“Dân vận khéo” trong xây dựng Nông thôn mới ở huyện Krông Pa

17/01/2018
    Với phương châm hướng mạnh công tác dân vận về cơ sở, thời gian qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo Ban Dân vận Huyện ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” (XDNTM) và đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận. Người dân đã nhận thức rõ về vai trò chủ thể của mình trong thực hiện chương trình XDNTM, bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khởi sắc.
    Xã Phú Cần là một trong những xã điểm về xây dựng Nông thôn mới, trong những năm qua, Đảng ủy, chính quyền luôn xác định công tác dân vận là một trong những nội dung quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong phong trào toàn dân chung sức XDNTM. Khối dân vận xã đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, đoàn viên, hội viên thi đua thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM. Cấp ủy, ban công tác mặt trận thôn, buôn luôn tạo điều kiện để người dân được bàn bạc dân chủ, công khai, được làm, được kiểm tra, giám sát. Khi quyền làm chủ được phát huy, người dân càng hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình. Nhờ vậy, hầu hết các chủ trương, kế hoạch của xã, của thôn, buôn về XDNTM đều được triển khai thuận lợi, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Bằng nguồn hỗ trợ, đóng góp của nhân dân, nhiều hạng mục công trình của địa phương đã được đầu tư xây dựng như đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, trường học, trạm y tế xã...
    Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Quang Lực, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Krông Pa, cho biết: Xác định “Dân vận khéo” là một trong những yếu tố quyết định sự thành công trong thực hiện XDNTM nên ngay từ khi triển khai, Ban Dân vận Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn khối dân vận xã, thị trấn và phối hợp với các tổ chức chính trị, đoàn thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động để hội viên, đoàn viên và nhân dân hiểu rõ quyền lợi, trách nhiệm trong việc đóng góp sức người, sức của cùng tham gia XDNTM; lồng ghép nội dung XDNTM vào các cuộc họp, sinh hoạt của các chi tổ hội, đoàn thể, tùy theo chức năng, nhiệm vụ để xây dựng các mô hình dân vận khéo phù hợp, hiệu quả. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận từ huyện đến cơ sở thường xuyên được kiện toàn và đổi mới các nội dung công tác tuyên truyền theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để có biện pháp giúp đỡ phù hợp. Từ đó, nhận thức của người dân về XDNTM đã được nâng lên rõ rệt và tạo sự chuyển biến tích cực, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên, đoàn viên tham gia.
    Toàn huyện có khoảng 30 mô hình “Dân vận khéo”, nổi bật như mô hình: “Vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” của MTTQ xã Phú Cần; “Hàng rào xanh” của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Mlah, Đất Bằng; “Đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa” của Hội liên hiệp phụ nữ xã Ia Rsiơm; nông dân sản xuất, kinh doanh, làm kinh tế giỏi của Hội Nông dân huyện và nhiều mô hình tuyên truyền, vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vảo sản xuất; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo thêm việc làm, thu nhập; chỉnh trang nhà cửa, giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội...Nhiều đơn vị có những cách làm sáng tạo, phù hợp, đã huy động nhân dân hiến đất, đóng góp tiền của, công sức xây dựng các công trình phúc lợi xã hội.
    Trong quá trình triển khai công tác dân vận, các cấp ủy đảng, chính quyền, hệ thống dân vận trong huyện luôn chú trọng phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức để nhân dân dân tham gia ý kiến vào việc xây dựng đề án, quy hoạch tổng thể; các dự án phát triển kinh tế- xã hội của địa phương nhằm thực hiện các mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM; đóng góp ý kiến vào việc xây dựng cơ chế huy động sự đóng góp, tham gia của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đồng thời, tích cực vận động, tranh thủ sự đồng tình, giúp đỡ, tham gia của các tổ chức, cá nhân nhằm huy động các nguồn lực, các nguồn vốn đầu tư cho chương trình. Khối dân vận cơ sở đã tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo, phân công Mặt trận, các đoàn thể phụ trách từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương; tổ chức phát động hội viên, đoàn viên hăng hái, gương mẫu đi đầu trong xây dựng NTM, tạo niềm tin trong nhân dân.
    Thực tế xây dựng nông thôn mới ở các địa phương cho thấy, nhân dân nhiều nơi đã tình nguyện hiến đất để xây dựng các công trình công cộng của xã. Đơn cử, như nhân dân xã Phú Cần, Chư Ngọc, Đất Bằng, Krông Năng … đã hiến hàng ngàn mét vuông đất để làm đường giao thông, rồi đến gia đình hội viên cựu chiến binh các địa phương hiến trên 4.500 mét vuông để làm đường. Chính vì vây, tiêu chí giao thông đã được các địa phương cơ bản hoàn thành.
    Một tiêu chí quan trọng của xã nông thôn mới là phải có nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở nhiều địa phương của huyện Krông Pa vẫn trong tình trạng manh mún. Muốn có nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại thì phải tiến hành cơ giới hóa trong sản xuất. Để giải quyết vẫn đề này, cả hệ thống chính trị của huyện đã cùng vào cuộc tuyên tuyên truyền vận động nhân dân triển khai xây dựng cánh đồng mía lớn với diện tích 30 ha và liên thửa là 5 ha của 20 hộ dân trên địa bàn xã Ia Mlah. Ngoài xây dựng cánh đồng lớn đối với cây mía, thì huyện đng tập trung tuyên truyền nhân dân triển khai cánh đồng lớn đối với lúa tại xã Phú Cần và cây sắn ở các xã khác. Phấn đấu đến năm 2020, sẽ xây dựng 5 cánh đồng lớn trồng sắn với diện tích khoảng trên 3.000 ha và đến năm 2025, tiếp tục xây dựng 10 cánh đồng lớn với diện tích trên 6.000 ha. Còn đối với cây lúa, sẽ xây dựng cánh đồng lớn với diện tích khoảng trên 340 ha tập trung ở xã Phú Cần và Uar. Để làm được điều này, ngoài sự hỗ trợ bằng cơ sở vật chất, khoa học kỹ thuật, thì công tác dân vận khéo để người dân ý thức rõ tầm quan trong để thực hiên là việc làm cần thết, và quyết định yếu tố thành công.
    Một tiêu chí quan trọng nhưng rất khó khăn để đạt được trong xây dựng nông thôn mới đó là tiêu chí môi trường. Tuyên nhiên, việc làm này đã được các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến xã cùng vào cuộc để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện và đã cho thấy hiệu quả thiết thực. Tại xã Ia Mlah, toàn thể cán bộ đảng viên trong xã phải tiên phong đi đầu trong việc xây dựng công trình vệ sinh khép kín hợp vệ sinh, nuôi nhốt gia súc cách xa nhà ở. Cho đến nay, đã có gần 40% cán bộ, đảng thực hiện. Đồng chí Ksor Thiều, Bí thư Đảng ủy xã Ia Mláh cho biết, xã tổ chức yêu cầu các cán bộ, đảng viên phải làm 3 công trình vệ sinh chuồng trại phải dời xa nhà không để ô nhiễm, công trình nhà tắm nhà vệ sinh, chúng tôi đã họp quán triệt nói rõ ràng việc làm nhà vệ sinh là cấp thiết phải chấp hành, đồng chí nào không chấp hành sẽ xử lý nghiêm. Chúng tôi đã thành lập 8 tổ kiểm tra, các đồng chí nào đã làm 3 công trình vệ sinh theo sự chỉ đạo của xã xác nhận xong ký giấy biên bản ghi nhớ.
    Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Krông Pa tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức rõ hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi trong tham gia XDNTM. Đồng thời, cùng với cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt  quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Hoàng Văn Vĩnh
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Pa