Phát huy dân chủ cơ sở trên địa bàn huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai hiện nay

16/04/2024
Trong những năm qua, huyện Krông Pa đã xác định rõ việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể; gắn việc phát huy dân chủ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
qcdc.jpg
Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã chú trọng đổi mới trong công tác lãnh đạo về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, từ đó tạo sự tin tưởng của quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước và sự đồng thuận trong nội bộ quần chúng. Việc phát huy dân chủ đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Qua đó, phát huy quyền làm chủ, huy động được sự đóng góp tích cực của nhân dân vào sự phát triển của địa phương. Kết quả đạt được cụ thể ở từng địa phương, cơ quan, doanh nghiệp như sau:
Thứ nhất, kết quả thực hiện quy chế dân chủ đối với loại hình xã, thị trấn:
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn chú trọng triển khai thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, chú trọng công tác cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, quan tâm giải quyết phản ánh, kiến nghị, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Thực hiện tốt việc công khai tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp xã, trên hệ thống truyền thanh, trang thông tin điện tử cấp xã, qua họp dân để thông báo đến nhân dân về các nội dung công khai (theo điều 5, chương II, Pháp lệnh 34/2007/PL-UBTVQH11, sau này được quy định tại Mục 1, Chương II, Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở) và tổ chức cho Nhân dân bàn và tham gia ý kiến như: các khoản đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo dân chủ, công khai, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Từ đó tạo không khí dân chủ, đồng thuận để cùng nhau thi đua hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện rõ nét và từng bước đi vào nề nếp, tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, nhất là thực hiện cải cách thủ tục hành chính, đến nay có 14/14  đơn vị cấp xã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa điện tử liên thông”, “một cửa điện tử hiện đại”([1]). Đến cuối năm 2023, huyện Krông Pa đã công bố và niêm yết công khai 172 TTHC thuộc thẩm quyền cấp xã; cũng trong năm 2023 đã giải quyết hồ sơ TTHC tại UBND các xã, thị trấn tiếp nhận là 22.258 hồ sơ, trong đó đã giải quyết 20.115 hồ sơ; các hồ sơ còn lại đang tiếp tục được giải quyết theo đúng trình tự, quy trình; đã tổ chức tiếp 115 lượt, 115 người với 98 vụ việc mới. Tổ chức có hiệu quả việc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Hàng năm, có 14/14 xã, thị trấn đã ban hành kế hoạch và tổ chức đối thoại. Các xã, thị trấn tiếp tục được quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của ban giám sát đầu tư cộng đồng, ban thanh tra nhân dân, qua đó góp phần phát huy dân chủ, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, giảm thiểu đơn thư khiếu nại, tố cáo. Việc thực hiện hương ước, quy ước ở 77 thôn, buôn, tổ dân phố tiếp tục được thực hiện gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; tỷ lệ đăng ký thôn, buôn văn hóa đạt 100%; tỷ lệ hộ gia đình đăng ký gia đình văn hóa hàng năm đạt trên 80%. Nhiều lễ hội, sự kiện dân gian được tổ chức, phục dựng, phát triển, lưu truyền và tổ chức biểu diễn, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, con người Krông Pa như Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số, hội chợ kết nối nông sản; phục dựng lễ hội đâm trâu, cúng bến nước, cúng lúa mới…
Đảng ủy các xã, thị trấn tiếp tục quan tâm chỉ đạo UBND và Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, xã Phú Cần, Ia Mlah, xã Uar đạt chuẩn nông thôn mới; có 05 buôn đạt nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số (buôn Mlah - xã Phú Cần và buôn Prong - xã Ia Mlah, buôn Ma Rôk - xã Chư Gu; buôn Tiang - xã Uar; buôn Luk xã Phú Cần); Cơ sở hạ tầng nông thôn tiếp tục được đầu tư, các chính sách đối với người có công với cách mạng, người nghèo, các đối tượng Bảo trợ xã hội được chú trọng quan tâm, giải quyết đúng quy định, các hoạt động nhân đạo, thiện nguyện được tổ chức thường xuyên, với tinh thần không ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ hai, kết quả thực hiện quy chế dân chủ đối với loại hình ở cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập:
Việc thực hiện Quy chế dân chủ đã được các cơ quan, đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chuyên đề hàng năm; thực hiện các quy định về đạo đức công vụ, văn hóa công sở. Ngay từ đầu năm, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đã phối hợp với Công đoàn cơ sở cùng cấp tổ chức Hội nghị cán bộ công chức theo đúng hướng dẫn, qua đó tạo điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức tham gia đóng góp ý kiến xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế dân chủ, báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ cơ quan, đăng ký giao ước thi đua; những thắc mắc trong nội bộ cơ quan được giải quyết trực tiếp thông qua đối thoại, công khai kết quả kiểm tra, giám sát của Ban thanh tra nhân dân. Tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đến nay 97/97 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp (đạt 100%) đã đăng ký cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa.
Cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị luôn quan tâm, công khai, minh bạch trong thực hiện các chế độ, chính sách, nhất là việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, kinh phí hoạt động hàng năm, tài sản, trang thiết bị của cơ quan. Thực hiện nghiêm túc Quy định số 600-QĐ/HU ngày 07 tháng 4 năm 2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về công tác quy hoạch cán bộ, các cơ quan, đơn vị đã tiến hành công tác quy hoạch và rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ, các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2020-2025, 2021-2026 và nhiệm kỳ 2025-2030, 2026 - 2031 đảm bảo khách quan, dân chủ, đúng quy định.
 Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, các thủ tục hành chính được công khai, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức thực hiện. Tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan, địa phương (theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ). Năm 2023, bộ phận một cửa cấp huyện đã tiếp nhận 4.957 hồ sơ, hầu các hồ sơ được tiếp nhận giải quyết đúng hạn. Trong năm 2023, Ban tiếp công dân huyện cùng với các cơ quan, đơn vị tiếp 149 lượt, 149 người với 121 vụ việc mới([2]). Về công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo, UBND huyện đã tiếp nhận 39 đơn kiến nghị; các đơn thuộc thẩm quyền được giải quyết đúng thời hạn, các đơn không thuộc thẩm quyền được hướng dẫn, thực hiện theo đúng quy trình.
Việc thực hiện dân chủ được gắn với triển khai thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy. Các kỳ thi tuyển công chức cấp xã, viên chức giáo viên được giao thẩm quyền đều được tổ chức đảm bảo dân chủ, công khai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công vụ, việc chấp hành giờ giấc làm việc, văn hóa công sở của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và xử lý nghiêm các hành vi cửa quyền, tham nhũng, tiêu cực, gây phiền hà cho nhân dân([3]). Qua đó tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, ý thức phục vụ Nhân dân được nâng lên.
Thứ ba, kết quả thực hiện quy chế dân chủ đối với loại hình doanh nghiệp:
Trong những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm thực hiện, đến nay có 09/09 doanh nghiệp (trong đó 03 doanh nghiệp có tổ chức đảng, 07 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn) thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 145/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, cũng như ký kết các thỏa ước lao động tập thể. Qua đó, các doanh nghiệp đã thực hiện việc công khai với người lao động về tình hình sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động; nội quy lao động, thang lương, bảng lương, định mức lao động, nội quy, quy chế và các văn bản quy định khác của người sử dụng lao động liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người lao động; công khai và thực hiện thỏa ước lao động tập thể; việc trích lập, sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và các quỹ do người lao động đóng góp; việc thực hiện thi đua, khen thưởng. Tỷ lệ doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động đạt 100%. Tỷ lệ doanh nghiệp đã thực hiện ký kết, thỏa ước lao động tập thể đạt 100%; không có đình công, bãi công tập thể.
Trong thời gian qua, việc vận dụng tư tưởng Dân chủ Hồ Chí Minh vào việc phát huy dân chủ cơ sở trên địa bàn huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai bước đầu đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản về triển khai thực hiện dân chủ còn có mặt hạn chế, chưa đầy đủ, thường xuyên; nội dung, hình thức công khai chưa đa dạng, phong phú để người dân tiếp nhận thông tin, công tác cải cách hành chính ở một số lĩnh vực còn bất cập; còn tình trạng một số cán bộ có trách nhiệm không muốn triển khai thực hiện, phát huy dân chủ cơ sở hoặc triển khai một cách hình thức, chiếu lệ. Những hạn chế này xuất phát từ những điều kiện khách quan cũng như các nhân tố chủ quan, cần thiết phải triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả phát huy dân chủ cơ sở trên địa bàn huyện Krông Pa, Gia Lai
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước về phát huy dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục phổ biến, quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu, cán bộ, đảng viên; nắm vững các quan điểm chỉ đạo của Trung ương, tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân  không ngừng nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ ở cơ sở. Đổi mới nội dung, hình thức thông tin, tuyên truyền các văn bản liên quan đến thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của cấp ủy các cấp, các quy định của pháp luật thường xuyên, sâu rộng đến địa bàn dân cư, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động. Nâng cao chất lượng sinh hoạt tại các thôn, buôn, tổ dân phố.

Thứ hai, tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở: kiện toàn đủ số lượng cấp ủy viên; nâng cao năng lực lãnh đạo và chất lượng đội ngũ đảng viên về mọi mặt như năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị. Củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng tinh gọn, khắc phục sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giúp nhân dân thấy rõ quyền lợi của mình, tự giác thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ công dân và quyền dân chủ trực tiếp theo pháp luật; Xây dựng và thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Phát huy vai trò nòng cốt của mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Gắn việc thực hiện dân chủ trực tiếp với dân chủ đại diện, bảo đảm công khai, minh bạch; tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ công dân.

Thứ ba, nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ, công chức, đảng viên và Nhân dân trong việc phát huy dân chủ ở cơ sở. chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin kịp thời, chính thống cho cán bộ, công chức, đảng viên và nhân dân để định hướng dư luận, nhận diện rõ tình hình, các tiêu cực, sai trái; nắm bắt dư luận xã hội, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân để kịp thời tuyên truyền, vận động, xử lý ngay các vấn đề phức tạp. Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo nói riêng, đặc biệt là người tại chỗ, có kinh nghiệm, am hiểu địa bàn, tiếng địa phương, có đạo đức trong sáng, phẩm chất chính trị vững vàng, có năng lực hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thực hiện tốt công tác phổ cập giáo dục nhằm nâng cao trình độ dân trí và khả năng hiểu biết của nhân dân về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ tư, phát huy dân chủ ở cơ sở gắn với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao trình độ dân trí. Tạo điều kiện thuận lợi và giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai các dự án tại địa phương; xây dựng và mở rộng nhiều mô hình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh xã hội hóa và nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, an ninh - trật tự. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm chính sách, pháp luật được thực thi có hiệu quả; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi để nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Thực hiện Quy chế dân chủ gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng với nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần chú trọng việc tổ chức triển khai quán triệt sâu sắc các văn bản về công tác dân vận. Xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể có trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, tạo thuận lợi cho người dân hiểu, đồng thuận. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân sát với thực tiễn, có tính thuyết phục cao, thường xuyên sâu sát, gần gũi nắm bắt tình hình, trong Nhân dân để có nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp, kịp thời.

Tóm lại, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể thì việc thực hiện dân chủ cơ sở ở huyện Krông Pa ngày càng có sự chuyển biến rõ rệt; vai trò của nhân dân ngày càng được phát huy thông qua vai trò giám sát của các tổ chức đoàn, hội và việc tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị trên địa bàn huyện. Phát huy dân chủ và thực hiện dân chủ ở cơ sở không chỉ góp phần củng cố, kiện toàn tổ chức Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân ở cơ sở, không chỉ là giải pháp để hạn chế sự tha hoá quyền lực, chống lại tệ quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước mà nó còn khơi dậy sức mạnh tiềm tàng của quần chúng lao động, phát huy cao độ mọi tiềm năng, trí tuệ của toàn thể nhân dân trong quá trình xây dựng quê hương Krông Pa ngày càng giàu mạnh.

([1]) Theo quy định tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP, ngày 23/4/2018 của Chính phủ.
([2]) Thường xuyên: 59 lượt, 59 người, 48 vụ việc mới; định kỳ và đột xuất: 90 lượt, 90 người, 73 vụ việc mới
([3]) Đã tổ chức được 5 cơ quan, đơn vị (chưa phát hiện CBCCVC nào có hành vi vi phạm)
LƯU THƯƠNG