Người dân cần nâng cao ý thức phòng, chống sốt xuất huyết

12/08/2018
    Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, ngành Y tế trên địa bàn huyện đã phối hợp với các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống SXH, đặc biệt là tại các ổ dịch cũ và các địa điểm có nguy cơ xảy ra dịch. Vì vậy, việc tuyên tuyền để nâng cao ý thức cho người dân trong việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết là vô cùng quan trọng.
    Hiện nay, trên địa bàn huyện tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp. Đặc biệt, thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa chính là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản, phát triển và là dịp để SXH bùng phát. Bình quân mỗi ngày TTYT huyện tiếp nhận 10 ca sốt xuất huyết, tăng hơn so với cùng kì năm trước. Vì vậy, việc tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân là rất cần thiết, để bà con có thể tự phòng chống SXH ngay từ nơi ở của mình.
    Theo TTYT huyện, hiện nay, Trung tâm đã tổ chức nhiều buổi tập huấn kiến thức phòng chống dịch cho cán bộ của trạm y tế và nhân viên y tế thôn buôn, đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về việc giữ gìn vệ sinh môi trường, áp dụng các biện pháp phòng, chống SXH trong gia đình và cộng đồng. Nhờ đó, ý thức của người dân ngày càng được nâng cao, họ đã tự biết giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, phát quang bụi rậm xung quanh nhà, không để các vật dụng có chứa nước lâu ngày làm nơi sinh sản loăng quăng, bọ gậy.  Là người luôn có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh nơi ở của mình, bà  Đặng Thị Hoa, người dân thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần cho biết:“Mình quét dọn sạch sẽ, rồi xung quanh nhà mình phát dọn cây cối ở vườn, không để ao đọng nước, chậu chum không đọng nước”.
    Việc phòng chống SXH căn bản nhất là sự tự ý thức của người dân, nhưng không phải ai cũng có hiểu biết về vấn đề này. Vì trên địa bàn huyện chủ yếu là người DTTS, trình độ dân trí còn thấp, nên công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân là rất cần thiết. Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng thôn thắng Lợi, xã Phú Cần cho biết: “Tuyên truyền bà con phát quang bụi rậm, xử lý lăng quăng sinh nở muỗi trong ao hồ của mình. Tuyên truyền bà con nếu phát hiện cơ thể mình có dấu hiệu sốt rét thì nên đến trạm y tế xét nghiệm để cho bệnh viện họ có cách chữa trị”.
Bên cạnh những hộ dân tự giác, phối hợp trong công tác phòng, chống dịch thì vẫn còn một số hộ dân còn thờ ơ, chưa hiểu đủ, hiểu đúng về dịch bệnh. Nguyên nhân một phần có thể do người dân ỷ lại và coi công tác phòng chống dịch là của các cơ quan, chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, TTYT sẽ tiếp tục tuyên truyền, tổng vệ sinh môi trường và phun hóa chất trên toàn địa bàn để người dân cùng phối hợp phòng, chống dịch, không để dịch lây lan. Về vấn đề nay, ông Trương Thanh Liêm-Phó giám đốc TTYT huyện cho biết: “Trung tâm y tế đang triển khai công việc, làm việc với chính quyền địa phương, rồi huy động ban y tế dự phòng xuống cùng với người dân dọn dẹp vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, đặc biệt là những vị trí có nước đọng, ở những điểm có số mắc bệnh SXH cao: ví dụ như Chư RCăm; khối phố 11, 12; Ia Siơm đó là những địa điểm có số ca mắc cao hơn nhưng nơi khác trên địa bàn huyện”.
    Hiện nay, bệnh SXH chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu, nếu phát hiện bệnh muộn hoặc không đưa đến các cơ sở y tế kịp thời có thể dẫn đến sốc, xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, tê liệt, trụy tim mạch, hôn mê dẫn đến khả năng tử vong cao, nhất là đối với trẻ em bị SXH. Vì vậy, mỗi người dân khi thấy có biểu hiện sốt cao kèm đau đầu, cơ thể mệt mỏi cần đến ngay cơ sở khám chữa bệnh uy tín để được chẩn đoán bệnh sớm.
    Để SXH không có điều kiện bùng phát, lây lân, ngoài các biện pháp quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch của ngành Y tế, mỗi người dân cũng cần chủ động, tích cực tham gia vào chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, muỗi gây bệnh, tự bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình. Đây là cách thiết thực và hiệu quả nhất trong công tác phòng chống dịch và giúp đẩy lùi nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng./.
Đức Mạo  - Thu Phương