rõ ràng về công ty, địa chỉ hoặc các thông tin liên hệ.
Đối tượng lừa đảo chạy quảng cáo các bài đăng với nội dung “hỗ trợ lấy lại tiền”, “cam kết lấy lại được tiền bị lừa”, bên dưới là những bình luận cảm ơn đã lấy lại tiền bằng những tài khoản ảo khác. Sau khi được người dùng liên hệ, các đối tượng sẽ nhiệt tình tư vấn, đồng thời liên tục hứa hẹn, cam kết lấy lại 100% số tiền đã mất.
Bên cạnh đó, đối tượng lừa đảo còn có thủ đoạn dùng công nghệ AI giả mạo luật sư, nhân viên ngân hàng, chuyên gia công nghệ an ủi nạn nhân và hứa hẹn lấy lại được tiền bị lừa đảo trên mạng hay bị treo trên các sàn giao dịch…
Tiếp đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp các thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, số tiền đã bị lừa đảo và chuyển khoản thành công “tiền phí dịch vụ”. Tuy nhiên, ngay lập tức nhân viên thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. Khi nạn nhân thắc mắc thì đối tượng sẽ chặn toàn bộ liên lạc.
Trước tình trạng trên, UBND thị trấn Phú Túc khuyến cáo người dân tuyệt đối không tin vào hình thức “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo” trên mạng xã hội. Không tin tưởng dịch vụ yêu cầu thanh toán trước các khoản phí. Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào.
Người dân cẩn trọng khi chuyển tiền qua không gian mạng. Trong quá trình thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng còn yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, từ đó khống chế nạn nhân, tìm cách gài bẫy nạn nhân và lừa số tiền lớn hơn.
Để giảm thiểu khả năng bị mất tiền trên không gian mạng, người dân cần tìm hiểu về công ty hoặc cá nhân cung cấp dịch vụ; xác minh địa chỉ văn phòng, số điện thoại và trang web chính thức của họ. Cần kiểm tra thông tin của bên nhận tiền thật rõ ràng, cần biết chính xác về thông tin, lịch sử làm việc của người đang giao dịch để tránh tình trạng mất tiền. Trước khi chuyển tiền hãy yêu cầu người nhận tiền gọi video call (gọi bằng hình ảnh) để xác minh, nhận diện, chụp lại màn hình để làm chứng cứ khi xảy ra sự cố.
Hành vi lừa lấy lại tiền đã mất là hoạt động lừa đảo mà một số đối tượng lập ra nhằm chiếm đoạt tài sản của nạn nhân thêm lần thứ hai. Nếu nghi ngờ hay đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trường hợp trên, phải liên hệ ngay với ngân hàng, tổ chức tài chính để báo cáo lừa đảo và yêu cầu họ dừng mọi giao dịch, lưu lại bằng chứng, nhanh chóng làm đơn tố giác, gửi kèm toàn bộ tài liệu, chứng cứ trình báo cho Công an nơi lưu trú nắm rõ vụ việc, củng cố hồ sơ để các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ vụ việc, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm, lấy lại tiền đã mất./.
*****Hãy chia sẻ nội dung này với người thân, bạn bè và hướng dẫn họ cách thường xuyên truy cập Trang thông tin điện tử thị trấn Phú Túc để cập nhật các thông tin chính thức từ UBND thị trấn Phú Túc*****