Krông Pa - Hành trình 45 năm hình thành và phát triển

08/04/2024
Huyện Krông Pa nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai, tiếp giáp với tỉnh Phú Yên, là cửa ngõ kết nối giữa Tây Nguyên với các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ thông qua Quốc lộ 25. Trong kháng chiến, nơi đây là cái nôi của Cách mạng, một địa bàn quan trọng, vừa là hành lang đưa đón cán bộ, vận chuyển lương thực, vừa là hậu cứ vững chắc trong việc nuôi giấu quân, củng cố lực lượng. Mặc dù đương đầu với bao nhiêu khó khăn, gian khổ nhưng với tinh thần yêu nước, yêu quê hương, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, nhân dân Krông Pa đã kiên cường trong chiến đấu, góp phần giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Khi mới thành lập, huyện có 6 xã, với khoảng 21.000 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm 90%. Đến nay, toàn huyện có 14 xã, thị trấn, với trên 93.000 người, trong đó, gần 70% đồng bào DTTS, gồm 11 thành phần dân tộc, chủ yếu là dân tộc Jrai.
tt-phu-tuc.jpg
Công viên thị trấn Phú Túc ngày nay
Từ một huyện nghèo, thuần nông, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, cơ sở hạ tầng thấp kém, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, với trên 90% dân số mù chữ; tình hình an ninh chính trị phức tạp; bộ máy tổ chức và đội ngũ cán bộ vừa thiếu, vừa không đồng bộ. Đến nay, mặc dù nông nghiệp vẫn còn chiếm tỷ trọng cao nhưng công nghiệp và thương mại-dịch vụ ngày càng phát triển, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang làm diện mạo Krông Pa có nhiều khởi sắc; Kinh tế - Xã hội phát triển khá, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao; Quốc phòng - An ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở ngày càng được củng cố vững mạnh.
So với ngày đầu thành lập, quy mô nền kinh tế tăng gấp 60 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 54 lần. Giai đoạn 2013 - 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân trên 11%; Tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp giảm 8,63%, ngành công nghiệp - xây dựng tăng 9,22%, ngành thương mại - dịch vụ tăng 12%.
Năm 1979, tổng diện tích gieo trồng khoảng 7.000 ha, chủ yếu bằng phương pháp phát đốt - chọc trỉa, tự cung tự cấp về lương thực; đến nay, tổng diện tích gieo trồng trên 50 ngàn ha, tăng hơn 7 lần, với hầu hết các khâu đã được cơ giới hóa. Thế mạnh của huyện có tổng đàn bò hơn 62 ngàn con và năm 2022, đã được Cục Sở hửu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
canh-đong-lua.jpg
Cánh đồng mía mênh mông tại xã Ia Mlah (Ảnh: Tuấn Anh)
Khi mới thành lập, toàn huyện chưa có cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp nào; đến nay, trên địa bàn huyện đã có 11 nhà máy và trên 512 cơ sở sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp lớn, nhỏ; sử dụng gần 1.000 lao động; giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt gần 2.500 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với giai đoạn trước năm 2013. Toàn huyện hiện có 3/9 dự án đăng ký đầu tư đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt và có 15 doanh nghiệp đến khảo sát, lập dự án chăn nuôi.
Mạng lưới các loại hình dịch vụ, thương mại được mở rộng và đa dạng. Chợ Phú Túc, các chợ xã, cửa hàng và hộ kinh doanh phát triển đến tận các buôn làng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho nhu cầu của Nhân dân. Toàn huyện có 126 doanh nghiệp, 21 Hợp tác xã và trên 1.500 hộ kinh doanh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ hàng năm trên 2.450 tỷ đồng.
Năm 1979, giao thông đi lại vô cùng khó khăn, cách trở, bị chia cắt bởi sông suối; hầu hết các tuyến đường liên xã, liên thôn đều chưa có; dân cư sinh sống theo từng khu vực, từng buôn làng biệt lập; việc giao lưu đi lại khó khăn cách trở, phải trèo đèo, lội suối, băng rừng; giao thông huyết mạch, chỉ có tỉnh lộ 7 cũ (nay là Quốc lộ 25) nhưng chỉ là đường đất, không có cầu cống. Trường học, bệnh viện, hầu hết là tranh tre, gỗ ván, còn tạm bợ; không điện, không nước sạch...Đến nay, 14 xã thị trấn đã có đường ô tô thông suốt đến tận các buôn làng. Các tuyến đường giao thông huyết mạch, như quốc lộ 25, Đông Trường Sơn, các tuyến đường nội thị, đường liên xã - liên thôn và một số tuyến đường ra khu sản xuất đều được kiên cố hóa với trên 1.100 km, đảm bảo cho việc đi lại và giao thương hàng hóa của nhân dân. Hệ thống trường học, bệnh viện, Trạm y tế, các công sở và doanh nghiệp được đầu tư kiên cố, tầng hóa, đáp ứng ngày càng cao cho nhu cầu học tập, khám chữa bệnh của nhân dân.
Cau-Ia-Rmok.jpg
Ảnh: Cầu Ia Rmok bắc qua sông Pa nối liền 4 xã đặc biệt khó khăn phía nam của huyện Krông Pa.
Toàn huyện hiện có 10 công trình thuỷ lợi, năng lực tưới gần 7.000 ha; đặc biệt, là 2 công trình hồ thủy lợi Ia MLah và hồ Ia Hdreh, năng lực tưới trên 6.000 ha được Trung ương và Tỉnh đầu tư trước năm 2010. Hệ thống điện lưới quốc gia đã phủ kín khắp các thôn, buôn, 99,5% dân số sử dụng điện; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93%. Mạng lưới bưu chính, viễn thông phát triển rộng khắp, 100% địa bàn dân cư, được phủ sóng điện thoại di động 3G, 4G và mạng viễn thông Internet. Toàn huyện có 3 tổ chức tín dụng, cơ bản đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhân dân, với dư nợ bình quân hàng năm trên 1.200 tỷ đồng.
Từ những ngày đầu thành lập, quy mô ngành giáo dục còn nhỏ bé, với 6 trường tiểu học và hơn 1.000 học sinh; tỷ lệ trẻ em đến trường chỉ có 25%, chất lượng giáo dục còn hạn chế nhiều mặt; trình độ dân trí rất thấp. Đến nay, toàn huyện có 48 đơn vị trường, trong đó có 30 trường đạt chuẩn quốc gia, với hơn 2,4 vạn học sinh và gần 1.300 giáo viên, trong đó, 100% giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Huyện đã được công nhận phổ cập trung học cơ sở và hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, đúng độ tuổi, mức độ 1.
Khi mới thành lập, cán bộ ngành y tế vừa thiếu, vừa yếu, cơ sở vật chất - trang thiết bị, còn tạm bợ, thô sơ và lạc hậu. Đến nay, ngành y tế không ngừng lớn mạnh, với gần 204 Y- Bác sĩ và 172 cộng tác viên dân số; 12 xã, đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ tham gia BHYT đạt 95%.
Toàn huyện có 13 Đài truyền thanh xã và 350 cụm truyền thanh không dây, phủ khắp các thôn, buôn. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được đẩy mạnh; bản sắc văn hóa DT được giữ gìn và phát huy.
Ngay-hoi-van-hoa.jpg
Ảnh: Ngày hội Văn hoá, thể thao các dân tộc thiểu số và Hội chợ kết nối nông sản Krông Pa lần thứ I, năm 2023.
An ninh chính trị trên địa bàn những ngày đầu mới thành lập hết sức phức tạp, lực lượng vũ trang huyện nhà đã lập nhiều chiến công xuất sắc, đặc biệt năm 1991 đã tiêu diệt và xóa sổ toàn bộ lực lượng FULRO có vũ trang. Trong suốt 45 năm qua, huyện Krông Pa luôn quan tâm củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận An ninh Nhân dân. Lực lượng vũ trạng huyện không ngừng lớn mạnh toàn diện, từng bước xây dựng chính quy.
Khi mới chia tách, Đảng bộ huyện có 15 chi bộ, với 204 đảng viên; năng lực, trình độ, của cán bộ đảng viên còn nhiều hạn chế. Sau 45 năm xây dựng, Đảng bộ huyện không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Đến nay, đã có 43 tổ chức cơ sở Đảng, với trên 3 ngàn đảng viên và 100% thôn, buôn, tổ dân phố điều có chi ủy, chi bộ, phát huy vai trò là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện thắng lợi, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố. Toàn huyện hiện có 1 di tích lịch sử cấp tỉnh là khu lưu niệm nơi thành lập chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên huyện Krông Pa và đang đề nghị công nhận di tích lịch sử đối với Nhà thờ Tiền Hiền.
  Ghi nhận những thành tích đạt được, Đảng - Nhà nước đã tặng thưởng cho nhân dân và cán bộ huyện Krông Pa, nhiều phần thưởng cao quý đó là: Năm 1996, huyện vinh dự được tuyên dương, phong tặng danh hiệu ”Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, cùng với 2 xã Ia Rsai, Đất Bằng và Công an huyện; năm 2005, tặng thưởng ”Huân chương lao động hạng Ba”, năm 2009 ”Huân chương Lao động hạng Nhì” và trao tặng ”Huân chương lao động hạng Nhất” vào năm 2014. Về cá nhân, có 6 ”Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, 9 ”Mẹ Việt Nam Anh hùng” và nhiều huân, huy chương cao quý khác; ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ, cũng đã trao tặng nhiều bằng khen cho các tập thể và cá nhân trong toàn huyện. Năm 2024, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Krông Pa vinh dự được UBND tỉnh Gia Lai tặng Cờ ”Vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tỉnh Gia Lai”.
Nhìn lại chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, từ một huyện nghèo, có xuất phát điểm thấp nhưng với sự nỗ lực đến nay huyện Krông Pa đã chuyển mình khởi sắc. Chặng đường tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Krông Pa có đủ niềm tin và sức mạnh để cùng nhau đoàn kết, vượt qua khó khăn, xây dựng Krông Pa ngày càng giàu đẹp, tự tin vững bước phát triển toàn diện, vững chắc hơn.
HIỀN TRẦN