Tái diễn tình trạng “hủy hoại rừng”, bị cáo nhận án tù

28/01/2024
Sáng 25 tháng 01 năm 2024, Tòa án nhân dân huyện Krông Pa đã mở phiên tòa xét xử công khai trực tiếp và tuyên phạt bị cáo Rcăm Th (tên gọi khác: Ama T), sinh năm 1982 (trú tại: Buôn Ia Prông, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) 01 (một) năm tù giam về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự; đồng thời buộc bồi thường thiệt hại với số tiền hơn 64 triệu đồng.
Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án, trong tháng 12/2022, do không có đất sản xuất, Rcăm Th đã dùng dao quắm, cưa xăng hủy hoại diện tích 6.400m2 rừng tự nhiên, loại rừng sản xuất tại lô 12, khoảnh 12, Tiểu khu 1351, xã Đất Bằng, thuộc loại rừng sản xuất, trạng thái rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh chưa có trữ lượng, cây chặt có đường kính gốc từ 08cm đến 30cm, chiều cao gốc chặt từ 13cm đến 95cm. Thân cây bị chặt đỗ ngã còn nằm tại hiện trường, cành lá khô, các cây bị chặt hạ chủ yếu là Thành Ngạnh, Kơ Nia, Ké, Trâm, Nhàu, Muồng, Bằng Lăng, SP… khối lượng gỗ bị thiệt hại 10,303 m3, gây tổng thiệt hại là 64.270.917 đồng.
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án, đặc điểm nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, hoàn cảnh của bị cáo và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo mức án nghiêm khắc, đảm bảo dúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Rừng là nguồn tài nguyên rất quý giá của mỗi quốc gia, là một bộ phận quan trọng không thể thiếu của môi trường. Rừng có giá trị vô cùng lớn đối với đời sống, sản xuất của xã hội, là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội và giữ chức năng sinh thái cực kỳ quan trọng. Hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng của quốc gia đang được Nhà nước và nhân dân quan tâm chăm sóc, bảo vệ nên bị cáo phải chịu trách nhiệm do hành vi của mình gây ra và phải nhận mức án nghiêm khắc trước pháp luật.
Trong thời gian qua, mặc dù đã tích cực tuyên truyền, tăng cường tuần tra, xử lý, xét xử nhưng tình hình tội phạm vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ rừng tại địa phương vẫn diễn ra hết sức phức tạp.
 Để xảy ra tình trạng hủy hoại rừng, bị hại Ủy ban nhân dân xã Đất Bằng cũng có một phần trách nhiệm khi đã thiếu kiểm tra, kiểm soát đối với diện tích rừng được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ để xảy ra tình trạng huỷ hoại rừng diễn ra trong một thời gian dài, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Do đó, thông qua việc xét xử vụ án, Hội đồng xét xử kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã Đất Bằng trong việc để xảy ra tình trạng huỷ hoại rừng, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước nêu trên.
ĐINH HẢI BIỂN