Loading...

Kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Huyện Krông Pa (23/4/1979 - 23/4/2024)

09/04/2024
Đầu thế kỷ XX, Krông Pa nói riêng, Tây Nguyên nói chung thuộc quyền bảo hộ của thực dân pháp. Từ năm 1904 - 1907, phần đất Cheo Reo (trong đó có Krông Pa) thuộc tỉnh Phú Yên. Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 04 tháng 7 năm 1905, tách toàn bộ vùng núi phía tây tỉnh Bình Định, Phú Yên trong đó có Krông Pa để thành lập tỉnh Pleiku Đer. Ngày 09 tháng 02 năm 1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định số 215 thành lập tỉnh Công Tum (Kon Tum). Địa giới của tỉnh Kon Tum bao gồm: đại lý hành chính Cheo Reo tách ra khỏi tỉnh Phú Yên, đại lý Kon Tum tách ra khỏi Bình Định và đại lý Đăk Lăk. Ngày 24 tháng 5 năm 1932, Nghị định của Toàn quyền Đông Dương tách một phần đất phía nam tỉnh Kon Tum, bao gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo để lập tỉnh Pleiku. Như vậy, cho đến trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, Cheo Reo là một trong 5 huyện, thị của tỉnh Pleiku. Khu vực Krông Pa thuộc vùng đất của phía đông của huyện Cheo Reo, có tên gọi là Mlah. Ngày 25 tháng 6 năm 1946, thực dân Pháp chiếm lại Gia Lai và vẫn giữ nguyên tên tỉnh là Pleiku. Ngày 06 tháng 11 năm 1947, theo Quyết định số 51/TB-NĐ của Ủy ban kháng chiến Nam Trung Bộ, Cheo Reo được tách ra khỏi Gia Lai và giao cho phân ban liên lạc hành chính Tây Nguyên, trực thuộc khu 15. Đến tháng 8 tháng 1948, đại diện chính phủ ta tại miền nam trung bộ ra quyết định số 203-ĐD/CP, đặt Cheo Reo dưới sự chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Đăk Lăk. Ngày 30 tháng 5 năm 1953, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung bộ ra Nghị định số 477-MN/TOC, chia huyện Cheo Reo thành hai huyện thuộc tỉnh Đăk Lăk là Đông Cheo Reo gồm các xã phía đông và phía bắc sông Ba và Tây Cheo Reo gồm các xã phía tây Sông Ba. Trong kháng chiến chống Mỹ, cả vùng Cheo Reo (gồm cả khu vực các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và Thị xã Ayun Pa ngày nay) vẫn thuộc tỉnh Đăk Lăk. Toàn bộ vùng này gồm 2 huyện: huyện Đông Cheo Reo được gọi là H2 và huyện Tây Cheo Reo gọi là H3. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 4 năm 1975, tỉnh Đăk Lăk tổ chức lại các huyện. Tháng 7 năm 1975, huyện Sông Ba được sáp nhập với huyện 37 (thị xã Hậu Bổn và vùng Tây Cheo Reo) thành huyện Cheo Reo, thuộc tỉnh Đăk Lăk. Huyện Krông Pa lúc đó là một phần của huyện Cheo Reo. Tháng 01 năm 1976, theo Quyết định của Chính phủ, huyện Cheo Reo thuộc tỉnh Đăk Lăk được chuyển giao về tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Ngày 15 tháng 01 năm 1976, Hội nghị Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum ra Nghị quyết về kiện toàn, xây dựng huyện mạnh, thống nhất địa giới hành chính và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Huyện Cheo Reo được sáp nhập với khu 11 thành huyện mới có tên là Ayun Pa. Ngày 23 thánng 4 năm 1979, theo Quyết định số 78 - CP của Hội đồng Chính phủ, huyện Ayunpa được chia tách thành hai huyện Ayunpa và Krông Pa. Huyện Krông Pa được thành lập trên cơ sở tách từ phần đất phía đông của huyện Ayunpa. Sau khi thành lập, huyện Krông Pa có 6 xã[1] với diện tích tự nhiên 1.630 km2, dân số khoảng 21.500 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90%. Ngày 17 tháng 8 năm 1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 30/HĐBT về việc điều chỉnh địa giới một số xã và thị trấn thuộc tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Huyện Krông Pa có sự thay đổi địa giới một số xã, xã Ia Rmok chia thành xã Ia Rmok và Phú Cần, xã Đất Bằng chia thành xã Đất Bằng và Ia Mlah, xã Chư Drăng chia thành xã Chư Drăng và Chư Gu, xã Ia Rsai chia thành xã Ia Rsai và Ia Rsiơm. Ngày 13 tháng 01 năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 03/HĐBT về việc phân vạch địa giới hành chính một số xã, thị trấn của các huyện Kbang và Krông Pa, tỉnh Gia Lai - Kon Tum, theo đó xã Phú Cần được chia thành xã Phú Cần và thành lập thị trấn Phú Túc. Thị trấn Phú Túc là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện. Qua quá trình chia tách, đến tháng 12 năm 2007, toàn huyện Krông Pa có 14 xã, thị trấn[2]. Huyện lỵ đóng tại thị trấn Phú Túc; gồm có 128 thôn, buôn (trong đó có 86 buôn đồng bào dân tộc thiểu số). Dân số toàn huyện là 68.468 người (12.946 hộ), trong đó dân tộc Jrai là 46.507 người (chiếm 67,91%); dân tộc Kinh là 21.315 người (chiếm 31,12%) với 4.901 hộ; và 664 người (chiếm 0.97%) thuộc các dân tộc khác (chủ yếu là Tày, Nùng). Mật độ dân số trung bình của huyện là 41,6 người/km. Trong 45 năm qua, từ một huyện có điểm xuất phát thấp, đời sống Nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra… đã ảnh hưởng và làm thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống của Nhân dân. Song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và hỗ trợ kịp thời của Trung ương, của tỉnh; với tinh thần tự lực tự cường, cần cù, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc huyện Krông Pa đã đoàn kết một lòng, đồng tâm hiệp lực, vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống cách mạng và những tiềm năng, thế mạnh sẵn có để xây dựng, phát triển huyện Krông Pa đạt được những thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, góp phần vào thành tựu chung của cả nước trong công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. HUYỆN KRÔNG PA SAU 45 NĂM THÀNH LẬP, XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH

1. Thành tựu về kinh tế 
Ngày mới thành lập, Krông Pa là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh, với nền kinh tế lạc hậu, sản xuất manh mún, nông nghiệp năng suất thấp, mang nặng tính tự cung tự cấp, công nghiệp hầu như chưa hình thành, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và cơ sở hạ tầng không có gì đáng kể. Trình độ dân trí thấp, những hủ tục, mê tín dị đoan còn rất nặng nề. Bên cạnh đó, những tàn quân và bọn phản động FULRO vẫn lén lút hoạt động chống phá chính quyền và phong trào cách mạng làm cho tình hình đã khó khăn về kinh tế, xã hội lại càng phức tạp hơn về an ninh chính trị. Sau 45 năm thành lập, Đảng bộ và Nhân dân huyện Krông Pa đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, khắc phục khó khăn, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế đưa nền kinh tế huyện nhà phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp. Sau 45 năm xây dựng và phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện trong những năm qua ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Nền kinh tế tăng trưởng khá cao, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 10,87%. Riêng năm 2023, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) 6.246 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,64%. Cơ cấu kinh tế các ngành đảm bảo chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng các ngành: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 39,31%, công nghiệp và xây dựng 36,07%, dịch vụ chiếm 24,63%. Thu nhập bình quân đầu người 47,83 triệu đồng/năm. Việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất được quan tâm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1979, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện khoảng 7.000 ha, chủ yếu bằng phương pháp đốt, chọc tỉa, đến nay đã chuyển sang phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường, hình thành các vùng sản xuất tập trung, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiệu khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Tổng diện tích gieo trồng năm 2023 đạt 49.564,32 ha, tăng 9.163,32 ha so với năm 2020. Chú trọng nâng cao chất lượng và phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Tổng đàn bò toàn huyện năm 2023 là 63.632 con, tăng 432 con so với năm 2020. Trong năm 2023, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt trên 3.900 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2015-2020, huyện đã hỗ trợ 6,2 tỷ đồng để triển khai 20 mô hình, dự án khuyến nông, chuyển giao công nghệ. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng phát triển nhanh, năm 2020 giá trị sản xuất đạt 2.092 tỷ đồng (theo giá hiện hành), đến năm 2023 đạt trên 3.500 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Một số ngành công nghiệp phát triển mạnh như chế biến nông sản, năng lượng tái tạo, sản xuất vật liệu xây dựng… góp phần quan trọng trong phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển. Năm 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1.492 tỷ đồng, đến năm 2023, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 1.700 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công huyện quản lý trên 172,5 tỷ đồng, bố trí cho 26 chương trình, dự án trên địa bàn huyện. Hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, công sở… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, góp phần thay đổi diện mạo của huyện. Không chỉ dừng lại ở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã quán triệt, triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững; chú trọng xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số theo chủ trương của cấp trên. Tổng nguồn vốn lồng ghép, huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong 05 năm 2015-2020 đạt 1.624,156 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Đến cuối năm 2020, toàn huyện có 02 xã đạt chuẩn nông thôn mới[3], 03 buôn đạt chuẩn làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số[4]; đến cuối năm 2023, huyện tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia([5]), rà soát, đánh giá thực trạng các tiêu chí nông thôn mới theo Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025([6]). Triển khai thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 - 2025. Sau 45 năm thành lập, huyện Krông Pa hiện có nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp được xây dựng và thành lập. Các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, phong phú, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia. Trình độ công nghệ, chất lượng dịch vụ, hạ tầng thương mại từng bước phát triển theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Các ngành dịch vụ như bưu chính viễn thông, vận tải, ngân hàng, bảo hiểm… tiếp tục có nhiều phát triển. Mạng lưới cung cấp, bán lẻ hàng hóa, dịch vụ được phân bố rộng khắp, đảm bảo cung cầu. Dịch vụ hành chính công được đẩy mạnh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với chính quyền địa phương.
2. Thành tựu về văn hóa - xã hội
 Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đảm bảo cân đối về quy mô, loại hình và nâng cao chất lượng, từng bước được chuẩn hóa, hệ thống trường lớp được sắp xếp theo hướng tinh gọn, phù hợp. Từ những ngày đầu thành lập huyện, quy mô giáo dục nhỏ bé, toàn huyện có 6 trường tiểu học và hơn 2.000 học sinh, tỷ lệ trẻ em đến trường ở mức 25%, chất lượng giáo dục còn hạn chế nhiều mặt, trình độ dân trí rất thấp, với gần 90% dân số mù chữ. Đến nay, đã có 4 bậc học với 48 đơn vị trường, với 725 lớp và 24.559 học sinh, trong đó có 30 trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng giáo dục được nâng lên; tỷ lệ học sinh khá, giỏi, học sinh năng khiếu, học sinh tham dự và đạt giải các kỳ thi cấp tỉnh và quốc gia ở các cấp học đều tăng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đáp ứng nhu cầu dạy và học. Kết thúc năm học 2022 - 2023, tỷ lệ duy trì sỹ số học sinh đạt 99%; trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non đạt 100%; học sinh được công nhận hoàn thành chương trình bậc tiểu học đạt 99,2%; tỷ lệ học sinh công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở và bổ túc trung học cơ sở đạt 99,3%; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 96,42%; học sinh lớp 6, 7 được đánh giá học lực mức đạt trở lên chiếm 96,15% (trong đó: đạt loại khá, tốt chiếm 44,3%) ; học sinh lớp 8, 9 đạt từ trung bình trở lên chiếm 96,3% (trong đó: khá, giỏi chiếm 55,8%) ; học sinh lớp 10 được đánh giá học lực mức đạt trở lên chiếm 84,7% (trong đó: đạt loại khá, tốt chiếm 35,4%) ; học sinh lớp 11, 12 đạt từ trung bình trở lên chiếm 95,9% (trong đó: khá, giỏi chiếm 65,5%). Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu dạy - học. Y tế có nhiều tiến bộ, công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân và phòng, chống dịch bệnh được tăng cường, nhất là bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, dịch Covid-19. Chất lượng khám, điều trị bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được nâng lên. Các chương trình mục tiêu Y tế - Dân số được chú trọng triển khai thực hiện; các chế độ, chính sách khám, chữa bệnh được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm; kiểm tra việc hành nghề y - dược tư nhân, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn huyện. Hoạt động văn hóa, thông tin và thể thao có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng cơ bản nhu cầu vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe cho Nhân dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao mang bản sắc dân tộc được giữ gìn, phát huy gắn với bảo tồn và phát huy truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Phong trào quần chúng như lễ hội cồng chiêng, hát dân ca, đẽo tượng nhà mồ, dệt vải... thường xuyên được tổ chức ở cấp huyện và cơ sở. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển rộng và ngày càng đi vào chiều sâu; kết quả năm 2023, toàn huyện có 15.642/20.675 hộ gia đình (chiếm 75,6%), 71/77 khu dân cư của 14 xã, thị trấn đạt gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa ( chiếm 92,2%); 111/111 cơ quan, đơn vị đăng ký đạt chuẩn văn hoá. Các chương trình an sinh xã hội, giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng. Quan tâm thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách nhân các ngày lễ, tết. Tổ chức sửa chữa, xây mới nhà ở cho các hộ và phân công các cơ quan, ban ngành huyện hỗ trợ, giúp đỡ các hộ gia đình chính sách thoát nghèo, thoát cận nghèo. Đến nay, không còn hộ gia đình chính sách, người có công thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, ở nhà tạm. Đến cuối năm 2023, toàn huyện còn 2.649 hộ nghèo, chiếm 12,55%; 2.873 hộ cận nghèo, chiếm 13,61%. Công tác dân tộc luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Krông Pa xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành. Trong những năm qua, huyện đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, như hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón cho hộ đồng bào dân thộc thiểu số nghèo. Phát huy tốt vai trò của người uy tín trong tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”, “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhận thức của người dân tộc thiểu số về bình đẳng giới, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được nâng lên. Các chính sách về tôn giáo, quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo được đảm bảo. Toàn huyện hiện có 06 tôn giáo được Nhà nước công nhận, với 23.997 tín đồ; có 21 chức sắc, 137 chức việc. Các hoạt động tôn giáo cơ bản theo quy định của pháp luật, những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được phát huy, tôn trọng. Các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật Nhà nước về tôn giáo được thực hiện tốt, đồng bào tôn giáo phấn khởi, đánh giá rất cao, nên tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, thực hiện các quy định của Nhà nước về sinh hoạt tôn giáo, tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Đảng bộ huyện đã lãnh đạo tổ chức thành công các kỳ Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội của Đảng các khóa theo đúng quy định. Đồng thời, lãnh đạo tổ chức các kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thật sự là ngày hội của toàn dân. Qua đó đã bầu ra được những người tiêu biểu, có đức, có tài tham gia vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng, củng cố và hoàn thiện bộ máy Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Các ngày lễ kỷ niệm, các sự kiện chính trị quan trọng khác của huyện, của tỉnh, đất nước, dù điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhưng huyện đã tổ chức rất thành công, an toàn, tiết kiệm, có sức lan tỏa, thu hút được sự quan tâm theo dõi của các tầng lớp Nhân dân trong và ngoài huyện.
3. Thành tựu về quốc phòng - an ninh
Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được đảm bảo và tăng cường. Trong 45 năm qua, lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ không ngừng được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng, trình độ sẵn sàng chiến đấu được nâng cao và trưởng thành về mọi mặt. Đồng thời, nâng cao chất lượng diễn tập khu vực phòng thủ huyện, chiến đấu phòng thủ cấp xã theo đúng nguyên tắc, cơ chế lãnh đạo. Tổ chức điều chỉnh, bổ sung hệ thống kế hoạch sẵn sàng chiến đấu sát thực tế. Công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được thực hiện nghiêm túc, đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Công tác tuyển quân, tuyển sinh quân thực hiện đúng quy trình, đảm bảo chỉ tiêu, chất lượng, tỷ lệ thanh niên nhập ngũ hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu, trong đó tỷ lệ đảng viên, đoàn viên ngày càng tăng. Công tác xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên được thực hiện thường xuyên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được đảm bảo. Các cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội được triển khai đồng bộ, tích cực và hiệu quả; tỷ lệ điều tra, phá án được nâng lên; các loại tội phạm được kiềm chế, kéo giảm; không để hình thành tội phạm có tổ chức, hoạt động băng nhóm. Công tác xây dựng lực lượng công an xã được chú trọng, tăng cường 100% công an chính quy về làm trưởng, phó công an 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện góp phần tăng cường hiệu quả công tác quốc phòng, an ninh.
4. Thành tựu về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị
45 năm qua, Đảng bộ huyện thường xuyên quan tâm chú trọng đến công tác xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng, xem đây là nhiệm vụ then chốt. Khi mới thành lập huyện năm 1979 chỉ có 15 tổ chức cơ sở Đảng với 204 đảng viên, chất lượng đảng viên còn nhiều hạn chế. Sau 45 năm xây dựng, Đảng bộ huyện đã phát triển không ngừng cả về số lượng và chất lượng, đến nay Đảng bộ huyện hiện có 43 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, 164 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở với 3.005 đảng viên (tính đến tháng 12 năm 2023). Các chương trình đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực của huyện trong giai đoạn 2015 - 2020 và 2020 - 2025 được thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác quy hoạch đảm bảo các yêu cầu theo quy định, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận có phẩm chất, năng lực đáp ứng tốt yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cán bộ được điều động, luân chuyển, cán bộ trẻ được bổ nhiệm bảo đảm đúng chuẩn theo quy định, đã phát huy tốt năng lực, sở trường và bản lĩnh trong công tác, có uy tín với Nhân dân. Sau 03 năm triển khai thực hiện Kết luận số 01 - KL/TW, ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW, ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị (khóa XII) “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” tiếp tục được cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ gắn với chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của cấp ủy và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Việc triển khai thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh dần đi vào nền nếp và có chiều sâu, góp phần nâng cao nhận thức, giúp cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn trách nhiệm trong việc tu dưỡng, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và xây dựng tác phong công tác. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng, tạo sự lan tỏa rộng rãi trong xã hội, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của địa phương. Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh theo tinh thần phục vụ Nhân dân và doanh nghiệp. Những ngày mới thành lập huyện còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ, công chức thiếu nhưng chính quyền các cấp đã tập trung quản lý, điều hành, ban hành các văn bản hành chính đúng luật, tạo điều kiện cho việc thực hiện tốt các mục tiêu kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước các cấp từng bước sắp xếp, bố trí, đào tạo theo quy hoạch. Đến nay, huyện đã triển khai thực hiện cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, tư pháp và tổ chức bộ máy. Các cơ quan chuyên môn cấp huyện và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện đúng các quy định về cải cách thủ tục hành chính. Các cuộc họp, hội nghị đã được bố trí hợp lý hơn, lãnh đạo huyện dành nhiều thời gian hơn để đi cơ sở. Bên cạnh đó, cải cách hành chính trong Đảng được chú trọng, đã cụ thể hóa các quy định của Trung ương về xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên, giải quyết khiếu nại kỷ luật của Đảng; quy định phân cấp quản lý cán bộ; quy trình ban hành các văn bản chỉ đạo của cấp ủy; quy định về tổ chức bộ máy các cơ quan đảng, đoàn thể; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện nhiệm vụ của cấp ủy và các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy. Đến nay, tổ chức, bộ máy của các cơ quan đảng, đoàn thể cấp huyện, xã được củng cố, kiện toàn, tạo sự thống nhất, đồng bộ. Các quy trình, thủ tục trong Đảng được công khai, minh bạch, khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền. Khối đại đoàn kết toàn dân luôn được giữ vững. Trong huyện đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình mới, nhiều điển hình “Dân vận khéo”, có sức lan tỏa, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Nhiệm vụ xây dựng Đảng, chính quyền và giám sát những lĩnh vực có liên quan đến quyền lợi và đời sống Nhân dân được thực hiện tốt. Hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có nhiều chuyển biến thiết thực, hiệu quả. Thực hiện chủ trương “Hằng tuần có 04 ngày làm việc ở cơ quan, 01 ngày làm việc ở cơ sở”, đội ngũ cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội đã tăng cường đi cơ sở nắm bắt tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua do các cấp, các ngành phát động. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, giữ vững an ninh, trật tự trên địa bàn, củng cố niềm tin và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.
MỘT SỐ BÀI HỌC KINH NGHIỆM 
Trải qua chặng đường 45 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành của huyện Krông Pa, có thể đúc kết một số bài học kinh nghiệm quan trọng, cụ thể như sau: Thứ nhất, tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể với các giải pháp đồng bộ để nghiên cứu, vận dụng sáng tạo các quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phù hợp hoàn cảnh điều kiện cụ thể của địa phương, từ đó đề ra những chính sách, giải pháp đúng đắn, sát thực tiễn, hợp lòng dân, sớm đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Thứ hai, huy động mọi nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương về đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế. Coi trọng phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội; chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường; củng cố quốc phòng - an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thứ ba, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; ý thức, trách nhiệm và năng lực công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tinh thần nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Phát huy dân chủ, kỷ cương, giữ vững đoàn kết trong hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Thứ tư, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ có năng lực, phẩm chất, đạo đức, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, có tính chiến lược. Thứ năm, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền; đẩy mạnh cải cách hành chính. Đề cao vai trò, tính năng động, sáng tạo, chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; qua đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội các cấp đã đề ra.
Ý NGHĨA SỰ KIỆN 45 NĂM THÀNH LẬP HUYỆN
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp, các ngành, Đảng bộ, quân và Nhân dân các dân tộc huyện Krông Pa đã nỗ lực phấn đấu trong suốt 45 năm qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Quán triệt quan điểm của Đảng, phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần, trong 45 năm qua huyện đã dành nhiều công sức, trí tuệ tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trên địa bàn huyện. Những thành tựu mà huyện đã đạt được của 45 năm qua là động lực để thúc đẩy sự phát triển trên các lĩnh vực của huyện trong thời kỳ mới. Với những thành tựu nổi bật đó, mỗi chúng ta hôm nay đang sinh sống trên mảnh đất Krông Pa anh hùng đều có quyền tự hào với những kết quả mà Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết vượt qua bao khó khăn thách thức để giành được; xem đó là nền móng quan trọng cho sự phát triển trong thời gian tới, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc huyện Krông Pa tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, ra sức thi đua, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra phấn đấu thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhìn lại chặng đường 45 năm qua kể từ khi được thành lập, Đảng bộ và chính quyền Nhân dân trong huyện rất vui mừng, phấn khởi trước sự đổi thay toàn diện, sâu sắc trên mọi lĩnh vực. Có được kết quả đó, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Krông Pa vô cùng biết ơn Đảng quang vinh, biết ơn vô hạn công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. [1] Gồm: xã Ia Rsai, Chư Đrăng, Ia Rmok, Đất Bằng, Ia Hdreh, Krông Năng. [2] Thị trấn Phú Túc và các xã Ia Rsai, Chư Rcăm, Ia Mlah, Đất Bằng, Chư Ngọc, Chư Gu, Phú Cần, Ia Rsiơm, Chư Drăng, Ia Rmok, Krông Năng, Ia Hdreh, Uar. [3] Xã Phú Cần và xã Ia Mlah. [4] Buôn Ia Mlah, xã Phú Cần; buôn Prong xã Ia Mlah; buôn MaRok xã Chư Gu. [5] Tổng kế hoạch vốn các chương trình (đã trừ vốn đầu tư công) 98,1 tỷ đồng; ước đến cuối năm 2023, thực hiện và giải ngân đạt 60% kế hoạch vốn. [6]Đối với 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới ( Phú Cần, Ia Mlah và Uar) đạt 15 tiêu chí (tụt 04 tiêu chí: Thông tin và truyền thông, nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế); có 02 xã đạt 14 tiêu chí (xã Chư Drăng, xã Ia Rmok) , 02 xã đạt 13 tiêu chí (Chư Rcăm, Chư Gu) ; 03 xã đạt 11 tiêu chí (gồm các xã: Ia Rsai, Đất Bằng, Krông Năng) ; 02 xã đạt 10 tiêu chí (xã Chư Ngọc và Ia Siơm) ; 01 xã đạt 9 tiêu chí (xã Ia Hdreh) .
 

Other

Thông tin liên hệ

Cơ quan: Xã Ia Rmok - huyện Krông Pa - tỉnh Gia Lai
Địa chỉ: Xã Ia Rmok - huyện Krông Pa - tỉnh Gia Lai
Điện thoai: (059)3 - Fax: (059)3 - Email: phutuc@gialai.gov.vn
Người chịu trách nhiệm: Tô Văn Chánh - Chủ tịch UBND huyện Krông Pa
Giấy phép: 04/GP-TTĐT ngày 24/5/2016 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Gia Lai.
 
Copyright © 2017