Đánh thức tiềm năng du lịch huyện Krông Pa

28/09/2022
       Núi thẳm lô nhô viền quanh như nét mày cong tạo nên thung lũng Krông Pa, mệnh danh là “chảo lửa”. Nhưng, ở đây có những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn; nhiều con suối, dòng thác, sông ngòi, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo đẹp đến mê hồn góp phần đem lại màu xanh tươi mát quanh năm cho vùng đất. Nắng đấy, gió đấy cùng con người cần cù chịu khó, thông minh sáng tạo đã làm nên thương hiệu vùng nguyên liệu thuốc lá vàng; đặc sản bò một nắng, dê cỏ, muối kiến vàng … gắn với địa danh Krông Pa. Và, vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ mà thiên nhiên hào phóng ban tặng, con người tôn tạo – là tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch lễ hội truyền thống đã, đang và sẽ được đánh thức.
      1. Nhận xét chung, đất và người Krông Pa tạo ấn tượng sâu sắc với khách phương xa bởi chứa đựng trầm tích vỉa tầng văn hóa truyền thống, điểm xuyết nét hiện đại mang tầm nhìn chiến lược, lâu dài; thiên nhiên đậm nét hoang sơ, hùng vĩ mà không kém phần lãng mạn! Chẳng phải ngoa dụ, hồ Phú Cần, hồ Ia Mlah; cầu Lệ Bắc, cầu Ia Rmok mang tầm vóc những công trình thế kỷ đáp ứng mục tiêu dân kế, dân sinh không chỉ riêng địa bàn huyện. Từ ngày cầu Lệ Bắc được  xây kiên cố, đèo Tô Na hạ bớt độ cao, nắn độ cong; quốc lộ 25 được mở rộng, nâng cấp… địa danh Krông Pa không còn quá đỗi xa xôi đến nỗi, lên Pleiku mà người dân ở đây lại bảo lên Gia Lai. Tựa hồ, Krông Pa là huyện ngoại tỉnh!
      Thì cùng nhau làm cuộc hành trình ‘phượt’ vùng đất Krông Pa.
      Khởi hành từ thị trấn Phú Túc, bằng xe gắn máy chừng hơn vài mươi phút trên con đường liên xã trải nhựa phẳng phiêu ngang qua cánh đồng lúa nước, cánh đồng dưa, cây màu các loại biến ảo sắc màu, bạn sẽ đến cầu Ia Rmok uốn cong vắt ngang dòng sông Ba. Tựa thành cầu, dù thời điểm nào trong ngày, quanh năm ta luôn được đắm mình trong hơi nước khi mơn man, lúc khơi lộng khỏa lên từ lòng sông Ba mênh mông, trong xanh. Qua mùa mưa lụt, chiều xuống thuyền câu mấy chiếc neo dọc bờ dập dềnh theo sóng nước. Bát ngát gió nồm lên. Cuối xuân, dọc bãi bồi thẳm xanh một màu xanh của cây thuốc lá, ruộng dưa hấu vào vụ. Thấp thoáng dáng người nông dân cầm vòi nước tưới tắm cho cây hay lom khom thu hoạch sản phẩm. Dáng người như những dấu chấm nhỏ di động trong nắng cuối chiều váng vất tạo nên hoạt cảnh thật hữu tình! Sang thu, buổi sớm thường kéo dài, không gian nơi đây nghi ngút sương nối trời với đất, với lòng sông mênh mông khói toả. Cảnh vật hai bên bờ sông ảo mờ, chùng chình trôi đẹp như bức tranh thủy mặc.
IMG20200226084612.jpg
Làng đồng bào Jrai. Ảnh: Đình Phê
      Từ trung tâm thị trấn Phú Túc, du lịch ‘phượt’ về hồ nhân tạo Ia Mlah trên con đường trải nhựa ngang qua những buôn làng. Những nếp làng nhà sàn truyền thống, nhà mới xây đan xen dọc hai bên đường thu vào tầm mắt. Những em bé Jrai  đôi mắt tròn xoe, đen nhánh cùng nụ cười hồn nhiên gửi lời chào thân thiện, làm quen. Chớm trưa ngày lặng gió, đi dọc bờ đập, phóng xa tầm mắt mặt hồ xanh trải mênh mông lăn tăn sóng gợn. Không xa, cồn đất rộng rợp tán cây rừng có mấy chiếc thuyền câu neo đậu. Gợi nỗi ước thầm, giá như được ngồi trên chiếc du thuyền dạo quanh hồ tận hưởng hơi gió mát lành, thu vào tầm mắt núi xa núi gần, hòn cao hòn thấp. Ghé chân bãi vắng hoang sơ lấy phiến đá làm giường, tán cây rừng làm mái ngả lưng đón giấc trưa nồng. Hay quây quần bên nhau nơi cồn đất rộng nướng con cá hồ ăn ghém lá rừng, chấm muối kiến vàng, muối lá é. Rồi lại hình dung, được nghỉ qua đêm gian nhà sàn nằm dọc mương thủy lợi dưới chân bờ tràn lấy chiếu cói lót lưng, mùng thưa tránh muỗi, gió trời quạt mát, côn trùng ru giấc, tiếng nước chảy làm đàn, lơ mơ ngủ cùng chim trời gọi đàn về tổ; tỉnh giấc cùng tiếng chim mách lẻo hoan ca đón ánh mặt trời… mà gợi nhớ, gợi thương; trút phiền, tìm vui!
IMG20200227095017-(1).jpg
Suối Ia Djip, thắng cảnh hoang sơ. Ảnh: Đình Phê
      Krông Pa có nhiều thác nước đẹp, nổi tiếng có thác nước Ea Tral hay thác nước Ia Djip. Tuy nhiên, đường đến còn rất khó khăn, lại chưa có dịch vụ làm việc dẫn đường, hạ trại, ăn uống… Nếu chọn suối Ia Djip ở xã Chư Drăng làm điểm đến vì không quá xa trung tâm huyện, cũng phải mất hơn 1 giờ trải nghiệm trên con đường đất hẹp gập gềnh, chao xóc, bụi mù cuốn theo chân, lởm chởm đá dăm, cua gấp ngoặt, xuống dốc rồi lại ngược chẳng khác phim hành động mới đến được.
      Suối Ia Djip dài hơn 3 km, bắt nguồn từ dãy Chư But. Lòng suối khá rộng, lọt thỏm hai bên là rừng. Tháng xuân, suối nước cuộn chảy thành dòng lớn lách mình qua những phiến đá to đá nhỏ xếp nối, dựng lô nhô. Gặp quãng rộng, nước lặng như hồ, rồi đổ xuôi thành dòng thác nhỏ. Men theo cánh rừng ngược, suối hẹp dần, chảy xiết, đá dựng cao hơn, trập trùng chênh vênh. Nhiều cây rừng cổ thụ,  rễ lộ thiên bám vào đá núi như những con rắn khổng lồ trườn mình ra suối. Nếu đi một mình, yếu bóng vía, bạn có cảm giác liêu trai hơn là tiên cảnh!
      2. Cư dân Jrai tại chỗ ở Krông Pa vẫn còn giữ “mùa tết” với “hệ thống” nghi lễ và hội hè, gọi chung là mùa Ning nơn, diễn ra tưng bừng cận trước và sau tết Nguyên Đán. “Mùa tết” nhằm vào mùa khô, vụ lúa rẫy, cây ngũ cốc khác đã thu hoạch; vật nuôi, thú rừng đang độ trưởng thành; con người ở giai đoạn nông nhàn. Cùng với quan niệm vạn vật hữu linh, lễ hội được tiến hành: Mừng lúa mới, Pơ thi, cúng các Yàng (Yàng Đak (nước) Yàng cây, Yàng suối, Yàng rừng...) diễn ra theo qui mô họ tộc, cộng đồng làng.
      Vòng đời người Jrai từ lúc sinh ra cho đến khi nằm xuống có rất nhiều nghi lễ. Đi kèm với lễ là hội. Pơ thi (lễ bỏ mả) là cuộc chia tay vĩnh viễn giữa người sống và người chết, tiễn người chết về cõi Atâu (cõi ma). Đây là lễ quan trọng nhất nên tất nhiên được tổ chức to nhất.
      Lễ trọng thì hội phải lớn nên công tác chuẩn bị kéo dài không chỉ 1 năm, mà có khi đến 3 năm, 5 năm hay lâu hơn nữa tính từ lúc người qua cố được chôn cất, đến khi gia chủ hội tụ đủ điều kiện mới tổ chức. Lễ quan trọng đâu chỉ cồng chiêng đội này mệt thì nghỉ, đội khác thay, mà trước đó còn phải dựng nhà mồ, tượng nhà mồ. Còn rủ nhau lên rừng chặt cây làm cột, làm kèo, đẽo tượng; bứt dây mây để buộc; cắt tranh săn làm mái; chặt tre nứa làm rào chắn… Đàn ông, đàn bà cả làng giúp nhau.
      Vào hội là chiêng. Chiêng trẻ, chiêng già cùng nhau, thay nhau quanh nhà mồ, nơi bãi trống nghĩa địa cho âm vang ngân dài theo cánh gió, va vào vách núi, vọng đến tận cõi Yàng… Và xoang, nhịp đung đưa, tay nắm tay nới rộng không ngừng. Cùng với chiêng, với xoang là những chú hề ngộ nghĩnh (Pơtual) múa hề (xoang bram). Nhìn vào cách hóa trang, ta có thể nhận ra vai trò của họ. Những Pơtual múa hề (xoang bram) thường bôi một lớp đất sét, miệng ngậm vật tròn để làm biến dạng, làm tăng sự biểu cảm trên gương mặt, sau lưng gắn một chiếc đuôi trông giống như chú khỉ. Những Pơtual múa rối (xoang brim) thường hóa trang cầu kỳ hơn bằng rễ cây si, lá chuối khô, bao tải rách, tua rua vót từ nan tre nứa… Bram xuất hiện với nhiều hình tượng khác nhau, lúc mang dáng điệu của một con khỉ, lúc giống một con vật, khi biến thành người thọt chân, một thằng gù… cho người xem thả sức tưởng tượng.
      Hội to được đánh giá bằng số lượng con vật hiến tế, bằng rượu ghè, rượu gạo, bia chai, bia lon… cùng thời gian kéo dài, cùng mức say tỉnh, tỉnh say của người dự hội dù vui, dù buồn. Người mất thuộc diện gia đình kinh tế khá giả, con cháu đông đúc, trưởng thành thì Pơ thi càng to. Thịt tươi, rượu ngon, cơm nóng, say rồi tỉnh, tỉnh rồi say. Tỉnh thì rượu thịt, chiêng, xoang. Ngật ngưỡng chào nhau, ngật ngưỡng nói cười, chân xiên đá chân chiêu ôm vai bá cổ. Kinh-Thượng anh em, tiếng được tiếng mất vẫn vui, vẫn hiểu nhau, đôi khi chỉ qua nụ cười. Say thì bạ đâu nằm chẳng được. Đất mênh mông, trời bát ngát của ta! Đàn ông thì là ngà, đàn bà thì lật ngật!
      Bạn là du khách từ phương xa? Xin mời cùng tham gia hội với dân làng, cùng xoang, cùng say với hội!
RƠ Ô TRÚC