Loading...

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ HIỆN NAY

16/08/2024

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 14/8/2024 đã ban bố trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu vì bệnh đậu mùa khỉ (mpox) ở châu Phi. Dưới đây là cái nhìn tổng quan về căn bệnh đáng lo ngại này.
 
DAU-MUA-KHI-1-WEB.jpg
 
1. BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ LÀ GÌ?
 
Bệnh đậu mùa khỉ là bệnh do vi rút đậu mùa khỉ gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm từ động vật do vi rút gây ra, tức là bệnh có thể lây truyền từ động vật sang người. Bệnh cũng có thể lây truyền từ người sang người.
 
Bệnh này được gọi là bệnh đậu mùa khỉ bởi vì bệnh được phát hiện đầu tiên ở đàn khỉ được bắt giữ cho mục đích nghiên cứu năm 1958. Bệnh sau đó được phát hiện ở người năm 1970.
 
2. TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ LÀ GÌ?
 
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ gồm:
- Phát ban với mụn nước trên mặt, bàn tay, bàn chân, mắt, miệng hoặc bộ phận sinh dục.
- Sốt
- Sưng hạch
- Đau đầu
- Đau cơ và đau bụng
- Yếu sức
 
3. BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ LÂY TRUYỀN TỪ NGƯỜI SANG NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?
 
Bạn có thể mắc bệnh đậu mùa khỉ nếu tiếp xúc gần với người có triệu chứng bao gồm:
- Tiếp xúc trực tiếp da với da
- Tiếp xúc đối diện
- Tiếp xúc miệng với da
- Chạm vào chăn, gối, ga giường, khăn tắm, quần áo hoặc vật dụng của người nhiễm bệnh.
 
4. BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ LÂY TRUYỀN TỪ ĐỘNG VẬT SANG NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO?
 
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây sang người khi con người tiếp xúc với động vật nhiễm bệnh. Vật chủ bao gồm các loài động vật gặm nhấm và linh trưởng. Có thể giảm nguy cơ mắc bệnh đậu mùa khỉ từ động vật bằng cách tránh tiếp xúc với động vật hoang dã nếu không sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân, đặc biệt là động vật bị ốm hoặc đã chết (bao gồm cả thịt và máu của chúng). Ở các nước có bệnh lưu hành, nơi động vật mắc bệnh đậu mùa khỉ, cần nấu chín kỹ thịt hoặc bộ phận của động vật trước khi ăn.
 
5. ĐỐI TƯỢNG CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ LÀ AI?
 
Người sống cùng hoặc tiếp xúc gần (bao gồm quan hệ tình dục) với người bị mắc bệnh đậu mùa khỉ hoặc người tiếp xúc thường xuyên với động vật bị bệnh có nguy cơ cao nhất mắc bệnh. Nhân viên y tế cần thực hiện các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn để bảo vệ chính họ khi chăm sóc cho bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Trẻ sơ sinh, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn, và có thể tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.
Người đã tiêm vắc xin ngừa đậu mùa có nhiều khả năng được bảo vệ trước bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, người trẻ tuổi ít có khả năng đã được tiêm phòng bệnh đậu mùa vì tiêm chủng đậu mùa đã chấm dứt trên toàn thế giới sau khi bệnh này đã được thanh toán vào năm 1980. Người đã được tiêm phòng đậu mùa vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh để bảo vệ bản thân và người khác.
 
6. BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ CÓ GÂY BỆNH NẶNG HOẶC TỬ VONG KHÔNG?
 
Trong hầu hết các trường hợp, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ tự mất đi trong vòng vài tuần. Tuy nhiên, ở một số người, khi nhiễm bệnh có thể dẫn tới các biến chứng hoặc thậm chí tử vong. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người bị suy giảm miễn dịch có thể có nguy cơ mắc triệu chứng nghiêm trọng hơn và tử vong do bệnh đậu mùa khỉ.
Các biến chứng ở bệnh đậu mùa khỉ bao gồm nhiễm trùng da thứ phát, viêm phổi, lú lẫn, và các vấn đề về mắt. Trước đây, tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ dao động khoảng 1% - 10%. Lưu ý, tỷ lệ tử vong ở các bối cảnh khác nhau có thể khác nhau do nhiều yếu tố, như khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
 
7. BẠN CẦN LÀM GÌ KHI CÓ TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ HOẶC TIẾP XÚC VỚI NGƯỜI MẮC ĐẬU MÙA KHỈ?
 
- Xin tư vấn từ nhân viên y tế
- Cách ly tại nhà nếu có thể
- Bảo vệ những người khác bằng cách tránh tiếp xúc gần
- Đeo khẩu trang và tránh động chạm cơ thể nếu bạn phải tiếp xúc gần.
 
8. CÓ VẮC XIN PHÒNG BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ KHÔNG?
 
Có. Đã có một vắc xin phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ mới được phê duyệt gần đây. Một số nước khuyến cáo tiêm phòng cho những người có nguy cơ. Nhiều năm nghiên cứu đã giúp phát triển các vắc xin mới hơn và an toàn hơn nhằm phòng ngừa căn bệnh vốn đã được thanh toán đó là bệnh đậu mùa và vắc xin này cũng có thể phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Một trong những loại vắc xin này đã được phê duyệt để phòng ngừa bệnh đậu mùa khỉ. Chỉ nên cân nhắc tiêm phòng vắc xin cho những đối tượng có nguy cơ (ví dụ người tiếp xúc gần với người mắc bệnh bệnh đậu mùa khỉ). Ở thời điểm hiện tại, không khuyến cáo tiêm phòng diện rộng cho mọi đối tượng.
 
9. BẠN CẦN LÀM GÌ ĐỂ BẢO VỆ BẢN THÂN TRƯỚC BỆNH ĐẬU MÙA KHỈ?
 
Bảo vệ bản thân khỏi bệnh đậu mùa khỉ bằng cách tránh tiếp xúc gần với người có triệu chứng:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp da với da hoặc đối diện và miệng với da
- Thường xuyên vệ sinh tay, các vật dụng, các bề mặt, chăn, ga gối đệm, khăn tắm và quần áo
- Đeo khẩu trang nếu bạn bắt buộc phải tiếp xúc gần với người có triệu chứng và khi thay ga, gối giường, khăn và quần áo của người mắc đậu mùa khỉ
- Hỏi đối phương xem họ có triệu chứng hay không trước khi tiếp xúc gần.
 
*****Hãy chia sẻ nội dung này với người thân, bạn bè và hướng dẫn họ cách thường xuyên truy cập Trang thông tin điện tử thị trấn Phú Túc để cập nhật các thông tin chính thức từ UBND thị trấn Phú Túc*****

Other

Thông tin liên hệ

Cơ quan: Thị trấn Phú Túc - Huyện Krông Pa - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Phú Túc - Krông Pa
Điện thoai: (059)3 - Fax: (059)3 - Email: phutuc@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm: Tô Văn Chánh - Chủ tịch UBND huyện Krông Pa
Giấy phép: 04/GP-TTĐT ngày 24/5/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
 
Copyright © 2017