Loading...

TUYÊN TRUYỀN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC TRẺ EM VÀ XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM

19/09/2024

Bạo lực trẻ em và xâm hại tình dục trẻ em là nỗi bức xúc của xã hội, nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh và những người quan tâm đến sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em và thời gian gần đây hiện tượng này xảy ra đã bộc lộ những tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng.
 
I. VỀ PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC TRẺ EM
 
1. Theo khoản 6, Điều 4, Luật Trẻ em năm 2016 quy định: Bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.
 
2. Nguyên nhân
 
- Nguyên nhân chính là do sự suy thoái về lối sống, đạo đức của người lớn, các bậc làm cha, làm mẹ, làm thầy cô... bắt nguồn từ việc, các thiết chế trong xã hội, nhất là luật pháp của chúng ta không được thực thi một cách nghiêm túc.
 
- Trình độ nhận thức, hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người lớn còn hạn chế, nhiều người làm cha mẹ không hiểu, biết về quyền của trẻ em đã được pháp luật quy định.
 
- Hoàn cảnh gia đình, kinh tế khó khăn, mâu thuẫn gia đình, cha mẹ bị cuốn vào tệ nạn xã hội, ma túy, cờ bạc... cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo hành trẻ em.
 
- Một số cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường và chính quyền địa phương các cấp còn hiện tượng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu kiên quyết xử lý và xử lý chưa nghiêm, chưa kịp thời các vụ việc. Đối tượng xâm hại thể chất trẻ em trong các cơ sở giáo dục, chủ yếu là giáo viên, nhân viên trường học và chính các em học sinh bạo hành, xâm hại lẫn nhau.
 
- Việc tuyên truyền, giáo dục, thực thi quyền trẻ em hiện nay của chúng ta còn thụ động, thiếu tính phòng ngừa, nhiều vụ việc khi xảy ra nghiêm trọng, báo chí nêu lên, các cơ quan chức năng mới vào cuộc, lên tiếng.
 
3. Các kiểu bạo lực trẻ em
 
- Bạo lực thể chất
 
- Bạo lực tinh thần
 
* Bạo lực về mặt thể chất
 
- Dùng sức mạnh của cơ thể để tấn công nạn nhân: tát, đấm, đá, cào, cấu, cắn, bẻ quặt cánh tay, nắm tóc đập đầu vào tường, quật ngã, bóp cổ, vv…
 
- Ném vật cứng hoặc các thứ bẩn thỉu, hôi thối độc hại vào mặt, vào người nạn nhân, vv…
 
- Dùng roi, gậy, dây để đánh đập hoặc trói xích nạn nhân, vv…
 
- Bắt nạn nhân phải ăn đói, mặc rách, ở khổ và đau ốm không được chữa trị.
 
* Bạo lực về mặt xã hội là bạo lực tinh thần
 
- Cấm nạn nhân không được ra khỏi nhà, cấm giao tiếp với người ngoài và cấm liên hệ bằng điện thoại với người khác.
 
- Bóc thư riêng của nạn nhân để xem, lục soát người, phòng riêng, tủ riêng của nạn nhân dù không được nạn nhân đồng ý, hoặc theo dõi hay cho người theo dõi mọi hành vi của nạn nhân.
 
- Không cho nạn nhân học thêm, đi làm hoặc hoạt động xã hội.
 
- Độc quyền quản lý, chiếm hữu và sử dụng tiền, tài sản riêng của nạn nhân hoặc chung của gia đình và sử dụng một cách tùy tiện theo ý riêng của mình.
 
* Bạo lực tình dục đồng thời cũng là bạo lực thể chất và bạo lực tinh thần: Đe dọa, khống chế trẻ em, cưỡng dâm trẻ em.
 
4. Những môi trường thường xảy ra bạo lực trẻ em
 
* Trong gia đình: Bạo hành gia đình là “hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại… với các thành viên khác trong gia đình” (Điều 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình). Nói một cách dễ hiểu hơn, đó là việc “các thành viên gia đình vận dụng sức mạnh để giải quyết các vấn đề mâu thuẫn, bức bách trong gia đình”.
 
* Trong nhà trường (học đường): Bạo lực học đường không chỉ có học sinh nam đánh học sinh nam, mà còn nam đánh nữ, nữ đánh nữ, đánh hội đồng tập thể hoặc là học sinh đánh thầy cô giáo và ngược lại.
 
5. Một số quy định pháp luật xử lý vi phạm trong lĩnh vực trẻ em
 
5.1. Nghị định số 130/2021/NĐ- CP ngày 30/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em
 
Điều 21. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em
 
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
 
a) Cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật;
 
b) Cha mẹ, người chăm sóc trẻ em không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, không thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi
 
dưỡng trẻ em hoặc bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, trừ trường hợp bị buộc phải tạm thời cách ly trẻ em hoặc trẻ em được chăm sóc thay thế theo quy định của pháp luật.
 
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em có hành vi cố ý bỏ rơi trẻ em.
 
Điều 22. Vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em
 
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
 
a) Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em;
 
b) Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em;
 
c) Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em;
 
d) Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần.
 
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
 
a) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;
 
b) Buộc tiêu hủy vật phẩm gây hại cho sức khỏe trẻ em đối với hành vi vi phạm tại điểm d khoản 1 Điều này.
 
Điều 26. Vi phạm quy định về quyền được giáo dục của trẻ em
 
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
 
a) Hủy hoại sách, vở, đồ dùng học tập của trẻ em;
 
b) Cố ý không thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho việc học tập của trẻ em theo quy định của pháp luật;
 
c) Không bảo đảm thời gian, điều kiện học tập cho trẻ em.
 
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi cản trở việc đi học của trẻ em.
 
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học.
 
4. Biện pháp khắc phục hậu quả
 
Buộc chịu mọi chi phí để mua sách, vở, đồ dùng học tập cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này.
 
Điều 35. Vi phạm quy định về không bảo đảm an toàn dẫn đến tai nạn, thương tích cho trẻ em
 
1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
 
a) Không thông báo, cảnh báo những nơi nguy hiểm, độc hại, dễ cháy, nổ, điện giật, rơi, ngã và các nguy cơ khác dẫn đến tai nạn, thương tích cho trẻ em;
 
b) Không tuân thủ đầy đủ, kịp thời các biện pháp bảo đảm an toàn về sản xuất, kinh doanh, lưu hành các phương tiện giao thông vận tải dẫn đến tai nạn, thương tích cho trẻ em.
 
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
 
a) Buộc thực hiện kịp thời các biện pháp để khắc phục tình trạng thiếu an toàn đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;
 
b) Buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này.
 
Điều 36. Vi phạm về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
 
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm khi kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng:
 
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, độc hại, khiêu dâm, bạo lực, xúi giục tự tử, xuyên tạc, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em;
 
b) Không cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, độc hại, khiêu dâm, bạo lực, xúi giục tự tử, xuyên tạc, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em;
 
c) Không sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em;
 
d) Không thực hiện yêu cầu xóa, gỡ bỏ các thông tin cá nhân của trẻ em khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ trẻ em yêu cầu;
 
đ) Không tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá phân loại theo mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi tới;
 
e) Không công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em;
 
g) Không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em;
 
h) Không hướng dẫn sử dụng các dịch vụ, thiết bị công nghệ thông tin để bảo vệ trẻ em;
 
i) Không có biện pháp bảo vệ người tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ là trẻ em.
 
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng khi không có công cụ kiểm soát thời gian, bảo vệ trẻ em khỏi tình trạng lạm dụng, nghiện trò chơi điện tử. Trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng có hành vi không áp dụng biện pháp, giải pháp hạn chế giờ chơi của trò chơi điện tử G1 đối với trẻ em thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
 
3. Hình thức xử phạt bổ sung:
 
Tước quyền sử dụng giấy phép đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
 
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
 
a) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm tại khoản 1 và khoản 2 Điều này;
 
b) Buộc chịu mọi chi phí để khám bệnh, chữa bệnh (nếu có) cho trẻ em đối với hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều này;
 
c) Buộc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, xuyên tạc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em đối với hành vi vi phạm tại điểm a khoản 1 Điều này;
 
d) Buộc xóa, gỡ bỏ các thông tin cá nhân của trẻ em đối với hành vi vi phạm tại điểm c khoản 1 Điều này.
 
5.2. Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
 
Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
 
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
 
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
 
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
 
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
 
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
 
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.
 
II. VỀ PHÒNG, CHỐNG XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM
 
1. Theo khoản 8, Điều 4, Luật Trẻ em 2016 quy định: Xâm hại tình dục trẻ em là việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và sử dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
 
2. Dấu hiệu trẻ bị xâm hại tình dục
 
- Thái độ sợ sệt, ngượng ngùng mỗi khi giáp mặt đối tượng.
 
- Hay bị giật mình.
 
- Khóc lóc, gặp ác mộng.
 
- Trẻ sống thu mình lại, không muốn ra ngoài, không muốn trò chuyện với mọi người...
 
- Nếu bị xâm hại tình dục nghiêm trọng, trẻ có thể bị sốc, có những vết cào, bầm tím, vùng kín bị sưng, chảy máu...
 
3. Hậu quả của việc xâm hại tình dục trẻ em
 
- Làm tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần, tâm lý, sức khỏe của trẻ.
 
- Gây hoang mang, lo lắng cho gia đình và xã hội.
 
- Làm ảnh hưởng đến tương lai của trẻ em.
 
- Làm gia tăng tệ nạn mại dâm, tệ nạn buôn bán phụ nữ, tăng sự lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây qua đường tình dục.
 
- Gây ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục và truyền thống đạo đức tốt đẹp của nhân dân ta.
 
4. Cách xử lý khi trẻ em bị xâm hại tình dục
 
* Đối với trẻ là nạn nhân
 
- Cha, mẹ cố gắng gần gũi con, khuyến khích con cởi mở tâm trạng để nói về sự việc đã xảy ra.
 
- Đưa trẻ đi khám để xác định mức độ và điều trị tổn thương thực tế.
 
- Đưa trẻ đến chuyên gia, bác sĩ tâm lý để chữa trị chấn thương tâm lý cho trẻ.
 
* Đối với gia đình có trẻ bị xâm hại tình dục
 
- Trình báo sự việc trẻ bị xâm hại tình dục đến trụ sở công an gần nhất.
 
- Không làm ầm ĩ tránh việc khiến cho trẻ xấu hổ và tổn thương hơn.
 
- Không giấu giếm việc trẻ bị xâm hại tình dục, đối tượng xâm hại tình dục trẻ em cần được xử phạt theo quy định của pháp luật, tránh để trẻ có thể tiếp tục bị xâm hại hoặc đối tượng đó gây hại cho những trẻ em khác.
 
5. Kỹ năng phòng vệ, tránh bị xâm hại tình dục
 
- Hướng dẫn trẻ em nhận biết những hành vi xâm hại tình dục để đề phòng.
 
- Hướng dẫn trẻ em những kiến thức về giới tính ngày từ nhỏ.
 
- Dạy trẻ biết tôn trọng bản thân, chỉ rõ cho con thấy đâu là những nơi “nhạy cảm” trên cơ thể.
 
- Hướng dẫn cho trẻ biết ai là người có thể chạm vào cơ thể, vào những nơi “nhạy cảm” trên cơ thể.
 
- Hãy cho trẻ biết những bộ phận nhạy cảm không để người khác chạm vào cũng như không được chạm vào của các bạn khác hay của người lớn.
 
- Dạy trẻ 10 nguyên tắc giữ an toàn cơ thể:
 
+ Dạy trẻ tên chính xác của các bộ phận trên cơ thể của trẻ.
 
+ Giải thích với trẻ về những chỗ kín của cơ thể là bộ phận được che bởi quần, áo lót.
 
+ Hướng dẫn cho trẻ rằng không ai được chạm những chỗ kín của cơ thể trẻ. Khẳng định với trẻ: “Cơ thể là của con, không ai được phép xâm phạm”.
 
+ Giải thích tại sao trẻ không được chạm vào các chỗ kín của người khác ngay cả khi họ yêu cầu trẻ làm việc đó.
 
+ Thảo luận về các dấu hiệu cảnh bảo sớm như lòng bàn tay ướt mồ hôi, tim đập nhanh, đau bụng... ở trẻ.
 
+ Dạy trẻ phản ứng lại hành vi động chạm vào phần kín của cơ thể trẻ hoặc làm trẻ không vui, bằng cách nói thật to và dứt khoát “Không!” “Dừng lại!”.
 
+ Kể thẳng thắn cho một người lớn mà trẻ tin tưởng nếu: trẻ bị chạm vào các phần kín của cơ thể, hoặc bị sờ mó khiến trẻ khó chịu hay trẻ đang bị một trong số những dấu hiệu cảnh báo sớm.
 
+ Dạy trẻ kiên trì, tiếp tục kể lại tường tận để người lớn biết rõ và tin tưởng.
 
+ Không bao giờ được giữ những bí mật làm trẻ cảm thấy không thoải mái và tồi tệ. Hãy chỉ giữ bí mật về niềm vui hay hạnh phúc bất ngờ mà thôi.
 
+ Hãy mạnh mẽ, dũng cảm và luôn nói ra sự thật để bảo vệ chính mình.
 
* Cha mẹ cần tránh
 
- Không để trẻ nhỏ ở nhà, đến nơi công cộng hoặc đi ra chỗ vắng một mình.
 
- Không cho trẻ ăn mặc hở hang vì dễ gây kích thích sự ham muốn đối với những kẻ có ý xấu.
 
Dạy cho con tính tự lập, mạnh mẽ để tránh kẻ xấu (con nhút nhát, tự ti, ít bạn bè thường dễ bị kẻ xấu tấn công).
 
Dạy con tránh xa những cám dỗ bởi đồ chơi, bánh kẹo…
 
* Cha mẹ cần lưu ý
 
Quan tâm thường xuyên và để ý đến những hành vi phi ngôn ngữ của con để nhận biết những dấu hiệu con bị xâm hại tình dục.
 
Lắng nghe tâm sự, những câu chuyện của con, thuyết phục con kể tất cả những gì xảy ra với con trên đường phố giúp con tránh xa những hiểm họa xâm hại tình dục.
 
Trong trường hợp con có các biểu hiện bị xâm hại tình dục như: sợ hãi, khóc lóc, hay gặp ác mộng, sống khép mình….thì cha mẹ nên dùng tình cảm, sự yêu thương của mình động viên con nói ra sự thật từ đó giải quyết mọi vấn đề một cách bình tĩnh nhất.
 
Quan tâm đến các con nhiều hơn và chủ động trang bị cho con kiến thức tự bảo vệ để tránh khỏi nguy cơ bị xâm hại tình dục.
 
6. Một số quy định pháp luật xử lý hành vi xâm hại tình dục trẻ em
 
6.1. Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi
 
Hành vi phạm tội được quy định chi tiết tại Khoản 1 Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017: Người nào thực hiện các hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ; giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.
 
Điều 142 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định từng hành vi phạm tội, khung hình phạt cao nhất của tội này là phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình; Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
 
Cụ thể:
 
* Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
 
a) Có tính chất loạn luân;
 
b) Làm nạn nhân có thai;
 
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
 
d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;
 
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
 
e) Đối với 02 người trở lên;
 
g) Tái phạm nguy hiểm.
 
* Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
 
a) Có tổ chức;
 
b) Nhiều người hiếp một người;
 
c) Đối với người dưới 10 tuổi;
 
d) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
 
đ) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
 
e) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
 
6.2. Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
 
Hành vi phạm tội được quy định tại Khoản 1 Điều 144 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 “Người nào dùng mọi thủ đoạn khiến người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình hoặc trong tình trạng quẫn bách phải miễn cưỡng giao cấu hoặc miễn cưỡng thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt từ từ 5 năm đến 10 năm”.
 
Điều 144 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định từng hành vi phạm tội, khung hình phạt cao nhất của tội này là bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân; Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
 
Cụ thể:
 
* Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
 
a) Có tính chất loạn luân;
 
b) Làm nạn nhân có thai;
 
c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
 
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
 
đ) Đối với 02 người trở lên;
 
e) Tái phạm nguy hiểm.
 
* Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
 
a) Nhiều người cưỡng dâm một người;
 
b) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏa hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
 
c) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội;
 
d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát.
 
6.3. Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
 
Điều 145 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Người nào từ đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 Bộ luật Hình sự năm 2015, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
 
Tùy từng hành vi phạm tội, khung hình phạt cao nhất của tội này là bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm; Người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
 
Cụ thể:
 
* Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
 
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
 
b) Đối với 02 người trở lên;
 
c) Có tính chất loạn luân;
 
d) Làm nạn nhân có thai;
 
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
 
e) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh.
 
* Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
 
a) Gây thương tích và gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
 
b) Biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn phạm tội.
 
6.4. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
 
Khoản 1 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt từ từ 06 tháng đến 03 năm”.
 
Ngoài ra, Khoản 2 Điều 146 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cũng quy định: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: phạm tội có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;…, thì bị phạt từ từ 03 năm đến 07 năm”.
 
Khung hình phạt cao nhất của tội này là bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm, đối với các trường hợp: Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát.
 
Tùy từng hành vi phạm tội, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất đình từ 01 năm đến 05 năm.
 
6.5. Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm
 
Đây là quy định mới được đưa vào Chương XIV Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
 
Khoản 1 Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức, thì bị phạt từ từ 06 tháng đến 03 năm.”
 
Phạm tội trong các trường hợp: phạm tội có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; đối với 02 người trở lên; đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh; có mục đích thương mại; gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tù từ 03 năm hoặc 07 năm.
 
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: gây tối loạn tâm thân và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; làm nạn nhân tự sát, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm.
 
Tùy từng hành vi phạm tội, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
 
Vậy chúng ta luôn phải phòng, chống xâm hại trẻ em cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ trẻ em, đảm bảo cho trẻ luôn được sống trong môi trường an toàn.
 
*****Hãy chia sẻ nội dung này với người thân, bạn bè và hướng dẫn họ cách thường xuyên truy cập Trang thông tin điện tử thị trấn Phú Túc để cập nhật các thông tin chính thức từ UBND thị trấn Phú Túc*****

Other

Thông tin liên hệ

Cơ quan: Thị trấn Phú Túc - Huyện Krông Pa - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Thị trấn Phú Túc - Krông Pa
Điện thoai: (059)3 - Fax: (059)3 - Email: phutuc@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm: Tô Văn Chánh - Chủ tịch UBND huyện Krông Pa
Giấy phép: 04/GP-TTĐT ngày 24/5/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
 
Copyright © 2017