Huyện Krông Pa sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung về “Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”.

25/04/2017
       Xác định hoạt động tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tư tưởng của Đảng.
      Từ đó,  sớm đưa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng- Nhà nước đi vào cuộc sống. Trong 10 năm qua, nhất là sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X)  ban hành Chỉ thị 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 về “Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới”, công tác tuyên truyền miệng và hoạt động của báo cáo viên được quan tâm; các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng các cấp đến cán bộ, đảng viên và nhân dân; kịp thời định hướng và cung cấp thông tin đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn Đảng bộ huyện. Từ năm 2007 đến nay, cấp ủy các cấp từ huyện đến cơ sở đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt được 290 lớp học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng các cấp với trên 17.696 lượt người nghe; tổ chức tuyên truyền, thông tin tình hình thời sự trong nước và quốc tế, tình hình biển đảo 24 lớp với 2.083 lượt người tham gia; cung cấp khoảng hơn 300 loại tài liệu tham khảo, đề cương tuyên truyền về ý nghĩa các ngày lễ kỷ niệm; các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước; cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên
       Trong mỗi nhiệm kỳ và hàng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn kịp thời thành lập và củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên của huyện đảm bảo đủ về số lượng, chất lượng. Đồng thời, xây dựng quy chế hoạt động, phân công từng đồng chí báo cáo viên phụ trách lĩnh vực, địa bàn hoạt động. Nếu như nhiệm kỳ 2005-2010, đội ngũ Báo cáo viên của huyện có 22 đồng chí, 100% công tác ở các cơ quan ban ngành, đoàn thể huyện. Nhiệm kỳ 2010-2015, đội ngũ Báo cáo viên của huyện có 30 đồng chí, trong đó 16 đồng chí công tác ở các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện và 14 đồng chí công tác ở các xã, thị trấn. Đến nay, tổng số báo cáo viên Huyện ủy 28 đồng chí, trong đó 22 đồng chí công tác ở các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện và 06 đồng chí công tác ở các xã, thị trấn (trong đó về trình độ chuyên môn đại học 26 đồng chí chiếm 92,9%; về lý luận chính trị: cử nhân 04/28 đồng chí, cao cấp 26/28 đồng chí). Việc quản lý đội ngũ Báo cáo viên ngày càng đi vào nền nếp và từng bước hoạt động có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu thông tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
       Công tác bồi dưỡng nghiệp vụ và cung cấp thông tin cho đội ngũ báo cáo viên hoạt động cũng được chú trọng. Hằng năm, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp, định hướng thông tin cho báo cáo viên, tuyên truyền viên của huyện. Trong 10 năm qua (2007-2017), huyện đã tổ chức mở được 11 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ báo cáo viên, tuyên truyền viên, với trên 1.178 người tham gia.
      Điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên trong những năm qua là chú trọng đổi mới về phương pháp tuyên truyền, nâng cao khả năng sử dụng công nghệ thông tin, thay đổi báo cáo viên theo từng nội dung chuyên đề, chú trọng cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, tình hình biển đảo, tình hình quốc tế; ... Nội dung thông tin bảo đảm được tính toàn diện, hướng vào giải quyết những vấn đề cấp thiết về lý luận và thực tiễn; nâng cao tính thời sự, tính định hướng, tính chiến đấu, tính thiết thực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế như: trình độ, năng lực của một số đồng chí báo cáo viên còn hạn chế; số lượng báo cáo viên, tuyên truyền viên đông nhưng chưa mạnh, chất lượng hoạt động không đều, nhất là ở cấp cơ sở. Việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa thật sự đổi mới về nội dung, hình thức nên chất lượng tuyên truyền chưa cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của báo cáo viên còn nhiều thiếu thốn. Việc thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ cho tuyên truyền viên ở cơ sở còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao,... Công tác dự báo, nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội có lúc, có nơi chưa kịp thời…
       Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên là do: Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm đến công tác tuyên truyền miệng, xây dựng lực lượng, phương thức hoạt động,... Chất lượng báo cáo viên, truyền viên chưa đồng đều, một số còn hạn chế về trình độ các mặt, thiếu kỹ năng, chưa tích cực nghiên cứu, học hỏi nên trong quá trình tuyên truyền còn gò bó, đơn điệu, thiếu tính hấp dẫn. Một số đồng chí được lựa chọn làm báo cáo viên, nhưng do kiêm nhiệm, bận nhiều công việc chuyên môn cho nên chưa chú trọng làm tốt chức trách của người báo cáo viên và dành nhiều thời gian cho hoạt động tuyên truyền miệng. Chế độ, chính sách, điều kiện cơ sở vật chất cho hoạt động báo cáo viên còn thiếu thốn, nhất là đối với cơ sở. Công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên chưa thực sự được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên...
      Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) và Thông tri số 13-TT/TU, ngày 03/3/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể, các ban ngành từ huyện đến cơ sở cần tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
      Một là, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, các ngành chức năng tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác tư tưởng, nhất là Nghị quyết Trung ương 5, khóa X “về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới”, Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 15/10/2007 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) và Thông tri số 13-TT/TU, ngày 03/3/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền miệng trong tình hình mới” - Xác định công tác tuyên truyền miệng, hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên là một trong những kênh thông tin quan trọng nhất, trực tiếp truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phổ biến, giáo dục, quán triệt quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân,... Do vậy, đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, vì vậy các cấp ủy từ huyện đến cơ sở, các đảng viên hoạt động trên mọi lĩnh vực đều phải có trách nhiệm làm nhiệm vụ tuyên truyền miệng.
       Hai là, các cấp ủy Đảng, Mặt trận và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở phải thường xuyên quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của mỗi cấp, mỗi ngành theo hướng thiết thực, vừa hồng- vừa chuyên, có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống trong sạch, có uy tín trong tổ chức Đảng và nhân dân, có trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn; có khả năng phân tích, tổng hợp và có kiến thức sư phạm. Chú trọng xây dựng đội ngũ tuyên truyền viên ở cơ sở là những người có uy tín trong cộng đồng dân cư, là những cựu chiến binh dày dạn kinh nghiệm; Đồng thời, xây dựng phương thức hoạt động phù hợp, thiết thực, hiệu quả, phát huy cao độ các ưu thế của tuyên truyền miệng trên mặt trận tư tưởng- văn hóa; cùng với các kênh thông tin, tuyên truyền khác tạo ra sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu quả của công tác tư tưởng.
      Ba là, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, mặt trận và các đoàn thể huyện, thực hiện tốt công tác tham mưu cho cấp ủy trong công tác quản lý đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn huyện. Kịp thời định hướng, hướng dẫn hoạt động, cung cấp thông tin, nội dung tuyên truyền; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng định kỳ nhằm nâng cao cao hiệu quả, phương thức hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Cũng như, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn huyện...
      Bốn là, các tổ chức cơ sở đảng, ban ngành, mặt trận và các đoàn thể từ huyện xuống cơ sở, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên trên địa bàn huyện cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hoà bình”, lợi dụng các vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo” của các thế lực thù địch, phản động để phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời phải nắm bắt, phản ánh trung thực, kịp thời tư tưởng, tâm tư, nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của nhân dân đối với các cấp ủy, chính quyền; gắn tuyên truyền với đối thoại, trao đổi, truyền tải trực tiếp những thông tin,... 
                                                                           Hoàng Văn Vĩnh
                                                              Ban Tuyên giáo Huyện ủy Krông Pa