Âm thanh của núi rừng.

17/02/2020
    Từ bao đời nay, những câu hát jrai chính là những điều mà một người Jrai muốn truyền tải đến người khác, bằng giọng hát của mình. Nó chứa đựng tình cảm của người cha, người mẹ, sự phấn khởi khi được một vụ mùa bội thu, niềm tin về Đảng và Nhà nước, hay đơn giản là niềm hạnh phúc khi được hát dân ca của dân tộc mình.
 
    Để tìm hiều sâu hơn về âm nhạc của người Jrai, chúng tôi đã đến nhà thầy Kpă Pual, hiện là giáo viên của trường THPT Đinh Tiên Hoàng huyện Krông Pa. Thầy Pual đã nhiều năm nghiên cứu về chữ viết và văn hóa của người Jrai. Thầy cũng có một thời gian dịch các bài hát dân ca Jrai, được nhạc sĩ Lê Xuân Hoan sưu tầm. Thầy Kpă Pual - Giáo viên trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Krông Pa, nói:“Cách hát dân ca Jrai khác với cách hát của người Kinh. Thường người Kinh khi người ta hát thì người ta ghi chép lại và người này hát, thì cũng hát giống như người trước hát. Còn hát dân ca Jrai là người ta hát ngẫu hứng, ví dụ như người ta đang hát, nhưng mà người ta nghĩ ra một câu nào đó thì người ta lại chêm vào, như vậy nhạc thì giống nhau nhưng mà các câu hát thì do người hát ngẫu hứng tạo ra những lời hát cho riêng mình.”
    Theo ước tính, hiện nay huyện Krông Pa có khoảng 59.000 người Jrai, chiếm gần 69% dân số toàn huyện. Trải qua hàng trăm thế hệ gắn bó ở nơi đây, kho tàng dân ca Jrai ngày càng phong phú về thể loại và mang phong cách ngôn ngữ độc đáo.
    Trong tiếng Jrai, dân ca được gọi là tơlơi adôh hoặc pơtưh. Theo các nhà nghiên cứu, dân ca Jrai được chia thành các thể loại như: hát ru, người Jrai gọi là pơ ngui; hát đồng dao, tiếng Jrai gọi là hơ yu, dành riêng cho trẻ em vừa chơi, vừa hát; hát giao duyên, người Jrai gọi là alư hoặc nhik, là những bài hát thể hiện tình cảm của các chàng trai, cô gái; hát sinh hoạt, người Jrai gọi là adôh, là những bài hát nói về cuộc sống của người Jrai; hát kể trường ca hay hát kể sử thi, người Jrai gọi là h’ ri, để ca ngợi các vị anh hùng đã có công đánh giặc, bảo vệ bình yên cho dân làng, dạy buôn làng cách làm ăn,…
    Theo lời của những người già trong làng. Xưa kia, hầu như ai cũng thích hát và nghe hát dân ca, từ trẻ nhỏ cho đến những cụ già và tùy theo cảm xúc của mình, họ có thể hát mọi lúc mọi nơi. Nghệ nhân Rahlan Klil – sống ở Buôn Mlah, xã Phú Cần, nhớ lại:“Làm xong rồi là tối hoặc là ăn cơm xong, hồi xưa là có trai gái đem đàn Goong này đi chơi, đánh đàn, có người hát, có người hò.”
    Hay vào những buổi trưa, đó là lúc mà những câu hát ru vang lên, ta có thể nghe được âm thanh vang lên từ trong nhà, ngoài vườn, trên nương rẫy hay người mẹ đang cõng con mình trên lưng vừa đi vừa hát. Những bài hát ru có giai điệu mềm mại, tốc độ vừa phải, lời hát mộc mạc nhưng chứa đựng toàn bộ tình yêu của người mẹ bên trong, mong con mình có giấc ngủ ngon, để cha mẹ yên tâm làm nương rẫy. Nghệ nhân Rơ Ô H’ Ôm – Sống ở buôn Blang, xã Chư Ngọc, hát: “Ru ơ ru con ơi đừng khóc nào. Ru ơ ru con ơi ngủ ngoan nào.Cho mẹ cha vào rừng làm nương ơ làm rẫy. Rẫy ngô đang trổ bông. Cây mía chưa chặt. Đừng khóc nữa con ngoan. Để mẹ cha làm nương rẫy”
    Điểm chung của dân ca Jrai là diễn tả được các trạng thái tình cảm của con người, trong từng thời gian và không gian nhất định, gắn với các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thiên nhiên. Lời ca mộc mạc, đơn giản, súc tích nhưng cũng đầy tinh tế và phần lớn các bài dân ca Jrai đều được xây dựng trên một hệ thống thang 5 âm. Thầy Kpă Pual - Giáo viên trường THPT Đinh Tiên Hoàng, cho hay: “Bài hát tiếng Jrai thường hát tùy theo hoàn cảnh. Ví dụ như người ta hát ở trong quá trình đi làm, vừa làm vừa hát thì người ta không sử dụng nhạc cụ nào cả; còn khi nào mà người ta hát ở trong những lễ, hội, thì người ta sử dụng kèm theo nhạc cụ, đó là đàn Goong, đàn Kơ Ni để hòa vào chung trong bài hát. Đôi khi trong những ngày khi người ta uống rượu với nhau, người ta có hát đối đáp với nhau.”
    Để hiểu rõ hơn, chúng tôi đến thăm nhà nghệ nhân Kpă Bum sống ở buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa để tìm hiểu cách chế tạo tạo ra một chiếc đàn Goong, loại nhạc cụ thường dùng để đàn khi hát  dân ca Jrai.
Để làm một chiếc đàn Goong, nghệ nhân nơi đây sẽ chuẩn bị 1 khúc nứa hay cây tre lồ ô đã được phơi khô, có độ dài khoảng 70 đến 90 cm. Sau đó, dùng thanh sắt nung nóng đục 12 lỗ để gắn 12 thanh chỉnh âm, tương ứng với 12 dây đàn. Thanh chỉnh âm dùng để chỉnh cao độ của đàn và được sắp xếp thành 4 hàng; hàng thứ nhất gồm thanh Hlôh, Ana Hlôh và 2 thanh Đai Hlôh; hàng thứ hai gồm Ana Tding và 2 thanh Đai Mong; hàng thứ 3 gồm thanh Pdơt Ana, Pdơt Krăh, Pdơt Đai; cuối cùng là hàng thứ 4 gồm 2 thanh Đai Krăh.
    Vì đàn Goong có 12 dây nên việc sắp xếp vị các dây đàn phải hết sức tỷ mỉ, chỉ lệch một chút thì các cao độ của đàn sẽ bị thay đổi. Dây đàn được mắc từ chân đàn đến các thanh chỉnh âm, việc khoan các lỗ mắc dây phải đều nhau, sao cho khoảng cách mỗi dây vừa tay người chơi. Sau đó các dây sẽ được mắc lên thanh chỉnh âm, độ dài của mỗi dây khác nhau sẽ tương ứng với từng cao độ. Để tăng độ vang cho đàn, sẽ gắn thêm nửa quả bầu khô rỗng ruột. Công đoạn cuối cùng là chỉnh âm thanh, cũng là việc khó nhất, đòi hỏi người nghệ nhân phải có kinh nghiệm lâu năm. Nghệ nhân Kpă Bum – Sống ở buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, cho biết:“Giai đoạn khó nhất khi làm đàn Goong là chỉnh âm thanh. Chỉnh âm thanh rất là khó. Ta phải chỉnh cho tốt, âm thanh phải trong thì khi đánh nó mới hay và người nghe sẽ cảm nhận được cái hay của bài hát. Nếu âm thanh bị rè thì không hay, tai nghe sẽ bị chói và khi đó ta phải chỉnh lại cho âm thanh trong lại. Đàn Goong thường dùng để đánh khi hát các bài hát dân ca của người Jrai.”
    Mặc dù dân ca Jrai không còn phổ biến như xưa, nhưng ta vẫn có thể được nghe âm thanh đó vang lên trên sân khấu, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hay trong các buổi sinh hoạt của người Jrai. Nghệ nhân Kpă Bum – Sống ở buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa, chia sẻ: “Hiện nay tôi đã gần 70 tuổi rồi, sức khỏe yếu hơn trước rất nhiều. Bây giờ, tôi muốn dậy cho con cháu trong buôn làng, biết văn hóa, phong tục, dân ca của người Jrai, biết cách đánh đàn Goong, Cồng Chiêng. Để văn hóa của người Jrai mãi mãi được lưu truyền về sau.”
    Giọng hát mộc mạc vang lên cùng tiếng đàn Goong, hòa chung với âm thanh của núi rừng, đã mang đến cho dân ca Jrai một nét riêng không nơi nào có được.  
T/h: Nguyên Anh, Sơn Trung