LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ HUYỆN
BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN KRÔNG PA
________________ 
 
 
 
 
 

 
LỊCH SỬ
ĐẢNG BỘ HUYỆN KRÔNG PA
(1945-2007) 
 
 
 
 
 
 
 
 

 
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
Năm 2009 

 
 
 
 
BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ HUYỆN KRÔNG PA
__________
 
 
 
 
 



LỊCH SỬ
ĐẢNG BỘ HUYỆN KRÔNG PA
(1945- 2007)
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

 
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA
Năm 2009
 
BAN CHỈ ĐẠO VÀ BAN BIÊN SOẠN
Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa, tập I (1945-1975), NXB CTQG, 1999
 
 
 
CHỈ ĐẠO NỘI DUNG
BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY KRÔNG PA
 
 
BAN BIÊN SOẠN
TRẦN DUY CA (CHỦ BIÊN)
NGUYỄN MINH ĐẨU
PHẠM NGỌC XUÂN
PTS. PHẠM SANG
 
 
 
 
 
 
 
 
 
BAN CHỈ ĐẠO BIÊN SOẠN
Lịch sử Đảng bộ huyện Krông Pa (1945-2007)
BAN THƯỜNG VỤ HUYỆN ỦY KRÔNG PA
 
 
 
      BAN BIÊN SOẠN:
CN. PHẠM NGỌC XUÂN (Trưởng ban)
CN. LÊ PHAN LƯƠNG (Chủ biên)
CN. VŨ THỊ VIỆT HÀ
CN. TỐNG THỚI MỐC
CN. NGUYỄN QUANG CƯỜNG
CN. PHẠM THỊ THUẬN
TRẦN QUANG LỰC
 
      Với sự cộng tác của các đồng chí:
      Ksor Ní (Ama Nhan), Nguyễn Khuê (Ama Hlơ), Nguyễn Tiển (Ama Đam), Nguyễn Môn (Ama Cao), Ngô Đức Đề (Ama Đing), Siu Pui (Ama Thương), Tô Tấn Tài (Ama H’Oanh), Trương Phụng Tiến (Ama Kim), Đỗ Hữu Bá (Ama Giao), Ksor Djứ (Ama Hliêm), Võ Ngọc Châu (Ama Yú) Nay Pum (Ama H’Lam), Hồ Chí Kiên, Võ Tịch (Hoàng Lâm), Nông Ngọc Xuân, Nguyễn Duy Khanh, Phan Minh Tường, Trần Ngọc Bửu, Ksor Tam, Trịnh Cừu, Rơchơm Bơm, Hoàng Công Lự, Huỳnh Thành, Trần Văn Lạc, TS. Nguyễn Văn Chiến, TS. Nguyễn Thị Kim Vân, Amí Lưu, Ama Kao (Rahlan Te), Rơ Ô Cheo, ...
 
 
 
 
 
 
 
  
THƯ GỬI ĐẠI HỘI CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
MIỀN NAM TẠI PƠ- LÂY- CU[1]

 
                                                                    Hà Nội, ngày 19-4-1946
 
Cùng các đồng bào dân tộc thiểu số,
Hôm nay đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ.
Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự được. Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào.
Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia- rai hay Ê- đê, Xê- đăng hay Ba- na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau.
Trước kia chúng ta xa cách nhau, một là vì thiếu dây liên lạc, hai là vì có kẻ xúi giục để chia rẽ chúng ta.
Ngay nay nước Việt Nam là nước chung của chúng ta. Trong Quốc hội có đủ đại biểu các dân tộc. Chính phủ thì có “NHA DÂN TỘC THIỂU SỐ” để săn sóc cho tất cả các đồng bào.
Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và Chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả dân tộc chúng ta phải ĐOÀN KẾT chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta.
Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta.
Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta.
Xin chúc Đại hội thành công.
 
                                                                                                                                                   Lời chào thân ái
 
                                                                                                                                                   HỒ CHÍ MINH
 
 
 
 
 
 

 
HUYỆN KRÔNG PA
 
I-VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, ĐỊA GIỚI VÀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
1-Vị trí địa lý và sự biến đổi địa giới hành chính
Krông Pa là huyện nằm ở phía đông nam tỉnh Gia Lai, diện tích tự nhiên của huyện là 162.814,3 ha. Huyện lỵ là thị trấn Phú Túc cách thị xã Pleiku 150 km về phía đông, có tọa độ địa lý từ 12o58'12'' đến 13o33'12'' vĩ độ bắc và từ 108o25'48'' đến 108o48'33'' kinh độ đông.
Ở phía bắc, Krông Pa tiếp giáp với huyện Ia Pa; phía tây tiếp giáp với thị xã Ayun Pa; phía đông bắc, đông và đông nam tiếp giáp với tỉnh Phú Yên (tại các huyện: Đồng Xuân, Sơn Hoà và Sông Hinh); phía tây nam, phía nam và một phần phía tây giáp tỉnh Đak Lak (tại các huyện: Ea Kar, Krông Năng và Ea H’leo).
Ở độ cao trung bình 140 m so với mặt nước biển, Krông Pa là bậc thềm quan trọng, án ngữ trên quốc lộ 25 - một trong những cửa ngõ nối đồng bằng ven biển miền Trung (ở phía đông) với cao nguyên Pleiku (ở phía tây).  Quốc lộ 25 hôm nay vốn là con đường nổi tiếng trong lịch sử chiến tranh giải phóng của dân tộc với cái tên Chiến thắng Đường 7 – Sông Bờ. Trung tâm của huyện là thị trấn Phú Túc nằm bên bờ sông Mlah thơ mộng. Từ đây, có thể xuôi quốc lộ 25 khoảng 83 km về phía đông để đến thành phố Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) hoặc ngược lên phía tây, vượt đèo Tô Na[2] để đến thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) và tiến sâu vào miền cao nguyên đất đỏ.
Để trở thành một huyện trù phú với 14 xã, thị trấn như hôm nay, Krông Pa đã trải qua một quá trình tách, nhập khá phức tạp.
* Trước năm 1945:
Trong những năm đầu của thiên niên kỷ thứ hai sau công nguyên, vùng trũng Krông Pa với những người Jrai là chủ nhân của nó đã từng thuộc vương quốc Champa, dấu vết hiện còn lại là phế tích của tháp Chăm mà người dân địa phương gọi là Bang Keng ở Krông Năng.
Sau cuộc chinh phục vương quốc Champa năm 1471, Lê Thánh Tông gọi cả vùng đất phía tây Nam Trung bộ là Nam Bàn, nhưng trên thực tế, cả vùng đất Tây Nguyên nói chung, Krông Pa hiện nay nói riêng vẫn là nơi cư trú của các dân tộc có tổ chức xã hội phổ biến là các làng độc lập, riêng vùng Krông Pa, trước thế kỷ XX đã có một tổ chức xã hội cao hơn làng, chi phối một vùng tương đối rộng lớn gọi là tơring (tring).
Đầu thế kỷ XX, Krông Pa nói riêng, Tây Nguyên nói chung thuộc quyền bảo hộ của thực dân Pháp. Từ năm 1904-1907, phần đất Cheo Reo (trong đó có Krông Pa) thuộc tỉnh Phú Yên. Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 4-7-1905, tách toàn bộ vùng núi phía tây tỉnh Bình Định, Phú Yên trong đó có Krông Pa để lập thành tỉnh Pleiku Đer.
Gần hai năm sau đó, Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 25-4-1907 bãi bỏ tỉnh Pleiku Đer. Vùng đất của tỉnh Pleiku Đer từ đây được chia làm hai: một phần thuộc đại lý hành chính Kon Tum (bao gồm cả Pleiku) và sáp nhập trở lại tỉnh Bình Định, đặt dưới sự cai trị của Công sứ Bình Định. Phần còn lại, lập đại lý hành chính Cheo Reo, sáp nhập vào tỉnh Phú Yên, đặt dưới quyền cai trị của Công sứ Phú Yên. Địa bàn huyện Krông Pa ngày nay thuộc đại lý hành chính Cheo Reo.
Ngày 09-02-1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định số 215 thành lập tỉnh Công Tum (Kon Tum). Địa giới của tỉnh Kon Tum bao gồm: đại lý hành chính Cheo Reo tách ra khỏi tỉnh Phú Yên, đại lý Kon Tum tách ra khỏi tỉnh Bình Định (tức là toàn bộ tỉnh Pleiku Đer cũ) và đại lý Đak Lak (nguyên là tỉnh Đak Lak nhưng đến nghị định này lại đổi thành đại lý). Ngày 02-07-1923, thực dân Pháp lại tách đại lý Đak Lak ra khỏi tỉnh Kon Tum để thành lập tỉnh Đak Lak.
Ngày 24-05-1925, đại lý hành chính Pleiku được thành lập dưới sự cai quản của Công sứ Kon Tum.
Ngày 24-05-1932, Nghị định của Toàn quyền Đông Dương tách một phần đất phía nam tỉnh Kon Tum, bao gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo để lập tỉnh Pleiku. Như vậy, cho đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, Cheo Reo là 1 trong 5 huyện, thị của tỉnh Pleiku. Khu vực Krông Pa thuộc vùng đất phía đông của huyện Cheo Reo, có tên gọi là Mlah[3].
 *Trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954)
Ngày 25-6-1946, thực dân Pháp chiếm lại Gia Lai và vẫn giữ nguyên tên tỉnh là Pleiku.

Về phía chính quyền cách mạng: Sau cách mạng tháng tám 1945, chính quyền cách mạng đổi tên tỉnh là Gia Lai. Huyện Cheo Reo trực thuộc Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh này. Từ tháng 3-1946, Cheo Reo thuộc sự chỉ đạo trực tiếp của Ban vận động Quốc dân thiểu số Tây Nam Trung bộ.

Ngày 6-11-1947, theo Quyết định số 51/TB-NĐ của Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ, Cheo Reo được tách ra khỏi Gia Lai và giao cho Phân ban liên lạc hành chính Tây Nguyên, trực thuộc Khu 15.
Đến tháng 8-1948, Đại diện Chính phủ ta tại miền Nam Trung bộ ra Quyết định số 203- ĐD/CP, đặt Cheo Reo dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban Kháng chiến hành chính tỉnh Đak Lak.
Ngày 30-5-1953, Uỷ ban Kháng chiến hành chính Nam Trung bộ ra Nghị định số 477-MN/TOC, chia huyện Cheo Reo thành hai huyện thuộc tỉnh Đak Lak là Đông Cheo Reo (H2) gồm các xã phía đông và phía bắc sông Ba và Tây Cheo Reo (H3) gồm các xã phía tây sông Ba.
*Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)
Về phía chính quyền Sài Gòn:
Theo Nghị định 549 ngày 3-10-1958, quận Cheo Reo gồm 10 tổng, 2 xã và là một trong 4 quận của tỉnh Pleiku.
Đến ngày 22-12-1959 theo Nghị định 1746 của chính quyền Sài Gòn, quận Cheo Reo gồm 6 tổng, 19 xã.
Ngày 01-9-1962, Sắc lệnh số 186 của chính quyền Sài Gòn tách một phần đất phía nam của tỉnh Pleiku (thuộc Cheo Reo), cùng với một phần phía bắc tỉnh Đak Lak (huyện Thuần Mẫn) thành lập tỉnh Phú Bổn. Tỉnh này gồm các quận: Phú Túc (còn gọi là quận Mlah), nay là địa bàn huyện Krông Pa; Phú Thiện (nay thuộc thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện và huyện Ia Pa), huyện Thuần Mẫn (nay thuộc huyện Ea H’Leo tỉnh Đak Lak) và thị xã Hậu Bổn (thị trấn Cheo Reo cũ). Tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hậu Bổn. Tỉnh Phú Bổn về địa giới không thay đổi cho đến tháng 3-1975.
Như vậy là từ năm 1962 cho đến ngày giải phóng (3-1975), huyện Krông Pa hiện nay mang tên quận Phú Túc, thuộc tỉnh Phú Bổn. Quận Phú Túc được chia làm hai tổng: Tổng Phú Mỹ và tổng Đức Bính gồm 13 xã, vùng đất này trước thuộc tỉnh Phú Yên.
Về phía chính quyền cách mạng:
Cả vùng Cheo Reo trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (gồm cả khu vực các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa ngày nay) vẫn thuộc tỉnh Đak Lak. Toàn bộ vùng này gồm 2 huyện: huyện Đông Cheo Reo được gọi là H2 và huyện Tây Cheo Reo gọi là H3. Đầu năm 1960, theo quyết định của Liên khu uỷ V, tỉnh Đak Lak được chia thành bốn đơn vị riêng là B3, B4, B5 và B6 dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Liên tỉnh IV và Liên khu uỷ V. Huyện H2 thuộc B3 (bắc tỉnh Đak Lak), có ranh giới từ đèo Tô Na trở xuống, dọc theo đường số 7 giáp đến huyện MĐrak, bao cả vùng Plei Pa, buôn Broăi, xã Ia Tul, nay thuộc huyện Ia Pa tỉnh Gia Lai.
Tháng 8-1960, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đak Lak lần thứ nhất hợp nhất hai huyện H2 và huyện MĐrak (A1) thành liên huyện A10. Đến cuối năm 1961 lại tách ra như cũ.
Năm 1962, để tăng cường sự chỉ đạo sát với phong trào, tỉnh Đak Lak tách vùng ven thị xã Hậu Bổn thành lập huyện 7 (H7).
Tháng 11-1971, tỉnh Gia Lai cắt một phần phía nam Khu 7[4] giáp phía bắc sông Ayun và vùng giáp huyện H2 và H3 của tỉnh Đak Lak lập Khu 11.
Năm 1973, huyện H7 được sáp nhập với H3 thành H37 thuộc tỉnh Đak Lak. Tháng 12-1973, H2 được đổi tên thành huyện Sông Ba, theo tên của con sông chảy dọc địa phận của huyện.
*Từ 1975 đến nay:
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 1975, tỉnh Đak Lak tổ chức lại các huyện. Tháng 7-1975, huyện Sông Ba được sáp nhập với huyện 37 (thị xã Hậu Bổn và vùng Tây Cheo Reo) thành huyện Cheo Reo, thuộc tỉnh Đak Lak. Huyện Krông Pa lúc đó là một phần của huyện Cheo Reo.
Tháng 1-1976, theo Quyết định của Chính phủ, huyện Cheo Reo thuộc tỉnh Đak Lak được chuyển giao về tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Ngày 15-1-1976, Hội nghị Tỉnh uỷ Gia Lai - Kon Tum ra Nghị quyết về kiện toàn, xây dựng huyện mạnh, thống nhất địa giới hành chính và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Huyện Cheo Reo được sáp nhập với Khu 11 thành huyện mới có tên là Ayun Pa.
Ngày 23-4-1979, theo Quyết định số 178-CP của Hội đồng Chính phủ, huyện Ayun Pa được chia tách thành hai huyện Ayun Pa và Krông Pa.
Huyện Krông Pa được thành lập trên cơ sở tách từ phần đất phía đông của huyện Ayun Pa. Sau khi thành lập, địa giới hành chính của huyện Krông Pa từ đèo Tô Na xuống phía đông, đến bắc cầu Kà Lúi và tây sông Krông Năng, gồm 6 xã: Ia Rsai, Chư Drăng, Ia Rmok, Đất Bằng, Ia Dréh và Krông Năng.
Ngày 17-8-1981, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 30- HĐBT về việc điều chỉnh địa giới một số xã và thị trấn thuộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Huyện Krông Pa có sự thay đổi địa giới một số xã, xã Ia Rmok chia thành xã Ia Rmok và Phú Cần, xã Đất Bằng chia thành xã Đất Bằng và Ia Mlah, xã Chư Drăng chia thành xã Chư Drăng và Chư Gu, xã Ia Rsai chia thành xã Ia Rsai và Ia Siơm.
Ngày 30-5-1988, xã Phú Cần được chia thành xã Phú Cần và thành lập thị trấn Phú Túc. Thị trấn Phú Túc là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện.
Qua quá trình chia tách, đến tháng 12 năm 2007, toàn huyện Krông Pa có 14 xã, thị trấn: thị trấn Phú Túc và các xã Ia Rsai, Chư Rcăm, Ia Mlah, Đất Bằng, Chư Ngọc, Chư Gu, Phú Cần, Ia Siơm, Chư Drăng, Ia Rmok, Krông Năng, Ia HDreh, Uar. Huyện lỵ đóng tại thị trấn Phú Túc. Toàn huyện có 128 thôn buôn, bao gồm 86 buôn đồng bào dân tộc thiểu số và 42 thôn đồng bào Kinh.
Krông Pa - tên của huyện được gắn với con sông (krông) Pa lớn nhất vùng chảy giữa huyện theo hướng tây bắc - đông nam.
2- Điều kiện tự nhiên
Theo kết quả nghiên cứu địa chất, địa bàn huyện Krông Pa ngày nay thuộc vùng trũng Cheo Reo - Phú Túc, có cấu tạo địa chất khá phức tạp, bao gồm 2 nhóm đất chính là bồi tích phù sa và trầm tích hỗn hợp, là kiểu địa hình đồng bằng tích tụ - bóc mòn, với các dạng địa hình bậc thềm và bãi bồi chiếm diện tích chủ yếu, nhưng quá trình tích tụ ở đây hạn chế hơn so với khu vực Cheo Reo. Do còn thuộc địa hình thung lũng giữa núi, nên trong vùng còn có dạng địa hình đồi núi sót chiếm diện tích nhỏ[5], xen lẫn vùng đất bằng. Thung lũng Krông Pa phân bố dọc theo các sông suối, khá bằng phẳng, ít bị chia cắt, được bao phủ bởi lớp phù sa cũ và mới. 
Ngoài địa hình trũng, rìa phía đông nam Krông Pa có hai dãy núi cao là Chư Djú và Chư Dleiya. Địa hình Krông Pa có dạng đồi hoặc núi thấp nhưng lượn sóng mạnh và chia cắt sâu.
Khí hậu Krông Pa mang tính chất nhiệt đới hơi khô. Do có địa hình núi án ngữ, che chắn hướng gió từ đông và tây nam, nên đặc điểm khí hậu của huyện Krông Pa có phần khác với các vùng khác ở Gia Lai và Tây nguyên. Krông Pa có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Mùa khô chủ yếu từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Trong mùa khô, Krông Pa thường có 4 tháng khô hạn. Krông Pa có lượng mưa trung bình 1.200mm/năm, độ ẩm trung bình là 83%. Tháng 9 là tháng có lượng mưa cao nhất. Các tháng cuối mùa khô thường nắng nóng, lượng nước bốc hơi cao, trung bình 96 mm/năm, do vậy mùa khô thường gây hạn hán, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Nhiệt độ trung bình hàng năm là 26,4oc. Tháng nắng nóng nhất từ tháng 4-5, có nhiệt độ cao là 29,7oc. Tháng 2 có nhiệt độ 22,5oc.
Thời tiết của Krông Pa mang những nét đặc trưng riêng. Mùa đông khô hanh, ít lạnh; mùa hè mưa ẩm, mát mẻ. Tuy không có bão, nhưng trong vùng thường chịu ảnh hưởng những đợt áp thấp nhiệt đới vùng biển Đông gây ra những trận mưa dông lớn, những cơn gió kéo dài và xuất hiện lốc xoáy.
Tài nguyên nước: Mật độ sông suối của Krông Pa không lớn. Huyện bị chia cắt thành hai vùng bởi dòng sông Ba chảy từ tây xuống đông. Đây là hệ thống lớn ở phía đông Trường Sơn, nó bắt nguồn từ núi Kông Ka King chảy qua địa phận các huyện Kbang, An Khê, Kông Chro, Ayun Pa và Krông Pa về tỉnh Phú Yên rồi đổ ra biển Đông với hệ thống chi lưu, phụ lưu đa dạng. Các nhánh chính của sông Ba là Ayun, hợp lưu với sông Ba tại thị xã Ayun Pa, sông Krông Năng chảy vào sông Ba ở phần phía đông nam huyện Krông Pa và sông Hinh tỉnh Phú Yên rồi đổ về phía đông. Phía bắc huyện còn có hệ thống các sông Ia Rsai, Ia Mlah, Ia Kà Lúi. Về phía nam có Krông Năng, Ia Uôr (Uar). Hệ thống sông suối tạo ra những vùng soi nà và vùng bãi bồi ven sông có đất đai màu mỡ dọc từ Ơi Nu đến buôn Tờ Khế, Ia Rsai xuống vùng Ma Rôk, vùng Quang Hiển xã Đất Bằng... thuận lợi cho việc trồng trọt, sản xuất nông nghiệp.
Trên địa bàn huyện Krông Pa, nhiều công trình thuỷ lợi đang được đầu tư xây dựng phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Đáng kể nhất là công trình thuỷ lợi Ia Mlah, được khởi công xây dựng từ tháng 5-2005, có sức tưới cho trên 5.150 ha và cung cấp nước sinh hoạt cho 36.000 hộ dân trong vùng.
Đất đai: Krông Pa nằm trong vùng địa hình thấp, xen giữa vùng núi và cao nguyên, có sông lớn chảy qua, nên phần đá trầm tích chỉ chiếm diện tích nhỏ hẹp, còn lại đa số là đất bồi tụ của hệ thống các sông.
Đất đai vùng Krông Pa gồm nhiều loại trên nền đá Bazơ, đất phù sa có màu nâu xám, tầng mặt có độ dày khoảng 20-25cm. Các tầng tiếp theo có màu vàng xen màu gỉ sắt. Các tầng đất có độ dày mỏng khác nhau, với các nhóm đất chính: đất đen phù sa cổ, đất đen, đất nâu sẫm trên đá bazan, chủ yếu là đất phù sa bồi tụ của các sông suối. Ngoài ra còn có loại đất vàng xám trên đá hỗn hợp, phân bố rải rác ở phía tây bắc, hai rìa sườn bắc và nam của vùng[6]. Do mối quan hệ chặt chẽ của đất với các sản phẩm bồi tụ của sông khi chảy qua các vùng có đá giàu nguyên tố bazơ, nên đất có phản ứng trung tính, độ PH cao. Đất vùng Krông Pa có đặc điểm và tính chất khác so với vùng Ayun Pa bởi ảnh hưởng kéo dài của vùng dọc sông Ba, tầng đất dày hơn, thành phần cơ giới của đất nặng hơn và ít kết vón. Đất đai Krông Pa thuộc nhóm đất bị xói mòn nhiều.
Với đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng trên, Krông Pa thích hợp với việc phát triển kinh tế nông nghiệp. Những loại cây trồng như điều, thuốc lá, bông vải, đậu đỗ, bắp... rất phát triển trên vùng đất này.
Tính đến năm 2007, tổng diện tích đất toàn huyện là 162.814,3 ha, trong đó đất nông nghiệp là 41.895 ha, đất lâm nghiệp 91.939 ha, đất chưa sử dụng (chủ yếu là đất đồi núi trọc) là 20.195 ha[7]. Đảng bộ huyện xác định đất đai là nguồn tài nguyên quí giá, do vậy cần khai thác sử dụng tiết kiệm, hợp lý và có hiệu quả cho các mục đích kinh tế, dân sinh. Nằm trong định hướng chung của tỉnh về sử dụng đất đai đến năm 2010, huyện Krông Pa cũng như các huyện vùng đông Trường Sơn đã đặt mạnh việc khai thác và phát triển các loại cây như điều, mỳ, thuốc lá, lương thực và chăn nuôi đại gia súc. Tỉnh và huyện có hướng hàng năm sẽ tăng diện tích đất trồng lúa dọc sông Ba.
Đối với đất trồng cây lâu năm, cây điều được tỉnh và huyện tập trung đẩy mạnh phát triển và hướng mở rộng diện tích khoảng 20.000 ha để đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho nhà máy liên doanh chế biến hạt điều xuất khẩu với công suất 3.000 tấn/năm hình thành trong tương lai. Đẩy mạnh đầu tư, cải tạo và mở rộng diện tích đồng cỏ, phục vụ cho việc phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Huyện có diện tích đất lâm nghiệp là 91.939 ha. Rừng tự nhiên của Krông Pa chủ yếu là gỗ, tre nứa..., thuộc loại rừng nghèo, trữ lượng gỗ không lớn. Krông Pa hiện còn có khu rừng nguyên sinh ở Uar, với hàng trăm loài thực, động vật quí hiếm đã được công nhận là rừng quốc gia.
Cảnh quan thiên nhiên ở Krông Pa đã tạo nên đặc trưng riêng của huyện. Rừng Uar có môi trường sinh thái tốt. Sông suối trên địa bàn huyện tạo nên nhiều gềnh thác có khả năng khai thác du lịch sinh thái.
Là huyện xa nhất của tỉnh, giao thông đi lại của Krông Pa những năm trước giải phóng còn rất nhiều khó khăn. Đường quốc lộ 25 (đường số 7 cũ) bắt đầu từ Quốc lộ 1 từ thành phố Tuy Hoà (Phú Yên) chạy ngang qua địa bàn huyện Krông Pa, thị xã Ayun Pa, huyện Phú Thiện nối quốc lộ 14 tại ngã ba Mỹ Thạch (huyện Chư Sê). Quốc lộ 25 nối liền cao nguyên Gia Lai với vùng đồng bằng tỉnh Phú Yên có chiều dài khoảng 190 km. Đây là con đường chiến lược, có vị trí quan trọng về quân sự, kinh tế. Trong hai cuộc kháng chiến, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã cho xây dựng các cứ điểm Ơi Nu, Mlah, Kà Lúi để ngăn chặn hoạt động của ta và kiểm soát sự qua lại của nhân dân giữa các vùng Krông Pa với tỉnh Phú Yên và các huyện lân cận.
Do có dòng sông Ba chảy qua, chia cắt địa bàn huyện thành hai vùng, nên từ thời kỳ Pháp thuộc, phương tiện chủ yếu qua sông Ba của người dân là dùng phà, đò, thuyền. Từ năm 1954 – 1975, Mỹ - nguỵ đã cho xây dựng cầu cống, sửa chữa những đoạn đường hư hỏng để việc cơ động quân giữa quận Phú Túc và thị xã Hậu Bổn được thuận lợi, phục vụ cho mục đích chiến tranh của chúng. Trong chiến dịch Tây nguyên 1975, trước sự tấn công, truy kích quyết liệt của lực lượng ta, Mỹ- nguỵ đã ném bom phá huỷ nhiều cây cầu trước khi tháo chạy. Sau ngày giải phóng, để kịp thời phục vụ cho giao thông đi lại của nhân dân, Đảng, Nhà nước đã cho sửa chữa hệ thống cầu cống trên tuyến đường này. Năm 1997, cầu Lệ Bắc được khởi công xây dựng mới với kinh phí đầu tư gần 25 tỷ đồng và chính thức được đưa vào sử dụng từ tháng 9-1998. Cầu Lệ Bắc dài khoảng 400 m bắc qua sông Ba, thuận tiện cho việc thông thương qua lại giữa hai vùng dân cư phía nam - bắc sông. Cầu Bung nối thị trấn Phú Túc với 4 xã phía nam huyện là Krông Năng, Ia Hdreh, Ia Rmok và Chư Drăng với hơn 20.000 dân, được xây dựng tháng 10-1999 và đưa vào sử dụng từ tháng 8-2001. Đến tháng 10-2006 cầu Bung được nâng cấp thành cây cầu vĩnh cửu với tải trọng 30 tấn, số vốn 6 tỷ đồng. Ngoài ra, Krông Pa còn có hệ thống đường giao thông liên huyện, nối liền thị trấn Phú Túc với trung tâm các xã.
Trước năm 1975, Mỹ- Nguỵ đã xây dựng tại Krông Pa sân bay dã chiến Mlah, nhằm phục vụ mục đích quân sự, vận chuyển hàng hoá, vũ khí trang bị và cơ động lực lượng để ngăn chặn những trận đánh lớn của quân ta, thực hiện âm mưu xâm lược lâu dài. Vị trí của sân bay này gần trung tâm thị trấn Phú Túc. Hiện nay, sân bay dã chiến Mlah thuộc khu quân sự do Ban chỉ huy quân sự huyện quản lý.
Nằm trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên, trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, vùng đất nay là Krông Pa thuộc tỉnh Đak Lak. Từ sau giải phóng (1975) đến nay Krông Pa trở thành một phần của tỉnh Gia Lai. Với đặc điểm về địa lý, tự nhiên, Krông Pa ngày càng chứng tỏ là một huyện có vị trí quan trọng về các mặt chính trị, kinh tế, an ninh- quốc phòng án ngữ cửa ngõ phía đông nam tỉnh.

II- DÂN CƯ VÀ ĐẶC ĐIỂM KINH TẾ-XÃ HỘI

Huyện Krông Pa có 2 dân tộc chiếm số lượng dân cư đông nhất là người Jrai và người Kinh. Ngoài ra, trên vùng đất Krông Pa hiện còn có một bộ phận nhỏ dân cư thuộc các dân tộc ít người khác như Tày, Nùng...

Kết quả khảo cổ học đã chứng minh, Gia Lai là vùng đất sớm được con người chọn làm địa bàn cư trú. Trên vùng đất nay là Krông Pa, tuy chưa được điều tra cơ bản về khảo cổ học, nhưng một số phát hiện mới nhất cho thấy có những dấu vết cư trú của con người trên vùng đất này từ hậu kỳ đá mới, sơ kỳ kim khí.
Hiện nay bộ phận dân cư sinh sống lâu đời nhất trên vùng đất Krông Pa là người Jrai thuộc nhóm Mthur, chiếm 68% dân số. Đây là một trong năm nhóm Jrai địa phương của tỉnh Gia Lai, thuộc ngữ hệ Nam Đảo (Malayo- Polinesien).
Người Jrai Mthur gồm 2 bộ phận, một bộ phận là những cư dân thuộc các làng đã sinh sống ở vùng này từ lâu đời và bộ phận dân cư thứ hai di chuyển từ phía đông lên muộn hơn. Điển hình của bộ phận dân cư đến sau này là Nhóm dân ở buôn Ơi Nu (xã Ia Sươm).
Tổ chức, cơ cấu xã hội truyền thống của đồng bào Jrai Mthur cũng như các nhóm dân tộc Jrai trên địa bàn tỉnh là làng. Ở khu vực Krông Pa, người Jrai gọi làng của mình là buôn hoặc bôn.
Buôn làng của người Jrai ở Krông Pa là kết cấu xã hội điển hình và bền vững, một cộng đồng cư trú của cư dân. Người Jrai Mthur thường chọn những vùng đất ở gần nguồn nước, thuận tiện cho việc sinh hoạt và sản xuất để lập làng. Qui mô làng lớn hay nhỏ, số các gia đình trong mỗi buôn nhiều hay ít phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, đất canh tác và môi trường sống. Mỗi buôn làng bao gồm nhiều gia đình lớn mẫu hệ hoặc gia đình nhỏ mới được chia tách. Người Jrai ở Krông Pa cư trú trong những ngôi nhà sàn dài. Trước kia, cửa chính của những ngôi nhà dài thường mở ở đầu hồi phía bắc. Tên làng thường được đặt theo nguồn nước, hoặc tên người lập làng. Khác với nhóm Jrai khác, nhóm Jrai Mthur ở khu vực Cheo Reo và Krông Pa không có nhà rông nên sinh hoạt cộng đồng chủ yếu được tiến hành tại gian khách trong ngôi nhà dài của già làng. Trong từng gia đình, theo truyền thống mẫu hệ, vai trò và quyền lực của người phụ nữ rất được coi trọng.
Quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng ở vùng đồng bào Jrai huyện Krông Pa dựa trên những mối liên kết về nơi cư trú, về sở hữu đất đai, về đời sống vật chất và tinh thần. Đứng đầu mỗi buôn là già làng (khoa bôn, buôn). Trong xã hội Jrai cổ truyền, luật tục có vai trò lớn trong quản lý cộng đồng, quan hệ xã hội và giữ gìn phong tục tập quán. Ngày nay, luật tục vẫn giữ một vai trò quan trọng trong xã hội Jrai vùng Krông Pa. 
Ở các buôn Jrai cổ truyền, bên cạnh khu vực đất cư trú, đất canh tác, đất rừng chung của cộng đồng nhất thiết phải có khu đất giành cho nghĩa địa. Đó là nơi người dân tiến hành nhiều giá trị văn hóa cổ truyền đặc sắc với các lễ hội và trang trí nhà mồ, tượng mồ độc đáo.
Trước khi thực dân Pháp đặt chân xâm lược lên cao nguyên, người Jrai Mthur ở khu vực Krông Pa đã có một tổ chức xã hội vượt ra khỏi phạm vi từng làng độc lập để hình thành những cộng đồng lớn hơn, thu hút nhiều làng. Tổ chức này là những liên minh làng được gọi là tring (tơring). Ở nửa đầu thế kỷ XX, trong nhóm người Jrai Mthur vùng phía đông đèo Tô Na có tring Lon Sa Gâm, có nghĩa là đất của Sa Gâm, vị tù trưởng có uy tín trong vùng. Trong nhiều năm, vị tù trưởng này đã cùng với những người dưới quyền khống chế con đường huyết mạch từ Phú Yên lên thung lũng sông Ba và vùng cao phía tây của Nam Trung bộ, khống chế con đường buôn muối từ đồng bằng lên cao nguyên đi qua vùng đất này, đồng thời tăng cường liên minh với các vị thủ lĩnh ở phía đông, mở rộng quan hệ hôn nhân giữa các dòng họ[8].
Trước khi thực dân Pháp đặt ách cai trị lên Tây Nguyên, người Jrai ở Krông Pa đang ở vào giai đoạn cuối của xã hội nguyên thuỷ, chuyển sang giai đoạn xã hội có giai cấp. Tuy chưa có sự phân hoá giai cấp, nhưng trong làng buôn đã có sự phân hoá giàu nghèo, thể hiện qua việc sở hữu nhiều chiêng ché quí, nhiều trâu, bò…
Thời kỳ chống Mỹ, làng buôn Jrai Krông Pa có sự xáo trộn, biến động do chính sách dồn dân lập ấp chiến lược của Mỹ - Nguỵ, nhưng với truyền thống yêu quê hương, đất nước, đồng bào Krông Pa đã không ngừng đấu tranh chống lại âm mưu dồn dân của địch, bảo vệ buôn làng.
Năm 1975, khi nước nhà thống nhất, đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện chính sách định canh định cư của Đảng và nhà nước, đồng bào các dân tộc huyện Krông Pa đã ổn định cuộc sống định cư, tập trung xây dựng buôn làng, phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xoá đói giảm nghèo. Các buôn làng vẫn là một tổ chức xã hội dưới sự quản lý của Nhà nước, các hộ đồng bào được sử dụng đất rừng để trồng trọt, sản xuất, chăm sóc và khai thác, đời sống người dân Krông Pa từng bước được nâng lên.
Kinh tế truyền thống của người Jrai Mthur chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, canh tác nương rẫy theo phương thức phát, đốt, chọc, trỉa, mang tính tự cung tự cấp vẫn phổ biến trong khu vực người Jrai ở Krông Pa sau ngày giải phóng. Kinh tế nương rẫy được thực hiện theo chu kỳ khép kín. Để canh tác rẫy, người dân phát rừng thành từng đám nhỏ, trồng trọt thu hoạch khoảng từ 2-3 vụ rồi chuyển sang đám rẫy mới. Sau vài năm mới trở lại canh tác tiếp trên rẫy cũ. Hình thức du canh không đảm bảo đời sống kinh tế của người dân. Mặt khác, do kỹ thuật canh tác thấp, công cụ lao động giản đơn với những chiếc rìu, rựa thô sơ… nên năng xuất không cao. Đến mùa thu hoạch, vẫn phổ biến phương thức suốt lúa thủ công bằng tay. Nền kinh tế nương rẫy với phương thức canh tác cổ truyền ở trình độ thấp, cộng với cuộc sống du canh, du cư, nên đời sống của đồng bào Jrai trước đây thường thiếu thốn, bấp bênh.
Cùng với làm nương rẫy, đồng bào Jrai còn khai thác những vùng đất bằng để sản xuất. Trong những năm chống Mỹ, tuy chưa phổ biến nhưng đồng bào đã biết canh tác ruộng nước ở những vùng ven sông, suối,. Ngay trong những năm chiến tranh, huyện H2 đã có chủ trương xây dựng đập thuỷ lợi Ơi Đi tại đầu nguồn sông Mlah để lấy nước tưới cho cánh đồng lúa nước ở vùng căn cứ Đất Bằng. Ngày nay, với sự đầu tư của Đảng, Nhà nước, một số công trình thuỷ lợi được xây dựng, đồng bào dân tộc Krông Pa đã tập trung phát triển lúa nước, cho nguồn lợi kinh tế cao hơn.
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi gia súc cũng được coi là ngành kinh tế chính của mỗi gia đình. Phát huy ưu thế có nhiều đồng cỏ, đồng bào nuôi nhiều loại gia súc như trâu, bò, dê, lợn, ngựa... Việc nuôi trâu chủ yếu để phục vụ lễ nghi tôn giáo, làm vật hiến sinh. Đồng bào nuôi bò chủ yếu để lấy thịt và sử dụng sức kéo. Trước kia, một số nơi tiếp giáp với dân tộc Ê Đê như buôn Ma Rôk (xã Chư Gu), một số chủ làng, tầng lớp trên giàu có còn mua voi ở Buôn Đôn (Đak Lak) về nuôi. Bên cạnh đó, nhiều người dân còn đi săn bắn, đánh bắt cá, hái lượm các sản phẩm của núi rừng để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Dụng cụ săn bắn thô sơ, chủ yếu là cung ná, lao, bẫy sập, đơm, đó, câu... Việc hái lượm chủ yếu là công việc của phụ nữ và trẻ em.
Trong vùng đồng bào hiện vẫn lưu giữ một số nghề thủ công truyền thống như đan lát, dệt vải nhưng ở tình trạng sơ khai.
Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20, vùng Krông Pa đã hình thành sự giao lưu kinh tế, văn hoá với các vùng, đặc biệt là những nhóm thương lái người Kinh từ đồng bằng Phú Yên lên trao đổi buôn bán muối, vải, cá khô, nông cụ sản xuất theo phương thức vật đổi vật để lấy nông lâm thổ sản.
Từ sau năm 1975 dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, đời sống kinh tế của nhân dân các dân tộc trong huyện từng bước phát triển. Các buôn làng của đồng bào được định canh, định cư ổn định. Nhân dân tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp lúa nước và cây công nghiệp ngắn ngày. Các loại cây như: mỳ, thuốc lá sợi vàng, điều là cây hàng hoá chủ đạo của huyện. Ngoài các loại cây ngắn ngày như: đậu đỗ, mè, bắp...cũng phát triển. Hình thức canh tác phát, đốt, chọc, trỉa trên nương rẫy vẫn còn duy trì ở những vùng cao đất dốc. Năm 1989 huyện đã đầu tư xây dựng đập tự chảy tại cánh đồng căn cứ phục vụ cho sản xuất của buôn Ơi Đak và buôn Ơi Hdjik (xã Ia Mlah). Sau đó, tập trung đầu tư xây dựng các công trình thuỷ lợi phục vụ cho sản xuất của các xã Phú Cần, Ia Rmok, Chư Gu, Uôr...
Năm 1997, huyện đã có dự án khảo sát và xây dựng công trình thuỷ lợi lớn Ia Mlah, đảm bảo tưới tiêu cho các cánh đồng lúa nước thuộc các xã phía đông nam của huyện. Ngày nay, các cánh đồng lúa nước trong vùng đồng bào dân tộc Jrai đã phát triển. Các vùng đất trũng ven triền sông, suối, đã trở thành những cánh đồng lúa nước cho năng suất cao.
Từ những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, tại khu vực nay là thị trấn Phú Túc đã có một bộ phận người Kinh ở đồng bằng ven biển miền Trung lên quan hệ giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hoá với cư dân bản địa và chọn nơi này làm quê hương thứ hai của mình. Làng Quang Hiển (xã Đất Bằng), thôn Thắng Lợi (xã Phú Cần)... là làng Việt được lập trên đất Krông Pa sớm nhất. Tại thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, dân làng đã lập đền thờ Tiền Hiền của làng là ông Phan Hữu Phàn[9], người có công đưa những người Kinh đầu tiên từ Phú Yên lên lập làng trên vùng đất vào năm 1925.
Đến cuối năm 2007, dân số toàn huyện Krông Pa là 68.486 người (12.949 hộ) với Đến thời điểm này, Krông Pa có 46.507 người Jrai (chiếm 67,91%); 21.315 người Kinh (chiếm 31,12%) với 4.901 hộ; và 664 người (chiếm 0.97%) thuộc các dân tộc khác (chủ yếu là Tày, Nùng). Mật độ dân số trung bình của huyện là 41,6 người/km2.
III- TRUYỀN THỐNG VĂN HOÁ
Do cư trú trong khu vực tiếp giáp với người Jrai Chor, người Ê Đê (ở Đak Lak) và người Chăm Hroi (ở Phú Yên) nên đặc điểm văn hóa của người Jrai ở Krông Pa ít nhiều có sự khác biệt so với các nhóm Jrai khác cùng trong tỉnh.
Nằm trên vùng văn hoá cổ của Tây Nguyên, văn hoá các dân tộc Krông Pa mang đậm bản sắc dân gian truyền thống, phong phú và độc đáo. Do địa bàn tiếp giáp với tỉnh Đak Lak và Phú Yên, nền văn hoá Krông Pa ít nhiều ảnh hưởng văn hoá của các dân tộc Ê Đê và Chăm.
Qua quá trình nghiên cứu lịch sử và khảo cổ học cho thấy, vùng núi và cao nguyên phía tây nam Trung bộ từ Thiên niên kỷ I sau Công nguyên đã chịu ảnh hưởng của những cuộc chiến tranh giữa các quốc gia phong kiến lớn, trong đó có Chiêm Thành (Champa) đóng đô ở Indrapura (Quảng Nam). Đến Thế kỷ XII, vùng đất cao nguyên thuộc tỉnh Gia Lai ngày nay đều bị nhà nước Champa đô hộ, dấu vết hiện còn lưu giữ lại qua các phế tích đền tháp của người Chăm được phát hiện trên một dải rộng từ Krông Pa đến thị xã Ayun Pa và thành phố Pleiku.
Trên địa bàn huyện Krông Pa còn lưu lại dấu tích văn hoá Champa cổ. Tại xã Đất Bằng, trong thập kỷ 80 của thế kỷ XX các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra một bức phù điêu Chăm[10]... và trên địa bàn buôn Jú, xã Krông Năng cũng đã phát hiện một dấu tích tháp chàm có tên gọi Bang Keng[11]. Phế tích của tháp Bang Keng nằm trên bờ bắc sông Krông Năng, khuất lấp trong một lùm cây rậm rạp có dây leo bao phủ. Người dân buôn Jú và vùng phụ cận với tín ngưỡng đa thần, đều cho rằng Bang Keng là sang yang ia (nhà của thần nước). Những dấu văn hóa Champa trên vùng Krông pa là cơ sở để khẳng định rằng từ xa xưa người Chăm đã từng hiện diện như một bộ phận dân cư trên vùng đất này.
Trên địa bàn huyện vẫn lưu giữ kho tàng văn hoá nghệ thuật dân gian phong phú.
Văn hoá vật thể thể hiện qua cấu trúc đơn vị buôn làng, nhà cửa, nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ... Nhóm người Jrai Mthur cũng như Jrai Chor khu vực Cheo Reo - Krông Pa đều không có nhà Rông - ngôi nhà chung của buôn làng, mọi sinh hoạt trong cộng đồng được tổ chức tại một gian gọi là gian khách (amang) của ngôi nhà dài của chủ làng (khoa bôn, buôn). Nhà dài là kiến trúc độc đáo của người Jrai Mthur, là nơi sinh sống của nhiều thế hệ trong đại gia đình, đó cũng còn là nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng, uống rượu cần và tiến hành các công việc của cộng đồng theo luật tục... Kiến trúc nhà dài với nghệ thuật điêu khắc trang trí mang những sắc thái riêng của dân tộc Jrai Mthur- Krông Pa.
Văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Krông Pa còn là nền mỹ thuật mang đậm tính đặc thù nguyên bản trong trang trí tượng nhà mồ, tượng nam nữ, mẹ bồng con, tượng động vật... tái hiện lại những sinh hoạt của con người bên cạnh thế giới của người đã khuất. Các tượng gỗ được tạc tuy đường nét thô phác nhưng sống động, thể hiện lòng khát khao tự do, tình yêu nam nữ, tình yêu cuộc sống. Những mô típ trang trí trên cây nêu trong lễ hội đâm trâu, hoa văn trên vách nhà, hình khắc trên cột nhà, cầu thang và hoa văn trang trí trên đồ đan lát, gùi... đều thể hiện sự quan sát tinh tế và phản ánh tình cảm của nghệ nhân.
Hoa văn trang trí trên trang phục như: tấm choàng, khố, các loại áo chui đầu, váy quấn cũng mang nét văn hoá đặc trưng của đồng bào vùng Krông Pa. Người Jrai Krông Pa cũng đặc biệt ưa thích các loại đồ trang sức như vòng cổ, vòng chân, tay... bằng đồng, bạc, hạt cườm các loại.
Văn hoá nghệ thuật dân gian của người Jrai Mthur Krông Pa thể hiện đời sống văn hoá tinh thần phong phú, với nhiều loại hình như sử thi, truyện cổ, múa, hát dân ca... Sử thi là di sản văn học dân gian tiêu biểu của cư dân Jrai, người Jrai gọi sử thi là là Hơri hay akhan. Loại hình văn học dân gian này là đặc trưng văn hóa của vùng Tây nguyên và mang bản sắc riêng của từng dân tộc, ở khu vực người Jrai Krông Pa, sử thi vẫn được truyền tụng và diễn xướng trong sinh hoạt của cộng đồng. Ngoài sử thi, trong kho tàng văn học dân gian của đồng bào vùng Krông Pa còn lưu truyền nhiều truyện cổ, truyện thơ, câu đố, nói vần, ca dao...
Cũng như các dân tộc khác, người Jrai Mthur - Krông Pa yêu thích âm nhạc, được thể hiện trong những dịp lễ hội cộng đồng hoặc dòng họ. Các nhạc cụ như cồng chiêng, kơ nhí, kơ tía, tơrưng,... là những nhạc cụ tiêu biểu. Âm nhạc và nhạc cụ gắn liền với sinh hoạt nghi lễ, tín ngưỡng. Cồng chiêng ngoài chức năng là nhạc cụ, còn được coi là tài sản quí, vật linh thiêng của cộng đồng, xuất hiện hầu hết trong các nghi lễ, gắn bó với cuộc sống của mỗi con người, là một phần không thể vắng mặt trong cuộc sống sinh hoạt của đồng bào.
Ngày 25-11-2005, Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại. Người Jrai Krông Pa tự hào rằng văn hóa cồng chiêng của họ cũng là một bộ phận quan trọng làm nên một Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Chiêng được coi là tài sản quí và thường được lấy để so sánh sự giàu có của từng gia đình trong buôn làng. Trước kia, theo quan niệm của đồng bào, những tù trưởng giàu có trong cộng đồng là những người có nhiều chiêng, nhiều ché. Sau ngày đất nước giải phóng, trong các buôn làng đều còn lưu giữ ít nhất vài ba bộ chiêng. Ngày nay, trong khu vực người Jrai ở Krông Pa vẫn lưu giữ được hơn 500 bộ cồng chiêng; Krông Pa cũng tự hào bởi có những nghệ nhân chỉnh chiêng nổi tiếng, còn lưu giữ được nhiều bài chiêng cổ trong khu vực tam giác các tỉnh Gia Lai, Đak Lak, Phú Yên như Nay Phai.
Lễ hội cổ truyền là sinh hoạt tín ngưỡng - văn hoá làm nên bản sắc riêng trong văn hóa Krông Pa. Trong cộng đồng người Jrai trong huyện có hai hệ thống lễ hội chính: Lễ hội vòng đời người như thổi tai, lễ trưởng thành, cầu sức khoẻ và lễ cúng tang, bỏ mả (Hoă lui) sau khi chết. Lễ hội trong một chu kỳ canh tác nương rẫy thường được tiến hành theo chu kỳ của một mùa vụ tính từ khi phát rẫy, trỉa hạt, đến khi thu hoạch, như lễ trỉa lúa, cầu mưa, mừng lúa mới... Lễ hội gắn với sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt đời sống của cộng đồng, trong đó lễ hội đâm trâu (hiến sinh trâu) là lễ hội đặc trưng lớn nhất được duy trì và phát triển, thường được tổ chức trong các lễ mừng chiến thắng, khánh thành nhà mới... Lễ hội thể hiện bản sắc văn hoá vật thể và phi vật thể của từng cộng đồng dân tộc. Tinh thần thượng võ, tình cảm chân thật của đồng bào dân tộc thể hiện qua những tiếng chiêng ngân, điệu soang, qua trang phục và lời khấn cúng của già làng và cả trong men rượu cần nồng say. Lễ hội mang đậm tính tự nhiên và quan hệ con người, thể hiện sự gắn bó gần gũi giữa con người với tự nhiên và sự hoà đồng giữa con người với con người trong cộng đồng gắn kết bền vững.
 Nhìn chung, văn hoá truyền thống của đồng bào Jrai ở Krông Pa phong phú về thể loại, gần gũi với cuộc sống của người dân trong cộng đồng cần được lưu giữ, bảo tồn và phát huy.
Sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng gắn liền với đời sống cộng đồng buôn làng. Về tín ngưỡng dân gian, buôn làng chính là cộng đồng mang tính tâm linh. Đồng bào Jrai Mthur - Krông Pa luôn mang một ý niệm về một lực lượng siêu nhiên thần bí tồn tại (Yang) bảo vệ con người trước những rủi ro trong đời sống hàng ngày. Trong tiềm thức của đồng bào, có một lực lượng vô hình trong thế giới tự nhiên luôn tác động đến mọi mặt hoạt động của con người. Do vậy, nghi lễ thờ cúng đều liên quan đến các vị thần, nhằm cầu mong điều tốt lành đến với mọi người như các thần ruộng rẫy (yang hma), thần bến nước (yang pin ia), thần núi (yang chư), thần làng (yang bôn), thần nhà (yang sang)... đó là những vị thần được coi trọng hơn cả trong cuộc sống của người dân. Quan niệm tín ngưỡng của đồng bào vùng Krông Pa tuy có những hạn chế nhưng nó góp phần tạo nên những nét riêng của nền văn hoá, văn học Tây Nguyên.
Trong công cuộc đổi mới, với sự phát triển của xã hội, đời sống văn hoá của đồng bào các buôn làng Krông Pa từng bước phát triển. Nhiều phong tục tập quán lạc hậu trước đây như nghi ma lai, thuốc độc, lặn nước, đổ chì... dần được xoá bỏ. Đồng bào tích cực tham gia vào các hoạt động văn hoá, xã hội theo đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, thực hiện cuộc vận động xây dựng buôn làng văn hoá, tạo một cộng đồng văn hoá trong vùng đồng bào dân tộc vừa lưu giữ văn hoá truyền thống, vừa từng bước giao lưu hoà nhập và phát triển văn hoá hiện đại.
Về tôn giáo, huyện Krông Pa hiện có 03 tôn giáo chính hoạt động có tư cách pháp nhân, đó là Tin lành thuộc Hội thánh Tin Lành Việt Nam (MN), Công giáo và Phật giáo. Dưới sự quan tâm lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương, hầu hết đồng bào theo các tôn giáo đều chấp hành đúng chủ trương, đường lối của Đảng, với phương châm sống “tốt đời đẹp đạo”, đoàn kết cùng nhau xây dựng quê hương, buôn làng ngày càng phát triển.
Cũng như vùng Cheo Reo, đồng bào Krông Pa đã sớm có chữ viết. Cụ Nay Der, buôn Ơi Nu- nhà giáo đầu tiên của đồng bào Jrai vùng Cheo Reo đã sớm nghiên cứu, phiên âm chữ viết cho người Jrai trên cơ sở mẫu tự Latinh do người Pháp khi đặt chân xâm lược lên Tây nguyên đặt ra. Tuy chữ viết Jrai phổ biến chưa rộng, nhưng đồng bào Jrai đã có chữ viết riêng của mình để tập đọc, tập viết trong thời kỳ sau cách mạng tháng Tám năm 1945.
Sau năm 1975, vùng đất Tây nguyên cũng như huyện Krông Pa cùng cả nước bước vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Thực hiện chính sách xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước, đồng bào Kinh từ các vùng miền các tỉnh đồng bằng miền Trung và miền Bắc đến Tây Nguyên, trong đó có Krông Pa. Cùng với xu thế chung đó, văn hoá của đồng bào các dân tộc Krông Pa đã có sự giao lưu và ảnh hưởng sâu sắc, có sự đan xen, hoà trộn giữa các nền văn hoá đa dạng mang bản sắc riêng của từng dân tộc.
Trong mối quan hệ giao lưu, ảnh hưởng văn hoá giữa các dân tộc trong huyện đã thúc đẩy quá trình biến đổi văn hoá truyền thống của dân tộc bản địa- Jrai. Đồng bào tại chỗ được tiếp thu những yếu tố văn hoá mới,  đời sống văn hoá tinh thần của đồng bào ngày càng thay đổi. Từ sự giao lưu đó đã góp phần thúc đẩy phát triển và quan hệ văn hoá gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc của huyện. Giao lưu, hoà quyện nhưng văn hoá của đồng bào Jrai huyện Krông Pa vẫn giữ được bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình, những giá trị văn hoá độc đáo riêng biệt vẫn được lưu giữ, bảo tồn, cùng phát triển trong sự thống nhất, đa dạng của nền văn hoá chung của dân tộc Việt Nam.
IV- TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC CHỐNG ÁP BỨC
Trong quá trình hình thành và phát triển, đồng bào dân tộc Jrai- Krông Pa luôn phải đoàn kết chống các thế lực bên ngoài xâm chiếm. Nửa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp thực hiện âm mưu thôn tính Tây Nguyên. Năm 1842, các giáo sỹ Hội thừa sai Pari đã tìm đường lên vùng đất Cheo Reo và tiếp đến những năm sau đó, các đoàn thám hiểm đã lên Tây nguyên nhằm thực hiện âm mưu xâm chiếm vùng đất cao nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt và giàu tài nguyên. Linh mục người Pháp H.Uytinel là người đầu tiên đặt chân lên Cheo Reo, tổ chức việc lập nhà và truyền đạo cho đồng bào trong vùng.
Theo chân các giáo sỹ, thực dân Pháp tiến hành từng bước chinh phục và đặt ách đô hộ lên Tây Nguyên. Năm 1898, Pháp chính thức thiết lập chế độ trực trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
 Để củng cố địa vị thống trị, thực dân Pháp lập bộ máy thống trị từ tỉnh xuống tận làng xã. Trong vùng đồng bào dân tộc, chúng lập các chủ làng để nắm quyền quản lý chung trong buôn làng, đồng thời tìm mọi biện pháp, thủ đoạn để kìm hãm sự liên minh nổi dậy của đồng bào các bộ tộc, các buôn làng chống lại chính sách cai trị của chúng.
Trong vùng Cheo Reo - Krông Pa, thực dân Pháp thực hiện các chính sách quân sự, kinh tế, văn hoá rất hà khắc và tàn bạo để cai trị nhân dân, đẩy mạnh các cuộc càn quét, tăng cường quản lý kiểm soát đồng bào trong vùng, ngăn chặn sự giao lưu giữa các vùng đồng bào Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số, độc quyền buôn bán muối... Chính sách khai hoá văn minh, thực chất là chính sách ngu dân của thực dân Pháp đã đẩy cuộc sống người dân Tây Nguyên nói chung và đồng bào dân tộc Krông Pa nói riêng ngày càng lạc hậu, cùng cực. Có áp bức, có đấu tranh, dưới ách cai trị thực dân, trong vùng Krông Pa đã nổ ra một số cuộc đấu tranh của đồng bào các dân tộc, gây cho địch những trở ngại trong công cuộc đặt ách cai trị thực dân.
 Các cuộc nổi dậy của nhân dân trong vùng Krông Pa chịu ảnh hưởng lớn của phong trào Pơtao APui (Vua Lửa), Oi HMai, Oi HPhai (1901-1909), Săm Brăm (1935-1939) và các phong trào khác của nhân dân quanh vùng. Phong trào trong huyện phát triển sôi động nhất ở vùng MĐrak, Mlah. Tuy còn mang tính tự phát, nhưng phong trào chống Pháp của đồng bào Jrai- Krông Pa đã thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương, buôn làng.
Khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời (1930), ảnh hưởng của Đảng đã lan đến vùng Cheo Reo - Krông Pa, thông qua một bộ phận nhân sĩ, trí thức, những thanh niên yêu nước tiến bộ người Jrai ở địa phương, những hạt nhân lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện đứng lên làm cuộc cách mạng giành thắng lợi trong cao trào tổng khởi nghĩa tháng tám 1945.
Cuối năm 1945 thực dân Pháp bắt đầu thực hiện âm mưu trở lại xâm chiếm nước ta. Cuối năm 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nổ ra trong toàn quốc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên kháng chiến kiến quốc, bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng. Ở Krông Pa, sau khi chi bộ Đảng đầu tiên ra đời (10/8/1947), đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết một lòng, tham gia, ủng hộ và phục vụ kháng chiến. Trải qua chính năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, phát huy truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, nhân dân Krông Pa vượt mọi khó khăn, gian khổ, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi to lớn, đánh bại kẻ thù của dân tộc là thực dân Pháp, kết thúc cuộc kháng chiến gian khổ nhưng đầy hào hùng và vẻ vang.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng (1954), đất nước hoà bình, nhưng tạm chia cắt thành hai miền. Đế quốc Mỹ thay chân Pháp nhảy vào xâm chiếm miền Nam. Một lần nữa, đồng bào Krông Pa cùng với nhân dân cả nước lại đứng trước một thử thách cam go, trước cuộc đấu tranh với kẻ thù xâm lược mới. Nhân dân Krông Pa một lần nữa lại chứng tỏ tinh thần anh dũng, bất khuất, không cam chịu làm nô lệ và đã trở thành cái nôi cách mạng của tỉnh Đak Lak trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Với vị trí chiến lược quan trọng, Krông Pa trở thành cầu nối giữa tỉnh Đak Lak với tỉnh Gia Lai, xuống vùng đồng bằng Phú Yên, một đầu mối quan trọng trên tuyến hành lang bắc - nam của ta. Trong cuộc chiến tranh cách mạng, nhân dân các dân tộc huyện Krông Pa dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã từng bước đánh bại mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, lập nên nhiều chiến công, cùng đồng bào trong tỉnh và cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bước vào công cuộc khôi phục phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương.
Sau hơn 30 năm giải phóng, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, cần cù trong lao động sản xuất, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ và nhân dân huyện Krông Pa từng bước khắc phục mọi khó khăn, hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước vươn lên xây dựng quê hương. Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhân dân và Đảng bộ Krông Pa lại vững bước đi lên, phát huy thế mạnh, khơi dậy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng, quyết tâm bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
  
  Chương một
NHÂN DÂN KRÔNG PA TỪ PHONG TRÀO YÊU NƯỚC
CHỐNG PHÁP ĐẾN KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN
TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (1930-1945)
 
I- BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA PHONG TRÀO CHỐNG PHÁP Ở KRÔNG PA
Trong âm mưu xâm lược nước ta, thực dân Pháp sớm có mưu đồ và quyết tâm xâm chiếm vùng Tây Nguyên có vị trí chiến lược đặc biệt và giàu tài nguyên. Năm 1838, Giám mục Taberd đã xâm nhập vào Tây Nguyên vẽ bản đồ địa hình phân vùng đất đai và dân cư. Từ giữa thế kỷ XIX, các giáo sĩ hội thừa sai Paris tiến hành truyền giáo vùng bắc Tây Nguyên và đến năm 1852 đã đặt cơ sở thiên chúa giáo đầu tiên tại Kon Tum. Sau khi buộc triều đình nhà Nguyễn ký hiệp ước đầu hàng vào năm 1884, thực dân Pháp theo chân các giáo sĩ, các phái bộ thám hiểm đã mở nhiều cuộc hành quân đánh chiếm các vùng ở bắc Tây Nguyên. Đối với địa bàn Cheo Reo, hướng tấn công chính của thực dân Pháp là từ Tuy Hoà, Củng Sơn (Phú Yên) lên vùng đông và tây Cheo Reo. Đánh chiếm đến đâu, quân Pháp lập đồn binh, tuyển mộ binh lính người địa phương chốt giữ những nơi trọng yếu tới đó, một mặt trấn áp những cuộc nổi dậy của nhân dân, mặt khác làm công cụ, chỗ dựa để thiết lập bộ máy cai trị. Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương Doumer ra quyết định lập các đồn binh và một số đơn vị quân đội người dân tộc thiểu số. Tại địa bàn Cheo Reo, thực dân Pháp thiết lập đồn binh vào năm 1901. Sau khi xâm chiếm được một số vùng trọng yếu  ở Tây Nguyên, tháng 10-1898 Pháp đưa ra yêu sách đòi triều đình nhà Nguyễn để Pháp phụ trách các vấn đề chính trị, quốc phòng, an ninh và kinh tế toàn vùng, từng bước gạt bỏ ảnh hưởng của triều đình Huế ra khỏi đời sống chính trị, thiết lập chế độ trực trị của Pháp lên toàn vùng, trong đó có vùng Cheo Reo. Năm 1913, thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị ở Kon Tum - Gia Lai từ cấp tỉnh đến đại lý, huyện, tổng, làng. Đại lý Cheo Reo tách ra từ tỉnh Phú Yên là một trong các đại lý của tỉnh Kon Tum.
Sau khi cơ bản đánh chiếm và thiết lập bộ máy cai trị, thực dân Pháp đẩy mạnh khai thác thuộc địa. Trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số bộ máy cai trị được tổ chức theo các đơn vị làng, tổng, huyện, chủ làng, chánh, phó tổng, huyện thừa do người dân tộc địa phương đảm nhận theo chính sách mua chuộc của chúng. Song thực tế họ chỉ là những người giúp việc, tay sai cho tên chủ hạt  người Pháp, kiêm chủ đồn binh trong vùng. Tại vùng đông Cheo Reo, khu vực Krông Pa ngày nay có hạt Mlah bao gồm các tổng: Ơi Nu, Đất Bằng, Ma Rôk, Phú Cần… Ở các tổng có một chánh tổng  đứng đầu. Một tổng được hình thành từ nhiều buôn có khoa buôn (đồng bào thường gọi là “Pô pin ia” tức chủ làng) đứng đầu. Chánh tổng, chủ làng phần lớn thuộc tầng lớp trên, là con cháu các tù trưởng hoặc các đội khố xanh, khố đỏ mãn hạn lính về nắm giữ. Hàng năm, Pháp tập hợp chánh tổng, chủ làng về các hạt, các đồn tổ chức giết trâu bò làm lễ “ăn thề”, nhằm củng cố lòng trung thành của  tay sai đối với đại diện toàn quyền, khâm sứ, công sứ và công chức cai trị người Pháp. Bộ máy quan lại từ làng, tổng, hạt, đến tỉnh tạo thành một hệ thống cai trị chặt chẽ, kết hợp với binh lính các đồn ngày càng tăng cường kìm kẹp, vây ráp người dân địa phương trong vòng kiềm toả, làm cho nhân dân mất quyền tự do, dân chủ.
Đi đôi với việc thiết lập các đồn binh, bộ máy cai trị, thực dân Pháp xúc tiến thực hiện chính sách khai thác thuộc địa, chiếm đoạt tài nguyên, chiếm đất đai lập đồn điền, chiêu tập công nhân để bóc lột sức lao động thu lợi nhuận, thu gom sản vật, áp đặt và thu các loại thuế.
Để có điều kiện khai thác tài nguyên và nhân lực, Pháp mở nhiều đoạn đường từ Cheo Reo đi các nơi như đường số 7A (quốc lộ 25) từ Mỹ Thạch (Chư Sê) đi Tuy Hoà, đường 7B (đường 662) từ An Khê đi Cheo Reo và đường từ Cheo Reo đi Ia Hleo.
Thực dân Pháp triệt để thực hiện chính sách chia rẽ các dân tộc. Chúng ngăn cấm giao lưu, tiếp xúc giữa người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số. Ngày 1-1-1926, trong hội nghị các trưởng làng Tây Nguyên, Pháp thông qua một qui chế xem người Kinh là người “ngoại quốc” đối với vùng Tây Nguyên, người Kinh không được phép cư trú trên vùng đất Tây Nguyên. Qui định này nêu rõ: “Chỉ có người Pháp mới được quyền có mặt ở Tây Nguyên để khai hoá, che chở, bảo vệ người Thượng”[12]. Tại vùng Cheo Reo, Pháp thực hiện nghiêm ngặt chính sách “đóng cửa”, cấm giao lưu giữa các vùng trong tỉnh, ngoài tỉnh, nhất là cấm người Kinh và đồng bào dân tộc tiếp xúc, giao lưu thông qua đường 7, nối Cheo reo đi Tuy Hoà (Phú Yên). Trừ một số phu phen làm việc trong các đồn điền của Pháp, mọi người qua lại trên đường 7 nối vùng đồng bằng Phú Yên với Cheo Reo, Pleiku phải có giấy phép do chính quyền thực dân cấp. Số người Kinh vùng đồng bằng lên vùng đồng bào dân tộc thiểu số buôn bán, trao đổi hàng hoá cũng bị cấm ngặt. Thay vào đó chúng tổ chức bọn tay sai đội lốt nhà buôn lùng sục vào các làng đồng bào dân tộc để mua bán, đổi chác, qua đó nắm tình hình tại các làng để báo cáo lại với bọn thực dân. Chính sách “đóng cửa” của Pháp đã kìm hãm sự phát triển của vùng Cheo Reo, làm cho đại bộ phận nhân dân trong vùng rơi vào bần cùng, lạc hậu.
Để cướp đất, ruộng rẫy làm đồn điền, thực dân Pháp tiến hành dồn dân vào một vùng nhất định để dễ quản lý. Theo Joseph Chailly Bert, tổng thư ký hội Liên hiệp Pháp thì “Dân cư ấy - tức dân Tây Nguyên - phải ghép chúng vào kỷ luật (…), dồn chúng vào một vùng nào đó, còn các vùng đất khác phải để hoang nhằm xây dựng các đồn điền (…). Sự phì nhiêu của đất đai vùng này quả là một nguồn lợi lớn đối với người thực dân”[13]. Thực dân Pháp đã đề ra một kế hoạch khai thác đất đai Tây Nguyên nhằm sản xuất các loại cây công nghiệp thu nhiều lãi mà chi phí ít. Chúng cướp đất nương rẫy, ruộng lúa để lập đồn điền, đưa một số đồng bào dân tộc tại chỗ cùng với những phu được tuyển mộ các nơi khác trong cả nước để làm công nhân. Đồng bào dân tộc được giao ruộng, giống, nông cụ để canh tác và nộp tô thuế.   Triển khai phương thức canh tác, thu tô như vậy thực dân Pháp một mặt vẫn duy trì phương thức sản xuất cổ truyền của đồng bào dân tộc địa phương, đồng thời chồng lên đó là phương thức bóc lột kiểu phong kiến và tư bản chủ nghĩa là phát canh thu tô, thuê mướn nhân công, cưỡng bức lao động. Hậu quả của chế độ thống trị này là đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và vùng Krông Pa - Cheo Reo nói riêng tiếp tục sống trong vòng nghèo nàn, lạc hậu.
Trong khoảng hơn 10 năm, từ đầu thế kỷ XX đến năm 1912, thực dân Pháp đã chiếm được ở Tây Nguyên diện tích đất bằng 7% tổng số ruộng đất mà chúng cướp được của cả nước (469.724 ha). Các đồn điền trồng chè, cà phê, cao su ở Tây Nguyên lần lượt ra đời. Từ năm 1898 đến năm 1945, với chính sách độc quyền khai thác vùng đất trù phú này, thực dân Pháp đã lập ra ở Tây Nguyên trên 300 đồn điền lớn nhỏ, chiếm tới hàng vạn ha đất đỏ bazan màu mỡ. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929- 1933, thực dân Pháp càng đẩy mạnh chiếm đất đai để lập đồn điền. Trên địa bàn Gia Lai, lần lượt các đồn điền lớn nhỏ ra đời. Đồn điền chè Biển Hồ được thành lập năm 1921. Đồn điền chè Đak Đoa thuộc chi nhánh Công ty thương mại nông nghiệp và tài chính Đông Dương (SICAF), thành lập năm 1924. Đồn điền Ia Puch, còn gọi là Bàu Cạn thuộc công ty CATECKA thành lập năm 1925. Trong những năm 1930 -1940, sau khi toàn quyền Đông Dương ra Nghị định ngày 17-1-1933, chính thức qui định đất đai thuộc bất động sản, dưới hình thức “nhượng hẳn”, “nhượng tạm thời”. Các chủ người Pháp ở Gia Lai đã cướp 25 đến 540 ha đất để lập ra những đồn điền lớn trồng cây công nghiệp. Ngoài ra, bọn tư bản thực dân còn cướp đất để mở các khu chăn nuôi bò, lai giống ngựa, lập các vườn ươm, các trại thực nghiệm.
Ở vùng tây Cheo Reo, tên Mille, một chủ tư bản Pháp cướp một vùng đất dọc sông Ia Rbol, cách thị trấn Cheo Reo 3 km. Đây là ruộng rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số canh tác lâu đời. Hắn lập nên đồn điền Thong Pơ Cheo Reo, chuyên trồng và sản xuất thuốc lá. Tên đồn trưởng người Pháp ở Cheo Reo cũng cướp hàng trăm ha ruộng đất dọc theo sông Ia Rbol và sông Ba để trồng lúa, hoa màu, bắt đồng bào trong vùng phục dịch rất cơ cực.
Ngoài bóc lột sức lao động, khai thác tài nguyên thông qua việc phát triển các đồn điền, thực dân Pháp thi hành chính sách đi xâu, sưu cao thuế nặng đối với đồng bào dân tộc hết sức khắc nghiệt, tàn nhẫn. Đồn binh, đồn điền của thực dân Pháp mở rộng đến đâu, đồng bào dân tộc thiểu số bị bắt đi làm xâu công nhân đến đó. Xâu được áp dụng cho cả người, voi  và trâu là hai động vật quí của đồng bào. Theo sắc lệnh “cưỡng bức lao động” do chính phủ Pháp ban hành năm 1930, áp dụng đối với các nước thuộc địa, các công sứ, chủ tỉnh được huy động dưới 2.000 công nhân, sau khi được phép của Toàn quyền Đông Dương. Sắc lệnh này cũng qui định mỗi người dân hàng năm có thể bị bắt đi phu 60 ngày và điều động trong phạm vi 50 km cách nơi cư trú. đến năm 1935, do sự đấu tranh quyết liệt của nhân dân, nên số ngày đi phu được giảm xuống còn 30 ngày trong một năm. Trong những năm 1941-1945, chính quyền thực dân phát xít định giá ngày xâu của người là 0,35 đồng và của voi là 0,75 đồng. Đại diện “nhà nước” trong vùng thực dân có quyền nhượng lại số ngày xâu này cho bọn chủ đồn điền để lấy tiền. Công việc đồn điền khá nhiều. Nhưng ngày xâu có hạn, nên bọn chủ đồn điền bắt tay với bọn tay sai chính quyền thực dân tăng cường bắt đồng bào dân tộc thiểu số đi xâu, rồi bán lại cho chúng làm công nhân. Hàng năm dân các làng trong vùng đồng bào dân tộc, nhất là các làng gần với các đồn điền, dân bị bắt đi xâu từ 50-100 ngày công trong năm cho chủ đồn điền, nên không còn thời gian lao động sản xuất cho gia đình, dẫn đến nạn đói diễn ra triền miên.
Thuế là nguồn thu lớn của chính quyền thực dân, nhưng là gánh nặng của nhân dân. Để bù đắp cho những mất mát do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933 gây ra, thực dân Pháp ra sức khai thác, bóc lột thuộc địa, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cheo Reo, biện pháp chủ yếu là tăng thuế. Cư dân vùng Kinh và vùng dân tộc thiểu số, thực dân Pháp qui định đều phải đóng thuế thân. Năm 1898, mỗi suất thuế thân là 0,1 đồng. Đến ngày 8-11-1928, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định sửa đổi thuế ở Trung Kỳ, theo đó từ ngày 1-1-1929, tất cả dân Trung kỳ, từ 18 đến 60 tuổi đều chịu mức thu thuế thân là 2,5 đồng. Ngoài ra dân phải đóng thêm một khoảng phụ thu theo tỷ lệ từng vùng. Ở Cheo Reo nói riêng và tỉnh Pleiku (Gia Lai), Kon Tum nói chung, số phụ thu là 20%, tức thêm 0,5 đồng, thành 3 đồng/người/năm. Đến năm 1940 thuế thân được bổ trên đầu người tăng lên 3,2 đồng.
Ngoài thuế thân, thực dân Pháp ban hành rất nhiều loại thuế đối với đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên như thuế ruộng đất, thuế muối, thuế thuốc lá, thuế “đầu thú”[14]… Chính chế độ sưu thuế nặng nề  này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến những cuộc nổi dậy của đồng bào dân tộc ở Cheo Reo nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Theo lý giải của Louis Lilurade thì “ta cứ nói người Mọi là hiếu chiến mà không thấy rằng chính chế độ xâu thuế nặng nề đã đẩy họ đứng lên cầm vũ khí chống lại chúng ta”.
Thực dân Pháp thực hiện triệt để chính sách “ngu dân” để dễ bề cai trị. Ngoài một số ít con em tầng lớp trên giàu có được học các trường do Pháp mở còn đa số con em đồng bào dân tộc thiểu số ở Cheo Reo đều không được học hành. Năm 1938, toàn tỉnh Gia Lai chỉ có một trường nội trú cho con em dân tộc Jrai. Trường này chủ yếu lựa chọn những học sinh giỏi để đào tạo làm tay sai cho Pháp, theo nguyên tắc được đề ra trong Thông tư ngày 30-7-1923 của Khâm sứ Trung kỳ “những người thông minh được dạy bằng tiếng Pháp. Tất cả học sinh này được đào tạo để phục vụ công việc quản lý của chúng ta - tức chính quyền thực dân. Sau khi về làng chúng sẽ đảm trách công việc hành chính của chính quyền”. Năm 1943, thực dân mới mở một trường tiểu học ở Cheo Reo, nhưng chỉ đào tạo đến lớp Nhì. Học sinh muốn thi hết tiểu học phải học lớp Nhất ở thị xã Kon Tum. Trường học ít,  chi phí ăn học tốn kém, nên hầu hết con em đồng bào dân tộc thiểu số đều không được đến trường. Hầu hết người dân ở Cheo Reo sống dưới chế độ thực dân đều không biết chữ.
Về văn hoá, núp dưới chiêu bài “bảo vệ và phát triển các chủng tộc Thượng”, “không đụng chạm đến tập tục văn hóa bản địa”, chính quyền  thực dân Pháp đã duy trì, khuyến khích và tái hiện những tập tục cổ xưa lạc hậu, mê tín dị đoan để mê hoặc đồng bào. Về y tế, đa số nhân dân ở Cheo Reo đều không được chăm sóc sức khoẻ. Đội ngũ y tá, hộ lý ít ỏi tại đây chỉ phục vụ khám chữa bệnh cho người Pháp, nhân viên, binh lính của chính quyền thực dân. Sinh mạng của người dân giao hẳn cho thầy cúng khi bị đau ốm. Các dịch bệnh nguy hiểm như sốt rét, đậu mùa, lỵ, thương hàn… thường xuyên hoành hành, có năm cướp hàng trăm sinh mạng người dân.
Việc thành lập các đồn điền và du nhập chủ nghĩa tư bản vào vùng Tây Nguyên nói chung và khu vực Cheo Reo nói riêng đã tác động lớn đến cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội cổ truyền của đồng bào dân tộc bản địa. Phân hoá giàu nghèo trong đồng bào dân tộc diễn ra ngày càng nhanh. Ở Cheo Reo bước đầu có sự phân hoá về cơ cấu xã hội. Một số giai cấp, tầng lớp mới được hình thành.
Trong quá trình khai thác đất đai, tài nguyên lập đồn điền và các công trình làm đường, xây nhà cửa, đồn bốt cho bọn thực dân, tư bản Pháp, đội ngũ công nhân ở Cheo Reo được hình thành. Họ hầu hết xuất thân từ nông dân. Tuy lực lượng không đông, nhưng đây là lực lượng mới, có giao du rộng và có khả năng qui tụ lực lượng, giác ngộ quyền lợi giai cấp lao động, giác ngộ cách mạng để chống chính quyền thực dân áp bức, bóc lột.
Nông dân là lực lượng đông đảo nhất ở vùng, chiếm trên 95% dân số. Ngoài một bộ phận người kinh, đa số là nông dân vùng Phú Yên lên khai phá lập làng, tập trung ở Phú Cần, Đất Bằng, làng Hảo Đức, thị trấn Cheo Reo. Người Jrai theo chế độ mẫu hệ, quen với lối sống du canh, du cư. Nông dân trong vùng cả người Kinh và đồng bào dân tộc luôn bị chính quyền thực dân và bọn chủ làng kìm kẹp, áp bức xâu thuế nên đời sống hết sức khó khăn. Đồng bào dân tộc tại chỗ và đồng bào Kinh mới đến dần hình thành nên những cộng đồng sống đan xen nhau. Trong lao động sản xuất họ vốn có tinh thần đoàn kết, mong muốn có được cuộc sống  tự do, ấm no, hạnh phúc. Họ sẵn sàng chung lưng, đấu cật tham gia các phong trào đấu tranh chống áp bức, giải phóng dân tộc.
Tầng lớp tiểu tư sản bao gồm những công chức nhỏ phục dịch trong các công sở Pháp, giáo viên, học sinh, tiểu thương, tiểu chủ cả người Kinh và đồng bào tại chỗ, tuy số lượng không nhiều, song có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội ở địa phương. Đây là tầng lớp có nhận thức cao trong cộng đồng và rất nhạy cảm với thời cuộc. Họ nắm bắt thông tin và đi đầu trong việc tuyên truyền những điều mới lạ đến với dân chúng. Khi được giác ngộ cách mạng, họ trở thành lực lượng tiến bộ, có tinh thần dân tộc, hăng hái hoạt động thúc đẩy phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Lực lượng này đã có những đóng góp quan trọng trong quá trình vận động cách mạng, giải phóng dân tộc ở Cheo Reo. Tiêu biểu như cụ Nay Der, trong thời gian dạy học ở Kon Tum đã tiếp xúc với những người tù chính trị và từng bước được giác ngộ cách mạng, đã tích cực tuyên truyền tư tưởng tiến bộ trong đồng bào. Hay như thầy giáo Rơchom Briu cũng chịu ảnh hưởng tư tưởng tiến bộ và đã tích cực truyền bá tư tưởng cách mạng cho đồng bào Jrai ở Cheo Reo.
Giai cấp trực tiếp bóc lột ở Cheo Reo chính là bọn thực dân nắm quyền cai trị và bọn tư sản thực dân Pháp làm chủ các đồn điền, chủ sở các ngành kinh tế. Trong làng, xã, số địa chủ, phú nông thường gắn với các “chức việc” chánh phó tổng, hương lý, chủ làng có quyền điều hành và ức hiếp lương dân. Số này mới ngoi lên trong thời kỳ Pháp đẩy mạnh khai thác thuộc địa, song vẫn bị bọn thực dân Pháp chèn ép. Trong số đó, một số người thông cảm với hoàn cảnh của nhân dân lao động và cảm tình với cách mạng. Một số con em họ đã tham gia phong trào cách mạng và kháng chiến sau này.
Tuy bước đầu có sự hình thành các giai cấp, giai tầng mới khác với tổ chức xã hội truyền thống của người dân tộc địa phương, nhưng thực tế, việc phân hoá giai cấp ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Cheo Reo chưa rõ rệt. Tại khu vực này, lúc bấy giờ có hai tầng lớp chính: thứ nhất, tầng lớp lao động nghèo khổ quanh năm vất vả, thiếu ăn, đây được coi là tầng lớp “dưới”, lực lượng đông đảo trong xã hội; thứ hai, tầng lớp “trên” giàu có hơn thường là chủ làng, già làng, phú nông, chánh phó tổng, hương lý.
Chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Tây Nguyên đã tạo cho vùng đất này những chuyển biến lớn trong xã hội. Ngoài những chuyển biến chung của cả nước, ở Tây Nguyên có một nét riêng rất đáng chú ý. Đó là việc di dân người Kinh từ đồng bằng lên làm công nhân tại các đồn điền, công nhân tại các công trình xây dựng nhà cửa, đồn bót, đường giao thông ngày càng lớn. Đội ngũ công nhân người Kinh bị đối xử như hạng “cu ly”, được trả công thấp, đời sống hết sức cơ cực. Họ và những công nhân, phu phen người dân tộc thiểu số làm việc trong các đồn điền, công trình xây dựng có cảnh ngộ và thân phận giống nhau và có kẻ thù chung là bọn thực dân bóc lột nên rất đoàn kết, gắn bó với nhau. Lực lượng công nhân này là những người có tinh thần yêu nước và căm thù giặc sâu sắc, đây là lực lượng nòng cốt cùng với đội ngũ trí thức người đồng bào dân tộc thiểu số bản địa từng bước gieo mầm cách mạng trong đông đảo đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
II- PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG PHÁP Ở VÙNG KRÔNG PA TRƯỚC CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945
Sau khi cơ bản chiếm được vùng đồng bằng thuộc các tỉnh duyên hải miền trung, thực dân Pháp tiến hành âm mưu thôn tính Tây Nguyên. Vào những năm 80 của thế kỷ XIX, quân đội thực dân Pháp, kết hợp với đạo quân của các giáo sĩ tiến hành đánh chiếm một số vùng ở bắc Tây Nguyên như An Khê, Pleiku. Từ năm 1890, Pháp chuyển sang thời kỳ mới trong việc xâm lược Tây Nguyên. Chúng tổ chức nhiều đợt thám sát quân sự, nhằm mục đích khám phá đất đai, do thám dân tình, thu thập tài liệu… nhằm phục vụ cho mục tiêu chính yếu là đặt nền đô hộ của Pháp tại Tây Nguyên. Thực dân Pháp giao cho Auguste Pavie tổ chức thực hiện kế hoạch thám sát, để tổ chức các đội quân đánh chiếm Tây Nguyên. Từ năm 1890 đến 1893, Pavie đã tổ chức nhiều nhóm quân có vũ trang để do thám Tây Nguyên. Ở khu vực bắc Tây Nguyên, Pavie giao cho nhóm của đại uý Cupet, đại uý Cogniard, trung uý Dugast và thanh tra Garuier phụ trách. Bọn chúng tổ chức các đoàn thám sát xuất phát từ nhiều địa phương khác nhau, xâm nhập sâu vào các vùng đồng bào dân tộc đang sinh sống và điểm hẹn cuối cùng là Kon Tum. Ngay từ khi mới đặt chân lên khu vực bắc Tây Nguyên, trong đó có vùng Mlah - Cheo Reo, các đoàn thám sát quân sự của địch đã nhận được thái độ bất hợp tác và chống đối quyết liệt của đồng bào địa phương. Theo Henri Maitre: “ngay từ lúc các đội quân của Pavie mới xuất phát, các bộ tộc Mọi đã gây cho các sĩ quan của ta rất nhiều khó khăn, hoặc là họ thực hiện chính sách “nhà không vườn trống” để đối phó ta hoặc họ tiếp đón bằng tên nỏ và giáo mác”.
Ngày 15-1-1891, đoàn thám sát quân sự của trung uý Dugasr, cùng với đạo quân của Bricourt mở đường xâm nhập từ Củng Sơn (Phú Yên) lên vùng Mlah - Cheo Reo, nhưng những quan lại người Kinh không bố trí người dẫn đường, buộc chúng phải quay lại Qui Nhơn. Ngày 5-2-1891, Dugast theo ngả An Khê mở đợt thám sát đến khu vực Cheo Reo, tìm gặp phái đoàn của Coupet, nhưng những người phục vụ, dẫn đường của đoàn đều bỏ trốn. Khi Dugast đến được tả ngạn sông Ayun, cách làng của “Hoả xá” khoảng 5 dặm, nhân dân địa phương không hợp tác, không hướng dẫn, chỉ đường, nên Dugast phải quay trở lại An Khê theo đường cũ và về Kon Tum.
Trong những năm cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp thường xuyên gia tăng các đợt do thám quân sự lên khu vực bắc Tây Nguyên, trong đó có vùng Cheo Reo, đồng bào dân tộc địa phương phát huy truyền thống tự cường, yêu quê hương, buôn làng, từ thái độ bất hợp tác, đã bước đầu chuyển sang chặn đánh các đoàn thám sát, các cuộc hành quân của Pháp. Năm 1894, đồng bào dân tộc ở khu vực thung lũng sông Hnăng (Krông Năng), khu vực sông Ba, một phần của huyện Krông Pa ngày nay, đã chặn đánh toán quân Pháp từ sông Cầu, Phú Yên, theo đường Củng Sơn lên xâm chiếm Tây Nguyên, buộc chúng phải rút về lại Phú Yên. Những năm 1897-1899, đồng bào dân tộc Jrai, Êđê đã nhiều lần đánh bại các cuộc hành quân của thực dân Pháp ở Cheo Reo, Đak Lak. Thực dân Pháp phải huy động những tên chỉ huy sừng sỏ, các quan chức chính quyền như Castanierr, Frébault, giám binh Aruoux và các đồn trưởng Henri, Robert, Nollin và một lực lượng quân sự hùng hậu để chống lại các đợt chặn đánh của đồng bào. Các cuộc phản kháng quyết liệt của đồng bào Jrai ở vùng Mlah - Cheo Reo đã làm cho các cuộc hành quân xâm chiếm và thiết lập các đồn bót quân sự của Pháp trong vùng bị chậm lại.
Phát huy truyền thống đoàn kết Kinh- Thượng, nhân dân các dân tộc ở Cheo Reo đã tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ, Trần Cao Vân trong phong trào Cần Vương. Cùng với đồng bào Kinh và đồng bào Bahnar ở vùng đông Gia Lai, tây Bình Định, Phú Yên, đồng bào dân tộc ở vùng Mlah - Cheo Reo đã tham gia nhiều trận đánh do Võ Trứ chỉ huy, tiêu biểu là trận tiến quân kéo về đồng bằng đánh vào dinh công sứ Pháp ở Sông Cầu (Phú Yên) vào năm 1898. Lực lượng tham gia nghĩa quân của Võ Trứ từ năm 1895-1900, có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Cheo Reo và nhiều địa phương khác. Ngoài giáo, mác, cung tên, lực lượng nghĩa quân sử dụng vũ khí chủ yếu là rựa. Tham gia chỉ huy nghĩa quân, ngoài Võ Trứ, còn có một số nhà sư, nguyên là những người từng tham gia phong trào Cần Vương, sau khi bị đàn áp, họ ẩn náu vào chùa, chờ cơ hội cứu nước, vì vậy, thực dân Pháp gọi Nghĩa quân của Võ Trứ là “giặc rựa’, hoặc “giặc thầy chùa”. Cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ kéo dài khoảng 5 năm, gây nhiều thiệt hại cho thực dân Pháp. Ngày 14-5-1900, nghĩa quân đã mở cuộc tấn công quân Pháp và lính khố xanh ở Lương Phúc (Sông Cầu, Phú Yên). Sau một trận chiến đấu ác liệt gây cho địch nhiều tổn thất, nghĩa quân đã rút về phía thượng nguồn sông Kỳ Lộ (địa bàn tây Phú Yên và Krông Pa ngày nay) tiếp tục hoạt động dưới sự che chở của đồng bào dân tộc địa phương. Mấy ngày sau cuộc tấn công của nghĩa quân, thực dân Pháp tập trung quân đi đốt nhà, bắn giết một cách dã man đồng bào ở các làng gần khu căn cứ của nghĩa quân. Để cứu nhân dân khỏi cơn trả thù đẫm máu của giặc, Võ Trứ quyết định tự nạp mình cho Pháp và bị bọn thực dân xử chém tại Sông Cầu. Sau khi Võ Trứ hy sinh, năm 1901 Trần Cao Vân cũng bị giặc Pháp bắt và xử tử. cuộc khởi nghĩa do Võ Trứ và Trần Cao Vân lãnh đạo đã thất bại, nhưng tinh thần đoàn kết Kinh- Thượng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm tiếp tục được phát huy trong các giai đoạn lịch sử sau này.
Bên cạnh những trận đánh chống thực dân Pháp hành quân chiếm đóng, tham gia khởi nghĩa vũ trang, nhân dân các dân tộc ở đông bắc Tây Nguyên, trong đó có đồng bào ở vùng Krông Pa còn thường xuyên đấu tranh chống bọn thực dân và tay sai đi bắt phu, thu thuế. Đồng bào thường xuyên tổ chức phục kích, chặn đường tiếp tế, tiêu diệt các đồn bót, chống địch càn quét. Khi phong trào đấu tranh của nhân dân ở vùng đồng bằng tạm lắng, các dân tộc ở Tây Nguyên vẫn tiếp tục nổi dậy chống Pháp với những phương thức và vũ khí truyền thống, tạo thành một phong trào rộng lớn và lâu dài. Phần lớn các cuộc đấu tranh này còn mang tính tự phát, cục bộ, chưa có sự phối hợp và liên kết chặt chẽ, nhưng đã gây cho Pháp nhiều thiệt hại, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch thôn tính Tây Nguyên của thực dân Pháp.
Bước sang đầu thế kỷ XX, những cuộc khởi nghĩa do các thủ lĩnh người dân tộc địa phương ở Cheo Reo và vùng phụ cận liên tiếp nổ ra trên diện rộng. Năm 1901, trong vùng bắt đầu diễn ra cuộc nổi dậy khởi nghĩa của đồng bào Jrai Mthur do Oi H’Mai và Oi H’Phai lãnh đạo. Oi H’Mai tên thật là Y Tòng, người buôn Ia Hli, huyện MĐrak (Đak Lak), giáp ranh với Krông Pa. Ông là một tù trưởng có uy tín trong vùng. Bọn thực dân Pháp muốn lợi dụng uy tín Oi H’Mai để nắm dân, chúng cử ông làm chánh tổng. Oi H’Mai từ chối, thực dân bắt vợ, con ông làm con tin để gây sức ép. Không khuất phục, Oi H’Mai liên minh với các già làng trong vùng, tập hợp nhân dân chống Pháp. Căn cứ của nghĩa quân đóng ở vùng suối Ia Hly. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân từ thung lũng sông Ba, sông Hnăng (Krông Năng) lên đến suối Ia Hly, dọc theo đường quốc lộ 25 ngày nay, từ Phú Yên đi Cheo Reo. Các đồn bót của Pháp từ Củng Sơn (Phú Yên), Mlah, Cheo Reo đều bị nghĩa quân Oi H’Mai tấn công. Năm 1901, nghĩa quân dưới sự chỉ huy của Oi H’Mai tổ chức đánh úp, tiêu diệt đồn khố xanh ở Chư Mrố (xã Krông Năng- huyện Krông Pa ngày nay), giết chết tên đại uý Péroux và một số lính giữ đồn. Năm 1905, Oi H’Mai bị lâm bệnh nặng rồi chết, người bạn chiến đấu của ông là Oi H’Phai tiếp tục lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp. Oi H’Phai tổ chức mở rộng liên minh hơn 10 làng trong vùng và tổ chức nhiều trận đánh, gây cho địch nhiều tổn thất. Trong một lần đánh lớn vào ngày 19-3-1909, Oi H’Phai đã hy sinh anh dũng. Một lãnh tụ khác của nghĩa quân là Ama Dlă, tiếp tục sự nghiệp của Oi H’Mai và Oi H’Phai lãnh đạo nhân dân trong vùng chống Pháp đến năm 1922.
Sau cuộc khởi nghĩa của Oi H’Mai và Oi H’Phai nổ ra ba năm, năm 1904 ở vùng Cheo Reo đã nổ ra cuộc khởi nghĩa do Pơtao APui (Hoả xá) lãnh đạo đã gây tiếng vang lớn trong vùng và tạo thành một phong trào kháng chiến chống Pháp rộng lớn ở Tây Nguyên. Cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ việc giết Prosper Odenhal, một tên quan cai trị thực dân cao cấp của Pháp, đồng thời là một nhà thám hiểm, từng tham gia phái bộ của Pavie và là nhân vật quan trọng tham gia xây dựng kế hoạch xâm chiếm Tây Nguyên của thực dân Pháp. Sự kiện Odendhal bị người Jrai dưới sự chỉ huy của Pơtao APui giết đã gây chấn động trong giới thực dân ở Đông Dương. Sau khi Odendhal bị giết, ngày 7-4-1904 thực dân Pháp huy động khoảng 200 lính khố xanh, đặt dưới quyền chỉ huy của giám binh Vincilioni và các sĩ quan dưới quyền như Triquet, Daudvieux, Renard, Stenger tổ chức tấn công đánh chiếm làng của Pơtao APui, nhưng gặp phải sự kháng cự của nhân dân trong vùng. Quân Pháp tuy đánh chiếm được làng, nhưng không tiêu diệt được nghĩa quân đông đảo của Pơtao APui. Thực dân Pháp tiếp tục điều quân ở Đak Lak và hạ Lào sang tăng viện. Để bảo toàn lực lượng nghĩa quân và chuẩn bị cuộc chiến đấu lâu dài, Pơtao Apui đã chỉ đạo đồng bào thực hiện chính sách “vườn không nhà trống” và rút quân vào thung lũng sông Ayun xây dựng căn cứ kháng chiến. Cuộc khởi nghĩa của Pơtao APui đã lôi cuốn đông đảo nhân dân các dân tộc ở Gia Lai, Kon Tum và một phần đông bắc tỉnh Đak Lak tham gia. Hưởng ứng cuộc nổi dậy của Pơtao APui, trong năm 1905 phong trào đấu tranh chống Pháp diễn ra sôi nổi ở khắp bắc Tây Nguyên gây khó khăn lớn cho kế hoạch thôn tính Tây Nguyên của thực dân Pháp.
Tính chất, quy mô cuộc nổi dậy của đồng bào Jrai ở Cheo Reo do Pơtao APui lãnh đạo có sức lan toả lớn hơn rất nhiều so với những cuộc nổi dậy trước đó của đồng bào dân tộc trong vùng. Nếu cuộc nổi dậy truớc đó của Oi H’Mai và Oi H’Phai chỉ liên kết được đồng bào ở hơn 10 buôn lân cận đấu tranh chống Pháp, thì cuộc khởi nghĩa do Pơtao APui lãnh đạo đã thu hút hầu hết nhân dân các dân tộc đông bắc Tây Nguyên tham gia hưởng ứng và gây náo loạn dân chúng trong vùng. Henri Maitre, một tên sĩ quan thực dân nhiều năm tham gia chỉ huy quân đội Pháp ở Tây Nguyên nhận định: “Những biến cố đáng tiếc đó đánh dấu sự một kỷ nguyên rối loạn trong cả một vùng phía đông này của nguời Jrai”.
Hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Pơtao APui, từ năm 1905-1907, đồng bào dân tộc Jrai phía nam vùng Cheo Reo đã nổi dậy đấu tranh chống Pháp, người cầm đầu cuộc nổi dậy là Ama Lai, chủ làng Bla. Căn cứ của nghĩa quân đóng ở vùng Plei Bông, Hwing. Địa bàn hoạt động của nghĩa quân mở rộng ra cả vùng quanh Cheo Reo, Củng Sơn, MĐrak, phía nam đến tận Buôn Hồ, phía tây đến Buôn Ia Tiêu. Nhiều lần nghĩa quân tấn công đồn Plei Tur gây cho Pháp nhiều thiệt hại. Để ngăn chặn các hoạt động ngày càng mạnh mẽ và mở rộng của nghĩa quân, từ ngày 07 đến ngày 16-8-1907, thực dân Pháp tổ chức một cuộc hành quân lớn do Bernier đồn trưởng Plei Tur và Morel, đồn trưởng Hwing chỉ huy tấn công đàn áp cuộc nổi dậy của nghĩa quân. Ngày 13-8 Pháp tổ chức đánh vào khu căn cứ của nghĩa quân tại làng Hwing. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, nhưng do lực lượng chênh lệch, trang bị vũ khí của nghĩa quân thô sơ, còn thực dân Pháp sử dụng súng, vũ khí hiện đại để tấn công, tàn sát, để bảo toàn lực lượng nghĩa quân phải rút vào rừng để tiếp tục tổ chức chiến đấu. Ngày 14-8, thực dân Pháp tiếp tục mở cuộc tấn công vào rừng và đã bắt được Ama Lai. Sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa của Ama Lai, thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng, nghĩa quân buộc phải di chuyển địa bàn để tiếp tục chiến đấu. Ngày 2-9-1907, một số quân của Ama Lai quy hàng đã chỉ đường cho quân Pháp tấn công làng Plei Bông, căn cứ trước đây của Ama Lai. Nhân dân Plei Bông phòng thủ chặt chẽ, chủ động đánh trả, giết chết một lính Pháp và nhiều tên khác bị thương. Ngày 5-10-1907, Pháp tấn công làng Plei Bông Tuch Ngo, Bernier bị thương và nhiều lính khố xanh đã rơi vào hố chông phòng thủ của làng. Từ ngày 17 đến 30-10-1907, quân Pháp tiếp tục tấn công làng Plei Kueng Tê và Plei Gung, nhân dân phục kích  trên đường vào làng đánh Pháp, sau đó tổ chức rút vào rừng. Cuối năm 1907, Pháp mở cuộc hành quân quy mô lớn đánh vào thung lũng sông Ayun và bắt được Pơtao APui. Từ đó phong trào đấu tranh của nhân dân suy yếu, nhưng vẫn tiếp diễn và chưa bao giờ thực dân Pháp làm chủ hoàn toàn vùng đất này.
Ở đông bắc Tây Nguyên, những năm trước 1945, ngoài các cuộc khởi nghĩa vũ trang, cuộc đấu tranh chống Pháp của nhân dân các dân tộc trong vùng còn mang hình thức thần bí. Tiêu biểu là phong trào “Nước xu đỏ” hay còn gọi là “Nước thần”. Các tù trưởng, già làng yêu nước lợi dụng sự sùng bái Yang của đồng bào dân tộc thiểu số đã phát động cuộc khởi nghĩa rầm rộ, lôi cuốn hầu hết các dân tộc đông bắc Tây Nguyên tham gia vào cuộc đánh đuổi thực dân, ngăn chặn không cho chúng chiếm buôn, làng. Phong trào “Nước xu đỏ” xuất hiện đầu tiên ở vùng Mang Chàm (Kà Lúi), xã Bầu Bèn, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên, giáp ranh với xã Đất Bằng, huyện Krông Pa. Người khởi xướng phong trào là ông Săm Brăm, vợ là người Chăm Hroi. Săm Brăm tên thật là Mang Lo, người làng hay gọi theo tên con là Ama Chàm. Ông là người có uy tín với nhân dân trong vùng. Vào những năm 1935-1936, nhân dân địa phương loan truyền, ông có nước phép trị được bệnh và chống được súng đạn. Vì vậy, nhân dân khắp nơi kéo đến nhà ông xin nước phép ngày càng đông. Ông lấy nước sông Ka Lúi rửa râu và tóc mình rồi phân phát cho mọi người. Sau khi lấy nước mỗi người trả ông một đồng xu đỏ, nên phong trào này được gọi là phong trào “Nước xu đỏ”.
Tại khu vực đông bắc Tây Nguyên, phong trào “Nước xu đỏ” có ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng các dân tộc. Những già làng có uy tín, những lãnh đạo phong trào yêu nước đã lợi dụng câu chuyện về “Nước xu đỏ” để tập hợp nhân dân, phát động quần chúng đứng lên chống Pháp. Lúc đầu phong trào chỉ giới hạn trong một số vùng, sau lan rộng sang người Xơ Đăng, người Bahnar, người Jrai và một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tây Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Do ảnh hưởng của phong trào “Nước xu đỏ”, nhiều làng bất hợp tác với Pháp, không chịu đi xâu, đi lính cho chúng, gây trở ngại việc làm đường xá, xây dựng các công trình quân sự. Phong trào “Nước xu đỏ” của nhân dân các dân tộc đông bắc Tây Nguyên, trong đó có đồng bào các dân tộc vùng Krông Pa, đã làm cho Pháp khiếp sợ. Nhưng do thiếu sự lãnh đạo thống nhất, nên cuộc đấu tranh trở nên rời rạc, hiệu quả không cao. Tuy vậy, phong trào đã góp phần ngăn chặn thực dân Pháp mở rộng vùng chiếm đóng.
Cùng với phát động các phong trào nổi dậy chống Pháp, đồng bào các dân tộc đông bắc Tây Nguyên trong đó có đồng bào Jrai ở Krông Pa - Cheo Reo chịu ảnh hưởng sâu rộng của phong trào chống sưu thuế, bắt phu phen diễn ra khá rầm rộ ở các tỉnh duyên hải miền Trung. Những năm 1922-1929, nhân dân các làng ở Krông Pa - Cheo Reo thường xuyên tham gia nổi dậy chống Pháp bắt phu, bắt dời làng để làm đường từ An Khê đi Cheo Reo. Họ cắm chông, đặt chướng ngại vật, tấn công các cuộc hành quân của Pháp, gây cho chúng nhiều thiệt hại về người và của. Không thể đàn áp phong trào đấu tranh của đồng bào, thực dân Pháp tìm cách chia rẽ các dân tộc. Chúng bắt dân các làng đã quy thuận dẫn đường để đánh các làng chống đối. Đồng bào không mắc mưu địch, đã liên kết lại với nhau chống Pháp. Do phản kháng mạnh mẽ của nhân dân, con đường từ An Khê đến Cheo Reo không hoàn thành. Ngày 11-4-1924, Toàn quyền Đông Dương phải điều động máy bay đánh phá làng Đêkrui và một số làng dọc đường An Khê đi Cheo Reo, nhưng vẫn không khuất phục được tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường của nhân dân các dân tộc trong vùng.
Cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc vùng Cheo Reo từ lúc thực dân Pháp mới xâm chiếm đến năm 1930, dưới sự lãnh đạo của các tù trưởng, già làng người địa phương diễn ra mạnh mẽ, mang tính chất cục bộ, nhưng có cùng mục tiêu là bảo vệ độc lập tự do cho buôn làng và truyền thống văn hoá của đồng bào. Là một bộ phận của phong trào đấu tranh chống Pháp tại Việt Nam, những cuộc đấu tranh của đồng bào Tây Nguyên, trong đó có nhân dân Cheo Reo có một nét riêng là phong trào diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp và liên tục. Đồng bào các dân tộc địa phương với truyền thống bất khuất, kiên cường, không cam phận làm nô lệ, ngay từ đầu đã nổi dậy chống Pháp quyết liệt, làm chậm bước xâm lược của thực dân Pháp. Nhận định về cuộc xâm lược của thực dân ada định về cuộc xâm lược của Pháp tại Tây Nguyên thời kỳ này Monfleur viết: “Đây là thời kỳ bắt đầu kỷ nguyên bình định của xứ sở mà chúng ta (chỉ thực dân Pháp) quan tâm. Cuộc bình định khá lâu dài. Trong quá trình đó chúng ta gặp rất nhiều khó khăn, tổn thất. Đây là kết quả logic của tính chất các dân tộc Thượng quen sống trong khung cảnh độc lập - một sự độc lập tuyệt đối và bẩm sinh ghê sợ, thù ghét với xiềng xích trói buộc dưới bất cứ hình thức nào”. Bước sang những năm ba mươi và đầu thập kỷ bốn mươi của thế kỷ XX, phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc vùng Cheo Reo tiếp tục phát triển. Ngoài đấu tranh chống xâu thuế, bắt phu, bắt lính, đồng bào đã liên tục nổi đậy đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi đất nước với quy mô rộng lớn hơn. Bước đầu đã có sự liên kết nhiều làng, nhiều dân tộc, tuy nhiên, phong trào còn mang tính tự phát, còn giới hạn ở từng dân tộc, địa phương, nên đều bị thực Pháp đàn áp.
III- TIẾP THU ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẢNG, NHÂN DÂN KRÔNG PA THAM KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM 1945.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam “Đội tiên phong cho giai cấp công nhân, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc” được thành lập. Nó chấm dứt một thời gian dài bế tắc, khủng hoảng đường lối cứu nước của dân tộc, đồng thời đáp ứng đòi hỏi chủ yếu của yêu cầu lịch sử Việt Nam trong thời đại mới.
Ngay từ khi mới ra đời và trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm đúng mức đến công tác lãnh đạo, tổ chức vận động phát triển lực lượng cách mạng trong đồng bào dân tộc thiểu số. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ I đã khẳng định: “Lực lượng đấu tranh của các dân tộc thiểu số là một lực lượng rất lớn. Cuộc dân tộc giải phóng của họ là một bộ phận quan trọng trong cách mạng phản đế và điền địa ở Đông Dương, bộ phận của cuộc thế giới cách mạng”[15]. Phân tích tình hình chính trị và xã hội dưới ách áp bức của thực dân Pháp, Đảng ta vạch rõ “Ở thôn quê, nông dân thiếu niên lao động chừng 6, 7 tuổi đã bắt đầu làm công ở nhà, đi ở làm mướn, bị cầm bán cho địa chủ, phú nông, khiến cho cả đời chịu làm người nô lệ, ngu dốt, thanh niên mới 13, 14 tuổi (như ở Kon Tum, Buôn Ma Thuột) đã phải làm công ích, nộp sưu”[16]. Từ đó Đảng đề ra nhiệm vụ “Các cơ quan chỉ đạo của Đảng, của các đoàn thể cách mạng ở Ai Lao, Cao Miên, các tỉnh (như Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Cao Bằng, Lạng Sơn…), các phủ, huyện, châu, quận (như Bái Thượng ở Thanh Hoá, Quỳ Châu- Nghệ An), các tổng, xã của các dân tộc thiểu số, thì phải thiết pháp, đem các phần tử hăng hái hơn trong đám người dân tộc thiểu số vào choán đại đa số”[17].
Thực hiện chủ trương “Vô sản hoá” của Đảng, những năm đầu thập niên ba mươi của thế kỷ XX, một số đảng viên, trí thức ở đồng bằng lên Gia Lai, Kon Tum, xâm nhập vào các đồn điền, vận động phát triển cơ sở cách mạng trong công nhân và nhân dân các dân tộc ở vùng phụ cận. Thêm vào đó, sau phong trào Xô Viết- Nghệ Tĩnh, thực dân Pháp đã khủng bố, đàn áp, bắt và đày hàng chục chiến sĩ cách mạng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Ngãi… lên nhà lao Kon Tum, đưa đi lao động khổ sai trên các công trình làm đường giao thông ở bắc Tây Nguyên. Các cuộc đấu tranh chống đàn áp, khổ sai được các chiến sĩ cách mạng tổ chức liên tục, đã tác động lớn đến đồng bào dân tộc ở địa phương. Ảnh hưởng của phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng ở Gia Lai ngày càng phát triển, do sự lớn mạnh của phong trào cách mạng chung của cả nước, đặc biệt là từ năm 1936. Phong trào yêu nước, chống Pháp ở Gia Lai, Kon Tum nói chung, vùng Cheo Reo nói riêng, từ đây rất phong phú. Ngoài cuộc đấu tranh của các dân tộc thiểu số, của công nhân các đồn điền, của tù chính trị, còn có các hoạt động yêu nước của những công chức người Kinh và người dân tộc thiểu số bản địa trong bộ máy chính quyền thực dân.
Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, ở Việt Nam, thực dân Pháp phải đương đầu với phát xít Nhật, nhưng nỗi lo sợ lớn nhất của chúng vẫn là người cộng sản. Chúng tổ chức bắt giam tất cả những người cộng sản đã hoạt động công khai trong cuộc vận động dân chủ thời kỳ 1936-1939, mà chúng cho là nguy hiểm đưa đi “an trí”. Pháp xây dựng những trại giam còn gọi là “Căng an trí” ở Đak Glei, Đak Tô (Kon Tum) để giam giữ người tù chính trị. Vượt qua ý đồ của thực dân Pháp, những người cộng sản đã biến nhà tù thành trường đấu tranh cách mạng. Nhiều cuộc đấu tranh nổ ra, thực dân Pháp phải nhượng bộ.
Cùng với các hoạt động tuyên truyền cách mạng của những người cộng sản, những trí thức yêu nước trong các đồn điền, các cuộc đấu tranh của những người tù chính trị ở ngục Kon Tum, ở “Căng an trí” Đak Glei, Đak Tô đã có tác động như một gạch nối giữa Đảng Cộng Sản Việt Nam với nhân dân các dân tộc Gia Lai- Kon Tum, trong đó có nhân dân vùng Cheo Reo. Những người như ông KSor Mơk, người vùng Cheo Reo trong thời gian bị giam giữ ở Kon Tum đã chịu ảnh hưởng của những người cộng sản ở ngục Kon Tum. Sau khi được ra tù, ông trở về tuyên truyền về cách mạng, về Đảng cho nhân dân các dân tộc vùng An Khê. Cách mạng tháng Tám thành công, ông trở thành cán bộ của Đảng. Cụ Nay Der trong thời gian dạy học ở Kon Tum, đã nhiều lần tiếp xúc với những người tù chính trị. Cụ từng bước nhận thức được về Đảng, về cách mạng, về sau đã tích cực tuyên truyền về đấu tranh giành độc lập, tự do, bình đẳng dân tộc trong nhân dân ở Cheo Reo và trở thành cán bộ lãnh đạo của chính quyền địa phương.
Phong trào đấu tranh của công nhân  trong các đồn điền không chỉ ảnh hưởng đối với nhân dân vùng Cheo Reo, mà còn có mối liên hệ với phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương. Công nhân đã tuyên truyền hướng dẫn đồng bào vùng phụ cận các đồn điền đấu tranh chống bắt xâu, thuế và bắt lính. Vận động gia đình binh lính người dân tộc thiểu số đòi trả chồng, con, em về với buôn làng. Đồng thời, đồng bào dân tộc thiểu số đã giúp đỡ, che dấu, nuôi dưỡng công nhân ở các đồn điền bỏ trốn. Hiện tượng này đánh dấu một bước phát triển của phong trào công nhân, phong trào cách mạng của địa phương, tạo cơ sở ban đầu để xây dựng khối liên minh công nông và thắt chặt hơn tình đoàn kết Kinh - Thượng vùng Cheo Reo trong thời gian vận động chuẩn bị cùng cả nước khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.
Năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra. Ngoài việc khủng bổ trắng các phong trào cách mạng ở Đông Dương, bắt các chiến sĩ cách mạng đi đày, thực dân Pháp tăng cường khai thác thuộc địa để phục vụ chiến tranh. Tại các buôn làng, chúng tăng thuế khoá, cướp bóc trắng trợn thóc gạo, trâu bò. Chúng lập ra tổ chức “Liên nông thương đoàn” để độc quyền vơ vét nông sản của nhân dân, quy định các điền chủ kê khai diện tích sản xuất và sản lượng lương thực trưng thu, trưng mua. Nhân dân vùng dân tộc thiểu số mỗi hộ nộp 50 kg thóc, gọi là thuế diện tích canh tác. Không những thế, tại các buôn làng vùng Krông Pa - Cheo Reo, thực dân Pháp và tay sai còn bắt hàng trăm thanh niên đi lính làm bia đỡ đạn cho chúng. Sự gia tăng áp bức bóc lột của Pháp và bọn tay sai đã làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số địa phương căm thù tột độ, sẵn sàng đứng lên đánh đổ chính quyền thực dân.
Ngày 23-9-1940, Pháp ký hiệp định chấp nhận yêu cầu của Nhật chiếm đóng Đông Dương. Từ đó, nhân dân ta chịu cảnh “một cổ hai tròng”. Tuy nhiên, phong trào đấu tranh của nhân dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai và ở vùng Cheo Reo, nhất là đội ngũ công nhân tại các đồn điền và các trí thức yêu nước trong đồng bào dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục được duy trì. Tại Cheo Reo, các thầy giáo Nay Der, Rahlan  Buat, Kpă Y Răng làm đơn kiện thói hống hách, phân biệt đối xử của những giáo viên người pháp. Kpă Y Răng còn giúp đồng bào dân tộc thiểu số đòi giảm sưu thuế, bị thực dân Pháp bắt giam và đuổi về làng.
Sau khi Pháp ký hiệp ước đầu hàng Nhật, tháng 11-1940 Trung ương Đảng tổ chức hội nghị lần thứ bảy và nhận định: Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy. Đảng phải chuẩn bị để gánh lấy cái sứ mệnh thiêng liêng, lãnh đạo các dân tộc bị áp bức Đông Dương võ trang bạo động giành lấy quyền tự do, độc lập. Dưới ánh sáng đường lối, chủ trương của Đảng, phong trào đấu tranh chống Pháp - Nhật trong các tầng lớp nhân dân phát triển sôi nổi trong cả nước. Các đoàn thể quần chúng trong mặt trận Việt Minh được thành lập, các căn cứ địa ở Cao Bằng, Bắc Sơn, Võ Nhai được xây dựng, lực lượng vũ trang được tổ chức, chiến tranh du kích cục bộ phát triển ở nhiều vùng rừng núi Việt Bắc, Trung Bộ. Sự phát triển của phong trào cách mạng trong nước đã tác động đến phong trào yêu nước, cách mạng ở Cheo Reo. Mặc dù lúc này chưa có cơ sở Đảng và Mặt Trận Việt Minh lãnh đạo trực tiếp, nhưng nhân dân các dân tộc ở Mlah - Cheo Reo với tinh thần yêu nước, dưới ảnh hưởng của phong trào cách mạng toàn quốc đã sẵn sàng đứng lên đấu tranh chống thực dân, phát xít.
Sau khi Nhật xâm chiếm Đông Dưong, mâu thuẫn giữa Nhật – Pháp diễn ra ngày càng gay gắt. Đúng như dự đoán của Đảng ta, ngày 9-3-1945, Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương. Ngay trong đêm đầu tiên Nhật nổ súng lật Pháp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp và ra chỉ thị  “Nhật- Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị xác định: “Đế quốc phát xít Nhật là kẻ thù chính - kẻ thù cụ thể trước mắt - duy nhất của nhân dân Đông Dương”[18]. Nhiệm vụ của cách mạng lúc này là phát động phong trào kháng chiến chống Nhật, tạo tiền đề chờ thời cơ nổi dậy tổng khởi nghĩa toàn quốc, giành chính quyền về tay nhân dân.
Ở Cheo Reo, bọn Pháp rơi vào thế hỗn loạn, chúng tìm mọi cách trốn chạy vào rừng và tìm đường thoát thân. Đến ngày 10-3, quân Nhật làm chủ toàn bộ Pleiku và các thị trấn tập trung đông dân trên toàn tỉnh. Sau đảo chính, công sứ Pháp bị bắt, quản đạo Nguyễn Hữu Nhơn trở thành tỉnh trưởng Pleiku, quản lý cả vùng người Kinh và vùng dân tộc thiểu số. Nhật sử dụng lại bộ máy cai trị của Pháp, công chức người Việt trong các công sở cũ, thay thế vị trí chủ chốt của công chức người Pháp với lớp sơn “độc lập” giả hiệu. Bọn Nhật và tay sai ở Cheo Reo đẩy mạnh tuyên truyền cho thuyết “Đồng văn, đồng chủng”, “Đại Đông Á”; kêu gọi “Kinh- Thượng đoàn kết”, “Nhật - Việt  đoàn kết”. Ca ngợi nền độc lập giả hiệu để lừa mị những người nhẹ dạ cả tin.
Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, quân Nhật và chính quyền bù nhìn tay sai ở Cheo Reo tăng cường bắt lính, bổ sung cho lực lượng bảo an, thúc giục kêu xâu, kêu thuế, cướp bóc, vơ vét tài sản của nhân dân và các đồn điền để cung cấp cho chiến tranh. Lính Nhật và bọn tay sai thường xuyên hà hiếp, nhũng nhiễu nhân dân. Trên địa bàn Mlah - Cheo Reo có hàng trăm đồng bào thanh niên dân tộc thiểu số bị bắt đi làm phu. Trật tự an ninh bị đảo lộn, nạn trộm cắp, cướp bóc hoành hành, đời sống nhân dân lại xáo trộn và rơi vào cảnh khó khăn cùng quẫn hơn trước. Sự thật rõ ràng diễn ra hằng ngày đã bóc trần bộ mặt xâm lược và sự tàn ác của phát xít Nhật. Luận điệu tuyên truyền về nền “độc lập” giả hiệu bị thực tế phủ nhận.
Nhận rõ âm mưu của bọn phát xít, phong trào đấu tranh kháng Nhật của nhân dân ta diễn ra mạnh mẽ. Các cuộc đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh vũ trang, khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền ở từng địa phương đã diễn ra sôi nổi ở Việt Bắc, vùng Trung du Bắc Bộ, vùng Bắc Trung Bộ. Đặc biệt sau khi Nhật đảo chính Pháp 2 ngày, ngày 11-3-1945 cuộc khởi nghĩa Ba Tơ (Quảng Ngãi) nổ ra, chính quyền cách mạng được thành lập, đội du kích Ba Tơ ra đời. Tiếng vang của cuộc khởi nghĩa cùng với cao trào cách mạng nổ ra ở các tỉnh duyên hải miền Trung đã tác động sâu sắc đến phong trào cách mạng địa phương. Tình hình khí thế cách mạng ở vùng Cheo Reo có những chuyển biến mới. Bộ máy chính quyền tay sai của Nhật ở các buôn chưa ổn định, nay càng dao động, mất hiệu lực. Đồng bào các dân tộc ở Cheo Reo đã liên tục đấu tranh bằng nhiều hình thức chống sự cai trị của Nhật.
Tháng 4-1945, một số tù chính trị như Nguyễn Côn, Lê Văn Hiến, Huỳnh Ngọc Huệ… trên đường từ “Căng an trí” Đak Tô về Quy Nhơn đã tiếp xúc với Thanh niên Gia Lai tại Pleiku, đã phân tích những âm mưu của phát xít Nhật và đường lối của Đảng Cộng Sản Đông Dương, gợi ý về hướng hoạt động của phong trào cách mạng địa phương. Cuộc tiếp xúc đã thu hút đông đảo quần chúng về với cách mạng, hướng đến Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong lúc tổ chức Đảng ở Gia Lai chưa hình thành, Mặt Trận Việt Minh ở địa phương chưa được thành lập, nhưng những người có tâm huyết với đất nước, dân tộc, những thanh niên viên chức tiến bộ yêu nước trong tỉnh đã đứng lên hành động theo tiếng gọi của Đảng. Cuộc vận động cứu nước có tổ chức trong tỉnh phát triển, biểu hiện đầu tiên là sự ra đời các tổ chức thanh niên ở thị xã, thị trấn, thu hút đông đảo thanh niên, viên chức tiến bộ tham gia. Tuy nhiên, các tổ chức này còn mang tính tự phát, không thuộc hệ thống tổ chức của Mặt Trận Việt minh.
Tháng 4-1945, Đoàn thanh niên Gia Lai được thành lập do đồng chí Trần Ngọc Vỹ làm đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Đường - Phó đoàn trưởng, trong ban lãnh đạo còn có các đồng chí Dương Thành Đạt, Phan Bá, Trương Khôi. Đến tháng 5-1945, Đoàn thanh niên Chấn hưng An Khê cũng được thành lập. Tại địa bàn Cheo Reo, tháng 6-1945 Đoàn thanh niên Cheo Reo ra đời trên cơ sở tập hợp những học sinh người dân tộc Jrai ở quanh thị trấn và trường nội trú, những viên chức tiến bộ, trong đó có những thầy giáo quê ở Cheo Reo như Nay Phin, Rơchom Briu, Siu Deo, Rơchơm But, Siu Sing… tham gia. Đoàn thanh niên Cheo Reo do thầy giáo Rơchom Briu phụ trách. Trong ban lãnh đạo có Siu Deo, Ksor Then và một số thanh niên người Kinh như Thuận, Ký… Đoàn thanh niên Cheo Reo được chia thành 5 nhóm để hoạt động:
Nhóm thứ nhất, hoạt động ở Buôn Rưng (có 6 làng) do Rơchơm Tang phụ trách.
Nhóm thứ hai, hoạt động ở vùng Buôn Der, buôn Thao (có 8 làng) do Siu Then, Kpă Blơng phụ trách.
Nhóm thứ ba, hoạt động vùng buôn Chơma, Buôn Thăm (có 5 làng) do Ksor Triêu, Kpă Búi phụ trách.
Nhóm thứ tư, hoạt động vùng Plei Pa do Siu Klim và Kpă Djưr phụ trách.
Nhóm thứ năm, hoạt động vùng Buôn Phu do Ksor Lăk phụ trách.
Sau khi đoàn thanh niên Cheo Reo được thành lập khoảng một tháng, một số học sinh người Jrai ở các trường Qui Nhơn, Buôn Ma thuột về Cheo Reo như Rmah Bar, Rmah Nal, Siu Ken, Siu Năng được bổ sung vào lãnh đạo các nhóm.
Các hoạt động của Đoàn thanh niên Cheo Reo tập trung vào việc tập hợp thanh niên học chữ quốc ngữ, tập những bài hát tự sáng tác ca ngợi lòng yêu quê hương, đất nước, ca ngợi sức mạnh thanh niên, tuyên truyền đoàn kết Kinh - Thượng. Đoàn kêu gọi thanh niên, vận động nhân dân tham gia xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, chống các tệ nạn xã hội, trộm cắp; tham gia lùng bắt bọn tàn quân Pháp lẩn trốn ngoài rừng; chống bọn Phát xít Nhật, bọn chánh tổng, chủ làng hà hiếp, bắt dân đi xâu, nộp thuế, kiên quyết không đi lính và xây dựng một cuộc sống tự do, bình đẳng. Đoàn thanh niên Cheo Reo đã đi đầu  trong các hoạt động vì tiến bộ xã hội và yêu nước trong vùng đồng bào dân tộc Jrai. Hoạt động và uy tín của Đoàn thanh niên Cheo Reo không chỉ phát huy ở vùng thị trấn và vùng ven, mà còn phát triển sâu rộng ở vùng nông thôn và lan ra các địa phương lân cận như Pleikli, Chư Ti làm cho chính quyền tay sai và bọn lính bảo an khiếp sợ.
Trong lúc hoạt động của Đoàn thanh niên Gia Lai, Đoàn thanh niên Cheo Reo diễn ra sôi nổi và đạt được nhiều thành quả quan trọng, đồng chí Rơchom Thép về từ trường canh nông Tuyên Quang, đã tổ chức nói chuyện với Đoàn thanh niên Gia Lai, Cheo Reo, truyền không khí sôi sục của cao trào cách mạng ở Việt Bắc đến với thanh niên Gia Lai, thanh niên Cheo Reo. Trong quá trình học ở Tuyên Quang, được giao lưu với những người bạn học là con em các dân tộc Việt Bắc, được dự các cuộc gặp gỡ, nói chuyện của cán bộ Việt Minh, thấu hiểu cảnh tủi nhục của đồng bào các dân tộc dưới chế độ thực dân phong kiến, người thanh niên trí thức Jrai đã giác ngộ cách mạng, nắm được đường lối đoàn kết Kinh - Thượng để cứu nước của Đảng và Mặt trận Việt  minh. Về Gia Lai, đồng chí Rơchom Thép tích cực tuyên truyền cao trào kháng Nhật của Việt minh ở Việt Bắc, về đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc nổi dậy chống Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân, được sống tự do, bình đẳng... đến với nhân dân, thanh niên và cả công chức, lính bảo an trong bộ máy chính quyền địch. Đồng chí Ksor Ní từ trường Quốc học Qui Nhơn về lại Cheo Reo đã tuyên truyền phong trào Việt minh đang hoạt động sôi nổi ở Bình Định. Những thông tin về cao trào chống Nhật ở các nơi đã tác động mạnh mẽ đến những người yêu nước, những người trực tiếp lãnh đạo phong trào thanh niên ở Cheo Reo. Việc tiếp thu chương trình hành động của Việt minh là một sự kiện quan trọng mở ra một bước ngoặt mới thay đổi về chất đối với phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc vùng Cheo Reo.
Đầu tháng 8-1945, cao trào chống Nhật diễn ra rầm rộ trong cả nước. Trên thế giới, tình hình chuyển biến nhanh theo hướng có lợi cho cách mạng. Hồng quân Liên Xô đã đánh tan đạo quân Quan Đông thiện chiến của Nhật tại Mãn Châu (Trung Quốc), buộc Nhật phải tuyên bố đầu hàng đồng minh không điều kiện vào ngày 15-8-1945. Quân Nhật ở Đông Dương hoang mang tột độ. Chính quyền bù nhìn do Nhật dựng lên rệu rã, tê liệt. Tại các địa phương, Mặt trận Việt mình tăng cường hoạt động, thu hút hàng triệu quần chúng tham gia. Thời cơ “ngàn năm có một” để giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức thực dân, phong kiến đã đến.
Nắm chắc thời cơ cách mạng, dự báo chuẩn xác tình hình, ngày 13-8-1945 Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào nhận định điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi và quyết định lãnh đạo tổ chức khởi nghĩa trong toàn quốc. Ngay trong đêm 13-8, “Quân lệnh số 1” (Lệnh tổng khởi nghĩa) phát đi lời kêu gọi quân dân cả nước đứng dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc. Ngày 16-8-1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào, Đại hội tán thành chủ trương khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, quyết định chọn Quốc ca, Quốc kỳ và cử ra Uỷ ban Giải phóng dân tộc (Chính phủ lâm thời), do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt chính phủ ra lời hiệu triệu tổng khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà giải phóng cho ta”[19]. Lệnh tổng khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh như tiếng kèn xung trận, nhân dân cả nước, triệu người như một đã nhất tề đứng lên giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bè lũ tay sai. Chỉ trong vòng 12 ngày, từ 14 -25/8/1945, nhân dân ta đã giành chính quyền trong cả nước.
Ở Cheo Reo, vào thời điểm này, bộ máy cai trị của địch rệu rã và hoang mang tột độ. Những tên hiến binh Nhật đã rút khỏi địa phương vào giữa tháng 7-1945. Một bộ phận lớn lực lượng bảo an đã ngả về phía cách mạng, ủng hộ các hoạt động của tổ chức thanh niên yêu nước và quần chúng nhân dân. Tại các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, nhân dân đã tự động bỏ xâu, bỏ thuế, mặc nhiên không thừa nhận chính quyền tay sai của Nhật. Tại các vùng sâu, vùng xa, nhân dân đã thực hiện quyền làm chủ của mình. Sự quản lý của Nhật và chính quyền tay sai chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.
Ngày 20-8-1945, dưới sức ép của nhân dân, bộ máy tay sai của Nhật tại An Khê đầu hàng, giao chính quyền về tay nhân dân. Ngày 23-8-1945 khởi nghĩa ở Pleiku thắng lợi. Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai được thành lập, gồm 5 thành viên, do ông Trần Ngọc Vỹ làm Chủ tịch.
Sau khởi nghĩa giành chính quyền ở An Khê và Pleiku, vào lúc 10 giờ ngày 25-8-1945, Đoàn thanh niên Cheo Reo đã vận động đồn phó Kpă Nhá (người dân tộc tại chỗ đi lính cho Pháp) mở cửa đồn. Lực lượng thanh niên được sự trợ giúp của một số bảo an, đã vận động quần chúng nổi dậy chiếm đồn bảo an Cheo Reo. Lực lượng khởi nghĩa đã bắt tên Mô (trưởng đồn) và thu được 17 khẩu súng các loại. Đông đảo quần chúng nhân dân ở Cheo Reo tham gia mít tinh, biểu tình ở thị trấn, sau đó tỏa về các vùng ven biểu dương lực lượng, uy hiếp bọn chánh tổng, chủ làng làm tay sai cho Nhật. Lực lượng thanh niên đến các làng, buôn vận động tập trung thu giữ vũ khí của những gia đình có người làm việc cho Pháp, cho Nhật; tuyên truyền giải thích chính sách đoàn kết dân tộc của Việt Minh; tuyên bố với đồng bào đất nước Việt Nam đã được độc lập, hướng dẫn và trực tiếp cùng nhân dân giải quyết các vấn đề nảy sinh, giữ vững an ninh trật tự ở các buôn làng.
Ban lãnh đạo thanh niên cùng các nhân sỹ, trí thức yêu nước của địa phương họp thống nhất đề cử những người tham gia lãnh đạo Uỷ ban cách mạng lâm thời Cheo Reo. Ngày 2-9-1945, hoà chung với niềm vui chung của cả dân tộc, phái đoàn đại diện Uỷ ban cách mạng lâm thời tỉnh Gia Lai, do Chủ tịch Trần Ngọc Vỹ dẫn đầu đến dự lễ mít tinh của thanh niên và nhân dân Cheo Reo, chào mừng thắng lợi của cuộc khởi nghĩa và thay mặt chính quyền cách mạng tỉnh công nhận chính thức chính quyền cách mạng huyện Cheo Reo. Uỷ ban cách mạng lâm thời huyện Cheo Reo do cụ Nay Der làm cố vấn, ông Nay Phin giữ chức Chủ tịch, ông Rơchom Rok giữ chức phó chủ tịch, có 5 uỷ viên gồm các ông Rơchom Briu, Siu Deo, Rơchom Thép, Ksor Ní, Siu Sing.
Sau khi Uỷ ban cách mạng lâm thời huyện được thành lập, lực lượng thanh niên toả về các vùng nông thôn tổ chức xây dựng bộ máy chính quyền để lãnh đạo phong trào cách mạng. Uỷ ban cách mạng lâm thời huyện Cheo Reo cử ông Rơchom Briu giữ chức Chủ tịch, ông Rơlah Beo làm thư ký vùng Mlah (Krông Pa). Đến giữa tháng 9-1945, toàn bộ hệ thống chính quyền cách mạng ở các buôn vùng Cheo Reo được thành lập, đảm nhiệm việc điều hành quản lý nhà nước ở cơ sở. Các đội tự vệ buôn được thành lập để giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ thành quả cách mạng.
Tiếp thu chính sách của Mặt trận Việt minh, chính quyền các cấp ở Cheo Reo đẩy mạnh tuyên truyền và tuyên bố thực hiện quyền tự do dân chủ cho nhân dân, thực hiện quyền bình đẳng nam nữ, bãi bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra, tịch thu muối, lương thực của Pháp - Nhật và bọn tay sai phân phát cho nhân dân. Chính quyền các cấp hỗ trợ đồng bào nông cụ để sản xuất, giữ vững an ninh; vận động đồng bào học chữ quốc ngữ, đoàn kết, phát huy tinh thần yêu quê hương, đất nước để xây dựng cuộc sống mới, tích cực tham gia vào các công việc chung của buôn làng.
Trong cách mạng tháng Tám, nhân dân các dân tộc Mlah - Cheo Reo đã tích cực chủ động vùng lên đấu tranh đánh đổ chính quyền thực dân, phát xít, giành quyền làm chủ về tay nhân dân. Thắng lợi này đánh dấu một bước ngoặt trọng đại trong tiến trình cách mạng của địa phương và góp phần quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung toàn tỉnh và cả nước. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám đã đưa nhân dân các dân tộc Mlah - Cheo Reo nói riêng và đồng bào cả nước nói chung từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của bản thân làm chủ quê hương, đất nước. Khát vọng ngàn đời của dân tộc về quyền tự do, dân chủ, độc lập dân tộc thành hiện thực. Thắng lợi này đã tạo tiền đề quan trọng trong việc khơi dậy tiềm lực cách mạng, tinh thần yêu quê hương, đất nước của nhân dân các dân tộc Mlah - Cheo Reo, làm cơ sở để đi vào thời kỳ mới, tiếp tục củng cố xây dựng chính quyền cách mạng, sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, góp phần cùng nhân dân các dân tộc Tây Nguyên và cả nước đập tan âm mưu xâm lược chủ chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

 
Chương hai
 HUYỆN KRÔNG PA TRONG CÔNG CUỘC KHÁNG CHIẾN
CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1945 – 1954)
 
  I- XÂY DỰNG, BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN, MẶT TRẬN VIỆT MINH,  ĐOÀN KẾT DÂN TỘC VÀ CHUẨN BỊ KHÁNG CHIẾN (1945- 1946)
  Cách mạng Tháng Tám thành công, lịch sử các dân tộc huyện Cheo Reo  nói riêng và cả nước nói chung bước vào trang sử mới. Ngày 2-9-1945, đoàn đại biểu chính quyền cách mạng tỉnh Gia Lai do ông Trần Ngọc Vĩ, Chủ tịch dẫn  đầu về thị trấn Cheo Reo làm lễ ra mắt Ủy ban cách mạng lâm thời do ông Nay Phin, một nhà giáo yêu nước giác ngộ cách mạng làm Chủ tịch. Với sự kiện đó, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cheo Reo bắt đầu bước vào một thời kỳ mới, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, xây dựng Mặt trận Việt Minh, đoàn kết dân tộc, ổn định đời sống nhân dân, trong bối cảnh đất nước và địa phương có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, phức tạp.
  Thuận lợi lớn là đất nước được độc lập, tự do, Tổ quốc thống nhất,  nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời. Đảng ta trở thành Đảng cộng sản đầu tiên ở Đông Nam Á giành được chính quyền. Một kỷ nguyên  mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã mở ra cho dân tộc Việt Nam. Chính phủ lâm thời do Cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch đã ra mắt quốc dân đồng bào trong cuộc mít tinh tuyên bố độc lập tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Chính phủ đã tuyên thệ triệt để thi hành đường lối, chính sách của Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh để lãnh đạo nhân dân phát huy thắng lợi của cách mạng, giữ vững nền độc lâp dân tộc, bảo vệ chính quyền, kiến thiết nước nhà giàu mạnh. Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam, quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” vang dội núi sông, khích lệ nhân dân cả nước, đồng bào Tây Nguyên, trong đó có cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Cheo Reo.
  Thể hiện quyết tâm đó, ngày 3-9-1945 trong phiên họp đầu tiên, Hội đồng Chính phủ  đã nêu ra sáu nhiệm vụ cấp bách phải thực hiện trong cả nước, ở mỗi địa phương, tỉnh, huyện và làng xã. Đó là, phải tích cực chống nạn đói, nạn dốt, bỏ thói hư, tật xấu, cấm hút thuốc phiện; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò,… khắc phục hậu quả của ách thống trị do thực dân Pháp và phát xít Nhật để lại; xây dựng đời sống mới tốt đẹp, lành mạnh; thi hành chính sách tự do tín ngưỡng, nam nữ bình đẳng, bình quyền; đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo; tổ chức tổng tuyển cử tự do phổ thông đầu phiếu bầu ra Quốc hội, để Quốc hội ban hành Hiến pháp và thành lập Chính phủ chính thức. Không lâu sau đó, khi đất nước đứng trước nguy cơ bị nhiều thù trong, giặc ngoài đe dọa, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa non trẻ nằm giữa vòng vây bốn phía của chủ nghĩa đế quốc và bọn phản động quốc tế, Bác Hồ đã khái quát và nhấn mạnh ba nhiệm vụ chủ yếu của chính quyền cách mạng lúc này là chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ba nhiệm vụ đó phải đi liền với nhau.
   Chính phủ lâm thời và Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước và kêu gọi nhân dân cả nước thực hiện các phong trào thi đua đó. Nội dung các phong trào thi đua là đẩy mạnh tăng gia sản  xuất, lạc quyên cứu đói và quyên góp tiền của, vàng bạc để kiến thiết đất nước, phòng vệ quốc gia; giáo dục tinh thần cần, kiệm, liêm, chính; tổ chức phong trào học văn hóa, xóa nạn mù chữ… Với tinh thần yêu nước nồng nàn, nhân dân cả nước hăng hái tham gia các phong trào, tạo ra khí thế cách mạng lên cao trong toàn quốc, tác động đến hầu khắp các địa phương, kể cả những buôn làng vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên như vùng đông huyện Cheo Reo (Krông Pa).
  Thuận lợi lớn đối với huyện Cheo Reo là ngay sau Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Trung ương Đảng, Chính phủ quan tâm chỉ đạo địa bàn chiến lược của Tây Nguyên, trực tiếp phái cán bộ Mặt trận và quân sự lên Tây Nguyên cho các tỉnh Kon Tum, Gia Lai. Ủy ban Cách mạng lâm thời, Ủy ban Hành chính dần dần được củng cố ở thị xã Plei Ku, An Khê và nhiều huyện, xã. Mặt trận Việt Minh tỉnh được thành lập với các đoàn thể cứu quốc, công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ cứu quốc… nhanh chóng phát huy vai trò trong các phong trào của tỉnh.
  Tháng 9-1945, được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Mặt trận Việt Minh tỉnh, Mặt trận huyện Cheo Reo được thành lập do ông Rơchom Briu, Ủy viên Ủy ban cách mạng lâm thời phụ trách giao thông, làm chủ nhiệm. Các đoàn thể cứu quốc trong nông dân, thanh niên, phụ nữ... nhanh chóng thành lập và củng cố. Tuy chưa có Đảng bộ, chi bộ Đảng lãnh đạo trực tiếp, nhưng đồng bào các dân tộc Cheo Reo phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Chính phủ và chính quyền, Việt Minh huyện.
Ngày 10-12-1945, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Gia Lai được thành lập, lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn. Tỉnh uỷ lâm thời gồm 5 đồng chí Phan Thêm, Nguyễn Đường, Nguyễn Xuân, Trần Ren, Phạm Thuần, do đồng chí Phan Thêm, phái  viên của Xứ ủy Trung kỳ làm Bí thư.                                                          
  Tình hình đất nước cũng như địa phương lúc đó có nhiều phức tạp, khó khăn lớn. Ở miền Bắc, do lũ lụt, mất mùa, nạn đói tiếp tục hoành hành, trong khi đó 20 vạn quân Tàu Tưởng kéo theo bọn phản động ‘Việt quốc”, “Việt Cách” vào chiếm đóng một số tỉnh và Hà Nội. Chúng liên tục khiêu khích, hậu thuẫn cho bọn khủng bố phá hoại tài sản, cướp bóc của cải, tiền bạc và khủng bố tinh thần nhân dân ta, gây áp lực với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
  Ở Nam bộ, từ ngày 2-9-1945, quân Pháp được thả khỏi các trại giam của Nhật đã lén lút nổ súng phá cuộc mít tinh mừng độc lập của nhân dân Sài Gòn. Ngày 23-9-1945, được quân Anh hậu thuẫn, quân Pháp gây hấn tại Sài Gòn, mở đầu cho cuộc xâm lược lần thứ hai đối với nước ta. Suốt những tháng cuối năm 1945, quân Pháp mở rộng đánh chiếm nhiều vị trí của ta tại các tỉnh Nam bộ và Nam Trung bộ, sau đó theo đường 21, chúng đánh xuống MĐrak và theo đường 14 tiến sát đến Buôn Hồ. Tháng 12-1945, quân Pháp đã nổ súng khiêu khích quân ta tại các phòng tuyến dọc biên giới tỉnh Gia Lai và Campuchia. Tỉnh Gia Lai, cửa ngõ lên phía bắc Tây Nguyên bị uy hiếp từ phía tây và phía nam.
  Ở nam Trung Bộ, từ tháng 10-1945, quân Pháp đã đổ bộ lên Nha Trang (Khánh Hòa). Tháng 1-1946, 15.000 quân Pháp mở cuộc hành quân Gaur đánh chiếm các tỉnh Nam Trung Bộ gồm Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và một phần rừng núi Đak Lak, uy hiếp Phú Yên để mở đường lên Mlah - Cheo Reo. Quân Pháp đánh chiếm Nam Trung Bộ, Đak Lak và Gia Lai bị uy hiếp từ phía đông, trong đó vùng Mlah – đông Cheo Reo (Krông Pa) là cửa ngõ từ Phú Yên lên bị uy hiếp trực tiếp.
  Trong hoàn cảnh đó, việc xây dựng, củng cố chính quyền, lập các đoàn thể Việt Minh, ổn định tình hình đời sống nhân dân, bắt tay xây dựng cuộc sống mới ở Cheo Reo… đòi hỏi ta phải khẩn trương, gấp rút, vừa xây dựng, vừa sẵn sàng chiến đấu chống  địch.
  Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chính quyền, Việt Minh tỉnh Gia Lai, chính quyền và Việt Minh huyện Cheo Reo đã lãnh đạo nhân dân trong huyện triển khai nhiều mặt hoạt động. Ủy ban cách mạng lâm thời, sau đó đổi là Ủy ban hành chính đã phân công cho các thành viên nhiệm vụ phụ trách giao thông, nông, lâm nghiệp, giáo dục và y tế. Tất cả các mặt của đời sống xã hội đều được chú ý.
  Về chính trị, nhiệm vụ trước tiên là củng cố, xây dựng chính quyền, lập các đoàn thể Mặt trận Việt Minh phải do dân, phải vì quyền lợi của nhân dân. Huyện tổ chức cho cán bộ chính quyền Mặt trận học tập thư Bác Hồ gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện, làng (17-10-1945), trong đó nhấn mạnh “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân”. Cán bộ chính quyền và Mặt trận tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, Chính phủ về kháng chiến, kiến quốc; chương trình, điều lệ, 10 chính sách của Mặt trận Việt Minh; tuyên truyền đoàn kết giữa đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều cán bộ đội tuyên truyền của huyện về các xã tổ chức mít tinh, hội họp nhân dân để nói cho dân biết kẻ thù chính là thực dân Pháp xâm lược; nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là củng cố xây dựng chính quyền, đoàn thể chống ngoại xâm, bài trừ nội gián, cải thiện đời sống nhân dân. Ở làng, xã, chính quyền phải tăng cường thành phần người dân tộc thiểu số, nhất là các trí thức người dân tộc có uy tín. Những vùng đồng bào dân tộc thiểu số có khó khăn, chưa thể lập được chính quyền đủ năm thành viên, thì mỗi làng lập Chủ tịch và Phó chủ tịch do dân bầu trong số những người có uy tín trong các làng.
  Thực hiện chỉ thị của Ủy ban hành chính và Việt Minh tỉnh, Ủy ban hành chính huyện chỉ thị cho Ủy ban hành chính các làng, xã phải đảm bảo quyền tự do dân chủ cho nhân dân, quyền bình đẳng nam nữ, xóa bỏ thuế thân và các thứ thuế vô lý do chế độ cũ đặt ra. Trong chế độ mới, nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị dân tộc, như cấm cán bộ và người Kinh dùng từ “mọi”, xứ “mọi” do thực dân Pháp gọi miệt thị đồng bào ta trước đây, cấm những hành động vi phạm tự do tín ngưỡng của nhân dân. Theo hướng dẫn của Việt Minh tỉnh, Việt Minh huyện Cheo Reo mở các lớp huấn luyện ngắn ngày phổ biến chương trình, điều lệ Việt Minh cho cán bộ, nhân dân. Những nơi chưa tổ chức được các đoàn thể cứu quốc, thì lựa chọn những người tiêu biểu phụ trách các giới trong làng. Những hình thức đó đã có tác dụng củng cố chính quyền, xây dựng Mặt trận và khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết đồng bào trong huyện.
  Công tác hướng dẫn chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa I được tiến hành khẩn trương. Ngày 23-12-1945, cùng với  đồng bào Cheo Reo, đồng bào các dân tộc vùng Mlah (Krông Pa) lần đầu  tiên thực hiện quyền công dân đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc Hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bước chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội khóa I rất khó khăn vì nhân dân phần lớn không biết chữ, cách làm là : người nào biết chữ thì đưa lá phiếu gạch tên nếu không đồng ý bầu vào Quốc Hội. Người nào không biết chữ thì dùng cách lấy hạt bắp, hạt bầu, hạt lúa[20] mỗi hạt đó gắn đặt tên của một ứng cử viên, ai đồng ý bầu người nào thì lấy hạt đó bỏ vào thùng phiếu. Hơn 90% cử tri trong huyện đã phấn khởi bỏ phiếu bầu đại biểu là các ông Nguyễn Bá Hòe, công nhân người Kinh, Nay Phin, nhà giáo, chủ tịch huyện, nhân sỹ người dân tộc thiểu số, và ông Rơchơm Rok giáo viên.  Ngày 27-3-1946, nhân dân các dân tộc vùng Mlah huyện Cheo Reo đi bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh và xã. Hội đồng nhân dân cử ra Ủy ban hành chính các cấp thay Ủy ban cách mạng lâm thời. Kết quả bầu cử Hội đồng, ông Nay Phin được điều về Pleiku giữ chức  Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh Gia Lai. Ủy ban hành chính huyện Cheo Reo do ông Nay Der làm Chủ tịch, Ksor Ní làm Phó Chủ tịch, Rơchơm Thép làm ủy viên thư ký và Rơchơm But làm Chánh văn phòng Ủy ban hành chính. Ông Rơchơm Briu được phân công làm Chủ tịch vùng Đông Cheo Reo (tức Mlah - Krông Pa), Rơchơm Tang làm Phó Chủ tịch, Rahlan Beo làm Ủy viên thư ký. Các Uỷ ban hành chính xã tăng thêm thành phần đại diện Việt Minh. Sự kiện này thể hiện lòng yêu nước, tinh thần cách mạng, ý thức chính trị của nhân dân, sự cố gắng của chính quyền và các đoàn thể đã vận động, tổ chức được nhân dân tham gia vào cuộc hoạt động chính trị lớn của cả nước. Nhân dân đã thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ công dân trong xây dựng chính quyền ở địa phương, đáp ứng yêu cầu bảo vệ độc lập của chế độ mới.
  Về kinh tế, các phong trào vận động tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, mở rộng diện tích ruộng rẫy, tiết kiệm cứu đói trong huyện và quyên góp giúp đỡ những nơi khác trong tỉnh. Cán bộ, đồng bào đã quyên góp của cải, tiền bạc xây dựng  quỹ độc lập, quỹ kháng chiến, quỹ cứu tế. Trong các đợt phát động “Tuần lễ vàng”, “Tuần lễ đồng”…, nhiều gia đình đã góp những đồng bạc trắng, vàng, kiềng bạc… là những thứ quý ở địa phương sung vào quỹ xây dựng đất nước, quỹ kháng chiến. Nhân dân tổ chức khai thác lâm thổ sản để bán đổi lấy lương thực; tổ chức vận chuyển các mặt hàng thiết yếu như  vải, muối, nông cụ từ Phú Yên lên, từ Pleiku xuống phục vụ đồng bào và bộ đội trên các phòng tuyến chống Pháp.
  Về giáo dục, chính quyền tỉnh, huyện đã khôi phục các trường học ở thị trấn; mở lại các lớp tiểu học cho con em đồng bào các dân tộc khu vực Mlah tại buôn Ma Rôk, buôn Ơi Nu, buôn Wông, Phú Cần… và nhiều lớp bình dân học vụ dành cho thanh niên và người lớn vào buổi tối tại các làng, xã; quy định học tiếng kinh trong đồng bào dân tộc thiếu số và tiếng đồng bào dân tộc thiểu số trong đồng bào Kinh. Hoạt động giáo dục đã phát huy được tinh thần hiếu học trong con em đồng bào, góp phần xóa mù chữ hơn 70% thanh niên vùng đồng bào Kinh; nâng cao dân trí, nhận thức, giác ngộ chính trị cho nhân dân trong huyện tham gia tích cực xây dựng cuộc sống mới.
  Về văn hóa, xã hội, chính quyền Việt Minh đã vận động nhân dân thực hiện những quy định xây dựng đời sống mới; cử cán bộ phụ trách y tế, hướng dẫn phòng bệnh, chữa bệnh; vận động đồng bào bỏ  các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan…
  Về quân sự, ngay sau Tổng khởi nghĩa, theo chỉ thị của cấp trên, chính quyền huyện Cheo Reo đã lập các đội tự vệ, dân quân du kích. Đội tự vệ huyện được trang bị vũ khí thu được ở các đồn lính bảo an Cheo Reo, Mlah… Để giữ trật tự trị an, cán bộ còn về các làng, xã, thu gom số vũ khí phân tán trong dân để xây dựng các đội dân quân, du kích. Một số cán bộ và thanh niên được cử về thị xã Pleiku và tỉnh Phú Yên huấn luyện quân sự. Một số được cử đi học trường Quân chính của tỉnh mở tại An Khê. Ban cán sự tỉnh Gia Lai còn cử một số học sinh, sinh viên đi học lớp đào tạo sĩ quan, vệ quốc quân gồm: Siu Plung, Y Hônh, Ksor Hem, Rmah Bar, Siu Pui, Rahlan Rin, Ksor Ksoh, Rahlan Moa, Ro Yok, Kpă Púi. Lớp học do Quân khu 5 thành lập tại Phú Phong ( Bình Định). Lực lượng dân quân du kích được huấn luyện quân sự, tích cực xây dựng làng chiến đấu, phá đường, cầu cống trên các tuyến giao thông quan trọng số 7 và 7B; xây dựng công sự phòng tuyến chuẩn bị sẵn sàng chặn bước quân giặc. Đầu năm 1946, ở Cheo Reo, Mlah đã có hàng trăm thanh niên sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang huyện. Mỗi xã đều có lực lượng dân quân trang bị vũ khí thô sơ để bảo vệ buôn làng.
  Ngày 19-4-1946, theo chủ trương của Đảng và Chính phủ, tại Pleiku Đại hội đoàn kết chống Pháp của các dân tộc thiểu số Nam Trung bộ khai mạc với hơn 1.000 đại biểu[21]. Đoàn đại biểu các dân tộc Bahnar, Jrai đại diện của tỉnh Gia Lai, trong đó có đại diện của huyện Cheo Reo đến dự. Các đại biểu dự Đại hội đều xúc động và thấm thía tình cảm của Bác Hồ khi nghe đọc thư của Người gửi cho Đại hội. Trong đó có viết: “Đồng bào kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xơ Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ  cùng nhau, no đói giúp nhau,... Tất cả dân tộc chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta... Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết  góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.
  Lời kêu gọi đại đoàn kết dân tộc của Bác Hồ và kết quả Đại hội đã có ý nghĩa tác động to lớn đối với tinh thần đoàn kết các dân tộc ở Gia Lai, Tây Nguyên và các tỉnh Nam Trung Bộ. Ngay sau Đại hội, tại huyện Cheo Reo, Ủy ban hành chính và Việt Minh đã tổ chức tại thị trấn cuộc liên hoan đoàn kết dân tộc đánh Pháp với hơn 100 đại biểu, đồng bào thị trấn và đại biểu đồng  bào khu vực Mlah cùng đại biểu các xã về dự. Đại diện Việt Minh huyện đọc thư của Bác Hồ kêu gọi nhân dân, các đoàn thể cứu quốc trong huyện thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyện đoàn kết, ủng hộ Chính phủ chống Pháp xâm lược, bảo vệ đất nước.
  Mặt trận Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, phía tây và phía nam tỉnh Gia Lai ngày một diễn biến phức tạp, quân Pháp đã tấn công quân ta ở một số nơi. Tỉnh ủy, Ủy ban hành chính tỉnh Gia Lai chủ trương thực hiện tiêu thổ kháng chiến. Nhiều địa phương, cả thị xã Pleiku đã thực hiện phá đường, cầu cống, sơ tán kho tàng đến những vùng an toàn. Ta xây dựng các phòng tuyến ngăn chặn quân Pháp trên các tuyến đường 19 và 14, từ Pleiku đi An Khê; từ thị trấn Cheo Reo theo  đường số 7 lên Mỹ Thạch, xuống Mlah đi Củng Sơn, Tuy Hòa; từ Cheo Reo đi An Khê và Buôn Hồ theo đường số 7B.
  Ngày 21-6-1946, quân Pháp có phi pháo yểm trợ đồng loạt tấn công phòng tuyến của quân ta ở Buôn Hồ và điểm chốt Plei Mođen (Chư Ti). Bộ đội ta đã chiến đấu dũng cảm, ngăn chặn bước tiến quân giặc, giằng co kéo dài thời gian cho lực lượng phía sau cùng cơ quan lãnh đạo tỉnh và nhân dân sơ tán rút về phía tây.
  Ngày 25-6-1946, ta chủ động rút lui để bảo toàn lực lượng, quân Pháp tiến chiếm thị xã Pleiku trong cảnh vườn không, nhà trống. Địch theo đường 14, 19 lần lượt đánh chiếm thị xã Kon Tum, An Khê. Các cơ quan tỉnh Gia Lai chuyển xuống Phú Phong thuộc Bình Khê, Bình Định; cơ quan huyện An Khê chuyển về Vĩnh Thạnh, huyện Bình Khê, Bình Định xây dựng địa bàn đứng chân tạm thời.
  Từ ngày 25-6-1946, quân Pháp tại thị xã Pleiku chia thành hai cánh đánh chiếm thị trấn Cheo Reo, Ơi Nu, Mlah. Cơ quan lãnh đạo huyện Cheo Reo đã kịp thời chủ trương tách một bộ phận cơ quan chính quyền, đoàn thể và cán bộ huyện về xã Đất Bằng để xây dựng căn cứ kháng chiến. Xã Đất Bằng có trên khoảng 1.000 dân, giáp giới vùng tự do tỉnh Phú Yên. Bộ phận này gồm cơ quan Ủy ban hành chính, Mặt trận Việt Minh huyện do Chủ tịch Nay Der trực tiếp lãnh đạo cùng các ông Rơchơm Briu, Rơchơm Rok, Siu Plung, Siu Sing, Rơchơm Buk, Ksor Thel. Nay Brui, Rahlan Sut đi bám các buôn để giáo dục nhân dân xây dựng cơ sở cách mạng đấu tranh với giặc lập căn cứ kháng chiến. Trong lúc di chuyển cơ quan huyện, một bộ phận bị quân Pháp bao vây. Đồng chí Rơchơm Briu bị địch bắt, một số đồng bào hoang mang lo sợ. Cán bộ huyện đã kịp thời lãnh đạo ổn định tư tưởng cho cán bộ và nhân dân. Bộ phận cán bộ trụ lại thị trấn do đồng chí Rơchơm Thép, Nay Then, Siu Ken phụ trách đã lãnh đạo cán bộ, tự vệ dân quân du kích bám sát, nắm tình hình địch, vận động nhân dân và tham gia cùng bộ đội chiến đấu.
  Để nắm lại cơ sở Nam Tây Nguyên, Phân ban Quốc dân thiểu số Trung bộ thành lập hai bộ phận công tác gồm các cán bộ dân tộc ở địa phương cấp tốc trở về chiến trường. Bộ phận phụ trách cơ sở vùng Cheo Reo có Rơchơm Thép, Nay Then, Siu Ken, Nay Yú. Các anh Nay Brui vượt ngục tìm xuống Củng Sơn, Rơchom Briu vượt ngục cũng tìm xuống An Khê gặp cán bộ và tiếp tục hoạt động cách mạng tại Gia Lai - Kon Tum. Một bộ phận phụ trách vùng buôn Hồ có Minh Sơn, Y Dang, Y Yơn.
Đầu tháng 7-1946, cụ Nay Der được cử xuống Tuy Hòa đón cán bộ từ Phòng Quốc dân thiểu số Trung bộ ở Quảng Ngãi vào để họp bàn công tác. Đồng chí Siu Pui (Ama Thương) lúc này được đồng chí Bùi San rút về làm cán bộ Phòng quốc dân thiểu số Trung bộ. Đồng chí Bùi San giao nhiệm vụ cho đồng chí Siu Pui, Minh và đồng chí Thuyết là các cán bộ của Phòng Quốc dân thiểu số Trung bộ về tại Phân ban Quốc dân thiểu số ở Tuy Hòa để cùng cụ Nay Der họp bàn chủ trương xây dựng và mở rộng căn cứ vùng Đất Bằng.
Sau 10 tháng, từ tổng khởi nghĩa Tháng Tám đến khi thực dân Pháp tái chiếm Plei Ku, An Khê, Cheo Reo, tỉnh Gia Lai đã xây dựng, củng cố được chính quyền, Mặt trận Việt Minh và thành lập Đảng bộ tỉnh. Dưới sự chỉ đạo của tỉnh, cùng với cán bộ nhân dân trong tỉnh, cán bộ đồng bào các dân tộc huyện Cheo Reo đã nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, xây dựng hệ thống chính quyền, Mặt trận Việt Minh khắp các làng, xã. Cán bộ và nhân dân tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống về  kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng cuộc sống mới, chuẩn bị lực lượng sẵn sàng chiến đấu và tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
  II- XÂY DỰNG CƠ SỞ CÁCH MẠNG, THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ, ĐẨY MẠNH ĐẤU TRANH TRONG VÙNG ĐỊCH (1946 - 1949)
  Sau khi tái chiếm tỉnh Gia Lai, từ tháng 6 đến trước ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) địch chiếm đóng chủ yếu ở thị xã, thị trấn và những điểm quan trọng trên các tuyến đường giao thông. Tại các vùng chiếm đóng, thực dân Pháp khủng bố, trả thù nhân dân, xóa bỏ những thành quả cách mạng của chế độ mới, lập lại bộ máy cai trị của chế độ cũ. Chúng đổi tên huyện, làng, xã, tổng, hạt cả ở vùng người Kinh và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bộ máy ngụy quyền tay sai được chúng dựng lên. Thực dân Pháp cho tổ chức cái gọi là “Đại  hội nhân dân” tập hợp bọn tay sai phản động thực hiện âm mưu lập xứ “Tây kỳ tự trị”, lập Ủy phủ liên bang của các tỉnh Tây Nguyên trực thuộc Cao ủy Pháp ở Đông Dương. Các chức công sứ, tri huyện, chánh tổng, lý trưởng và chủ làng được chúng đặt lại. Dựa vào ngụy quyền, thực dân Pháp vừa thực hiện chính sách khủng bố, bắt bớ Việt Minh, vừa dùng gạo, muối, vải vóc, thuốc men... để mua chuộc nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc Bahnar và Jrai.
  Quân Pháp lập lại tiểu khu Plei Ku, các chi khu quân sự An Khê, Cheo Reo. Một hệ thống  đồn bốt, cứ điểm được dựng lên ở An Khê, Mang Yang, Cheo Reo… Trên đường 7 từ Cheo Reo đến Kà Lúi, Pháp cho xây dựng các cứ điểm Ơi Nu – Mlah – Kà Lúi, mục đích án ngữ vùng giáp ranh giữa Gia Lai với các vùng tự do Bình Định, Phú Yên, nhằm cô lập lực lượng kháng chiến.
  Về bộ máy hành chính, thực dân Pháp đổi làng, xã thành tổng, hạt. Ở huyện Cheo Reo có ông huyện Bư người Jrai làm tri huyện. Dưới huyện có hạt, dưới hạt có tổng rồi đến các buôn làng. Cai quản từ hạt trở xuống, quân Pháp giao cho người địa phương quản lý. Phần lớn những người Pháp đưa ra cai quản ở hạt, tổng trước kia làm việc hoặc đi lính cho Pháp, hoặc một số phần tử xấu có tội ác với cách mạng. Khu vực đông Cheo Reo có Distrist (hạt) Mlah gồm 6 tổng: Ơi Nu, Chư Drăng,  Đất Bằng, Kà Lúi, Sông Ba và tổng Mlah.
  Thực dân Pháp khôi phục lại các thứ thuế mà chính quyền cách mạng đã  bãi bỏ, như tăng thuế đinh cả người Kinh và người dân tộc thiểu số, nhằm cướp bóc, vơ vét tiền của phục vụ chiến tranh. Chúng chiếm lại các đồn điền, bắt xâu, đẩy mạnh khai thác tài nguyên, cướp bóc lúa gạo, trâu bò, lợn gà... của nhân dân.
  Ở Cheo Reo, trong những ngày đầu đánh chặn quân Pháp tại thị trấn, lực lượng ta có bị tổn thất, một số cán bộ bị bắt, một số bị thương. Địch thực hiện âm mưu xây dựng các khu tập trung gần đồn bót, để vừa dễ kiểm soát và vừa tạo lá chắn che chở chúng khi bị quân ta tấn công. Từ những căn cứ, đồn bốt, chi khu quân sự, quân Pháp liên tiếp mở các cuộc hành quân đánh phá vùng giáp ranh giữa Cheo Reo với  Phú Yên, uy hiếp, khủng bố dân dọc đường số 7 phía đông Cheo Reo. Trước sức khủng bố tàn ác của địch, một số quần chúng nhân dân có phần hoang mang, giao động. Địch thường xuyên đưa quân phục kích bắn giết, bắt cán bộ, bộ đội ta trên các trục hành lang đi lại. Địch tổ chức mạng lưới gián điệp tung vào vùng ta kiểm soát nắm tình hình, lung lạc cán bộ, lôi kéo quần  chúng nhân dân, nhằm ly gián nhân dân với cán bộ và bộ đội ta.
  Cơ quan lãnh đạo của huyện bị phân tán. Địa bàn trong tỉnh bị chia cắt giữa vùng địch chiếm đóng và vùng cách mạng. Sự liên lạc giữa huyện và tỉnh, giữa bộ phận ở Đất Bằng với bộ phận bám trụ ở các địa bàn và thị trấn cùng cơ sở bí mật gặp khó khăn, bị gián đoạn.
  Từ cuối năm 1946, địch ra sức chia rẽ đoàn kết Kinh - Thượng. Do đó, việc giác ngộ quần chúng trước âm mưu của địch đã trở thành nhiệm vụ hàng đầu của quân dân khu V và Tây nguyên. Các tỉnh Tây Nguyên được củng cố về Đảng, chính quyền và đoàn thể. Tỉnh ủy, Ban Cán sự các tỉnh Lâm Viên, Đồng Nai Thượng, Đak Lak, Gia Lai được tái lập.
  Ngày 19-12-1946, không còn khả năng để cứu vãn hòa bình, để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, Đảng ta và Chính phủ Hồ Chí Minh đã chủ động phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, với phương châm toàn dân, toàn diện và trường kỳ. Trung ương Đảng ra Chỉ thị Toàn dân kháng chiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến - Hịch cứu nước kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên kháng chiến: “...Bất kỳ  đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp, cứu nước...”.
  Lúc này, Trung đoàn 79 và tiểu đoàn N’Trang Lơng liên tiếp đánh địch càn quét lấn chiếm ở Củng Sơn, Mlah, Kà Lúi, thu vũ khí, gây cho địch nhiều thiệt hại. Để bám sát chiến trường đánh địch, Trung ương quyết định chuyển các trung đoàn độc lập của Khu V thành các trung đoàn phụ trách quân sự của các tỉnh. Trung đoàn 79 được chuyển giao cho tỉnh Đak Lak. Tỉnh Gia Lai tiếp nhận Trung đoàn 120, gồm cán bộ, chiến sỹ đều là người dân tộc thiểu số. Trung đoàn 83 đứng chân ở xã Phước Tân, Sơn Hòa, Phú Yên. Các đơn vị bộ đội này có nhiệm vụ chiến đấu, tiêu diệt địch, hỗ trợ phong trào kháng chiến của Đak Lak, dọc tuyến đường 7, Cheo Reo, tây Phú Yên.
Tháng 2-1947, Ủy ban hành chính tỉnh  Gia Lai được đổi tên thành Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh. Huyện Cheo Reo được Khu V tăng cường đoàn cán bộ Phòng quốc dân thiểu số Tây Nguyên từ Phú Yên lên hoạt động tại vùng Đất Bằng, do đồng chí Ksor Ní làm đoàn trưởng. Trong đoàn có 3 đảng viên là Ksor Ní [22], Rơchom Thép, Rơchom But, sinh hoạt như một tổ Đảng thuộc chi bộ Phòng quốc dân thiểu số, đóng tại buôn Ma Lúa xã Kà Lúi, huyện Sơn Hòa, Phú Yên, đây là 3 đảng viên người Jrai đầu tiên của huyện Cheo Reo. Đoàn công tác chia thành 2 đội vũ trang tuyên truyền để luồn sâu vào vùng địch kiểm soát, móc nối lại cơ sở và nắm dân. Đội vũ trang của đồng chí Rơchom Thép phụ trách vùng Ơi Nu – Ma Rôk; đội của đồng chí Ksor Ní và đồng chí Siu Pui (Ama Thương) bám địa bàn buôn Thưk, buôn H’Muk, buôn Sai lúc đó thuộc xã Sông Ba, nay thuộc xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa.
Tháng 3-1947, Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Cheo Reo được củng cố do cụ Nay Der làm Chủ tịch, đồng chí Ksor Ní Phó chủ tịch, đồng chí Rơ chơm Thép Uỷ viên thư ký, đồng chí Rơchơm But Chánh văn phòng. Uỷ ban hành chính rất quan tâm tổ chức, hướng dẫn đồng bào tăng gia sản xuất, cho nhân dân mượn trâu bò, tiền vốn, giống… Mở các cửa hàng bán nhu yếu phẩm cho nhân dân như muối, vải tám, nông cụ và mua lại nông sản để giải quyết đời sống nhân dân trong vùng.
Trong một thời gian ngắn, căn cứ Đất Bằng của huyện được mở rộng ra cả vùng Ơi Nu. Cơ sở chính trị, chính quyền và lực lượng dân quân, du kích ở các làng phía đông sông Ba nhanh chóng phát triển, các đội vũ trang tuyên truyền đã phát triển cơ sở cách mạng khắp trong toàn huyện, từ phía bắc xuống phía nam lên phía tây. Các tổ chức đoàn thể quần chúng: thanh niên, phụ nữ, phụ lão cứu quốc được hình thành. Huyện mở đại hội nhân dân đoàn kết đánh Pháp ở từng xã, từng vùng, tiến tới Đại hội toàn huyện vào tháng 4-1947. Qua các lần Đại hội, đồng bào thấy được dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và hiểu rõ chủ trương, đường lối kháng chiến cứu nước của Việt Minh nên rất tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Huyện thành lập trung đội dân quân do đồng chí Hà Thúc Tự chỉ huy trưởng; đồng chí Rơchơm Thép làm chính trị viên. Trung đội được trang bị vũ khí thô sơ như gươm, giáo, mác... và 5 khẩu súng trường thu được của địch. Cơ sở hậu cần của trung đội vũ trang lúc đầu dựa vào sự đóng góp của nhân dân. Về sau, đơn vị làm nhiệm vụ vừa chiến đấu, vừa tăng gia sản xuất để tự túc hậu cần. Trung đội này là lực lượng vũ trang đầu tiên của huyện Cheo Reo trong kháng chiến chống Pháp do tổ chức Đảng lãnh đạo.
  Với tinh thần tích cực đánh địch để củng cố lòng tin của nhân dân trong vùng địch hậu, làm hậu thuẫn cho việc xây dựng cơ sở, các hướng đều đẩy mạnh hoạt động. Tại Kà Lúi, ngày 5- 4-1947 ta diệt 8 tên địch. Trên đường đi Ma Rôk, 1 xe địch trúng mìn, diệt 4 tên. Ngày 23-5-1947 ta đánh cầu Mlah giết 1 tên Pháp, 15 lính nguỵ, thu 2 máy FM, 1 tiểu liên, 8 súng trường và nhiều đạn…
  Tháng 8-1947, Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định lập Khu 15 thay cho Ủy ban chỉ huy Tây Nguyên, đặc trách ba tỉnh Tây Nguyên là Kon Tum, Gia Lai, Đak Lak. Cơ quan Khu 15 đóng tại vùng Thồ Lồ, Phú Yên, có Ban cán sự Đảng, Ban chỉ huy quân sự và Phân ban kháng chiến hành chính Tây Nguyên. Khu tăng cường cán bộ và lực lượng bộ đội chủ lực cho tỉnh Gia Lai, giao Trung đoàn 120 do đồng chí Trương Cao Dũng làm Trung đoàn trưởng, đồng chí Phan Thêm, Ủy viên Ban cán sự Khu 15, Bí thư Tỉnh ủy làm Chính trị viên về hoạt  động tại Gia Lai.
Có thêm lực lượng cán bộ tại địa phương bổ sung, ngày 10-8-1947, tại buôn Ma Hing xã Đất Bằng, Chi bộ Đảng ở Cheo Reo được thành lập do đồng chí Ksor Ní làm Bí thư. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên ở Cheo Reo. Bấy giờ, trong toàn huyện Cheo Reo đã có 40 làng xây dựng được cơ sở cách mạng và nhiều làng ta đã nắm được tề trong tổng số 214 làng toàn tỉnh.
  Để tăng cường sự chỉ đạo, theo Quyết nghị của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ số 511/TB/ND ngày 06 tháng 11 năm 1947, huyện Cheo Reo của tỉnh Gia Lai được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban liên lạc Hành chính Tây Nguyên, cơ quan đóng tại xã Xuân Phước, Đồng Xuân, Phú Yên. Một số xã của hai huyện miền tây Phú Yên là Sơn Hòa và Đồng Xuân, như Đá Mài, Bầu Bèng, Suối Trai… được giao cho huyện Cheo Reo (Gia Lai) và MĐrak (Đak Lak) quản lý. Đồng bào vùng này vốn có mối quan hệ mật thiết với đồng bào các dân tộc huyện Cheo Reo và MĐrak. Tỉnh Đak Lak đã lấy vùng này xây dựng bàn đạp để chỉ đạo cuộc kháng chiến trên địa bàn tỉnh. Do đó phía Nam huyện Cheo Reo đã trở thành địa bàn trú quân, kho tàng của cán bộ, bộ đội cung cấp cho tỉnh Đak Lak.
Cuối tháng 12-1947, trong một cuộc càn ở vùng Buôn Hồ, địch bắt được một cán bộ ta có tài liệu xây dựng cơ sở. Ngay sau đó, chúng tập trung đánh phá, khủng bố nhân dân vùng Buôn Hồ làm cho phần lớn cơ sở của ta ở đây bị vỡ. Các đơn vị ở vùng sâu mất chỗ đứng phải lui về căn cứ miền tây Phú Yên, nơi đặt cơ quan đầu não của tỉnh và Khu.
 Ngày 5-1-1948, địch từ Cheo Reo, Ơi Nu tổ chức thành 2 cánh quân đánh xuống Củng Sơn, Buôn Jú, Buôn Ji (nay thuộc xã Krông Năng huyện Krông Pa). Ngay từ đầu, chúng đã bị bộ đội bảo vệ hậu cứ chặn đánh ở Củng Sơn và các vùng xung quanh, buộc chúng phải rút chạy về Kà Lúi, Tây Bắc Củng Sơn 28 km. Ngày 14-1, từ hướng MĐrak, Cheo Reo địch tăng thêm 2 cánh quân đánh xuống Củng Sơn. Tuy đã biết trước nhưng vì tiểu đoàn Chi Lăng của Khu 6 phòng thủ sơ hở nên đã để địch lọt sâu vào căn cứ. Nhưng sau đó, tiểu đoàn đã tổ chức lực lượng, tích cực chặn đánh không cho địch mở rộng phạm vi càn quét. Trong thời gian địch sử dụng lực lượng lớn tiến đánh buôn Jú, Buôn Ji, tiểu đoàn 10 đã tích cực chặn đánh, nên địch mặc dù đến được Củng Sơn, nhưng không thực hiện được mục đích đánh phá cơ quan đầu não của ta, do lực lượng tập trung và du kích Đak Lak, Phú Yên đánh mạnh  buộc địch phải rút về Cheo Reo.
  Đầu năm 1948, sau thất bại ở Việt Bắc, quân Pháp ở chiến trường Tây Nguyên tăng cường càn quét vùng tự do của ta ở Dlei Ya. Chúng thay đổi chiến lược từ đánh nhanh thắng nhanh sang thực hiện chiến lược “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt trị người Việt”. Quân Pháp càn quét bắt 2000 thanh niên ở Buôn Hồ, Plei Ku và Cheo Reo vào lính nguỵ; đẩy mạnh xây dựng bộ máy tề, nguỵ, tuyên truyền chính sách mị dân chia rẽ Kinh - Thượng; chia rẽ dân tộc này với dân tộc khác. Trong vùng chiếm đóng, chúng dùng vải, muối, thuốc chữa bệnh phát cho một số đồng bào ta để mua chuộc lòng dân. Chúng thực hiện chính sách “tôn giáo hoá” đồng bào ta ở Tây Nguyên, nhất là đạo Thiên chúa, đạo Tin Lành, Cao Đài… tập trung nhiều nhất ở Cheo Reo. Với các thủ đoạn cho bọn tay sai kiểm soát chặt chẽ nhân dân; làm ra vẻ bề ngoài tôn trọng tự do của nhân dân “không can thiệp vào công việc của dân” bằng pháp luật. Với chính sách thâm độc trên, thực dân Pháp đã gây cho phong trào kháng chiến ở Tây Nguyên nhiều khó khăn, thiệt hại về người và tài sản.
  Từ giữa năm 1948, chiến trường Nam Trung Bộ được đẩy mạnh, mở rộng. Mặt trận Đak Lak diễn biến ác liệt hơn, đồng thời đặt ra yêu cầu lớn về chi viện lực lượng, vũ khí và hậu cần. Địa bàn Cheo Reo có ý nghĩa quan trọng làm bàn đạp đứng chân của lực lượng ta phát triển vào Đak Lak và nam Tây Nguyên. Chính vì vậy, tháng 8-1948, đặc phái viên của Chính phủ tại miền Nam Trung Bộ đã có Nghị định 203/CP giao huyện Cheo Reo cho tỉnh Đak Lak chỉ đạo. Ngày 10-8-1948, Tỉnh ủy Đak Lak chỉ định Ban cán sự Đảng huyện Cheo Reo gồm 3 đồng chí do đồng chí Ksor Ní làm Bí thư Ban cán sự. Việc thành lập Ban cán sự huyện Cheo Reo đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ phong trào kháng chiến của quân dân vùng Cheo Reo.
  Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương mở rộng (20-1-1948) đã chủ trương đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn quốc sang một giai đoạn mới. Nhiệm vụ chính là củng cố khối đoàn kết toàn dân; tiến công địch, phá âm mưu “dùng người Việt trị người Việt”, “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của thực dân Pháp; đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân và bộ đội; kiện toàn cơ quan kháng chiến các cấp.
Hội nghị Phân ban kháng chiến hành chính Tây Nguyên căn cứ vào chủ trương của Đảng và Chính phủ đã quyết định đưa các đội công tác tuyên truyền vũ trang và đại đội độc lập hầu hết là cán bộ, chiến sỹ người dân tộc thiểu số, đi sâu vào vùng địch để xây dựng cơ sở; gây ảnh hưởng cách mạng ở những nơi ta chưa có chính quyền, phát triển thêm lực lượng, huấn luyện và phát động chiến tranh du kích. Liên Khu ủy V và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ chỉ thị cho các tỉnh vùng tự do Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên có trách nhiệm tăng cường cán bộ, đảng viên cho các tỉnh Tây Nguyên; giúp đỡ vật chất cho công tác gây dựng cơ sở  địch hậu.
  III- CỦNG CỐ VÀ PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG, TIẾN CÔNG TIÊU DIỆT ĐỊCH GÓP PHẦN KẾT THÚC THẮNG LỢI CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP( 1950 -1954)
  Tháng 3-1948, cụ Nay Der được điều đi làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Kon Tum, đồng chí Ksor Ní được cử giữ chức vụ Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Cheo Reo, đồng chí Rơchơm Thép, làm phó chủ tịch. Huyện đội cũng được củng cố, do đồng chí Rơchơm Thép làm Huyện đội trưởng, đồng chí Nay Then làm Huyện đội phó. Ngoài trung đội du kích tập trung (gồm 40 người, toàn người Jrai), lúc này huyện Cheo Reo đã có 255 dân quân, du kích trong 5 xã Ơi Nu, Đất Bằng, Sông Ba, Chư Drăng, cả vùng Uar và Ia Rbol (Tây Nam Cheo Reo). Lúc đầu tổ chức hai lực lượng dân quân, lực lượng làm nhiệm vụ dẫn đường canh gác, báo tin, chạy giấy tờ, đưa đồng bào đi tránh khi địch càn và lực lượng dân quân du kích tập trung, được huấn luyện từ thấp lên cao do bộ đội chủ lực huấn luyện. Các đại đội 12, 18 luôn có từ 3 đến 5 trung đội phân tán bám dân, tổ chức vót chông, gài mang cung, bẫy đá,... bố phòng các vùng, chốt hướng địch thường đi càn. Một trung đội ở hậu cứ vùng tự do Phú Yên làm nhiệm vụ sản xuất tự túc chăn nuôi, trồng mỳ.
  Thực hiện phương châm xây dựng, phát triển cơ sở Đảng và các đội vũ trang tuyên truyền của Trung ương, trong năm 1948 ở Gia Lai có đại đội 12 của Trung đoàn 79 do đồng chí Võ Dũng phụ trách và một đội vũ trang tuyên truyền do đồng chí Nguyễn Lê làm đội trưởng, đã đến hoạt động ở  phía Tây Cheo Reo. Phía đông huyện Cheo Reo có  đại đội vũ trang 29 do đồng chí Rơchom Nghiêu phụ trách. Tuy gặp khó khăn bước đầu, nhưng sau đó cả hai vùng đông và tây Cheo Reo đã xây dựng được một số cơ sở ngay trong các làng, xã địch chiếm đóng.
  Tháng 5-1948, địch từ các cứ điểm Cheo Reo, Ơi Nu, Kà Lúi gồm hai tiểu đoàn, chia làm hai cánh, một cánh càn xuống vùng Buôn Ban, Buôn Jú, Buôn Ji (xã Krông Năng); một cánh có hỏa lực cối 81 tấn công theo đường số 7 từ Chư Ma Thiêng đánh xuống đến Củng Sơn, một hướng đánh xuống Buôn Bá,  Buôn Ma Tê, Buôn Bau Buôn Keng (MĐrak) cho tới Chư M’Dan (Sông Hing). Ta chặn đánh quyết liệt, song do lực lượng quá chênh lệch, ta chủ trương rút lui để củng cố lực lượng. Địch đến được Củng Sơn nhưng lại bị lực lượng tập trung của trung đoàn 84 vây đánh, buộc chúng phải rút về Cheo Reo và Buôn Hồ.
  Những cuộc càn quét liên tục và ác liệt của địch trên một diện rộng đã làm cho tình hình Đak Lak nói chung và vùng đông Cheo Reo - Krông Pa trở nên khó khăn hơn. Các cơ sở vùng sâu phần lớn bị phá vỡ, lực lượng chủ lực rút về miền tây Phú Yên để củng cố. Cán bộ, chiến sỹ sức khỏe giảm sút do thiếu lương thực và thuốc men. Ở những vùng ta làm chủ, địch cướp hết trâu bò, đốt phá nhà cửa,  kể cả Tân Vinh, Trà Kê thuộc tỉnh Phú Yên, tiếp giáp với xã Đất Bằng. Tuy nhiên, từ năm 1948, Cheo Reo đã có cơ sở tương đối vững vàng ở các xã phía đông nam huyện là Đất Bằng, Ơi Nu và các xã nam Sông Ba,ã nam Sông Ba,arách hoạt động Chư Drăng, tạo thành hành lang nối liền vùng tự do Phú Yên với vùng diễn ra tranh chấp quyết liệt MĐrak. Lúc này tỉnh Đak Lak đã xây dựng được căn cứ Dlei Ya (CK 40), một vùng nằm quanh dãy núi Dlei Ya án ngữ giữa huyện Cheo Reo và huyện Buôn Hồ. Cơ sở chính trị và dân quân du kích ở xã Dleiya và các buôn phụ cận được củng cố tạo thành vành đai bảo vệ Chiến khu 40 (CK 40). Chiến khu trở thành trạm trung chuyển giữa cơ quan tỉnh Đak Lak với các huyện phía sau, là nơi tập kết, điều động lực lượng cho chiến trường Đak Lak. Trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1950 chiến khu 40 là nơi tiền phương đứng chân chỉ đạo của ban cán sự tỉnh đảng bộ tỉnh Đak Lak.
  Nhân dân miền tây Phú Yên và đông Cheo Reo (Krông Pa) đã hết lòng, hết sức đùm bọc, giúp đỡ, tạo điều kiện cho Đak Lak phát triển mọi mặt. Có sự chi viện của miền xuôi, tỉnh đã mở những hợp tác xã ở Đất Bằng và Thạnh Hội (nay là xã Sơn Hội huyện Sơn Hoà) để trao đổi các sản phẩm địa phương… Để nhân dân trao đổi mua bán được thuận lợi, tỉnh còn mở mang thêm chợ phiên lưu động giữa các vùng. Tại căn cứ Đất Bằng, tỉnh đã thành lập các cơ sở công nghiệp như xưởng dệt, xưởng sản xuất thuốc lá, khu vực chăn nuôi… Tỉnh còn thành lập Ty kinh tế để tiếp nhận sự chi viện của các tỉnh đồng bằng khu V, lập các kho dự trữ và cung cấp lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm cho bộ đội, cán bộ và nhân dân.
  Việc sáp nhập Cheo Reo vào Đak Lak đã tạo thế liên hoàn, thúc đẩy phong trào kháng  chiến chống Pháp của Phú Yên, Gia Lai, Đak Lak phát triển.
  Thực hiện chủ trương củng cố lực lượng vũ trang miền Nam Trung Bộ, tháng 10-1948, các khu V, VI và Khu XV hợp nhất lại thành Liên khu V. Bộ máy lãnh đạo Đảng, chính quyền, quân sự của Liên khu được củng cố. Liên khu V quyết định giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 120 ở Bình Định phụ trách công tác quân sự, chính trị địa bàn tây Bình Định và chiến trường tỉnh Gia Lai. Trong số 1 tiểu đoàn tập trung, 3 đại đội độc lập và 3 đội vũ trang tuyên truyền của E120  hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai có một đại đội độc lập và một đội vũ trang tuyên truyền hoạt động trên địa bàn huyện Cheo Reo. Lực lượng bộ đội này, cùng với các đơn vị bộ đội trước đó và cán bộ dân chính, lực lượng du kích, dân quân của huyện đẩy mạnh xây dựng cơ sở chính quyền cách mạng các buôn dọc từ hai bên bờ sông Ba và đã có cơ sở ở 22 buôn làng, từ buôn Pan, buôn Puh đến buôn Ơi Nu… Trong hoạt động phối hợp công tác, chiến đấu giữa bộ đội, dân quân, du kích và cán bộ dân chính đã xuất hiện nhiều cán bộ, chiến sỹ tiêu biểu như Ơi Lưng (Ma Djet), Ama Tyh, Ma Đăm, Ma Diêk, Y Bua, Ma Hân, Ơi Yem… đều là người dân tộc thiểu số địa phương. Số cán bộ này được tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và lực lượng vũ trang bồi dưỡng để kết nạp Đảng. Đến giữa năm 1949, Đảng bộ Cheo Reo đã xây dựng được 3 chi bộ với 70 đảng viên hoạt động trong các cơ quan huyện, đội công tác, lực lượng dân quân, du kích và trong các xã.
   Trong khi đó, ở buôn làng vùng tạm chiếm đã diễn ra các đợt bao vây kinh tế địch, không bán một thứ gì cho địch, không đưa hàng hóa của địch ra vùng tự do. Việc đi lại giữa vùng địch chiếm đóng được công an kiểm soát chặt chẽ. Nhờ những biện pháp tích cực, nạn đói giáp hạt được giảm bớt, nạn lạt muối, thiếu nông cụ sản xuất, thiếu vải may mặc được giải quyết một phần ở những vùng căn cứ và vùng bất hợp tác với địch. Ngoài ra nhân dân còn có điều kiện đóng góp cho cách mạng hàng trăm tấn gạo, hàng trăm trâu bò...
  Trong vùng căn cứ Đất Bằng, trường nội trú được mở để dạy chữ phổ thông và chữ Jrai cho thanh, thiếu niên do chính cụ Nay Der, Nay Brui và Ksor Ní đảm nhiệm. Trường đã thu hút được đông đảo con em nhân dân đến học, có lúc lên tới 55 em và một số cán bộ xã và buôn. Một số học sinh sau khi học xong ra trường được đưa về làm cán bộ, giáo viên ở các làng, xã. Các lớp bình dân học vụ được mở để xóa nạn mù chữ cho nhân dân. Chỉ trong thời gian ngắn, từ năm 1947 đến năm 1949 đã có hàng trăm cán bộ, nhân dân thoát khỏi nạn mù chữ. Phong trào giữ vệ sinh, sạch sẽ môi trường sống, phòng bệnh được thực  hiện tốt. Các đội y tế lưu động đi khám chữa bệnh, phát thuốc cho bộ đội và nhân dân; vận động xây dựng đời sống mới như sạch nhà, sạch làng, cắt tóc ngắn, ăn chín, uống sôi, giảm bớt các phong tục tập quán lạc hậu, sức khỏe của nhân dân được nâng lên, không bị dịch bệnh nguy hiểm.
  Bằng những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội đó, trong hai năm 1948 -1949, vùng căn cứ Đất Bằng - Cheo Reo được xây dựng, củng cố, trở thành bàn đạp vững chắc cho phong trào kháng chiến của huyện và tỉnh.
  Đi đôi với việc xây dựng vùng căn cứ, trong năm 1949, lực lượng vũ trang Cheo Reo phối hợp với Trung đoàn 120 và trung đoàn 84 liên tục đánh địch trên đường số 7 từ Kà Lúi đi Mlah và đoạn từ Mlah đi Ơi Nu. Các đội công tác bám trụ khôi phục cơ sở cách mạng ở những vùng xung yếu hai bên bờ sông Ba và các đường giao thông quan trọng. Các đội công tác tổ chức nắm tình hình bộ máy tề ngụy, khống chế bọn tay sai phản động thực hiện phá tề, trừ gian, diệt ác, phân hóa bọn tay sai trong chính quyền địch. Một số tề ngụy đã dần theo Việt Minh, tham gia lực lượng kháng chiến, tìm cách che chở cho ta hoạt động trong vùng địch hậu. Một số tên tay sai nguy hiểm làm chánh tổng, những tên Việt gian đầu sỏ như Ama Nga, Ama Kuai, Y Su… bị ta trấn áp, tiêu diệt. Công tác binh địch vận ở Cheo Reo cũng phát triển mạnh, tạo điều kiện cho phong trào kháng chiến phát triển đều khắp.
  Từ giữa năm 1949, Liên khu ủy V chủ trương thực hiện thống nhất chế độ Ban cán sự Đảng đối với các tỉnh Tây Nguyên. Ban các sự Đảng Đak Lak được bổ sung  từ 3 đồng chí lên 7 đồng chí, đồng chí Lê Vụ nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Phú Yên được điều lên làm Bí thư Ban cán sự thay cho đồng chí Nguyễn Khắc Tính. Trung đoàn 84 được bổ sung thêm lực lượng, các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần được tăng cường thêm một bước. Đồng chí Phạm Kiệt (T2) được cử làm Trung đoàn trưởng thay cho đồng chí Lê Lương. Thực hiện chế độ chính uỷ trong quân đội, đồng chí Đoàn Khuê được cử làm chính uỷ Trung đoàn thay đồng chí Nguyễn Trọng Ba. Các ban chuyên môn của Đảng, các ty chuyên môn của chính quyền, các cơ quan đoàn thể quần chúng của tỉnh đều được bổ sung, kiện toàn một bước. Trường đào tạo cán bộ địch hậu Tây Nguyên đã điều hàng trăm cán bộ cho Đak Lak. Trong số đó, có các đồng chí được phân công trực tiếp về chiến trường Krông Pa - Cheo Reo, trở thành cán bộ chủ chốt của địa phương như đồng chí Nguyễn Địch, Bí thư Ban cán sự Huyện, Trương Phụng Tiến (Ama Kim) trưởng Công An huyện, Quách Xân (Ama Hoa) phụ trách xã Sông Ba, Nguyễn Tiển (Ama Đam) phụ trách xã Chư Drăng, Lê Vũ Doãn (Ama Lê)…
  Tháng 12-1949, Ban cán sự huyện Cheo Reo được củng cố, đồng chí Ksor Ní được điều về làm Phó chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Gia Lai, đồng chí Nguyễn Địch làm Bí thư và đồng chí Rơchơm Thép làm Phó Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Cheo Reo. Huyện đã phát triển được nhiều đảng viên “lớp đảng viên Tháng Tám”. Ngoài chi bộ cơ quan huyện, ở Cheo Reo đã có 3 chi bộ xã: chi bộ Đất Bằng, chi bộ Buôn Sai, chi bộ Sông Ba.
  Nhìn chung, trong hai năm 1948 – 1949, phong trào kháng chiến của huyện Cheo Reo đã có bước phát triển đều ở các vùng trong huyện, từ vùng căn cứ đến vùng địch tạm chiếm. Cơ quan Đảng, chính quyền được củng cố, phát triển và có những bước trưởng thành qua thực tiễn lãnh đạo phong trào. Cán bộ của huyện được rèn luyện trưởng thành qua huấn luyện và thực tiễn phong trào kháng chiến ở địa phương, có đồng chí được điều lên giữ các cương vị của tỉnh như đồng chí Ksor Yngor (Ama H’Ly) phụ trách hành lang tỉnh, Rơ Chơm Thép (Ama Quang), Thường vụ Tỉnh uỷ... Tuy vậy, công tác xây dựng thực lực kháng chiến của ta trong lòng địch, trục đường chiến lược và ở thị trấn phát triển chưa được đều. Vùng căn cứ, lực lượng chủ lực hoạt động mạnh, nhưng phong trào kháng chiến chưa vững chắc. Một số nơi sau khi bộ đội ta đánh vào cứ điểm địch, cơ sở của ta thường bị địch đánh phá. Tổ chức “Hội đánh Tây” ở các thôn làng phát triển chậm.
  Cuối năm 1949, trên chiến trường toàn quốc đã mở một số chiến dịch lớn và giành được thắng lợi. Thực dân Pháp đã phải cầu xin viện trợ của đế quốc Mỹ để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Bối cảnh quốc tế có một số thuận lợi để cuộc kháng chiến của ta mở rộng quan hệ với thế giới.
  Tháng 6-1949, địch xây dựng một cứ điểm ở Buôn Ma Phu gồm 102 lính, trong đó có 12 lính Âu phi, 80 lính khố đỏ và 10 lính khố xanh để tăng cường kiểm soát hành lang qua lại của ta với đồng bằng, đánh phá vùng căn cứ Đất Bằng và càn quét vùng tự do của ta. Để chuẩn bị địa bàn, đảm bảo cho bộ đội chủ lực đánh các đồn bót địch, huyện đã tổ chức chỉ đạo phân công cán bộ bám sát các buôn làng, tuyên truyền vận động quần chúng xây dựng cơ sở cách mạng, nắm tình hình và theo dõi các hoạt động của địch. Sau khi quán triệt nghị quyết của hội nghị bàn công tác vùng địch, Ban cán sự tỉnh đảng bộ Đak Lak và trung đoàn 84 thành lập các đội vũ trang tuyên truyền có nhiệm vụ gây dựng cơ sở cốt cán cách mạng ở các buôn làng sau vùng địch, vừa đánh địch để gây ảnh hưởng, làm cho nhân dân vững tin vào kháng chiến, tham gia công tác cách mạng. Các đội vũ trang tuyên truyền đi vận động ở các vùng trọng điểm như  đội vũ trang tuyên truyền 120 hoạt động ở vùng các buôn làng: Plơi Pa, Buôn Broái, buôn Tul, Plơi Bâu, Plơi Thông Ngông… do đồng chí Mãi làm đội trưởng, đồng chí Kpă Púi làm chính trị viên cùng với 10 chiến sĩ, trang bị đầy đủ súng đạn cùng với đại đội 22 độc lập do Rơchơm Nghiêu chỉ huy, đội vũ trang tuyên truyền 127 gồm Rơchơm Thép (Ama Quang) làm đội trưởng, Siu Pui (Ama Thương) làm đội phó, đồng chí Bình làm chính trị viên, các đội viên Y Mot, Y Bú, Y Djơnh, Y Phơng, Ksor Y Ben (Ama Hoa), đồng chí Tô Tấn Tài (Ama H’Oanh), đồng chí Nguyễn Minh (Ama H’Nim) hoạt động tại các vùng Uar, đông nam Ơi Nu, nam và tây Cheo Reo, 3 buôn Hoang, 2 buôn Bir, buôn Kham M’Liêm, Ama Hlep, buôn Rưng, buôn Phu, vùng Ia Hiao, Ia Sôl. Dọc đường số 7 đến đèo Chư Sê cả vùng đông Phú Nhơn có đại đội độc lập 18 do đồng chí Ân đại đội trưởng, đồng chí Triều chính trị viên. Trong một thời gian hoạt động ta mới gây cơ sở cách mạng được ở các vùng nói trên.
            Trên chiến trường Liên khu V và Tây Nguyên, thực dân Pháp vẫn thực hiện kế  hoạch bình định, chiêu an các vùng chiếm đóng, cướp bóc vơ vét của cải, bóc lột sức  dân, bắt thanh niên vào lính thực hiện kéo dài chiến tranh xâm lược, đồng thời càn quét, dồn dân, lập các nhóm vũ trang phản động. Chúng tuyên truyền việc trao trả độc lập giả hiệu cho Bảo Đại; đổi xứ “Tây Kỳ tự trị” thành “Hoàng Triều Cương thổ phía Nam”, song thực chất vẫn cai trị trực tiếp Tây Nguyên. Chúng bày ra việc cải tổ bộ máy bù nhìn, lấy danh nghĩa Bảo Đại để xây dựng quân đội quốc gia, lực lượng lục quân Cao nguyên đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ chỉ huy tối cao Pháp, phát triển “goum”[23] trong đồng bào dân tộc thiểu số.
  Trước tình hình đó, Liên khu ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ tiếp tục tăng cường cán bộ, lực lượng chính trị, vũ trang và hậu cần cho Tây Nguyên. Tháng 11-1949, Liên khu uỷ V mở hội nghị bàn về công tác địch hậu, chọn nam Tây Nguyên với mục tiêu phát triển mạnh cơ sở chính trị và du kích ở khu căn cứ MĐrak – Cheo Reo; diệt ngụy quân, ngụy quyền. Tháng 1-1950, Hội nghị cán bộ Đảng Liên khu V quyết định phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích trong toàn vùng; củng cố xây dựng tổ chức Đảng, phát triển thêm đảng viên, xây dựng các Đảng bộ huyện, xã, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh.
Tháng 01 năm 1950, tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 3, Đảng chủ trương gấp rút xây dựng bộ đội chủ lực, đưa chiến tranh chính quy lên ngang với chiến tranh du kích. Trung ương Đảng, Chính phủ quyết định thực hiện chế độ tổng động viên theo khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.
  Để đẩy mạnh công tác địch hậu và đánh địch ở Tây Nguyên, chuẩn bị chiến dịch Nguyễn Huệ (từ ngày 15-7 đến ngày 15-9-1950). Liên khu ủy V tăng cường thực lực cho Đak Lak, đã điều đồng chí Trương Quang Tuân- Liên khu ủy viên về làm Bí thư tỉnh ủy Đak Lak thay cho đồng chí Lê Vụ. Ban cán sự Đảng  tỉnh từ 7 ủy viên lên 12 ủy viên, lập Ban Thường vụ do đồng chí Lê Vụ giữ chức Phó Bí thư. Đồng chí Y Wang, ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ được điều động về làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Đak Lak thay đồng chí Ma Khê được cử đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Đồng chí Lư Giang thay đồng chí Phạm Kiệt làm chỉ huy quân sự tỉnh và đồng chí Đoàn Khuê làm Chính ủy.
  Tháng 3-1950 Ban cán sự tỉnh Đak Lak họp triển khai kế hoạch hoạt động hè của Liên khu V và xác định nhiệm vụ các mặt công tác là: Củng cố các cơ sở chính trị và cơ sở du kích ở khu tam giác MĐrak – Cheo Reo – Buôn Hồ, đẩy mạnh phong trào du kích chiến tranh, phá tề trừ gian, phát triển gây cơ sở địch hậu phía tây đường 14; phối hợp với các lực lượng vũ trang của Liên khu tác chiến tiêu hao địch và phát triển chiến tranh du kích; tổ chức tiếp nhận và bảo quản tốt hậu cần tiếp viện và đẩy mạnh tăng gia sản xuất tự túc lương thực tại chỗ; kiện toàn Ban cán sự huyện MĐrak, Cheo Reo, Buôn Hồ và Ban chỉ huy E84 của tỉnh.
  Liên khu ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ điều E803 tới mặt trận Đak Lak và huy động một lực lượng hàng vạn dân công Bình Định, Phú Yên, hàng ngàn đồng bào và dân quân, du kích ở Ma Đrak và Nam Cheo Reo mở  đường để xây dựng 3 tuyến hành lang tiếp vận gồm: hành lang A từ La Hai, Kỳ Lộ (Đồng Xuân) đến Ma Choi, Ma Thìn và Dleiya; hành lang B từ Tuy Hoà lên Thạnh Hội qua Sơn Thành đến MĐrak đi Dleiya về buôn Ia Rôk đi huyện Lak; hành lang C từ Sơn Thành đi Hà Roi vào Khánh Hoà lên nam MĐrak, đi sâu vào nội địa hàng chục km. Các tuyến đã chuyển lên chiến trường 200 tấn lương thực, thực phẩm và nhiều quân trang, quân dụng. Lực lượng hậu cần được tập trung ở chiến khu Dleiya (40%), MĐrak và Cheo Reo (40%). Trung đoàn 84 được phiên chế thành hai liên đại đội và 6 đại đội độc lập. Trong 8 đội vũ trang tuyên truyền của tỉnh, Cheo Reo có một đội được lập ra từ cán bộ quân, dân, chính, Đảng.
  Trên địa bàn tỉnh Đak Lak cũng lập ra 6 khu được bố trí lực lượng theo yêu cầu để xây dựng lực lượng chính trị và thực hiện chiến tranh du kích. Trong đó, huyện Cheo Reo chia thành 2 khu :
   Khu I: gồm các xã đông Cheo Reo: Đất Bằng, Ơi Nu, Plei Pa, Sông Ba, Chư Drăng (có 28 buôn). Bên cạnh các đội công tác xã, bố trí đội vũ trang tuyên truyền 127 gồm đại đội độc  lập 18 hoạt động ở các vùng đông nam, phía nam Ơi Nu và Cheo Reo, các vùng tây Cheo Reo… có đội vũ trang tuyên truyền 120 do đồng chí Mãi làm đội trưởng, đồng chí Kpă Púi chính trị viên,  cùng đại đội 22 do đồng chí Rơchơm Nghiêu chỉ huy hoạt động và bắc Cheo Reo gồm có các buôn Plơi Pa, buôn Broái, Ia Tul, Plơi Bâu, Thông Ngông.
  Khu IV: gồm các xã tây Cheo Reo: Dleiya, Ia Rbol, Ia Hiao, thị trấn Cheo Reo,  bố trí đội vũ trang tuyên truyền 127 và đại đội độc lập 18. Tháng 3 - 1950, cơ quan chỉ huy của đại đội 18 lên đóng tại đầu nguồn suối Ia Kdrieng, sau này cơ quan huyện Cheo Reo lên đóng ở đây. Vào thời gian này tại đây, trong lúc đi công tác đồng chí Rơchơm But và Y Tré bị  hy sinh, đồng chí Cự bị thương do sa vào ổ phục kích của bọn Pháp. Tháng 4-1950, 5 đội công tác đã về miền tây Phú Yên để lên đường làm nhiệm vụ xây dựng chính quyền xã, lập làng chiến đấu, xây dựng lực lượng du kích, lãnh đạo nhân dân sản xuất và chiến đấu…
  Ngay từ đầu tháng 7 - 1950, địch nống ra càn quét vùng buôn Jú, buôn Ji, phục kích vùng buôn Lối, Kà Lúi… gây cho ta một số tổn thất. Song, tiểu đoàn 365 của Trung đoàn 803 vẫn mở màn chiến dịch đúng thời gian quy định. Đêm 15-7-1950, trận đánh cứ điểm Ma Phu mở màn cho chiến dịch. Trận đánh diễn ra nhanh chóng, ta đã tiêu diệt và làm bị thương 30 tên, bắn sập hết nhà cửa, phá huỷ một súng cối 81 mm và làm tê liệt hệ thống hoả lực của địch. Tuy không tiêu diệt được hoàn toàn cứ điểm, nhưng trận Ma Phu đã khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sỹ, nhân dân vùng Mlah, Cheo Reo làm cho địch hoang mang, lo sợ.
  Phát huy thắng lợi, đêm 20-8-1950, bộ đội và dân quân uy hiếp cứ điểm Mlah, Kà Lúi, bảo vệ nhân dân nổi dậy giương cờ đỏ sao vàng ở quanh cứ điểm, rải truyền đơn vào đồn. Các chiến sỹ binh vận và nhân dân dùng loa đặt sát các cứ điểm kêu gọi binh lính ra hàng. Bọn địch hoang mang, lo sợ, đóng chặt cửa đồn không dám phản ứng. Cùng đêm hôm đó, ở Ơi Nu, gần 200 nhân dân đủ già, trẻ, gái, trai dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, mở Hội nghị phát động quân, dân, chính, Đảng hạ quyết tâm chống Pháp đến cùng, diệt bọn tề gian ác ngoan cố. Đồng bào được dân quân du kích hỗ trợ đồng loạt nổi dậy tổng phá hoại đường giao thông từ cứ điểm Mlah đi Ma Phu, dùng súng và lựu đạn đánh vào kho gạo, bốt gác của địch, diệt 4 lính Pháp và 20 lính khác, bắt 2 tên, làm bị thương 10 tên. Bị đánh đau, địch co lại trong các cứ điểm, bỏ mặc hệ thống tề ngụy tan rã, trừ một số tên chạy trốn vào đồn quân Pháp, còn hàng trăm tề buôn, tề tổng bị ta bắt giải về xuôi tập trung cải tạo. Nhân dân làm chủ buôn làng. Dân quân du kích phối hợp với bộ đội phá cầu, cắt dây điện thoại, đánh phục kích, bao vây cứ điểm địch ở Ma Phu, Ơi Nu… Đồng bào vót chông, cài mang cung, làm bẫy đá, biến nhiều buôn ở Đất Bằng, Ơi Nu thành làng chiến đấu. Địch đi đến đâu cũng bị bắn, lùng đến đâu là bị sập hầm chông, bẫy đá.
  Cuối tháng 8-1950, hàng nghìn đồng bào ở MĐrak, Cheo Reo được huy động phục vụ chiến đấu và tổ chức mít tinh trương băng cờ khẩu hiệu, gọi loa vào các đồn địch kêu gọi những người theo địch trở về với buôn làng, cha mẹ, vợ con.
  Phía tây Cheo Reo, các cơ sở vùng Dleiya được củng cố từ Ia Rbol, Ia Hiao mở rộng ra phía Plei Kly, Plei Ring. Đêm 20-8-1950, đội vũ trang tuyên truyền 127 cùng một tiểu đội 18 đột nhập vào buôn Hoang tước 15 khẩu súng, 2.000 viên đạn của bọn dân vệ mà không tốn một viên đạn nào. Đêm 30-8-1950, C1 tăng cường phối hợp C18 độc lập tập kích thị trấn Cheo Reo, đốt cháy một số nhà làm việc, nhà ở của quân địch, thu thuốc men, quân trang, vũ khí. Những cuộc đột kích này gây ảnh hưởng chính trị lớn trong nhân dân. Phong trào chống xâu, chống thuế, bất hợp tác với địch ở Ia Rbol lên cao. Vùng buôn Hoang được xây dựng thành căn cứ đứng chân cho các cơ quan lãnh đạo huyện Cheo Reo.
  Chỉ trong vòng 2 tháng, chiến dịch Nguyễn Huệ đã giành được thắng lợi to lớn. Lực lượng vũ trang của ta tuy ít, phải dàn mỏng nhiều nơi nhưng đã nêu cao quyết tâm bám sát địa bàn, đánh một số trận có hiệu suất cao. Trong chiến dịch, ta đã diệt hơn 100 tên, có 14 Âu – Phi, 01 quan ba, 01 quan hai... bắn bị thương 50 tên, bắt sống 04 tên trong đó có 3 sỹ quan Pháp, phá huỷ 01 cối 81 mm, 1 vô tuyến điện, 1 xe vận tải và thu nhiều phương tiện, vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng; bộ máy chính quyền tổng, xã của địch nhiều nơi bị tan rã; cơ sở cách mạng phát triển mạnh mẽ khắp nơi, tinh thần chống Pháp dâng cao ở mọi buôn làng, hàng trăm thanh niên xung phong vào các đội chiến đấu.
  Với những thành tích đó, tại Hội nghị tổng kết chiến dịch Nguyễn Huệ tháng 11-1950 (ở Gò Chai, Phú Yên) Chính uỷ Bộ Tư lệnh quân khu V đã kết luận “Với chiến dịch (Nguyễn Huệ) ta đã đặt được nền móng đầu tiên cho việc xây dựng một khu du kích, mở đường xây dựng một khu căn cứ địa trên địa bàn địch hậu Đak Lak, trung tâm của vị trí chiến lược Tây Nguyên, chiến trường chính của Liên khu”.
  Cuối năm 1950, cơ quan huyện đóng ở suối Ia Rsai, buôn RSai xã Ơi Nu. Sau chiến dịch Nguyễn Huệ, mùa xuân 1951 toàn bộ cơ quan chuyển qua bên kia sông Ba, phía Buôn Hoang[24]. Lúc này 3 buôn Hoang nối liền liên hoàn đến vùng Dleiya là vùng giải phóng, căn cứ cách mạng. 
  Vừa kháng chiến, vừa tăng gia sản xuất là hai mặt hoạt động phong trào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cheo Reo. Trong khu tam giác MĐrak, Cheo Reo, Buôn Hồ, các cơ quan dân, chính, bộ đội, đội công tác và dân quân, du kích đều có trại, rẫy trồng sắn, dong riềng, các loại đậu đỗ và trỉa lúa nhận từ huyện Tuy Hoà, Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên lên bằng các đợt ngựa thồ, cán bộ, chiến sỹ gùi lên chiến trường[25]. Việc đẩy mạnh tăng gia sản xuất đã giải quyết được một phần nhu cầu lương thực của các đơn vị. Để kịp thời phát huy những thành quả trên các mặt kháng chiến, ta tổ chức một đoàn vũ trang đi sâu vào vùng nội địa gặp gỡ các tầng lớp nhân dân ở khu tam giác MĐrak - Cheo Reo - Buôn Hồ tuyên truyền, làm tăng thêm uy tín và niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của lực lượng kháng chiến.
 Đến cuối năm 1950, toàn huyện Cheo Reo có 442 đảng viên[26], hai phần ba số làng, buôn có cơ sở Đảng. Phía đông (Krông Pa) đã có 5 chi bộ là Đất Bằng, Ơi Nu, Sông Ba, Chư Drăng, Buôn Sai, có chi bộ lên tới 20 đảng viên. Phía tây Cheo Reo có các chi bộ Plei Kly, Bir, vùng Dleiya, Ia Hiao và Ia Rbol.
Nhìn chung, đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và quân dân Cheo Reo trong năm 1950 đã cùng với Đảng bộ, quân dân MĐrak đã góp phần xây dựng một khu căn cứ du kích trong vùng địch hậu Đak Lak, vị trí trung tâm chiến lược Tây Nguyên. Đảng bộ Cheo Reo không ngừng lớn mạnh cùng với phong trào kháng chiến.
Sau chiến dịch Nguyễn Huệ, địch phản công đánh phá ác liệt. Ở các vùng sâu Buôn Hồ, Lak, Đak Min, các đội công tác vũ trang của ta bị tổn thất nhiều, cơ sở cách mạng trong quần chúng lo sợ, đứt liên lạc ( kể cả thị trấn Cheo Reo). ở phía bắc Đak Lak ( Krông Pa) địch đánh phá các vùng giáp ranh Phú Yên, Đak Lak.
  Để giúp các huyện xây dựng lực lượng, phát triển phong trào, tỉnh chủ trương đưa 3 đại đội người dân tộc xuống đứng 3 xã thành lập Ban cán sự vùng, gồm cán bộ xã và ban chỉ huy đại đội dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Đak Lak và E84.
  Nhằm cứu vãn tình hình, từ tháng 1 đến tháng 7- 1951, địch mở nhiều cuộc càn quét qui mô, thực hiện dồn dân dọc các trục đường giao thông, xung quanh các đồn điền, tăng cường bắt xâu, đánh thuế để phục vụ chiến tranh. Thời gian đi xâu tăng lên 25 ngày rồi 1 tháng. Đánh thuế cả đàn ông, đàn bà, con nít, voi, ngựa, trâu, bò,… Thuế đàn ông từ 50 đồng đến 300 đồng tiền Đông Dương, thậm chí cướp bóc trắng trợn. Tháng 5-1951, địch cướp ở Cheo Reo hơn 300 con bò, cướp của Buôn Hồ hơn 10 tấn lúa. Thị trấn Cheo Reo, buôn Chánh Đơn, Buôn Bia là những mục tiêu chính trong những trận càn của địch, mục tiêu phụ là buôn Ơi Nu.
Để giành lại thế chủ động và đẩy mạnh phong trào, từ 24-1 đến 08-2-1951, ta tấn công tiêu diệt cứ điểm Ơi Nu, bức rút đồn Chánh Đơn và đồn Buôn Bia, đánh diệt viện 2 trận trên đường số 7 đoạn Mlah – Ơi Nu diệt trên 200 tên địch, thu gần 10 tấn đạn dược. Nhân điều kiện thuận lợi, phong trào du kích trên trục Nam- Bắc đường số 7 Cheo Reo- Mlah- Kà Lúi phát triển mạnh.
   Năm 1951, ở chiến trường Tây Nguyên chiến sự ngày càng khốc liệt. Đầu năm, địch mở một số cuộc càn quét nhỏ để thăm dò lực lượng ta. Khi biết bộ đội ta rút về xuôi để chuẩn bị chỉnh Đảng, chỉnh quân, địch tiến hành những cuộc càn lớn nhằm bao vây tiêu diệt các đội vũ trang tuyên truyền, các đại đội độc lập  còn bám trụ hoạt động; chặn các hành lang, đánh phá các đoàn vận tải tiếp tế hậu cần của ta. Ở Cheo Reo, cả phía tây và đông nam huyện, đi đôi với chống càn quét, ta còn chống địch lập đồn bót, tháp canh, chống phát triển dân vệ vũ trang và việc dồn dân tập trung dọc đường giao thông, quanh các căn cứ. Căn cứ buôn Hoang là mục tiêu đánh phá ác liệt của địch.
   Đồng thời với việc giảm biên chế, các cơ quan tỉnh huyện điều cán bộ xuống chiến trường củng cố lại các đội công tác. Ở phía Đông Cheo Reo , các xã Plei Pa, Chư Drăng, Ơi Nu các đội công tác từ một đến hai người giúp cho cán bộ địa phương. Riêng các xã Đất Bằng, Sông Ba cùng các xã Kà Lúi, Suối Trai, Bầu Bèng, Đá Mài do Phú Yên chuyển giao sang và lập ra khu IV vào cuối năm 1952 do đồng chí Nguyễn Khắc Tính - Thường vụ Tỉnh ủy  làm Bí thư Ban cán sự, đồng chí Y Blôk Phó bí thư làm Chủ tịch ủy ban kháng chiến hành chính Khu. Cơ quan Khu IV đứng chân tại xã Kà Lúi và có đầy đủ các ban. Đồng thời đưa qua đồng chí Lê Khiết - Thường vụ Huyện ủy Sơn Hòa, đồng chí Tùng, đồng chí Võ Mông Huyện ủy viên huyện Đồng Xuân, đồng chí Nguyễn Tiển (Ama Đam)…tham gia Ban Thường vụ.
Sau khi giải thể Khu IV, Đak Lak xây dựng huyện Cheo Reo thành một cơ quan đơn vị mới (vẫn quen gọi là huyện Cheo Reo) nhằm xây dựng căn cứ, xây dựng bàn đạp để Đak Lak đứng chân, lên vùng sâu còn bị tạm chiếm. Đơn vị mới này (huyện Cheo Reo) tuy không có các ban đầy đủ, nhưng có ban cán sự Đảng do đồng chí Lê Đình Bang - Tỉnh ủy viên làm bí thư ban cán sự, có Đảng ủy viên phụ trách từng lĩnh vực như quân sự, kinh tài, tuyên huấn …(đồng chí Nguyễn Khuê tức Ama H’lơ - Thường vụ Huyện ủy - phụ trách kinh tài), đơn vị này (huyện Cheo Reo) có hai đại đội : Đại đội 21 đóng ở phía Ơi Nu do đồng chí Kpă Thìn (Ama DHâm) làm đại đội trưởng, đồng chí Trần Phòng làm chính trị viên; Đại đội 22 đóng phía Kà Lúi - Đất Bằng do đồng chí Từ Ngọc Hảo làm chính trị viên. Thời gian này, tỉnh tổ chức đợt chỉnh huấn bộ đội và cán bộ dân chính Đảng từ tỉnh đến cơ sở để đánh giá ưu khuyết điểm từng tập thể và cá nhân, xây dựng nâng cao lập trường quan điểm, xây dựng tính chiến đấu hy sinh cao độ, công tác quần chúng, dân tộc phục vụ cách mạng. Tiếp theo, các huyện tổ chức đợt phát động quần chúng tố giác bọn tề ngụy, ác ôn, trấn áp bọn xấu, phát triển lực lượng cách mạng, tạo thế quần chúng mới. Khu vực đông Cheo Reo lấy buôn Lao xã Chư Drăng làm điểm.
Khi chuẩn bị đối phó chiến dịch Atlăng, huyện Cheo Reo được huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên bàn giao các xã Đá Mài, Bầu Bèng và vùng Thồ Lồ, Ma Choi, Ma Hàm. Huyện Cheo reo lại được chia lại thành 4 vùng A, B, C, D thành lập ban cán sự nhỏ liên xã gắn với đại đội độc lập đang hoạt động tại địa bàn. Vùng A gồm Ơi Nu, Plei Pa và đại đội 21, do đồng chí Từ Ngọc Hảo làm Bí thư. Vùng B gồm các xã Chư Drăng, Sông Ba do đồng chí Nguyễn Khuê (Ama H’lơ) làm bí thư. Vùng C gồm Kà Lúi, Đất Bằng, Suối Trai, Bầu Bèng và đại đội 23, do đồng chí Võ Kiết làm Bí thư. Vùng D có 2 đại đội là Đại đội 21 do đồng chí Cao Văn Khá đội trưởng đóng ở vùng Ơi Nu (đồng chí Nguyễn Tiển tức Ama Đam tham gia ban cán sự) và Đại đội 22 do đồng chí Từ Ngọc Hảo chính trị viên đóng ở vùng Kà Lúi. Vùng D là vùng căn cứ sâu gồm các buôn Ma Choi, Ma Hàm, Ma Thìn, Ma Nhao giáp xuống Cây Vừng, do đồng chí Lê Khắc Thiệu làm Bí thư.
Về phía địch, trong năm 1951-1952, địch tăng cường càn quét đánh phá cơ sở  ta, củng cố bộ máy tề điệp, tiếp tục dồn dân và đẩy mạnh chiêu an giả nhân giả nghĩa để lừa phỉnh nhân dân… Đối với vùng bất hợp tác ở các xã Đất Bằng, Ơi Nu, địch ra sức lôi kéo, mua chuộc nhân dân. Địch cho một số gián điệp về liên lạc với đồng bào, tìm cách làm giao động tinh thần và thúc giục đồng bào ra đầu hàng. Ngoài ra, địch còn cho nguỵ binh là bà con đến lôi kéo, mua chuộc đồng chí Ama Tih[27] nhưng không có kết quả.
  Đầu năm 1952, địch càng ra sức củng cố vùng tạm chiếm, đánh lấn thu hẹp vùng du kích của ta. Chúng tổ chức các cuộc hành quân phối hợp giữa cứ điểm Ơi Nu, Mlah, Ariêng… thọc sâu xuống vùng tự do miền tây Phú Yên nhằm đánh phá các cơ quan, trường học, đơn vị ta và triệt phá kinh tế, gây cho ta nhiều khó khăn. Vùng tự do đang thiếu đói, việc tiếp tế hậu cần cho Tây Nguyên gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Thiếu lương thực, thực phẩm, thuốc men, cán bộ, bộ đội bị đau ốm nhiều. Tuy vậy, ở chiến trường Nam Tây Nguyên, ta và địch vẫn ở thế giằng co. Ở Cheo Reo, cơ sở và lực lượng ta vẫn đứng vững, địa bàn căn cứ được củng cố.
  Tháng 1-1952, Liên khu V mở chiến dịch Nam Tây Nguyên lần thứ hai, mặt trận chính là Đak Lak và phần phía Nam tỉnh Gia Lai. Đêm 24, rạng ngày 25-1-1952, tiểu đoàn 365 của Liên khu V tăng cường đã tiêu diệt đồn Ơi Nu, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Cùng ngày, Tiểu đoàn 39 bố trí tại đèo Tong Á ( Tô Na) và đoạn Cầu Đôi, chặn địch từ Cheo Reo xuống; tiểu đoàn 40 của E84 chặn đánh một đại đội địch từ đồn Mlah đi cứu viện cho Ơi Nu, diệt 208 tên địch. Bộ đội ta pháo kích vào đồn Mlah, Kà Lúi và bức đồn Chánh Đơn. Du kích xã Đất Bằng chặn đánh địch trên đường số 7, diệt và làm bị thương 6 tên địch. Ta mở rộng vùng du kích và đưa xã Đất Bằng từ bất hợp tác lên đấu tranh vũ trang là chủ yếu.
  Năm 1952, Khu V mở chiến dịch đánh địch diệt đồn Ơi Nu, ta bắt sống toàn bộ trung đội địch, trong đó có đồn trưởng và đồn phó người Pháp, đưa vùng Buôn Hoang (4 buôn) thành bàn đạp tấn công lên phía tây. Sau một thời gian, cuối 1952 đầu 1953, địch bung ra càn quét vùng này. Trong thời gian này Huyện uỷ Cheo Reo được bổ sung các đồng chí Nguyễn Lập, Phạm Minh, Đặng Bốn.
  Suốt những năm 1950 – 1952, hoạt động chủ yếu của ta là giữ vững các vùng căn cứ, giành giật từng cơ sở, từng xã, buôn, làng với địch. Đảng bộ và quân dân huyện Cheo Reo đã thực hiện sáng tạo chủ trương của Đảng, Chính phủ, Liên khu V và của Đảng bộ chính quyền địa phương. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 2 (9-1951) về công tác vùng sau lưng địch, đến tháng 12-1952, Cheo Reo đã hình thành hai vùng rõ rệt. Vùng căn cứ du kích gồm các xã nhiều xã của huyện MĐrak và Buôn Hồ. Các xã còn lại trong huyện đều bị địch chiếm, nhưng tất cả đều có cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang là dân quân du Đất Bằng, Ơi Nu, Sông Ba, Chư Drăng nối liền với các xã miền tây Phú Yên và kích. Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 về công tác chỉnh Đảng, chỉnh quân (4-1952), theo sự phân cấp, cán bộ huyện và các đơn vị vũ trang trên địa bàn huyện thay phiên nhau đi dự các lớp tập trung do tỉnh tổ chức. Việc chỉnh Đảng, chỉnh quân gắn liền với chấn chỉnh tổ chức đội ngũ cán bộ theo hướng tinh giản biên chế, giảm đầu mối, kết hợp chặt chẽ cán bộ chính trị với cán bộ quân sự, cán bộ mặt trận với cán bộ chính quyền các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh xuống huyện, xã. Từ 1950-1952, tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt chỉnh huấn cán bộ quân dân chính đảng từ tỉnh đến cơ sở, đánh giá ưu khuyết điểm từng tập thể và cá nhân, xây dựng và nâng cao lập trường quan điểm, tính chiến đấu hy sinh, công tác quần chúng, dân tộc phục vụ cách mạng. Tiếp theo đó là tổ chức các đợt phát động quần chúng, tố giác bọn tề nguỵ, ác ôn; trấn áp, cải tạo bọn xấu; phát triển lực lượng cách mạng, tạo thế quần chúng mới.
  Hòa nhịp với chiến trường cả nước và chiến trường Nam Tây Nguyên (Gia Lai, Đak Lak), Đảng bộ và quân dân Krông Pa - Cheo Reo đã có những bước tiến quan trọng về mọi mặt, lãnh đạo phát triển chiến tranh du kích trong vùng căn cứ, kết hợp đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận, tề vận trong vùng địch; phát triển thực lực kinh tế, văn hóa, giáo dục… Tất cả các mặt hoạt động của Đảng bộ, quân và dân Krông Pa - Cheo Reo đã tạo ra sức mạnh mới trước khi bước vào giai đoạn quyết định giành thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
  Trên chiến trường Tây Nguyên, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích phối hợp chiến và giành nhiều thắng lợi quan trọng. Các Đảng bộ địa phương tỉnh, huyện đã trưởng thành và đóng vai trò quyết định cho thắng lợi các phong trào kháng chiến của quần chúng nhân dân. Khi chiến dịch An Khê mở màn (13-1-1953), quân địch ở Đak Lak bị động đối phó, phải gấp rút điều 1 tiểu đoàn cơ động ở Buôn Hồ và rút bớt quân các cứ điểm để ứng cứu cho An Khê.
  Trên đà thuận lợi, ta đưa các tiểu đội du kích vào hoạt động ở vùng Đất Bằng, Kà Lúi và đã tiêu diệt nhiều tốp địch  ở buôn Ma Ty, buôn Ma Đao. Du kích của ta còn đánh địa lôi trên đường số 7, phục kích đoạn đường Ia Rsai.
  Tiếp theo đợt hoạt động của Liên khu, tỉnh mở tiếp đợt hoạt động hè nhằm phát triển chiến tranh du kích nhằm tiêu hao sinh lực địch, tiếp tục xây đại đội ứng chiến, diệt 10 tên, bắt sống 6 tên, làm bị thương 20 tên, số còn lại bỏ dựng các lực lượng bán vũ trang.
  Ngày 14-4-1953, ta phục kích trên đường số 7B, vùng buôn Thông Ngông, đánh 1 chạy. Ta thu 1 súng cối 60 mm, 5 khẩu Thomson, một số súng trường và nhiều quân trang, quân dụng.
  Đầu tháng 3 năm 1953, Bộ Tư lệnh Liên khu tăng cường cho tỉnh trung đoàn 803 (thiếu). Vừa đặt chân tới chiến trường, trung đoàn đã phân bố lực lượng vây ép địch ở vùng Ai Riêng- Sông Hing và cùng du kích bám chặt đường 21 Bis, sau đó tập trung đánh cứ điểm Hai Đúc và quân tiếp viện từ MĐrak lên. Trung đoàn còn hỗ trợ cho du kích đánh diệt địch ở Suối  Trai, Đất Bằng, diệt 2 trung đội địch trên đường từ Mlah đi Ơi Nu, đánh thiệt hại nặng 2 đại đội hành quân giải toả ở phía đông Mlah.
Ngày 15-1-1953, C182 chặn đánh một tiểu đoàn địch tại ngã ba buôn Prong - Ma Phu. Kết quả, ta đánh tan 1 đại đội địch, tiêu diệt và làm bị thương 60 tên, bắt sống 08 tên, thu 2 thompsons, 6 súng trường.
  Ngày 02-5-1953, địch dùng 5 đại đội chia làm 3 cánh thọc vào vùng Kà Lúi. Tiểu đoàn 39 trung đoàn 803 cùng 1 trung đội của huyện bố trí  phục kích đánh 1 cánh quân gồm 2 đại đội, diệt 30 tên. Cánh thứ 2 đến Ma Phu do tên quan tư chỉ huy lọt vào trận địa phục kích của ta, bị tấn công bất ngờ, chúng bỏ chạy tán loạn, ta đã tiêu diệt 40 tên, bắt 20 tên, thu 1 trung liên, nhiều tiểu liên và súng trường. Cánh thứ 3 đi sang hướng Ma Rôk bị du kích chặn đánh, không tiến lên được phải lui quân.
 Các đơn vị bộ đội của E84, các đội vũ trang công tác hoạt động phía trước cũng gây cho chúng nhiều tổn thất và luồn sâu vào vùng sau lưng địch xây dựng, phát triển cơ sở. Phối hợp với chủ lực, bộ đội, du kích và đội vũ trang công tác của huyện đánh địch trên đường 7 làm thiệt hại 2 đại đội địch đi giải tỏa cứ điểm  Mlah. Vùng Đất Bằng, Kà Lúi, Suối Trai ta đã xây dựng được thế trận nhân dân đánh địch, cất giấu tài sản, tổ chức sơ tán người già, trẻ em đến nơi an toàn; bố trí buôn làng kháng chiến, cắm chông, gài cạm bẫy sẵn sàng đánh địch. Các đại đội 121, 141 phục kích diệt hoàn toàn đoàn xe 15 ô tô trên đường số 7, chở quân từ Ơi Nu đi Mlah, Kà Lúi. Tiểu đoàn 39 và đại đội độc lập 22 phục kích đánh địch tại buôn Ma Dênh và Ma Phu, diệt 60 tên, bắt sống 20 tên… Đến giữa năm 1953, phía đông Cheo Reo đã xây dựng và phát triển cơ sở cách mạng khắp vùng Plei Pa (15 buôn) nối liền với huyện MĐrak thành một hành lang căn cứ, tạo điều kiện cho chiến tranh du kích phát triển mạnh. Phía tây Cheo Reo đã xây dựng được cơ sở mật ở 75 buôn trên tổng số 94 buôn làng.
  Ngày 30-5-1953, Nghị định số 477-MN/TOC của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ tách huyện Cheo Reo, thành lập hai huyện Đông Cheo Reo (H2) và Tây Cheo Reo (H3) thuộc tỉnh Đak Lak. Đồng chí Lê Đình Bang - Tỉnh ủy viên - làm bí thư Ban cán sự huyện H2. Các đồng chí Nguyễn Khuê (Ama H’lơ), Nguyễn Tiển (Ama Đam), Ngô Đức Đề (Ama Đing), Nay Pum (Ama H’ Lam), Tô Tấn Tài (Ama H’Oanh), Võ Ngọc Châu (Ama Yú, Trương Phụng Tiến (Ama Kim)…tham gia Ban cán sự.
  Huyện H2 có thêm vùng Plei Ngol[28] là vùng đồng bằng nằm giữa sông Ba và sông Ayun, phía bắc giáp Khu 7 (thuộc tỉnh Gia Lai), có buôn Plei Chă (Đak Chă) dân tộc Bahnar, trên bố trí đồng chí Nay Y Pum (Ama H’Lam) là Huyện uỷ viên phụ trách vùng Plei Ngol và sống hợp pháp với dân.
  Bị thất bại liên tiếp, nhưng thực dân Pháp vẫn ngoan cố tăng cường lực lượng hòng cứu vãn tình thế. Tướng Nava được Chính phủ Pháp cử làm Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương đã đến Việt Nam tháng 5-1953. Kế hoạch quân sự, chính  trị do y vạch ra sau một tháng điều tra, nghiên cứu tình hình chiến trường Đông Dương - Kế hoạch Nava với mục tiêu bình định nước ta trong vòng 18 tháng, được cả Pháp và Mỹ tán thành triển khai thực hiện qua hai bước. Bước 1, từ Thu – Đông 1953 đến Xuân 1954, quân Pháp giữ thế chiến lược phòng ngự ở phía bắc vĩ tuyến 18 để xây dựng lực lượng cơ động; nỗ lực tấn công quân sự ở nam vĩ tuyến, xóa bỏ vùng tự do Liên khu V. Bước 2, từ Đông – Xuân 1953 – 1954, sau khi bình định xong miền Nam, sẽ đẩy mạnh tiến công miền Bắc Đông Dương, giành thắng lợi quân sự, buộc ta  đàm phán theo ý đồ của chúng, hoặc bị tiêu diệt.
  Để chống lại kế hoạch Nava, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã đề ra kế hoạch tổng thể về nhiệm vụ chính trị, quân sự trong Đông Xuân 1953 – 1954. Các hướng tấn công chiến lược lớn là Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ lào và Đông Bắc Campuchia, mở rộng vùng giải phóng ở Nam Bộ; giành địa bàn chiến lược Tây Nguyên, kiên quyết phá tan âm mưu bình định miền Nam của Pháp và can thiệp Mỹ.
  Các chiến trường cả nước, ở Lào và Đông Bắc Campuchia đã tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và sự chỉ đạo của Tổng Quân ủy Trung ương.
  Tại Liên khu V, tháng 12-1953, Liên khu ủy và Bộ tư lệnh Liên khu đã quyết định tập trung toàn bộ lực lượng chủ lực tấn công lên Tây Nguyên, giao nhiệm vụ bảo vệ vùng tự do cho lực lượng địa phương, các chiến trường sau lưng địch phải tích cực đẩy mạnh chiến tranh du kích, gây rối loạn trong quân đội, tề ngụy địch.
  Đầu năm 1954, do yêu cầu chiến trường hoạt động mạnh, tỉnh tăng cường lực lượng vũ trang, đưa các đại  đội độc lập 21, 22, 23 xuống đứng tại các xã và thành lập Ban cán sự nhỏ liên xã. Đại đội 21 phụ trách vùng Ơi Nu, gắn chặt với phong trào quần chúng hoạt động toàn diện, đồng thời sắp xếp lại tổ chức, thành lập Ban cán sự đảng vùng trực thuộc với Ban cán sự Đảng tỉnh và Trung đoàn 84. Ban cán sự gồm có Ban chỉ huy đại đội và Bí thư xã; đồng chí Chính trị viên đại đội làm Bí thư Ban cán sự. Một số đồng chí trong Ban chỉ huy đại đội tham gia Ban cán sự vùng. Vùng Ơi Nu do đồng chí Từ Ngọc Hảo, chính trị viên đại đội làm Bí thư Ban cán sự.
  Đảng bộ và quân dân Đak Lak bước vào Đông Xuân 1953 – 1954 với một khí thế mới, quyết tâm cao thực hiện chủ trương của Trung ương và Nghị quyết của Liên Khu ủy V. Ban cán sự tỉnh Đak Lak họp bàn với Tỉnh ủy Phú Yên để phối hợp chiến đấu. Vùng căn cứ an toàn của tỉnh – vùng tây và đông Cheo Reo được chuẩn bị sẵn sàng mọi mặt.
  Ngày 16-1-1954, đại đội 182 chặn đánh tiểu đoàn địch tại ngã ba buôn Prong - Ma Phu, diệt và làm bị thương 60 tên, bắt 10 tù binh, làm tan rã 1 đại đội khi chúng lùng sục ra căn cứ định chặn đường tiến của ta.
  Ngày 20-1-1954, địch mở cuộc hành quân Átlăng đổ bộ lên Tuy Hòa (Phú Yên) với hơn 40 tiểu đoàn của các binh đoàn cơ động số 10 vừa từ Pháp đưa sang Đông Dương, binh đoàn cơ động số 100 từ chiến trường Nam Triều Tiên về, các binh đoàn 41, 42 và các tiểu đoàn độc lập tại chỗ đánh chiếm vùng tự do Liên khu V. Quân Pháp bị quân dân Phú Yên chặn đánh quyết liệt, trong 10 ngày đầu đã diệt và làm bị thương gần 800 tên, sau đó tiếp tục đánh địch ở Chí Thạnh, La Hai và Sông Cầu.
  Đáp lại cuộc hành quân của địch vào vùng tự do, từ ngày 26-1 đến 4-2-1954, ta mở đợt tấn công phía Bắc Kon Tum diệt các cứ điểm Măng Đen, Măng Bút, Kon Braih… đập tan cụm phòng thủ phía bắc Kon Tum; chặn đánh địch trên đường 14. Quân Pháp ở thị xã Kon Tum bị vây hãm và tấn công liên tục, đến ngày 7-2-1954, thị xã Kon Tum được giải phóng.
  Được chiến thắng chung cổ vũ, ngày 18 tháng 2, liên đại đội 141 và 182 phục kích chặn đánh 1 tiểu đoàn ở buôn Phum đèo Tong Á (Tô Na) trên đường 7, địch bỏ lại trận địa 150 xác, phải chở 3 xe lính bị thương về Mlah, Cheo Reo. Trong trận này, 1 toán lính địch chạy ra hàng ta nhưng bị bọn chỉ huy xả súng bắn chết gần hết, ta không bắt được tù binh. Trận đánh đã thắng lớn, ta tiêu diệt phần lớn quân địch, đồng thời bảo vệ an toàn cho hơn 1 ngàn đồng bào trên đường lánh cư vào rừng sâu.
  Trong ngày 9 và 10 tháng 2, các đại đội 141, 182 đánh một tiểu đoàn địch ở Buôn Búp diệt 150 tên, nhiều tên bị thương phải trở về thị trấn Cheo Reo. Du kích, bộ đội huyện đặt mìn phục kích trên đường Hoanh Cham đi Cheo Reo phá 2 xe, diệt 7 tên địch, có một tên chỉ huy Pháp. Du kích xã Đất Bằng, cùng đại đội 22 dùng mưu đã dồn địch vào bãi chông mìn, diệt hàng chục tên, làm bị thương 30 tên.
  Ngày 18-2-1954, quân dân Đak Lak tiêu diệt đồn Ma Tê, có 25 tên nguỵ đầu hàng. Sau đó đột nhập vào thị trấn Cheo Reo, phá phà Ơi Nu, diệt 2 xe cơ giới địch.
  Nhằm ngăn chặn các cuộc hành quân ứng chiến của địch, hàng trăm du kích và đồng bào tập trung phá hoại đường số 7 từ Mlah trở xuống, cắt dây diện thoại, phá sập cầu Kà Lúi, làm tê liệt đường 7.
  Hệ thống phòng ngự của địch từ Cheo Reo – Mlah hoàn toàn sụp đổ. Đường số 7 bị cắt đứt nhiều đoạn, Cheo Reo bị cô lập, địch phải dùng máy bay tiếp tế cho các cứ điểm còn lại.
  Trên đà thắng lợi, bộ đội địa phương tỉnh, huyện, các đội vũ trang tuyên truyền tranh thủ áp sát vùng địch tạm chiếm, bao vây các cứ điểm Mlah, Ơi Nu, đánh nhiều trận có hiệu suất cao. Ngày 12- 4, cùng bộ đội chủ lực diệt và bắt 60 tên, thu 4 trung liên, 4 vô tuyến điện, 20 súng trường, 12 tiểu liên, diệt 100 tên, bắt sống 20 tên.
   Ngày 22- 4, bộ đội chủ lực phối hợp lực lượng tỉnh, du kích huyện H2 phục kích tại suối Rji buôn Ơi Nu[29] (nay thuộc xã Ia Siơm), đánh 3 đại đội địch, có 2 đại đội bộ binh, 1 đại đội xe cơ giới đi giải toả đường số 7, diệt và phá huỷ hoàn toàn 16 xe có 1 xe tăng, 16 xe bọc thép, thu 3 đại bác 37 mm, 11 trọng liên, 30 trung liên, phá 2 đại bác 75 và 50 mm, bắt 81 tù binh có 18 Âu – Phi, thu nhiều quân trang quân dụng. Đây là lần đầu tiên ta đưa súng DKZ vào phục kích đường số 7, tiêu diệt tăng và xe bọc thép và bắt sống gần trăm tên lính Âu phi thu toàn bộ vũ khí, quân trang. Tiếp theo, chủ lực ta phục kích tiêu diệt địch trên đường buôn KơTing đi buôn Tờ Khế, xác địch chết ngổn ngang ở vùng buôn Pan - Tờ Khế, ta bắn rơi 1 máy bay L19 tại giữa  đường đi từ buôn Tờ Khế đến suối Ia Rsai.
Tháng 4-1954, bộ đội địa phương chặn đánh diệt 1 đại đội địch tại buôn Chánh Đơn. Cả một vùng rộng lớn từ xã Ia Bon, Ia Klôt (MĐrak), Ơi Nu, Đất Bằng, Plei Pa, Chư Drăng, Sông Ba, nhân dân đã đứng lên giành quyền làm chủ, chuyển sang thế đấu tranh vũ trang. 
  Tuy bị tê liệt nhưng địch vẫn phản ứng dữ dội, chúng dùng máy bay thả bom xăng ban ngày thiêu cháy buôn KơTing, làm chết và bị thương 50 người dân.
Sau khi cắt đứt đường số 7, địch bị tổn thất nặng, ta bao vây Cheo Reo nhằm kéo Trung đoàn lê dương  từ Buôn Hồ - Buôn Ma Thuột xuống để tiêu diệt, nhưng địch không dám đi. Ta vây chặt cứ điểm Cheo Reo không cho chúng ra ngoài. Đại đội 21 và du kích của huyện vây bến nước, bắn tỉa không cho địch đi lấy nước. Địch trong đồn bị thiếu nước uống, tinh thần hoang mang, hoảng loạn. Nhưng nhờ có Hiệp định sắp ký, địch yêu cầu đình chiến ta mới thôi.
  Bộ đội tỉnh cùng du kích bao vây chặt cứ điểm Mlah, địch phải dùng máy bay thả dù tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược. Ta khống chế chặt bến sông. Bọn lính trong đồn không còn cách nào khác phải dùng truyền đơn viết bằng 4 thứ tiếng (Pháp, Việt, Êđê và Jrai), xin đi lấy nước và xin hàng để về với vợ con vì có tin Hiệp định Giơnevơ sắp được ký kết.
  Kết hợp với lực lượng quân sự bao vây cứ điểm, ta tổ chức lực lượng nhân dân nhất là phụ nữ, hàng ngày từng đợt kéo vào đồn nói rõ tình hình thất bại của địch, tình hình Cheo Reo – Mlah bị bao vây, vận động chồng con bỏ ngũ về với gia đình.
  Trong tháng 4 và tháng 5-1954, ta đã đập tan cuộc hành quân Át lăng. Ngày 7-5-1954, chiến thắng Điện Biên Phủ làm nức lòng quân dân cả nước, khích lệ quân dân đẩy mạnh cuộc tấn công vùng sau lưng địch.
Ở chiến  trường Gia Lai, Đak Lak, ta đã phục kích và tiêu diệt tiểu đoàn cơ động GIM 100 trên quốc lộ 19. Ngày 15-7-1954, đại đội 21 và một bộ phận E96 tập kích vào thị trấn Cheo Reo, cắt đứt đường 7, cô lập đồn Mlah. Hai ngày sau, ngày 17-7-1954, E803 cắt đường 21 tại MĐrak. Các chiến thắng liên tiếp đã làm suy sụp tinh thần quân địch ở Đak Lak – Cheo Reo. Quân địch ở thị xã Pleiku rút chạy về Buôn Ma Thuột theo đường 14, đến đèo Chư Djrê, binh đoàn cơ động 40 (GIM 100) bị Trung đoàn 108 chặn đánh tiêu diệt 300 tên, phá hủy 62 xe quân sự và bắt sống 200 tên.
  Ngày 20-7-1954, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt  chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, công nhận độc lập thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Đảng bộ, chiến sỹ và đồng bào hai huyện H2 và H3 vô cùng phấn khởi. Các buôn, xã tổ chức mít tinh, hội họp, liên hoan mừng huyện được giải phóng, mừng thắng lợi Hiệp định Giơnevơ, mừng đất nước được hòa bình sau chín năm trường kỳ kháng chiến gian khổ.
  Tháng 8-1954, đại biểu nhân dân huyện H2 tập trung về Tân Vinh( Phú Yên) tham gia lễ ăn mừng chiến thắng và quán triệt tình hình nhiệm vụ mới của cách mạng, đồng thời tiễn đưa lực lượng vũ trang và những người con đi tập kết.
  Sau năm 1954, thực hiện Hiệp định Giơnevơ, đại bộ phận cán bộ quân đội chuyển đi tập  kết ra Bắc, chỉ bố trí ở lại một lực lượng rất mỏng, không trang bị vũ khí, nhiệm vụ chủ yếu là bám dân xây dựng cơ sở với phương thức hoạt động mới, chuẩn bị thi hành Hiệp thương Tổng tuyển cử.
  Từ những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, tổ chức Đảng, chính quyền đoàn thể nhân dân và đồng bào các dân tộc của huyện đã được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận tỉnh Gia Lai. Từ tháng 8-1948 khi huyện được sáp nhập vào tỉnh Đak Lak, tổ chức chính quyền cách mạng, Việt Minh và tổ chức Đảng tiếp tục được xây dựng  và củng cố, bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở cách mạng. Đồng bào các dân tộc trong huyện đã đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, tin tưởng và ủng  hộ kháng chiến. Đó là thuận lợi cơ bản.
  Do vị trí chiến lược quan trọng, là tuyến đầu của chiến trường Gia Lai – Đak Lak, cửa ngõ xuống Phú Yên, vùng tự do Liên khu V và Nam Trung Bộ, nên địch luôn tăng cường bố trí lực lượng, dùng nhiều chính sách thâm độc để o ép, khủng bố, thường xuyên đánh phá phong trào kháng chiến nhằm chiếm giữ một vùng chiến lược, đông dân, trù phú, gây khó khăn cho phong trào kháng chiến của huyện.
  Thuận lợi lớn cho phong trào đấu tranh chống Pháp xâm lược sau cách mạng Tháng 8-1945 của huyện là phong trào yêu nước đã phát triển mạnh trong các năm trước, nằm cạnh vùng tự do Tây Phú Yên và khu căn cứ của Tỉnh uỷ Đak Lak. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ Tây Sơn (Gia Lai) và Phòng Quốc dân thiểu số Nam Trung bộ, phong trào kháng chiến của huyện được phát triển lên một tầm cao mới. Vùng Đất Bằng sớm được chọn làm căn cứ của huyện có ý nghĩa quan trọng, quyết định thành công trong xây dựng lực lượng và thúc đẩy phong trào chiến tranh du kích toàn vùng phát triển. Chi bộ Đảng sớm ra đời 10-8-1947, trực tiếp lãnh đạo phong trào kháng chiến bước sang thời kỳ mới, phát triển toàn diện cả lực lượng chính trị và vũ trang, đẩy mạnh tiến công địch giải phóng quê hương. Mặc dù dân cư thưa thớt, chủ yếu là đồng bào dân tộc Jrai, nhưng Đảng bộ đã phát huy được sức mạnh quần chúng tại chỗ. Cán bộ, chiến sĩ đã kiên cường bám trụ, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo và tổ chức nhân dân vừa kháng chiến vừa xây dựng kinh tế, văn hóa phục vụ kháng chiến lâu dài, đặc biệt xây dựng thành công vùng căn cứ Đất Bằng, Dleiya làm chỗ dựa cho phong trào cách mạng của tỉnh Đak Lak sau này. Qua thực tiễn xây dựng và trưởng thành trong những năm tháng đấu tranh chống Pháp, Đảng bộ huyện đã quy tụ và rèn luyện được đội ngũ cán bộ người Kinh cũng như người dân tộc tại chỗ có tinh thần yêu nước, trung thành với lý tưởng của Đảng và Bác Hồ, có ý chí quyết đánh và quyết thắng bọn thực dân xâm lược. Tuy xa sự chỉ đạo của cấp trên ,có lúc tách ra từ tỉnh Gia Lai về tỉnh Đak Lak, có những lúc chia thành các Khu, các vùng nhỏ nhưng vẫn giữ được sự đoàn kết thủy chung với các dân tộc, khắc phục khó khăn để Đảng bộ trụ bám kiên cường, vừa kháng chiến, vừa xây dựng bàn đạp kinh tế, xây dựng văn hóa phục vụ kháng chiến lâu dài. Những chiến công của quân và dân huyện Cheo Reo, H2 đã góp phần to lớn vào thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của cả nước nói chung và các tỉnh Đak Lak, Gia Lai, Phú Yên nói riêng.

 
Chương ba
XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN THỰC LỰC CÁCH MẠNG,
GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI “ CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT”
CỦA ĐẾ QUỐC MỸ ( 1954-1965)
 
I- LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ ĐÒI THI HÀNH HIỆP ĐỊNH, CHỐNG TỐ CỘNG, DIỆT CỘNG, GIỮ GÌN VÀ PHÁT TRIỂN LỰC LƯỢNG CÁCH MẠNG (1954 - 1958).
Thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta trong chiến dịch Đông xuân 1953-1954, với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơnevơ (20-7-1954), chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trên đất nước Việt Nam. Kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng cách mạng Việt Nam bước tiếp vào giai đoạn mới với hai nhiệm vụ chiến lược: miền Bắc hoàn toàn giải phóng, bước vào thời kỳ quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội; miền Nam tạm thời dưới quyền quản lý của đối phương, tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngay khi Hiệp định Giơnevơ chưa ký kết, đế quốc Mỹ đã âm mưu hất cẳng Pháp, độc chiếm miền Nam, đưa Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ tướng Chính phủ bù nhìn Nam Việt Nam (6-1954); tiến hành các biện pháp chiến lược để củng cố địa vị thống trị, hòng tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam, chia cắt lâu dài đất nước ta.
Ở Tây Nguyên, Đak Lak và Cheo Reo, Mỹ - Diệm tăng cường bắt lính, đôn quân, lập đồn bót, củng cố bộ máy chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở; phát triển tôn giáo, các tổ chức chính trị giả hiệu... dùng chiêu bài lừa bịp mị dân; thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng” để khủng bố tinh thần cách mạng của cán bộ, đảng viên và quần chúng; lấn chiếm đất lập dinh điền theo chính sách “Kinh- Thượng đề huề” của Ngô Đình Diệm (12-6-1955)...
Nhận rõ bản chất của kẻ thù xâm lược, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 mở rộng (khoá II) ngày 15-7-1954 đã nhận định: "đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, và hiện đang trở thành kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương"[30]
Từ thực tiễn của tình hình cách mạng, Đảng ta xác định, nhân dân miền Nam tiếp tục bước vào thời kỳ chiến tranh cách mạng lâu dài, gian khổ với nhiều khó khăn, phức tạp, trong điều kiện từ đấu tranh vũ trang chuyển sang đấu tranh chính trị không có quân đội hỗ trợ, hoạt động bí mật là chủ yếu, từ thế tấn công chuyển sang thế giữ gìn lực lượng, quân đội ta chuyển quân tập kết ra miền Bắc...
 Ngày 22-7-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi động viên nhân dân  miền Nam sẵn sàng tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ: "Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích cả nước lên trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài lên trên lợi ích trước mắt, mà ra sức cùng đồng bào toàn quốc phấn đấu để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong toàn quốc..."[31]
Ngày 6-9-1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Chỉ thị về công tác cách mạng miền Nam, nêu rõ: Kẻ thù trước mắt của nhân dân ta hiện nay là đế quốc Mỹ, hiếu chiến Pháp và tay sai của chúng. Nhiệm vụ trước mắt của cách mạng miền Nam là: “Chuyển hướng công tác cho thích hợp với điều kiện hoà bình; sắp xếp, bố trí cán bộ, lực lượng, vừa đảm bảo che giấu lực lượng, vừa lợi dụng những khả năng thuận lợi mới để hoạt động; lãnh đạo nhân dân đấu tranh thi hành Hiệp định, củng cố hoà bình, thực hiện tự do dân chủ...”[32]
Sau Hiệp định ký kết, ngày 27-7-1954, Liên khu uỷ V họp hội nghị mở rộng, có Bí thư các tỉnh dự, đề ra nhiệm vụ cấp bách trong toàn Khu.
Để chuẩn bị cho việc rút xuống đồng bằng, chuyển quân tập kết, bàn giao địa bàn cho quân đội Liên hiệp Pháp tạm thời quản lý, tháng 8-1954, Thường vụ Ban cán sự tỉnh Đak Lak họp triển khai nhiệm vụ theo tinh thần chỉ đạo của Khu uỷ V: mở đợt tuyên truyền, giáo dục về nội dung Hiệp định Giơnevơ và tình hình nhiệm vụ mới, về phương châm, phương pháp đấu tranh. Khẩn trương tổ chức sắp xếp lại bộ máy lãnh đạo các tổ chức Đảng và đoàn thể cho phù hợp với tình hình mới. Biên chế lại lực lượng để chuyển quân tập kết...
 Giữa tháng 8-1954, các lực lượng và cơ quan chỉ đạo của tỉnh Đak Lak rút xuống Tân Vinh (khu căn cứ cũ thuộc miền tây tỉnh Phú Yên được chuyển về cho Đak Lak trong thời kỳ chống Pháp) làm lễ mừng chiến thắng. Trong buổi lễ có hàng ngàn đồng bào dân tộc các huyện và cán bộ quân dân chính của tỉnh về dự. Buổi chia tay giữa bộ đội và nhân dân đã gây niềm xúc động trong lòng mọi người. Trước thắng lợi to lớn của dân tộc, nhân dân các huyện trong tỉnh vui mừng phấn khởi, tuy nhiên, một số quần chúng có tâm trạng lo lắng khi quân đội tập kết ra miền Bắc, trong lúc đất nước vẫn còn đang chia cắt. Nhưng với truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, nhân dân các dân tộc tỉnh Đak Lak luôn tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ.
Sau buổi lễ, lực lượng vũ trang tỉnh Đak Lak rút về Bình Định, nơi tập kết 300 ngày theo điều khoản Hiệp định, chuẩn bị chuyển quân tập kết, đồng thời phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên thành lập đơn vị chiến đấu. Cơ quan Tỉnh ủy chuẩn bị công tác tư tưởng, tổ chức chỉ đạo, sắp xếp cán bộ ở lại lên bám địa bàn chiến trường hoạt động.
Quán triệt phương châm chung của Đảng "...bảo tồn cơ sở, tích luỹ lực lượng, trường kỳ tồn tại, nắm vững ngọn cờ hoà bình, thống nhất, vững bước đưa phong trào tiến lên", Ban cán sự tỉnh Đak Lak triển khai phương châm cụ thể về tổ chức, hoạt động và phương pháp đấu tranh. Chú trọng tinh giản, trọng chất lượng về tổ chức; kết hợp đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp với bất hợp pháp, lấy hợp pháp và nửa hợp pháp làm chính, đấu tranh có lý, có lợi, đúng mức; thực hiện khéo che giấu lực lượng.  Đồng thời, lựa chọn sắp xếp cán bộ ở lại bám địa bàn, lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống địch, chuẩn bị công tác giao thông liên lạc, phương tiện hoạt động...
Tỉnh lựa chọn 120 cán bộ đã từng hoạt động ở chiến trường Đak Lak để bố trí ở lại. Số cán bộ, đảng viên được lựa chọn ở lại dựa trên tinh thần tự nguyện, là những đảng viên có sức khỏe, trung kiên, có kinh nghiệm công tác vùng dân tộc, vùng địch hậu.
  Cán bộ ở lại của tỉnh gồm hai bộ phận: hợp pháp và bất hợp pháp. Bộ phận hợp pháp được bố trí hoạt động trong vùng địch, vùng đô thị và vùng nông thôn ven các đô thị, như thị trấn Cheo Reo, Đak Mil, Buôn Đôn... gồm 20 đồng chí. Bộ phận bất hợp pháp được phân công hoạt động trên địa bàn 7 huyện vùng nông thôn, cơ quan của tỉnh và lực lượng hành lang giao liên gồm khoảng 100 đồng chí. Một số cán bộ, đảng viên người dân tộc địa phương được bố trí về tại các buôn làng mình để hoạt động. Nhờ làm tốt công tác tư tưởng và chọn lựa chặt chẽ, nên hầu hết cán bộ ở lại đã giữ vững được khí tiết của người đảng viên cộng sản, nêu cao ý chí chiến đấu trang những thời kỳ phong trào cách mạng địa phương gặp khó khăn trước sự đánh phá khốc liệt của kẻ địch.
 Từ cuối thời kỳ kháng chiến chống Pháp, theo Nghị định 477 MN/TOC, ngày 30-5-1953 của Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam trung bộ, huyện Cheo Reo được chia thành hai huyện: Đông Cheo Reo (gọi là H2) và Tây Cheo Reo (gọi là H3) thuộc sự lãnh đạo trực tiếp của tỉnh Đak Lak.
Huyện H2 có ranh giới từ đèo Tô Na[33] xuống giáp M’Đrak và Phú Yên, bao gồm cả vùng Plei Pa, buôn Broăi, Ia Tul [34], bao gồm cả vùng đồng bằng nằm giữa sông Ba và sông Ayun, xã Plơi Rngol; phía bắc giáp khu 7[35], buôn Plơi Chă.
Huyện H3 gồm các xã dọc trục đường giao thông số 7 A từ đèo Tô Na đến Mỹ Thạch hướng tây bắc-đông nam và vùng tiếp giáp Buôn Hồ, Đak Lak xuống dọc trục đường số 7B hướng nam bắc (nam Cheo Reo).
Huyện H2 có địa bàn rộng, dọc sông ba từ đèo Tô Na đến Kà Lúi, Chư Mrố, sát đến huyện M’Đrak (H1). Từ cuối năm 1953 đến 1954 toàn huyện có 12 xã, từ xã 1 đến xã 12. Xã 1 đến xã 6 là xã căn cứ của huyện và tỉnh Đak Lak trong những năm chống Mỹ. Năm 1961 Mỹ-Ngụy bắt đầu thực hiện dồn dân ở một số xã lập các khu dồn, ấp chiến lược. Tuy nhiên, cho đến năm 1963 ta vẫn giữ được 6 xã căn cứ, địch không dồn được dân lập ấp.
Theo chỉ đạo của tỉnh, huyện H2 được bố trí 16 cán bộ bất hợp pháp . Tại thị trấn Cheo Reo có 3 cán bộ hoạt động hợp pháp. Ban cán sự mỗi huyện có từ 6 đến 7 ủy viên.
Ban cán sự cán sự huyện H2 gồm có đồng chí Nguyễn Khuê (Ama Hlơ) làm Bí thư, đồng chí Trương Phước Tự (Ama Ku), Phó bí thư, các đồng chí Nay Pum (Ama Hlam), Nguyễn Tiển (Ama Đam), Nguyễn Văn Minh (Ama Hnim) là uỷ viên.
Cán bộ ở lại hoạt động bất hợp pháp của huyện được phân công phụ trách 5 xã đồng bào dân tộc và xóm người Kinh Phú Cần (gồm cả thị trấn Phú Túc ngày nay), bám dân để hoạt động, lãnh đạo đấu tranh.
Đồng chí Nguyễn Khuê (Ama Hlơ), Bí thư Ban cán sự phụ trách chung và cơ sở hợp pháp tại thị trấn Cheo Reo. Đồng chí Trương Phước Tự (Ama Ku), Phó bí thư Ban cán sự phụ trách vùng Buôn Nai và bộ phận hợp pháp Phú Cần. Đồng chí Nguyễn Tiển (Ama Đam) phụ trách địa bàn xã Ơi Nu. Đồng chí Ngô Văn Đôn (Ama An) phụ trách xã Chư Drăng. Đồng chí Tô Tấn Tài (Ama H' Oanh) phụ trách xã Đất Bằng. Đồng chí Ngô Đức Đề (Ama Đing), phụ trách vùng Đất Bằng cùng đồng chí Tô Tấn Tài. Đồng chí Nguyễn Văn Có (Ama Lý) được phân công phụ trách vùng Plei Pa. Đồng chí Y Ngol (Ama Hly), lúc đầu phụ trách xã Ơi Nu, sau chuyển lên vùng hành lang giáp đường 19. Đồng chí Nguyễn Văn Minh (Ama Hnim) phụ trách vùng buôn Bông. Chị H'Blim (Amí Hli, vợ đồng chí Y Ngol), sống bán hợp pháp tại tổng Ơi Nu, hoạt động trong các buôn làng, khi có địch thì lánh ra rừng. Đồng chí Y Ben (Ama Hoa), được bố trí hoạt động hợp pháp tại vùng Cheo Reo. Sau địch tố cộng mạnh, bị lộ, ta rút ra bố trí phụ trách công tác hành lang nội địa của huyện, tỉnh. Đồng chí Nay Pum (Ama Hlam), dân tộc Jrai vùng Plei Pa, lúc đầu được bố trí hoạt động hợp pháp tại Cheo Reo, sau bị lộ, ta rút ra đưa về hoạt động vùng Plei Pa. Và các đồng chí Rahlan Pui (Ama Tlang), Rơ Ô Chan[36], Rơchơm Yơnh (Ama Suar), Nay H'Mêk (Amí Hlôk) cũng được phân công ở lại hoạt động trên địa bàn huyện H2. Ngoài ra, còn có Chị HNhao (Amí Hoa), dân tộc Ê Đê vùng Krông Pách, vợ đồng chí Y Ben (Ama Hoa), cũng được bố trí từ Bình Định lên hoạt động bán hợp pháp tại tổng Đất Bằng.
Số cán bộ bố trí hoạt động hợp pháp tại Cheo Reo có Nguyễn Thành Long (Ama Lô) và vợ là Nguyễn Thị Chưa (Tám Chưa), Y Bir sống công khai ở thị trấn Cheo Reo có nhiệm vụ nắm tình hình, xây dựng cơ sở, hình thành đường dây liên lạc giữa Cheo Reo với thị xã Buôn Ma Thuột. Sau này do địch dùng thủ đoạn ly gián, khống chế, số này đã bị địch vô hiệu hoá, không hoạt động.
Để phục vụ hoạt động lâu dài, tỉnh Đak Lak đã kịp thời chuyển lên chiến trường một số phương tiện làm việc như điện đài, văn phòng phẩm, thuốc chữa bệnh, nông cụ, muối ăn...Củng cố hành lang giao liên để giữ vững sự chỉ đạo giữa Khu ủy V với tỉnh, huyện và giữa tỉnh với các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa.
Sau khi tập trung học tập tại Bình Định, đầu năm 1955 số cán bộ ở lại lần lượt trở lên chiến trường. Trước khi lên đường, mỗi người được cấp một số bạc Đông Dương, kiềng bạc, nhẫn vàng, bông tai, một bộ bà ba đen và đồ dùng cần thiết phục vụ cho sinh hoạt cá nhân.
Đầu tháng 5-1955, cơ quan và lực lượng của tỉnh Đak Lak chuyển lên  vùng buôn Ma Nhao, Ma Thìn, rồi lên vùng buôn Uar, buôn Mung (H2), vùng buôn Siêk, Kra, buôn Bung (H3), sau chuyển về căn cứ Chư Djú - Dleiya, trung tâm căn cứ phía bắc của tỉnh để làm bàn đạp đứng chân lãnh đạo phong trào. Thời gian này 4 buôn Uar, Mung, Chư Drăng...thành vùng bàn đạp của tỉnh, không trực thuộc vào xã.
Việc sắp xếp bố trí cán bộ ở lại hoạt động bảo đảm an toàn, bí mật, thể hiện sự triển khai chỉ đạo kịp thời của Ban cán sự tỉnh Đak Lak. Cán bộ được phân công hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp đã nhanh chóng  bám địa bàn, bám dân nắm tình hình, gây dựng cơ sở, tạo thế hoạt động, từng bước phát triển phong trào.
Do yêu cầu của cuộc kháng chiến, thời gian đầu phương thức hoạt động bất hợp pháp là bí mật bám cơ sở, tuyên truyền vận động quần chúng. Trong hoạt động hợp pháp, tuy sống công khai, nhưng bí mật vẫn là chủ yếu. Nhiệm vụ của cán bộ ở lại là bám địa bàn, bám dân, xây dựng, củng cố cơ sở, lãnh đạo quần chúng đấu tranh giữ vững phong trào, xây dựng căn cứ, hành lang...
Nắm vững phương châm “khéo che giấu lực lượng”, hoạt động của cán bộ  bất hợp pháp được qui định rất chặt chẽ. Đi lại không để dấu vết, tránh sơ hở, tránh địch phát hiện, truy lùng. Anh em cải trang đóng khố, mang gùi, rựa như người địa phương, nằm ở ngoài rừng, liên lạc thông qua cơ sở hợp pháp người địa phương. Ban đêm vào nhà cơ sở, tiếp xúc từng người, từng gia đình để nắm tình hình, sau lại ra ngoài rừng sinh hoạt, ăn ngủ. Những khi mưa gió, anh em tìm đến các chòi rẫy nghỉ tạm. Để đảm bảo bí mật, với cơ sở cốt cán, quần chúng nòng cốt đều được triệu tập ra ngoài rừng khi truyền đạt Chỉ thị, nghị quyết và hướng dẫn phương thức công tác.
Điều kiện sinh hoạt của cán bộ hoạt động bất hợp pháp gặp rất nhiều khó khăn, khi số tiền phụ cấp của Đảng cấp không còn, anh em phải tự túc về mọi mặt và dựa vào dân. Đồng bào các buôn đã bí mật đem cơm ra rừng, hoặc góp lương thực để anh em tự nấu. Các đồng chí Nguyễn Tiển (Ama Đam) còn chuyên làm đó, làm ống điếu; đồng chí Ngô Đức Đề (Ama Đing) đi kiếm mảnh xác máy bay L19 rơi từ thời chống Pháp để làm đồ trang sức như cong, nhẫn, hoa tai, lược…để đưa cơ sở mang đổi lấy gạo ăn. Sau này khi tình hình thuận lợi hơn, anh em vào buôn tiếp xúc với cơ sở, quần chúng, ba cùng với dân, dựa vào dân để tuyên truyền, vận động, lãnh đạo đấu tranh. Ta chú trọng lực lượng thanh niên, rút ra rừng để tuyên truyền vận động, dạy chữ, học hát. Do yêu cầu của công tác, nhiều người đã tự học tiếng địa phương để thuận lợi khi tiếp xúc với đồng bào, nắm vững phong tục tập quán từng vùng để vận dụng trong hoạt động. Quần chúng được tuyên truyền vận động rất tin tưởng cách mạng, sẵn sàng nuôi giấu, che chở và bảo vệ cán bộ, đó là điều kiện thuận lợi cho ta trong xây dựng, củng cố cơ sở.
Những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến, đội ngũ cán bộ ở lại chính là lực lượng nòng cốt của phong trào cách mạng địa phương, đảm nhiệm trọng trách nặng nề, bám dân, bám địa bàn, móc nối gây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc đấu tranh mới.
Bước vào thời kỳ đấu tranh chống Mỹ -Diệm, huyện H2 có thuận lợi là vùng du kích trong thời kỳ chống Pháp, bốn xã Ơi Nu, Đất Bằng, Chư Drăng và Sông Ba là các xã có phong trào đấu tranh du kích và cơ sở mạnh, nhân dân có truyền thống cách mạng, được tiếp thu ảnh hưởng của Đảng từ rất sớm qua những cán bộ địa phương trong vùng Cheo Reo, Ơi Nu như Rơchom Thép (Ama Quang), Ksor Ní (Ama H’Nhan)... Nên năm 1955 khi cán bộ ta lên bám địa bàn đã nhanh chóng liên lạc, tiếp xúc với quần chúng nòng cốt, nắm lại cơ sở cũ, phát triển cơ sở mới, phát động quần chúng đấu tranh, tranh thủ và khống chế tề tổng, xây dựng lực lượng, xây dựng buôn làng căn cứ.
Nằm trong âm mưu chung đối với Tây Nguyên, sau khi tiếp quản Đak Lak, Mỹ- Diệm đã triển khai hàng loạt các hoạt động về chính trị, kinh tế, quân sự...trên địa bàn tỉnh. Củng cố và xây dựng căn cứ quân sự, đóng thêm nhiều đồn bót dọc trục đường giao thông quan trọng số 7, 14; tăng cường hệ thống cứ điểm ở Cheo Reo, Ơi Nu, đặt trạm kiểm soát và tăng cường lực lượng cho các vùng giáp ranh, phát triển bảo an, dân vệ, mở thêm đường sá, kho tàng...; lấy đường số 7 làm tuyến phòng thủ chống lại sự tấn công của ta; đẩy mạnh hoạt động gián điệp bằng nhiều hình thức kết hợp với biệt kích. Tổ chức điệp báo, giả làm thương lái, người buôn bán, các đội thầy thuốc, cải trang cán bộ, bộ đội... đi sâu vào vùng nông thôn, vùng căn cứ để do thám tình hình, phát giác và phá hoại cơ sở ta, theo dõi những gia đình có người đi tập kết, hoặc tổ chức những đoàn săn bắn, tìm những con đường tắt trong rừng để phục kích lực lượng ta. Hướng hoạt động chú ý vùng giáp ranh, vùng có đồng bào Kinh và dân tộc sinh sống.
Trong những năm 1955-1956, công tác tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng, phát triển cơ sở được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của huyện. Ban cán sự huyện H2 đẩy mạnh tuyên truyền vận động, xây dựng cơ sở, tập trung ở vùng đồng bào dân tộc, tiến tới xây dựng cơ sở mới sâu trong vùng địch và những làng “trắng” cơ sở từ trong thời kỳ chống Pháp.
Mỗi xã, mỗi vùng, Ban cán sự huyện phân công cán bộ bám dân, hướng dẫn, lãnh đạo quần chúng đấu tranh, tăng cường công tác tuyên truyền vận động, xây dựng cơ sở. Các đội công tác móc nối quần chúng cốt cán, cơ sở cũ để nắm tình hình. Anh em phải phục trong rừng, chờ khi cơ sở ra rẫy, giả tiếng chim, hoặc gõ ống tre như đã thống nhất, nhận được ám hiệu, lúc đó ra gặp để trao đổi tình hình trong buôn làng.
  Ban cán sự huyện đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở. Vùng Plei Chă, bên kia sông Ba với xã Plei Ngol là vùng đồng bằng nằm giữa sông Ayun và sông Ba, phía bắc giáp Khu 7. Đồng chí Nay Pum (Ama Hlam), uỷ viên Ban cán sự huyện hoạt động hợp pháp tại vùng Plei Chă, bám dân, xây dựng cơ sở. Vùng Plei Pa, buôn Bầu, 6 buôn Broăi thuộc xã Plei Pa do đồng chí Mại (quân báo), làm Bí thư, một thời gian sau đồng chí Mại trở về bên quân báo, đồng chí Trương Phụng Tiến (Ama Kim) thay làm bí thư. Plei Chă là vùng cơ sở mạnh, trong những năm 1960-1961 qua phong trào đấu tranh, rút được nhiều thanh niên thoát ly tham gia bộ đội, du kích thôn xã như anh Ama Gớ, sau là đội trưởng đội công tác xã Plei Pa, huyện uỷ viên, hy sinh năm 1965.
Vùng ba buôn Thông Ngông, giáp Khu 7 (Gia Lai), chủ yếu đồng bào Bahnar, buôn Ama Hlit, buôn Tlan với khoảng 700 dân do Ama Tlang, huyện uỷ viên phụ trách công tác xây dựng cơ sở, lãnh đạo đấu tranh. Ba buôn này là bàn đạp của xã Plei Pa. Đồng bào luôn bất hợp tác với địch từ thời kỳ chống Pháp và trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Đối tượng xây dựng cơ sở là những quần chúng tốt, được tuyên truyền giáo dục như vùng Mlah, có bà Dành là người buôn bán ở vùng đồng bào dân tộc, tuy không phải là đảng viên, nhưng là cơ sở từ trong kháng chiến chống Pháp, được xây dựng làm đầu mối liên lạc trong những năm đầu chống Mỹ, hoạt động hợp pháp, thường xuyên buôn bán ở các buôn làng để tiếp tế lương thực và nắm tình hình địch.  
Ở vùng Đất Bằng, do đồng chí Tô Tấn Tài (Ama H'Oanh) phụ trách, đã xây dựng được cơ sở hầu hết là các chủ làng (khoa bôn, buôn), là những đảng viên cũ thời kỳ chống Pháp, nhiều người rất có uy tín đối với dân làng. Các chủ làng là cơ sở được đưa lên làm chánh tổng, "tề hai mặt" như Ama Tiêu buôn Ma Phu. Buôn Ma Nhê (Ma Đen) có Y Nha, đảng viên làm nòng cốt trong buôn. Buôn Ma Leo, có Ama Lieo là cán bộ Việt minh huyện trong thời kỳ chống Pháp. Buôn Ơi Kham có Ama Đoi, đảng viên, là chủ làng. Buôn Ơi Đak có Ama Noi. Buôn  Prong có Ơi Lưng (Ama Djet) đảng viên, uỷ viên mặt trận huyện trong chống Pháp. Buôn Ơi Djit (Hyit) có Ama H'Yai là chủ buôn. Hai buôn Du là Du Ơi Jit, Du Ơi Hop có Ama Soa. Buôn Chánh Đơn có Chánh Đơn...
Qua công tác tuyên truyền vận động, ta đã nắm được quần chúng cơ bản và lực lượng nòng cốt, kể cả tầng lớp trên và một số tề nguỵ, từ đó hình thành một mặt trận rộng rãi các tầng lớp trong cuộc đấu tranh chung chống Mỹ- Diệm.
Cùng với công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở, Ban cán sự huyện H2 rất chú trọng công tác xây dựng Đảng. Sau năm 1954, huyện chủ trương tiến hành sắp xếp, chọn lọc đảng viên, lập chi bộ nhỏ. Cán bộ ở lại chủ yếu sinh hoạt trực tuyến. Người phụ trách chi uỷ trực tiếp gặp từng đảng viên. Ban cán sự huyện cứ 3 tháng gặp nhau một lần để trao đổi và phân công công việc. Chi bộ hành lang định kỳ 6 tháng sinh hoạt một lần. Mỗi lần đến kỳ sinh hoạt, anh em cán bộ, đảng viên ở lại rất háo hức, vì đó là dịp để gặp nhau, thăm hỏi tình hình.
Đầu năm 1955, để tiện cho việc chỉ đạo chiến trường, Liên khu uỷ V thành lập 4 liên tỉnh[37].  Liên tỉnh IV gồm các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak. Mỗi Liên tỉnh có một Liên tỉnh uỷ. Tỉnh Đak Lak và Gia Lai, Kon Tum thuộc sự chỉ đạo của Liên tỉnh ủy IV. Đồng chí Trương Quang Tuân, Khu uỷ viên Liên khu uỷ V làm Bí thư Ban cán sự Liên tỉnh uỷ IV và trực tiếp làm Bí thư Ban cán sự tỉnh Đak Lak.
Tháng 10-1955, Liên tỉnh ủy IV họp tại làng Đê Bam (xã Đesơró, Khu 7, Gia Lai) đề ra nhiệm vụ trước mắt:
- Phát động quần chúng đấu tranh đòi hiệp thương, đòi bỏ xâu thuế, đòi cải thiện dân sinh, dân chủ, chống khủng bố, chống bắt người kháng chiến cũ.
- Củng cố và phát triển cơ sở cách mạng, quán triệt thêm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng việc vận dụng phương châm đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp và không hợp pháp đối với từng vùng. Triệt để lợi dụng thế hợp pháp để đấu tranh, đồng thời vận dụng phong tục, tập quán để đấu tranh không hợp pháp.
- Củng cố nội bộ Đảng, giữ vững và nâng cao khí tiết cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải bám cơ sở, bám phong trào, lãnh đạo đấu tranh chống địch khủng bố để bảo vệ cơ sở, bảo vệ phong trào.
Huyện H2 triển khai chủ trương của tỉnh, chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức học tập nghị quyết, chủ trương của Đảng, tài liệu của Liên tỉnh uỷ IV và Tỉnh uỷ Đak Lak nhằm xây dựng khí tiết của người cộng sản cho cán bộ, đảng viên và cơ sở chính trị. Tuyên truyền giáo dục thanh niên học tập Điều lệ Đoàn thanh niên lao động (do Liên tỉnh ủy IV biên soạn), phát triển tổ chức Đoàn trong các xã, buôn, lấy đó làm nguồn bổ sung cho lực lượng vũ trang, tự vệ và phát triển đảng viên mới. Trong năm 1955-1956, hưởng ứng phong trào chung trong toàn tỉnh, Ban cán sự H2 đẩy mạnh phát động các phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.
Đấu tranh chống bắt lính, bắt xâu, thu thuế, lập tề, đòi dân sinh dân chủ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Huyện H2 trước ngày đình chiến là vùng giải phóng làm chủ, sau Hiệp định Giơnevơ ký kết, địch tiếp quản, tổ chức lập tề cơ sở. Ta đã hướng dẫn quần chúng đấu tranh bằng nhiều hình thức trì hoãn, không để địch lập tề, đồng thời chuẩn bị đưa người của ta ra làm chánh tổng, chủ làng ở các xã, làm tề "hai mặt". Một số rất ít ta sử dụng tề cũ nhưng đã nắm được. Do vậy, ở các xã, buôn, tuy địch lập được bộ máy tề cơ sở, nhưng đại bộ phận ta đã nắm được. Nhiều người tích cực hoạt động nắm tình hình, có chánh tổng sau đã trở thành cơ sở mặt trận của ta. Việc sử dụng tề "hai mặt" đã có tác dụng làm suy yếu bộ máy nguỵ quyền ở cơ sở, có nơi đã bị vô hiệu hoá, chỉ còn là hình thức. Ở một số vùng, địch chỉ lập được bộ máy tề nguỵ ở một số làng quanh đồn bót và gần trục đường giao thông.
Tuy nhiên khi địch phá hoại hiệp định, ra sức khủng bố, tuyên truyền chống phá phong trào, một số tề ngụy giao động, tránh không dám liên lạc với ta, có hành động theo địch, nhưng ta kịp thời giáo dục thông qua thư từ, hoặc gia đình vợ con, nên không có tên nào trắng trợn ra mặt chống phá, trừ cha con Chánh Cử. Số nào thật sự chống lại đều bị ta phân loại cô lập và xử lý.
Để xây dựng căn cứ, đồn bót, mở rộng đường sá phục vụ chiến tranh, Mỹ-Diệm đặt ra nhiều thứ xâu, thuế như xâu làm đường, xây dựng đồn bót, canh gác các cơ quan hành chính. Ngoài ra còn các loại thuế khác như giá thú, sinh tử, nhà thương, trường học... để kìm kẹp, bóc lột nhân dân.
Trước tình hình trên, Ban cán sự huyện lãnh đạo quần chúng đấu tranh chống bắt xâu, nộp thuế, chống cướp bóc, đòi dân sinh dân chủ. Phong trào lan khắp vùng. Nhận rõ âm mưu và thủ đoạn của kẻ địch, nhiều buôn làng đã tổ chức hội nghị nhân dân cam kết chống Mỹ- Diệm, gây dư luận rộng rãi từ nông thôn ven đô thị đến các khu vực quận lỵ. Nhiều nơi đồng bào không chịu đi xâu, nộp thuế, không đi lính làm bia đỡ đạn, đưa ra lời tuyên bố của Diệm trước đây để chất vấn địch: Các ông nói độc lập rồi, chính phủ quốc gia không bắt xâu, nạp thuế, tại sao nay lại bắt đồng bào đi xâu, đóng thuế. Khi bị bắt đi xâu làm đường thì đồng bào đưa ra yêu sách: đi xâu phải trả tiền, không trả tiền thì không đi xâu, hoặc: chính quyền bắt đi xâu nhưng phải đảm bảo sản xuất cho dân. Địch bắt đi xâu canh gác các cơ quan của chúng, nhân dân đấu tranh đưa trẻ con đi. Thanh niên trốn ra rừng tránh các cuộc bắt lính của địch. Trước phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, địch chỉ thực hiện âm mưu bắt xâu, nộp thuế ở một số nơi cơ sở yếu, sát đồn bốt địch.  
Thực hiện lệnh ngừng bắn theo điều khoản của Hiệp định, ở các buôn quanh đồn MLah, ta tổ chức phát động hàng trăm quần chúng, hầu hết là phụ nữ và người già, trong đó có các gia đình người nhà binh lính Jrai kéo lên đồn, lên quận đấu tranh đòi chồng con bỏ ngũ trở về buôn làng với khẩu hiệu "hoà bình rồi, không đánh nhau nữa, hãy trả chồng con chúng tôi về nhà làm ăn". Các cuộc đấu tranh kéo dài nhiều ngày ở các đồn bốt địch.
Tháng 7-1955, hưởng ứng phong trào đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, hàng trăm quần chúng trong huyện đã tập hợp lại thành từng đoàn, mỗi đoàn từ 30 - 40 người kéo lên đồn Mlah, MĐrak, Ơi Nu đưa kiến nghị đòi hiệp thương tổng tuyển cử. Tiêu biểu là phong trào do Amí H’Tring lãnh đạo đã tập hợp được hơn 300 người, hầu hết là phụ nữ và một số ít người già kéo lên đồn Mlah, có cơ sở hợp pháp đi cùng lãnh đạo đấu tranh đòi hiệp thương. Đồng chí Trương Phước Tự cải trang đóng khố đi lẫn trong đoàn hướng dẫn quần chúng kéo vào đồn Mlah đấu tranh.  
Trong dịp Ngô Đình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý nhằm phế truất Bảo Đại (23-10-1955) và tổ chức bầu cử Quốc hội bù nhìn (4-3-1956), ta đã hướng dẫn nhân dân vạch trần thủ đoạn mị dân của địch. Đồng bào các làng trong vùng tỏ thái độ tẩy chay, phản đối trò bầu cử giả hiệu của địch dưới các hình thức như không đi bỏ phiếu, hoặc những vùng ven, vùng địch kiểm soát, khi bị ép buộc, đồng bào đã tìm cách bôi bẩn, hoặc làm rách lá phiếu, xé bỏ phiếu, bỏ cả hai phiếu vào một thùng... phản đối trò lừa bịp của địch.
Đấu tranh chống chính sách “tố cộng, diệt cộng”. Ngay từ những năm 1955-1956, địch ráo riết  khủng bố phong trào cách mạng toàn miền Nam. Năm 1955, Ngô Đình Diệm mở chiến dịch "Tố cộng" ở các tỉnh đồng bằng miền Trung giai đoạn I, giữa năm 1956 tiến hành tố cộng giai đoạn II, đánh phá trọng điểm vùng đồng bằng Liên khu V. Cuối năm 1956 mở rộng tố cộng lên vùng Tây Nguyên đánh phá cơ sở và đàn áp phong trào của quần chúng.
Năm 1957, địch tiến hành chiến dịch Thượng du vận, tố cộng ở khắp địa bàn tỉnh Đak Lak, nhất là vùng du kích, vùng căn cứ cũ ở Cheo Reo, Đak Mil, Buôn Hồ, dồn dân vùng Jrai vào các khu tập trung giáp ranh giới tỉnh Phú Yên. Huyện H2 cũng nằm trong điểm tố cộng của địch. Âm mưu "tố cộng" của Mỹ - Diệm nhằm thủ tiêu ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, tiêu diệt phong trào cách mạng địa phương. Thủ đoạn chính là khủng bố, đàn áp, đi đôi với mua chuộc, gây chia rẽ nội bộ ta, trong đó khủng bố, đàn áp là chủ yếu hòng uy hiếp tinh thần cán bộ, đảng viên và quần chúng.
Tuy mức độ tố cộng của địch không ác liệt như những địa bàn khác nhưng cũng đã gây những tổn thất, khó khăn cho phong trào cách mạng ở địa phương. Đối tượng tố cộng là cán bộ, đảng viên, nhân viên kháng chiến cũ, những gia đình có người thân đi tập kết. Chúng  bắt dân làm thẻ kiểm tra, kê khai dân số, cấm không cho đồng bào ngủ ở rẫy ban đêm, không cho lập kho để lúa gạo ngoài rẫy. Tăng cường mật vụ, chỉ điểm để dò la cơ sở, tiến hành càn quét đánh phá vùng căn cứ, vùng du kích của ta, truy bắt cán bộ, tra khảo quần chúng.
Ở huyện H2, H3, phong trào đấu tranh chống tố cộng của quần chúng diễn ra sớm hơn so với các địa phương trong vùng. Tháng 2-1956, khi lính đồn Ơi Nu  khủng bố, bắt 10 người tham gia kháng chiến trước đây, cơ sở đã lãnh đạo quần chúng tập trung thành đoàn kéo lên đồn đấu tranh chống khủng bố tố cộng, chống bắt người, buộc địch phải thả những người bị bắt.
Địch đẩy mạnh càn quét, tố cộng đã làm một số cơ sở bị vỡ, cán bộ bị địch bắt giam cầm. Một số tề nguỵ thừa cơ chống phá ta như Chánh Cử là cơ sở của ta đã chỉ điểm cho lính phục kích bắn chết đồng chí Trương Phước Tự (Ama Ku), Phó bí thư Ban cán sự huyện H2 tại buôn Nai. Đồng chí Ama Nai ở Buôn Nai, xã Sông Ba[38], cơ sở của ta bị bắt trong lúc địch bao vây phục kích đồng chí Trương Phước Tự. Mặc dù địch khủng bố, tra tấn dã man nhưng đồng chí quyết không khai báo, do vậy vẫn bảo toàn được cơ sở.
Ở vùng giáp ranh Phú Yên do địch tố cộng ác liệt, một số cán bộ từ Phú Yên phải lánh lên vùng Đông Cheo Reo để tránh địch truy lùng.
Nhiều quần chúng, cơ sở bị địch tố cộng, bắt đưa về Cheo Reo, về đồn bốt đánh đập tra khảo, nhưng vẫn kiên trung, một lòng hướng về Đảng, hướng về cách mạng, bảo vệ  cơ sở, phong trào như Amí Dung ở buôn Bưng bị địch tố cộng, tra tấn dã man nhưng không hề khai báo, quyết bảo vệ cán bộ, cơ sở. Ama Lý ở Ơi Đak quyết tâm diệt ác giữa ban ngày để giải thoát cho cán bộ. Amí Nhung, con của Ơi Lưng (Ama Lưng), ở buôn Prong xã Đất Bằng, trong một lần đi vận động chị em về, chị cùng 3 chị phụ nữ khác bị địch chặn bắt, giam cầm, đã cương quyết đấu tranh chống lại các hành động tàn bạo của địch. Amí Đoan, ở buôn Uôr là cơ sở cách mạng rất tích cực tuyên truyền vận động chị em tham gia đấu tranh chống tố cộng, bảo vệ cán bộ. Gia đình ông Trần Kiệt (Ama Lưu), xã Đất Bằng là cơ sở cách mạng, đã từng nuôi giấu, bảo vệ cán bộ lãnh đạo của tỉnh Phú Yên lên tránh sự truy lùng của địch. Và còn rất nhiều gương tiêu biểu của quần chúng huyện H2 trong đấu tranh chống địch bảo vệ phong trào, bảo vệ cơ sở cách mạng.
Địch tăng cường tố cộng gây khó khăn cho phong trào, nhưng nhờ sự bảo vệ của nhân dân và sự bình tĩnh của cán bộ ta nên vẫn bảo toàn được cán bộ, cơ sở. Năm 1957, đồng chí Tô Tấn Tài (Ama H'Oanh) cải trang như người địa phương, cùng vợ chồng một gia đình đồng bào chuyển máy chữ và tài liệu của cơ quan tỉnh Phú Yên gửi cất giấu từ địa điểm hang đá tại buôn Ơi Kham sang Ơi Đak, Ơi HDjik giữa ban ngày. Trên đường gặp đoàn công vụ, nhưng nhờ sự bình tĩnh đối đáp, nên địch không nghi ngờ, vì vậy chuyến đi được an toàn.
Thực hiện sự chỉ đạo của Liên tỉnh uỷ IV, từ trước khi địch tố cộng, Tỉnh uỷ Đak Lak đã mở đợt học tập, giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn tỉnh. Quán triệt chủ trương của Tỉnh uỷ, Ban cán sự huyện H2 đã tổ chức cho cán bộ, đảng viên, cơ sở nòng cốt và nhân dân học tập các tài liệu do Liên tỉnh uỷ IV biên soạn: “Thương dân yêu nước đứng lên làm cách mạng”, “Ba yêu, ba ghét”[39]. "Chủ nghĩa cộng sản và người cộng sản", "Nâng cao khí tiết đảng viên"...Đây là những nội dung tuyên truyền, giáo dục rất cơ bản phù hợp với trình độ đảng viên và đồng bào các dân tộc trong vùng. Đợt học tập đã nâng cao nhận thức và khí tiết cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, giữ vững bản lĩnh chính trị của người cộng sản trước kẻ thù. Tờ báo “Thống Nhất” của tỉnh Đak Lak cũng được đưa xuống làm tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và cơ sở.
Ngoài ra Ban cán sự H2 còn vận dụng các hình thức thơ ca, hò vè để tuyên truyền, động viên tinh thần, tư tưởng của cán bộ và nhân dân trước kẻ thù[40]. Trong vùng đồng bào đã lan truyền nhiều bài vè tố cáo chế độ độc ác, tàn bạo của chính quyền Ngô Đình Diệm [41].
Sau đợt học tập xây dựng Đảng, phong trào đấu tranh của quần chúng liên tiếp diễn ra. Nhân dân xã Đất Bằng lợi dụng phong tục địa phương, treo cành cây kiêng cữ trước cửa nhà không cho địch càn vào buôn cướp bóc tài sản; tổ chức gài mang cung, cắm chông khắp quanh buôn, ven rẫy, ngăn chặn các cuộc hành quân càn quét, lùng sục của địch. Chị em phụ nữ các buôn tích cực tham gia trong các phong trào đấu tranh chống địch. Khi địch bắt tố cộng, đồng bào cương quyết không ký giấy ly khai người thân đi tập kết với lý do không biết chữ, kiên quyết tố cáo tội ác của địch...
Đầu năm 1958, địch nhiều lần dụ dỗ, âm mưu dồn dân vùng Kà Lúi (xã Đất Bằng) về Ơi Nu, Cà Lá, buôn Thu (Phu), Tuy Bình…thành lập khu trù mật. Nhân dân vùng Kà Lúi kiên quyết không chịu dời buôn làng. Thấy không dụ dỗ mua chuộc được, kẻ địch đã dùng lực lượng bảo an lên đến hàng tiểu đoàn càn quét, đánh phá vùng kà Lúi, treo giải thưởng 3000 đồng (tiền nguỵ quyền Sài Gòn) cho ai bắt được "Việt cộng". Nhân dân trong vùng đấu tranh liên tục, giằng co với địch suốt gần hai tuần liền, kiên quyết bất hợp tác với địch. Nhiều lần tên quận trưởng Cheo Reo cho quân lính đến dụ dỗ và huy động lực lượng dồn dân vào khu tập trung, nhưng nhân dân một mặt tích cực chuẩn bị căn cứ, các địa điểm tản cư để ra sống bất hợp pháp, một mặt đấu tranh hợp pháp với địch. Chúng cho quân lùng sục, bắn giết, bắt một số người đưa về khu dồn, nhưng đồng bào đã bỏ trốn về làng cũ[42].
 Suốt từ năm 1958 và sang 1959, địch nhiều lần từ Cheo Reo xuống, từ Tuy Bình, Củng Sơn lên bao vây buôn làng, uy hiếp, khủng bố dân làng vùng Kà Lúi, nhưng chúng chỉ gặp người già, trẻ em và phụ nữ sống hợp pháp trong làng để giữ thế đấu tranh, giữ làng không cho địch đốt phá. Số thanh niên nam nữ, đàn ông đều ra sống bất hợp pháp ngoài rừng.
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động, nên đã củng cố lòng tin của quần chúng đối với Đảng, Đảng với dân gắn bó một lòng. Ta đã tạo được cơ sở, “trận địa” vững chắc trong lòng dân, nên phong trào cách mạng ở địa phương được giữ vững và từng bước phát triển.
Với truyền thống yêu nước, đoàn kết đấu tranh, cán bộ và nhân dân huyện H2 luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, nêu cao tinh thần bất khuất kiên trung trước kẻ thù. Nhân dân vẫn một lòng trung thành với Đảng, cán bộ. Kẻ địch không khủng bố, lung lạc được tinh thần của cán bộ và quần chúng. Tổ chức cơ sở đảng vẫn được giữ vững, cán bộ hợp pháp vẫn bám buôn, bám dân cùng đấu tranh chống lại các thủ đoạn tố cộng của địch.
Công tác xây dựng, củng cố cơ sở ở các huyện trong tỉnh phát triển. Ngay từ cuối năm 1954 Tỉnh uỷ Đak Lak đã chú trọng chỉ đạo xây dựng cơ sở, trừ một số dinh điền và những nơi địch kiểm soát chặt. Trong năm 1955-1956 toàn tỉnh Đak Lak đã có 521 làng/556 làng có cơ sở. Sau năm 1959 toàn tỉnh đã nắm được 654 làng, gồm có 62 xã[43].
Ở huyện H2, Ban cán sự huyện tăng cường củng cố cơ sở cũ, xây dựng cơ sở mới. Năm 1955, đã xây dựng được cơ sở ở các buôn làng, 4/6 xã có chi bộ, đảng viên. Đến 1959- 1960, ta đã nắm được 117 làng, 19 xã, có 3 làng đồng bào Kinh, trong đó có 77 làng có cơ sở vững, 24 làng cơ sở vừa và 16 làng chưa có cơ sở[44]. Hầu hết các xã, buôn ta đã xây dựng được cơ sở. Số cơ sở trong chống Pháp được ta củng cố và phát triển trong thời kỳ chống Mỹ. Nhiều cơ sở là phụ  nữ rất tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia các phong trào ở địa phương như Amí Nhung, Amí Tha, Amí Lưu (vợ đồng chí Trần Kiệt) ở Đất Bằng, Amí Nô, Amí H’Tring ở Ơi Nu, Uôr; Amí Hly, Hkrũ, Amí Blah ở Ia Rsai; Amí Hni, Amí Jũ ở Plơi Pa.. tích cực vận động chị em trong xã buôn tham gia vót chông rào làng chống địch, bảo vệ buôn làng, căn cứ ... Tiêu biểu là Amí Đoan, dân tộc Jrai ở buôn Uar, xã Chư Drăng, là cơ sở cách mạng từ thời kỳ chống Pháp, trong chống  Mỹ là cán bộ phụ nữ xã, rất tích cực trong công tác vận động chị em tham gia phong trào đấu tranh, sản xuất, xây dựng và bảo vệ căn cứ, cơ sở. Năm 1961 chị được bầu làm Hội trưởng Phụ nữ tỉnh Đak Lak, là Ủy viên Ủy ban mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 3-1969, chị được vinh dự là người phụ nữ Jrai duy nhất tham gia đoàn đại biểu cán bộ dân tộc của tỉnh ra thăm miền Bắc và được gặp Bác Hồ trong điều kiện chiến tranh lúc bấy giờ. Sau khi trở về, Amí Đoan tích cực đi các buôn làng tuyên truyền về miền Bắc, về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cho đồng bào, từ đó củng cố thêm niềm tin thắng lợi vào sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng.
Bước vào thời kỳ chống Mỹ, tỉnh Đak Lak chú trọng công tác xây dựng căn cứ, địa bàn H2 được chọn xây dựng căn cứ phía bắc của tỉnh. Xã Đất Bằng, Ơi Nu, Chư Drăng và một phần Sông Ba là vùng du kích thời kỳ chống Pháp, sau 1954 được tỉnh tập trung củng cố, xây dựng căn cứ chống địch. Mỗi xã đều có 4- 5 buôn xây dựng thành căn cứ cách mạng như 4 buôn vùng Uôr. Xã Ơi Nu có buôn Ma Choi, Ma Thìn, Ma Nhao, Tờ Khế. Xã Đất Bằng có buôn Ơi Dyit, Ơi Đak, Ma Til. Xã Sông Ba có buôn Nai. Chư Drăng có buôn Chai. Các xã đã lập chi bộ. Đến cuối năm 1956-1957 các xã thành lập tổ tự vệ mật và chi đoàn thanh niên lao động. Bốn buôn vùng Uôr đã tích cực trong công tác vận chuyển mua muối từ Phú Yên về và vận động chị em phụ nữ giã muối nắm thành cục đốt rồi chôn xuống đất để phục vụ cho cách mạng. Huyện H2 trở thành vùng căn cứ đứng chân của cơ quan tỉnh và huyện để lãnh đạo phong trào địa phương.
Những năm 1955-1958 là thời kỳ ta gặp khó khăn, địch tăng cường đánh phá về mọi mặt nhưng ta đã duy trì được cơ sở ngay từ lúc đầu và ngày càng phát triển rộng. Cán bộ bám dân, bám địa bàn để tuyên truyền vận động, do vậy trình độ giác ngộ của quần chúng được nâng lên. Phong trào đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử, chống xâu thuế, bắt lính, lập tề, tố cộng...phát triển mạnh ở khắp nơi. Công tác lãnh đạo xây dựng cơ sở, căn cứ, phát triển sản xuất, vận động thanh niên tham gia phong trào học văn hóa, văn nghệ, dùng thuốc nam được duy trì. Mặc dù giai đoạn này ta rút vào hoạt động bí mật, đấu tranh chính trị là chủ yếu, tuy địch đánh phá mạnh nhưng hệ thống tổ chức cơ sở của Đảng được duy trì và phát triển. Phong trào quần chúng được giữ vững và tiếp tục phát triển rộng khắp. Quần chúng được củng cố thêm lòng tin vào Đảng, phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng. Qua từng phong trào, cán bộ, đảng viên nắm chắc phương châm, phương pháp đấu tranh, bám sát cơ sở để lãnh đạo phong trào quần chúng, nâng dần nhận thức, khả năng đánh giá tình hình và ngày càng trưởng thành trong thực tiễn cách mạng. Đồng thời ta hình thành được mặt trận rộng lớn tập hợp các tầng lớp nhân dân trong huyện vào cuộc đấu tranh chống Mỹ- Diệm. Thắng lợi trong giai đoạn này là tiền đề để nhân dân các dân tộc huyện H2 bước vào thời kỳ đồng khởi giành quyền làm chủ nông thôn.
II- CHUYỂN PHONG TRÀO LÊN THẾ TIẾN CÔNG ĐỊCH, KẾT HỢP ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ VỚI ĐẤU TRANH VŨ TRANG, TIẾN TỚI ĐỒNG KHỞI (1959-1960)
Sang năm 1959, phong trào cách mạng toàn miền đứng trước những thử thách mới. Mỹ-Diệm ban hành luật 10/59, thẳng tay đàn áp, giết hại cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn miền Nam. Tội ác kẻ thù chồng chất, làm tăng thêm lòng căm thù sâu sắc của nhân dân miền Nam.
Giữa năm 1958 Ban cán sự tỉnh Đak Lak được phổ biến tinh thần bản “Đề cương cách mạng miền Nam” do đồng chí Lê Duẩn soạn thảo (8-1956). Đề cương khẳng định xu thế tất yếu của cách mạng miền Nam là:…Nhân dân miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ-Diệm để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không có con đường nào khác…
Để đưa phong trào tiến lên, giữa năm 1958 Liên khu uỷ V ra Nghị quyết về nhiệm vụ chuyển phong trào lên theo hướng mới với ba nội dung cơ bản: Xây dựng Tây Nguyên và miền núi các tỉnh thành căn cứ địa cách mạng. Xây dựng lực lượng vũ trang, nửa vũ trang ở miền núi làm nhiệm vụ tự vệ, bảo vệ căn cứ, bảo vệ cán bộ. Khôi phục phong trào đồng bằng.
Ban cán sự huyện H2 tiếp thu tinh thần nội dung Đề cương cách mạng miền Nam, Nghị quyết của Khu uỷ V và Tỉnh uỷ Đak Lak, phổ biến xuống cán bộ, đảng viên và nhân dân, đồng thời tập trung triển khai nhiệm vụ theo chủ trương chỉ đạo của tỉnh: Nhanh chóng tổ chức, phát triển lực lượng du kích ở các buôn làng, củng cố thanh niên lao động, đẩy mạnh các hoạt động bảo mật trừ gian, bảo vệ cán bộ, cơ sở, hành lang, cơ quan; động viên thanh niên nam nữ thoát ly tham gia bộ đội, công tác giao liên, đội công tác vũ trang; vận động nhân dân tích cực đóng góp, ủng hộ cho kháng chiến. Chủ trương diệt những tên ác ôn đầu sỏ, có nhiều nợ máu với nhân dân.
Từ thực tiễn phong trào cách mạng miền Nam những năm đầu chống Mỹ cho thấy, không thể chỉ đấu tranh bằng chính trị, mà phải đứng lên vũ trang chống địch. Nhận thức được vấn đề trên, từ năm 1958-1959 ở nhiều xã, buôn trong huyện đã tự động tổ chức tự vệ mật, du kích mật trang bị vũ khí thô sơ, bí mật diệt những tên tề điệp gian ác.
Đồng bào xã Đất Bằng và Chư Drăng đã bí mật diệt những tên do thám giả thương lái buôn bán trong vùng đồng bào dân tộc, những tên chỉ điểm đánh phá cơ sở, phong trào.
Ở Buôn Ma Hing, xã Đất Bằng, toán dân vệ gồm 10 tên do 2 tên mật vụ Cảnh, Của chỉ huy từ Phú Yên lên bắt cơ sở, truy bức đồng bào, truy tìm tài sản của ta trước khi tập kết ra miền Bắc gửi lại trong dân như kho tàng, bò, ngựa... đã bị đồng bào nổi dậy đánh đuổi, buộc địch phải trả những tài sản mà chúng đã cướp, giải thoát cho số cơ sở của ta, sau đó dời buôn lên vùng xa ranh giới Phú Yên để làm ăn sinh sống.
Trong những năm này, phong trào các tỉnh đồng bằng miền Trung và bắc Tây Nguyên phát triển. Tháng 5-1958, nhân dân vùng Thồ Lồ, miền tây Phú Yên chạy ra rừng chống địch. Tháng 2-1959 nhân dân ở Tà Lốc, Tà Léc, Ha Ri (Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định) nổi dậy bất hợp tác với địch. Tháng 8-1959 nhân dân Trà Bồng, miền tây Quảng Ngãi nổi dậy khởi nghĩa giải phóng nông thôn.
Ngày 31-1-1959, trước khí thế của phong trào cách mạng toàn miền Nam, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 15 ra Nghị quyết khẳng  định:…con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân…Nghị quyết 15 có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng miền Nam. Nghị quyết 15 ra đời đã đáp ứng yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng và nguyện vọng của nhân dân toàn miền Nam nói chung, nhân dân huyện H2 nói riêng, tạo niềm phấn khởi, tin tưởng của quần chúng đối với sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng, mở ra một hướng mới cho cách mạng miền Nam, tạo tiền đề để nhân dân toàn miền tiến hành phong trào đồng khởi và là yếu tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Cuối năm 1959, đồng chí Nguyễn Liên (Bốn Đạo), Ủy viên Liên tỉnh ủy IV được tăng cường về làm Bí thư tỉnh ủy Đak Lak, đã tổ chức truyền đạt Nghị quyết 15 cho cán bộ, đảng viên của tỉnh tại căn cứ Chư Djú (H2), bàn kế hoạch triển khai nhiệm vụ xây dựng lực lượng vũ trang, dự trữ lương thực, muối, vải, nông cụ, chuẩn bị cho việc chuyển phong trào theo hướng mới, tăng cường lực lượng, tăng trạm, tăng chuyến vận chuyển trên các hành lang, hướng dẫn đồng bào đốt muối thành cục, chôn xuống đất để dự trữ lâu dài.
Ở H2, cuối năm 1958 đồng chí Nguyễn Khuê (Ama Hlơ) được điều về tỉnh. Đầu năm 1959 đồng chí Nguyễn Môn (Ama Cao) về làm Bí thư huyện H2, chỉ đạo việc học tập Nghị quyết 15 và chuyển phong trào lên đồng khởi tấn công địch. Nội dung Nghị quyết 15 được phổ biến trong cán bộ, đảng viên và quần chúng của huyện.
Ban cán sự huyện H2 triển khai nhiệm vụ: tập trung giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng; xây dựng lực lượng vũ trang, mở rộng công tác mặt trận và binh tề vận tạo sức mạnh tổng hợp trong quần chúng. Cô lập cao độ kẻ thù, đẩy mạnh diệt ác ôn, làm tan rã hệ thống tề nguỵ, tạo thế cho phong trào quần chúng nổi dậy. Tập trung lãnh đạo phong trào toàn huyện theo tinh thần nghị quyết và chỉ đạo của Tỉnh ủy Đak Lak.
Sau khi được phổ biến Nghị quyết, khắp các buôn làng trong huyện, đâu đâu cũng hừng hực khí thế cách mạng. Quần chúng vô cùng phấn khởi, quyết tâm đứng lên đánh đuổi Mỹ - Diệm, bảo vệ buôn làng. Ngọn lửa cách mạng được thổi bùng lên trong mỗi người dân tạo thành sức mạnh to lớn thúc đẩy phong trào đấu tranh dâng cao trong toàn huyện.
Lực lượng dân quân du kích được xây dựng trong các xã, buôn của huyện làm nhiệm vụ bảo vệ buôn làng, căn cứ. Khắp vùng Kà Lúi, xã Đất Bằng lan xuống Chư Drăng, Chư Né của huyện H2... đều xây dựng vùng làm chủ và lực lượng du kích. Vùng buôn Nung, Uôr là nơi có căn cứ vững chắc, mỗi xã đều xây dựng được một tiểu đội du kích, thường xuyên tổ chức bố phòng tạo sự liên hoàn giữa các buôn làng để chống địch. Ở một số nơi như buôn Nai, buôn Nung, Phú Cần, Quang Hiển, tuy chính quyền nguỵ có đặt hệ thống cai trị nhưng tề tổng bị ta khống chế.
Năm 1959, Ban cán sự huyện H2 được tăng cường đồng chí Ama Hiu và đồng chí Ama Ví phụ trách an ninh để nắm tình hình địch, củng cố và bảo toàn lực lượng, chuẩn bị thời cơ đánh địch. Công tác trừ gian, bảo mật trong huyện được tiến hành tích cực, tổ chức diệt những tên mật báo, gián điệp giả thương lái vào các buôn làng dò la tin tức.
Cuối năm 1959, phong trào diệt ác phá kìm trong toàn huyện phát triển. Tiêu biểu là sự kiện diệt ác ở Buôn Ơi Đak, xã Đất Bằng. Hai tên mật vụ ở Củng Sơn (Phú Yên) lên điều tra nắm tình hình, chúng bắt được hai giao liên của ta tại sông Mlah đưa vào Buôn Ơi Đak nhốt lại và buộc tội buôn làng nuôi giấu “Việt cộng”. Ma Lý (Ma Noi), chủ buôn, đảng viên và là cán bộ hợp pháp trong buôn đã cùng với dân làng lập kế hoạch cho chị em phụ nữ phục rượu và tổ chức thanh niên thu súng, rồi dùng chày giã gạo, dùng dao đánh trả, chém chết hai tên này, giải thoát cho hai giao liên. Sau đó lãnh đạo dân làng rút vào rừng lập làng chiến đấu. Địch đã nhiều lần đưa quân đến càn quét đốt phá nhưng không bắt được một người dân nào của Buôn Ơi Đak. Đây là làng bất hợp tác đầu tiên của huyện H2 và tỉnh Đak Lak chống Mỹ - Diệm.
Tháng 9-1959, đoàn cán bộ quân sự gồm 28 đồng chí nguyên là cán bộ Trung đoàn 84 tập kết ra miền Bắc được Trung ương bổ sung cho tỉnh Đak Lak. Trên cơ sở đoàn cán bộ nòng cốt, tháng 2-1960 tại suối Ia Hiang (Chư Djú), tỉnh Đak Lak thành lập trung đội bộ binh người dân tộc địa phương gồm 30 chiến sỹ, chủ yếu là thanh niên huyện H2, được trang bị  3 trung liên, 5 súng trường, 15 AK do đồng chí Ama Ning và Cao Văn Khá chỉ huy. Trong thời gian này, thực hiện chủ trương của cấp trên, tỉnh Gia Lai và Khánh Hoà, mỗi tỉnh bổ sung cho Đak Lak một trung đội tân binh người dân tộc.
Để đẩy mạnh phong trào đấu tranh vũ trang, huyện H2 tăng cường xây dựng và phát triển lực lượng du kích tập trung ở các buôn xã căn cứ, tổ chức tập luyện, trang bị vũ khí, đẩy mạnh sản xuất lương thực, đảm bảo công tác hậu cần phục vụ các hoạt động đấu tranh chống địch. Ban cán sự huyện tổ chức đại hội nhân dân, cắm trại thanh niên ở các buôn làng để động viên thanh niên nhập ngũ, vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm, mua muối, vải, lương thực dự trữ cho cách mạng. Phụ nữ các buôn làng đã hăng hái vận động gia đình và dân làng tham gia đóng góp ủng hộ nuôi quân. Qua cuộc vận động, nhân dân trong huyện đã đóng góp hàng trăm tấn lương thực và tài sản quí của gia đình cho kháng chiến, như gia đình Ama Toan buôn Ma Nung ủng hộ 100 gùi lúa, và còn rất nhiều gia đình khác đã tích cực trong việc đóng góp nhân tài vật lực cho cách mạng. Có gia đình ủng hộ trên 300 gùi lúa, nhiều gia đình góp cả ngựa, nồi đồng, chiêng ché cho cách mạng, góp phần giải quyết được một phần khó khăn về nhu cầu cung cấp ban đầu cho các lực lượng quân đội.
Đầu năm 1960, thực hiện chủ trương của Liên khu uỷ V về tổ chức lại chiến trường, tỉnh Đak Lak được chia thành 4 đơn vị: B3, B4, B5, B6 trực thuộc sự chỉ đạo của Liên tỉnh uỷ IV và Liên khu uỷ V, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc lãnh đạo chỉ đạo phong trào cách mạng Đak Lak[45]. Huyện Đông Cheo Reo (H2), Tây Cheo Reo (H3) và huyện MĐrak, Buôn Hồ thuộc B3 - bắc tỉnh Đak Lak.
Sau khi ổn định việc chia tách, thực hiện sự chỉ đạo của Liên Khu uỷ V, tháng 8-1960, tại suối Ia Hiang vùng căn cứ núi Chư Djú, Hội nghị đại biểu Đảng bộ lần thứ nhất tỉnh Đak Lak (B3)[46] được tổ chức, 50 đại biểu các huyện thay mặt cho đảng viên các tổ chức Đảng trong toàn tỉnh về dự. Đồng chí Nguyễn Mô (Tư Khiêm) đại diện Liên tỉnh IV và Liên khu V về dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Hồng Ưng làm Bí thư Tỉnh uỷ.
Đại hội Đảng bộ lần thứ nhất tỉnh Đak Lak đã đánh dấu bước trưởng thành của Đảng bộ trong lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở địa phương trong thời kỳ đầu của cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, thúc đẩy phong trào cách mạng toàn tỉnh chuyển lên giai đoạn mới, tiến tới đồng khởi, giành quyền làm chủ nông thôn trong toàn tỉnh. Từ sự lớn mạnh của phong trào trong huyện, đội ngũ cán bộ của huyện được trưởng thành từ cơ sở, nhiều đồng chí trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh.
Sau Đại hội, năm 1960 tỉnh Đak Lak (B3) chủ trương hợp nhất huyện Đông Cheo Reo (H2) và huyện MĐrak (H1) thành huyện A10, đồng thời bổ sung hai tỉnh uỷ viên là đồng chí Nguyễn Môn (Ama Cao) và Phan Nhu (Ama Lê) về phụ trách huyện A10.
Ban cán sự huyện A 10 gồm các đồng chí: Nguyễn Môn (Ama Cao) làm Bí thư, Phan Nhu (Ama Lê) làm Phó bí thư; Nguyễn Tiển (Ama Đam), Thường vụ huyện uỷ, các đồng chí Ama Hlam, Ama Tlang, Ama Hoa, Ama Ly, Y Tai (Ama La), Ama Hiu, Ama Kui… là ủy viên. Việc hợp nhất hai huyện tạo nên sức mạnh của quần chúng trong phong trào đấu tranh chung toàn huyện.
Trước tình hình phát triển của cách mạng toàn khu, từ tháng 1-1960 Liên khu ủy V quyết định phát động quần chúng ở căn cứ miền núi vũ trang chống địch, đẩy mạnh xây dựng căn cứ. Tháng 9-1960, Thường vụ Liên khu ủy ra chỉ thị mở đợt hoạt động diệt ác, phá kèm, mở rộng căn cứ trong toàn khu.
Tháng 10-1960, tại căn cứ Uôr (huyện A10), một đại đội bộ binh của tỉnh được thành lập, trong đó có một tiểu đội trinh sát, một trung đội trợ chiến được trang bị cối 81, đại liên (gọi là đại đội 37, sau đổi là V67). Thanh niên các xã, buôn tích cực tham gia lực lượng vũ trang, dân quân du kích và các phong trào của huyện. Các đội công tác được củng cố, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền vận động quần chúng đấu tranh chống địch, bảo vệ buôn làng, tích cực sản xuất phát triển kinh tế.
Để chuẩn bị thành lập lực lượng vũ trang địa phương, thanh niên các buôn làng được tổ chức huấn luyện tại buôn Ma Hing. Tháng 10-1960, tại xã Chư Drăng, trung đội vũ trang của huyện được thành lập gồm 30 chiến sỹ, do đồng chí Cao Văn Khá làm chỉ huy trưởng, đồng chí Hùng, chỉ huy phó, đồng chí Vân làm chính trị viên. Thanh niên các buôn làng hăng hái tham gia lực lượng vũ trang của huyện.
Năm 1960 Tỉnh ủy Đak Lak phát động đợt đồng khởi trong toàn tỉnh.  Huyện A10 được tỉnh chủ trương mở đợt đột phá, tập trung diệt ác, phá kèm, từ đó phát động phong trào trong toàn tỉnh tiến công tiêu diệt địch, giành quyền làm chủ từng bộ phận. Triển khai chủ trương của tỉnh, Ban cán sự huyện A10 lãnh đạo phong trào theo hướng mới, tổ chức học tập cách đồng khởi ở Bến Tre, khởi nghĩa vũ trang ở Trà Bồng (Quảng Ngãi), nêu lên các yếu tố thời cơ cho đồng khởi, phát động đợt đồng khởi trong toàn huyện.
Trong các buôn làng, phong trào quần chúng nổi dậy diệt ác, cải tạo tề nguỵ phát triển. Đồng bào các buôn làng tập hợp kéo lên quận, đồn bốt đấu tranh chính trị, binh vận kêu gọi binh lính địch bỏ ngũ trở về quê hương. Phong trào thanh niên tình nguyện thoát ly tham gia bộ đội, xây dựng lực lượng vũ trang huyện phát triển. Lực lượng vũ trang địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ quần chúng nổi dậy diệt ác phá kèm.
Ở vùng buôn Ma Rok, đồng bào đã tổ chức mít tinh hạ uy thế tên Ma Krít, nguyên là quận trưởng Mlah, cảnh cáo, hạ uy thế tề ngụy trong vùng.
Trong tháng 8-1960, cơ quan tình báo Mỹ- Nguỵ tại Phú Túc lợi dụng việc đi lại mua bán giữa những người buôn ngựa ở Phú Yên đến địa bàn H2 đã cài cắm một số tên tình báo vào vùng căn cứ ta để nắm tình hình. Lực lượng an ninh huyện đã phát hiện, tổ chức bắt được năm tên, làm thất bại âm mưu của địch, bảo vệ an toàn căn cứ cách mạng của tỉnh, huyện.
Tháng 9-1960, huyện uỷ chủ trương mở đợt diệt ác ở Phú Cần. Đêm ngày 3-9-1960, lực lượng ta khoảng 1 trung đội do đồng chí Phan Nhu (Ama Lê), Nguyễn Tiển (Ama Đam) chỉ huy, có lực lượng của tỉnh cùng tham gia, cải trang lính nguỵ đột nhập vào tận nhà, diệt tên Lê Phụng Cử (Chánh Cử), một tên ác ôn có nhiều nợ máu với nhân dân trong vùng và hai tên khác là Phạm Sáu, thôn trưởng và Mai Đức Tính, công an viên của xã[47]. Cùng trong thời điểm đó, một tổ lính từ Cheo Reo xuống đang nằm tại Phú Cần kéo đến, lực lượng ta bắt gọn, thu vũ khí, giáo dục rồi thả tại chỗ.
Việc diệt Chánh Cử đã làm rúng động cả Mlah, gây hoang mang giao động trong binh lính đồn Mlah và bọn tề nguỵ. Lợi dụng thời cơ, quần chúng phao tin “Việt cộng" về rất đông, làm cho binh lính, tề nguỵ ở đồn Mlah hoảng sợ, bỏ đồn rút chạy về Cheo Reo. Phát huy thắng lợi, ta giải phóng quận lỵ Mlah. Sự kiện giải phóng quận lỵ Mlah là kết quả trực tiếp của phong trào đồng khởi trong toàn huyện, mở đầu là phong trào diệt ác, gây cơ sở vào vùng phụ cận đồn Mlah. Đó là kết quả của phong trào quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, đánh giá đúng thời cơ, chọn đúng thời điểm diệt ác nên thu được kết quả.
Tiếp đó huyện chỉ đạo tổ chức diệt tên mật vụ ác ôn Ama Khuôn ở buôn Bông. Sau đó tổ chức mít tinh, biểu tình dưới nhiều hình thức, có cuộc biểu tình kéo về Ơi Nu, có cuộc biểu tình kéo xuống đồn Buôn Thu (H1).
 Huyện uỷ A10 đã tổ chức một cuộc tuần hành với hơn 3.000 quần chúng, kéo đi trong hai ngày đêm, bao vây đồn Ơi Nu, nêu khẩu hiệu “quyết tâm giải phóng nông thôn" bằng tiếng địa phương. Khẩu hiệu được viết trên thân cây, dọc các con đường trong huyện. Địch hoảng sợ, dùng súng cối bắn quanh đồn, không cho nhân dân tràn vào. Ở địa bàn H2, lúc này địch chỉ còn ở đồn Mlah và đồn Ơi Nu.
Trong đợt đồng khởi, ta lãnh đạo quần chúng vận dụng nhiều hình thức đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang để hạ uy thế địch. Đồng bào dùng hình thức đánh mõ đồng loạt khắp các buôn làng, rồi tập hợp nhau lại, kéo lên đồn báo tin "Việt cộng, quân đội miền Bắc kéo về rất đông", gây hoang mang trong binh lính. Tề nguỵ trong đồn xoa dịu, không đàn áp quần chúng, còn dặn có tình hình gì thì báo để biết. Bọn chỉ huy trong đồn kiếm cớ có công việc về quận lỵ Cheo Reo, không ở lại đồn... Cuộc đấu tranh thu được kết quả, nhân dân rất phấn khởi, từ đó, phong trào đấu tranh chính trị ngày càng qui mô hơn[48]. Ta đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, phát động thanh niên thoát ly, xây dựng lực lượng vũ trang, cải tạo giáo dục tề nguỵ, thành lập chính quyền cách mạng.
 Đợt đồng khởi trong huyện từ cuối 1960 đầu 1961 thực sự là cuộc nổi dậy của nhân dân, mở đầu là trận đánh tiêu diệt đồn Ơi Nu.
Tháng 10-1960, đội công tác vũ trang tỉnh do đồng chí Lương (Vân) chỉ huy và đồng chí Nguyễn Môn (Ama Cao), Bí thư Ban cán sự huyện A10 chỉ đạo phối hợp và đồng chí Ngô Đức Đề (Ama Đing) tham gia. Được anh Thêm, cơ sở mặt trận và dân quân du kích các buôn của xã Ơi Nu cung cấp tình hình và dẫn đường, kết hợp với cơ sở nội tuyến của ta ở trong đồn, lực lượng ta đã bí mật tập kích, tấn công tiêu diệt đồn Ơi Nu. Bị bất ngờ, địch không kịp chống cự, binh lính bỏ vũ khí trốn chạy ra bờ sông, ta truy bắt 7 tên, thu 7 súng, giáo dục rồi thả tại chỗ, một số cơ sở nội tuyến người địa phương tại đồn được đưa ra vùng giải phóng. Trận đánh diễn ra vào ban đêm, lực lượng ta đốt phá đồn, doanh trại của địch, đến 7, 8 giờ sáng hôm sau mà địch vẫn không dám tiếp viện.
Phát huy thắng lợi, lực lượng ta mở đợt vũ trang tuyên truyền, phát động quần chúng các làng dọc đường số 7 nổi dậy xóa bỏ chính quyền địch, giành quyền làm chủ. Khắp các buôn làng của huyện A10, nhân dân nổi dậy tuyên bố xoá bỏ tề nguỵ và chính quyền địch, xé cờ, ảnh Diệm, lập chính quyền tự quản của nhân dân. Ta đã phá vỡ từng mảng chính quyền địch ở các xã buôn, giải phóng một vùng nông thôn rộng lớn của huyện H2 (trừ vùng phụ cận Cheo Reo). Nhiều nơi bọn ác ôn hoang mang, sợ hãi. Khí thế nổi dậy diệt ác, phá kèm của quân và dân trong huyện phát triển mạnh mẽ. Lực lượng vũ trang tỉnh, huyện tích cực hỗ trợ quần chúng đấu tranh diệt ác phá kèm, bức rút đồn bốt.
Ngày 26-10-1960- ngày quốc khánh của chính quyền Ngô Đình Diệm, tên quận trưởng Phú Đức (MĐrak) dẫn một trung đội đi tuyên truyền trong dân. Lực lượng ta gồm một trung đội do đồng chí Ama Lê, Phó Bí thư huyện A10 trực tiếp chỉ huy đã bí mật phục kích tại dốc buôn Hoang (MĐrak) tiêu diệt toàn bộ trung đội địch, thu 24 súng[49]. Tháng 11-1960, ta tiến đánh một đơn vị lính đang bảo vệ cày ủi ở Plei Plôk (khu dinh điền Kế Thiện) phá 4 xe ủi, diệt 10 tên địch. Tiếp đến tiến đánh quận lỵ Buôn Hồ.
 Để phát động tinh thần quần chúng, Tỉnh ủy, UBND cách mạng tỉnh Đak Lak ra Lời kêu gọi nhân dân nổi dậy giải phóng nông thôn, giành quyền làm chủ. Đồng chí Nguyễn Liên (Bốn Đạo), Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp thảo nội dung lời kêu gọi, đồng chí Y Tai (Ama La), Thường vụ huyện ủy dịch ra tiếng Ê Đê. Lời kêu gọi được dịch ra bằng hai thứ tiếng Kinh và tiếng địa phương, có nội dung "Hỡi đồng bào, hãy tuốt gươm đao xông ra phía trước, hừng hực như lửa cháy rừng. Đã đến lúc ai do dự chần chừ là có tội với Tổ quốc, với nhân dân" đã có tác dụng động viên, cổ vũ tinh thần của cán bộ, đảng viên và quần chúng trong tỉnh. Nhân dân vô cùng phấn khởi, hưởng ứng với tinh thần quyết tâm cao.
Với khí thế thắng lợi sau trận diệt đồn Ơi Nu, quần chúng nổi dậy xoá bỏ chính quyền địch, ta giải phóng toàn bộ vùng nông thôn của huyện. Sau đồng khởi, vùng giải phóng của huyện H2 được mở rộng từ Ơi Nu dọc đường số 7 đến giáp MĐrak.
Cuối năm 1960 đến 1961, đại bộ phận vùng nông thôn ở MĐrak, huyện H2, huyện H3 và một số xã của huyện Buôn Hồ và Đak Mil, gồm 30 xã, 200 thôn buôn, với 3000 dân được giải phóng và mở rộng.
 Phong trào đồng khởi của huyện A10 trong năm 1960 -1961 được Khu uỷ đánh giá là phong trào mạnh nhất của tỉnh Đak Lak. Nhân dân các vùng nông thôn dưới sự kiểm soát của địch đã nhất tề nổi dậy kết hợp với lực lượng vũ trang tấn công các đồn bót, phá lỏng hệ thống kìm kẹp của địch ở các buôn làng, xoá bỏ bộ máy tề nguỵ cơ sở, lập chính quyền tự quản. Thắng lợi của phong trào đồng khởi của nhân dân huyện A10 đã góp phần cùng nhân dân trong tỉnh tấn công tiêu diệt địch, giành quyền làm chủ một vùng nông thôn rộng lớn.
Có kết quả trên, công tác binh tề vận cũng đóng góp vai trò quan trọng. Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, công tác binh tề vận được tỉnh Đak Lak và huyện H2 rất chú trọng và chỉ đạo kịp thời.
 Trong những năm đầu xây dựng cơ sở, bên cạnh việc tuyên truyền vận động quần chúng tạo chỗ dựa vững chắc để cán bộ hoạt động bất hợp pháp gây dựng phong trào, Ban cán sự H2 đẩy mạnh công tác binh tề vận, tranh thủ các tầng lớp trên, tề ngụy, dân vệ, binh lính người địa phương để tuyên truyền giáo dục nhận rõ âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ và tay sai, từ đó khơi gợi lòng yêu nước, gây cảm tình với cách mạng, lôi kéo họ ủng hộ đồng tình các cuộc đấu tranh chính trị của quần chúng. Do vậy hầu hết tề ngụy cơ sở ở các xã buôn như Đất Bằng, Sông Ba... ta đều nắm được làm tề “hai mặt” (vừa làm tề, và hoạt động theo chỉ đạo của ta). Đồng thời thông qua đối tượng này để lôi kéo, hạn chế hoạt động chống phá cách mạng của những phần tử xấu. Đối với binh lính, ta đã tranh thủ thông qua gia đình, vợ con, tầng lớp trên để vận động cảm hóa, tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị trực diện của quần chúng, trong đó có các gia đình binh sĩ, tề xã, buôn và tầng lớp trên tham gia kéo lên đồn bốt, quận lỵ đòi chồng con bỏ ngũ trở về.
 Công tác binh tề vận của ta đã đạt được kết quả nhất định, qua tuyên truyền vận động, các đơn vị bảo an ở các buôn chốt đồn Ơi Nu, Mlah, Blech khi đi càn đã tìm cách né tránh, không lùng sục sâu vào vùng căn cứ[50]. Nhiều người làm cơ sở nội tuyến cho ta, như cơ sở nội tuyến ở đồn Ơi Nu đã nắm chắc tình hình, tạo thời cơ để lực lượng ta đột nhập đánh diệt địch, thu toàn bộ vũ khí.
Sau đồng khởi, công việc cấp bách trước mắt của cấp uỷ lúc này là tập trung củng cố, xây dựng đảng và tổ chức đoàn thể, phát triển sản xuất, bước đầu hướng dẫn tổ chức vần đổi công ở một số buôn. Trong vùng căn cứ, quần chúng đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất, trồng mì, lang nhằm đảm bảo lương thực, ổn định đời sống. Đồng chí Nguyễn  Khuê (Ama Hlơ), phụ trách kinh tế tỉnh xuống vùng nông thôn Ia Rsai nắm tình hình sản xuất của từng gia đình để có cơ sở cấp phát nông cụ, hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng rau màu, đánh luống trồng khoai... để cho năng suất cao.
Thực hiện thí điểm vòng đổi công ở vùng giải phóng phía bắc Đak Lak, ở xã Chư Drăng, ta vận động, hướng dẫn nhân dân tham gia phong trào tổ vòng đổi công  tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất. Hình thức này đã có tác dụng trong việc phát huy tinh thần đoàn kết trong nội bộ cộng đồng làng, hỗ trợ tích cực cho từng hộ trong sản xuất mùa vụ.
Các tổ đổi công được hình thành theo từng lớp tuổi (đồng bào gọi là Nham) đã tập hợp được thanh niên và từng giới làm rẫy đổi công cho nhau. Tổ đổi công đã phát huy tinh thần đoàn kết thực sự, thông qua một số cán bộ cơ sở người địa phương ở lại để lồng ghép tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước cách mạng trong quần chúng, hướng dẫn cách dự trữ muối để chống thiếu muối trong lúc khó khăn. Các buôn ở xã Krông Năng, buôn Chai, Uôr, Nung đến Tờ Khế, Ơi Nu, đồng bào lợi dụng nguồn nước gần sông, suối để làm ruộng lúa nước.
Phong trào học văn hoá, văn nghệ, xây dựng buôn làng cũng được đẩy mạnh. Việc học chữ được hình thành theo từng nhóm, thanh niên rất tích cực học chữ để làm cách mạng. Phong trào văn nghệ được phát động rộng rãi trong nhân dân. Các làng thành lập các đội văn nghệ, thường xuyên tổ chức ca múa hát vào những dịp lễ hội, sau mùa vụ. Thanh niên buôn làng rủ nhau đi làm công trong các đồn điền để lấy tiền mua các bộ chiêng, sắm dụng cụ để phục vụ cho sinh hoạt văn nghệ. Nhiều bài hát mới được đồng bào tự sáng tác trong đồng khởi có tác dụng khơi dậy lòng yêu nước, yêu quê hương, kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh chống Mỹ- Nguỵ.
Về y tế, năm 1960 trạm xá tỉnh Đak Lak được thành lập, đóng tại căn cứ Chư Djú, do đồng chí Siu Pui (Ama Thương) từ miền Bắc về phụ trách, có mở lớp cứu thương cấp tốc để phục vụ các đơn vị lực lượng vũ trang, đảm bảo cứu thương cho cán bộ, bộ đội khi chiến đấu. Ở huyện H2, các đội y tế lưu động tích cực xuống các xã, các buôn làng để vận động, hướng dẫn đồng bào vệ sinh phòng bệnh, thực hiện ba sạch trong việc ăn uống, sinh hoạt, dùng thuốc nam khi đau ốm, bước đầu xóa bỏ tập tục mê tín dị đoan và tham gia xây dựng đời sống mới.
Xây dựng, phục vụ và bảo vệ hành lang: Để đáp ứng yêu cầu của chiến trường, Tỉnh Đak Lak và các huyện chú trọng xây dựng hành lang. Từ sau năm 1954, lực lượng giao liên tỉnh Đak Lak được hình thành gồm 11 đồng chí làm nhiệm vụ chuyển công văn giấy tờ và đưa đón, bảo vệ cán bộ qua lại trên các tuyến đường dây tỉnh, huyện.
Sau năm 1959, Trung ương và Khu uỷ V tăng cường nhiều đoàn cán bộ và vũ khí cho các tỉnh Tây Nguyên. Các trạm hành lang và giao liên được tăng cường để đảm bảo sự chỉ đạo từ Trung ương, Khu uỷ V về tỉnh, huyện và vận chuyển hàng hoá thông suốt. Lực lượng giao liên tăng lên gấp bốn, năm lần, qui mô các trạm hành lang được mở rộng. Vào những lúc cao điểm, tỉnh phải huy động đồng bào các huyện, xã có đường hành lang, các trạm giao liên đứng chân để tham gia vận chuyển hàng hoá, vũ khí, đạn dược.
 Thời gian này, cơ quan Tỉnh uỷ Đak Lak và huyện H2 đóng tại buôn Ma Nhao, sau chuyển ra buôn Chư Djú.
Hành lang trên địa bàn huyện H2 có vị trí chiến lược quan trọng, là hành lang Trung ương và của Liên tỉnh uỷ. Trên địa bàn huyện H2 được tổ chức bốn trạm hành lang giao liên Bắc - Nam và Đông – Tây. Trạm 41, 42 ở phía bắc sông Ba, trạm 43, 44 ở phía nam sông Ba. Trạm 41 (T 41- nay thuộc huyện Ia Pa, Gia Lai) đóng ở buôn Ma Klít, phía bắc xã Ia Rsai, chỉ có 2 gia đình đồng bào. Trạm 42 đóng tại Buôn Ia Rsai, xã 3. Trạm 43 đóng tại buôn Ơi Hyik (Ơi HDjik), xã Đất Bằng. Trạm T44 tại vùng Uôr, xã 6.
Các trạm hành lang phía bắc liên lạc với Gia Lai tại làng Thung Ngung qua buôn Bâu, từ Uôr tỏa đi các nơi khác. Từ trạm 41 là trạm đầu giáp Khu 7 (Gia Lai) do Ama Toa phụ trách, đường hành lang vận chuyển về phía nam, qua xã Ia Rsai, về Tân Túc, tới trạm 42. Các tuyến hành lang này đảm bảo vận chuyển hàng hoá, đưa đón cán bộ từ Bắc vào chiến trường phía nam và mặt trận Tây Nguyên. Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, nhiều anh chị em làm công tác giao liên đã phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh để giữ vững sự thông suốt, an toàn trên các tuyến hành lang.
Hành lang A là đường hành lang Trung ương chạy dọc theo các trạm từ T41 đến T44 trên địa bàn huyện H2, qua trạm T45 thuộc tỉnh Khánh Hoà, vào trạm T47 đến Trung ương Cục. Huyện H2 còn là trung tâm đầu mối giao thông, liên lạc, nối tỉnh Đak Lak với Gia Lai, Phú Yên. Nhân dân trong vùng đã tích cực đóng góp công sức phục vụ bảo vệ hành lang, đưa đón cán bộ, bộ đội, đáp ứng yêu cầu về lương thực, thực phẩm cho chiến trường.
Trong kháng chiến chống Pháp, các trạm hành lang từ Bắc vào, mỗi trạm có ít nhất 6 người, từ 2 đến 4 ngựa. Trong chống Mỹ, khi yêu cầu của mặt trận tăng cao, các trạm hành lang  T42- T44 huy động cả ngựa để phục vụ việc chuyên chở hàng hoá. Các trạm 43, 44, Phú Cần, Mlah, Đất Bằng đã trở thành nơi cung cấp lương thực, hàng hoá cho cách mạng thông qua các luồng buôn bán từ Phú Yên lên Cheo Reo và ngược lại. 
Trong điều kiện chiến tranh, địa hình hiểm trở, công tác hành lang, giao liên gặp muôn vàn khó khăn, nhưng với tinh thần “Vì chiến trường miền Nam, quyết tâm giải phóng đất nước”, anh em cán bộ đường dây đã không quản mọi hiểm nguy để đưa đón, bảo vệ cán bộ an toàn, đảm bảo vận chuyển công văn giấy tờ, vũ khí, đạn dược tới đích không thất thoát. Những câu thơ “Trên lưng mang ánh sao vàng. Mang kim chỉ lối soi đường đấu tranh” là lời động viên tinh thần của cán bộ, chiến sỹ đường dây quyết tâm vượt mọi gian khó, đưa hàng nhanh tới đích, an toàn. Nhiều cán bộ hành lang như Ama Toa, Ama Kim...luôn hoàn thành nhiệm vụ phục vụ và bảo vệ trên các tuyến hành lang. Nhiều cán bộ, chiến sỹ đường dây đã hy sinh trên đường làm nhiệm vụ để giữ vững sự chỉ đạo thông suốt của Trung ương, của tỉnh với huyện. Ngoài ra, vừa lo công tác phục vụ, bảo vệ hành lang, cán bộ, chiến sỹ vừa phải sản xuất để tự túc lương thực cho mình và phục vụ cho cán bộ, bộ đội qua trạm.
Các tuyến hành lang của H2 luôn bảo đảm liên tục vận chuyển hàng hoá, đưa đón cán bộ vào Nam, ra Bắc và đi các tỉnh. Tuyến hành lang A cũng đã từng đưa đón các đoàn cán bộ lãnh đạo của Trung ương Cục, Khu uỷ một cách an toàn, như các đồng chí Võ Chí Công, Trần Lương, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ…vào chỉ đạo chiến trường miền Nam.
Từ năm 1960-1962 trở đi, phong trào dân công phục vụ trên các tuyến hành lang phát triển mạnh mẽ. Nhân dân các buôn làng đã đóng góp nhiều công sức cho công tác phục vụ hành lang. Có những thời điểm để kịp thời đáp ứng yêu cầu của chiến trường, nhân dân trong huyện được huy động tham gia đi dân công, vận chuyển hàng hoá, đưa đón cán bộ, bộ đội. Đồng bào các buôn làng không kể thanh niên nam nữ, trẻ già rất tích cực tham gia gùi cõng hàng hoá, đạn dược, đưa đường cho cán bộ, bộ đội. Các buôn làng dọc đường hành lang đã ủng hộ, đóng góp lương thực, cung cấp thực phẩm, trâu bò, heo gà… phục vụ cho các đoàn công tác qua các trạm đường dây với tinh thần tự nguyện rất cao.
Đồng bào ở các buôn trên các bến đò sông Ba, buôn Chay, buôn Thúa, hàng ngày thay phiên nhau đưa đón cán bộ, bộ đội và vận chuyển hàng hoá qua sông đảm bảo bí mật, an toàn. Tiêu biểu như Amí H’Tring ở Buôn Chay, nhiều năm làm Bí thư chi bộ xã đã tích cực lãnh đạo nhân dân tham gia đưa đón hàng ngàn cán, bộ đội qua sông an toàn. Đồng bào các buôn Ma Leo, Ma Phu…tích cực tham gia đưa công văn hoả tốc, chuyển hàng, tải đạn.
Trong các phong trào đấu tranh chính trị, cũng như phục vụ hành lang, chị em phụ nữ đóng vai trò rất to lớn. Phụ nữ các buôn làng tích cực vận động nhân dân đóng góp lương thực, thực phẩm, không quản ngày đêm thay nhau giã gạo, sàng xảy để ủng hộ cho cách mạng, đảm bảo phục vụ cho cán bộ qua hành lang. Nhiều chị trực tiếp tham gia vận chuyển hàng hoá, vũ khí đạn dược trên các trạm hành lang. Rahlan H’Noan, buôn Ma Hing, thoát ly theo cách mạng từ năm 12 tuổi làm chiến sỹ hành lang. Chị lập được nhiều thành tích trong công tác giao liên, đưa đón cán bộ. Có lần chị cùng 5 chị giao liên nhận nhiệm vụ đưa một đồng chí cán bộ lãnh đạo của tỉnh Đak Lak đi về căn cứ. Trên đường bị địch phát hiện đánh úp, các chị đã tìm cách bảo vệ an toàn cho cán bộ. Ngoài ra ở buôn Chư Djú có Amí Mi, Amí H’lam...rất tích cực tham gia dân công gùi cõng đạn trên hành lang bắc-nam. Nhiều chị mang 50-60 kg đạn dược, hàng hóa bảo đảm an toàn.
Công tác hành lang, giao liên trong những năm sau càng mở rộng do yêu cầu của mặt trận. Ngoài tuyến hành lang Trung ương, hành lang của tỉnh, từ năm 1960 ở các buôn làng đều tổ chức đường dây liên lạc bí mật do thanh niên đảm nhận. Việc chuyển công văn, còn gọi là "Gat Hră", "Đuái Hră"[51] từ làng này sang làng khác đều rất kịp thời và bí mật.
Sự đóng góp và tinh thần phục vụ của lực lượng giao liên và nhân dân trong huyện trên các tuyến hành lang đã góp phần không nhỏ làm nên thắng lợi các chiến dịch trên địa bàn huyện và tỉnh Đak Lak.
Đến cuối năm 1960, trước sự phát triển mạnh mẽ của cao trào đồng khởi trong nhân dân toàn miền Nam đã căn bản làm tan rã hệ thống chính quyền cơ sở địch ở vùng nông thôn. Thắng lợi của phong trào đồng khởi trong toàn miền đã đưa cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn mới. Ngày 20-12-1960, tại xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên) tỉnh Tây Ninh, vùng giải phóng miền Đông Nam bộ, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đề ra Chương trình hành động 10 điểm, kêu gọi toàn dân tộc, toàn lực lượng, giai cấp, tầng lớp, tôn giáo đoàn kết trong mặt trận chung chống kẻ thù.
Tháng 11-1960, tại xã Đak Gleh (huyện 1, tỉnh Gia Lai), Liên khu uỷ V tổ chức Đại hội đoàn kết các dân tộc thiểu số miền Trung và Tây nguyên, đoàn đại biểu tỉnh Đak Lak do cụ Y bih Alêô dẫn đầu. Đại hội đã thành lập Phong trào dân tộc tự trị Tây Nguyên và bầu Uỷ ban Phong trào dân tộc tự trị Tây Nguyên do cụ Y Bih ALêô, nhân sỹ trí thức người Ê Đê làm Chủ tịch. Amí Đoan, người buôn Uôr (H2) được bầu làm Ủy viên Ủy ban mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đại hội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc, kêu gọi đồng bào các dân tộc miền núi đoàn kết cùng đồng bào cả nước tích cực tham gia trong cuộc đấu tranh chống Mỹ-Diệm và chống âm mưu chia rẽ của địch.
Sau khi Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, đầu năm 1961 Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Đak Lak được thành lập. Ở các huyện trong tỉnh, Mặt trận dân tộc giải phóng cũng lần lượt được hình thành.
Tại huyện A10, đã tổ chức Đại hội nhân dân thành lập Mặt trận dân tộc giải phóng huyện, do đồng chí Ama Hiu làm Chủ tịch. Ở các xã lần lượt hình thành tổ chức mặt trận cơ sở. Sau khi ra đời, Mặt trận huyện, xã làm mọi việc quản lý xã hội trong khi chưa có chính quyền, phát huy vai trò nòng cốt trong việc tập hợp các lực lượng, giai tầng đấu tranh chống Mỹ- Diệm, giải phóng quê hương, đất nước.
Trong công tác xây dựng Đảng đã đạt được nhiều kết quả. Năm 1954, toàn tỉnh còn hơn 100 đảng viên, đến cuối 1960 tăng lên 300 đảng viên và 20 chi bộ. Các huyện, xã trong tỉnh hầu hết đều xây dựng được tổ chức cơ sở Đảng và phát triển đảng viên mới.
Ở huyện A10, đến năm 1960 số lượng chi bộ của huyện phát triển: Đông Cheo Reo (H2) có 4/6 xã có chi bộ, huyện MĐrak (H1) có 6/6 xã có chi bộ. Đảng bộ huyện tăng cường công tác bồi dưỡng giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, đẩy mạnh công tác phát triển đảng viên mới và xây dựng tổ chức Đảng ở các xã và đến buôn làng. Đồng thời đẩy mạnh củng cố các tổ chức Mặt trận, đoàn thể, các Ban tự quản trong vùng căn cứ, vùng mới giải phóng; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, Chính phủ, tích cực tham gia các phong trào đấu tranh bảo vệ và phát triển vùng căn cứ, vùng giải phóng.
Từ cuối 1954- 1960 là giai đoạn đấu tranh mới hết sức gay go và phức tạp, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện H2, về sau là A10, quân và dân trong huyện phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng, từng bước vượt qua mọi thử thách gian nguy, đoàn kết một lòng, kiên quyết đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ buôn làng.
Thực tiễn tình hình địa phương đã thể hiện rõ chủ trương của Đảng bộ huyện: Nhờ nắm bắt nhanh nhạy tình hình của cuộc kháng chiến, Đảng bộ huyện đã triển khai kịp thời chủ trương của tỉnh, nhanh chóng củng cố và phát triển cơ sở nòng cốt, đẩy mạnh đấu tranh chính trị, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc, tạo điều kiện cho việc kết hợp với đấu tranh vũ trang, tiến tới phát động phong trào đồng khởi trong toàn vùng, phát động quần chúng giành quyền làm chủ và giải phóng phần lớn vùng nông thôn. Đồng thời hình thành khu căn cứ cách mạng rộng lớn, làm nơi đứng chân cho cơ quan tỉnh, huyện. Tập trung xây dựng chính trị, tổ chức Đảng vững mạnh, tăng gia sản xuất, bảo đảm đời sống cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, bảo toàn lực lượng, từng bước chuẩn bị cho đấu tranh vũ trang sau này.
Qua thực tiễn của những năm đầu đấu tranh chính trị, kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, Đảng bộ và nhân dân trong huyện ngày càng trưởng thành. Kết quả thắng lợi phong trào đồng khởi đã tạo ra thế và lực mới để Đảng bộ và nhân dân huyện H2 vững vàng bước vào thời kỳ đấu tranh cách mạng mới, chống chiến lược "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ- Nguỵ.
III- ĐẤU TRANH CHỐNG GOM DÂN LẬP ẤP CHIẾN LƯỢC, GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC “CHIẾN TRANH ĐẶC BIỆT” CỦA ĐẾ QUỐC MỸ (1961-1965)
1- Đấu tranh chống âm mưu gom dân lập ấp chiến lược của địch.
Sự lớn mạnh của phong trào đồng khởi toàn miền đã đưa cách mạng miền Nam chuyển từ giữ gìn lực lượng sang tấn công địch, từ khởi nghĩa từng phần chuyển sang chiến tranh cách mạng. Thất bại trong chính sách “tố cộng, diệt cộng”, đế quốc Mỹ buộc chuyển sang chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” để đối phó với phong trào cách mạng miền Nam.
"Chiến tranh đặc biệt" là hình thức đặc thù của chủ nghĩa thực dân mới, nằm trong chiến lược toàn cầu "phản ứng linh hoạt" của đế quốc Mỹ, còn gọi là "Chiến tranh chống lật đổ". Để tiến hành chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", Mỹ sử dụng lực lượng nguỵ quân, nguỵ quyền làm công cụ chủ yếu, tổ chức trang bị vũ khí, phương tiện, huấn luyện và nuôi dưỡng nhằm chống phá phong trào cách mạng miền Nam đang phát triển mạnh mẽ và cứu vãn nguy cơ sụp đổ của chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm.
Để triển khai "Chiến tranh đặc biệt",  kế hoạch Stalây-Taylo được thực hiện với ba biện pháp chiến lược: Tăng cường lực lượng quân nguỵ và phương tiện chiến tranh do cố vấn Mỹ chỉ huy. Tiến hành càn quét, bình định, gom dân lập ấp chiến lược trên qui mô lớn nhằm tách dân ra khỏi cách mạng và dập tắt phong trào cách mạng ở nông thôn. Phong toả, đánh phá vùng biên giới, hải đảo và miền Bắc, cắt đứt sự chi viện của hậu phương với tiền tuyến. Kế hoạch được triển khai thực hiện trong vòng 18 tháng.
 Trên địa bàn Đak Lak và huyện A10, Mỹ-Ngụy tăng cường bắt lính, phát triển lực lượng quân nguỵ trên các chiến trường, củng cố và xây dựng đồn Ơi Nu, Mlah, Hoanh Châm, cài cắm quân tại các chốt để kiểm soát sự qua lại của dân chúng trên đường 7. Lập các trung tâm huấn luyện biệt kích, củng cố các sân bay Buôn Ma Thuột, Cheo Reo, sân bay dã chiến ở MĐrak, Buôn Đôn, Đức Lập... mở các cuộc hành quân càn quét vùng căn cứ, vùng giải phóng... nhằm đánh phá phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.
Ngày 24-01-1961, Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) ra Chỉ thị về phương hướng, nhiệm vụ công tác trước mắt của cách mạng miền Nam; nhận định tình hình sau đồng khởi: "Thời kỳ tạm ổn định của chế độ Mỹ-Diệm đã qua và thời kỳ khủng hoảng liên tiếp, suy sụp nghiêm trọng đã bắt đầu"[52]. Đồng thời xác định phương hướng chiến lược cách mạng miền Nam là: “Tiến lên tổng khởi nghĩa với những đặc điểm mới...cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa của nhân dân sẽ bùng nổ để lật đổ chính quyền Mỹ-Diệm, giải phóng miền Nam". Bộ Chính trị quyết định phương châm đấu tranh mới là: “Đẩy mạnh hơn nữa đấu tranh chính trị, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh vũ trang lên song song với đấu tranh chính trị, tiến công địch bằng cả hai mặt chính trị và quân sự".
Chỉ thị có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tư tưởng chỉ đạo cơ bản của Đảng ta đối với cách mạng miền Nam, chuyển từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng toàn dân, toàn diện.
Tháng 5-1961, Thường vụ Khu ủy V chủ trương đẩy mạnh tiến công địch về quân sự, chính trị, khẩn trương xây dựng lực lượng ta về mọi mặt, củng cố và mở rộng căn cứ địa miền núi, xây dựng, bảo vệ hành lang... ra sức tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng sinh lực ta.
Do điều kiện tình hình chiến trường, để tổ chức lại các Liên tỉnh theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Liên khu V tiến hành giải thể Liên tỉnh 3 và 4, tách Liên khu V thành hai khu: Khu V và Khu VI[53].
Cuối năm 1961, Tỉnh ủy Đak Lak tách huyện A10 thành hai huyện MĐrak (H1) và Đông Cheo Reo (H2) như cũ. Đồng chí Nguyễn Đức Nhuần (Ama Đức) làm Bí thư Ban cán sự huyện H2.
Năm 1962, tách vùng nội thị xã Hậu Bổn và vùng ven, thành lập huyện H7 để tập trung chỉ đạo phong trào trong vùng. Ban cán sự huyện H7 do đồng chí Ama Thiêng làm Bí thư, các đồng chí Châu, Chước, Ama Klung, Lê Quốc Hưng, Hoàng là ủy viên.
Tháng 2-1962, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ Đak Lak, tại xã Ia Rmok, Đại hội Đảng bộ huyện H2 lần thứ nhất được tổ chức. Đại hội đánh giá tình hình lãnh đạo phong trào từ năm 1954, đề ra nhiệm vụ giữ vững vùng căn cứ, mở rộng và phát triển vùng giải phóng, xây dựng thực lực, chống địch gom dân lập ấp, phát động phong trào diệt ác phá kìm, thành lập đại đội 67(A67). Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 15 đồng chí. Đồng chí Y Ngor (Ama Hly) làm Bí thư. Đồng chí Y Ben (Ama Hoa), Ama Hiu làm Phó bí thư. Các ủy viên là Nguyễn Tiển (Ama Đam), Nguyễn Văn Hướng, huyện đội trưởng, Nguyễn Việt Đức, Trưởng ban an ninh, Amí H’Tring, phụ trách phụ nữ.
Sau Đại hội, Đảng bộ huyện H2 đẩy mạnh công tác lãnh đạo phong trào địa phương, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Phát động quần chúng đấu tranh chống âm mưu dồn dân lập ấp chiến lược của địch.
Trong hai năm 1961-1962, Mỹ- Diệm đẩy mạnh hoạt động gom dân lập ấp chiến lược, lấy buôn Ia Nao làm thí điểm, bắt tề các nơi đến học tập, từ đó nhân rộng ra toàn tỉnh. Ở các vùng địch kiểm soát, còn gọi là "vùng an ninh" và vùng ven thị xã, quận lỵ, thị trấn, chúng tiến hành lập ấp tại chỗ, củng cố bộ máy tề nguỵ cơ sở để kìm kẹp dân chúng, phát triển dân vệ và phòng vệ dân sự, trang bị vũ khí cho lực lượng này để tăng cường sự kiểm soát dân chúng. Ở những vùng mới giải phóng và vùng ta làm chủ, Mỹ -Diệm gọi là "vùng mất an ninh", nên tăng cường mở các cuộc càn quét lấn chiếm, gom xúc dân với phương châm đốt sạch, phá sạch để thực hiện âm mưu dồn dân lập ấp.
Vùng MĐrak và H2 sau đồng khởi ta đã giải phóng được một vùng rộng lớn, (trừ quận lỵ MĐrak). Do vậy, trong kế hoạch dồn dân lập ấp, Mỹ- Diệm tập trung mạnh ở vùng này.
Tháng 6-1961, địch lập 6 ấp chiến lược, đến cuối năm 1962 dồn dân ở nam và bắc sông Ba lập thêm 20 ấp quanh đồn Mlah và dọc đường số 7 Đông Cheo Reo.
Ở phía bắc sông Ayun dọc đường 7 đến dinh điền Kế Thiện, địch lập thêm 11 ấp chiến lược, phát triển thanh niên chiến đấu, trang bị vũ khí cho dân vệ các thôn làng. Riêng buôn Ma Rôk trang đã bị 157 súng cho một tiểu đoàn dân vệ mới xây dựng.
Ấp chiến lược, các khu dồn được tiến hành dưới hai hình thức dồn dân lập ấp tại chỗ, hoặc dồn dân các làng về một địa điểm gần đồn bốt để lập ấp. Thực chất đây là trại giam trá hình của Mỹ- Diệm nhằm kiểm soát dân chúng, tách người dân ra khỏi ảnh hưởng của cách mạng. Các ấp có vọng gác, với hàng rào tre và kẽm gai. Trong ấp thường xuyên có tiểu đội lính bảo an, dân vệ canh gác và bộ máy tề nguỵ cai quản. Đồng bào sống trong ấp chiến lược, khu dồn chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của địch. Đi lại sản xuất vào ban ngày dưới sự kiểm tra giám sát chặt chẽ, chiều 4 giờ phải về lại khu dồn. Để ngăn cấm không cho dân mang gạo muối ra ngoài hòng chặn nguồn tiếp tế của dân với cán bộ cách mạng, địch bắt người dân mang gùi úp miệng xuống đất khi đi ra ngoài. Khi tụ tập đông người ngoài rẫy để cúng bái, uống rượu đều phải xin phép. Có lúc chúng cho cả máy bay L19 quần lượn để kiểm tra dân ngoài rừng, rẫy. Thanh niên sống trong ấp bị bắt học quân sự tập trung từ 1-3 tháng. Phụ nữ, người già ở nhà chặt cây rào làng, đào hào... Cuộc sống của nhân dân trong các khu dồn, ấp chiến lược vô cùng cực khổ, đồng bào luôn nung nấu một ý chí nổi dậy phá khu dồn trở về quê cũ làm ăn.
Để tăng cường kiểm soát, Mỹ- Diệm phát triển dân vệ, lập các đội thanh niên chiến đấu các buôn làng, trang bị vũ khí để bảo vệ ấp, nhằm âm mưu chia rẽ trong cộng đồng đồng bào dân tộc.
Để đối phó với tình hình, huyện H2 tăng cường lãnh đạo, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân vững vàng trước cuộc chiến đấu mới. Ở vùng nông thôn của huyện, các cuộc đấu tranh của đồng bào dân tộc trong các buôn làng liên tiếp diễn ra chống bắt lính, dồn dân lập ấp, đòi chồng con bỏ ngũ trở về.
Trong vùng căn cứ, vùng giải phóng, ta chú trọng xây dựng, củng cố lực lượng, các tổ chức Đảng, đoàn thể ở buôn làng, tăng cường chỉ đạo đấu tranh chống địch, phát triển sản xuất. Vùng căn cứ buôn Djú, xã Ia Rsai, các buôn vùng Uar, Đất Bằng, Chư Drăng...(H2) cùng với vùng Dlei Ya, buôn Bung, Bir, Hiao... (H3) đã trở thành những khu căn cứ cung cấp nhân tài vật lực trong suốt thời kỳ chống Pháp và những năm kháng chiến chống Mỹ- Diệm của hai huyện và là bàn đạp vững chắc của tỉnh Đak Lak, chỗ dựa của tỉnh  Phú Yên trong những năm đấu tranh chống Mỹ- Diệm.
Ngày 01-9-1962, chính quyền Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh 186-NV, cắt vùng đông, tây Cheo Reo, một phần bắc Đak Lak, nam Gia Lai lập tỉnh Phú Bổn, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hậu Bổn (thị trấn Cheo Reo cũ), với 3 quận: Phú Thiện, Phú Túc, Thuần Mẫn.
Quận Phú Túc gồm 2 tổng: Phú Mỹ và Đức Bình (trước thuộc tỉnh Phú Yên). Quận lỵ đặt tại Mlah, có 13 xã: xã Sơn Quang (gồm ấp Buôn Du, buôn Ma Phu, Buôn Ma Djăi…), xã Sơn Hiếu (gồm ấp Phú Cần, ấp Buôn Bông…), xã Đức An (vùng Kà Lúi), xã Đức Lập, xã Đức Thịnh (gồm các ấp buôn Chai, buôn Thúa, buôn Lao, buôn Choanh…), xã Đức Hưng (gồm các ấp buôn Hlối, Buôn Pan, Tối, Tang, Ji lớn, Ji nhỏ, Jú, Bầu, Tring…),  xã Sơn Phú (gồm các ấp buôn Ma Rôk, buôn Ngôm, buôn Bak, buôn Liơn, buôn Liơk…)… và xã Phú Tân (trung tâm).
Quận Phú Thiện gồm 5 tổng, 16 xã: Chư Sê, Ia Sol, Ia Hiao, Ia Piar (thuộc tỉnh Pleiku) và tổng Tolo-Tonia (trước thuộc Bình Định). Quận lỵ đặt tại Plơi Mnang.
Quận Thuần Mẫn gồm 2 tổng, 7 xã: Tổng Trung, Ia Rơbol (thuộc Pleiku) và 7 xã (nay thuộc địa bàn huyện Ea Hleo, tỉnh Đak Lak và một phần huyện Phú Thiện và thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai).
Sau khi lập tỉnh Phú Bổn, Mỹ- Diệm triển khai một loạt các biện pháp chiến lược về quân sự, chính trị, kinh tế nhằm củng cố địa vị trên địa bàn. Đẩy mạnh dồn dân lập ấp chiến lược, kiểm soát dân chúng vùng nông thôn, vùng chúng kiểm soát, càn quét, đánh phá vùng giải phóng, vùng căn cứ; ra sức củng cố hệ thống tề nguỵ cơ sở, tổ chức dân vệ và các hoạt động gián điệp, thám báo.
Trên địa bàn huyện, kế hoạch đánh phá, dồn dân lập ấp của địch có khác so với một số nơi. Trong khi các vùng H4 (Buôn Hồ), H5 (thị xã Buôn Ma Thuột) địch xúc tiến lập ấp, bước đầu là lập ấp tại chỗ, từ vùng sâu nống ra, sau đó đánh phá rộng, khốc liệt, thì ở huyện H2 do hầu hết là vùng giải phóng, nên địch tiến hành chậm nhưng chà xát dữ dội.
 Cuối tháng 9-1962, từ Cheo Reo (Phú Bổn) chúng mở cuộc càn sâu theo đường 7 đến tận quận Mlah (Phú Túc) với mục đích thăm dò tình hình lực lượng ta. Tháng 10-1962 tiến hành càn quét, có máy bay yểm trợ oanh tạc tại làng Kinh Quang Hiển, giết hại 12 người, trong đó hầu hết là phụ nữ và trẻ em.
Cũng trong tháng 10-1962, địch dồn xuống đánh phá, chiếm các chốt từ Ơi Nu xuống Phú Túc, nống ra đánh phá liên tục các làng dọc đường số 7, tiếp tục dồn xúc dân dọc trục đường 7 và vùng nam sông Ba để lập ấp. Chúng chà đi xát lại nhiều lần, đốt phá buôn làng, nương rẫy, giết hại đồng bào vùng nam sông Ba, bắc sông Ayun, phá hoại kinh tế để nhân dân không còn cơ sở bám trụ lại buôn làng cũ. Lúc này đã bước vào vụ thu hoạch, nhưng đồng bào buộc phải bỏ buôn, rẫy không thu hoạch được. Số đã thu hoạch thì bị đốt phá. Vùng soi nà thuộc buôn Bông bị thiệt hại nặng. Nhân dân trong xã, trong huyện bị đốt phá hơn 3.000 tấn lúa, nhiều trâu bò, heo gà và tài sản khác bị cướp, phá.
Đồng thời tập trung lực lượng mở các cuộc hành quân "An Dân", "Dân Thắng", "Nhơn Hoà", đánh chiếm các trục đường số 7, tăng quân đóng đồn Ơi Nu, Mlah và các cứ điểm Hoanh Châm, buôn Drah để làm điểm tựa càn quét sâu vào vùng Cheo Reo, bắc sông Ba và đông Buôn Hồ; dùng máy bay bắn phá ngày đêm vào các buôn làng, thực hiện âm mưu "đốt sạch, phá sạch" để dồn xúc dân. Ngoài ra chúng tăng cường chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, lừa mị dân, cưỡng ép dân vào các khu dồn, ấp chiến lược.
Trong năm 1961- 1962, Mỹ- Nguỵ đã dồn dân vùng nam và bắc sông Ba về thành 20 ấp chiến lược quanh đồn Mlah, Ơi Nu và dọc trục đường số 7. Nhiều khu dồn mọc lên như khu dồn Kà Lúi, khu ấp Buôn Nai, Buôn Thim, Sơn Hiếu, Sơn Quang..., riêng khu ấp Tơ Loah đến năm 1969 địch mới thành lập.
Tại khu dồn Kà Lúi, địch dồn dân một số buôn thuộc Phú Yên (còn gọi là khu Đức Hưng), các buôn Hlối, Pan, Tối, Tang, Ji lớn, Ji nhỏ, Jú, Bầu, Tring... thuộc xã Krông Năng (khu dồn Đức An, Đức Lập) và các buôn Thưk, Muk, Sai, Djrong dọc đường 7 dồn về.
Dân của xã Đất Bằng bị dồn về khu gần sân bay và ấp Tân sinh buôn Kết. Dân của xã Chư Drăng bị dồn sang đường 7, lập các ấp Ma Rok, buôn Thúa, buôn Chai... Dồn dân xã Ia Rsai và đồng bào vùng Ơi Nu, các buôn lân cận vùng tây cầu Ơi Nu lập các khu dồn Ia Rsai, Ơi Nu.
Khu ấp buôn Nai (còn gọi là Đức Lập) gồm dân của các buôn Nai, Hing, Lang, Yut, Rung, Kết...
Khu ấp Sơn Hiếu gồm 8 buôn, buôn Bông (Wông), buôn Lái, Bưng, Malông, Phú Cần, Phú Tân.
Khu ấp buôn Thêm (Đức Mỹ) gồm buôn Mlah, buôn Thêm, buôn Luk.
Khu ấp Sơn Quang gồm dân của các buôn Ma Hing, Ma Nhe, Dú (của xã Đất Bằng dồn ra).
Các xã ở bắc đường 7 bị càn quét liên tục. Thời gian đầu, địch mới chỉ gom xúc dân vào các khu dồn, ấp chiến lược, chưa thực hiện trang bị súng cho thanh niên, nhưng sau do nhiều lần bị các lực lượng của ta đột nhập phá ấp, nên địch tăng cường củng cố hệ thống bảo vệ, bắt dân vào rừng chặt cây về làm hàng rào kẽm gai, đào hệ thống giao thông hào quanh ấp, xây dựng công sự phòng thủ, bót gác và tiến hành trang bị vũ khí, súng đạn cho thanh niên để bảo vệ khu dồn. Ở những khu ấp lớn, những nơi xung yếu, chúng tăng cường lực lượng bảo an, dân vệ đóng giữ với số lượng từ tiểu đội đến trung đội. Đồng thời tổ chức lực lượng nhân dân tự vệ, thanh niên chiến đấu (sau gọi là phòng vệ dân sự), trang bị súng cho lực lượng này, bắt thanh niên tập quân sự, tham gia chiến đấu. Các ấp đều được trang bị vũ khí, ấp lớn có từ 70- 80 súng, ấp nhỏ có khoảng 20-30 súng. Tại khu dồn buôn Ma Rôk, địch trang bị 300 súng cho thanh niên để bảo vệ ấp, chống lại sự tấn công, đột nhập của lực lượng ta.
 Kế hoạch dồn dân lập ấp của địch đã gây phản ứng quyết liệt trong nhân dân. Khắp các vùng trong huyện diễn ra các cuộc đấu tranh chống địch gom dân lập ấp chiến lược với nhiều hình thức, đưa ra các khẩu hiệu "chống dồn dân lập ấp, chống bắn pháo vào làng, đòi bồi thường thiệt hại, đòi cải thiện đời sống...”.
Địch đẩy mạnh càn quét dồn dân lập ấp, ta lãnh đạo nhân dân tổ chức bố phòng, bất hợp tác chống địch. Hơn 6000 dân hai huyện Đông, Tây Cheo Reo kiên quyết đấu tranh bất hợp pháp.
Đồng bào các buôn ở Đất Bằng kiên quyết đấu tranh chống dồn, cho đến năm 1967, địch mới dồn được một số dân đưa về ấp buôn Kết. Các buôn làng vùng Đất Bằng, địch tiến hành 5 lần dồn xúc về Mlah, đồng bào đã tự tổ chức đấu tranh chống dồn, phân tán dân, một số về sống tại buôn Ma Djơng (Cheo Reo), một số chạy đi Buôn Ma Thuột, vào làm công trong các dinh điền tránh địch gom lại. Các buôn Tờ Khế, Ia Gier, Ia Rsai, Chư Djú (H2), đồng bào tìm cách trốn ra rừng xây dựng căn cứ chống địch.
 Tại xã Chư Drăng, địch lập các ấp buôn Bak, Ma Rôk, Chai, Ngôm, Thúa. Có ấp địch dồn 3- 4 buôn như buôn Liek, buôn Liên (Liơn), về lập ấp tại buôn Bak. Ở buôn Ma Rôk, địch dồn dân lập ấp tại chỗ. Đồng chí Ksor Djứ (Ama Hliêm), Huyện ủy viên là người địa phương đã ngày đêm bám buôn làng, nắm tình hình các ấp báo cho lực lượng ta, tích cực vận động thanh niên các buôn bất hợp tác và trả súng, không tham gia thanh niên chiến đấu.
Năm 1962-1963 phong trào trong tỉnh và huyện H2 gặp khó khăn do âm mưu dồn dân lập ấp chiến lược ồ ạt của địch. Chúng mở hàng loạt các chiến dịch  càn quét đánh phá, bắn giết tàn khốc, đi đôi với chiêu bài mua chuộc dụ dỗ. Hàng loạt khu tập trung, ấp chiến lược được lập nên, có các đơn vị dân vệ kìm kẹp quần chúng. Vùng căn cứ, vùng giải phóng của ta bị uy hiếp nghiêm trọng, đời sống nhân dân và cán bộ chiến sỹ vô cùng thiếu thốn, khó khăn.
Trước tình hình trên, tháng 2-1962, Hội nghị Khu uỷ V chủ trương: Tập trung mọi lực lượng và khả năng vào phá ấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hiện nay.
Tỉnh uỷ Đak Lak triển khai chủ trương của Khu uỷ V, đề ra nhiệm vụ trọng tâm trước mắt của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh là chống địch dồn dân lập ấp chiến lược, phá ấp diệt kèm, giành và giữ dân.
Quán triệt nhiệm vụ chung, huyện H2 chủ trương đẩy mạnh xây dựng phát triển thực lực, triển khai trong cán bộ, đảng viên nhiệm vụ trong tình hình mới, lãnh đạo đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang chống dồn dân lập ấp, phá ấp giành dân. Phát động phong trào cán bộ bám đất, bám dân. Tăng cường các đội công tác bám ấp, xây dựng cơ sở, lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Chống địch trang bị súng trong thanh niên, phát triển dân vệ. Khắc phục những khó khăn trước tình hình địch càn xúc dân.
Tuy nhiên, trong thời gian đầu địch tiến hành dồn dân lập ấp, trong lãnh đạo đấu tranh ta còn có những hạn chế, phương thức đấu tranh, bảo vệ phát triển vùng giải phóng còn nặng về vũ trang, bất hợp tác, chưa phát triển đấu tranh hai chân, ba mũi, nên khi địch dồn xúc, ta lãnh đạo dân tránh vào rừng sâu bất hợp tác với địch. Địch tăng cường kiểm soát, càn quét, đốt nhà, nương rẫy, phá hoại hoa màu để dồn xúc dân, đời sống quần chúng, kể cả lực lượng vũ trang, cán bộ cơ quan gặp nhiều khó khăn, đói, đau xảy ra, vì vậy nhiều người dân lại tìm cách trở về hợp pháp tạm thời trong ấp chiến lược.
Trên địa bàn huyện, số ấp địch lập  tại chỗ ít, phần lớn dân bị dồn xúc lập ấp mới. Rút kinh nghiệm trong chỉ đạo, để chống âm mưu dồn dân lập ấp của địch, huyện chuẩn bị tư tưởng cho nội bộ cán bộ đảng viên và quần chúng. Phương hướng chung là bất hợp tác với địch, kiên quyết chống dồn, đồng thời dự kiến các tình huống để đối phó với địch, bố trí lực lượng, cơ sở hợp pháp đi cùng dân, tạo thế hỗ trợ nhau trong cuộc đấu tranh chống phá ấp sau này.
Mặc dù bị dồn vào trong ấp, nhưng lòng dân vẫn hướng về cách mạng. Số bị dồn vào trong ấp tìm cách để trốn ra, phá ấp trở về làng cũ. Số còn ở ngoài rừng liên lạc với cán bộ ta để được hướng dẫn phương thức đấu tranh chống địch. Ta mạnh dạn xáp vào móc nối lại cơ sở, xây dựng lực lượng.
Tuy còn nhiều lúng túng, nhưng do chuẩn bị tốt lực lượng, cơ sở, nên ta vẫn giữ được một bộ phận cốt cán, cán bộ cơ sở để bổ sung cho các đội công tác bám ấp, bám dân, lãnh đạo quần chúng, xây dựng phong trào trong điều kiện khó khăn  lúc bấy giờ.
Từ giữa năm 1961, mỗi huyện được  bố trí từ 1-2 cán bộ chuyên trách công tác binh tề vận, nhưng về cơ bản, hoạt động binh tề vận ở các địa bàn vẫn chủ yếu do các đội vũ trang công tác đảm nhiệm. Trong công tác, tùy tính chất hoạt động của địch từng thời điểm trên địa bàn và với mỗi đối tượng để sử dụng hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp. Để phục vụ công tác binh tề vận, các đội vũ trang công tác được cung cấp tài liệu tuyên truyền, truyền đơn, khẩu hiệu, thư...có nội dung sát với các đối tượng của từng địa bàn. Nhiều nơi ta đã dịch truyền đơn, khẩu hiệu từ tiếng phổ thông ra tiếng dân tộc để sử dụng, hoặc viết bằng tay để kịp thời phục vụ yêu cầu của công tác. Nhờ làm tốt công tác tranh thủ tề, binh lính và xây dựng cơ sở bên trong nên ta nắm được một số cuộc càn quét của địch, tránh được thiệt hại. Nhiều binh lính làm ngơ trước những cuộc đấu tranh của quần chúng chống dồn dân, lập ấp.
Năm 1963, Mỹ- Diệm đẩy nhanh việc dồn xúc dân lập ấp chiến lược. Trên toàn tỉnh Đak Lak hàng trăm khu dồn, ấp chiến lược được lập nên với gần 10 vạn dân. Đồng thời tăng cường lực lượng bảo an, dân vệ, trang bị súng cho thanh niên chiến đấu các ấp để kiểm soát dân. Ngoài ra, còn tổ chức Ban trị sự, tổ liên gia để làm nhiệm vụ phân loại quần chúng, kê khai dân số, kiểm soát việc đi lại và sinh hoạt của người dân trong ấp. Lập tề, xã, ấp, tổ chức hội đồng, phối hợp các tổ chức, lực lượng để kìm kẹp quần chúng.
Từ cuối năm 1963- 1964 địch tăng cường bắt lính đôn quân, càn quét đánh phá ác liệt có trọng điểm để dồn xúc dân, củng cố lại các ấp chiến lược vừa bị ta phá. Ta mất thêm một số dân ở buôn Kết, buôn Mung vùng nam sông Ba. Nhiều vùng bị địch chà xát, dồn đến 4- 5 lần. Các cuộc càn quét của địch đã gây thiệt hại về người và của trong vùng. Ở các xã, buôn, nhà cửa của đồng bào bị đốt phá, tài sản, chiêng ché bị cướp, trâu bò, gia súc bị giết hại, mùa màng bị bỏ hoang mặc dù đến vụ thu hoạch. Trước sự cưỡng ép dồn xúc của địch, đồng bào phải gùi cõng con, lùa trâu bò vào sống trong ấp. Hơn 6 tháng trời chưa dựng được nhà để ở, phải sống cảnh màn trời chiếu đất. Trâu bò lùa không hết chạy sống hoang ngoài rừng. Tình hình sản xuất, sinh hoạt, đời sống của quần chúng ở trong ấp và cả vùng căn cứ đều bị xáo trộn, thiếu đói, lạt muối, người dân phải ăn củ rừng thay cơm, tiêu chuẩn muối chỉ có một nắp dầu cù là  trong tháng, tư tưởng cán bộ, đảng viên và quần chúng căng thẳng, lo lắng. Để có cái ăn, nhiều nơi đồng bào tìm cách trốn ra rừng bám rẫy sản xuất. Mặt khác, do địch kìm kẹp, kiểm soát chặt chẽ, một số cơ sở bị đứt liên lạc hoặc bị địch vô hiệu hoá. Có thời gian dài ta không phát triển được lực lượng mới, có nơi không bám được dân. Trước tình hình trên, huyện H2 chú trọng xây dựng thế tấn công địch, củng cố cốt cán cơ sở ở các buôn, chuẩn bị các phương án đối phó với các âm mưu địch khi bị chúng đánh phá, dồn xúc dân; xây dựng cán bộ cốt cán để bổ sung lực lượng vũ trang, các đội công tác bám khu dồn, ấp chiến lược để tuyên truyền vận động quần chúng; tổ chức lực lượng bên trong phối hợp với lực lượng vũ trang bên ngoài, đấu tranh phá ấp giành dân, động viên nhân dân sản xuất tự túc đảm bảo đời sống, giữ vững vùng căn cứ, vùng giải phóng; phát triển thực lực cách mạng để đưa phong trào toàn huyện đi lên.
Đảng bộ huyện thực hiện phương châm không đưa dân về làng cũ, tập trung dãn dân, đưa dân tránh ra ngoài rẫy sinh sống, không trở lại sống trong ấp. Tổ chức cho đồng bào các buôn làng các hình thức đấu tranh chống dồn dân, phân tán, cất giấu tài sản, tránh sâu vào rừng không để bị dồn lại. Hơn 2000 đồng bào các buôn vùng Ia Gir, Ia Rsai, Chư Djú kiên quyết bám trụ, chống địch dồn vào ấp chiến lược, giữ vững căn cứ, cơ sở đứng chân hoạt động của huyện. Tăng cường tuyên truyền vận động, tranh thủ số binh lính người địa phương bỏ ngũ trở về với cách mạng.
Cán bộ, cơ sở khi địch đánh phá quyết liệt thì rút vào bí mật, nhưng khi có thời cơ, điều kiện tiếp tục móc nối liên lạc trở lại. Nhờ có lực lượng quần chúng tốt, nên ta đã phát triển được thực lực phong trào, xây dựng cốt cán mới có chất lượng. Do vậy phong trào dần được củng cố, tiếp tục phát triển từng bước vững chắc, đẩy mạnh tấn công phá sự kìm kẹp của địch.
Năm 1963, vùng căn cứ của huyện H2 gồm 6 xã. Xã 1: vùng Quang Hiển, Đất Bằng gồm các buôn Ma Hing, Ma Djăi, Ma Lung, Ma Phu, Ma Nhê.
Xã 2: vùng núi Prong, gồm các buôn Ơi Kham, Ma Leo, Ơi Đak.
Xã 3: vùng suối Ia Soai gồm buôn Ơi HDjit, Chánh Đơn.
Xã 4: vùng Chư Djú bắc, gồm buôn Ia Giek, Chư Djú.
Xã 5: vùng Kơ Tau, Chư Mố, Ia Tul, Tờ Khế, buôn Blanh.
Xã 6: vùng buôn Run, buôn Djă (qua buôn HMung trên núi).
Đến cuối năm 1963, ta còn gần 2000 dân của các xã vùng căn cứ huyện, tuy về sau có bị mất thêm một số dân nhưng ta vẫn giữ được hơn 1000 dân.
Năm 1963, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam phát động phong trào "thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công".
Giữa năm 1963, Thường vụ Khu uỷ VI chủ trương mở đợt hoạt động tấn công vào vùng địch, phá ấp chiến lược trên một số địa bàn.
 Hưởng ứng phong trào, Tỉnh uỷ Đak Lak chủ trương mở đợt tấn công "giết giặc giành dân". Lực lượng vũ trang tỉnh Đak Lak tiến hành các cuộc vũ trang tấn công tiêu diệt các cuộc càn quét của địch ở vùng đông Dleiya, Buôn Hồ, tổ chức các cuộc đột nhập vào các ấp chiến lược, khu dồn... Ở huyện H3, các đội công tác và lực lượng vũ trang huyện đột nhập tước súng bọn dân vệ tại các buôn Chứ, Hit, phát triển cơ sở ở các ấp dọc đường số 7.
Huyện H2 đẩy mạnh phát triển lực lượng, kết hợp đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, tăng cường hoạt động vũ trang hỗ trợ quần chúng phá kìm, diệt ác, giành quyền làm chủ, giữ vững vùng giải phóng và vùng căn cứ. Phong trào đấu tranh chính trị, binh tề vận cũng phát triển mạnh. Các đội công tác tăng cường bám dân tuyên truyền vận động, hướng dẫn đấu tranh. Đối với ác ôn, tề nguỵ, ta có phương pháp cụ thể, tranh thủ tuyên truyền, vận động và từ đó phân loại từng đối tượng để có hướng xử lý. Đối với số binh lính người địa phương bị bắt đi cầm súng chống lại đồng bào, đều có sự ràng buộc, gắn bó với cộng đồng, đó là điều kiện thuận lợi để ta thâm nhập, tranh thủ và cảm hoá, lôi kéo họ đứng về phía cách mạng. Đồng chí Y Ngor (Ama Hly) là cán bộ ở lại, có uy tín và kinh nghiệm trong công tác dân vận, vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc. Năm 1963 đồng chí được phân công về phụ trách hành lang, nhiều lần chiến đấu dũng cảm chống địch, bảo vệ hành lang. Đồng chí đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ.
Để hỗ trợ quần chúng đấu tranh, lực lượng vũ trang huyện và du kích địa phương liên tục tổ chức đánh địch và củng cố cơ sở ở các ấp dọc đường số 7, đông Phú Túc. Tháng 4-1963, ta đánh thiệt hại nặng một đoàn xe địch từ Tuy Hoà đi Phú Bổn tại Cầu Đôi (nay thuộc địa phận xã Chư Rcăm), buộc địch bỏ xác đồng bọn rút chạy. Hàng trăm quần chúng dưới sự hướng dẫn của Amí H’Tring, Amí Nô khiêng xác lính nguỵ vào quận Phú Túc vạch tội ác, phát động tinh thần đấu tranh của nhân dân, tranh thủ binh tề vận, gây cảm tình và sự đồng tình ủng hộ của binh lính.
Các cuộc đấu tranh chống càn quét, gom dân lập ấp diễn ra ngày càng quyết liệt, dai dẳng và trở thành phong trào quần chúng rộng khắp. Âm mưu dồn dân lập ấp chiến lược của địch tuy gây cho ta nhiều khó khăn, tổn thất nhưng về cơ bản ta vẫn giữ được dân, tinh thần quần chúng vẫn được giữ vững.
Đến cuối năm 1963, được sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, quần chúng trong các ấp bung ra, phá lỏng kèm như khu ấp tây và đông cầu Lệ Bắc. Ở khu dồn từ cầu Mỏ Két xuống Chư Gu, đồng bào nổi dậy phá ấp, một số trở về buôn Uôr, Buôn Nung dọc hai bên sông Ba, một số bung ra về ở các chòi rẫy.
Để thuận tiện cho việc chỉ đạo, tháng 6-1963 theo chủ trương của Khu uỷ VI, tỉnh Đak Lak tiến hành điều chỉnh địa bàn, giải thể và sáp nhập một số đơn vị hành chính. Tháng 8-1963 Đại hội Đảng bộ B3 (bắc Đak Lak) lần thứ II được tổ chức tại Ia Drah, vùng căn cứ đông Chư Djú. Đồng chí Nguyễn Liên (Bốn Đạo) được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Đại hội đã tạo sức mạnh mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh quyết tâm đấu tranh chống địch, giữ vững phong trào.
Sau Đại hội, phong trào phá ấp giành dân trong toàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Lực lượng vũ trang và các đội công tác huyện H2 được củng cố, tăng cường hoạt động sâu trong các ấp và khu dồn, phối hợp cùng với lực lượng của tỉnh đẩy mạnh tấn công địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy phá ấp và khu dồn, đưa dân về làng cũ.
Tháng 10-1963 Trung ương có sự điều chỉnh lại chiến trường Khu V, Khu VI, giải thể Khu X, giao các tỉnh thuộc Khu X về Khu VI. Tỉnh Khánh Hoà, B3 (bắc Đak Lak) và B5 (nam Đak Lak) trước thuộc Khu VI nay thuộc sự chỉ đạo của Khu V. Thành lập Liên tỉnh 3 gồm tỉnh Phú Yên, Khánh Hoà, B3, B5 do đồng chí Hồng Châu, Khu uỷ viên Khu uỷ V làm Bí thư Liên tỉnh 3. Sự điều chỉnh lại chiến trường Khu V, VI nhằm tăng cường sự chỉ đạo của các Khu uỷ đối với phong trào các tỉnh Tây Nguyên.
2- Lãnh đạo nhân dân trong huyện nổi dậy phá ấp, giải phóng nông thôn
Phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân toàn miền ngày càng phát triển mạnh, chuyển sang thế tấn công, đẩy Mỹ - Nguỵ vào thế phòng ngự, bị động. Kế hoạch Stalây-Taylo từng bước thất bại. Mâu thuẫn nội bộ giữa chính quyền tay sai Sài Gòn và đế quốc Mỹ ngày một gay gắt. Để cứu vãn tình thế, tháng 11-1963 Mỹ tiến hành đảo chính "thay ngựa giữa dòng", lật đổ Diệm- Nhu, đưa Dương Văn Minh lên cầm quyền .
Tháng 3-1964, Mỹ thông qua chiến lược mới với kế hoạch Măc Namara hòng mở rộng chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", tăng cường quân nguỵ, cố vấn Mỹ, đẩy mạnh kế hoạch lập ấp chiến lược, bình định miền Nam trong 2 năm 1964- 1965. Cuộc chiến tranh của nhân dân ta đứng trước khó khăn và phức tạp.
Tháng 12-1963, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 9 đã phân tích tình hình âm mưu, kế hoạch chiến tranh mới của Mỹ- Nguỵ, đề ra phương châm chiến lược chung của cuộc cách mạng miền Nam là: "Kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang một cách linh hoạt tuỳ theo từng vùng và từng thời kỳ khác nhau"[54]. Với mục tiêu chủ yếu là tiêu diệt sinh lực địch tạo điều kiện làm tan rã  lực lượng quân nguỵ, tiến lên làm thất bại kế hoạch gom dân lập ấp chiến lược của địch. Hội nghị chỉ rõ, phải tìm mọi cách kiềm chế và thắng địch trong "Chiến tranh đặc biệt". Trong khi vận dụng phương châm chiến lược ba vùng (vùng rừng núi, đồng bằng, và vùng đô thị) phải linh hoạt, không để địch phân tuyến, phân vùng. Đánh địch bằng ba mũi giáp công, tiêu diệt và làm tan rã nhiều sinh lực địch.
Tháng 1-1964, Hội nghị Khu uỷ V họp và đề ra mục tiêu: Tiêu diệt địch và làm thất bại kế hoạch ấp chiến lược của địch, nêu rõ nhiệm vụ phát triển lực lượng chính trị, vũ trang, xây dựng lực lượng chủ lực, tiến công tiêu diệt địch làm thất bại kế hoạch ấp chiến lược, bình định của địch.
Năm 1964, trên địa bàn tỉnh Đak Lak, địch tăng cường các biện pháp nhằm thực hiện âm mưu lập ấp chiến lược, tiến hành các chiến dịch, các cuộc hành quân càn quét dồn xúc dân, củng cố lại hệ thống ấp chiến lược đã bị ta phá rã.
Quán triệt chủ trương của Trung ương và Khu uỷ, trong toàn tỉnh Đak Lak và huyện H2 dấy lên phong trào quần chúng nổi dậy phá ấp giành dân. Lực lượng vũ trang tỉnh, huyện tổ chức các mũi phối hợp bám đánh địch càn quét sâu vùng căn cứ, phá ấp chiến lược, giải phóng dân.
Để đối phó khi địch kiểm soát dọc hai bờ sông Ba, chia cắt địa bàn huyện, gây khó khăn cho cán bộ ta đi lại hoạt động, Tỉnh uỷ Đak Lak chỉ đạo chia huyện H2 thành hai vùng hoạt động (còn gọi là 2L): L44 là vùng phía bắc sông Ba và L45 là vùng phía nam sông Ba.
 Chủ trương của cấp uỷ hai vùng (2L) trong thời gian này là bảo vệ căn cứ, vận động nhân dân các buôn lập làng chiến đấu, bố phòng chống địch bằng các vũ khí thô sơ như chông thò, mang cung, hầm chông; tổ chức, xây dựng lực lượng tiến công ra phía trước; thành lập các đội công tác bám địa bàn từng vùng, từng khu vực để xây dựng cốt cán, vừa nắm tình hình dân vệ trong các khu dồn, ấp chiến lược, vừa đánh địch càn vùng căn cứ.
 Vùng ở phía bắc sông Ba (L44) gồm các xã 1 đến xã 5, có các đội công tác K12, K15, K16 đứng chân. Đồng chí Y Ngor (Ama HLy) làm Bí thư Ban cán sự vùng. Đồng chí Vân Sơn làm Phó bí thư. Các đội công tác dựa vào các buôn Thung Ngung, Hlít, buôn Blan và một số hộ dân ở buôn Tờ Khế để làm nơi đứng chân hoạt động.
L45 thuộc vùng phía nam sông Ba, có các đội công tác K11, K13, K14, do đồng chí Nguyễn Tiển (Ama Đam), Bí thư huyện H3[55] được điều về phụ trách. Các đội công tác dựa vào các gia đình Ơi Bré, Y Thé ở Buôn Drun, Buôn Dleiya làm cơ sở để nắm tình hình địch trong vùng. Mỗi đội bố trí một lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ xây dựng cơ sở nắm tình hình trong ấp, tổ chức tấn công tiêu diệt địch ngay trong ấp, chống địch càn quét.
Đội công tác K11, phụ trách vùng ấp chiến lược Kà Lúi, Tơ Loah, gồm các đồng chí Ama Thoa, Ama Hlôi, Ama Nôc, Ama Driah, Ơi Hmôi, Y Ôi... do đồng chí Ama Thoa, thường vụ huyện uỷ, làm đội trưởng.
Đội K12, phụ trách vùng ấp Tân Vinh, gồm buôn Nai, buôn Bung, có các đồng chí Ama Hyang (Rah Hlan), Kpă Thoa, Kpă Soa, Ama Xuân (Y Xoa), Rơchơm Bơm, Hồ Chí Kiên, đồng chí Đáng, do đồng chí  Ama Hming làm đội trưởng.
Đội K13 phụ trách vùng Mỏ Két xuống đầu ấp buôn Ma Rôk, giáp Phú Túc, do Kpă Dlăm làm đội trưởng.
Đội công tác K14, phụ trách vùng buôn Bông, gồm các đồng chí Ama Htur, Ama Kar, Ơi Pri, Y Krep, Hkrong, Amí Hrí, Trần Tuấn, do đồng chí Ama Htuar (Htur) làm đội trưởng.
Đội công tác K15, phụ trách vùng Ơi Nu (đông cầu Ơi Nu), xã Ia Rsai, gồm các đồng chí Y Chuan (Choăn), Y Thuk, Y Huk, Ama Hmlem, do đồng chí Y Chuan, huyện uỷ viên, làm đội trưởng.
Đội công tác K16, địa bàn hoạt động từ Ia Tul đến buôn Broăi, do các đồng chí Rơ Ô Thuk, Ama Tung, Ama Gô, Châu lần lượt phụ trách.
Trong thời kỳ địch đẩy mạnh dồn dân lập ấp, đốt phá nhà cửa, ruộng rẫy,  hoa màu, nhân dân, lực lượng vũ trang và các đội công tác gặp vô cùng khó khăn, thiếu đói lương thực gay gắt, có nơi phải đào củ rừng ăn thay. Nhưng anh em đôi công tác vẫn bám sát nhiệm vụ, bám dân, tổ chức, hướng dẫn đồng bào lấy cớ về buôn cũ để phát rẫy gieo trồng kịp thời vụ, lấy lương thực, thực phẩm...làm địch khó kiểm soát; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền binh vận làm cho binh lính địch nghi ngờ lẫn nhau, lính người địa phương nhớ buôn làng cũ, bỏ ngũ về với gia đình, binh lính người Kinh hoang mang, lo sợ. Các đội công tác là mũi nhọn trong hoạt động đấu tranh chống địch, giành và giữ dân.
Trong đợt Xuân - Hè 1964, tỉnh uỷ Đak Lak đẩy mạnh hoạt động ở bắc Đak Lak và các trọng điểm đông và tây Buôn Hồ, đông Cheo Reo. Khắp nơi trong tỉnh, lực lượng vũ trang đẩy mạnh hoạt động tấn công địch. Lực lượng vũ trang địa phương tổ chức các đợt tấn công địch hỗ trợ cho phong trào quần chúng nổi dậy phá ấp và khu dồn, giải phóng dân. Phong trào phát triển mạnh, hàng loạt ấp chiến lược của địch ở Đak Lak, phía nam Buôn Ma Thuột, nam đường 21 (đường 7) bị phá lỏng, đưa dân lên làm chủ.
Phối hợp với chiến trường trong tỉnh, huyện H2 đã chỉ đạo lực lượng vũ trang đẩy mạnh hoạt động vũ trang tiến đánh địch, gây hoang mang trong lực lượng dân vệ, bảo an và binh lính, đột nhập vào trong ấp, phát động quần chúng bên trong nổi dậy phá hàng rào ấp chiến lược, đốt phá trụ sở dân vệ, tước súng bảo an, trừng trị bọn ác ôn, giành quyền làm chủ.
Lực lượng vũ trang và các đội công tác đã tích cực vận động đồng bào các buôn làng nổi dậy đấu tranh phá ấp, không cho địch dồn lại. Quần chúng các buôn làng nổi dậy phá ấp với khí thế mạnh mẽ. Với quyết tâm phá ấp và giữ không cho địch dồn lại, nhiều nơi trong huyện, đồng bào có sự hướng dẫn của cán bộ ta đã tự đứng lên phá ấp, không chờ sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang. Phong trào phá ấp chiến lược diễn ra ở vùng có cơ sở mạnh và cả vùng cơ sở yếu, gần đồn bót, ven thị xã, thị trấn trong toàn tỉnh, đưa nhân dân lên thế làm chủ, tạo vùng giải phóng mới.
Phối hợp với hoạt động của lực lượng vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng diễn ra sôi nổi, rộng khắp, đòi dân sinh dân chủ, chống dồn dân lập ấp, phá kìm. Đồng bào các xã trong huyện tổ chức thành đoàn kéo lên quận ly, đồn bốt đòi phá bỏ ấp chiến lược, trừng trị ác ôn.
 Đấu tranh chính trị trực diện kết hợp với binh tề vận, tranh thủ tuyên truyền, vận động binh lính bỏ ngũ trở về buôn làng phát triển. Hàng trăm phụ nữ các buôn làng quanh đồn Ơi Nu và quận Phú Túc đã gùi cõng con chia thành hai cánh: một cánh đi Ma Rok với gần 1.000 người, một cánh đi Kà Lúi với hơn 500 người kéo lên tận đồn và quận lỵ đấu tranh đòi trả chồng con trở về buôn làng làm ăn.
Từ sau đảo chính Diệm, ta đã đấu tranh thu súng dân vệ và thanh niên chiến đấu, giải phóng dân ở một số ấp chiến lược vùng Kà Lúi về buôn cũ, chủ yếu dân sống ở các buôn Ji, Jú, Tang, Tối, Pan, Lối, dọc sông Krông Năng, đoạn từ sông Ba lên đến buôn Tối.
Cùng với hoạt động của lực lượng vũ trang, hoạt động của lực lượng an ninh huyện H2 được đẩy mạnh. Tháng 3-1964, tổ công tác của lực lượng an ninh do đồng chí Ksor Ôi phụ trách đã tổ chức phục kích tiêu diệt địch trên đường hành quân từ Phú Túc đi Kà Lúi, diệt 4 tên, thu 4 súng AR15.
Với sức mạnh của phong trào đấu tranh của quần chúng, đợt hoạt động phá ấp giành dân ở bắc Đak Lak (B3) đã đạt được những kết quả to lớn. Năm 1964, phong trào chống phá ấp chiến lược của quần chúng diễn ra sôi nổi, rộng khắp. Các đội công tác vũ trang và bộ đội địa phương huyện, tỉnh phối hợp với quần chúng nổi dậy phá ấp, tước súng, giải tán dân vệ. Nhiều ấp chiến lược bị phá banh, vùng giải phóng được mở rộng ở huyện H2, H3. Nhiều nơi đã nối liền với vùng căn cứ, thu hẹp vùng địch kiểm soát, phá lỏng kìm kẹp của địch trong các ấp chiến lược, khu dồn. Cơ sở chính trị trong vùng địch được củng cố và phát triển.
Trong đấu tranh ta đã vận dụng linh hoạt phương châm “hai chân, ba mũi giáp công”. Lực lượng vũ trang địa phương phối hợp với lực lượng của tỉnh đẩy mạnh hoạt động đánh địch càn quét, bảo vệ căn cứ, vùng giải phóng, giữ dân, chống dồn, đồng thời bám đánh sau lưng địch để kéo dân bung ra khỏi các khu dồn, đưa trở về làng cũ.
Kết hợp với hoạt động vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng diễn ra rộng khắp với các khẩu hiệu chống càn quét, dồn xúc dân, lập ấp chiến lược, chống bắt lính, bắt thanh niên vào dân vệ và thanh niên chiến đấu, đòi được tự do đi lại làm ăn, sản xuất, đòi cứu đói, cứu đau…Đồng thời, ta đẩy mạnh công tác vận động tranh thủ tề, dân vệ, thanh niên chiến đấu, tạo điều kiện để lực lượng vũ trang bên ngoài đột nhập khu dồn, ấp chiến lược, diệt ác ôn, phá kèm kẹp, thu súng dân vệ, hỗ trợ quần chúng bên trong đứng lên phá banh ấp, giữ thế hợp pháp chống địch. Phong trào đấu tranh vũ trang, chính trị được kết hợp chặt chẽ với đấu tranh binh vận đã làm nên thắng lợi của đợt đồng khởi phá ấp, phá kèm, giành quyền làm chủ và giải phóng dân trong huyện H2.
Trong năm 1964, lực lượng vũ trang địa phương huyện H2 và du kích các xã buôn phát triển, tích cực đánh địch thu được nhiều kết quả to lớn, giành được thế chủ động trên chiến trường.
Ngày 1-5-1964 Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương thành lập Mặt trận Tây Nguyên (mật danh là B3), có nhiệm vụ xây dựng Tây Nguyên thành chiến trường tác chiến của quân chủ lực. Mặt trận B3 thành lập với các hoạt động tác chiến và chi viện về quân sự của quân chủ lực đã tạo thế đứng vững chắc để phát triển cuộc chiến tranh nhân dân ở địa phương, tạo thuận lợi cho phong trào cách mạng, phong trào chiến tranh du kích các tỉnh Tây nguyên như Đak Lak, Gia Lai... phát triển.
Tháng 12-1964, Đại hội Đảng bộ huyện H2 lần thứ 2 tổ chức tại khu căn cứ xã Ia Rsai đã kiểm điểm tình hình lãnh đạo phong trào địa phương từ năm 1962, đề ra nhiệm vụ của Đảng bộ những năm tới. Đại hội ra Nghị quyết tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể trước mắt của Đảng bộ là: Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng căn cứ địa cách mạng ở 6 xã còn lại (5 xã bắc sông Ba, 1 xã nam sông Ba). Tập trung đấu tranh phá ấp, giành dân, diệt ác, phá kèm, cô lập ác ôn, tranh thủ tầng lớp trên người dân tộc ủng hộ, hưởng ứng các cuộc đấu tranh của quần chúng; vận động nhân dân tích cực đấu tranh chống bắt lính, càn quét đốt phá nương rẫy, chống dồn dân, lập ấp, lập tề và kìm kẹp dân chúng, tạo thế hợp pháp cho nhân dân đấu tranh vừa sống trong ấp, vừa sống ở ngoài rẫy... Đẩy mạnh xây dựng thực lực về các mặt quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá trên địa bàn. Xây dựng lực lượng vũ trang, bộ đội tập trung địa phương, dân quân du kích huyện, xã và cả trong các ấp. Chú trọng xây dựng chính trị, quân sự, an ninh, các tổ chức quần chúng như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, mặt trận; đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế trong vùng căn cứ, vùng giải phóng.
Đồng thời, Đảng bộ chủ trương lãnh đạo xây dựng 3 vùng chiến lược, chú trọng vùng căn cứ kháng chiến và vùng địch kiểm soát, xây dựng thực lực cách mạng trên địa bàn để làm hậu thuẫn bổ sung cho tỉnh.
  Đại hội đã Bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 12 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Tiển (Ama Đam) được bầu làm Bí thư Huyện uỷ. Đồng chí Vân Sơn làm Phó bí thư, phụ trách kinh tài. Đồng chí Ama Hiu, uỷ viên thường vụ huyện uỷ, phụ trách công tác chính quyền, dân vận và Mặt trận. Các đồng chí Nguyễn Việt Đức phụ trách An ninh, Amí H’Tring phụ trách phụ nữ, đồng chí Lâm phụ trách tổ chức, tuyên huấn. Trong Đại hội các đại biểu đã làm lễ truy điệu đồng chí Y Ngor (Ama Hly) Bí thư huyện H2 đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Tháng 12-1964, Thường vụ Khu uỷ, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Quân khu V chủ trương mở đợt hoạt động Xuân 1965 với mục tiêu tiêu diệt bộ phận sinh lực địch, đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng, phá rã hệ thống ấp chiến lược của địch còn lại trên chiến trường.
Đầu năm 1965, phong trào phá ấp giành dân phát triển mạnh. Huyện H2 hưởng ứng chiến dịch Xuân - Hè 1965, lực lượng vũ trang huyện phối hợp với bộ đội chủ lực Quân khu đánh tiêu diệt tiểu đoàn lính cộng hoà nguỵ tại Cầu Đôi (Ia Rsai), diệt 400 tên, phá 2 xe quân sự, thu 400 súng.
Nhân dân trong huyện với khí thế cách mạng sục sôi, đã nổi dậy phá ấp, đấu tranh không cho địch dồn trở lại, mở rộng và khôi phục vùng giải phóng, giữ thế hợp pháp đi lên. Ta giải phóng một vùng rộng từ buôn Nai đến Kà Lúi, đưa dân về làng cũ. Vùng giải phóng được mở rộng. Các đội công tác tăng cường bám dân để lãnh đạo quần chúng. Trong các khu dồn, hình thành thế trận ban ngày địch kiểm soát, ban đêm ta nắm dân bàn cách đấu tranh với địch.
Tháng 5-1965, lực lượng chủ lực Quân khu tiến đánh địch trên đường số 7, diệt cứ điểm Ơi Nu, Ma Rôk mở đầu chiến dịch, hỗ trợ nhân dân H2 giải phóng hàng loạt ấp chiến lược từ Ơi Nu xuống buôn Ma Rôk, buôn Bông đến sát quận lỵ Phú Túc.
Đầu tháng 6-1965, chủ lực Quân khu tập kích và bao vây quận lỵ Thuần Mẫn, diệt cứ điểm Hoanh Châm, đánh thiệt hại tổng đoàn dự bị quân nguỵ từ Cheo Reo đến cứu viện. Ở phía tây Cheo Reo, ngày 30-6 địch rút chạy khỏi Thuần Mẫn, quân dân huyện H3 đẩy mạnh tấn công địch, giải phóng mảng ấp chiến lược rộng lớn từ cầu Ia Hiao vào Thuần Mẫn đến Buôn Hồ, nối liền các buôn dọc đường 14.
Kết quả đợt hoạt động, tính đến tháng 6-1965 ta đã phá vỡ 3/5 ấp chiến lược và hệ thống dinh điền trong toàn tỉnh Đak Lak. Mở rộng vùng giải phóng từ Bắc vào Nam. Vùng nông thôn huyện H2 cùng với H3 và các huyện trong tỉnh được giải phóng. Lực lượng vũ trang, du kích huyện đẩy mạnh hoạt động phối hợp đánh địch, phá ấp giành giữ dân.
Thực hiện chiến dịch "A12" là tuyên truyền giác ngộ chính sách của cách mạng, lực lượng vũ trang an ninh huyện H2 đã đột nhập vào một số buôn làng, có lần đột nhập vào tận quận lỵ Phú Túc để bắt sống, trừng trị những tên nguỵ quân, nguỵ quyền có nhiều nợ máu, tuyên truyền, giác ngộ, cải tạo những tên khác theo chính sách của cách mạng. Chỉ trong thời gian gần ba tháng, lực lượng an ninh huyện đã truy bắt, tập trung cải tạo gần 500 tên tề nguỵ, gây hoang mang, dao động trong hàng ngũ địch.
Tháng 2-1965 tại địa bàn huyện H2 có một tổ chức tình báo địch mang bí số P26 hoạt động trên hành lang qua huyện và vùng căn cứ của tỉnh Đak Lak trên vùng suối Uôr đi Chư Djú để nắm tình hình chiến dịch và lực lượng ta. Chúng giả người đi mua bán hàng hoá để đi sâu vào vùng căn cứ, nắm tình hình, báo cho địch đánh phá. Lực lượng an ninh huyện phối hợp với an ninh tỉnh Gia Lai điều tra, nắm qui luật hoạt động và tổ chức của địch. Sau 1 tháng điều tra, ta đã đột nhập vào khu ấp buôn Thúa, bắt gọn 3 tên chủ chốt do Y Kam cầm đầu, ngăn chặn kịp thời âm mưu hoạt động đánh phá của địch, góp phần bảo vệ an toàn hành lang và căn cứ cách mạng.
Tháng 10-1965, theo quyết định của Khu uỷ V, B3 (bắc Đak Lak) và B5 (nam Đak Lak) hợp nhất thành tỉnh Đak Lak. Đồng chí Nguyễn Liên (Bốn Đạo) làm Bí thư Tỉnh uỷ.
Song song với lãnh đạo phong trào đấu tranh, Đảng bộ huyện H2 luôn chú trọng công tác củng cố, xây dựng vùng căn cứ, vùng giải phóng, phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo đời sống nhân dân; chú trọng công tác xây dựng Đảng, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng. Tiến hành các đợt học tập chính trị triển khai Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, Khu uỷ V và Trung ương, quán triệt tình hình và nhiệm vụ mới, nâng cao ý chí cách mạng tiến công và sức chiến đấu của cán bộ, đảng viên.
 Đến năm 1965, số lượng đảng viên, chi bộ trong toàn huyện đều tăng nhanh. Xã Đất Bằng có 1 chi bộ với 10 đảng viên. Xã Ia Rsai có 1 chi bộ với 10 đảng viên. Xã Chư Drăng có 1 chi bộ với 6 đảng viên. Xã Ơi Nu có 2 chi bộ, do Ama Đuk làm bí thư. Xã Ia RMok có 2 chi bộ. Vùng Buôn Hlang, Buôn Toah có cơ sở, chỉ còn vùng Buôn Du chưa có đảng viên.[56] Các xã có tổ chức Đảng ngày càng mạnh về chất lượng, là lực lượng nòng cốt trong lãnh đạo phong trào cách mạng ở địa phương.
Cùng với xây dựng Đảng, huyện tăng cường củng cố các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể phụ nữ, thanh niên, mặt trận huyện xã; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phong trào đấu tranh chống địch dồn dân lập ấp, phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, tích cực tăng gia sản xuất, trồng mì, lang để dự trữ nuôi quân, đẩy mạnh vòng đổi công ở một số buôn làng, giữ gìn ổn định đời sống nhân dân vùng căn cứ. Các đội công tác bám dân hướng dẫn sản xuất, phát triển kinh tế. Các cơ quan của huyện đều có bộ phận sản xuất. Phong trào làm “Rẫy cách mạng” phát triển ở các buôn vùng căn cứ, như Chư Djú... Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, tổ, đội du kích đều có rẫy mì cách mạng. Chi Hội phụ nữ xã, buôn phát huy vai trò trong việc vận động, tập hợp chị em phụ nữ tích cực tham gia các phong trào đấu tranh, sản xuất, xây dựng và bảo vệ căn cứ. Nhiều chị là cán bộ phụ nữ cơ sở đã trưởng thành lên làm cán bộ phụ nữ huyện, tỉnh có nhiều đóng góp cho phong trào của địa phương mình như Amí Đoan (buôn Uôr), Amí Tring (buôn Chai), Amí Nhung, Amí Djú (H’thiơ), Amí Tha, Amí H’Mui, Amí Nô, Amí H’Blôm... Tiêu biểu như Amí Đoan (H’Klo) là Ủy viên Ban chấp hành Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam, Phó chủ tịch Mặt trận dân tộc tự trị Tây Nguyên, Ủy viên Ban chấp hành Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Các Amí HTring, Amí Jú đều là Hội trưởng Hội phụ nữ tỉnh Đak Lak.
Đồng chí Ksor Djứ (Ama Hliêm), huyện ủy viên, được rút về làm Bí thư huyện đoàn (1962) đẩy mạnh hoạt động đoàn thanh niên. Ban Chấp hành Đoàn phân công cán bộ phụ trách từng xã. Cán bộ đoàn viên không quản ngại khó khăn, thường xuyên đến từng buôn làng để phát động thanh niên tăng gia sản xuất, trồng mì chống đói. Phong trào đoàn phát triển mạnh ở buôn Bông. Việc kết nạp đoàn viên được căn cứ vào tinh thần hăng hái thi đua, dám hy sinh, nhận thức tốt về Điều lệ Đoàn thanh niên nhân dân cách mạng của những thanh niên ưu tú, nòng cốt trong các phong trào đấu tranh, thi đua sản xuất phát triển kinh tế.
Đồng bào vùng căn cứ huyện H2 hăng hái tham gia tăng gia sản xuất. Năm 1965 bình quân đạt 10kg giống/đầu người. Phong trào phát triển mạnh trong vùng nông thôn đồng bào dân tộc, nhờ vậy đời sống nhân dân trong các buôn làng từng bước được ổn định, nạn đói được giải quyết.
Ngoài ra, ta còn hướng dẫn nhân dân kế hoạch dự trữ muối, lương thực, đồng thời tranh thủ mở cửa khẩu thu mua, kể cả hàng nhu yếu phẩm, trao đổi với Phú Yên để có lương thực, muối cho nhân dân trong vùng. Cơ sở nòng cốt trong các ấp, sát quận lỵ mua gạo, nhu yếu phẩm đưa ra vùng căn cứ.
Để phục vụ chiến trường, nhân dân trong huyện tích cực tham gia phục vụ hành lang, đóng góp nhân tài vật lực, ủng hộ cách mạng. Cán bộ xã cùng với già làng xuống từng gia đình để vận động, thu mua lương thực. Đồng bào các buôn làng với tinh thần tự nguyện, đã  tích cực tham gia phong trào đóng góp ủng hộ lương thực nuôi quân.
Phong trào bình dân học vụ, văn hoá văn nghệ…được duy trì và đẩy mạnh ở các buôn làng căn cứ. Huyện phát động phong trào học chữ trong thanh niên. Đội y tế huyện thường xuyên xuống các buôn làng vùng căn cứ, vùng giải phóng hướng dẫn đồng bào thực hiện vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Ở trong các ấp địch kiểm soát chặt chẽ, nhưng quần chúng vẫn đấu tranh đòi thuốc men chữa bệnh lúc ốm đau và để chuyển ra cho đồng bào vùng làm chủ, vùng căn cứ.
Thời kỳ từ cuối năm 1954 đến 1965 là cả một chặng đường đầy khó khăn, gian khổ và thử thách của nhân dân và Đảng bộ huyện H2. Trải qua quá trình mười năm phải đương đầu với những âm mưu, thủ đoạn và chiến lược chiến tranh hết sức thâm độc, tàn ác của địch, mặc dù phong trào cách mạng địa phương có những lúc gặp tổn thất, cơ sở bị vỡ, cán bộ, quần chúng bị khủng bố, tàn sát nhưng Đảng bộ và nhân dân huyện H2 đã anh dũng vượt qua mọi khó khăn, kiên trì trụ bám, kiên quyết đấu tranh chống các âm mưu thủ đoạn của địch trong tố cộng diệt cộng, chống dồn dân lập ấp, bảo vệ và xây dựng căn cứ cách mạng, nơi đứng chân và là hậu phương vững chắc ở phía bắc của tỉnh Đak Lak.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, quân và dân các dân tộc trong huyện đã đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh ba mũi giáp công, phối hợp hỗ trợ trong đấu tranh chính trị, quân sự và binh tề vận, với nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt, phá rã từng mảng hệ thống ấp chiến lược, khu dồn của địch trên địa bàn, giải phóng vùng rộng lớn, đưa dân lên thế làm chủ, tạo cơ sở vững chắc để phát triển và xây dựng phong trào lên một bước mới.
Với những thắng lợi đạt được trong những năm 1954-1965, Đảng bộ và quân dân các dân tộc trong huyện đã đưa phong trào cách mạng địa phương từng bước phát triển, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong tỉnh và cả nước đánh bại âm mưu chiến lược "Chiến tranh đặc biệt "của địch, sẵn sàng đương đầu với những chiến lược mới của đế quốc Mỹ và tay sai.

 
CHƯƠNG Bốn
TIẾP TỤC ĐẤU TRANH CHỐNG CÁC CHIẾN LƯỢC CỦA MỸ - NGỤY, PHÁT ĐỘNG QUẦN CHÚNG NỔI DẬY TẤN CÔNG ĐỊCH,
TIẾN TỚI GIẢI PHÓNG TOÀN HUYỆN
(1965 - 1975)
 
I- PHÁT TRIỂN CHIẾN TRANH NHÂN DÂN,  GIỮ VỮNG PHONG TRÀO CÁCH  MẠNG, TỪNG BƯỚC ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC “CHIẾN TRANH CỤC BỘ” CỦA ĐẾ QUỐC MỸ.
Với những thất bại liên tiếp trên chiến trường miền Nam, nhất là sau trận Đồng Xoài, Ba Gia mùa hè năm 1965, chiến lược chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ bị phá sản hoàn toàn. Ba chỗ dựa chủ yếu của chiến tranh đặc biệt là quân đội, chính quyền và ấp chiến lược mà Mỹ dày công xây dựng, nuôi dưỡng, trang bị vũ khí, làm cố vấn và chỉ huy trong suốt 4 năm với bao hy vọng đã đổ vỡ. Để cứu vãn tình thế, với bản chất hiếu chiến và ngoan cố đeo đuổi chiến lược toàn cầu phản cách mạng, đế quốc Mỹ đã leo thang chiến tranh, tiến hành chiến lược chiến tranh cục bộ, đưa quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ vào Nam Việt Nam trực tiếp tiến hành chiến tranh.
Mục tiêu chủ yếu của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” là đánh bại cách mạng miền Nam trong vòng 25 - 30 tháng (giữa năm 1965 - 1967) với kế hoạch 3 giai đoạn: giai đoạn 1: phá kế hoạch mùa  mưa của ta, “chặn chiều hướng thua”, bảo đảm triển khai nhanh lực lượng quân viễn chinh Mỹ; giai đoạn 2: mở các cuộc phản công chiến lược tiêu diệt chủ lực ta và kiểm soát vùng nông thôn; giai đoạn 3: hoàn thành việc tiêu diệt khối chủ lực của ta, tiếp tục bình định miền Nam, rút quân Mỹ về nước năm 1967.
Về lực lượng chiến tranh, quân viễn chinh Mỹ tuy là con chủ bài, là nòng cốt nhưng quân đội ngụy vẫn được sử dụng như một lực lượng chiến lược quan trọng. Quân Mỹ là lực lượng cơ động chủ yếu để “tìm diệt” bộ đội chủ lực ta, quân ngụy là lực lượng chiếm đóng để bình định, kìm kẹp nhân dân. Biện pháp chủ yếu “tìm và diệt”, sau đó là “tìm diệt và bình định” được coi là chiến lược hai gọng kìm.
Quyết dành thắng lợi bằng quân sự, đế quốc Mỹ đã đẩy nhanh việc đưa ồ ạt quân Mỹ, quân các nước phụ thuộc Mỹ cùng hàng vạn tấn phương tiện chiến tranh hiện đại ùn ùn đổ vào miền Nam Việt Nam. Vào cuối 1965, tổng số quân chiến đấu Mỹ có mặt ở Việt Nam lên đến trên 184.000 tên, quân các nước phụ thuộc Mỹ có 20.500 tên, quân chủ lực Sài Gòn có 520.000 tên.
Trên địa bàn Tây Nguyên, từ tháng 8-1965 Mỹ đã lần lượt đưa các lực lượng tinh nhuệ cùng với các trang thiết bị hiện đại lên xây dựng các căn cứ quân sự và chốt giữ tại các khu vực trọng yếu trên hai con đường chiến lược 14 và 19. Thời điểm cuối tháng 6-1966, lực lượng quân Mỹ ở Tây Nguyên đã lên đến 25.000 tên.
Tham vọng của Mỹ ở Tây Nguyên là tìm cách tiêu diệt chủ lực ta, dập tắt phong trào cách mạng, làm chủ vùng đất chiến lược này, vừa thực hiện được ý đồ khống chế cách mạng miền Nam và Đông Dương, khống chế miền duyên hải phía đông, vừa đối phó với cuộc tiến công của ta có thể sẽ mở ra ở Bắc Tây Nguyên. Đồng thời đây cũng là một hướng trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ nhất của địch trên toàn miền Nam.
Trong hai năm 1965 – 1966, ở H2 và H3 chưa có quân Mỹ và chư hầu chiếm đóng, nhưng quân ngụy được Mỹ tăng cường tiếp sức, chi viện phi cơ, pháo binh, tiền của và trang thiết bị vũ khí hiện đại nên đã dần hồi phục và trở thành lực lượng giữ vai trò chủ yếu càn quét, đánh phá phong trào cách mạng. Đầu năm 1966 chúng nống ra chiếm đóng lại các cứ điểm  Ơi Nu, Cẩm Ga; tăng cường bổ sung quân số và xây dựng lại các công sự phòng ngự ở các cứ điểm Phú Nhơn, Tuy Bình, Cheo Reo, nối lại đường 14, 21 và đường 7 từ Cheo Reo đi Phú Túc và Kà Lúi; liên tục mở các cuộc càn quét với quy mô lớn, dài ngày vào các vùng căn cứ, vùng mới giải phóng của ta; tiếp tục thực hiện âm mưu đốt sạch, phá sạch, quét sạch, “tát nước bắt cá”, cách ly đồng bào với lực lượng của ta; tăng cường xúc tát, dồn dân vào các ấp chiến lược, tạo ra một vùng trắng ở phía Nam sông Ba (chỉ còn lại một số ít gia đình của buôn Jah, buôn Kết). Vùng ta kiểm soát lúc này chỉ còn hơn 1500 dân; còn hơn 19.000 dân bị dồn vào sống trong các thôn, ấp từ đèo Tô Na đến Kà Lúi. Qua các đợt càn quét, chúng đã tàn sát dã man nhiều đồng bào vô tội, đốt  cháy  hàng  trăm ngôi nhà, thiêu rụi hàng chục buôn làng, cưỡng bức hàng ngàn đồng bào rời bỏ nhà cửa, nương rẫy vào sống một cuộc sống bị kìm kẹp, khốn cùng trong các thôn, ấp do chúng kiểm soát. Có những cuộc càn chúng giết hơn một nửa số người trong một buôn, như cuộc càn vào buôn Ơi Hjik chúng giết đến 13 người, mà buôn này chỉ có 25 người...
Để phát hiện nơi trú ẩn và hành lang hoạt động của ta, nhất là tìm cách phá hoại kinh tế trong vùng giải phóng, vùng căn cứ, Mỹ - Ngụy tăng cường dùng phi pháo và máy bay các loại, kể cả máy bay B52 ném bom, rải chất độc hóa học tàn phá nhà cửa, hủy hoại mùa màng, cây cối và gia súc, âm mưu huỷ diệt sự sống ở vùng ta kiểm soát...
Cùng với các hoạt động càn quét, ném bom hủy diệt, lấn chiếm, gom dân, xây dựng củng cố và phát triển các ấp chiến lược, bắt lính tăng quân, xây dựng củng cố ngụy quân, ngụy quyền và các cứ điểm quân sự... địch đẩy mạnh phát triển chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, chiêu hàng, ra sức khai thác và khoét sâu các thành kiến kỳ thị dân tộc, tuyên truyền lừa mị về tư tưởng, tự trị giả hiện, tư tưởng sùng bái Mỹ, sợ Mỹ. Chúng lập trung tâm chiêu hồi, trại cải huấn tại Phú Bổn, tung tiền, hàng hóa Mỹ ra để mua chuộc, dụ dỗ nhân dân, lôi kéo được một số tề và lớp trên người dân tộc thiểu số, bọn cầm đầu các đảng phái chính trị phản động. Đặc biệt, chúng tập trung tổ chức, nuôi dưỡng và đẩy mạnh hoạt động của bọn FULRO, thông qua tổ chức phản động này để nắm dân, chống phá phong trào cách mạng trước mắt và lâu dài.
Những hoạt động chống phá điên cuồng của địch về quân sự và chính trị đã gây cho ta nhiều khó khăn: Hầu hết đồng bào bị gom vào các ấp chiến lược, một số cơ sở của ta trong vùng địch bị lộ, một số đồng chí bị bắt và bị tra tấn dã man, nhiều buôn làng bị tàn phá xác xơ, đời sống của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong vùng căn cứ, vùng giải phóng bị thiếu thốn nghiêm trọng, nhiều nơi bị thiếu đói; đường dây giao liên từ T41, T42 đi Đak Lak, Gia Lai, Phú Yên bị cắt đứt... Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ và nhân dân có tư tưởng sợ vũ khí hiện đại, tiềm lực chiến tranh của Mỹ, sợ hy sinh, gian khổ, hoang mang dao động...
Trước những diễn biến mới hết sức phức tạp trên chiến trường miền Nam,  Đảng ta đã đánh giá tình hình chiến lược mới một cách sáng suốt, tạo nên sự nhất trí cao trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 11 (3 -1965) và Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 12 khóa III (12 -1965), Ban chấp hành Trung ương Đảng đã phân tích toàn diện, sâu sắc chiến lược mới của Mỹ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, phân tích rõ chỗ mạnh, chỗ yếu, đề ra phương châm chiến lược của chiến tranh giải phóng miền Nam và những hình thức, biện pháp cụ thể để đánh thắng cả lực lượng Mỹ và ngụy.
Thực hiện Nghị quyết 12 của Trung ương Đảng, đầu năm 1966, Thường vụ Khu ủy V ra Nghị quyết động viên toàn Đảng, toàn quân và dân trong Khu giữ vững ý chí quyết tâm tấn công tiêu diệt địch, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng, đặc biệt phải kiên trì phương châm hai chân ba mũi giáp công, nắm vững công tác tư tưởng - công tác then chốt, chống tư tưởng hữu khuynh, nhất là tư tưởng sợ Mỹ, sợ ác liệt, sợ lâu dài.
Triển khai Nghị quyết của Trung ương Đảng và Khu ủy V, Thường vụ Tỉnh ủy Đak Lak đề ra nhiệm vụ trung tâm của tỉnh lúc này là chống càn quét lấn chiếm, ra sức xây dựng và bảo vệ vùng căn cứ, vùng giải phóng, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng lực lượng, tăng cường công tác Đảng, công tác chính trị và đẩy mạnh các hoạt động trong vùng địch.
Trên địa bàn huyện, lúc này các lực lượng của tỉnh đã rút về các vùng trọng điểm phía nam nên cũng gây ra một số khó khăn nhất định. Song nhờ có phong trào quần chúng được xây dựng và phát triển mạnh mẽ từ trước nên huyện H2 vẫn giữ được thế tấn công địch, giữ vững được phong trào ở cả phía trước và ở vùng căn cứ, phối hợp với phong trào chung của toàn tỉnh chống phá  các âm mưu thủ đoạn của địch. Ban chấp hành Đảng bộ huyện lúc này gồm 12 đồng chí đã tăng cường bám địa bàn chỉ đạo các bộ phận đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị -tư tưởng, tuyên truyền sâu rộng đường lối chiến lược của Đảng, phê phán những biểu hiện lệch lạc về nhận thức và tư tưởng, động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong huyện xây dựng ý chí quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Đảng bộ huyện chỉ đạo tăng cường củng cố lực lượng, xây dựng các làng, xã chiến đấu vững chắc, chủ động đánh địch, đập tan âm mưu lấn chiếm, giành dân và các hoạt động càn quét, gom dân lập ấp chiến lược, kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và công tác binh vận, nổi dậy phá kìm kẹp, phá ấp chiến lược, giữ vững và mở rộng vùng giải phóng.
Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng bộ huyện, lực lượng bộ đội huyện và du kích được củng cố và tăng cường. Sáu đội công tác gồm: K11, K12, K13, K14, K15, K16 được bổ sung quân số, đẩy mạnh hoạt động, tích cực bám dân, bám địa bàn, tuyên truyền phát động quần chúng, phát triển cơ sở chính trị, du kích mật, cơ sở nội tuyến, vận động nhân dân ủng hộ lương thực, thuốc men, người và của cho cách mạng. Hệ thống làng xã chiến đấu và các thế trận phòng thủ ở 6 xã căn cứ và 7 xã vùng giải phóng được tăng cường củng cố. Đồng bào tham gia đào tuyến bố phòng dài hơn 25 km, vót và cắm hàng trăm ngàn cây chông dọc các tuyến bố phòng... Do đó, trong những năm 1966, 1967 tuy bị địch liên tục càn quét đánh phá ác liệt nhưng vùng căn cứ của ta vẫn được giữ vững, hệ thống giao thông hành lang đông- tây, nam-bắc của tỉnh được nối lại thông suốt (tỉnh đã điều động đồng chí Ama Hly- Trưởng Ban hành lang của tỉnh về củng cố lại đường dây liên lạc từ T41, T42 (hai trạm giao bưu nằm trên địa bàn huyện) đi các hướng Đak Lak, Gia Lai, Phú Yên, đến tháng 5-1965 đồng chí Ama Hly hy sinh tại Easol trong lúc đang làm nhiệm vụ); hoạt động giao lưu buôn bán trao đổi hàng hóa vùng căn cứ với các tỉnh Bình Định, Phú Yên được mở rộng, ta đã thu mua hàng tấn các loại lâm sản đưa về Phú Yên, Bình Định đổi các loại nhu yếu phẩm phục vụ cho đời sống nhân dân trong vùng kháng chiến. Phong trào sản xuất cứu đói, trồng sắn thắng Mỹ “Ăn sắn thắng Mỹ” được phát động rộng khắp trong các xã căn cứ và các cơ quan, đơn vị của huyện. Nhờ đó chỉ trong một thời gian ngắn ta đã cơ bản khắc phục được nạn đói.
Cùng với các hoạt động quân sự chống địch càn quét lấn chiếm; đẩy mạnh xây dựng và bảo vệ vững chắc căn cứ, phong trào đấu tranh chính trị, binh tề vận của nhân dân trên địa bàn phát triển mạnh ở vùng giải phóng và cả trong vùng địch chiếm. Các phong trào đấu tranh chính trị, tấn công binh tề vận đã xoáy vào các khẩu hiệu chống địch càn quét; chống dồn xúc dân, lập ấp chiến lược, khủng bố, kìm kẹp quần chúng, đòi tự do đi lại làm ăn; chống bắt lính, chống bắn pháo, chống rải chất độc; chống bắn giết gia súc, phá hoại hoa màu, tàn sát người vô tội; đòi trả chồng con về với gia đình, đòi bồi thường thiệt hại... diễn ra liên tục và rộng khắp trên địa bàn. Tiêu biểu là cuộc đấu tranh do Amí Nhung, HDit, Amí Jú, Amí Đoan ở đội công tác K12 đã lãnh đạo hàng trăm chị em phụ nữ đấu tranh với tề ngụy, đưa lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc giải phóng huyện cho Ama Phi, quận trưởng Phú Túc... Các cuộc đấu tranh chính trị thời kỳ này đã thu hút đông đảo quần chúng tham gia, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, trung bình mỗi cuộc có từ 50 - 70 người tham gia, có cuộc lên đến hàng trăm người, gồm cả những người tầng lớp trên, lính địch cũ, gia đình binh sĩ địch. Có cuộc quần chúng vừa giằng co với địch tại chỗ, vừa cử đại biểu vào nơi sĩ quan địch đồn trú, hoặc lên quận đấu tranh vạch trần hành động tàn phá, cướp bóc của địch, đòi chấm dứt càn quét, bắn phá. Khi địch càn phá hoa màu, đưa xe đến xúc dân, chở tài sản vào khu dồn… quần chúng đã giành giật, cản trở quyết liệt. Ở những buôn làng dân bị địch xúc đi phần lớn, nhiều quần chúng tích cực tìm cách lánh tránh cùng với số dân còn lại bám núi, bám rẫy hoặc chạy sâu vào núi lập làng chiến đấu chống địch.
Các vùng phía trước, tuy bị địch kìm kẹp gắt gao, song nhiều nơi quần chúng đã dựa vào tập tục của dân tộc để đấu tranh chống địch, hoặc viện lý do thiếu đói, bệnh tật không chịu làm ấp chiến lược, không vào phòng vệ dân sự, không chịu giữ súng, không nhận làm tề, đòi địch bán gạo, muối, cung cấp thuốc chữa bệnh, đấu tranh giành giật với địch giải thoát được hàng chục thanh niên bị lính bắt… Quần chúng đã tích cực hậu thuẫn hoặc phối hợp với lực lượng ta đốt ấp, tham gia diệt ác ôn, phá tề, phá ấp. Do đó ta đã móc nối lại nhiều cơ sở bị đứt liên lạc, xây dựng và mở rộng cơ sở của ta sâu vào vùng địch kiểm soát.
 Thông qua các cuộc đấu tranh, tinh thần yêu nước, ủng hộ cách mạng, ủng hộ kháng chiến, tinh thần đoàn kết cộng đồng... của đồng bào các dân tộc trên địa bàn được nâng cao. Ở các vùng địch kiểm soát, mặc dù phải sống trong sự kìm kẹp, o ép, cái chết luôn rình rập nhưng hầu hết đồng bào vẫn kiên trung, một lòng một dạ hướng về Đảng, ủng hộ các phong trào cách mạng, quyên góp muối, lương thực... ủng hộ kháng chiến; nuôi giấu, che chở, giúp đỡ cơ sở của ta và các đội công tác hoạt động thuận lợi. Ở các vùng căn cứ, vùng giải phóng mặc dù liên tục bị địch càn quét, đánh phá, chà đi xát lại bằng phi pháo và bom đạn, nhiều đồng bào bị sát hại, nhiều thôn làng bị đốt phá, mùa màng bị phá hoại, cuộc sống gặp nhiều khó khăn thiếu thốn, tình trạng đói cơm, lạt nuối kéo dài, nhiều làng phải vào rừng hái lá rừng, đào củ mài... ăn thay cơm, đốt tranh ăn thay muối... nhưng đồng bào vẫn kiên cường bám trụ, “Một tấc không đi, một ly không rời”, vừa chiến đấu vừa sản xuất, ủng hộ sức người, sức của cho kháng chiến.
Trong công tác binh tề vận, Đảng bộ huyện chỉ đạo liên tục phát động quần chúng, nhất là đối với các gia đình, người thân binh lính ngụy, vận động chồng, con, anh em đang đi lính cho địch bỏ ngũ trở về với buôn làng, với cách mạng. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng loa, truyền đơn, thư tay... vào hàng ngũ địch, nhằm khoét sâu mâu thuẫn nội bộ, kêu gọi tinh thần dân tộc, tranh thủ sự ủng hộ của một bộ phận đối tượng này. Kết quả, đã có hàng trăm binh lính ngụy, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số bỏ ngũ trở về với buôn làng, một số xin tham gia cách mạng; nội bộ địch có sự phân hóa; hoạt động của bọn tay sai ác ôn có phần bị kiềm chế... Thắng lợi của công tác binh vận đã tạo điều kiện thuận lợi cho phong trào đấu tranh chính trị, đấu tranh quân sự trên địa bàn phát triển. Kết quả trong 2 năm 1966, 1967, kết hợp tấn công quân sự với phát động quần chúng nổi dậy và công tác binh tề vận, quân và dân  huyện H2 đã phá vỡ trên 3/5 hệ thống ấp chiến lược dọc trục đường 7, giải phóng trên 10 ngàn dân, diệt và bức rút 2 cứ điểm, làm tan rã 300 dân vệ và lính nghĩa quân, thu hàng trăm súng, mở rộng vùng giải phóng.
Công tác xây dựng Đảng trong thời kỳ này tiếp tục được đẩy mạnh. Qua nhiều đợt chỉnh huấn, đấu tranh tự phê bình và phê bình, học tập quán triệt các Nghị quyết, chủ trương của Khu ủy, Tỉnh ủy và của Huyện ủy, tình hình chính trị tư tưởng của cán bộ, đảng viên được củng cố, khắc phục được những tư tưởng hữu khuynh, sợ địch, ngại hy sinh, gian khổ, không dám bám trụ chiến trường.... Nhiều đảng viên đã phát huy vai trò xung kích, gương mẫu trên nhiều lĩnh vực, có uy tín và ảnh hưởng tốt trong việc thu hút, tập hợp quần chúng vào các phong trào cách mạng, nhất là các đồng chí đảng viên hoạt động trong vùng địch đã ngày càng tỏ rõ bản lĩnh và khả năng hoạt động của mình. Phong trào xây dựng chi bộ 4 tốt, đảng viên 4 tốt do Tỉnh ủy phát động được Huyện ủy quán triệt và chỉ đạo triển khai thực hiện chặt chẽ ở các chi bộ. 8 chi bộ của Đảng bộ (6 chi bộ trong vùng địch, 2 chi bộ vùng giải phóng) được củng cố về tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động, thực sự trở thành hạt nhân của phong trào đấu tranh cách mạng trên địa bàn. Thông qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, các cấp ủy đã kịp thời phát hiện, bồi dưỡng và kết nạp vào hàng ngũ của Đảng những quần chúng ưu tú, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, mở rộng ảnh hưởng của cách mạng tại các cơ sở.
Công tác xây dựng và củng cố các đoàn thể quần chúng nhất là trong vùng căn cứ, vùng giải phóng được quan tâm đẩy mạnh. Các Hội phụ nữ giải phóng, Hội nông dân giải phóng.... hoạt động ngày càng có hiệu quả. Mặt trận đoàn kết toàn dân chống Mỹ cứu nước được hình thành đã tập hợp và động viên rộng rãi các tầng lớp nhân dân tham gia các cuộc đấu tranh chống địch, tham gia đóng góp sức người, sức của phục vụ cách mạng...
Với quyết tâm “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Đuổi Mỹ lật Ngụy, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân”.... trong những năm 1965 -1967, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, cán bộ, quân và dân huyện H2 đã kiên cường bám trụ, tự lực tự cường, đấu tranh chống địch bằng nhiều mũi giáp công, góp phần cùng cả tỉnh và toàn miền Nam đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của địch, làm phá sản một bước chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, tạo ra thế và lực mới cho phong trào cách mạng trên địa bàn huyện.
II- THAM GIA TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN NĂM 1968
Sau hai cuộc phản công chiến lược mùa khô của địch thất bại, Trung ương Đảng và Bộ Chính trị đã nhận định: trên chiến trường nổi lên tình hình địch đã thất bại về nhiều mặt, cả trên phạm vi chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, cả về quân sự và ngoại giao. Đó là thất bại của giai đoạn đầu rất quan trọng của chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.
Trên thế giới, dư luận rộng rãi ngày càng phản đối Mỹ xâm lược Việt Nam, phong trào chống chiến tranh xâm lược Việt Nam ngày càng phát triển trong nhân dân Mỹ và giới cầm quyền Mỹ bắt đầu giao động, lúng túng. Tuy vậy chúng vẫn ngoan cố, tiếp tục tăng quân, tăng viện trợ cho ngụy quyền Sài Gòn và chuẩn bị mở cuộc phản công lần thứ ba với 120 vạn quân, trong đó có 50 vạn quân Mỹ. Đế quốc Mỹ tuy đã thua to nhưng vẫn chưa có dấu hiệu từ bỏ âm mưu tiếp tục chiến tranh xâm lược Việt Nam. Về ta, tuy đã thắng lớn nhưng vẫn chưa làm chuyển biến được cục diện chiến tranh có lợi cho ta.
Tại Hội nghị Trung ương lần thứ 14 (1-1968), Trung ương Đảng tiếp tục khẳng định: Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta lúc này cần phải có và có thể tạo ra một bước chuyển biến lớn giữa lúc địch đã bắt đầu giao động và trong thời điểm rất nhạy cảm của năm bầu cử Tổng thống Mỹ để chuyển cách mạng và chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định; phải tạo được một bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh. Muốn vậy, không thể tiến từng bước, không thể cứ đánh theo cách cũ như các trận đánh Đông - Xuân trước đây, mà phải tạo ra một bước nhảy vọt bằng một cách đánh mới, giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ. Đây sẽ là cách đánh chưa từng có trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và cũng hiếm có trong lịch sử chiến tranh cách mạng, khiến cho Mỹ -  ngụy không thể nghĩ tới.
Yêu cầu hàng đầu của cuộc tiến công này vẫn là tiêu diệt địch nhưng có những điểm khác trước:
- Hướng tiến công chủ yếu không phải là rừng núi và nông thôn, mà là đô thị, trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế nơi địch sơ hở nhất và cũng là nhạy cảm nhất.
- Mục đích tiến công chủ yếu là các cơ quan đầu não chiến tranh của Mỹ, ngụy, các trung tâm chỉ huy, các hậu cứ, vừa tiêu diệt sinh lực địch vừa phá hủy phương tiện chiến tranh. Đây là chỗ hiểm yếu nhất, dễ chấn động nhất.
- Không gian tiến công là khắp toàn miền và phải tiến công đồng loạt.
- Thời gian tiến công không phải vào thời điểm thông thường mà vào giữa đêm giao thừa Tết Nguyên đán, lúc bất ngờ nhất và kẻ địch sơ hở nhất.
- Phương châm là kết hợp tổng công kích và tổng khởi nghĩa (sau này gọi là tổng tiến công và nổi dậy).
Tất cả đều nhằm mục đích: Đánh một đòn thật mạnh và hiểm, bất ngờ và đồng loạt, làm cho Mỹ phải lung lay ý chí xâm lược, tạo nên một sự thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh có lợi cho ta.
Thực hiện quyết tâm chiến lược của Trung ương Đảng, Khu ủy V quyết định tập trung ba thứ quân mở đợt tấn công liên tục mạnh mẽ trong cả xuân và hè năm 1968 đánh sập ngụy quân, ngụy quyền, tiêu diệt nặng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, kết hợp với khởi nghĩa của quần chúng giành chính quyền về tay nhân dân.
Tháng 11-1967, Mặt trận Tây Nguyên họp liên tịch với ba tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đak Lak bàn kế hoạch phối hợp, tấn công và nổi dậy, lập ban chỉ huy các hướng có các đồng chí Bí thư ba tỉnh tham gia. Trọng điểm của đợt tấn công ở Tây Nguyên là thị xã Buôn Ma Thuột và Kon Tum.
Với tinh thần đó, cuối năm 1967, Tỉnh ủy Đak Lak họp bàn kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho các địa phương, đơn vị khẩn trương chuẩn bị mọi mặt để tiến hành tổng tiến công nổi dậy.
Triển khai kế hoạch của Tỉnh ủy, Huyện ủy H2 đã tổ chức quán triệt chủ trương tổng công kích và nổi dậy, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phân công nhiệm vụ, bố trí cán bộ đảng viên phụ trách... Huyện ủy chủ trương tổ chức lực lượng tấn công vào thị trấn, đồn bót của địch để phối hợp với quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền, phối hợp với các địa phương bạn tấn công giành quyền làm chủ các buôn dọc đường 14, đảm bảo thông suốt hành lang vận chuyển trên địa bàn.
Với khí thế sôi nổi chuẩn bị cho Tết Mậu Thân, việc huy động nhân lực, vật lực trên địa bàn được triển khai nhanh chóng và thuận lợi. Quần chúng trong các ấp chiến lược đã quyên góp ủng hộ trên 500 bao gạo và nhiều nhu yếu phẩm khác. Nhân dân ở vùng căn cứ và vùng giải phóng tích cực tăng gia sản xuất, giã gạo ủng hộ nuôi quân, tham gia vận chuyển vũ khí và lương thực phục vụ chiến dịch. Một bộ phận quần chúng được tổ chức thành đội ngũ chặt chẽ chuẩn bị kéo vào thị trấn, các đồn bót gây áp lực với địch, đồng thời phối hợp với các lực lượng vũ trang, các đội công tác phá ấp giành chính quyền.
Đêm 30- 01-1968 (mồng một Tết Mậu Thân) tất cả các lực lượng, các mũi tấn công của ta đã tiếp cận vào vị trí tập kết. Đúng 0 giờ (giờ G) toàn miền Nam đồng loạt nổ súng. Lực lượng vũ trang huyện đã phối hợp chặt chẽ với bộ đội chủ lực B3, bộ đội và các đội công tác vũ trang của các huyện H3, H7 đánh địch dọc đường 7, cô lập địch ở Phú Túc, Cheo Reo, Phú Thiện, đột nhập đánh úp các ấp chiến lược dọc đường 7, gọi phòng vệ dân sự ra hàng, thu vũ khí, quân trang, quân dụng, làm tê liệt hoạt động của địch dọc theo đường 7. Các đội công tác của huyện đã kịp thời bám sát địa bàn, tổ chức tuyên truyền phát động quần chúng diệt ác phá kìm, tổ chức cho quần chúng xâm nhập vào quận lỵ Phú Túc tiếp xúc, vận động binh lính bỏ hàng ngũ địch trở về buôn làng, không đi lính cho ngụy, ủng hộ và giúp đỡ nhân dân, giúp đỡ cách mạng.... gây ảnh hưởng sâu sắc trong hàng ngũ địch. Thông qua gia đình,  người thân của binh lính địch, hoặc tranh thủ được tề, tầng lớp trên, ta đã tiếp xúc được với số đông phòng vệ dân sự,  với dân vệ, nghĩa quân các cấp, tạo đầu mối nắm được số đông phòng vệ dân sự, nghĩa quân từ tổ, tiểu đội đến trung đội; chọn lọc, xây dựng thành cơ sở hợp pháp, cơ sở nội tuyến và đưa lên hành động các mức như vận động không chấp hành lệnh canh gác, không chịu giữ súng của phòng vệ dân sự, chống lệnh đi lùng sục, nằm im không chống lại khi ta đột nhập ấp; đào rã ngũ về nhà làm ăn hoặc sử dụng họ phục vụ các yêu cầu của ta như tổ chức chuyển lượng thực trong ấp ra cho ta, bảo vệ cho lực lượng ta vào ấp công tác…
Trong đợt tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, Đảng bộ huyện H2 đã lãnh đạo nhân dân phối hợp kịp thời với chiến trường chung cả tỉnh mà trọng điểm là thị xã Buôn Mê Thuột và cả miền Nam, đánh địch bằng cả chính trị, quân sự, binh tề vận, hỗ trợ cho quần chúng nổi dậy, gây cho địch nhiều thiệt hại, như sự kiện chị Amí Nhung, chị HDit (tức Amí Thiêu) đã tổ chức khoảng 30 chị em  phụ nữ xã 2 - tức Buôn Prong xã Mlah ngày nay, kéo nhau vào quận Phú Túc, tiếp xúc vận động chồng con bỏ hàng ngũ địch trở về với buôn làng, bỏ đi ra rẫy làm ăn...Đồng thời gửi thư của Mặt trận huyện H2 gửi cho thiếu tá quận trưởng Ma Phi (Ksor Đai) với nội dung kêu gọi chống bắt lính, chống đàn áp đồng bào mình, trả dân trở về làng cũ...gây ảnh hưởng trong hàng ngũ địch.
Đợt tổng công kích Xuân 1968 trên địa bàn huyện tuy chưa thắng lớn nhưng Đảng bộ, quân và dân huyện H2 đã huy động được lực lượng để phối hợp, tiến công và nổi dậy với khí thế áp đảo, phá rã bộ máy tề ấp và ách kìm kẹp của địch, giải phóng nhiều buôn cũ đã bị địch líp lại, phá vỡ thế kiềm kẹp của Mỹ -ngụy, giành quyền làm chủ các buôn dọc đường 7, uy hiếp quận lỵ Phú Túc, làm cho bọn bảo an, biệt kích trong các đồn Mlah, Kà Lúi co lại, hạn chế sự hỗ trợ cho bọn dân vệ, nghĩa quân kìm kẹp dân, địch phải bỏ bót gác Ơi Nu, rút về phòng thủ, bảo vệ Phú Túc, tạo điều kiện cho ta mở rộng vùng giải phóng từ buôn Nai đến buôn Tang, buôn Tối. Lúc này, ngoài 6 xã vùng căn cứ, vùng giải phóng rộng lớn của huyện đã cung cấp đáng kể về nguồn nhân lực, lúa, muối... phục vụ đắc lực cho sự nghiệp cách mạng toàn huyện, nhất là đường dây hành lang chiến lược của ta được duy trì thông suốt và an toàn, đảm bảo đưa đón thương binh, các đoàn cán bộ đi công tác và vận chuyển công văn, giấy tờ đi các nơi kịp thời.
Bằng cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, Đảng bộ và nhân dân huyện H2 đã góp phần cùng nhân dân tỉnh Đak Lak, Tây Nguyên và toàn miền Nam giáng một đòn quyết định, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ; làm lung lay ý chí xâm lược của chúng, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán với ta về chấm dứt chiến tranh, mở đầu quá trình xuống dốc về chiến lược trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Sau tết Mậu Thân, địch tăng cường phòng thủ thị xã, thị trấn và trục giao thông chiến lược 14, đường 7, củng cố lại các cứ điểm, xây dựng lại hệ thống lô cốt, hầm ngầm để chống hỏa lực của ta, đồng thời thường xuyên thiết quân luật, tăng cường xe bọc thép án ngữ các ngả đường; tăng cường củng cố lại bộ máy kìm kẹp, tăng mật vụ, chỉ điểm xuống các ấp, khu dồn hoạt động để phá vỡ các cơ sở cách mạng, khủng bố tinh thần quần chúng nhân dân. Chúng ra sức bắt lính, tăng quân và trang thiết bị, vũ khí chiến đấu cho các đơn vị, tổ chức nhiều cuộc hành quân hỗn hợp đánh phá các vùng căn cứ, vùng giải phóng, vùng giáp ranh, tăng cường dùng máy bay, xe tăng và pháo binh ném bom, rải chất độc hóa học hủy diệt và pháo kích với mức độ dày đặc, cày xới, chà đi xát lại hàng trăm nương rẫy, thôn làng, kết hợp với biệt kích nhỏ và chiến tranh tâm lý để lùa xúc dân các vùng giải phóng, tiến hành bình định nông thôn, lập lại các tế ấp và củng cố chính quyền cấp xã dọc đường giao thông... Việc tăng cường lực lượng và hoạt động của Mỹ - Ngụy sau Tết Mậu Thân đã gây cho ta nhiều khó khăn mới. Trên địa bàn H2, nhiều thôn làng, nhà cửa, mùa màng bị tàn phá, hàng chục cán bộ, đảng viên và quần chúng bị sát hại.
Trước tình hình chiến tranh ác liệt và nhận thấy tổng tiến công và nổi dậy của ta chưa giải quyết được các mục tiêu đề ra, lực lượng ta bị hao tổn nhiều, lương thực, đạn dược thiếu... một bộ phận cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân giao động, mất niềm tin, đánh giá không đúng ý nghĩa của đợt tổng công kích. Trước tình hình đó, Đảng bộ huyện đã tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trọng tâm là tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức về ý nghĩa thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968, khắc phục những nhận thức lệnh lạc, mơ hồ, tuyên truyền nâng cao nhận thức về tình hình và nhiệm vụ của người đảng viên, động viên tinh thần quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược bằng nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục phong phú, sinh động và liên tục, chỉ trong một thời gian ngắn ta đã cơ bản khắc phục được tư tưởng giao động, hoài nghi và nhận thức không đúng về ý nghĩa tầm quan trọng của đợt tổng công kích, đưa phong trào cách mạng của huyện chuyển sang một bước phát triển mới, các phong trào đấu tranh vũ trang, đấu tranh chính trị và binh tề vận tiếp tục được duy trì, lực lượng vũ trang và các đội công tác của huyện được củng cố và tăng cường.
Tháng 6 -1968, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Đak Lak, Huyện ủy chỉ đạo các xã vùng  căn cứ, vùng giải phóng tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cách mạng xã, huyện. Cuộc bầu cử được nhân dân phấn khởi đón nhận và tham gia nên đã thành công tốt đẹp. Nhiều đại biểu ưu tú, có uy tín, có năng lực, có ảnh hưởng tốt đối với các phong trào cách mạng được lựa chọn bầu ra đã góp phần quan trọng vào cuộc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cách mạng trong vùng giải phóng.
Được sự đồng ý của Thường vụ Tỉnh ủy, tháng 9 - 1968, Đảng bộ huyện H2 tổ chức Đại hội lần thứ III tại vùng suối Ia Soai xã Ia Rsai. Đại hội đã tập trung đánh giá kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II, kiểm điểm rút kinh nghiệm đợt tấn công nổi dậy Xuân Mậu Thân, đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ III và bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khóa III) gồm 16 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Thông (Ama Ta) được bầu làm Bí thư, đồng chí Nay Ang (Ama Hiu) làm Phó bí thư.
 Nghị quyết Đại hội III xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là:
- Thừa thắng xông lên, phát huy thắng lợi của hai đợt tổng tấn công, đẩy mạnh xây dựng thực lực hai vùng, tiến công địch bằng ba mũi giáp công.
- Đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, dãn dân hai bên bờ sông về buôn cũ làm rẫy, chia hộ ra giữ rẫy và giữ ấp, giữ vùng giải phóng ở Khu 11.
Chủ trương của huyện giai đoạn này là tiếp tục duy trì và mở rộng vùng giải phóng, vùng căn cứ kháng chiến, mở rộng vùng làm chủ và xây dựng lực lượng chính trị lớn mạnh, phá kìm, thực hiện hai chân ba mũi, ba vùng chiến lược, củng cố xây dựng các tổ chức chi bộ ở các xã, xây dựng vùng căn cứ của huyện lớn mạnh...
Sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, phong trào cách mạng trên địa bàn huyện đã chuyển sang một thời kỳ mới đầy cam go, thử thách, nhưng quân dân H2 dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ huyện vẫn kiên cường bám trụ mưu trí, dũng cảm, liên tục đánh địch, giữ vững thế chủ động tiến công địch trên chiến trường.
III- CHỐNG BÌNH ĐỊNH LẤN CHIẾM, GIÀNH VÀ GIỮ DÂN, GÓP PHẦN ĐÁNH BẠI CHIẾN LƯỢC “VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH” CỦA MỸ - NGỤY (1969 - 1973)
Bị thất bại trong “Chiến tranh cục bộ”, nhất là sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, một lần nữa đế quốc Mỹ buộc phải thay đổi chiến lược. Ngày 20 01-1969, R.Ních xơn, kẻ đại diện cho những thế lực hiếu chiến và ngoan cố nhất trong giới tư bản lũng đoạn Mỹ lên cầm quyền và đưa ra kế hoạch chiến tranh mới “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đây là sự điều chỉnh chủ trương “Phi Mỹ hóa chiến tranh” của Giôn Xơn. Nội dung chủ yếu chiến lược chiến tranh mới là: Nỗ lực xây dựng quân ngụy và bộ máy chính quyền tay sai, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt, dùng người Đông Dương giết người Đông Dương bằng tiền của và vũ khí Mỹ (còn được gọi là “Thay màu da trên xác chết”), thực hiện chính sách bình định nông thôn, đánh vào hậu phương quốc tế của Việt Nam. Kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” dự kiến qua ba giai đoạn:
Giai đoạn 1: (1969 đến 6-1970), kiểm soát được những vùng đông dân quan trọng nhất, tăng cường quân ngụy, rút một bộ phận quân Mỹ về nước.
Giai đoạn 2: (6-1970 đến 6-1971), kiểm soát hầu hết những vùng đông dân, quân ngụy đảm nhận được nhiệm vụ chiến đấu trên bộ, rút đại bộ phận quân Mỹ về nước.
Giai đoạn 3: (6-1971 đến 6-1972), cơ bản hoàn thành “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Đây là một chiến lược chiến tranh hết sức xảo quyệt. Thực hiện chiến lược này, Mỹ một mặt tăng cường viện trợ tiền của và vũ khí cho quân ngụy, xây dựng quân ngụy mạnh lên về mọi mặt. Mặt khác tiến hành các cuộc hành quân càn quét và thực hiện chương trình bình định. Mỹ - ngụy coi chương trình bình định là biện pháp, mục đích và chìa khóa của “Việt Nam hóa chiến tranh”. Đồng thời tìm cách mở rộng chiến tranh trên bán đảo Đông Dương.
Đế quốc Mỹ đã dùng mọi thủ đoạn độc ác về quân sự, xảo quyệt về chính trị và nham hiểm về ngoại giao, thực hiện kết hợp giữa chiến tranh hủy diệt với chiến tranh giành dân và chiến tranh bóp nghẹt để làm suy yếu cuộc kháng chiến của nhân dân ta ở cả hai miền Nam - Bắc.
Địa bàn Tây Nguyên được Mỹ - Ngụy chọn làm nơi thí điểm của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, trong đó địa bàn hai tỉnh Gia Lai và Đak Lak là chiến trường trọng điểm và ác liệt nhất. Từ năm 1969 - 1971, địch ráo riết thực hiện nhiều biện pháp để tăng cường sức mạnh cho quân ngụy, từng bước đưa quân ngụy làm nhiệm vụ chiến đấu thay quân Mỹ, rút dần quân Mỹ về nước.  Năm 1969, quân Mỹ ở tỉnh Đak Lak chỉ còn 1 tiểu đoàn dù, 1 đại đội công binh và 1 chi đoàn pháo. Để bổ sung quân cho các lực lượng chính quy, địch tăng cường bắt lính, phát triển cao lực lượng bảo an, dân vệ, phòng vệ dân sự, cảnh sát, đoàn bình định, đoàn sơn thôn và biệt kích... Quân bảo an lúc này có 63c, 16b, tăng 25c so với trước, 25 đại đội biệt kích, 23 đoàn bình định, 28 đoàn sơn thôn. Tại mỗi ấp đều có một đội phòng vệ dân sự khoảng 30 tên, lực lượng nghĩa quân được tăng cường hơn trước. Chỉ hai tháng đầu năm 1972, ở huyện H2 địch đã bắt được 4.000 lính, trong đó có 1.500 lính người dân tộc bổ sung cho các trung tâm huấn luyện biệt kích ở các nơi.
Cùng với việc củng cố và phát triển ngụy quân, ngụy quyền, địch huy động mọi lực lượng thực hiện quyết liệt kế hoạch bình định nông thôn. Rút kinh nghiệm qua các lần thất bại trước, lần này địch thay đổi thủ đoạn, đánh phá từng bước từ “Bình định cấp tốc” đến “Bình định đặc biệt” rồi “Bình định nước rút” và áp dụng từng nơi khác nhau. Ở những vùng định kiểm soát chặt như: ven thị xã, xung quanh các căn cứ quân sự, các quận lỵ, cứ điểm, đồn bót và dọc trục đường 14, 21 địch thực hiện bình định tại chỗ bằng cách truy quét, tìm diệt cơ sở cách mạng, củng cố bộ máy ngụy quyền, phát triển các đoàn thể, đảng phái phản động, xây dựng lực lượng nghĩa quân, phòng vệ dân sự, đóng các chốt bảo an kết hợp với các đoàn bình định để kìm kẹp nhân dân, phát triển gián điệp ngầm, mật báo viên, chỉ điểm để theo dõi các hoạt động của cách mạng.
Ở những nơi phong trào cách mạng mạnh, vùng ta giải phóng, kể cả những buôn làng không xa quận lỵ, thấy không thực hiện bình định tại chỗ được, nên địch tiến hành dồn dân, đưa xe tới lùa xúc dân, hoặc dùng mọi thủ đoạn về kinh tế, chính trị, chiến tranh tâm lý để hù dọa, ép buộc dân vào vùng địch, lập các khu dồn lớn. Kẻ địch cố tạo ra những vùng trắng dân, ngăn cách giữa căn cứ của ta và vùng địch kiểm soát, gây khó khăn cho việc đi lại hoạt động của lực lượng ta. Đối với các vùng căn cứ, địch tăng cường đánh phá rất ác liệt, tổ chức các cuộc hành quân càn quét với quy mô lớn, liên tục dùng phi pháo, máy bay B52, B57 bắn phá, ném bom Napan, rải chất độc hóa học phát quang rừng núi, phá hoại mùa màng, nương rẫy... nhằm triệt hạ đời sống của quân và dân ta.
Trong hai năm 1969 -1970, trên địa bàn tỉnh Đak Lak, địch mở 181 cuộc càn quét tập trung đánh phá các vùng căn cứ vùng nông thôn và ven thị xã, mở nhiều cuộc hành quân cảnh sát, các chiến dịch Phượng Hoàng ở vùng địch kiểm soát để thanh lọc quần chúng, phát hiện truy bắt cơ sở cách mạng. Riêng trong năm 1970 địch đã xúc tát trên 5.500 dân vùng giải phóng, lấy lại 10 khu ấp với trên 69.000 dân, lập lại bộ máy tề ấp ở nhiều thôn buôn, gây cho ta nhiều khó khăn.
Trên địa bàn H2, địch ra sức củng cố ngụy quyền, các tổ chức, đảng phái, đoàn thể phản động, tăng cường bắt lính, phát triển lực lượng nghĩa quân, phòng vệ dân sự, bảo an, biệt kích, các đoàn bình định, sơn thôn; củng cố chi khu cảnh sát, phát triển mạng lưới mật báo, chỉ điểm, gián điệp ngầm. Lực lượng của địch ở Phú Túc có tới 1 tiểu đoàn tăng cường và 2 đại đội cơ động, trang bị đầy đủ các phương tiện vụ khí hiện đại, có cả súng cối 81mm, cối 106mm và pháo 105 ly...
Sau khi lực lượng được củng cố và tăng cường, địch tập trung lực lượng đánh phá dọc đường 7 và đông bắc sông Ba... nhằm cố đẩy lực lượng ta ra xa các khu dân và trục đường giao thông, xây dựng và mở rộng ấp chiến lược, ấp tân sinh, khu dồn mà trước đây đã bị ta phá, tạo điều kiện cho các lực lượng bảo an, các đoàn bình định, sơn thôn, lực lượng dân vệ, phòng vệ dân sự và cảnh sát thực hiện kế hoạch “bình định cấp tốc”, khống chế và kìm kẹp dân, phát hiện và tiêu diệt cơ sở của ta. Thủ đoạn đánh phá, bình định của địch là: Tập trung lực lượng đánh phá trọng điểm nhiều xã, đánh phá dai dẳng, dài ngày, dùng quân cơ động càn quét đẩy lực lượng ta ra xa, dùng các lực lượng bảo an, đoàn bình định, bọn tề điệp... truy bắt cán bộ, đảng viên, thanh lọc quần chúng, thủ tiêu tổ chức của ta ở thôn xã, thực hiện kìm kẹp quần chúng tại chỗ. Nơi nào gặp sức chống trả quyết liệt của quần chúng, không kìm kẹp được quần chúng tại chỗ thì chúng triệt phá tài sản, hoa màu, làng mạc, xúc dân vào các khu dồn, ấp chiến lược. Chúng không trừ bất cứ một thủ đoạn thâm độc và dã man nào để triệt hạ sự sống ở các xã căn cứ và vùng giải phóng của ta như tăng cường các cuộc càn quét kết hợp với phi pháo, ném bom rải chất độc hóa học làm cho nhân dân không sống được phải bỏ căn cứ, vùng giải phóng chạy vào các khu dồn, ấp tân sinh, ấp chiến lược của chúng. Đóng nhiều chốt trong từng khu vực, có nơi đóng chốt ngay trong làng hoặc gần làng, dựa vào các chốt để kiểm soát chặt dân, cô lập nhân dân trong làng với cán bộ, du kích bám ngoài làng. Đẩy mạnh kết hợp chiến tranh tâm lý với khủng bố bắn giết, đánh đập, giam cầm để đàn áp các cuộc đấu tranh của quần chúng.
Kẻ địch tìm mọi cách khai thác và lợi dụng những sơ hở, thiếu sót của cán bộ ta trong thực hiện các hoạt động diệt ác, động viên phục vụ kháng chiến... để xuyên tạc, bóp méo và bôi nhọ cán bộ, đảng viên; tìm mọi cách vô hiệu hóa các tổ chức của ta, chia rẽ, ly gián cán bộ, đảng viên với quần chúng; khoét sâu mẫu thuẫn trong nội bộ ta, dùng mọi thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ, dọa dẫm và lũng đoạn tư tưởng cán bộ, đảng viên và quần chúng, gây tâm lý cầu an, chờ đợi, sống an nhàn, hưởng lợi, từ đó dần dần thủ tiêu tinh thần cách mạng, phá hoại phong trào từ bên trong.
Với những thủ đoạn trên, địch đã đánh phá và bình định trên diện rộng, gây cho ta nhiều khó khăn và tổn thất, nhân dân bị dồn nhiều vào các khu tập trung, lực lượng của ta nhất là cán bộ và cơ sở bị tổn thất nhiều, đời sống của nhân dân khó khăn, công tác động viên phục vụ kháng chiến bị hạn chế, tư tưởng của quần chúng, cán bộ đảng viên có những diễn biến phức tạp, một số nơi trên địa bàn trở thành vùng trắng dân và nửa dân, địa bàn hoạt động và hành lang đi lại của ta khó khăn hơn trước.
Về ta, đã từng bước kiểm điểm những khuyết điểm từ sau mùa xuân năm 1968 và chủ trương chuyến hướng tiến công, lấy nông thôn làm hướng tiến công chính, tập trung ngăn chặn và đẩy lùi các chương trình bình định nông thôn của địch. Trên cơ sở phân tích sâu sắc tính chất thâm độc của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và những mâu thuẫn không thể khắc phục được của nó, Trung ương Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ trước mắt cho cách mạng miền Nam là ra sức xây dựng lực lượng quân sự và chính trị, đẩy mạnh tiến công quân sự, chính trị và ngoại giao làm thất bại âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Ngày 1-1-1969, trong thư Chúc mừng năm mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát tài tình một phương hướng chiến lược cực kỳ quan trọng, cũng là bước đi rất đúng đắn và đầy sáng tạo để giành thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ là “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Tháng 4-1969, Hội nghị khu ủy khu V ra nghị quyết: Muốn đánh bại “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ trước hết phải đánh vào biện pháp chiến lược chủ yếu của địch là: “bình định nông thôn”. Phải tập trung toàn bộ lực lượng chống bình định, phát động nhân dân giành quyền làm chủ nông thôn. Chống bình định là vấn đề gốc, là cái trục của toàn bộ phong trào.
Tiếp thu Nghị quyết của Khu ủy, Tỉnh ủy Đak Lak tập trung kiểm điểm rút kinh nghiệm những hạn chế thiếu sót trong công tác chỉ đạo từ cuối năm 1968 đến nửa đầu năm 1969; đề ra nhiệm vụ trọng tâm lúc này là: tích cực chống bình định nông thôn, giành và giữ dân quyết liệt với địch, liên tiếp mở các đợt hoạt động Xuân - Hè - Thu tấn công tiêu diệt và làm tan rã lực lượng địch.
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy đã tổ chức học tập, tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Trung ương Đảng, Khu ủy V và Tỉnh ủy về các nhiệm vụ, phương pháp đấu tranh chống các âm mưu, thủ đoạn mới của địch trong toàn Đảng bộ, trong các lực lượng vũ trang, các đội công tác và quần chúng nhân dân. Đồng thời tăng cường chỉnh huấn, động viên, kiểm điểm, uốn nắn khắc phục tư tưởng hoang mang, giao động, sợ địch, sợ gian khổ hy sinh và tư tưởng chủ quan, khinh địch; từng bước củng cố phát triển lực lượng cả về tư tưởng chính trị và tổ chức, nâng cao quyết tâm chiến đấu và chiến thắng quân thù, thực hiện lời Bác dạy:
    “Vì độc lập, vì tự do.
    Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
    Tiến lên! chiến sĩ đồng bào.
    Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn".
Với tinh thần chỉ đạo chiến lược của Trung ương Đảng và Bác Hồ, các lực lượng của ta trên địa bàn tiếp tục được củng cố và phát triển, đã kịp thời bám địa bàn, bám dân, bám phong trào, giữ vững thế chủ động tiến công tiêu diệt địch, chống bình định, giành và giữ dân.
Huyện H2 lúc này được tỉnh chọn là địa bàn phối hợp nên đã điều đại đội đặc công 309 về hoạt động tại huyện. Các đội công tác, lực lượng du kích và bộ đội huyện được bổ sung quân số và trang bị thêm vũ khí, có cả súng hỏa lực, B40, B41...
Năm 1969, các lực lượng vũ trang của huyện phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội tỉnh liên tiếp mở 3 đợt hoạt động Xuân - Hè - Thu tiến công tiêu diệt và làm tan rã lực lượng địch, chống bình định, gom xúc dân, tạo điều kiện hỗ trợ cho phong trào quần chúng nổi dậy phá ấp, phá kìm.
Đêm 22-02-1969, lực lượng vũ trang của huyện phối hợp với các lực lượng quân sự huyện H3, H7 và một bộ phận của đại đội đặc công 309, d401 đánh vào tiểu khu Phú Bổn, tập kích vào quận lỵ Phú Thiện, diệt trên 500 tên địch, đánh quỵ lữ đoàn bảo an và pháo binh cơ giới, phá hủy 2 pháo 105mm, 3 xe cơ giới.
Ngày 10-5-1969, lực lượng vũ trang huyện phối hợp với lực lượng vũ trang huyện H3 và đại đội đặc công 309 tập kích vào chi khu cảnh sát Mlah, diệt 200 tên ngụy, tề điệp ác ôn, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
Trong đợt hoạt động Xuân - Hè năm 1969, các lực lượng vũ trang của huyện phối hợp chặt chẽ với lực lượng huyện H3 và bộ đội tỉnh liên tiếp mở nhiều đợt tấn công vào các mục tiêu quân sự của địch ở Cheo Reo và trên các trục đường giao thông, diệt nhiều tên địch và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của quân ngụy dọc theo đường 14 và đường 7, đưa phong trào quần chúng nhân dân ở các buôn, ấp khu vực này lên cao. Bọn địch lo sợ, tề điệp nằm im, cơ sở quần chúng phát triển mạnh.
Giữa lúc phong trào cách mạng ở H2 đang dâng cao và ở vào thời điểm quyết liệt thì nhận được tin đau buồn, Bác Hồ muôn vàn kính yêu của dân tộc ta lâm bệnh nặng và qua đời. Không khí đau buồn bao trùm khắp các buôn làng, quân dân H2 bàng hoàng khóc thương Bác. Tại vùng căn cứ của huyện, ta tổ chức cho cán bộ và nhân dân làm lễ truy điệu Bác. Trong niềm tiếc thương vô hạn, tại lễ truy điệu Bác, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc H2 nguyện biến đau thương thành hành động cách mạng, quyết tâm cùng với quân dân cả nước thực hiện bằng được Di chúc của Người: Đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất Tổ quốc. Lúc này, đất trời Tây Nguyên mưa như trút nước. Ở nhiều buôn ấp, đồng bào vượt ra ngoài tìm cán bộ hỏi thăm tin tức về Bác, không ai muốn tin rằng Bác đã đi xa. Trong vùng địch, nhiều đồng bào đã lập bàn thờ Bác, bất chấp kẻ thù ngăn cấm. Một số binh lính có tư tưởng tiến bộ, cảm tình với cách mạng, im lặng bỏ qua trước những hành động kính yêu, thương tiếc Bác của đồng bào; có nơi binh lính chống lại chỉ huy, không chịu đi càn trong thời gian cả nước chịu tang Bác.
Sau lễ tang Bác, cùng với việc phát động phong trào học tập và làm theo Di chúc của Bác, Huyện ủy tổ chức đợt chỉnh huấn chính trị cho cán bộ, đảng viên và lực lượng vũ trang, góp phần nâng cao niềm tin và ý chí quyết tâm tiến công tiêu diệt kẻ thù, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - Ngụy.
Trong đợt hoạt động Thu - Đông năm 1969, ở H2, ta liên tục tổ chức tấn công vào các mục tiêu của địch trên địa bàn, tiêu biểu như phối hợp với bộ đội chủ lực đánh vào đồn Kà Lúi lần thứ hai, tiêu diệt một trung đội địch.  Lực lượng du kích và bộ đội địa phương đánh sập lô cốt đầu cầu Lệ Bắc (Ơi Nu) diệt 20 tên địch, thu 18 súng các loại. Tháng 12-1969 tập kích vào quận Phú Túc diệt gọn một trung đội bảo an và 2 tên quận phó. Đầu năm 1970, lực lượng vũ trang của huyện tiếp tục tổ chức đánh vào quận Phú Túc lần thứ hai làm cháy kho đạn của địch trong hai ngày đêm, phá hủy hàng ngàn tấn đạn dược các loại, buộc địch phải sơ tán các gia đình binh sĩ ngụy ra khỏi khu trung tâm quận. Tại cánh đồng Phú Cần ta cũng tổ chức đánh thiệt hại nặng 2c bảo an và một đơn vị nghĩa quân. Để cứu nguy cho Phú Túc, địch buộc phải điều liên đoàn bảo an 256 từ quận Thuần Mẫn về bảo vệ quận Phú Túc...
Với những thắng lợi liên tiếp trên chiến trường, lực lượng của H2 đã góp phần hạn chế những cuộc càn quét đánh phá của địch, tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, đẩy chúng vào thế bị động, hoang mang, lo lắng; tạo điều kiện cho phong trào đấu tranh chính trị, phá ấp giành dân phát triển. Có 5 ngàn lượt quần chúng đấu tranh tại chỗ hoặc kéo đến các đồn bót đòi chồng con, đòi thả người bị bắt, đòi bồi thường nhân mạng và tài sản, đòi trừng trị  bọn gian ác...  Có hàng ngàn quần chúng bỏ ấp trở về làng cũ ở các xã C1, C2, C3, C4, C5, C6. Phong trào diệt ác phá kìm được đẩy mạnh, có lúc xử lý đến 25 tên ác ôn, trong đó, Tổ công tác A3 của lực lượng An ninh H2 gồm các đồng chí: Ksor Mal, Ksor Mrial, Ksor Ôi, Kpă Tit do đồng chí Ksor Ôi làm tổ trưởng đã liên tiếp tổ chức phục kích tiêu diệt nhiều tên ác ôn, có nợ máu với nhân dân như diệt tên trung sĩ tình báo ác ôn Pring ở cầu Cây Me (3-1969), tên Ama Dua ở khu dồn Ơi Nu (10-1969), các tên ấp trưởng và ấp phó ở khu dồn Buôn Du... Trong các đợt tấn công, ta phát động quần chúng kết hợp với công tác binh vận và các cơ sở mật bên trong để đột nhập sâu vào vùng kiểm soát của địch, bắt hàng chục tên tề ấp giáo dục tại chỗ và một số tên ác ôn đưa ra vùng giải phóng để cải tạo.
Trước sự lớn mạnh của phong trào, tháng 3-1970, tại khu căn cứ xã Ia Rsai, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ IV được tổ chức để kiểm điểm, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ và phong trào kháng chiến, rút ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và xác định nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá IV gồm 14 đồng chí, đồng chí Ama Hiu, Tỉnh uỷ viên được bầu làm Bí thư Huyện uỷ. Chỉ đạo huyện lúc này còn có đồng chí Siu Pui (Ama Thương), Phó Bí thư Tỉnh uỷ Đak Lak, trực tiếp chỉ đạo ở H2 .
Nghị quyết Đại hội đã vạch ra phương hướng: tiếp tục chống bình định nông thôn của địch, diệt ác, phá kìm, giành dân và mở rộng vùng giải phóng, củng cố vùng căn cứ, khẩn trương xây dựng thực lực cách mạng, đẩy mạnh đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, thực hiện hai chân, ba mũi, ba vùng chiến lược, đánh địch càn quét, lấn chiếm; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên vững mạnh ở các thôn buôn trong huyện; xây dựng chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ngày càng vững mạnh, tiến hành tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân cấp xã theo phổ thông đầu phiếu.
Sau Đại hội, tình hình trên chiến trường chuyển biến có lợi cho ta. Mỹ-Ngụy điều động một lực lượng lớn quân số trên các chiến trường, trong đó có Đak Lak, Gia Lai tham gia tấn công sang Campuchia với ý đồ nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam và tiêu diệt quân chủ lực miền Nam ở sát vùng biên giới, nhưng chúng bị lực lượng cách mạng nước bạn đánh trả quyết liệt và bị sa lầy ở đó. Trước tình hình trên, phối hợp với chiến trường chung của tỉnh, Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng với phương châm hai chân ba mũi giáp công, liên tục tổ chức tấn công tiêu diệt địch, nổi dậy phá ấp giành dân trên khắp các địa bàn. Ta đã lần lượt bức rút đồn Ơi Nu; tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực địch tại suối Ia Lao (Chư Gu); tấn công san phẳng đồn Ma Rôk, diệt 1b bảo an; tấn công đồn Ma Sanh (nay là khu vực bệnh viện huyện) tiêu diệt một trung đội nghĩa quân; phá banh các ấp chiến lược dọc đường 7 từ Phú Bổn xuống Phú Túc, đoạn đường đi Củng Sơn bị cắt đứt. Để giải toả đường 7, địch dùng trực thăng chở một tiểu đoàn chủ lực từ Bình Dương lên đổ bộ xuống Phú Túc và hành quân về Phú Bổn, nhưng chúng vừa đặt chân xuống đất đã bị quân dân H2 chặn đánh, tiêu diệt trên 300 tên và thu nhiều vũ khí...
Đầu năm 1971, Mỹ - Ngụy mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 tiến công ra đường số 9 - Nam Lào nhằm đánh phá đường mòn Hồ Chí Minh, cắt đứt sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam; chia cắt 3 nước Đông Dương và thử nghiệm công thức tiêu biểu của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”: Bộ binh ngụy + hỏa lực + hậu cần Mỹ. Do phán đoán đúng và dự kiến sớm, ta đã chuẩn bị tốt và tiến hành thắng lợi chiến dịch phản công có ý nghĩa chiến lược đường 9 - Nam Lào, đánh bại quân chủ lực ngụy có sự yểm trợ của hoả lực Mỹ, đánh bại cố gắng quân sự cao nhất của quân ngụy trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, đánh dấu một bước thất bại nghiêm trọng của chiến lược này. Chiến thắng đường 9 - Nam Lào của ta đã chấm dứt quá trình tiến công - phản kích đánh ra vòng ngoài bằng các cuộc hành quân lớn của Mỹ - Ngụy trên chiến trường của 3 nước Đông Dương.
Trên chiến trường Đak Lak, quân Mỹ đã rút đi hết chỉ còn 50 nhân viên kỹ thuật và 1 trung đội công binh. Quân chủ lực ngụy giảm xuống do phải điều đi đối phó các chiến trường khác. Do đó địch tăng cường bắt lính, đôn quân, lập thêm 5 đội bảo an, tiếp tục đẩy mạnh bình định nông thôn.
Để phối hợp với chiến trường chung trong việc thực hiện nhiệm vụ trung tâm: Đánh bại chương trình “Bình định đặc biệt”, diệt kèm, giành dân, giành quyền làm chủ. Đầu năm 1971, tỉnh Đak Lak mở đợt hoạt động Xuân - Hè (mật danh là B81), trọng điểm là các huyện H2, H3 gồm các quận Phú Nhơn, Phú Thiện, Thuần Mẫn, Phú Túc và thị xã Hậu Bổn. Hướng tấn công chủ yếu là quận Phú Thiện. Diện phối hợp là các huyện H4, H5 và vùng ven thị xã Buôn Ma Thuột. Lực lượng đánh địch trên địa bàn lúc này ngoài bộ đội, du kích thuộc H2, H3, huyện 7 (Gia Lai) còn có trung đoàn 95, tiểu đoàn 6 thuộc trung đoàn 24, tiểu đoàn 301 và các đại đội của tỉnh.
Trên địa bàn H2, từ ngày 6-3-1971, các lực lượng của huyện đã tiến đánh các chốt ở buôn Bông, buôn Thêm, đột kích vào các ấp buôn Du, ấp Tân Sinh diệt một số dân vệ, phát động quần chúng lùng bắt gián điệp ác ôn, khôi phục thế làm chủ và tranh chấp trên 8000 dân.
Phối hợp với các hoạt động tấn công của bộ đội, du kích, các đội công tác đã bám sát địa bàn, phát động quần chúng nhân dân phá ấp, phá rào, phá công sự, phá đường, huy động lương thực, thực phẩm và dân công phục vụ chiến dịch. Nhiều quần chúng nhân dân, nhất là thanh niên ở các buôn, ấp đã hăng hái tham gia kháng chiến.
Trong đợt hoạt động hè năm 1971, dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Đảng bộ huyện, các lực lượng H2 đã liên tục tổ chức tấn công địch trên diện rộng và giành được những thắng lợi quan trọng về quân sự. Các lực lượng vũ trang của huyện đã đánh 4 trận, diệt trên 100 tên địch, đột nhập 24 lần vào 13 ấp có số dân hơn 15.500 người, trong đó có 8 ấp đã phát động quần chúng rộng rãi, xóa tề, xóa ấp và tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng.
Về đấu tranh chính trị và binh vận, huyện đã tổ chức 8 cuộc đấu tranh trực diện tại chỗ gồm 890 lượt quần chúng tham gia, 4 cuộc kéo lên quận Phú Túc đấu tranh gồm 550 lượt quần chúng tham gia và nhiều cuộc đấu tranh chống tề, chống bắt lính trong dân, không cho địch xây lô cốt ở các buôn Bông, buôn Thêm...
Công tác xây dựng lực lượng phát triển mạnh tại các xã 7, 8, 9, 10, C2, C3, và C4, ta đều tổ chức Ban cán sự quần chúng gồm 7 người. Thành lập một chi bộ ở xã 8 gồm 6 đảng viên. Tại C2 ta lập 1 chi bộ ở ấp buôn Du gồm 5 đảng viên, 1 chi đoàn và 2 phân đoàn thanh niên, 21 tổ phụ nữ giải phóng, 21 tổ vòng đổi công, xây dựng 8 du kích mật và phát triển 6 cơ sở chính trị. Do đó, lực lượng ta tại các xã tăng lên như sau:
  - Xã 7: 2 đảng viên, 6 du kích và  21 cơ sở khác.
  - Xã 8: 6 đảng viên, 6 du kích và 8 cơ sở binh vận.
  - Xã 9: 4 đảng viên, 5 du kích mật...
  - Xã 10: 6 đảng viên, 6 du kích mật, 6 cơ sở binh vận...
Qua thực tiễn đấu tranh, đội ngũ cán bộ cơ sở cốt cán của ta trong các khu ấp trưởng thành, nhiều chi bộ bên trong lòng địch đã bám chặt lãnh đạo quần chúng hình thành thế làm chủ và tranh chấp trong vùng có địch đóng quân và sát nách địch. Ta đã xây dựng được chi bộ và nhiều cơ sở đơn tuyến cốt cán trong lòng địch, nắm và sử dụng được một số tề, dân vệ, phòng vệ dân sự, xây dựng thành những cơ sở cách mạng của ta.
Với những thắng lợi liên tiếp trong 2 năm 1970 – 1971, ta đã vượt qua thời kỳ khó khăn từ sau Tết Mậu Thân 1968 và chuyển sang thời kỳ mới; Mỹ - Ngụy dần dần bị đẩy vào thế bị động, lúng túng và bế tắc về chiến lược, nhất là khi Mỹ sắp bước vào năm bầu cử Tổng thống. Trước tình hình đó ta quyết định mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972 trên toàn miền Nam nhằm tiêu diệt lớn quân địch, mở rộng vùng giải phóng, góp phần làm thay đổi so sánh lực lượng địch-ta, thay đổi cục diện cuộc chiến tranh ở miền Nam. Trong cuộc tiến công chiến lược này, ta chủ trương kết hợp ba đòn chiến lược: đòn tiến công và nổi dậy ở vùng nông thôn đông dân để đánh phá bình định, đòn đấu tranh chính trị ở các thành thị, đòn kết hợp ba mặt đấu tranh quân sự, chính trị với ngoại giao, giành thắng lợi quyết định ở miền Nam.
Với tinh thần đó, cuối năm 1971, Thường vụ khu ủy và Bộ tư lệnh quân khu V xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho cao trào tấn công và nổi dậy năm 1972 với 3 yêu cầu sau:
  - Tiêu diệt và làm tan rã phần lớn quân ngụy, phá vỡ từng mảng hệ thống phòng thủ của địch.
  - Đẩy mạnh phong trào tấn công và nổi dậy giành làm chủ nông thôn, đánh bại kế hoạch bình định của địch.
  - Đẩy mạnh phong trào đấu tranh ở các đô thị đòi dân sinh, dân chủ, đòi Mỹ rút quân, đòi hòa bình.
Thực hiện nghị quyết của Khu ủy V, tháng 11-1971 Tỉnh ủy Đak Lak họp bàn kế hoạch chuẩn bị phối hợp với chiến trường chung, mở các đợt tấn công và nổi dậy ở các địa phương, tập trung vào các trọng điểm ở đông Cheo Reo, dọc đường số 7, Buôn Hồ, H5 và thị xã Buôn Ma Thuột. Tăng cường cử các đoàn cán bộ của tỉnh về hỗ trợ các huyện để tuyên truyền, giáo dục, phát động quần chúng chuẩn bị cho đợt hoạt động; mở các lớp tập huấn ngắn ngày cho các huyện đội, xã đội, chuẩn bị mở rộng chiến tranh du kích trên toàn địa bàn.
Xác định tầm quan trọng và ý nghĩa của cuộc tiến công chiến lược lần này, Đảng bộ huyện đã tổ chức đợt sinh hoạt chính trị, học tập quán triệt tình hình, chủ trương, nhiệm vụ mới và kế hoạch tiến công và nổi dậy phá ách kìm kẹp, giành quyền làm chủ của huyện trong năm 1972. Đảng bộ kêu gọi đồng bào các dân tộc trong huyện hãy tổng nổi dậy, phá sạch các khu dồn, ấp chiến lược, phá bỏ kìm kẹp, đấu tranh quyết liệt trở về làng cũ làm ăn, giành và giữ vững quyền làm chủ. Tập trung lực lượng phía sau ra phía trước lấn sâu vào vùng địch, nổi dậy đấu tranh giành đất, giành quyền làm chủ, phát triển thế và lực mới của ta, kéo đi đòi chồng con, bao vây đồn bót, kêu gọi binh lính làm binh biến, bỏ đồn bót về nhà; kiên quyết đánh bại các âm mưu của địch, nhất là phản kích lấn chiếm của chúng vào vùng giải phóng...
Để huy động nhân lực, vật lực cho chiến dịch, Huyện ủy chỉ đạo vừa đẩy mạnh phong trào sản xuất, thu mua lương thực trong vùng căn cứ, vùng giải phóng và vùng địch; vừa đẩy mạnh phong trào dân công. Kết quả đã huy động được 2.533 ngày công phục vụ chiến dịch, thu mua được trên 2.300kg gạo; phong trào thi đua sản xuất, tất cả vì tiền tuyến... phát triển mạnh mẽ. Các lực lượng của huyện được củng cố và nâng cao về số lượng và chất lượng, khí thế đấu tranh cách mạng của quần chúng dâng cao... đã làm cho bọn tề ấp, bảo an, phòng vệ dân sự hoang mang lo lắng, một bộ phận rã ngũ lánh đi nơi khác, một số đi theo quần chúng cách mạng.
Sau khi triển khai xong các nhiệm vụ chuẩn bị cho chiến dịch, đêm 24-3-1972, các lực lượng vũ trang của ta nổ súng mở màn đợt hoạt động Xuân-Hè. Phối hợp với bộ đội tỉnh, bộ đội H2 tấn công tiêu diệt chốt dân vệ ở ấp Đức An, pháo kích vào chốt bảo an ở Kà Lúi; vây ép địch ở 2 ấp Đức An, Đức Lộc; phát động quần chúng nổi dậy phá ấp, đưa 4.000 dân về làng cũ ở bờ nam sông Ba. Địch đưa 2 liên đội bảo an từ Cheo Reo và Cẩm Ga xuống phản kích giải tỏa bị lực lượng ta chặn đánh, gây cho chúng nhiều thiệt hại. Trong vòng 10 ngày đầu của đợt hoạt động, ta mở ra được 5 ấp nhưng sau đó địch đã lấn chiếm lại 3 ấp. Thừa thắng, bộ đội ta tấn công tiêu diệt cứ điểm Buôn Chai, cắt đứt tuyến giao thông đến Phú Túc. Tháng 4-1972, ta tiếp tục bám đánh địch ở Phú Túc, tiêu diệt trên 50 tên; đồng thời bao vây địch ở đồn Kà Lúi. Đầu tháng 5-1972, quân địch ở Kà Lúi tháo chạy, ta giải phóng toàn bộ nhân dân ở vùng này. Trong các ngày từ 28 đến 31-5-1972, ta liên tục chặn đánh quân tiếp viện của địch từ Cheo Reo xuống tăng cường cho Phú Túc. Ngày 30-5-1972, lực lượng huyện phối hợp với D301 của tỉnh phục kích phía đông cầu Ơi Nu, tiêu diệt bọn địch đi tuần đường, đánh chặn đoàn xe địch tiếp tế xuống quận Phú Túc, buộc chúng phải quay lại Cheo Reo. Cùng ngày, c4 thuộc d301 pháo kích vào cứ điểm Ơi Nu, đốt cháy 2 cầu trên đường số 7. Ngày 31-5-1972, C3 thuộc D301 phục kích trên đường số 7 cách ấp buôn Du 2 km đánh vào 2B tăng cường của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất...
Trước sự tăng cường phản kích lấn chiếm lại các ấp đã bị mất của địch, Đảng bộ huyện chỉ đạo các lực lượng vũ trang tiếp tục đẩy mạnh tiến công tiêu diệt địch, giành và giữ dân vùng Mlah và bắc sông Ba, tiếp tục đưa dân trong các ấp địch kiểm soát ra vùng ta, kiên quyết quét sạch tề ấp để đảm bảo thế làm chủ của nhân dân, tăng cường bổ sung cán bộ cho đội công tác K15 để trong thời gian ngắn nhất hoàn thành việc bung dân ra, khẩn trương đẩy mạnh cao trào tổng tiến công và nổi dậy dứt điểm trong thời gian ngắn nhất của các vùng (K).
Phát huy những thắng lợi liên tiếp trong đấu tranh vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng lúc này dâng cao, hàng trăm quần chúng bị địch xúc đưa về các ấp buôn Du, Tân Sinh, buôn Wông (Bông), buôn Nai... đấu tranh quyết liệt không chịu vào ấp, hơn 600 dân ở xã 7 đã bung về vùng ta. Cuộc đấu tranh của quần chúng ở nhiều nơi được binh lính ngụy đồng tình, chúng đã làm ngơ và thúc quần chúng trốn về. Tranh thủ lúc địch đang hoang mang, dao động, khí thế cách mạng của quần chúng đang lên cao, ta đẩy mạnh công tác binh vận, kêu gọi binh lính bỏ ngũ về với vợ con, cầm súng chống lại và không chịu ra trận làm bia đỡ đạn cho Mỹ - Ngụy. Kết quả, đã có một bộ phận binh lính bỏ ngũ về quê, một số đi theo cách mạng và trở thành cơ sở nội tuyến của ta...
Những thắng lợi bước đầu có ý nghĩa to lớn của quân và dân huyện H2 trong thời gian này đã được Thường vụ Tỉnh ủy Đak Lak tuyên dương, góp phần động viên, khích lệ tinh thần đấu tranh, ý chí quyết tâm chiến đấu và chiến thắng kẻ thù.
Ngày 12-6-1972, Thường vụ Tỉnh ủy Đak Lak tổ chức Hội nghị mở rộng kiểm điểm tình hình, đánh giá kết quả hoạt động Xuân - Hè năm 1972 và quyết định tập trung động viên nỗ lực cao nhất của toàn Đảng bộ, quần chúng trong tỉnh, phát huy thắng lợi đã giành được, tranh thủ thời cơ, đẩy mạnh tấn công và nổi dậy liên tục, quyết giải phóng nông thôn và đẩy mạnh phong trào đấu tranh của quần chúng trong thị xã và các quận lỵ.
Thực hiện Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, từ ngày 7 đến ngày 10-10-1972, các lực lượng vũ trang của huyện phối hợp với bộ đội tỉnh và các trung đoàn chủ lực Tây Nguyên liên tiếp tổ chức tiến công tiêu diệt địch dọc đường 7 từ Phú Nhơn, Phú Thiện đến Phú Túc và giành thêm được 9 buôn dọc đường 7, kể cả vùng buôn Chai, buôn Ngô. Đến cuối năm 1972, ta đã hoàn toàn làm chủ vùng nông thôn H2, mở ra một vùng giải phóng rộng lớn, góp phần đắc lực vào việc huy động về người và của cho cuộc kháng chiến.
Sau 4 năm đương đầu với chiến lược "Việt Nam hoá chiến tranh" của Mỹ-Ngụy, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, quân và dân H2 đã vượt qua bao hy sinh, gian khổ, chiến đấu kiên cường, giữ vững thế tiến công, liên tục đánh địch bằng phương châm hai chân, ba mũi giáp công, từng bước đánh bại kế hoạch bình định cấp tốc của địch; giành và giữ dân; xây dựng và mở rộng vùng ta làm chủ. Cụ thể:
Các lực lượng vũ trang của huyện đã lần lượt đánh bại các cuộc càn quét, lấn chiếm của địch, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch và phá huỷ nhiều phương tiện chiến tranh của chúng; diệt và làm tan rã phần lớn lực lượng tề xã, tề buôn; phối hợp và hỗ trợ cho phong trào đấu tranh chính trị và nổi dậy của quần chúng chống gom dân, phá kèm, diệt ác, giành quyền làm chủ... Trong quá trình chiến đấu, các lực lượng vũ trang của huyện ngày càng trưởng thành và phát triển về mọi mặt, trở thành nỗi ám ảnh lo sợ đối với quân địch trên địa bàn.
Kết hợp với tác chiến diệt địch, phong trào đấu tranh chính trị và nổi dậy diệt ác phá kèm, phá khu dồn, ấp chiến lược trở về làng cũ diễn ra liên tục và trên diện rộng. Các hình thái: càn quét và chống càn quét; đóng chốt kẹp dân và diệt chốt phá kèm; dồn dân lập khu dồn và chống dồn dân phá khu dồn... là những hình thái đấu tranh giằng co quyết liệt và dai dẳng giữa địch và ta trong suốt thời kỳ "Việt Nam hoá chiến tranh". Đến cuối năm 1972, ta đã hoàn toàn làm chủ vùng nông thôn rộng lớn của huyện, mở ra một khả năng to lớn cho cách mạng.
Cùng với đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị, công tác binh tề vận được Đảng bộ huyện đặc biệt quan tâm chỉ đạo. Các chi bộ, mặt trận và các đoàn thể, các đội công tác và cơ sở của ta trong vùng địch đã bám sát địa bàn, bám sát đối tượng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, đấu tranh phân hoá hàng ngũ địch. Kết quả, ta đã làm cho nội bộ địch bị rối loạn, tinh thần sa sút, hoang mang, dao động; một bộ phận binh lính nguỵ bỏ ngũ về với gia đình, một bộ phận được giác ngộ và đi theo cách mạng... Qua các hoạt động tán phát truyền đơn, gọi loa, gửi thư tay, giáo dục vận động lôi kéo của gia đình và quần chúng đã làm cho lực lượng dân vệ, nghĩa quân, phòng vệ dân sự, tề, bảo an ở các chốt, ấp, khu dồn ra gặp ta ngày càng nhiều. Qua tiếp xúc, ta đã tranh thủ xây dựng, nắm và sử dụng nhiều đối tượng, xây dựng nhiều cơ sở trong hàng ngũ địch đưa lên hành động như chống lệnh đôn quân, không đi càn quét, không chịu đàn áp nhân dân đấu tranh, không đi gom xúc dân đã bung ra khỏi ấp; phối hợp diệt ác ôn, báo cho ta chặn đánh bọn ra lùng sục, phục ban đêm ngoài ấp...
Cùng với việc đánh địch mở dân phía trước, Đảng bộ huyện đẩy mạnh việc chăm lo xây dựng vùng căn cứ, vùng giải phóng ngày càng vững mạnh, trở thành địa bàn đứng chân vững chắc của huyện và tỉnh, góp phần xây dựng và bảo vệ tuyến hành lang chiến lược của tỉnh đi qua địa bàn huyện được thông suốt. Hai trạm giao bưu T41, T42 hoạt động nhộn nhịp ngày đêm, đảm bảo liên lạc thông suốt giữa huyện với tỉnh và các địa bàn khác. Tuy bị địch thường xuyên đánh phá, có lúc bị đánh phá nặng, việc ăn ở và sản xuất của nhân dân nhiều nơi rất khó khăn, nhưng với tinh thần tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược... đồng bào ta ở vùng căn cứ, vùng giải phóng đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh thực hiện các phong trào xây dựng làng xã chiến đấu, tăng gia sản xuất, tương trợ giúp đỡ nhau trong đời sống và sản xuất, tích cực ủng hộ sức người, sức của cho cách mạng...
Với những thắng lợi to lớn của cách mạng miền Nam trong những năm 1969-1972, nhất là thắng lợi của cuộc tiến công chiến lược năm 1972, ta đã làm thay đổi cục diện chiến trường ở miền Nam; cùng với việc đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B52 của Mỹ ở miền Bắc, ta đã đạt mục tiêu giành thắng lợi quyết định, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam; rút hết quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam; còn quân chủ lực ta vẫn ở nguyên tại chỗ, tạo nên so sánh lực lượng mới có lợi cho ta kể từ 18 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

III- ĐÁNH BẠI KẾ HOẠCH LẤN CHIẾM, “TRÀN NGẬP LÃNH THỔ” CỦA ĐỊCH; PHỐI HỢP VỚI CHIẾN TRƯỜNG CHUNG ĐẨY MẠNH TIẾN CÔNG TIÊU DIỆT ĐỊCH; PHÁT ĐỘNG QUẦN CHÚNG NỔI DẬY GIẢI PHÓNG TOÀN HUYỆN (1973-1975)

Phải ký Hiệp định Pari, rút quân về nước, nhưng đế quốc Mỹ vẫn ngoan cố tiếp tục dùng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ thực hiện chủ nghĩa thực dân mới của chúng ở miền Nam, âm mưu biến miền Nam thành một "quốc gia" thân Mỹ, thực chất vẫn là một thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
Sau Hiệp định Pari, ở miền Nam chưa có ngừng bắn hoàn toàn, chưa có hoà bình thật sự, Mỹ-ngụy vẫn tiến hành bình định và lấn chiếm khắp miền Nam. Mục tiêu trước mắt của Mỹ-ngụy là lấn chiếm vùng giải phóng và bình định vùng chiếm đóng, tiêu diệt một bộ phận lực lượng ta, đẩy lực lượng còn lại của ta ra sát biên giới, loại Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra khỏi đời sống chính trị ở miền Nam. Để thực hiện mục tiêu này, Mỹ tăng cường cung cấp tiền của, vũ khí, phương tiện chiến tranh cho ngụy[57], ráo riết bắt lính, đôn quân, tăng lực lượng vũ trang ở cơ sở để trực tiếp khống chế nhân dân; liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét, các chiến dịch "tràn ngập lãnh thổ",... duy trì lực lượng răn đe của Mỹ ở các vùng phụ cận quanh Việt Nam gồm 56 tàu chiến, 1.020 máy bay và 15.200 quân Mỹ. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hoạt động ngoại giao xảo quyệt... để ngăn chặn sự phát triển của cách mạng miền Nam. Chúng coi lấn đất giành dân lần này là "keo cuối cùng, thắng là đây mà thua cũng là đây", coi địa bàn chủ yếu của cuộc chiến tranh điền địa là ấp xã và giải quyết ấp xã là căn bản giải quyết được cuộc chiến tranh. Chúng huy động khoảng 60-70 tiểu đoàn chủ lực cùng toàn bộ các lực lượng khác thực hiện lấn chiếm, bình định.
Trên địa bàn tỉnh Đak Lak sau ngày ký Hiệp định Pari, địch tập trung lực lượng phản kích, đánh chiếm lại các vùng đã bị mất. Chúng đã tập trung trên 10 tiểu đoàn có phi cơ, trọng pháo và thiết giáp chi viện, tổ chức càn quét, đánh phá các trận địa của ta và làng mạc của dân. Từ tháng 6 đến tháng 9-1973, địch đã lấn chiếm lại các khu vực Ea Sol (tây Cheo Reo), buôn Hăng, Chư Kpăm (Phước An), Ea Tuôr, buôn Phung (Buôn Ma Thuột), buôn Gô (bắc Khánh Dương); cắm thêm 10 điểm chốt, khai thông lại đường số 7, 7 bis và 21 bis, mở rộng đường số 6, 14 và đường từ Buôn Ma Thuột đi Buôn Đôn; ra sức bắt lính tăng quân, phát triển 71 cuộc cảnh sát xã (mỗi cuộc từ 8-15 tên); tăng cường phát triển bộ máy kìm kẹp các cấp, tiến hành "cách mạng hành chính" thay đổi các lực lượng không ăn cánh với Nguyễn Văn Thiệu, đưa tay chân của Thiệu vào nắm các vai trò chủ chốt; phát triển các đảng phái phản động, nhất là đảng Dân chủ của Thiệu... Địch ngang nhiên công khai tuyên bố phá hoại Hiệp định, thực hiện nhiều hoạt động khủng bố. Trong năm 1973, chúng đã vi phạm Hiệp định đình chiến trên 600 vụ, có 79 cuộc hành quân lấn chiếm, 89 cuộc hành quân cảnh sát, 91 phi vụ với trên 400 lần chiếc máy bay ném bom, bắn 20.000 quả đại bác vào vùng căn cứ và vùng giải phóng, thiêu huỷ 760 nóc nhà, lùa xúc được 845 người dân vùng ta vào vùng địch... Về kinh tế, địch tuyên truyền kế hoạch "tái thiết hậu chiến", ra sức khai thác tiềm năng kinh tế Tây Nguyên, bóc lột nhân dân bằng các thứ thuế và phong toả bao vây kinh tế ta. Sau Hiệp định Pari, địch đưa trên 16.500 dân ở Quảng Trị, Kon Tum và Phú Yên đến các khu vực Cẩm Ga, Chư Báh, Ea Sol (tây Cheo Reo), buôn Yăk, Ea Yêng... lập các khu định cư mới; cày ủi lấn chiếm hàng ngàn héc ta đất để mở đồn điền...
Trên địa bàn H2, địch ráo riết thực hiện kế hoạch "tràn ngập lãnh thổ", tăng cường phản kích giành lại các vùng bị mất trước đây và từng bước lấn chiếm vùng giải phóng của ta. Hướng lấn chiếm của địch là nhằm vào vùng giải phóng đông dân, có vị trí quan trọng về quân sự và kinh tế, vùng ven quận lỵ Phú Túc và dọc các trục giao thông. Thủ đoạn của địch là lấn dần từng khu vực, gom dân hết nơi này sang nơi khác, tiếp xúc với ta để chuẩn bị lấn chiếm, lấn chiếm rồi lại tiếp xúc... Trước hết, địch tập trung lực lượng phản kích khai thông giao thông dọc đường 7; tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét, nhất là các cuộc hành quân cảnh sát ven quận lỵ để ổn định tình hình và bảo vệ quận Phú Túc; đồng thời đẩy mạnh bình định, thanh lọc quần chúng và truy bắt cơ sở của ta nhằm kìm chặt dân trong vùng kiểm soát, ngăn ngừa và chống các cuộc nổi dậy của quần chúng ở cả nông thôn và trung tâm quận lỵ; tăng cường đưa những tên chiêu hồi, chiêu hàng vào vùng căn cứ lũng đoạn nội bộ ta, nhất là những tên người dân tộc thiểu số...
Chúng tăng cường củng cố nội bộ nguỵ quân, nguỵ quyền; ráo riết bắt lính, tăng quân, bổ sung quân số cho các chiến trường; phát triển dày đặc lực lượng cảnh sát và mật vụ; ra sức củng cố bộ máy kìm kẹp ở xã, ấp, đưa một số sĩ quan các trường quân sự về tăng cường cho xã, ấp; phát triển các đảng phái, tổ chức phản động như Đảng Dân chủ, tổ chức tình báo đại chúng trong các hộ gia đình; giúp đỡ bọn FULRO tổ chức đại đội 854 do tên ác ôn khét tiếng Nay Hor chỉ huy; tăng cường cho quận Phú Túc liên đoàn bảo an cơ động 256 do tên đại uý Siu Năng chỉ huy; tung các đoàn bình định trá hình về các xã, ấp theo dõi, kìm kẹp, khống chế nhân dân; từng bước đưa dân ở các khu dồn lớn về lập các khu dồn nhỏ ở tại chỗ, đưa dân ra các vùng trắng do chúng kiểm soát...
Về chính trị, địch tập trung tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Hiệp định Pari. Công khai tuyên bố không có hoà bình, không có ngừng bắn, không có tổng tuyển cử, không có giải pháp chính trị; không thừa nhận có hai chính quyền, hai quân đội; bắt nhân dân đi học tập cái gọi là "hiện tình đất nước"; khống chế những người trung lập và những người chúng nghi ngờ có quan hệ với cách mạng phải ký giấy "tự thú", bắt ép những quần chúng tốt vào Đảng Dân chủ của Nguyễn Văn Thiệu và tổ chức tôn giáo phản động... nhằm ly gián quần chúng với cách mạng, gây nghi ngờ trong nội bộ ta. Chúng triệt để lợi dụng những sơ hở của ta để thực hiện chính sách chia rẽ dân tộc, chia rẽ quần chúng nhân dân với cách mạng; tăng cường thực hiện các thủ đoạn mị dân như tái thiết hậu chiến, cấp tiền bồi thường chiến tranh cho một số gia đình để lừa bịp quần chúng.
Về kinh tế, địch xúc tiến mạnh việc bao vây kinh tế vùng ta; kiểm soát, bắt bớ quần chúng đi lại mua bán muối, vải, thuốc men, lương thực,... ngăn chặn quần chúng đi lại giữa hai vùng, ngăn cấm quần chúng đi về làng cũ ở vùng giải phóng...
Về phía ta, từ sau ngày Hiệp định Pari có hiệu lực, Đảng ta đã dự kiến hai khả năng: hoặc là hoà bình được duy trì, Hiệp định được thực hiện từng bước, phong trào cách mạng miền Nam có điều kiện phát triển những bước mới; hoặc là chiến tranh sẽ tiếp tục. Đã rút về nước, quân Mỹ khó quay trở lại, và nếu có thì chỉ có thể dùng không quân, hải quân để cứu ngụy. Ta ra sức tranh thủ khả năng một và sẵn sàng đối phó với khả năng hai. Từ tháng 5-1973, Hội nghị Bộ Chính trị đã kịp thời nhận định tình hình mới sau mấy tháng thi hành Hiệp định Pari là: xu hướng chống phá Hiệp định của địch ngày càng tăng; ta có nhiều sơ hở, lúng túng trong đối phó với địch; thực tế ngày càng rõ tình hình phát triển theo khả năng hai, vì Mỹ không ngừng tiếp tay cho ngụy lấn chiếm và bình định, điên cuồng đánh phá cách mạng, hòng xoá bỏ vùng giải phóng, đẩy lùi lực lượng cách mạng. Và do ta có khuyết điểm và sơ hở trong chủ trương đối phó với hành động phá hoại Hiệp định Pari của địch nên đã có những tổn thất nhất định.
Từ thực tế của cuộc chiến tranh, tháng 7-1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá III) đã ra bản Nghị quyết lịch sử "Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới". Nghị quyết xác định, trong bất kể tình huống nào, cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng, chiến lược của cách mạng miền Nam vẫn là chiến lược tiến công. Nhiệm vụ trước mắt là đấu tranh trên cả ba mặt trận chính trị, quân sự, ngoại giao, tuỳ theo từng lúc, từng nơi mà kết hợp các mặt trận đó cho thích hợp, buộc địch thi hành Hiệp định Pari, giữ vững lực lượng cách mạng về mọi mặt, thắng địch từng bước, đưa cách mạng miền Nam tiến lên.
Thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng, tháng 9-1973, Tỉnh uỷ Đak Lak tổ chức họp kiểm tình hình, đấu tranh phê phán tư tưởng hữu khuynh, không nắm vững quan điểm bạo lực để mất đất, mất dân; xác định nhiệm vụ chống bình định lấn chiếm, trọng tâm là công tác vùng địch. Từ đó đến cuối năm 1973, các lực lượng trong tỉnh đã tổ chức đánh địch 144 trận, tiêu diệt và làm bị thương gần 1.000 tên, thu giữ nhiều vũ khí; lần lượt đánh bại các cuộc càn quét, lấn chiếm của địch, cơ bản giữ vững vùng giải phóng...
Trên địa bàn H2, sau ngày Hiệp định Pari được ký kết, Huyện uỷ chủ trương đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định, nghiêm chỉnh thực hiện các điều khoản của Hiệp định, giương cao khẩu hiệu "Hoà bình, đời sống, hoà giải, hoà hợp dân tộc"; đồng thời kiên quyết chống và đánh trả các cuộc phản kích, lấn chiếm của địch, giữ vững các địa bàn quan trọng và vùng căn cứ, vùng giải phóng; xây dựng và củng cố lực lượng, xây dựng và phát triển vùng ta ngày càng vững mạnh; đẩy mạnh tấn công binh vận, đấu tranh chính trị; tăng cường lãnh đạo và chuyển hướng công tác vùng địch kiểm soát cho phù hợp với tình hình mới...
Tháng 10-1973, Đảng bộ huyện tổ chức Đại hội lần thứ V tại Ia Buar xã Ia Rsai, bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ huyện (khoá V) gồm 15 đồng chí. Đồng chí Đỗ Hữu Bá (Ama Giao) được bầu làm Bí thư Huyện uỷ, đồng chí Ama Hai giữ chức Phó bí thư Huyện uỷ, kiêm Chủ tịch Uỷ ban lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam huyện.
 Nghị quyết Đại hội xác định nhiệm vụ cách mạng của huyện lúc này là: đẩy mạnh đấu tranh hai chân ba mũi giáp công, lấy chân chính trị, binh tề làm chủ công; vũ trang hỗ trợ, đồng thời tranh thủ chớp thời cơ lúc có diễn biến quân sự của khu vực hoặc toàn miền, dùng lực lượng chính trị, binh tề vận xông lên giành chính quyền về tay nhân dân. Trước mắt, giữ vững vùng căn cứ, vùng giải phóng; đẩy mạnh đấu tranh vùng địch để bảo vệ vùng căn cứ; giữ vững thế hợp pháp của quần chúng là dãn dân ngủ rẫy, ngủ ấp, không ngủ hết trong ấp nhưng cũng không bỏ rẫy. Tăng cường xây dựng và củng cố các tổ chức cơ sở Đảng vững mạnh; khẩn trương xây dựng thực lực chính trị, lực lượng vũ trang; đồng thời đẩy mạnh xây dựng mặt trận đoàn kết toàn dân, củng cố chính quyền cách mạng từ huyện đến xã, bầu ra Hội đồng nhân dân huyện, củng cố cốt cán cơ sở là người dân tộc tại chỗ. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, thực hiện tốt các phong trào chăn nuôi, trồng trọt, tự túc lương thực, thực phẩm; cứu đói, cứu đau; chú trọng mở các lớp học văn hoá, học tiếng Jrai, đào tạo cán bộ tại chỗ; phát triển các phong trào văn hoá văn nghệ ở các buôn làng; thành lập các Ban an ninh vũ trang, trại cải tạo và dạy nghề; xây dựng huyện trở thành hậu phương trực tiếp quan trọng trong kháng chiến đối với chiến trường Đak Lak...
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời và sáng suốt của Đảng bộ huyện, phong trào đấu tranh cách mạng trên địa bàn được giữ vững và từng bước phát triển. Các lực lượng vũ trang của huyện liên tục tổ chức bám địa bàn đánh địch phản kích giải toả giao thông và lấn chiếm, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giữ vững vùng giải phóng. Trong những tháng cuối 1973, các lực lượng vũ trang của huyện phối hợp với lực lượng của tỉnh liên tục tấn công địch, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 150 tên, bắt sống 27 tên, thu 43 súng các loại... Đến năm 1974 ta đã từng bước đánh bật địch ra khỏi các vị trí mới lấn chiếm, tiếp tục mở rộng vùng ta làm chủ, đẩy địch co về phòng thủ các cứ điểm, hình thành thế bao vây cô lập quận Phú Túc, cắt đứt đường giao thông xuống Phú Yên trong nhiều ngày. Các lực lượng của ta càng đánh càng trưởng thành và phát triển. Lực lượng quân sự của huyện được tăng cường 1b; 6 xã vùng căn cứ đều có tiểu đội du kích và Ban an ninh xã; trong các ấp vùng địch, cứ mỗi ấp có khoảng 30 du kích mật, 20 đồng chí cơ sở an ninh bám trụ hoạt động. Để đẩy mạnh công tác trong vùng địch, huyện đã tập trung bổ sung quân số và bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đội công tác; đưa cán bộ các đội công tác đi đào tạo dài ngày ở tỉnh, ở phân khu. Sau khi hoàn thành khoá huấn luyện, các chiến sĩ và cán bộ sáu đội công tác của huyện đã về bám trụ phục hồi cơ sở cũ và tổ chức cơ sở mới đông, mạnh hơn trước... Nhờ đó, phong trào của ta trong vùng địch được đẩy mạnh.
Kết hợp với các hoạt động bố phòng, nhân dân ở vùng giải phóng và vùng tranh chấp liên tục đấu tranh chống địch càn quét lấn chiếm, chống cướp bóc hoa màu, tài sản, chống gom xúc dân... Nhân dân ở các vùng địch kiểm soát, trong các khu dồn, ấp chiến lược đấu tranh đòi tự do dân chủ, buôn bán, làm ăn; tự do đi lại giữa hai vùng; đòi trở về làng cũ; chống bắt lính, chống phát súng với khẩu hiệu "Hoà bình rồi phải trả chồng con về, không đi lính, không nhận súng...”. Đồng bào nhiều nơi đã tổ chức cho thanh niên và lính đào ngũ trốn ở rừng, thiếu nhi lo liên lạc báo tin, gia đình lo tiếp tế, hình thành phong trào chống bắt lính ở thôn ấp được quần chúng tiếp tế che chở, binh lính và tề đồng tình. Ở nhiều khu dồn, ấp chiến lược, nhân dân đã đi lại thăm nương rẫy, ruộng vườn cũ; trải ra sản xuất; lẻ tẻ bỏ khu dồn trở về vùng ta. Ở một số nơi địch đóng chốt, quần chúng đấu tranh chống địch thành lập bộ máy kìm kẹp, giành quyền làm chủ ...
Công tác binh tề vận được quan tâm đẩy mạnh và đã thu được nhiều kết quả quan trọng. Ta đã tổ chức phát hàng trăm bản Hiệp định và hàng ngàn tờ rơi trích một số điều khoản chủ yếu, thông báo chung, thông báo cuối cùng của Hội nghị vào vùng địch. Tăng cường tuyên truyền rộng rãi chủ trương hoà bình, hoà hợp dân tộc của ta trong binh lính ngụy; tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc với nhiều đơn vị bảo an, dân vệ và tề ấp... Kết quả, nhiều binh lính ngụy, nhất là dân vệ và tề ấp đã tỏ thái độ hoan nghênh và đồng tình với chính sách của ta, tán thành hoà bình, hoà hợp dân tộc; một bộ phận binh lính bỏ ngũ về với gia đình; một số binh sĩ làm theo sự hướng dẫn của cán bộ ta, không chấp hành mệnh lệnh kìm kẹp nhân dân của bọn ác ôn, để dân đi lại làm ăn, quan hệ buôn bán giữa hai vùng, để dân đi lại tiếp xúc với cán bộ ta, có nơi một số tề và dân vệ đã đồng tình và giúp đỡ nhân dân bỏ khu dồn trốn về làng cũ làm ăn sinh sống ... Các cơ sở của ta ở vùng địch ngày càng được mở rộng, việc nắm lính, nắm tề, nắm dân thuận lợi hơn. Các phong trào diệt ác, phá kèm, giành quyền làm chủ phát triển trên diện rộng.
Ở vùng căn cứ, vùng giải phóng, bên cạnh việc tổ chức chống địch càn quét đánh phá, ta tập trung lực lượng đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cứu đói, cứu đau, mở rộng thông thương buôn bán giữa hai vùng, xây dựng và củng cố tuyến hành lang chiến lược của tỉnh. Bước đầu ta đã cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu lương thực, thiếu muối kéo dài; đời sống của nhân dân dần dần được ổn định. Các phong trào văn hoá, văn nghệ, học chữ, học tiếng dân tộc diễn ra sôi nổi ở các thôn làng. Hệ thống chính quyền cách mạng từ huyện đến xã được củng cố một bước, tạo điều kiện quan trọng cho việc xây dựng và củng cố vùng căn cứ của ta ngày càng vững mạnh, góp phần huy động nhân lực, vật lực ngày càng nhiều cho cách mạng.
Trong năm 1974, trên chiến trường miền Nam, các lực lượng ta chuyển mạnh sang thế chủ động chiến lược, đánh nhiều trận tiêu diệt quân chủ lực ngụy, đập tan hầu hết các cuộc hành quân lấn chiếm, mở rộng vùng giải phóng. Vào giữa năm 1974, quân và dân ta đã giải phóng và giữ được hàng chục chi khu quận lỵ mà ngụy quyền Sài Gòn không có khả năng lấy lại được. Hiện tượng đó phản ánh thế và lực của ta đã mạnh hơn hẳn kẻ thù, mở ra thời cơ giải phóng miền Nam.
Tháng 7-1974, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn trực tiếp hướng dẫn Bộ Tổng tham mưu khởi thảo kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam. Tiếp đó, Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương cùng các đồng chí chủ chốt các chiến trường hai lần họp hội nghị, thống nhất quyết tâm chiến lược và thông qua kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.
Về quyết tâm chiến lược, ta hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong thời gian 2 năm 1975-1976. Về kế hoạch chiến lược, ta xác định mục tiêu trong năm 1975 làm cho lực lượng ta lớn mạnh vượt bậc, mở nhiều đợt tiến công và nổi dậy làm cho lực lượng địch suy yếu nhanh chóng, tạo điều kiện chín mùi để tổng công kích-tổng khởi nghĩa trong năm 1976; mục tiêu trong năm 1976 là phát động tổng công kích-tổng khởi nghĩa, đánh lớn, đánh nhanh, diệt từng sư đoàn địch, đánh Sài Gòn là chỗ hiểm yếu nhất, giành thắng lợi cuối cùng.
Ngoài kế hoạch cơ bản trên ta còn dự kiến một phương án nữa: Nếu thời cơ đến thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Về hướng trọng điểm và trận mở đầu của kế hoạch chiến lược, sau khi thống nhất trong hội nghị, Bộ Chính trị kết luận: Khu vực có đủ điều kiện chọn và hạ quyết tâm là Nam Tây Nguyên. Đây là hướng chủ yếu mở đầu của kế hoạch chiến lược tổng tiến công và nổi dậy.
Việc chọn Tây Nguyên là hướng trọng điểm mở đầu, Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng, bởi Tây Nguyên nói chung là địa bàn quan trọng của cả địch và ta, Buôn Ma Thuột là điểm chốt mà địch bố trí lực lượng mạnh trong chiến lược phòng ngự từ xa bảo vệ Sài Gòn và sườn của các thành thị ven biển miền Trung. Ta bất ngờ đánh chiếm Buôn Ma Thuột sẽ làm đảo lộn hệ thống phòng thủ chiến lược của địch ở Tây Nguyên, tiêu diệt được nhiều sinh lực địch. Giải phóng Tây Nguyên sẽ tạo được hành lang an toàn, thuận lợi về mọi mặt cho cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Tiếp thu chủ trương của Trung ương Đảng, Thường vụ Khu uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu V đã tổ chức Hội nghị truyền đạt nội dung của Hội nghị Bộ Chính trị, bàn kế hoạch thực hiện và phân công các đồng chí đi truyền đạt, bàn kế hoạch với các tỉnh.
Đầu tháng 2-1975, đồng chí Bùi San đại diện Thường vụ Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên họp với đồng chí Huỳnh Văn Cần, Bí thư Tỉnh uỷ Đak Lak và các đồng chí Siu Pui (Ama Thương), Yblok Êban ... bàn kế hoạch phối hợp tiến công và nổi dậy ở chiến trường Buôn Ma Thuột và trong toàn tỉnh. Để chuẩn bị lực lượng chính trị phối hợp với tiến công của quân chủ lực ở thị xã; tháng 2-1975, Tỉnh uỷ Đak Lak đã lựa chọn trên 80 cán bộ, chiến sĩ ở các ban ngành, các đơn vị trong tỉnh tổ chức tập huấn phương pháp công tác; hình thành các đội chính trị lo phát động quần chúng; các tổ công tác an ninh lo truy quét ác ôn tề điệp; các bộ phận lo tiếp quản các cơ sở kinh tế, lo xây dựng chính quyền... để chuẩn bị đưa vào thị xã hoạt động. Tỉnh uỷ cũng đã bàn kế hoạch tiếp quản thị xã khi được giải phóng, dự kiến các tình huống có thể xảy ra và chuẩn bị nhân sự thành lập Uỷ ban quân quản ở thị xã.
Đồng chí Siu Pui (Ama Thương) được phân công ra các huyện phía Bắc: H4, H3, H7 và H2 quán triệt chủ trương của Trung ương, Khu uỷ V vè tổng tiến công và nổi dậy xuân năm 1975 ở tỉnh Đăk Lăk; bàn kế hoạch chuẩn bị thực lực các mặt: hậu cần, tổ chức lực lượng nhân dân và quân sự tấn công các mục tiêu của từng huyện...
Trên địa bàn huyện H2, sau khi triển khai quán triệt kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy của Khu uỷ và của Tỉnh uỷ Đak Lak, Huyện uỷ H2 đã tập trung chỉ đạo các lực lượng xây dựng kế hoạch, chuẩn bị về mọi mặt để phối hợp với bộ đội tỉnh và quân chủ lực tổng tiến công và nổi dậy giải phóng toàn huyện. Công tác chuẩn bị của huyện trong những ngày này hết sức khẩn trương và sôi nổi. Các lực lượng vũ trang tăng cường bổ sung quân số và vũ khí, bám sát chiến trường. Các đội công tác, du kích mật, cán bộ, cơ sở của ta trong vùng địch và vùng tiếp giáp được giao trọng trách ngày đêm bám địa bàn, đẩy mạnh ba mũi giáp công, kìm chân, tiêu hao, tiêu diệt địch, ngăn cách địch, giữ gìn bí mật an toàn cho các lực lượng triển khai kế hoạch tiến công; đồng thời ra sức củng cố thực lực cách mạng bên trong, tạo thế cho quần chúng trong vùng địch sẵn sàng nổi dậy phá ấp, phá kèm, giành quyền làm chủ... Ở vùng căn cứ, vùng giải phóng ta khẩn trương thu hoạch vụ mùa, chuẩn bị hậu cần tại chỗ, xây dựng kho tàng, bến bãi, trạm cứu thương, hầm trú ẩn cho nhân dân, huy động dân công mở đường, thồ tải lương thực, đạn dược, thuốc men phục vụ yêu cầu của chiến trường... Công tác huy động đóng góp lương thực, thực phẩm, nhân công cho chiến dịch được đẩy mạnh; các hành lang được củng cố lại phục vụ chiến trường.
Để tăng cường lực lượng đánh địch trên địa bàn, Tỉnh uỷ Đak Lak điều đại đội đặc công 303 cùng bộ phận chỉ huy tiền phương của tỉnh do đồng chí Ama Thương (Siu Pui), Phó Bí thư Tỉnh uỷ trực tiếp chỉ đạo, sử dụng toàn bộ lực lượng khu vực quanh Cheo Reo phối hợp với chiến trường tiến công tiêu diệt địch.
Sau hàng loạt các động thái nghi binh, địch nghĩ rằng ta chỉ có thể đánh Bắc Tây Nguyên, ngày 4-3-1975 Chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Sáng ngày 5-3-1975, Trung đoàn 25 cắt đường 21. Ngày 8-3 Trung đoàn 48 đánh chiếm quận lỵ Thuần Mẫn và căn cứ Cẩm Ga, cắt đứt đường 14, diệt 1d bảo an, bắt 120 tên địch, thu 200 súng... Hai cứ điểm quan trọng của địch trên địa bàn bị tiêu diệt đã làm cho bọn địch còn lại trên địa bàn hoang mang lo sợ, co về phòng thủ, các chốt gác của bảo an, dân vệ bị tê liệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng của huyện đột nhập vào các khu, ấp tiêu diệt địch và phát động quần chúng nổi dậy giải phóng nhiều khu ấp xung quanh quận lỵ và đường 7. Từ ngày 7 đến ngày 12-3-1975, các khu dồn và cứ điểm từ cầu Plôk, ấp chiến lược Đê Plôk, A Tăng đến phía tây cầu Ayun, trừ quận lỵ Phú Thiện trên đường 7, và từ đông cầu Ayun tiếp giáp với khu căn cứ trên đường 7 bis, quân ta liên tục vây ép đánh tan rã các lực lượng địch, thu 850 súng các loại, diệt 82 tên địch, xoá bỏ bộ máy kìm kẹp, giải phóng được 27 ấp với trên 22.000 dân, trong đó có 7 ấp dân tự đứng lên bắt tề, thu vũ khí của phòng vệ dân sự, tự giải phóng, đón tiếp cán bộ ta về tiếp quản. Đến ngày 13-3-1975, các ấp chiến lược, các khu dồn ven đường quốc lộ và vùng nông thôn H2 được hoàn toàn giải phóng, ta vây ép quận lỵ Phú Túc.
Trên chiến trường chính, đúng 2 giờ 30 phút ngày 10-3-1975, quân ta nổ súng tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột đánh vào khu Mai Hắc Đế, sân bay Hòa Bình, đến 10 giờ 30 phút ngày 11-3-1975 quân ta đã làm chủ nhiều mục tiêu trong thị xã Buôn Ma Thuột. Ngày 12 và 13-3-1975 địch đưa trung đoàn 45, liên đoàn biệt động 21, trung đoàn 44 và một số đơn vị khác đến đường 21 và Phước An với mưu đồ lập phòng tuyến trên đường 21 để phản kích đánh chiếm lại Buôn Ma thuột. Nhưng tất cả các lực lượng ngụy đưa đi cứu viện, giải toả đều bị ta đánh tan tác.
Trên địa bàn H2, Huyện uỷ giao cho đồng chí Nay Hùng (Ama Tuyết), huyện đội trưởng trực tiếp chỉ huy lực lượng của huyện chốt giữ và khống chế địch tại Kà Lúi, đánh chiếm đoạn cầu 73 (cầu Tơ Loah) và đoạn trên Kà Lúi, kìm chặt địch ở quận Phú Túc. Tối ngày 13-3-1975, lực lượng huyện và đại đội 303 của tỉnh tấn công vào yếu khu Tơ Loah và toàn bộ khu ấp Đức Hưng, Đức An, Đức Lập, đồng thời dùng súng cối đánh vào quận Phú Túc, điểm chốt Chư Ngâk[58] đánh tan 1 đại đội bảo an và 2 trung đội nghĩa quân. Địch ở Chư Ngâk rút chạy, ta giải phóng trên 4000 dân. Các đội công tác của huyện đẩy mạnh phát động quần chúng công khai chống địch, làm đại bộ phận các đơn vị nghĩa quân, dân vệ, phòng vệ bỏ chạy ra khỏi ấp, khỏi đồn. Các gia đình binh sĩ, kể cả người Kinh và dân tộc thiểu số đều sẵn sàng nổi dậy để chạy về làng cũ, dạt ra rẫy, xuống đồng bằng... làm cho tinh thần quân ngụy ở Phú Túc rệu rã, liên đoàn bảo an 256 tan rã...
Sau thất bại chiến lược ở Buôn Ma Thuột, các đường chiến lược quân sự 14, 19, 21 bị cắt đứt, thị xã Pleiku và Kon Tum bị uy hiếp nghiêm trọng. Để tránh bị tiêu diệt, ngày 14-3-1975, Tổng thống nguỵ quyền Nguyễn Văn Thiệu quyết định rút bỏ Tây Nguyên, co về giữ đồng bằng. Ý định của địch là tháo chạy theo các đường 21, 19, 14 nhưng vì ta chiếm giữ, địch buộc phải rút xuống theo đường số 7 đi Cheo Reo xuống Tuy Hoà. Lực lượng địch rút chạy theo đường 7 khoảng 15.000 tên.
Cuộc rút chạy của địch không ngoài dự kiến của ta. Tối ngày 16-3-1975, đồng chí Văn Tiến Dũng chỉ thị cho Bộ Tư lệnh chiến dịch: "Địch đã rút chạy theo đường số 7, tổ chức truy kích ngay". Bộ Tư lệnh chiến dịch nhanh chóng điều động sư đoàn 320, các trung đoàn bộ binh chủ lực, tiểu đoàn xe tăng, trung đoàn pháo cao xạ, trung đoàn pháo binh và toàn bộ lực lượng bộ đội, du kích các huyện dọc đường 7, trong đó có huyện H2 vào trận truy kích, đánh địch rút chạy.
Ngày 15-3-1975, địch đưa 2 liên đoàn biệt động và một thiết đoàn về giữ Cheo Reo để bảo vệ quân rút lui; điều một liên đoàn biệt động và công binh đi trước mở đường và sửa chữa cầu cống. Ngày 16-3-1975, địch bắt đầu rút khỏi Pleiku và Kon Tum. Việc địch rút bỏ Tây Nguyên một cách vội vã làm cho hàng ngũ của chúng vô cùng hỗn loạn. Trên đường từ Pleiku đến Cheo Reo, đường xá tắc nghẽn, xe cộ chạy hàng ba, hàng tư tranh nhau vượt đường. Gần 2 vạn dân ở Pleiku, Kon Tum di tản chen lấn nhau gây ra cảnh hỗn loạn trên suốt dọc đường 14 và đường 7.
Sau khi bố trí xong lực lượng ở các điểm tập kết, ngày 17-3-1975, pháo binh ta bắn vào thị xã Hậu Bổn. Ngày 18-3 ta tiến đánh tiêu diệt cơ quan hành chính tỉnh, tiểu khu Phú Bổn và một bộ phận của Quân đoàn 2 ngụy và giải phóng thị xã Hậu Bổn. Cùng ngày, ta tổ chức truy kích đánh địch ở đèo Tô Na (đông Cheo Reo); cầu Ơi Nu (cầu Lệ Bắc) bị sập, quân địch lớp chết, lớp bị thương, lớp bị bắt, bỏ chạy tán loạn vào rừng tìm đường chạy trốn, bỏ lại hàng trăm xe quân sự nằm ngổn ngang trên đường; bọn chỉ huy đầu sỏ của cuộc rút quân phải bỏ rơi đồng bọn, dùng máy bay lên thẳng thoát thân.
Ở H2, khi quân nguỵ ở Gia Lai và Kon Tum rút chạy qua địa bàn, đã làm cho tinh thần quân địch hoang mang cực độ, một phận đã tháo chạy ngay cùng đoàn xe mở đường rút lui đầu tiên của địch. Đến trưa 17-3-1975, hầu hết quân địch ở Phú Túc đã tự tan rã, số binh sĩ người địa phương chạy về với gia đình ở buôn làng, số còn lại rút chạy về hướng Tuy Hoà. Ngay trong các ngày 15 đến 17-3-1975, các đội công tác đã vào bám các khu dồn còn lại, tuyên truyền vận động nhân dân phá khu dồn, đồng thời kêu gọi số binh lính còn lại đầu hàng. Đêm 17-3 đến 18-3-1975, đồng chí Đỗ Hữu Bá, Bí thư Huyện ủy cùng đồng chí Hiệu, huyện đội phó chốt tại lô cốt huyện lỵ Phú Túc chỉ đạo lực lượng chặn đánh số quân địch rút chạy qua địa bàn, nhất là ở các khu vực cầu Lệ Bắc, Cầu Đôi, dốc Đỏ và cầu Tơ Loah... làm cho bọn địch hoảng loạn, số bị tiêu diệt, số đầu hàng, số tìm đường bỏ chạy thoát thân, ta diệt 2 xe tăng và thu rất nhiều chiến lợi phẩm. Ngày 18-3-1975, lực lượng của huyện gồm bộ đội, các đội công tác, cán bộ được tỉnh tăng cường đã vào tiếp quản thị trấn Phú Túc. Sáng ngày 19-3-1975 ta phát hiện và đưa  về gần 100 trẻ em từ 6-10 tuổi bị lạc trong rừng về giao cho đồng bào nuôi dưỡng
Ngày 21-3-1975, với khí thế thắng lợi như chẻ tre, kết hợp với bộ đội chủ lực và bộ đội tỉnh, quân và dân huyện H2 tiếp tục truy kích tiến công tiêu diệt địch ở Kà Lúi, giải phóng hoàn toàn huyện H2.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy này, các lực lượng H2 đã làm tan rã hoàn toàn bộ máy hành chính quận, bộ máy an ninh và quân sự, gồm: 1 chi khu, 7 phân chi khu; xoá sổ bọn tề điệp nổi, ngầm, các ban đại diện, ban điều hành, 78 ấp trưởng, ấp phó, 2 trung đội xây dựng nông thôn áo đen; đánh tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn 4 đại đội thuộc liên đoàn bảo an, 2 đại đội độc lập 99 và 884, 22 trung đội dân vệ, 78 trung đội phòng vệ dân sự, phá huỷ 3 khẩu pháo 105mm, bắn cháy 2 xe tăng, thu toàn bộ vũ khí của phòng vệ dân sự và bảo an; giải phóng toàn bộ hệ thống ấp chiến lược và khu dồn xung quanh quận lỵ, dọc đường 7 lên cầu Ơi Nu gồm 78 buôn và 7 khu ấp...
Trong niềm hân hoan chiến thắng, ngày 23-3-1975, Đảng bộ, quân và dân H2 tổ chức mít tinh trọng thể tại sân bay Phú Túc với trên 3000 người tham gia. Tại buổi lễ, ta tuyên bố xoá bỏ toàn bộ chính quyền, quân đội Sài Gòn; thành lập Ban quân quản của huyện do đồng chí Ama Hai làm Chủ tịch, đồng chí Đoàn Hẵng làm chính trị viên, đồng chí Nay Hùng (Ama Tuyết) làm huyện đội trưởng, đồng chí Hồ Chí Kiên làm Trưởng Ban an ninh huyện. Cùng với Ban Quân quản, Trưởng Ban quản lý lúc này do đồng chí Đỗ Hữu Bá (Ama Giao), Bí thư Huyện uỷ phụ trách chung các mặt để ổn định tình hình tư tưởng trong nhân dân, giải quyết các vấn đề về đời sống kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của huyện sau ngày giải phóng.
Sau khi tiếp quản Phú Túc, Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo các lực lượng triển khai ngay một số nhiệm vụ quan trọng cấp bách:
- Tiếp tục tổ chức truy kích tàn quân địch chống đối; tuyên truyền, vận động, kêu gọi binh lính địch đang lẩn trốn ra trình diện để nhận được sự khoan hồng của cách mạng. Nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng đấu tranh đập tan âm mưu phá hoại chính quyền cách mạng của tổ chức phản động Fulro và các thế lực thù địch khác.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát động quần chúng không chạy theo địch; đấu tranh tố giác bọn phản cách mạng đang ngoan cố chống đối; tham gia các hoạt động cách mạng, ổn định đời sống, phát triển sản xuất. Khẩn trương thu dọn chiến trường; tập trung lương thực, thực phẩm cứu đau, cứu đói cho nhân dân; phát huy tinh thần tương thân tương ái giúp đỡ đồng bào bị hoạn nạn. Tiếp đón và đưa đồng bào di tản về lại Pleiku và Kon Tum.    
- Tập trung xây dựng và củng cố vững chắc chính quyền cách mạng; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, chống kỳ thị, phân biệt, đối xử; nhanh chóng ổn định tình hình.
Thực hiện chủ trương trên, Huyện uỷ và Uỷ ban Quân quản phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, cấp uỷ và các ban, ngành, lực lượng vũ trang bám sát địa bàn và dựa vào dân để triển khai các mặt công tác... Ta chủ trương để gạo, sắn lát ở dọc đường, viết giấy để lại nội dung: Binh lính hãy trở về, cách mạng không giết, cầm giấy gặp bộ đội sẽ được khoan hồng... Kết quả có rất nhiều binh lính nguỵ cầm giấy ra hàng. Trong quá trình di tản, trên 2 vạn dân ở Pleiku và Kon Tum còn dồn lại trên địa bàn huyện đã được Uỷ ban Quân quản, bộ đội và nhân dân giúp đỡ lương thực, thuốc men và bố trí cho phương tiện trở về quê cũ. Hàng trăm trẻ em lạc cha mẹ được đồng bào, cán bộ, chiến sĩ ta gom lại và chăm sóc chu đáo, nhiều gia đình đồng bào dân tộc mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc nhưng với lòng nhân hậu, tình thương yêu đồng loại đã giang tay nhận nuôi dưỡng các cháu, xem các cháu như con ruột của mình...
Qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chịu nhiều hy sinh, tổn thất, Đảng bộ, quân dân các dân tộc huyện H2 càng chiến đấu càng trưởng thành, từng bước phát huy được sức mạnh tổng hợp, nâng dần thế chủ động tiến công địch bằng hai chân ba mũi giáp công trên khắp địa bàn; thực hiện tốt việc kết hợp tiêu hao, tiêu diệt địch với phát động quần chúng phá kèm, phá ấp chiến lược; mở rộng và xây dựng vùng căn cứ, vùng giải phóng vững chắc, đảm bảo cho tuyến hành lang Đông-Tây của tỉnh hoạt động thông suốt; lần lượt đánh bại các chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", "Chiến tranh cục bộ" và "Việt Nam hoá chiến tranh"  của đế quốc Mỹ trên địa bàn.
*        *
*
Huyện Đông Cheo Reo trong chống Pháp và H2 trong chống Mỹ là một trong những địa bàn chiến lược ở Tây Nguyên, nơi diễn ra sự tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch trong chiến tranh từ 1946 đến 1975. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ huyện, quân dân các dân tộc H2 đã đoàn kết một lòng, kiên cường bám trụ, vận dụng sáng tạo đường lối cách mạng của Đảng, phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, địa hình núi rừng hiểm trở, luôn bảo tồn được lực lượng và giữ thế liên tục tiến công địch đến thắng lợi cuối cùng.
Sự lãnh đạo của Đảng bộ H2 và phong trào đấu tranh cách mạng sôi động của quân dân các dân tộc với những chiến công vang dội trong những năm tháng kháng chiến đã để lại những bài học kinh nghiệm lịch sử, đó là:
Phải luôn quan tâm tổ chức, xây dựng thực lực chính trị cách mạng. Tổ chức Đảng và Đảng bộ ra đời sau cách mạng tháng tám 1945 nhưng nhanh chóng trưởng thành do đã xây dựng được cơ sở chính trị, trước hết là cán bộ cốt cán trong các làng đồng bào dân tộc, từ đó mở rộng cơ sở Đảng, phát động phong trào kháng chiến trên khắp địa bàn. Thực lực chính trị thể hiện qua sự lớn mạnh của tổ chức Đảng, các đoàn thể quần chúng và phong trào cách mạng sâu rộng của nhân dân các dân tộc. Bằng thực lực chính trị vững mạnh, thường xuyên được củng cố, Đảng bộ huyện H2 đã lãnh đạo phong trào cách mạng vượt qua mọi khó khăn thử thách, khủng bố của địch, vừa bảo tồn được lực lượng, vừa đấu tranh chính trị, vũ trang kết hợp để tiêu diệt địch, tạo thế và lực đưa phong trào đi đến thắng lợi cuối cùng.
Phát huy tinh thần tự lực tự cường, xây dựng căn cứ địa để giữ thế phát triển liên tục của phong trào cách mạng toàn vùng. H2 là địa bàn núi rừng hiểm trở, tiếp giáp với các huyện của các tỉnh Phú Yên, Gia Lai và các huyện phía bắc của tỉnh Đak Lak, nơi địch bao vây đánh phá khốc liệt, đồng thời cũng là nơi ta xây dựng bàn đạp phát triển phong trào vào nam Tây Nguyên. Nhận thức rõ vai trò và đặc điểm của địa bàn huyện, trong hai cuộc kháng chiến, được sự chỉ đạo, giúp đỡ của tỉnh Đak Lak và Khu ủy, Đảng bộ và nhân dân Đông Cheo Reo cũng như H2 xác định rõ nhiệm vụ tích cực chủ động xây dựng lực lượng chính trị, vũ trang trên cơ sở tự lực tự cường, từng bước đưa phong trào kháng chiến phát triển toàn diện. Đi đôi với xây dựng thực lực cách mạng, Đảng bộ H2 luôn chú trọng xây dựng căn cứ địa của huyện cùng với căn cứ của tỉnh Đak Lak thành hậu phương trực tiếp đảm bảo thế phát triển vững chắc của phong trào. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và Mỹ, các vùng căn cứ lõm của vùng Đông Cheo Reo và H2 đã trở thành chỗ dựa cho phong trào cách mạng toàn huyện. Trong vùng căn cứ, phong trào tăng gia lao động sản xuất tự túc lương thực được phát động trong cán bộ, chiến sỹ và nhân dân, cùng với các phong trào khác như xây dựng lực lượng vũ trang, đóng góp sức người, sức của cho cách mạng tạo ra thế và lực cho phong trào chung liên tục phát triển. Nhờ giữ vững được căn cứ hậu phương trong suốt những năm chiến tranh, hành lang của huyện, tỉnh và Trung ương luôn thông suốt, cán bộ, bộ đội và nhân dân ở phía trước được tiếp sức, cung cấp lương thực, vũ khí đánh địch, vượt qua những thời điểm khốc liệt của chiến tranh giữ vững phong trào.
Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm nòng cốt phong trào cách mạng của Đảng bộ. Do đặc điểm là địa bàn chiến lược của ta nên địch tập trung đánh phá quyết liệt trong hai cuộc kháng chiến, Đảng bộ luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể và lực lượng vũ trang làm nòng cốt từ huyện đến buôn làng, chú trọng cán bộ người dân tộc địa phương. Với đội ngũ cán bộ trưởng thành trong chiến tranh cách mạng, trung thành với sự nghiệp của Đảng, dám xả thân vì độc lập, tự do, thống nhất tổ quốc, thương yêu đồng chí, đồng bào, Đảng bộ H2 đã vượt qua mọi gian nan thử thách, từng bước trưởng thành, xứng đáng với vai trò lãnh đạo và niềm tin của nhân dân các dân tộc địa phương.
Trải qua gần 30 năm chiến tranh từ 1946 đến 1975, Đảng bộ H2 luôn có những bước trưởng thành, không ngừng lớn mạnh, đã đi từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh. Trong cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sỹ trung kiên đã kề vai sát cánh với đồng bào các dân tộc huyện H2 bám trụ chiến đấu quên mình vì nước, vì dân. Tinh thần chiến đấu và sự hy sinh cao cả của cán bộ, chiến sỹ, nhân dân H2 trong những năm chiến tranh và những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn lãnh đạo của Đảng bộ là những giá trị truyền thống tạo động lực mới cho công cuộc xây dựng quê hương trong những năm hòa bình, thống nhất.
Chương năm
KHÔI PHỤC, PHÁT TRIỂN KINH TẾ, VĂN HÓA, XÃ HỘI,
CỦNG CỐ AN NINH QUỐC PHÒNG
(1975 – 1985)

 
I- TIẾP QUẢN VÙNG MỚI GIẢI PHÓNG, ỔN ĐỊNH ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN, KHÔI PHỤC PHÁT TRIỂN KINH TẾ- XÃ HỘI
Chiến thắng mở màn chiến dịch Tây Nguyên giải phóng Buôn Ma Thuột và tỉnh Đak Lak đã tạo thời cơ vô cùng thuận lợi cho quân và dân các tỉnh phía bắc Tây Nguyên tiếp tục nổi dậy tiến công địch giải phóng quê hương. Ngày 17- 3- 1975, thị xã Pleiku và tỉnh Gia Lai được giải phóng. Ngày 18 -03-1975, thị xã Hậu Bổn, tỉnh Phú Bổn, thuộc địa bàn H37 (H3 cũ và thị xã Hậu Bổn) và thị trấn Phú Túc, thuộc huyện H2 (huyện Krông Pa ngày nay) được hoàn toàn giải phóng.
Tháng 7-1975, huyện H2 có 7 xã với khoảng 20.000 dân sáp nhập vào H37, cũng thuộc tỉnh Đak Lak thành huyện Cheo Reo, đầu 1976, sáp nhập thêm huyện 11 của tỉnh Gia Lai thành huyện Ayun Pa thuộc tỉnh Gia Lai- Kon Tum.
 Chuẩn bị cho việc tiếp quản địa bàn H2, H37 dọc đường quốc lộ số 7, Tỉnh ủy Đak Lak đã thành lập Ủy ban quân quản do đồng chí Siu Pui (Ama Thương), Phó bí thư Tỉnh ủy làm Chủ tịch. Nhiệm vụ cấp bách của Ủy ban quân quản là nhanh chóng ổn định tình hình vùng mới giải phóng, truy quét tàn quân địch, bọn phản động FULRO, các đảng phái phản động, ngụy quân, ngụy quyền. Tổ chức thu gom chiến lợi phẩm, tạo điều kiện phương tiện đưa hàng vạn dân di tản từ Kon Tum, Pleiku và các nơi về nơi cũ làm ăn. Nhanh chóng cứu đói, cứu đau cho đồng bào, tổ chức giáo dục, cải tạo ngụy quân, ngụy quyền, quản lý công sở, thu gom tài liệu, hồ sơ do địch tháo chạy bỏ lại bàn giao cho các cơ quan chức năng của chính quyền cách mạng quản lý, khai thác.
Huyện H2 trong chiến dịch Tây Nguyên là địa bàn địch tháo chạy theo quốc lộ 7, bị quân ta đánh chặn và phần lớn lực lượng địch tan rã tại chỗ. Do nhiều năm sống trong sự kìm kẹp, tuyên truyền lừa phỉnh nên nhiều người dân bỏ nhà di tản theo địch, bị cướp bóc, bắn giết, gia đình ly tán, cuộc sống vô cùng cơ cực. Tỉnh ủy Đak Lak và Ủy ban quân quản Cheo Reo một mặt tổ chức đưa dân các tỉnh Kon Tum, Pleiku về nơi cũ một mặt đưa phương tiện, lực lượng cán bộ, bộ đội xuống các tỉnh đồng bằng đón dân H2 về địa phương ổn định cuộc sống, khó khăn lớn nhất được tập trung giải quyết là cứu đói cho đồng bào di tản trở về. Được sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Đak Lak, Ủy ban quân quản vùng Phú Bổn đã tập trung cứu đói cho hàng ngàn đồng bào thuộc H2. Một số xã do không kịp sản xuất và thu hoạch đông xuân bị đói nặng, nhiều vùng phát dịch sốt rét nên đời sống càng khó khăn hơn. Cả vùng H2, H37 được tỉnh Gia Lai, Đak Lak hỗ trợ cứu đói 300 tấn gạo, 20 tấn muối, quần áo và thuốc chữa bệnh. Huyện H2 đã phân công cán bộ phụ trách các đoàn công tác trực tiếp cứu trợ cho dân. Sau khi nhập H2 và H37 lại thành huyện Cheo Reo, đồng chí Hoàng Lâm được giao nhiệm vụ Bí thư huyện, đồng chí Siu Pui (Ama Thương) trở về tỉnh Đak Lak.
Bắt tay vào những công việc đầu tiên nhằm ổn định tình hình đời sống, Ban cán sự huyện Cheo Reo chỉ đạo nhanh chóng sửa chữa phục hồi các trạm điện Điezen, củng cố lại các bệnh viện, trạm xá ở thị trấn Phú Bổn, Phú Túc, kịp thời khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc địa phương. Nhằm sớm ổn định tình hình an ninh chính trị và đời sống nhân dân sau chiến tranh, Ban cán sự huyện Cheo Reo xác định rõ: cùng với nhiệm vụ truy quét tàn quân địch và bọn FULRO, cần tập trung mọi nỗ lực của quân dân trong huyện thực hiện thắng lợi nghị quyết của tỉnh ủy Đak Lak và Gia Lai, tổ chức phát động phong trào khai hoang phục hóa, làm thủy lợi kịp thời sản xuất vụ mùa và chuẩn bị cho vụ đông xuân 1975- 1976. Đây là nhiệm vụ được Ban cán sự huyện Cheo Reo xác định là trung tâm, hàng đầu nhằm từng bước ổn định đời sống nhân dân.
Cùng với Ban cán sự huyện 11 (Gia Lai), tháng 7-1975, Ban cán sự huyện Cheo Reo đã họp và thống nhất quyết định phát động mạnh mẽ phong trào quần chúng ra quân khai hoang phục hóa sản xuất lương thực, hoa màu cứu đói và tiếp tục sản xuất cho vụ đông xuân. Thực hiện chủ trương của Huyện uỷ Cheo Reo, khắp các vùng thuộc H2 đã dấy lên phong trào quần chúng phát dọn, khai hoang, phục hóa ruộng rẫy do chiến tranh không sản xuất được để đưa vào gieo trồng vụ mùa. Các điểm khai hoang được hình thành ở Phú Túc, Đất Bằng, Chư Gu... thu hút hàng trăm lao động lúc cao điểm, gồm cán bộ, bộ đội, học sinh, nhân dân tham gia, đóng góp hàng ngàn công lao động. Với khí thế cách mạng tiến công và quyết tâm xây dựng cuộc sống mới, phong trào nhân dân vùng H2 đã tạo ra bước tiến quan trọng, ổn định bước đầu đời sống cán bộ và nhân dân; đồng bào đã có lương thực để ăn, giống cho sản xuất vụ đông xuân. Hàng trăm ha đất rẫy, ruộng được khai hoang phục hóa chuẩn bị sản xuất, các hoạt động kinh tế - xã hội trở lại bình thường, đời sống nhân dân bớt khó khăn cùng cực. Đây là kết quả to lớn, thể hiện sự nỗ lực và quyết tâm của chính quyền cách mạng sau gần một năm được giải phóng. Tuy nhiên, việc ổn định đời sống, phát triển sản xuất, cứu đói, cứu đau cho đồng bào dân tộc trong huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Sản xuất lương thực vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, đất đai còn bị hoang hóa, dân thiếu vật tư, giống, nông cụ, sức kéo, thời tiết nắng hạn. Một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đói gay gắt, cần được cứu trợ khẩn cấp.
Ngày 15-01-1976, huyện Ayun Pa được thành lập, bao gồm huyện Cheo Reo của tỉnh Đak Lak và huyện 11 của tỉnh Gia Lai. Diện tích 3.283 km2 (328.300 ha), dân số hơn 72.000 người. Đồng bào dân tộc chiếm hơn 80% dân số, trong đó dân tộc Jrai chiếm hơn 90%. Đồng bào Kinh sinh sống tập trung ở hai thị trấn Cheo Reo, Phú Cần, và vùng Quảng Đức, Tiến Lập.
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, bước vào thời kỳ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội Đảng bộ xác định là một nhiệm vụ hết sức nặng nề khó khăn. Nghị quyết của các kỳ họp Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xác định những thuận lợi, khó khăn, cụ thể về những thuận lợi là:
- Đất nước hòa bình thống nhất là thuận lợi cơ bản giúp cho Đảng bộ huyện bước vào thời kỳ mới. Mặt khác sau giải phóng, tình hình an ninh trật tự của huyện cũng nhanh chóng ổn định. Đội ngũ cán bộ được rèn luyện, thử thách qua chiến tranh có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt tình cách mạng, gắn bó với quần chúng các dân tộc địa phương, nay rất phấn khởi, tin tưởng bước vào cuộc chiến đấu mới xây dựng lại quê hương, ấm no, hạnh phúc.
- Nhân dân các dân tộc huyện nhà có truyền thống đoàn kết, kiên cường chống ngoại xâm, cần cù lao động. Những truyền thống quý báu đó càng được hun đúc qua hai cuộc kháng chiến gian khổ, ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
- Huyện Ayun Pa, nhất là vùng phía đông tiếp giáp Phú Yên, địa bàn H2 cũ, có địa hình đa dạng, có đồng bằng, rừng tự nhiên và đồi đất, thuận lợi cho sản xuất nông lâm nghiệp, lưu thông thuận tiện với các huyện phía tây của Gia Lai và đồng bằng duyên hải miền Trung. Vùng thị trấn Cheo Reo, Phú Túc đã hình thành các cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa cơ khí, buôn bán, vận tải hành khách, hàng hóa...
Những khó khăn, thách thức phải vượt qua cũng được Đảng bộ chỉ rõ là:
- Đội ngũ cán bộ, đảng viên tuy dày dạn kinh nghiệm trong chiến tranh cách mạng nhưng chưa trải qua công tác lãnh đạo, quản lý xã hội, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật nên gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.
- An ninh chính trị của huyện tuy bước đầu ổn định nhưng tàn quân và bọn phản động FULRO vẫn lén lút hoạt động chống phá chính quyền cách mạng, âm mưu phục hồi lại chế độ cũ. Đại bộ phận quần chúng sinh sống trong vùng địch, bị tuyên truyền lừa phỉnh, gây chia rẽ dân tộc, chưa thực sự gắn bó với chế độ mới, e ngại tiếp xúc với cán bộ. Một bộ phận còn tiếp tay cho các tổ chức phản động nguy hiểm như FULRO chống phá chính quyền cách mạng, gây bạo loạn, bắn giết cán bộ.
- Kinh tế vùng H2 bị chiến tranh tàn phá, kiệt quệ, trình độ sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất mang tính tự túc, tự cấp. Các cơ sở dịch vụ thương mại, sửa chữa, cơ khí, vận tải của người Kinh ở các thị trấn còn nhỏ lẻ, phục vụ dân sinh trong vùng, chưa giao lưu rộng với các địa phương.
Tỉnh ủy Gia Lai -Kon Tum chỉ định Huyện ủy lâm thời huyện Ayun Pa gồm 20 đồng chí, do đồng chí Tạ Quang Kim, Tỉnh ủy viên Gia Lai- Kon Tum làm Bí thư; đồng chí Ama Hiu, Tỉnh ủy viên Đak Lak làm Phó bí thư, Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời huyện; đồng chí Nay Pum (Ama HLam) làm Phó bí thư phụ trách Dân vận, Mặt trận.
Trên cơ sở tình hình của huyện, quán triệt các Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết Tỉnh ủy Gia Lai -Kon Tum tháng 11- 1975, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Ayun Pa đã họp ngày 22- 01-1976 nêu chủ trương: Động viên đoàn kết toàn dân phát huy truyền thống cách mạng và thắng lợi của công cuộc giải phóng dân tộc, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trước hết tập trung đẩy mạnh cao trào lao động sản xuất khôi phục, phát triển kinh tế - văn hóa xã hội, giải quyết lương thực tại chỗ, nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc. Truy quét tàn quân địch và bọn phản động FULRO, các loại phản động, tội phạm khác, củng cố chính quyền cách mạng, các đoàn thể vững mạnh, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ... Đảm bảo hoàn thành mọi nhiệm vụ của thời kỳ mới, trọng tâm, cấp bách là tập trung chỉ đạo định canh, định cư cho đồng bào dân tộc tại chỗ, khai hoang phục hóa, làm thủy lợi đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện chủ trương trên, huyện đã phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành phụ trách các ban, ngành, địa bàn trọng điểm kinh tế, an ninh chính trị nhằm đảm bảo sự chỉ đạo và phối hợp kịp thời trong các mặt công tác.
Sau Hội nghị Huyện ủy tháng 01-1976, toàn huyện dấy lên phong trào khai hoang, phục hóa sản xuất lương thực. Nhiều công trường khai hoang, xây dựng cánh đồng làm lúa nước được mở ra ở Phú Cần, buôn Wông, Ama Rơn,... có nơi thu hút 500 đến 1.000 lao động mỗi ngày phát cỏ, chặt cây, đào mương, xây dựng cánh đồng. Nhờ đó, vụ mùa năm 1976, toàn huyện đã có hơn 7.500 ha đất đưa vào gieo trồng, trong đó có hơn 4.300 ha lúa, còn lại là ngô, sắn, đưa tổng diện tích gieo trồng vụ mùa của huyện lên 11.890 ha, tăng hơn 4.000 ha so với tháng 7-1975, bước đầu đáp ứng được nhu cầu lương thực tại chỗ. Khẩu hiệu của Đảng bộ huyện lúc này là: xây dựng thủy lợi, định canh, định cư, khai hoang phục hóa xóa da beo. Chủ trương tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, định canh, định cư và tinh thần chỉ đạo trên cho thấy ngay từ những năm đầu sau giải phóng huyện Ayun Pa đã xác định rõ thế mạnh của địa phương dựa vào nông nghiệp, thâm canh cây lúa, hoa màu, tạo ra lương thực nuôi sống người dân ở đây và đóng góp cho tỉnh. Cùng với sản xuất lương thực, huyện phát động phong trào trồng cây “Nhớ ơn Bác Hồ”. Trong ba tháng (từ tháng 6 đến tháng 9- 1976) toàn huyện đã trồng được hơn một triệu cây ăn trái và cây lấy gỗ, nhiều xã vùng Chư Athai, Ia Rtô, Phú Túc đã có vườn cây Bác Hồ.
Trong điều kiện khó khăn, khan hiếm hàng hóa, tỉnh chủ trương phối hợp với huyện tổ chức các cửa hàng mậu dịch, hợp tác xã mua bán phục vụ nhu cầu trao đổi, tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của nhân dân, đồng thời tiếp nhận sự hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, thu mua lương thực, thực phẩm, nắm giữ nguồn hàng. Đến tháng 9-1976, các xã phía đông huyện Ayun Pa đã nhận hàng chục tấn gạo của Nhà nước cứu trợ, cho vay, điều chuyển hoặc bán cho dân thông qua các cửa hàng mậu dịch quốc doanh, các hợp tác xã mua bán. Các cơ sở sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, cơ khí sửa chữa điện, máy bơm, máy cưa... được khôi phục, tổ chức lại phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Khuyến khích các chủ xe đưa phương tiện vận tải hàng hóa, chở khách ở thị trấn Phú Túc hoạt động trở lại phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và trao đổi hàng hóa về Ayun Pa, Pleiku và xuống Tuy Hòa. Đầu năm 1976, huyện chỉ đạo thành lập Hội nông dân ở các xã, đi đôi với vận động nông dân vào các tổ vòng công, đổi công chuẩn bị cho bước hợp tác hóa nông nghiệp theo chủ trương của Đảng. Cuối năm 1976, toàn huyện tổ chức được 530 tổ vòng đổi công, thu hút được gần 16.000 nông dân vào các tổ sản xuất. Nhiều hộ đồng bào dân tộc ở các xã Ia Siêm, Ia Rsai, Phú Cần, Đất Bằng... tích cực hưởng ứng và đi đầu trong phong trào vòng công, đổi công, hợp tác lao động.
Tuy đời sống của cán bộ, nhân dân còn nhiều khó khăn do vừa trải qua chiến tranh, kinh tế của huyện mới phục hồi, được tỉnh và Trung ương hỗ trợ nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm chăm lo cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc. Vụ giáp hạt năm 1978, tỉnh và huyện đã cứu tế và bán cho đồng bào vùng căn cứ cũ hàng chục tấn gạo, cấp cho mỗi gia đình liệt sỹ và gia đình có công với cách mạng 10 kg gạo, 1 kg muối, do vậy đã giảm 50% số dân bị đói so với  tháng 05-1975. Toàn huyện phát động phong trào ba sạch: ăn sạch, uống sạch, ở sạch ở khắp các buôn làng. Dập tắt ổ dịch sốt rét ở xã IaRmok và Iatul, cứu sống hàng trăm người có nguy cơ tử vong; đồng thời, hướng dẫn cho nhân dân cách sử dụng thuốc nam chữa bệnh. Phong trào “bình dân học vụ” được cán bộ nhân dân hưởng ứng tích cực. Kết quả 100% xã vùng H2 cũ (Krông Pa) có các lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa từ lớp 1 đến lớp 5, thu hút hàng trăm cán bộ, nhân dân đến học. Toàn ngành giáo dục được sự quan tâm đặc biệt, các ngành học, bậc học được đầu tư cơ sở vật chất, sửa sang trường lớp với sự đóng góp công sức của nhân dân. Đến tháng 9 -1976, vào đầu năm học mới toàn bộ trường cấp I, từ lớp 1 đến lớp 5 của các xã và thị trấn Phú Túc mở trở lại, một số xã có trường cấp II. Nhiều con em dân tộc Jrai từ các buôn, làng được đưa vào học tại trường Dân tộc nội trú và trường bổ túc văn hóa của huyện. Các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú: truyền thanh, chiếu phim, triển lãm, cổ động, biểu diễn văn nghệ quần chúng thu hút hàng ngàn lượt quần chúng các dân tộc ở các buôn làng.
Sau hơn một năm được giải phóng, với sự nỗ lực vượt bậc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc, vùng đất H2 trong chiến tranh trước đây bị tàn phá, kiệt quệ, gần nửa số dân bị đói phải cứu trợ đã trở lại nhịp sống hòa bình, kinh tế - xã hội dần từng bước ổn định, sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề dịch vụ được khôi phục phát triển trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại. Sản lượng lương thực tăng nhanh, cơ bản giải quyết nạn đói kinh niên trong vùng đồng bào dân tộc. An ninh chính trị được đảm bảo, chính quyền cách mạng các cấp được củng cố một bước. Đồng bào các dân tộc được hưởng quyền tự do, độc lập và bình đẳng. Nhà nước quan tâm mở mang giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân tạo điều kiện cho mọi công dân vươn lên trong xã hội, đóng góp công sức và hưởng thụ thành quả lao động của mình.
Ngày 25- 04 -1976, cùng với nhân dân trong huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai và nhân dân cả nước, cán bộ, nhân dân vùng H2 nô nức tham gia bầu cử Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất theo thể thức phổ thông đầu phiếu. Sau cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, đây là lần thứ hai nhân dân các dân tộc địa phương được tham gia một sự kiện chính trị quan trọng, thể hiện quyền dân chủ thực sự của người dân một nước độc lập, quyền bình đẳng của công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, địa vị xã hội. Hơn 98% cử tri của các buôn làng, đơn vị tham gia bỏ phiếu, nhiều nơi đạt 100%. Kết quả bầu cử, các cử tri đã lựa chọn được những đại biểu xứng đáng mà mình tín nhiệm vào cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước.
Tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV và Đại hội Đảng bộ Gia Lai - Kon Tum lần thứ VI, Đại hội Đảng bộ huyện Ayun Pa lần thứ VI được tổ chức tại thị trấn Ayun Pa. Vòng một (từ ngày 23 đến 29-10-1976), vòng hai (từ ngày 9 đến 15- 6-1977). Đại hội có 107 đại biểu thay mặt cho 371 đảng viên của 25 đảng bộ cơ sở tham dự. Đại hội đã tham gia góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc và bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh. Đại hội vòng hai của huyện Ayun Pa tiến hành sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và Đại hội VI Đảng bộ tỉnh. Đại hội đã đánh giá tình hình huyện hai năm sau giải phóng 1975- 1977, mặc dù gặp nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại, đời sống nhân dân thiếu thốn, nạn đói giáp hạt đe dọa trên diện rộng, chính quyền cách mạng còn mới mẻ đối với công việc quản lý, tàn quân địch và các tổ chức phản động vẫn lén lút chống phá. Tuy nhiên, với sự nỗ lực vượt bậc của quân và dân trong huyện, chỉ một thời gian ngắn tình hình địa phương đã nhanh chóng ổn định, chính quyền cách mạng được củng cố từ huyện đến các xã, thôn làng, mọi hoạt động của xã hội đã trở lại bình thường; nạn đói, đau trong đồng bào dân tộc được đẩy lùi. Huyện đã phát động sâu rộng phong trào khai hoang phục hóa, xây dựng cánh đồng làm thủy lợi, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, giải quyết nhu cầu lương thực tại chỗ cứu đói cho dân. Cùng với thành tích bước đầu khôi phục phát triển kinh tế, huyện đã quan tâm chăm lo chăm sóc sức khỏe, giáo dục cho con em các dân tộc, xây dựng nếp sống mới, tình đoàn kết bình đẳng giữa các dân tộc Kinh – Thượng. Những việc làm được của chính quyền cách mạng tuy chưa lớn lao nhưng rất có ý nghĩa đối với nhân dân các dân tộc tại chỗ, họ được hưởng cuộc sống độc lập, tự do, bình đẳng, được yên tâm lao động sản xuất trên quê hương của mình. Qua đó xây dựng, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể và chế độ mới.
Đại hội cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót trong công tác lãnh đạo quản lý xã hội toàn diện như chưa đảm bảo an ninh chính trị vững chắc, một số vùng FULRO và các loại phản động còn lôi kéo quần chúng, gây bạo loạn làm cán bộ, nhân dân hoang mang. Việc tuyên truyền, giáo dục cho nông dân về con đường làm ăn tập thể chưa sâu rộng, người dân còn thiếu hiểu biết về hợp tác xã. Huyện chưa xác định được cơ cấu kinh tế nông nghiệp gắn với công nghiệp, thương mại, dịch vụ phù hợp với điều kiện của địa phương.
Trên cơ sở đánh giá, Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội trong những năm tới. Cụ thể là: Quyết tâm động viên mọi nỗ lực cao nhất của toàn Đảng bộ, vượt mọi khó khăn thực hiện nhiệm vụ cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên địa bàn huyện, kết hợp kinh tế với quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nhiệm vụ trọng tâm: thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số gắn với khai hoang làm thủy lợi xây dựng cánh đồng, đi đôi với sắp xếp lại các cơ sở sản xuất dịch vụ. Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, y tế đúng hướng. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng các đoàn thể vững mạnh. Đề cao cảnh giác chống lại các âm mưu của bọn phản động nhất là tổ chức phản động FULRO, đảm bảo an ninh trật tự. Xây dựng Đảng bộ các cấp vững mạnh về chính trị, tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thời kỳ mới.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa VI gồm 29 ủy viên, trong đó có 25 ủy viên chính thức, 4 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Tạ Quang Kim (Chất) được bầu làm Bí thư Huyện ủy; đồng chí Nay Pum (tức Ama HLam) và đồng chí Hồ Trọng Tài làm Phó bí thư. Tháng 7-1977, đồng chí Hoàng Lâm làm Bí thư thay đồng chí Tạ Quang Kim được điều động về tỉnh. Đại hội VI Đảng bộ huyện Ayun Pa có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng phát triển địa phương sau chiến tranh, mở ra hướng đi đúng đắn cho quân và dân các dân tộc thực hiện nhiệm vụ khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Sau Đại hội, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tích cực, chủ động tổ chức các phong trào hành động cách mạng với tinh thần dám nghĩ, dám làm, chống những tư tưởng, nhận thức lệch lạc, ngại khó, ngại khổ, quyết tâm thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội đặt ra. Xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, sản xuất giỏi, giữ vững an ninh chính trị. Huyện cũng phân công cán bộ phụ trách các xã, địa bàn trọng điểm khai hoang, làm thủy lợi, tổ chức các đội thanh niên xung kích, kết hợp với thanh niên các thôn làng đồng loạt ra quân với lực lượng thường trực của huyện khai hoang xây dựng cánh đồng ở AmaRơn, IaRbol, Phú Cần, Đất Bằng.
Qua hai năm (1978-1979) thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng bộ huyện Ayun Pa, sản xuất nông nghiệp đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên thời tiết năm 1979 bất thường, lũ lụt đã làm mất trắng gần 2.000 ha/12.500 ha gieo trồng thuộc các xã dọc lưu vực sông Ba, như Ia Siơm, Ia Rmok, Ama Rơn. Tổng sản lượng lương thực chỉ đạt 13.000 tấn, giảm khoảng 4.000 tấn so với năm 1978. Bình quân lương thực đạt 252 kg/người, giảm 100 kg so với năm 1978. Một số vùng đồng bào dân tộc bị đói gay gắt. Trước tình hình đó, huyện chỉ đạo tích cực thu hoạch nhanh vụ mùa, đẩy mạnh sản xuất vụ đông xuân, chú trọng xen canh gối vụ, tăng nhanh số lượng đàn gia súc (bò, lợn, dê...) đảm bảo vật tư cho sản xuất nông nghiệp.
 Về cải tạo nông nghiệp, tuy đạt chỉ tiêu số lượng thành lập các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, thu hút được hơn 2.000 hộ nông dân, gần 12.000 nhân khẩu, nhưng nhìn chung các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất làm ăn chưa đạt hiệu quả, do thiếu vốn, vật tư, kỹ thuật lạc hậu, trình độ quản lý kém, sản phẩm hàng hóa đơn điệu, chất lượng không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Tổng giá trị sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở cả hai khu vực quốc doanh, tập thể và cá thể đạt 60- 80% kế hoạch. Thương nghiệp quốc doanh bán ra đạt 100% kế hoạch, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và hàng thiết yếu sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số như nông cụ, muối, dầu lửa, vải...
Mặc dù còn nhiều khó khăn về kinh tế và đời sống, nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền luôn quan tâm đầu tư phát triển giáo dục và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Năm học 1978, toàn huyện có hơn 20.000 người đi học, bình quân 2,5 người dân có một người đi học. Hơn 50% số xã có trường cấp II và các lớp bổ túc văn hóa cho cán bộ cơ sở theo học tuần hai buổi. Có 10 cơ sở khám chữa bệnh với hơn 200 giường bệnh. Ngành y tế phát động 4 phong trào lớn: Phong trào toàn dân trồng và dùng cây thuốc nam chữa bệnh; Phong trào phòng chống dịch bệnh, ăn chín, uống sôi, sạch làng tốt ruộng; Phong trào ba công trình: nhà tắm, giếng nước, nhà vệ sinh; Phong trào chống sốt rét, chống mê tín dị đoan, bỏ tập tục sinh con ngoài rừng, hữu sinh vô dưỡng.
Về văn hóa - thông tin: Hơn 50% số xã có hệ thống truyền thanh, hàng ngày tiếp âm truyền thanh của huyện và đưa thông tin hoạt động của xã và buôn làng. Từ năm 1977, 100% số xã  có điện thoại, liên lạc thông suốt.
Hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng bộ đã tạo sự chuyển biến toàn diện kinh tế - văn hóa xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện Ayun Pa, trong đó có vùng đất phía đông thuộc huyện H2 cũ. Tuy nhiên, năm 1979 là năm huyện phải đương đầu với những khó khăn, thử thách chưa từng có trong những năm sau giải phóng. Thiên tai, lũ lụt, khô hạn, tác động của chiến tranh biên giới, sự trì trệ của cơ chế kế hoạch hóa tập trung và yếu kém trong quản lý làm cho kinh tế - xã hội của huyện giảm sút. Những hạn chế, khuyết điểm nhận thấy rõ là sự lúng túng trong chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về kinh tế - xã hội, kế hoạch luôn bị điều chỉnh, thậm chí bị phá vỡ. Các công trường khai hoang lớn như Pờ Tó, Đất Bằng không sử dụng hết diện tích, một số trở lại hoang hóa. Các công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng xây dựng chất lượng thấp, không sử dụng được như ở Phú Cần, Pleioi. Việc chỉ đạo mang tính mệnh lệnh, hình thức, thiếu sâu sát; quản lý, sử dụng lao động thiếu hiệu quả là một trong những nguyên nhân chủ quan kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc quán triệt các nghị quyết Trung ương khóa VI và các nghị quyết của tỉnh, mục tiêu xây dựng huyện thành đơn vị kinh tế nông công nghiệp, lấy địa bàn huyện tổ chức sản xuất, phân công lại lao động, kết hợp kinh tế quốc doanh với kinh tế tập thể, đảm bảo huyện là cấp nhà nước có ngân sách, quản lý sản xuất lưu thông và cải thiện được một bước đời sống nhân dân nhưng chưa đi sâu quản lý chuyên môn kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế. Kinh tế quốc doanh liên tục bị thua lỗ, do sản phẩm làm ra giá thành cao, chất lượng thấp, khó tiêu thụ, nhiều đơn vị quốc doanh đứng trước nguy cơ bị phá sản. Thương nghiệp quốc doanh vấp phải khó khăn của cơ chế tập trung kế hoạch hoá, sức mua vào thấp, thiếu hàng hóa bán ra đối lưu, tinh thần phục vụ quan liêu. Kinh tế tập thể và kinh tế cá thể hộ gia đình lúng túng trong quản lý và hướng đi, thiếu chính sách đầu tư, hỗ trợ vốn, kỹ thuật, đào tạo cán bộ quản lý và tiêu thụ sản phẩm. Thực trạng kinh tế - xã hội của huyện cũng như các địa phương cả nước, đặt ra yêu cầu nóng bỏng trong công tác lãnh đạo, quản lý cần phải thay đổi cung cách làm ăn, nếp suy nghĩ năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, các đơn vị kinh tế phù hợp.
Bốn năm sau giải phóng, khoảng thời gian ngắn so với lịch sử phát triển của vùng đất đông Cheo Reo dưới chế độ thực dân, đế quốc nhưng đã có nhiều biến đổi về kinh tế - văn hóa xã hội và đời sống của đồng bào các dân tộc. Nạn đói kinh niên trong vùng đồng bào dân tộc đã được giải quyết, điều chưa từng có dưới chế độ cũ. Mọi người dân được hưởng quyền tự do, bình đẳng, được đảm bảo quyền học hành, chăm sóc sức khỏe. An ninh chính trị được giữ vững. Niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào Đảng và chế độ mới xã hội chủ nghĩa được nâng lên, đó là cơ sở để quân, dân trong huyện vững bước tiến vào xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, hiệu quả quản lý của chính quyền, phát huy thế mạnh của vùng đất phía đông Cheo Reo, đẩy mạnh công cuộc khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, theo đề nghị của tỉnh Gia Lai - Kon Tum và được Quốc hội quyết nghị, ngày 23-4-1979, Hội đồng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Quyết định 178/CP về việc chia tách huyện Ayun Pa của tỉnh Gia Lai - Kon Tum thành hai huyện Ayun Pa và Krông Pa. Sự kiện trên có ý nghĩa lịch sử lớn lao đối với cán bộ, nhân dân các dân tộc Krông Pa trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Với diện tích tự nhiên 193.000 ha, trong đó có 43.000 ha đất có khả năng sản xuất nông nghiệp[59]. Dân số khoảng 20.000 người, đa số là đồng bào dân tộc Jrai. Đất đai, khí hậu của huyện Krông Pa thích hợp với nhiều loại cây trồng lúa, bắp, sắn và các loại cây họ đậu, đặc biệt thích hợp với các loại cây có giá trị kinh tế cao như thuốc lá, vừng, thầu dầu, điều. Hệ thống sông Ba và các sông nhánh: Ia Rsai, Mlah, Kà Lúi, Uar, Krông Năng... thuận lợi cho tưới tiêu sản xuất nông nghiệp. Rừng chiếm diện tích lớn phía tây nam sông Ba, có nhiều gỗ và lâm sản quý: cẩm lai, trắc, hương, trầm hương, dầu rái, chai lục, song mây..., nhiều vùng đồng bằng  thuận lợi cho chăn nuôi những đàn gia súc lớn (bò, dê). Huyện Krông Pa được thành lập tạo điều kiện phát huy thế mạnh đất đai, tài nguyên và lực lực lượng lao động tại chỗ, đồng thời đảm bảo thực hiện chính sách di dân, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng địa phương theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, những khó khăn thách thức trước mắt đối với cán bộ, quân và dân các dân tộc Krông Pa rất lớn. Các cơ quan Đảng của huyện tháng 6-1979, chính quyền tháng 7-1979 đã đi vào hoạt động. Huyện cách trung tâm tỉnh lỵ 150 km, giao thông đi lại khó khăn, cơ sở vật chất hầu như không có gì, đa số cán bộ còn mới mẻ, nơi làm việc, sinh hoạt chưa ổn định, đời sống nhân dân luôn bị đe dọa đói kém, do hậu quả của thiên tai vụ mùa 1978-1979. Một số đất đai sản xuất bị hoang hóa, năng suất giảm sút do mưa lũ, nắng hạn kéo dài. Có những xã thu hoạch không đạt 50% dự kiến như xã Ia HDreh. An ninh chính trị ở cơ sở chưa đảm bảo vững chắc, ngay sau khi chia huyện ta đã phải đối phó với âm mưu bạo loạn nhân dịp bầu cử Hội đồng nhân dân hai cấp (ngày 25- 05-1979).
Đầu tháng 7-1979, huyện tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ VII, xác định phương hướng, nhiệm vụ của địa phương những năm đầu thập niên năm 1980. Đại hội đã đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng bộ[60], đã tập trung sức cho mặt trận sản xuất nông nghiệp, tạo được cơ sở cho sản xuất nông nghiệp, xây dựng và từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đại hội cũng đánh giá những thiếu sót trong tổ chức chỉ đạo và thực hiện Nghị quyết của Đảng. Đời sống của đồng bào tuy được cải thiện nhưng còn nhiều khó khăn. Đại hội nêu phương hướng, nhiệm vụ của những năm đầu 1980 là: Phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường đoàn kết dân tộc, khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất trên địa bàn huyện, từng bước cải thiện đời sống nhân dân. Thực hiện đồng thời và đồng bộ định canh, định cư, cải tạo nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm, tạo ra nguồn nguyên liệu cho công nghiệp. Đầu tư phát triển giao thông vận tải, mở rộng mạng lưới lưu thông phân phối. Đẩy mạnh sự nghiệp y tế, văn hóa, giáo dục. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với xây dựng quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực. Khẩn trương đào tạo đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn mới. Xây dựng huyện theo cơ cấu nông – lâm- công nghiệp. Đại hội cũng xác định mục tiêu: xây dựng quốc phòng toàn dân, củng cố lực lượng vũ trang, dân quân du kích vững mạnh, loại trừ bạo loạn. Phát triển kinh tế toàn diện, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đảm bảo lương thực tại chỗ, có dự trữ, tạo nguyên liệu cho công nghiệp và nguồn hàng xuất khẩu. Tích cực xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho các ngành trên cơ sở tự lực tự cường. Tăng cường công tác xây dựng Đảng, đào tạo cán bộ, kiện toàn tổ chức, cải tiến lề lối làm việc sát cơ sở. Nâng cao hiệu quả quản lý kinh tế, quản lý xã hội, chống tham ô, cửa quyền, lãng phí.
Đại hội cũng đề ra những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trong về khai hoang xây dựng cánh đồng, định canh, định cư, sản lượng lương thực, phát triển sự nghiệp y tế, giáo dục. Đại hội cũng kiểm điểm những thiếu sót, tồn tại về an ninh chính trị, công tác xây dựng Đảng... Với tinh thần trách nhiệm và dân chủ, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 26 đồng chí do đồng chí Kpă Y Tiên (Ama Hai) làm Bí thư và hai đồng chí Phó bí thư là Nay Nang (Ama Hiu) và Ksor Djứ (Ama HLiêm).
Ngày 20-07-1979, trước yêu cầu của công tác chỉ đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pa đã họp đánh giá tình hình các mặt công tác, ra nghị quyết chỉ tiêu sản xuất và đời sống theo tinh thần Nghị quyết của Ban Thường vụ tỉnh ủy đối với huyện và triển khai Nghị quyết Đại hội VII Đảng bộ. Khẩu hiệu của Đảng bộ nêu lên là “Thắng thiên tai, chống đói nghèo”, phấn đấu đạt 13.000 tấn lương thực quy thóc trong năm 1979; không để một người dân nào chết vì đói, phòng ngừa dịch bệnh lây lan, đẩy mạnh công tác giáo dục, đồng thời đấu tranh chống mọi tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Trước mắt, để tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất và đời sống, huyện đề nghị tỉnh hỗ trợ cấp 15 máy bơm, xây dựng hai trạm bơm điện tưới cho lúa của xã Chư Drăng và 400 ha của xã IaRmok. Thành lập một đội máy kéo 15 chiếc, một xưởng cơ khí, 3 xe tải, 1 máy phát điện 100kw. Về nông nghiệp, xin tỉnh điều động cán bộ, đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất thành lập 5 trạm nghiên cứu bảo vệ thực vật; thí nghiệm nông nghiệp và ươm giống; thú ý; chăn nuôi lợn, bò giống.
Bằng sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân các dân tộc, sáu tháng sau chia tách, huyện Krông Pa đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Bộ máy chính quyền xã được củng cố, sắp xếp lại thông qua bầu cử Hội đồng nhân dân hai cấp, đại hội Đảng bộ cơ sở. Thời tiết không thuận lợi, gây trở ngại lớn cho sản xuất làm mất trắng khoảng hơn 1.000 ha, diện tích còn lại bị khô hạn, năng suất bình quân đạt 1tấn/ha, nhưng vụ mùa huyện cũng gieo trồng được 7.027 ha, trong đó cây lương thực đạt 6.245 ha, đạt 70% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực đạt 8.598 tấn, đạt 56% kế hoạch, đảm bảo một phần lương thực tiêu dùng tại chỗ. Đây là cố gắng lớn của huyện và sự cần cù lao động của nhân dân và lợi thế sức kéo của đàn gia súc trâu, bò. Củng cố các tập đoàn sản xuất, chuẩn bị kế hoạch nâng 41 tập đoàn lên thành tập đoàn điểm vào năm 1980. Tổ chức các hợp tác xã mua bán ở các xã và các tổ dịch vụ tư nhân, đảm bảo thu mua trao đổi hàng hóa phục vụ sản xuất và đời sống cán bộ, nhân dân. Vốn đầu tư của Nhà nước đạt 85% cho xây dựng cơ ở hạ tầng, đầu tư cho vay cá thể đạt 100%. Phong trào gởi tiền tiết kiệm được phát động sâu rộng, nhiều đơn vị 100% cán bộ,  công nhân viên tham gia gởi tiền tiết kiệm.
Về sản xuất nông nghiệp, giao thông thủy lợi: Khai hoang phục hóa được 150 ha, định cư một buôn với 76 hộ, xây dựng một cánh đồng 71 ha (Phú Cần). Xác định và quy hoạch các vùng chuyên canh cây lương thực thuộc ba xã Ia Rmok, Chư Drăng, Ia HDreh, vùng cây công nghiệp ngắn ngày xuất khẩu: thuốc lá, thầu dầu, đậu, mè. Đảm bảo giao thông, liên lạc thông suốt trong mùa mưa, bão; nước sạch và điện sinh hoạt cho khu vực thị trấn Phú Túc. Tổ chức cứu đói thường xuyên và đột xuất cho nhân dân vùng thiên tai 22 tấn gạo với 5.900 nhân khẩu.
Thành tích trên tuy chưa tương xứng với nỗ lực của cán bộ, nhân dân cũng như yêu cầu và tiềm năng, thế mạnh của huyện, nhưng đã thể hiện sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, tổ chức triển khai các mặt công tác của chính quyền, các đoàn thể và quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách của cán bộ, nhân dân trong toàn huyện, phát động được phong trào thi đua lao động sản xuất, khai hoang, xây dựng cánh đồng làm thủy lợi, đảm bảo lương thực tại chỗ. Qua một năm chia tách, những hạn chế, khuyết điểm được Ban Chấp hành Đảng bộ huyện chỉ ra là: Các đoàn thể cơ sở còn yếu, chưa phát huy được quyền làm chủ của nhân dân. Các ngành chuyên môn chưa đủ mạnh làm tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức triển khai toàn diện các mặt công tác. Cơ sở vật chất, kỹ thuật nghèo nàn, lạc hậu, giao thông cách trở giữa các vùng, nhất là mùa mưa, bão. Thiếu cán bộ quản lý có trình độ năng lực và cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên môn về nông lâm nghiệp. Lưu thông phân phối còn chậm, hàng hóa khan hiếm chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất và tiêu dùng của cán bộ, nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng dân tộc, đời sống của nhân dân còn nhiều cơ cực, thiếu đói.
Khó khăn, thử thách của huyện luôn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, cuối tháng 3-1980, trong dịp về thăm và làm việc với Đảng bộ và chính quyền huyện Krông Pa, đồng chí Nguyễn Văn Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum đã có nhiều ý kiến chỉ đạo sâu sát, quý báu về sản xuất nông nghiệp và các mặt chính trị, đời sống; cần đẩy mạnh sản xuất lương thực, trồng mỳ và các cây hoa màu để chống đói sau vụ mùa thất bát năm 1979. Nhanh chóng thành lập Ban quy hoạch kiến thiết của huyện để đảm bảo đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đúng hướng, tiết kiệm và hiệu quả, ưu tiên các công trình điện, nước sạch cho thị trấn Phú Túc, trạm bơm Phú Cần. Trong kế hoạch định canh, định cư tránh làm dàn trải, đầu tư làm thí điểm để nhân rộng như buôn Kết xã Ia Rmok. Huyện cần chỉ đạo xây dựng một nhà trẻ ở trung tâm thị trấn, một trường cấp 2 cho xã Ia Rmok để các cháu không phải qua sông đi học; xây dựng một bệnh viện từ 70 đến 100 giường bằng kinh phí hỗ trợ của tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm quy hoạch xây dựng, đội ngũ cán bộ, trước hết về nhận thức lý luận, quan điểm đường lối của Đảng, chuyên môn nghiệp vụ, nhiệt tình cách mạng, chấp nhận hy sinh, gian khổ vì lợi ích của đồng bào các dân tộc địa phương. Khắc phục tình trạng, chắp vá trong bố trí cán bộ, không đáp ứng được yêu cầu quản lý và chỉ đạo toàn diện các mặt công tác của Đảng, chính quyền và các đoàn thể. Đồng chí cũng nhấn mạnh mối quan hệ trao đổi, giúp đỡ của huyện Ayun Pa và Krông Pa, tạo điều kiện tăng cường cho huyện mới về nguồn cán bộ, phương tiện kỹ thuật.... nhanh chóng ổn định sản xuất và đời sống.
Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các cuộc Hội nghị của Ban Thường vụ Huyện ủy và sau đó Hội nghị Huyện ủy mở rộng trong hai ngày 10 đến 11- 07-1980 đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ sáu tháng đầu năm 1980 và và xây dựng nhiệm vụ, biện pháp sáu tháng cuối năm về sản xuất và một số mặt công tác về sản xuất vụ mùa, Ban Thường vụ huyện ủy thống nhất xác định chỉ tiêu 11.000 ha gieo trồng với sản lượng 13.000 tấn lương thực quy thóc như năm 1979. Kiên quyết không bỏ hoang diện tích quy hoạch, đảm bảo kết thúc gieo trồng trước ngày 30-07-1980. Tăng diện tích bắp đông xuân lên 200 ha, khoai lang 200 ha, đậu đỗ các loại khoảng 200 ha, riêng xã IaRmok trồng 100 ha lang... diện tích màu trên bù 700 ha mỳ bị mất trắng do vụ mùa nắng hạn. Các ngành chuyên môn kinh tế, nông nghiệp, tài chính tham mưu chỉ đạo tổ chức phân bố lao động hợp lý theo xã, thôn làng, đảm bảo các khâu làm đất, thủy lợi, giống, phân bón, đưa cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở hướng dẫn đồng bào sản xuất, làm phân, dùng phân bón cho cây trồng. Triển khai làm điểm hai xã Ia HDreh, Chư Drăng. Vận động nhân dân bảo vệ hoa màu, gia súc (trâu, bò) có người chăn thả, làm chuồng, hướng dẫn nhân dân rào vườn, rẫy, không để heo, bò phá hoại.
Về công - thương nghiệp và cải tạo quan hệ sản xuất: đưa giá trị tổng sản lượng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đạt 400.000 đồng, trong đó sản xuất gạch xây dựng 1.500.000 viên, khai thác 1.000m3 gỗ tròn, thu mua 400 tấn lương thực, nông sản các loại 200 tấn. Có kế hoạch đưa hai tập đoàn sản xuất Thắng Lợi và Đoàn Kết lên hợp tác xã; vận động đưa các hộ dân thôn Thành Công, buôn Tang, buôn Kết lên tập đoàn sản xuất. Chỉ đạo kịp thời cứu trợ lương thực bằng nguồn của tỉnh và huyện cho dân buôn Phùm và xã Chư Drăng. Để làm tốt các mặt công tác trên và đạt được chỉ tiêu kế hoạch của năm 1980, các cấp ủy Đảng, chính quyền phải sâu sát công tác chỉ đạo tổ chức, phối hợp đồng bộ các ngành kinh tế, công thương nghiệp từ huyện đến các xã, thị trấn, buôn làng. Quản lý, phân bổ lại lao động, ngành nghề hợp lý, tăng cường quản lý thị trường, giải quyết tốt chính sách khuyến khích, thù lao đối với cán bộ cơ sở. Phân công cán bộ xuống từng điểm để kiểm tra, giải quyết những vấn đề cụ thể. Phát động phong trào quần chúng thi đua lao động sản xuất, định canh, định cư, xây dựng cánh đồng, chủ động đảm bảo tự túc lương thực trong năm.
Kết quả về kinh tế - xã hội, đời sống năm 1980 có nhiều chuyển biến nhưng chưa đều, các chỉ tiêu lớn mới chỉ đạt hoặc bằng 50- 70% kế hoạch. Về nông nghiệp, diện tích gieo trồng vụ mùa đạt 5.042 ha, bằng 54% kế hoạch, sản lượng lương thực quy thóc đạt 8.700 tấn. Giữ và phát triển đàn gia súc gần 20.000 con, trong đó bò 11.500 con, trâu 120 con, heo thịt 7.141 con. Xây dựng các khu định canh, định cư mới ở buôn Mlah, thôn Thành Công, buôn Kết... hoàn thành việc khai hoang xây dựng cánh đồng 66 ha thuộc hai xã Ia Rmok, Chư Drăng, khuyến khích nhân dân phục hóa được 100 ha, đưa diện tích đông xuân toàn huyện tăng 50%. Khó khăn nhất là ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chỉ đạt 30% kế hoạch bằng 111.000 đồng - 140.000 đồng, cơ cấu ngành nghề chưa hình thành, hàng hóa, dịch vụ chất lượng thấp, đơn điệu, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, chủ yếu làm gạch nung, chế biến gỗ, rèn nông cụ, xay xát lương thực, may mặc.
Thương mại và đầu tư cũng không đạt kế hoạch. Thu mua các loại nông sản đạt 27% kế hoạch với 1.200 tấn lúa, ngô, sắn. Tổ chức cứu trợ cho dân 6.723 kg lương thực.
Về đầu tư xây dựng và ngân sách: vốn lưu động toàn huyện 1.309.000 đồng, đầu tư 153.000 đồng, sản xuất và thu mua nông sản, thực phẩm 795.000 đồng, lương thực 304.000 đồng... đạt 73% kế hoạch. Đầu tư chủ yếu hỗ trợ vật tư nông nghiệp, xây dựng cơ bản... phục vụ sản xuất và đời sống. Ngân sách của huyện năm 1980, bội chi 61%.
Về văn hóa xã hội có chuyển biến về đầu tư cơ sở vật chất, số trường cấp I, II và học sinh đều tăng. Toàn huyện có 85 lớp, cấp II có 3 lớp với 2.600 em, trong đó học sinh dân tộc 2.126 em, tăng 20% so với năm học 1978-1979; duy trì lớp bổ túc văn hóa tập trung 72 học sinh là cán bộ, con em dân tộc địa phương. Năm 1980, ngành y tế huyện Krông Pa quan tâm đầu tư chăm sóc sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh hiệu quả, kịp thời dập tắt dịch bệnh sốt rét các xã nam sông Ba. Duy trì và đẩy mạnh phong trào ba sạch (ăn sạch, uống sạch, ở sạch), làm được hơn 500 nhà vệ sinh, hơn 30% gia đình đạt tiêu chuẩn ba sạch, gần 50% gia đình đồng bào dân tộc nuôi, nhốt bò xa nhà. Các cơ sở y tế của huyện khám chữa bệnh cho 25.544 người, điều trị 3.824 người bệnh, tỷ lệ tử vong thấp 0,04%, trong đó y tế xã khám, chữa bệnh cho 11.720 người. Một số xã như Ia Rmok đã hình thành vườn thuốc nam chữa bệnh cho đồng bào các thôn buôn.
Hai năm sau khi chia tách, thành tích huyện Đảng bộ huyện Krông Pa đạt được là căn bản, có ý nghĩa quyết định vươn lên thực hiện kế hoạch năm 1981. Tuy nhiên, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cũng thẳng thắn nhìn nhận những mặt khó khăn, yếu kém trong tổ chức thực hiện các nghị quyết của Tỉnh ủy, Huyện ủy trên các mặt kinh tế - xã hội; các chỉ tiêu kinh tế lớn không đạt kế hoạch, đời sống cán bộ, nhân dân rất bấp bênh, vùng đồng bào dân tộc luôn có nguy cơ bị đói. Nguyên nhân chủ yếu là do huyện mới chia tách, cơ sở vật chất, kỹ thuật hầu như chưa có gì, xa tỉnh, phong trào khai hoang rầm rộ nhưng diện tích sản xuất không hiệu quả, có phần hoang hóa. Thời tiết diễn biến không thuận lợi,  thiên tai, lũ lụt, hạn hán xảy ra liên tiếp trong ba năm 1978 -1980. Trình độ quản lý của cán bộ các cấp yếu kém, thiếu chuyên môn khoa học kỹ thuật, chưa nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm, tạo ra mô hình mới để phát huy nhân rộng. Trong tuyên truyền vận động, chưa phát huy được sức mạnh trong nội bộ nhân dân, còn hiện tượng bảo thủ, quan liêu, trông chờ trong cán bộ, làm cản trở các phong trào hành động cách mạng. Những khó khăn, khuyết điểm của Đảng bộ thời kỳ đầu tái lập huyện càng khẳng định những thành tựu mà quân dân trong huyện đạt được trong những năm sau này.
Bước vào năm 1981, Đảng bộ huyện Krông Pa xác định tiếp tục đẩy mạnh sản xuất toàn diện mà trọng tâm sản xuất lương thực, thực phẩm, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, không để xảy ra nạn đói, đau trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chủ động với mọi tình huống, cảnh giác không để xảy ra bất kỳ vụ gây rối nào. Tích cực, khẩn trương xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất, đời sống như giao thông, thủy lợi, chế biến lâm sản. Vận dụng tốt các chính sách đòn bẩy kinh tế đẩy mạnh sản xuất và lưu thông, phân phối. Sửa đổi lối làm việc, xây dựng mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, giữa cấp huyện, xã trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý.
Thực hiện Chỉ thị 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, huyện Krông Pa đã xây dựng chương trình của Ban Chấp hành Đảng bộ, tổ chức khoán đến nhóm và người lao động, tập trung vào các đơn vị kinh tế quốc doanh và tập thể, các hợp tác xã nông nghiệp. Cùng với thực hiện Quyết định 25/CP của Hội đồng Bộ trưởng về chủ trương, giải pháp phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và tự chủ tài chính của doanh nghiệp nhà nước đã mở ra hướng mới trong vận dụng đòn bẩy kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Đây là nhân tố quan trọng, tạo ra sự sống động trong phong trào nông dân khu vực hợp tác xã nông nghiệp và phong trào công nhân các doanh nghiệp Nhà nước, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển trong những năm 1981-1982.
Cơ chế khoán trong nông nghiệp đã khuyến khích nông dân trong các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất phấn khởi nhận ruộng khoán, tích cực thâm canh, tăng năng suất và thu nhập, thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Các doanh nghiệp quốc doanh chủ động tìm thêm vốn, vật tư, nguyên liệu, mở rộng sản xuất, liên kết trong và ngoài địa bàn huyện, tạo thêm việc làm và cải tiến quản lý kinh tế. Huyện ủy đã tổ chức nhiều hội nghị ban chấp hành và hội nghị với các ngành, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy, quy định của Hội đồng Bộ trưởng và các bộ ngành trung ương, xuất phát từ thực tiễn kinh tế - xã hội địa phương đã nêu ra chủ trương: Phát huy quyền chủ động của cơ sở tạo nguồn vốn nhằm phát huy tiềm lực sẵn có để phát triển sản xuất. Chủ động nắm nguồn hàng, tháo gỡ vướng mắc, thực hiện cơ chế một giá. Áp dụng chỉ tiêu pháp lệnh theo hợp đồng kinh tế, tập đoàn sản xuất bán cho nhà nước theo số lượng, chất lượng, giá cả... đồng thời Nhà nước đảm bảo cung ứng cho doanh nghiệp, hợp tác xã máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu theo quy định về số lượng, chất lượng và thời gian.
Để chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, Huyện ủy Krông Pa đã tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng từ ngày 10 đến 14-12- 1981, nghiên cứu các dự thảo văn kiện Đại hội của Đảng. Dự Hội nghị có 50 đồng chí đại biểu là huyện ủy viên, bí thư các đảng bộ cơ sở và trưởng các ban ngành đoàn thể huyện. Hội nghị đã nghiên cứu, quán triệt và thảo luận góp ý nhiều nội dung sâu sắc xuất phát từ thực tiễn địa phương và tình hình chung của Đảng bộ tỉnh cũng như toàn đảng. Các đại biểu nhất trí cao với đánh giá ý nghĩa quan trọng của đường lối Đại hội V của Đảng với 4 mục tiêu, 10 nhiệm vụ, 10 giải pháp cụ thể của dự thảo văn kiện. Những mặt yếu kém cần khắc phục là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Cần tăng cường vai trò quản lý của nhà nước xã hội chủ nghĩa, phát động các phong trào hành động cách mạng, xây dựng, hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; sửa đổi lối làm việc thụ động, nặng về Chỉ thị, mệnh lệnh. Sau Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng của huyện, các tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị, xã, thị trấn đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt, góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng. Đợt sinh hoạt chính trị đã nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhân dân về tình hình quốc tế, trong nước, đường lối chung, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về kinh tế - xã hội thời kỳ 1981-1985 và những năm 1980, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ Đại hội VII Đảng bộ huyện sau ba năm chia tách, quán triệt và vận dụng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, nghiên cứu, thảo luận, góp ý nội dung văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tiến hành Đại hội lần thứ VIII từ ngày 25 đến 28-11-1982. Dự Đại hội có các đại biểu, đại diện cho hơn 200 đảng viên. Đại hội vinh dự được đồng chí Rơchom Thép (Ama Quang), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Mặt trận dự và chỉ đạo trong suốt thời gian Đại hội.
Đại hội đã đánh giá khách quan việc thực hiện Nghị quyết Đại hội VII của Đảng bộ tỉnh Gia Lai - Kon Tum và Nghị quyết Đại hội VII Đảng bộ huyện Krông Pa. Qua ba năm thực hiện chủ trương của Đảng về cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại do thiên tai lũ lụt, hạn hán, cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý yếu và thiếu, nhưng Đảng bộ đã phát huy được truyền thống đoàn kết, vượt lên mọi khó khăn thử thách, chủ động, sáng tạo trong chủ trương và tổ chức thực hiện để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh. Sau khi tái thành lập, Đảng bộ đã nhanh chóng tổ chức sắp xếp cán bộ, tập trung khai hoang, định canh, định cư, xây dựng cánh đồng, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đạt được mức tăng trưởng về diện tích và sản lượng, cơ bản đảm bảo được nhu cầu lương thực tại chỗ. Cây công nghiệp ngắn ngày và chăn nuôi phát triển. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa được đầu tư  góp phần nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc. Thực lực cách mạng ở cơ sở được nâng lên, an ninh chính trị được giữ vững.
Đại hội đã xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện Krông Pa đến năm 1985 là: Phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, nêu cao tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào các dân tộc trong huyện, đoàn kết, động viên nỗ lực của cán bộ, đảng viên và nhân dân, ra sức phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, phát triển chăn nuôi gia súc (bò, dê...), trọng tâm là sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Mở rộng diện tích và thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Đến năm 1985 cần đạt được những chỉ tiêu lớn là: Lương thực sản xuất đủ ăn, dành một phần làm nghĩa vụ và tiếp thu lao động mới. Bình quân 0,7 ha đất sản xuất cho một lao động. Hoàn thành định canh, định cư các buôn đồng bào Jrai theo hướng tách hộ, dời nhà, lập vườn. Tiếp nhận dân kinh tế mới, hình thành các điểm dân cư, đưa dân số của huyện lên khoảng 35.000 người. Xây dựng được 20 hợp tác xã nông nghiệp ở các xã, có kết hợp đồng bào kinh tế mới và đồng bào tại chỗ. Về y tế: không để dịch bệnh xảy ra. Về giáo dục: đạt mức bình quân 5 người dân có một người đi học, các xã đều có trường cấp I, II. Về an ninh quốc phòng: đảm bảo an ninh chính trị trong mọi tình huống, quyết tâm loại trừ FULRO ra khỏi đời sống xã hội.
Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, Đại hội đã nhất trí bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ VIII gồm 28 đồng chí, trong đó có một đồng chí Ủy viên dự khuyết; 19 đồng chí là người dân tộc thiểu sốhính trị trong mọi tình huống., có một đồng chí nữ. Ban Thường vụ có 9 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Duy Khanh được bầu làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ khóa VIII và hai đồng chí Phó bí thư là Nay Ang (Ama Hiu), Ksor Djứ (Ama HLiêm). Bầu 5 đồng chí Ủy viên ủy ban kiểm tra Đảng của Đảng bộ.
Triển khai Nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ huyện Krông Pa và chủ trương của Đại hội VIII Đảng bộ tỉnh Gia Lai- Kon Tum tháng 03-1983, với tinh thần phát triển nông nghiệp toàn diện, giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, thực phẩm, phát huy thế mạnh về cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, nghề rừng và chăn nuôi, nhanh chóng xây dựng vùng cây chuyên canh có giá trị, thâm canh tăng năng suất cây trồng tạo nguồn hàng xuất khẩu và nguyên liệu cho công nghiệp....Từ năm 1983 đến 1985, Ban Thường vụ và huyện ủy đã tổ chức nhiều Hội nghị đánh giá tình hình, thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp triển khai phối hợp với các ngành từ huyện đến xã nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tập trung cho sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp... đảm bảo đời sống của cán bộ, nhân dân.
Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng ngày 12-12-1983 thống nhất chỉ đạo: Tranh thủ nguồn vốn đầu tư của tỉnh, nhanh chóng quy hoạch các vùng chuyên canh gắn với khai hoang xây dựng cánh đồng, xây dựng mỗi xã một hợp tác xã nông nghịêp, các buôn có tập đoàn sản xuất. Đẩy mạnh công tác thu mua hàng nông sản xuất khẩu. Xây dựng trại nuôi bò giống tại đèo Tôna. Các quyết định quan trọng của Hội nghị có ý nghĩa đột phá trong chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ về kinh tế và cải tạo nông nghiệp.
Trước đó, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ lần thứ V (khóa VIII) đã ra Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 43, ngày 14-04-1978 về công tác cải tạo nông nghiệp. Qua năm năm triển khai thực hiện, tuy tổ chức được một hợp tác xã nông nghiệp, 44 tập đoàn sản xuất nhưng chất lượng thấp, làm ăn chưa hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động nông dân còn hạn chế, chưa tạo được mô hình tốt, lôi cuốn nông dân vào con đường làm ăn tập thể, một số cán bộ, nhân dân có nhận thức sai lệch về hợp tác xã và tập đoàn sản xuất. Hội nghị xác định quan điểm, nhiệm vụ cải tạo nông nghiệp của huyện nhằm: xóa bỏ quan hệ bóc lột trong sản xuất ở nông thôn, tiến hành định canh, định cư, xóa bỏ những tập tục lạc hậu trong sản xuất và đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy thế mạnh đất nông lâm nghiệp, lực lượng lao động địa phương và kinh tế mới, tổ chức hợp tác xã nông nghiệp ở 100% số xã, các thôn buôn có tập đoàn sản xuất. Tiến hành làm điểm ở 4 xã: Phú Cần, Ia HDreh, Ia Rmok và Chư Gu với ba tập đoàn sản xuất và hợp tác xã Thắng Lợi theo mô hình mẫu để nhân rộng.
Triển khai công tác nông nghiệp, định canh, định cư được Đảng bộ quan tâm chỉ đạo và kiểm tra chặt chẽ. Từ tháng 1 đến tháng 5-1984, Ban Thường vụ đã có nhiều họp nhiều lần, quyết định các công việc cụ thể tháo gỡ những vướng mắc, yêu cầu của cơ sở. Ngày 14-01-1984, Ban Thường vụ tổ chức Hội nghị và quyết định một số công việc quan trọng, thành lập cơ sở gạch ngói tại buôn Ơi Nu, xã Ia Siơm và trại bò của huyện. Tổ chức hai điểm thu mua nông lâm sản tại Ia Rsai, Ia Siơm và Chư Gu, kế hoạch giao mỗi điểm từ 80 đến 100 tấn. Phân công đồng chí Đoàn Hẵng, Ủy viên thường vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện làm Chỉ huy trưởng công trường khai hoang 20 ha ruộng đông xuân ở hai xã Đất Bằng và Ia Mlah, đồng thời làm Trưởng ban định canh, định cư, kinh tế mới cải tạo nông nghiệp huyện. Hội nghị Ban Thường vụ cuối tháng 01-1984 nêu chỉ tiêu, quyết tâm trong hai năm 1984-1985 hoàn thành về cơ bản hợp tác hóa nông nghiệp, đưa 80% nông dân vào tập đoàn sản xuất và hợp tác xã. Riêng năm 1984, định cư 100% hộ đồng bào dân tộc tại chỗ với 40 buôn của bốn xã Phú Cần, IaRmok, Ia Hdreh và Chư Gu. Tổ chức học tập, quán triệt quan điểm, chủ trương, giải pháp kế hoạch công tác định canh, định cư được Ban Chấp hành Đảng bộ Krông Pa xem là nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên. Ban Thường vụ đã quyết định tổ chức Hội nghị về công tác định canh, định cư tại buôn Tang, buôn Luk thuộc xã Ia Rmok vào ngày 9 và ngày 10-02-1984 nhằm phát động phong trào thi đua trong toàn huyện.
Để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất lương thực và cây công nghiệp theo Nghị quyết Đại hội và Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ huyện ủy mở rộng họp ngày 03-05-1984 đã giao chỉ tiêu gieo trồng vụ mùa cho 10 xã[61]:
Quy hoạch đất trồng điều (đào lộn hột) ở 8 xã, trừ Krông Năng và Chư Drăng[62]:
Sự nỗ lực của Đảng bộ huyện trong chỉ đạo thực hiện các chủ trương của tỉnh, địa phương và sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân đã tạo ra những kết quả, chuyển biến mới rất quan trọng trên ba mặt: Sản xuất nông nghiệp; định canh, định cư, kinh tế mới, cải tạo nông nghiệp và mặt trận phân phối lưu thông.  Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đều đạt và vượt, đời sống nhân dân ổn định. Nổi bật là đảm bảo đời sống của gần 4.000 đồng bào kinh tế mới tỉnh Thái Bình, làm cho mọi người yên tâm, tin tưởng xây dựng quê hương mới.
Về sản xuất nông lâm nghiệp: Từ việc xác định rõ cơ cấu cây trồng dựa vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, tập quán canh tác của nhân dân, huyện đã chỉ đạo đầu tư đúng hướng. Lần đầu tiên sau năm năm tách ra từ huyện Ayun Pa, huyện Krông Pa sản xuất đủ lương thực cho nhu cầu tại chỗ, có một phần dự trữ và làm nghĩa vụ. Xác định hai vùng quy hoạch chuyên canh:
- Vùng cao, khoảng 2,7 vạn ha trồng mè, đậu, thuốc lá, đào lộn hột.
-  Vùng thấp, khoảng 1,6 vạn ha trồng lúa, bắp, thuốc lá, dừa.
Cơ cấu cây trồng theo quy hoạch trên được nhân dân hăng hái thực hiện, góp phần đưa nền sản xuất mang tính tự sản, tự tiêu phát triển thành kinh tế hàng hóa. Năm 1984, các chỉ tiêu về gieo trồng, sản lượng đều vượt kế hoạch của tỉnh và huyện giao:
  • Lúa mùa: 4.430/4.300 ha = 105,5% kế hoạch.
  • Bắp: 3.749/3.480 ha = 107% kế hoạch.
  • Mè: 1.818/1.500 ha = 121% kế hoạch.
  • Đậu các loại: 436 ha = 124% kế hoạch.
  • Điều: 334 ha = 221% kế hoạch.
  • Sắn: 2.200/ 2.000 ha = 110% kế hoạch.
  • Thuốc lá: 529/400 ha = 130 % kế hoạch.
Tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 2.622 ha bằng 108% kế hoạch, trong đó có lúa, bắp, lang, đậu phộng, rau, củ khác. Tổng sản lượng quy thóc năm 1984 đạt 11.151 tấn, đạt 107,5% kế hoạch, so với năm 1983 đạt 133%. Bình quân lương thực 370 kg/người, tổng giá trị sản lượng nông –lâm - công nghiệp đạt 54 triệu đồng.
Về định canh, định cư, kinh tế mới và cải tạo nông nghiệp: theo chủ trương dời làng, tách hộ, lập vườn với định mức 1.800m2 đất thổ cư, đã hoàn thành chỉ tiêu ở Phú Cần, Ia Rmok với 1.346 hộ, 8.338 khẩu với 9 buôn.
Về chủ trương kinh tế mới: nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa yêu cầu khai thác tài nguyên to lớn của huyện với thiếu hụt sức lao động, tỉnh Gia Lai - Kon Tum và tỉnh Thái Bình đã phối hợp đưa dân vào huyện Krông Pa làm kinh tế mới dọc tuyến quốc lộ 25. Theo kế hoạch, năm 1984 huyện Krông Pa tiếp nhận 100 hộ, 500 nhân khẩu, nhưng hai đợt của năm 1984, số dân đưa vào 1.150 hộ, 5.222 khẩu với 2.700 lao động. Huyện Krông Pa đã cùng với tỉnh Gia Lai -Kon Tum tổ chức tiếp dân, đồng thời xác định chủ trương gắn công tác kinh tế mới với định canh, định cư để đi lên chủ nghĩa xã hội với bốn yêu cầu: Một là, giải quyết đoàn kết nông thôn, đoàn kết Kinh - Thượng; Hai là, giải quyết vấn đề cán bộ; Ba là, đưa nhanh đời sống đồng bào Jrai tiếp kịp đời sống đồng bào kinh tế mới, thông qua phân công lao động, khoán sản phẩm để có thu nhập, trước mắt ưu tiên đất tốt và gần cho đồng bào dân tộc; Bốn là, đảm bảo phát triển kinh tế theo cơ cấu, quy hoạch và kế hoạch của huyện.
Để đảm bảo sự phát triển vững chắc của hợp tác xã nông nghiệp, Huyện ủy chủ trương và chỉ đạo gắn với xây dựng hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tín dụng có cùng quy mô trên địa bàn. Xã viên hợp tác xã nông nghiệp đồng thời là xã viên hợp tác xã mua bán và hợp tác xã tín dụng. Năm 1984, Ủy ban nhân dân huyện cùng với các ngành chức năng, các xã tổ chức xây dựng mô hình 5 hợp tác xã nông nghiệp có đồng bào kinh tế mới Thái Bình và đồng bào Jrai tại chỗ, đó là:
- Hợp tác xã Chư Đông, 246 hộ xã viên, 1.187 nhân khẩu, 483 lao động, có 94 hộ đồng bào Jrai  của buôn Thức, buôn Nung, buôn Bak và đồng bào Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.
- Hợp tác xã Chư Thái, gồm 244 hộ xã viên, 1.305 nhân khẩu, 609 lao động, có 97 hộ đồng bào Jrai 2 buôn Đuk, buôn Bak xã Chư Gu và đồng bào Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.
- Hợp tác xã Hưng Phú,  gồm 239 hộ xã viên, 1.244 nhân khẩu, 426 lao động, có 114 hộ đồng bào Jrai buôn Ơi Nu xã Ia Siơm và đồng bào Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
-  Hợp tác xã Quỳnh Phú,  gồm 180 hộ xã viên, 863 nhân khẩu, 335 lao động, có 45 hộ đồng bào Jrai buôn Toak, xã Ia Siơm và đồng bào Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
Thực tế đã chứng minh chủ trương, cách làm của Đảng bộ Krông Pa là đúng đắn, sáng tạo. Đảng bộ đã kết hợp và phát huy sức lao động, kinh nghiệm sản xuất của đồng bào kinh tế mới với đất đai, tài nguyên, sức lao động của đồng bào tại chỗ, tạo ra sự đoàn kết và sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân các dân tộc.
Hoạt động phân phối lưu thông năm 1984 cũng có nhiều chuyển biến tích cực, phục vụ tốt các chủ trương của huyện và theo đà phát triển kinh tế - xã hội. Phân phối lưu thông đảm bảo nhu cầu thiết yếu về sản xuất và đời sống cho đồng bào tại chỗ, và đón dân kinh tế mới, thu mua nông sản, hàng xuất khẩu, lương thực, thu thuế. Mạng lưới thương nghiệp quốc doanh, tập thể dần được mở rộng và củng cố. Công ty thương nghiệp huyện doanh số mua vào đạt 46 triệu đồng, bằng 150% kế hoạch; doanh số bán ra đạt 40,5 triệu đồng, bằng 129% kế hoạch. Các chỉ tiêu thu mua giao nộp đều vượt kế hoạch, như lương thực 1.000 tấn, đạt 111% kế hoạch; mè xuất khẩu 516 tấn, đạt 120% kế hoạch... Hoạt động mua công trái, gởi tiền tiết kiệm cũng đạt và vượt chỉ tiêu giao. Hoạt động ngân hàng nhà nước cũng có nhiều cố gắng trong đầu tư mạnh mẽ cho khu vực sản xuất tập thể, tạo điều kiện phát triển sản xuất hàng hóa, thu mua và xây dựng cơ bản. Có thể nói, năm 1984 là năm kinh tế - xã hội huyện nhà phát huy được hiệu quả cao nhất kể từ năm 1979 trên các mặt sản xuất nông nghiệp, kinh tế mới, cải tạo nông nghiệp và lưu thông phân phối. Đây là năm đầu tiên vượt kế hoạch tỉnh giao, đời sống nhân dân các dân tộc được cải thiện rõ rệt, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng được củng cố, tạo đà phát triển vững chắc của Krông Pa trong những năm sau.
Bước vào năm 1985, tình hình trong huyện có nhiều thuận lợi do sản xuất và đời sống cán bộ, nhân dân có nhiều mặt cải thiện, Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum đã có Nghị quyết Hội nghị lần thứ V khóa VIII về nhiệm vụ cấp bách cải tiến quản lý kinh tế. Ba vấn đề lớn được đặt ra trong nhiệm vụ cấp bách cần được tập trung giải quyết là: Phát huy quyền chủ động của cơ sở, tạo cho được nguồn vốn, phát huy năng lực sẵn có để phát triển sản xuất; Giải quyết một số vấn đề cấp bách về phân phối lưu thông nhằm đẩy mạnh sản xuất, nắm đại bộ phận hàng hóa; Kiện toàn và phát huy bộ máy phục vụ cải tiến quản lý kinh tế. Những vấn đề trên có ý nghĩa thực tiễn quan trọng trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Đảng bộ huyện Krông Pa trong những năm 1980.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa V) về giá - lương - tiền, xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, thực hiện chế độ tập trung dân chủ, hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ chế độ cung cấp lương thực hàng hóa theo tem phiếu, thực hiện một giá kinh doanh, áp dụng chế độ lương mới, điều chỉnh mặt hàng giá vật tư, hàng hóa, tổ chức đổi tiền... Tỉnh Gia Lai – Kon Tum nói chung và huyện Krông Pa nói riêng gặp nhiều khó khăn. Tình hình kinh tế, đời sống nhân dân diễn biến phức tạp, giá hàng hóa, vật tư tăng vọt, tư tưởng đầu tư nâng giá, thị trường có dấu hiệu rối loạn. Nguyên nhân do áp dụng chính sách giá - lương - tiền, nhưng nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, năng suất lao động thấp, nhất là nông nghiệp, hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp nhà nước và kinh tế tập thể thấp, hàng hóa khan hiếm không đáp ứng được mục đích, yêu cầu của chính sách mới và nhu cầu đời sống của cán bộ, nhân dân theo mức lương quy đổi. Kinh tế - xã hội huyện Krông pa có những biến động xấu, nguy cơ sản xuất đình trệ sa sút nếu Nhà nước không có sự điều chỉnh kịp thời.
Trước tình hình đó, Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 9 (khóa VIII) Đảng bộ huyện Krông Pa họp từ ngày 7 đến 9-3-1985 nhằm đánh giá các mặt công tác năm 1984, xác định phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội năm 1985. Sau khi đánh giá những mặt được và những hạn chế, khuyết điểm những năm 1983-1984, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tiếp tục khẳng định cơ cấu kinh tế của huyện vẫn là: nông - lâm - tiểu thủ công nghiệp với phương hướng đi lên bằng con đường định canh, định cư, tiếp nhận lao động kinh tế mới, xây dựng hợp tác hóa. Hội nghị đã xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện năm 1985 là:
- Tiếp tục xem sản xuất nông nghiệp là mặt trận hàng đầu mà trọng tâm là sản xuất lương thực và hàng nông sản xuất khẩu.
- Phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, các trạm cơ khí, máy kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch và kế hoạch.
- Quyết tâm hoàn thành định canh, định cư, xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất và đời sống nhân dân. Đảm bảo ổn định đời sống của cán bộ, công nhân, chiến sỹ lực lượng vũ trang nhân dân.
- Làm tốt việc quản lý thị trường, đảm bảo lương thực và hàng nông sản xuất khẩu. Nhà nước nắm giữ các nguồn hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.
- Kết hợp tốt phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng, cảnh giác và đấu tranh có hiệu quả với âm mưu của các tổ chức phản động, giữ vững an ninh chính trị.
Chỉ tiêu cụ thể: Tổng sản lượng lương thực đạt từ 14.000 đến 15.000 tấn với hướng chính thâm canh tăng năng suất; xây dựng các cánh đồng chuyên canh cây lúa ở xã Phú Cần 150 ha, Phú Thái 100 ha, Chư Đông 100 ha, Đất Bằng 100 ha, các xã còn lại 50 ha. Đưa diện tích đông xuân lên 150 ha làm ba vụ: lúa (ngô) - đậu – thuốc lá. Mỗi xã trồng 50 ha sắn dự trữ lương thực sử dụng khi mất mùa. Tập trung chỉ đạo trồng 380 ha mỳ, 300 ha lạc, đậu các loại, 1.000 ha thuốc lá và 500 ha điều phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Thu mua lương thực đạt 1.500 tấn, phát triển đàn bò lên 15.000 con, đàn heo 13.000 con. Xây dựng thêm một trạm phát điện 500kw. Tiếp nhận 10.000 dân kinh tế mới của bốn huyện Hưng Hà, Quỳnh Phụ, Đông Hưng, Thái Thụy (Thái Bình). Xây dựng từ 20 đến 22 hợp tác xã, trong đó có 3 hợp tác xã kiểu mẫu.
Để kịp thời trong công tác chỉ đạo, Ban Thường vụ Huyện ủy đã phân công các đồng chí Ama Liêm, Phó bí thư phụ trách xã Chư Gu, đồng chí Ksor Tam, Ủy viên thường vụ, Trưởng ban tổ chức phụ trách xã Ia Rmok, đồng chí Rơ Mô Thứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phụ trách xã Phú Cần, đồng chí Lê Hồng Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện phụ trách xã Ia Rsai, Ia Siơm, Chư Drăng.
Nhiệm vụ khôi phục phát triển kinh tế - xã hội của Đảng bộ huyện Krông Pa sau giải phóng đến năm 1985 trải qua hai thời kỳ, những năm chung huyện Ayun Pa và thời kỳ sau chia tách từ năm 1979, rất nặng nề do hậu quả của chiến tranh, đồng ruộng, nương rẫy hoang hóa, đa số nhân dân thiếu đói trầm trọng. Với tinh thần cách mạng tiến công, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức, được sự hỗ trợ của tỉnh, Trung ương và sự lãnh đạo của Đảng bộ, nỗ lực của nhân dân các dân tộc, huyện Krông Pa đã đứng vững và đi lên mạnh mẽ[63].
Huyện đã xác định ngay từ những năm đầu sau giải phóng phát triển theo hướng cơ cấu kinh tế: Nông- Lâm- Công nghiệp; đến những năm 1980 là: Nông - Lâm - Tiểu thủ công nghiệp. Từ đó nhanh chóng quy hoạch xây dựng các vùng chuyên canh, thâm canh tăng năng suất, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị phục vụ xuất khẩu. Từ năm 1983, trên địa bàn huyện Krông Pa không xảy ra nạn đói. Các ngành tài chính- ngân hành- thương nghiệp, giao thông thủy lợi, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao... có nhiều chuyển biến tích cực phục vụ sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện đời sống, chăm sóc sức khỏe nhân dân, đầu tư nhân lực, từ đó tạo điều kiện thúc đẩy các mặt công tác định canh, định cư, kinh tế mới, cải tạo quan hệ sản xuất đi lên vững chắc, góp phần ổn định an ninh chính trị, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng trong các tầng lớp nhân dân.
II-TĂNG CƯỜNG CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG - AN NINH VÀ TRUY QUÉT FULRO
Chiến thắng vang dội của quân và dân ta trong chiến dịch Tây Nguyên tháng 3-1975, làm cho lực lượng quân đoàn II ngụy tan rã, tháo chạy kéo theo sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn và các tổ chức phản động tay sai khác. Lực lượng quân đoàn II ngụy gồm hai trung đoàn thiết giáp, 8 tiểu đoàn pháo binh, công binh, bảo an, 5 liên đoàn biệt động... và lực lượng tại chỗ của tỉnh Phú Bổn có 4 tiểu đoàn bảo án, 67 trung đội nghĩa quân, dân vệ, hơn 5.500 tên phòng vệ dân sự. Ngoài ra còn hàng trăm tên FULRO, một tổ chức do  Pháp và Mỹ lập ra, dung dưỡng nhằm chống phá phong trào cách mạng, chia rẽ các dân tộc, tiếp tục được CIA sử dụng trong kế hoạch hậu chiến còn lẩn trốn ngoài rừng với mưu đồ chống lại chính quyền và nhân dân. Bọn đầu sỏ FULRO trốn lại ngay xung quanh quận lỵ Phú Túc, Cheo Reo, dọc đường quốc lộ số 7 từ ngã ba Mỹ Thạch đến thị trấn Phú Thiện. Chúng hình thành các khung tiểu đoàn hoạt động theo nhóm, móc nối với bọn xấu trong làng, đối tượng chưa chịu cải tạo, tổ chức cơ sở lôi kéo, khống chế cán bộ, du kích làm việc “hai mặt”. Đối tượng chúng nhằm vào xây dựng cơ sở gồm những tên từng đi lính địa phương, cảnh sát, viên chức chế độ Sài Gòn người dân tộc thiểu số. Ở Phú Túc, đa số lính cũ của đại đội 84 địa phương quân  tan rã tại chỗ quay lại tham gia lực lượng FULRO. Ở một số xã và vùng thị trấn, đối tượng xấu đội lốt Tin lành cấu kết móc nối với bọn FULRO hoạt động tuyên truyền chống chủ trương của Đảng, Nhà nước gây hoang mang trong quần chúng.
Truy quét tàn quân ngụy và bọn phản động FULRO kết hợp tuyên truyền vận động, giáo dục binh lính, viên chức chế độ cũ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền cách mạng huyện H2.  Cùng với việc cứu đói, cứu đau, ổn định đời sống nhân dân, từng bước củng cố chính quyền, khôi phục phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum cũng đã chỉ đạo các huyện trọng điểm như Ayun Pa, vùng đông tây Cheo Reo (H2, H37) cũ của tỉnh Đak Lak, kết hợp giữa ổn định phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường củng cố thực lực cách mạng, bảo đảm quốc  phòng an ninh, trong đó an ninh chính trị là nhiệm vụ hàng đầu. Trong năm 1975, ở H2 chính quyền cách mạng đã giáo dục cải tạo hàng trăm ngụy quân, ngụy quyền. Riêng việc giải quyết vấn đề FULRO, huyện xác định chủ trương phải lâu dài, triệt để với nhiều biện pháp vừa tuyên truyền vận động thuyết phục vừa kiên quyết trấn áp trên cả ba mặt chính trị, kinh tế, vũ trang; trọng tâm là tuyên truyền, vận động đồng bào kêu gọi con em lầm đường trở về, gắn với giải quyết vấn đề đời sống nhân dân, tiêu diệt bọn ngoan cố có nợ máu.
Khi thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương, tổ chức FULRO được CIA tập hợp, nuôi dưỡng làm đối trọng với chế độ Ngô Đình Diệm. Từ năm 1965- 1975, FULRO đã gây ra nhiều vụ bạo loạn bắn giết dã man ở Phú Thiện (Cheo Reo) và Buôn Ma Thuột. Sau năm 1975, cùng với tàn quân người dân tộc địa phương, FULRO thu gom, chôn giấu vũ khí, chiếm cứ một số vùng, đòi chia sẻ quyền lực với chính quyền cách mạng. FULRO trước sau vẫn trở lại bản chất của một nhóm chính trị phản động cực đoan người dân tộc thiểu số do đế quốc giật dây và có nhiều nợ máu với nhân dân.
Quán triệt tinh thần Chỉ thị 04 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, tháng 2-1977, Tỉnh ủy Gia Lai - Kon Tum thành lập Ban 04 làm tham mưu chỉ đạo công tác phát động quần chúng giải quyết vấn đề FULRO. Huyện Ayun Pa cũng đã nhanh chóng thành lập Ban 04 do đồng chí Vũ Xuân Mân làm Trưởng ban, thành phần có lực lượng công an, quân đội, các đoàn thể. Các xã thành lập Ban 03.
Từ tháng 7-1975, FULRO bắt đầu hoạt động chống phá quyết liệt. Chúng chia thành từng nhóm nhỏ trong rừng, bám các làng, trục đường quốc lộ, móc nối với đối tượng xấu xây dựng cơ sở trong dân. Mục tiêu tấn công, bắn giết của FULRO nhằm vào trụ sở xã, trường học, cơ sở sản xuất, cán bộ, bộ đội, công an, giáo viên... cướp phá tài sản, gây hoang mang trong nhân dân.
Ngày 21-08-1975, chúng phục kích bắn chết đồng chí Bleh cán bộ huyện đoàn tại khu vực khai hoang Mai Lĩnh, chặn đánh xe trên đường số 7. Sau đó chúng nhiều lần đánh vào trụ sở các xã Chư Athai; xã Ia Piar (nay là huyện Phú Thiện), Ama Rơn (nay là huyện Ia Pa), Ia Rsai (huyện Krông Pa). Lực lượng FULRO trên địa bàn Ayun Pa, cả vùng H2 cũ lên đến hàng trăm tên, có khung cấp tỉnh gọi là GR, có các toán “tâm lý chiến”, “du kích chiến”. FULRO dùng nhiều thủ đoạn tuyên truyền chống chủ trương hợp tác hóa của Đảng, Nhà nước, chia rẽ đoàn kết Kinh - Thượng, xúi giục đồng bào cúng Yang, góp lương thực tiếp tế cho chúng... ai không nghe thì Yang phạt, ma bắt chết. Do chưa được tuyên truyền giác ngộ và bị địch o ép khống chế, một bộ phận quần chúng người dân tộc thiểu số bị địch lừa phỉnh, tiếp tay nuôi giấu chúng. Năm 1978-1979, FULRO tuyên truyền thực hiện “Chiến dịch tổng động viên” lôi kéo thanh niên ra rừng nhưng thất bại.
Giữa tháng 7-1975, theo chỉ đạo của Tỉnh ủy Đak Lak, Gia Lai, lực lượng của Quân khu V và B3 cùng bộ đội địa phương hai tỉnh và huyện Cheo Reo, tập trung truy quét, đồng thời tăng cường cán bộ dân vận, đưa các đội công tác xuống các buôn làng, phát động quần chúng xây dựng tổ chức cơ sở, giáo dục vận động các gia đình có con em lầm lạc trở về làm ăn, hưởng sự khoan hồng của chính quyền cách mạng. Mặt khác ta chủ trương tập trung lực lượng ở những vùng FULRO hoạt động mạnh, như Chư Athai, Ia Piar, Ia Rsai, Phú Cần, Ia Rmok để truy quét bọn ngoan cố, bảo vệ cán bộ và nhân dân.
Trên địa bàn huyện H2, FULRO hoạt động ở xung quanh thị trấn Phú Túc, các xã dọc đường quốc lộ 7, vùng nam sông Ba, khi bị truy quét chúng phân tán sang địa bàn Đak Lak hoặc phía tây Ayun Pa. Phương thức hoạt động của địch lén lút, đột nhập khống chế, cướp bóc lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, tài sản quý, lôi kéo thanh niên ra rừng. Khi bị truy đánh, chúng sẵn sàng trả thù, bắn giết cán bộ, nhân dân.
Ngày 16-05-1980, một toán FULRO, 6 tên trang bị 5 súng AR15 và M79 đột nhập buôn Phùm xã Ia Rsai tuyên truyền xuyên tạc chủ trương hợp tác hóa, làm ăn tập thể, kêu gọi ủng hộ FULRO, bắt dân cắn súng ba lần thề không khai báo. Địch bắt người dẫn đường đến từng nhà đồng bào đe dọa sau đó cướp đi 53 kg gạo, 21 bộ quần áo, 8 ba lô, mền đắp, 1.950 viên thuốc sốt rét, 125 lọ thuốc kháng sinh và một số vật dụng dép, mũ, ấm nấu nước, tăng đi mưa, bắt 4 thanh niên trong làng dẫn đường đi Ayun Pa để vào Đak Lak. Toán FULRO trên từ Khánh Dương (Đak Lak) dạt sang Krông Pa và bị phục kích truy quét liên tục từ ngày 26-4-1980 ở các xã Krông Năng, Ia Rmok, Chư Drăng. Sau vụ việc trên, huyện chỉ đạo tập trung phát động quần chúng, đấu tranh bóc gỡ cơ sở ngầm, lập kế hoạch hỗ trợ cho dân lương thực và giống để sản xuất. Tăng cường một đội công tác xuống xã Ia Rsai, củng cố lại đội ngũ cán bộ xã, trang bị súng cho lực lượng du kích nòng cốt. Ở các xã nam sông Ba và dọc đường 7, FULRO thường lén lút xuất hiện, đột nhập, cướp phá, đe dọa gây hoang mang trong cán bộ, nhân dân.
Qua thực tiễn lãnh đạo nhân dân kháng chiến chống thực dân, đế quốc và đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO sau năm 1975 ở huyện và theo quan điểm chủ trương của Đảng, Nhà nước, Đảng bộ Krông Pa nhận thức rõ những khó khăn, phức tạp trong vấn đề chống FULRO, đảm bảo an ninh chính trị ở địa phương. Theo quan điểm, chủ trương của Đảng bộ Krông Pa đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO thực chất là quá trình củng cố, xây dựng toàn diện các vùng dân tộc thiểu số mà nội dung cơ bản là phát triển kinh tế - xã hội, gắn với việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, nhà nước. Các cấp ủy Đảng thường xuyên chỉ đạo kết hợp tuyên truyền, giáo dục đi đôi với tổ chức sản xuất, ổn định đời sống gia đình đối tượng binh lính, sỹ quan FULRO cũ... tạo điều kiện cho nhiều người được hưởng khoan hồng. Phương pháp thích hợp là cán bộ vừa gần gũi tuyên truyền vận động vừa hướng dẫn sản xuất, hỗ trợ vốn, giống, lương thực, giúp đối tượng có điều kiện làm ăn, ổn định đời sống. Đồng thời qua phát động quần chúng, vạch mặt bọn đầu sỏ và âm mưu đen tối chống lại nhân dân và chế độ của tổ chức FULRO. Tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc tọa đàm với các đối tượng già làng, trí thức người dân tộc thiểu số, sỹ quan, binh lính và đối tượng FULRO đã trở về làm ăn. Các đội công tác vận động quần chúng, lực lượng an ninh, bộ đội tăng cường bám dân xây dựng cơ sở cốt cán trong các làng và trong nội bộ FULRO. Nhiều đối tượng và cơ sở FULRO sau khi bị bắt, đầu thú, được tuyên truyền giáo dục đưa trở lại đã tuyên truyền, vận động được đồng bọn lầm đường trở về làm ăn sinh sống. Phương pháp hiệu quả là vừa giáo dục, vận động cảm hóa bọn ngoan cố, kêu gọi những người lầm đường trở về của gia đình và các đoàn thể vừa với đấu tranh vũ trang truy quét bọn hung ác có nợ máu.
Để giải quyết dứt điểm FULRO theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy Gia Lai- Kon Tum ngày 05-05-1983 và  kiểm điểm thực hiện Chỉ thị 04 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, ngày 22-05-1983, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pa lần thứ 10 (khóa VIII) đã họp ra Nghị quyết về chương trình thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về giải quyết dứt điểm FULRO và mục tiêu kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo. Hội nghị đã đánh giá tình hình giải quyết FULRO những năm qua ở huyện, các mối quan hệ xã hội địch thường sử dụng trong hoạt động, tình hình lực lượng và địa bàn chúng thường gây rối đánh phá... Ban Chấp hành đã nêu nhiệm vụ, giải pháp chủ động giải quyết dứt điểm FULRO trên địa bàn là:
- Xác định địa bàn và phạm vi hoạt động của địch chủ yếu thuộc vùng nam sông Ba, trọng điểm gồm các xã Ia Rmok, Krông Năng, Chư Drăng và Phú Cần ven thị trấn. Tổ chức các đội công tác của Ban 03 bám địa bàn xã trọng điểm do đồng chí Thường vụ Huyện ủy phụ trách; triển khai các kế hoạch với nhiệm vụ làm trong sạch địa bàn vừa phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời giáo dục thuyết phục quần chúng, xây dựng lực lượng bóc gỡ cơ sở ngầm của địch.
- Kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng, củng cố an ninh quốc phòng, hình thành các cụm kinh tế - xã hội dọc đường quốc lộ 25 từ đèo Tô Na đến Kà Lúi trên cơ sở đưa dân kinh tế mới đến định cư ở Uôr, Ia Rsai, để bảo vệ hành lang giao thông.
- Xây dựng tuyến giao thông từ Phú Túc đi Ia Rmok -Krông Năng dài 16 km; Ơi Nu đi Uôr dài 12 km; xây dựng bến phà qua sông Ba vừa khai thác tiềm năng của vùng nam sông vừa đảm bảo triển khai nhanh lực lượng.
- Hình thành hệ thống chốt điểm của lực lượng công an, bộ đội, dân quân từ đèo Tô Na đến đầu suối Uôr, buôn Pan xã Krông Năng. Tổ chức các đợt truy quét ngoài rừng bao vây, cô lập tiêu diệt bọn đầu sỏ.
Hội nghị đã nêu các biện pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ với mục tiêu chung giải quyết dứt điểm FULRO trên địa bàn vào quý II/1986. Trước hết cần tập trung lãnh đạo làm tốt công tác chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân dân về quan điểm, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Chi bộ đảng, đảng bộ cơ sở phải quán triệt đến từng cán bộ, đảng viên, chiến sỹ và quần chúng nhận thức rõ nhiệm vụ nóng bỏng trước mắt phải kiên quyết loại trừ FULRO. Phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng như thanh niên, phụ nữ, nông dân tập thể... kiên trì giáo dục, vận động đối tượng liên quan với FULRO. Xây dựng củng cố đoàn kết nội bộ nhân dân ở thôn buôn, đoàn kết Kinh - Thượng, cảnh giác phát hiện địch báo cho chính quyền và lực lượng vũ trang truy quét; không để con em chạy ra rừng theo FULRO, không tiếp tế lương thực, đồ dùng, tự nguyện kêu gọi chồng, con, người thân trở về đoàn tụ làm ăn, phát triển sản xuất, xây dựng đời sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Thường xuyên tổng kết đánh giá các hoạt động của Đảng, chính quyền, đoàn thể, rút kinh nghiệm ưu, khuyết điểm trong chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết của cấp ủy về vấn đề giải quyết FULRO.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pa cũng xác định rõ những giải pháp lớn trong xây dựng thực lực nhằm làm trong sạch địa bàn. Các cấp ủy Đảng tập trung đào tạo bồi dưỡng cán bộ tại chỗ đủ uy tín, năng lực lãnh đạo, thực hiện Nghị quyết của Đảng. Trưởng công an, xã đội trưởng phải là đảng viên. Xóa thôn buôn trắng đảng viên, đồng thời phải có các đoàn thể, nhất là chi đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh vững mạnh làm chỗ dựa. Phân công cán bộ huyện, xã bám cơ sở, bám đối tượng và bám phong trào. Xây dựng lực lượng vũ trang đủ sức cơ động phục vụ và chiến đấu tại chỗ. Xây dựng cơ sở mật, nhằm phát hiện kịp thời các hoạt động của địch. Đảm bảo quân số dân quân tự vệ, lấy lực lượng đảng viên trẻ và đoàn viên thanh niên làm nòng cốt trong phong trào bảo vệ an ninh và phát triển kinh tế - xã hội ở thôn buôn. Bí thư chi bộ, đảng bộ cơ sở trực tiếp tổ chức quản lý giáo dục, sử dụng lực lượng dân quân tự vệ, đảm bảo quân số, trang bị vũ khí, sức cơ động sẵn sàng chiến đấu trên địa bàn. Toàn dân có trách nhiệm nuôi dưỡng lực lượng dân quân, đảm bảo 100% quân số được huấn luyện thường xuyên. Về kinh tế - xã hội, huyện xác định phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trước mắt cũng như lâu dài. Đảm bảo hoàn thành định canh, định cư, bình quân đất sản xuất 0,7 ha/lao động, trên cơ sở khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động. Phát động phong trào thi đua sôi nổi giữa các buôn, các đoàn thể trên cơ sở tinh thần tự lực cánh sinh, không trông chờ ỷ lại, quyết tâm đạt các chỉ tiêu kinh tế - văn hóa xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc địa phương, xây dựng thực lực chính quyền vững mạnh, đạt mục tiêu giải quyết dứt điểm FULRO trên địa bàn huyện.
Về tác chiến đánh địch, ngày 11-8-1979, lực lượng vũ trang của huyện phối hợp với dân quân đánh vào khu vực núi Chư Kuk, diệt một toán FULRO, thu tài liệu. Tháng 08-1984, lực lượng vũ trang huyện Krông Pa phối hợp với lực lượng Ayun Pa đánh địch ở vùng buôn Hoang - suối Ia Hreh, diệt một tên đầu sỏ người buôn Dúi xã Ia Rmok, phá âm mưu móc cơ sở của địch.
 Ngày 22-12-1985, được quần chúng giúp đỡ, ta bao vây một toán FULRO tại vùng Chư Hrăh, dùng cơ sở nội tuyến nhử địch chuyển lực lượng sang nam sông Ba. Vào lúc 16h, ngày 25-12-1985, lực lượng Công an huyện và Huyện đội phối hợp phục kích đánh địch đang trú tại hố nước gần sông Ba diệt ba tên, trong đó có hai tên FULRO có nhiều nợ máu là Ama Nhé (là trung tá, thuộc Tổng nha chiến lược “CCF”) và Rơmah Nót (là đại uý, chỉ huy trưởng ZG.26), bắt sống một tên, thu 3 súng AR15, một khẩu cối cá nhân M79. Ngay sau đó, huyện tổ chức phát động quần chúng ở xã Phú Cần và các xã nam sông Ba, tạo điều kiện củng cố Đảng, chính quyền, đoàn thể cơ sở, giúp quần chúng thấy bản chất phản động của FULRO, tin tưởng vào chính quyền, yên tâm làm ăn.
Đầu năm 1986, Công an tỉnh tổ chức đánh địch một số trận ở Ayun Pa, Chư Sê... làm tan rã ZG.26[64], từ đó huyện Krông Pa cơ bản giải quyết vấn đề hoạt động vũ trang của FULRO.
Cũng trong năm 1986, trước những thắng lợi áp đảo của ta, những tên FULRO còn lại hết sức hoang mang, lo sợ. Được sự tuyên truyền, vận động của Đảng, chính quyền, các đoàn thể và sự động viên của người thân trong gia đình, 7 tên đã lần lượt đã ra hàng, 16 tên tự về buôn làng đầu thú. Phát huy những thắng lợi đã đạt được, các cấp uỷ, chính quyền quyết định tổ chức phát động quần chúng, động viên mọi người tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc và tố giác các cơ sở ngầm của bọn FULRO. Chỉ trong thời gian ngắn, ta đã tổ chức hàng trăm cuộc phát động quần chúng, bóc gỡ  được 102 cơ sở ngầm, trong đó có  17 cơ sở được trung ương FULRO cấp giấy chứng nhận, phá 2 khung chính quyền ngầm ở các buôn làng.
Công tác đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO những năm sau giải phóng của huyện Krông Pa là cuộc đấu tranh khó khăn, ác liệt mà thực chất là đấu tranh giành và giữ dân, loại trừ tổ chức FULRO ra khỏi đời sống xã hội. Cuộc đấu tranh đó để lại những kinh nghiệm xương máu đối với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, lực lượng vũ trang huyện Krông Pa. Cần chỉ đạo tổ chức phát động tuyên truyền giáo dục quần chúng hiểu rõ bản chất phản động chống chính quyền, chia rẽ đoàn kết các dân tộc của FULRO. Xây dựng cơ sở bên trong các buôn làng, xây dựng thực lực cách mạng ở xã, buôn, nắm được dân, từ đó có phương án đánh địch hiệu quả. Dựa vào lực lượng tầng lớp trên như già làng, người có uy tín... để vận động quần chúng thực hiện chính sách của Đảng, nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng mối đoàn kết giữa đồng bào Kinh và đồng bào dân tộc địa phương. Cán bộ, lực lượng vũ trang làm công tác vận động quần chúng giải quyết vấn đề FULRO cần khéo léo, gần gũi, tuyên truyền riêng biệt đối tượng, tạo uy tín, niềm tin cho quần chúng, từ đó mới xây dựng được cơ sở nội tuyến đánh địch.
Từ cuối năm 1986, tình hình an ninh chính trị cơ bản ổn định. Tuy nhiên, do tính chất nhạy cảm của vấn đề dân tộc, tôn giáo, Đảng bộ huyện Krông Pa nhận thức rõ cần thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc nêu cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn chia rẽ dân tộc, tôn giáo, khôi phục FULRO để chống lại sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, phá hoại cuộc sống yên lành của đồng bào các dân tộc địa phương, tập trung mọi nỗ lực xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng, bảo vệ thành quả cách mạng xã hội chủ nghĩa.
III- CHĂM LO XÂY DỰNG ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN, MẶT TRẬN, ĐOÀN THỂ
Sau ngày giải phóng quê hương 18-03-1975, quân và dân các dân tộc H2 (Krông Pa) bước vào thời kỳ mới hòa bình độc lập, thống nhất, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, các dân tộc được tự do, bình đẳng.
Thời kỳ cách mạng mới đòi hỏi Đảng bộ có nhận thức, năng lực lãnh đạo phù hợp với nhiệm vụ khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh - quốc phòng. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội nhằm biến đổi sâu sắc toàn diện đời sống xã hội, đó là sự nghiệp của quần chúng. Người đảng viên trong giai đoạn cách mạng mới đòi hỏi phải có năng lực lãnh đạo, trình độ quản lý xã hội, quản lý kinh tế, kiến thức an ninh - quốc phòng.
Tháng 07-1975, huyện Sông Ba (H2) sáp nhập với H37 (thuộc tỉnh Đak Lak) thành huyện Cheo Reo. Là một vùng căn cứ cách mạng, tập trung nhiều cán bộ đảng viên, quần chúng cả người Kinh và người dân tộc địa phương, đa số đã trưởng thành qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có bản lĩnh chính trị, kiên cường trong đấu tranh cách mạng nhưng còn rất mới mẻ trong môi trường lãnh đạo quản lý xã hội, phát triển kinh tế. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, quần chúng tích cực trong chiến tranh có biểu hiện lạc quan, hòa bình chủ nghĩa, muốn nghỉ ngơi hoặc tư tưởng công thần, địa vị. Những tư tưởng lệch lạc đó đều nguy hại cho sức chiến đấu của Đảng bộ trong thời kỳ mới, lãnh đạo khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng đầy những khó khăn, thử thách. Về quần chúng các dân tộc huyện H2, phần đông sống trong vùng tạm chiếm nhiều năm, bị địch khủng bố, khống chế, lừa phỉnh, nhiều gia đình có người dính líu với chế độ cũ, các tổ chức phản động, nhất là FULRO nên có thái độ dè dặt với chính quyền cách mạng. Trước diễn biến tình hình tư tưởng của cán bộ, nhân dân, Đảng bộ chủ trương: phát huy truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng kiên cường, tinh thần đoàn kết dân tộc, vai trò lãnh đạo của từng đảng viên, các tổ chức Đảng, kiên trì tuyên truyền vận động quần chúng, vượt lên mọi khó khăn thử thách, vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, đẩy mạnh phong trào quần chúng khai hoang, làm thủy lợi, sản xuất tự túc lương thực. Xây dựng, củng cố Đảng, chính quyền, các đoàn thể các cấp đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ khôi phục phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh chính trị địa phương.
Trong công tác xây dựng Đảng, đoàn thể: trước hết đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân theo tinh thần quan điểm, chủ trương của Nghị quyết 24 Trung ương Đảng và Nghị quyết 5 Tỉnh ủy Gia Lai- Kon Tum. Qua nghiên cứu học tập các Nghị quyết của Đảng làm cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ bước chuyển giai đoạn từ cách mạng dân tộc dân chủ sang cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi cán bộ đảng viên, nhân dân hiểu rõ thực trạng đất nước. Sau chiến tranh, chủ trương khôi phục phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng của Đảng, Nhà nước. Tổ chức cho cán bộ, nhân dân học tập, tham gia thảo luận kế hoạch năm năm phát triển kinh tế - xã hội của huyện (1975-1980). Đối với từng đảng viên qua học tập Nghị quyết của Đảng gắn với liên hệ tự phê bình và phê bình trong nhận thức vận dụng đường lối của Đảng trong xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, nêu cao ý thức vai trò lãnh đạo, tính kỷ luật của người đảng viên.
Từ tháng 4 đến tháng 6-1975, sau thời kỳ Ủy ban quân quản, các xã của huyện Sông Ba (H2) đều tổ chức Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời. Tất cả các xã đều có chi bộ, Chủ tịch xã phải là đảng viên, tổ chức Ban chỉ huy xã hội, phân công cán bộ phụ trách an ninh. Hai chức danh chủ chốt Bí thư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã được huyện tăng cường. Các đoàn thể chính trị được nhanh chóng hình thành tập hợp, lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ trước mắt của Đảng và chính quyền. Bước sang năm 1976, các đoàn thể các cấp tiến hành Đại hội, tập huấn cán bộ, vận động đoàn viên tham gia các phong trào sản xuất, xây dựng các Điều lệ hội, hợp tác xã, phát triển hội viên.
Tháng 7- 1976, Đại hội Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện có 100 đại biểu, đại diện cho hàng ngàn đoàn viên thanh niên đang lao động, học tập và chiến đấu trên mặt trận nóng bỏng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua công tác giáo dục chính trị tư tưởng và công tác củng cố tổ chức, huyện đã lựa chọn, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ. Các đồng chí lớn tuổi, sức khỏe, năng lực hạn chế không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới được bố trí  công tác phù hợp, bổ sung các đồng chí có năng lực, nhiệt tình và trình độ học vấn, giữ các chức vụ chủ chốt của Đảng, chính quyền, đoàn thể. Mặc dù thiếu cán bộ, huyện đã nhanh chóng cử hàng chục đồng chí về tỉnh bồi dưỡng để nâng cao trình độ học vấn,  lý luận, chuyên môn quản lý kinh tế, hành chính; cử 4 đồng chí về Trung ương dự các lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn. Tổ chức hai lớp học quan điểm đường lối của Đảng trong tình hình mới và bồi dưỡng lý luận sơ cấp cho 200 cán bộ của huyện. Nhằm huy động lực lượng cán bộ tiếp tục công tác phục vụ cho Đảng, Huyện ủy chỉ đạo thẩm tra lý lịch của các đồng chí cán bộ, đảng viên bị địch bắt giam từ năm 1957 đến trước ngày 30- 04-1975. Đã kết luận và cho ý kiến tiếp tục sinh hoạt Đng, đoàn thể nhiều đồng chí.
Cuối năm 1975, huyện tổ chức bầu cử Hội đồng nhân dân xã, thị trấn. Ngày 25-04-1976, Đảng bộ và chính quyền, đoàn thể lãnh đạo các tầng lớp nhân dân bầu cử Quốc hội khóa VI của cả nước và đầu năm 1977 bầu cử Hội đồng nhân dân hai cấp huyện, tỉnh. Với ý thức xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp vững mạnh, được sự lãnh đạo của Đảng, các cử tri trong huyện đã nô nức đi bầu cử thực hiện quyền dân chủ của mình, biến ngày bầu cử trở thành ngày hội của toàn dân. Kết quả có hơn 98% cử tri đi bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân xã, huyện, nhiều xã đạt tỷ lệ 100%. Thông qua bầu cử Hội đồng nhân dân huyện, xã và các đoàn thể xã, thôn, buôn. Rà soát lại đội ngũ cán bộ về phẩm chất, năng lực, lịch sử chính trị, đưa cán bộ trẻ có năng lực người địa phương vào bộ máy Đảng, chính quyền cơ sở, chú ý cán bộ là đảng viên vào các chức danh chủ chốt, cán bộ có trình độ quản lý kinh tế, chuyên môn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khôi phục kinh tế - xã hội. Kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những đối tượng tiêu cực, bất mãn, giảm sút ý chí chiến đấu, thoái hóa biến chất, bị bọn phản động FULRO khống chế o ép. Xây dựng củng cố lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích, tự vệ cơ quan, đơn vị vững mạnh nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ, chính quyền và đồng bào, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội ở cơ sở. Đồng thời phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân.
Sau khi chia tách từ huyện Ayun Pa, tái thành lập huyện  Krông Pa (23-04-1979), qua Đại hội Đảng các cấp, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể được đẩy mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, phát triển đảng viên, hội viên nhằm thực hiện Nghị quyết của Đảng, đưa huyện nhà bước vào thời kỳ mới khôi phục, phát triển kinh tế- xã hội. Trong tình hình Đảng bộ huyện mới lập lại, kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, bức xúc, nạn đói vẫn là nguy cơ đe dọa cuộc sống của đồng bào các dân tộc, huyện ủy chủ trương thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức các đợt sinh hoạt chính trị, học tập Nghị quyết của Đảng, Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước giúp cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ những thuận lợi, khó khăn của cả nước, của tỉnh và địa phương, những nhiệm vụ, giải pháp của cấp ủy, chính quyền thực hiện kế hoạch năm năm phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng- an ninh 1980-1985. Đồng thời phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu quê hương đất nước, yêu lao động, tính tổ chức kỷ luật, trách nhiệm trong công việc được Đảng, Nhà nước giao, khắc phục những mặt tiêu cực, tự ti, ỷ lại, góp phần tích cực giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức thực hiện Chỉ thị 72, kết hợp với kiện toàn và xây dựng, củng cố Đảng, chính quyền, đoàn thể. Huyện đã tiến hành phân loại phát thẻ đảng viên cho 199/218 đồng chí (19 đồng chí còn lại do hạn chế về sức khỏe, năng lực, phẩm chất). Huyện ủy chỉ đạo các đoàn thể Đại hội bầu Ban Chấp hành chính thức, tạo khí thế mới trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Qua Đại hội và củng cố tổ chức đã bầu được 70 thành viên Ban Chấp hành, trong đó Mặt trận 25, thanh niên 17, phụ nữ 17... và hình thành 180 đoàn, tổ, hội cơ sở.
Quán triệt tinh thần Chỉ thị 228 và 159 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, huyện thành lập Ban 79 theo dõi giúp cấp ủy giải quyết các vấn đề phát sinh tiêu cực trong nội bộ và ngoài xã hội. Tổ chức nhiều đợt học tập, tuyên truyền giáo dục, phát huy vai trò lãnh đạo, tinh thần làm chủ của cán bộ, đảng viên, công nhân viên, động viên tinh thần yêu nước, hăng say lao động, chống các biểu hiện tiêu cực tham ô, móc ngoặc, cửa quyền, lãng phí, cầu an, thiếu tinh thần trách nhiệm, bảo thủ ngại khó. Cùng với các biện pháp kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, huyện đặc biệt quan tâm, chỉ đạo giải quyết các chế độ chính sách như: chính sách hậu phương quân đội, khen thưởng, đề bạt, kỷ luật, đồng thời giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong nội bộ và quần chúng. Trong hai năm 1979- 1980 đã khởi tố điều tra xét xử các vụ án liên quan đến cán bộ, công nhân viên làm mất 30 tấn lương thực, 4 tấn phân đạm, thuốc tây, vải... ở các đơn vị, công ty của huyện, tạo niềm tin của cán bộ, nhân dân vào sự lãnh đạo, quản lý của chính quyền. Tuy cùng lúc phải giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của một huyện mới nhưng Đảng bộ Krông Pa đã đặt yêu cầu chỉ đạo sớm ổn định tổ chức, cuối năm 1980 đã hình thành 15 ban của chính quyền và các ban đảng,  các hội, đoàn. Xây dựng quy chế, chức năng, mối quan hệ công tác của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở xã, từng bước tự giải quyết các công việc của địa phương cơ sở, đề ra chương trình công tác và phương hướng nhiệm vụ của nhiệm kỳ.
Về Đảng, chính quyền vững mạnh toàn diện hai năm 1979-1980 có ba xã: Ia Rsai, Đất Bằng, Chư Drăng, hai xã khá là Ia Rmok và Krông Năng, xã còn nhiều mặt yếu là Ia HDreh . Năm 1980, Đảng bộ huyện kết nạp được 13 đảng viên, trong đó có một đồng chí nữ, đưa ra khỏi Đảng 13 đồng chí do năng lực, trình độ, sức khỏe hạn chế, suy thoái đạo đức lối sống, không phát huy được tác dụng. Cử hơn 100 cán bộ, đảng viên các phòng ban của huyện, xã dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn ở huyện, tỉnh, một số đồng chí được đưa đào tạo ở Trung ương.
Trong những năm 1982-1983, Đảng bộ huyện tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế- xã hội, khai hoang, làm thủy lợi, định canh, định cư... một trong những mặt công tác cấp bách là công tác tư tưởng. Tập trung tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ và các tầng lớp nhân dân hiểu và quán triệt tinh thần tự lực cánh sinh, dựa vào khả năng đất đai, lao động, kỹ thuật của mình là chính trong hoàn cảnh ở xa tỉnh lỵ, đi lại, thông tin liên lạc cản trở, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất lạc hậu, đời sống nhân dân thiếu thốn lạc hậu. Từ nhận thức và tư tưởng đó, huyện đã dấy lên nhiều phong trào hành động cách mạng của cán bộ, quần chúng thi đua lao động sản xuất, khai hoang, xây dựng cánh đồng, định canh, định cư, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đảm bảo lương thực tại chỗ và nông sản xuất khẩu, tạo niềm tin thắng lợi vào sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành ngày 12-01-1983, Đảng bộ huyện ra Nghị quyết về phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo và lề lối làm việc, đảm bảo chế độ sinh hoạt theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, nâng cao trách nhiệm cá nhân, đưa hoạt động của hệ thống bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể đi vào nề nếp. Sắp xếp ổn định đội ngũ cán bộ, từng bước thực hiện 4 chế độ: Chế độ trách nhiệm; Chế độ kỷ luật; Chế độ bảo vệ của công; Chế độ phục vụ nhân dân. Trên tinh thần các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh và Huyện ủy, Ban Thường vụ huyện trong các phiên họp thường kỳ hàng tháng bên cạnh chỉ đạo giải quyết công việc sản xuất, đời sống an ninh chính trị, luôn chú trọng chỉ đạo, xử lý các công tác xây dựng, củng cố đảng, chính quyền, đoàn thể về nhân sự, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật, công tác phát triển đảng viên... Với nhận thức, quan điểm đúng đắn và sâu sát trong chỉ đạo tổ chức, thực hiện, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể của Đảng bộ Krông Pa năm 1984 có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, đi vào nề nếp, phân định rõ chức trách của cá nhân, tổ chức trong lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể. Xây dựng khối đoàn thống nhất trong nội bộ và ngoài xã hội. Các hình thức giáo dục giác ngộ cho cán bộ đảng viên được áp dụng nhằm giữ vững, phát huy vai trò tiền phong của người đảng viên cộng sản như họp giao ban, lãnh đạo, Hội nghị cơ quan, chi bộ, giáo dục cá biệt. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình. Xây dựng chương trình kế hoạch lãnh đạo có kiểm tra và có mức phấn đấu cụ thể. Nghiêm khắc xử lý kỷ luật đối với những đảng viên thoái hóa biến chất có sai phạm nghiêm trọng. Số lượng đảng viên của huyện tăng nhanh. Năm 1983 có 224 đồng chí, năm 1984 tăng lên 361 đồng chí với 23 tổ chức cơ sở đảng. Trong tổng số đảng viên có 175 đồng chí người dân tộc, 27 đảng viên nữ, 83 đảng viên kinh tế mới Thái Bình vào. Nhiều đảng viên gương mẫu, tận tụy công tác, được quần chúng tin yêu mến phục. Toàn huyện có 37/75 buôn có đảng viên chiếm 46%. Năm 1984 kết nạp được 29 đồng chí đảng viên, có 13 đồng chí người Jrai. Các ban ngành của huyện thường xuyên bám làng, xã, phối hợp với cán bộ tăng cường của huyện giúp đỡ chính quyền cơ sở tổ chức sắp xếp bộ máy, triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, cải thiện đời sống nhân dân. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được Đảng bộ quan tâm chỉ đạo nhằm đảm bảo sử dụng tốt nguồn cán bộ địa phương phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế, quản lý nhà nước, đặc biệt của cán bộ kỹ thuật nông nghiệp, cán bộ hợp tác xã... Trong năm 1984, huyện đã đào tạo tại chỗ 148 cán bộ tập đoàn sản xuất và hợp tác xã, trong đó có 136 cán bộ tập đoàn sản xuất, 12 cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp. Ngành giáo dục đào tạo tại chỗ 50 giáo viên cấp I, đồng thời xử lý 12 trường hợp cán bộ có vi phạm.
Nhìn chung, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể của huyện Krông Pa từ năm 1980 đến năm 1985 có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về chính trị, tư tưởng, tổ chức và nề nếp sinh hoạt đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ xây dựng huyện giàu về kinh tế, vững mạnh về an ninh quốc phòng. Đến năm 1985, Đảng bộ Krông Pa có 431 đồng chí đảng viên, với 26 tổ chức cơ sở Đảng, qua phân loại đảng viên cuối năm, trong đó có 409 đồng chí đủ tư cách đạt trên 92%. Trong 26 tổ chức cơ sở Đảng phân loại có 9 chi bộ Đảng bộ trong sạch vững mạnh, 14 cơ sở xếp loại khá và 3 cơ sở còn yếu kém. Toàn huyện có 1.052 cán bộ viên chức, trong đó tỉnh tăng cường 18 đồng chí, tỉnh Thái Bình tăng cường 22 đồng chí, còn lại là cán bộ tại chỗ trưởng thành trong kháng chiến và thời kỳ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội sau năm 1975. Mặc dù còn nhiều khó khăn, chỉ đạo nhiều mặt công tác, nhưng Đảng bộ luôn quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, cán bộ khoa học kỹ thuật, chuyên môn nghiệp vụ, hai năm 1984 - 1985 đưa 32 đồng chí đi đào tạo, bồi dưỡng ở tỉnh và Trung ương nhằm đảm bảo tiêu chuẩn nguồn cán bộ quy hoạch.
Mười năm sau giải phóng (1975- 1985) với nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Krông Pa đã đạt được những thành tựu to lớn, làm thay đổi mọi mặt đời sống xã hội, giữ vững an ninh chính trị, tăng cường củng cố an ninh quốc phòng. Từ một địa bàn dân cư đa số là đồng bào dân tộc Jrai, trải qua ba mươi năm chiến tranh ác liệt chống Pháp, Mỹ, kinh tế kiệt quệ, đồng ruộng hoang hóa, nạn đói đau, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, hơn 90% dân số mù chữ, năm 1985 đã cơ bản giải quyết được vấn đề lương thực tại chỗ, một phần làm nghĩa vụ với nhà nước. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được xây dựng đảm bảo thông tin liên lạc, đi lại của, cán bộ, nhân dân. Huyện đã xác định rõ cơ cấu kinh tế, quy hoạch các vùng chuyên canh cây lương thực, hoa màu, cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu. Cơ bản hoàn thành định canh, định cư, tổ chức sản xuất và phân bố lại dân cư theo địa bàn. Trình độ nhận thức về chính trị, chuyên môn và quản lý của cán bộ, đảng viên của Đảng bộ được nâng lên; niềm tin của nhân dân các dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng trực tiếp là Đảng bộ huyện được củng cố. Những kết quả đạt được mười năm 1975 – 1985, có ý nghĩa lịch sử, ghi nhận sự trưởng thành của Đảng bộ huyện Krông Pa trong giai đoạn cách mạng mới đầy khó khăn thử thách, đồng thời đặt cơ sở cho thời kỳ đổi mới toàn diện xây dựng phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương của Đảng.

 
Chương sáu
PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI, CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG - AN NINH THEO ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG (1986-1995)
 
 
I- BƯỚC ĐẦU THỰC HIỆN ĐỔI MỚI
Đại hội lần thứ VI của Đảng với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, nhằm từng bước đưa đất nước ta thoát khỏi khủng hoảng. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa đã bước sang giai đoạn mới.
Trên cơ sở nghiên cứu các quan điểm đổi mới của Đảng và đánh giá tình hình thực tiễn địa phương, Đại hội Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum lần thứ IX đã đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh giai đoạn 1986-1995:
Ổn định và phát triển sản xuất nông, lâm, công nghiệp, trước hết là phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện. Đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm và phát triển cây công nghiệp, nhằm tăng nhanh tốc độ sản xuất hàng hóa, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang.
Hoàn thành định canh, định cư cho đồng bào dân tộc tại chỗ, gắn với tiếp nhận dân kinh tế mới. Đến năm 1990, đưa các hộ nông dân vào làm ăn tập thể, dưới hình thức và bước đi thích hợp. Củng cố và tăng cường kinh tế quốc doanh và tập thể, giữ vững vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, coi trọng phát triển kinh tế hộ gia đình, sử dụng có hiệu quả các thành phần kinh tế khác.
Phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, xây dựng nếp sống văn hóa mới, con người mới Xã hội chủ nghĩa. Tạo bước chuyển biến đáng kể về mặt xã hội, bảo đảm cho người lao động có việc làm và được phân phối công bằng, hợp lý, giảm hẳn sự chênh lệch về mức sống giữa các tầng lớp dân cư. Khắc phục có hiệu quả những biểu hiện tiêu cực, những tệ nạn xã hội và tập tục lạc hậu ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất. Nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, làm cho đời sống ngày càng tốt hơn.
Sử dụng vốn tự có và vốn hỗ trợ của Trung ương, tiếp tục xây dựng một số cơ sở vật chất-kỹ thuật cần thiết phục vụ sản xuất và đời sống. Ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nhất là sản xuất lương thực, thực phẩm, đồng thời đầu tư thỏa đáng phát triển cây công nghiệp và công nghiệp chế biến, nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ kháng chiến.
Tăng cường an ninh quốc phòng, giải quyết dứt điểm FULRO. Đánh bại chiến tranh phá hoại nhiều mặt và các âm mưu khác của địch trên địa bàn. Nhanh chóng xây dựng lực lượng vũ trang, công an đủ mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và chiến tranh nhân dân, xây dựng huyện, xã đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Huyện Krông Pa bước vào thời kỳ đổi mới, trên cơ sở những thành tựu và kinh nghiệm qua 10 năm khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở từng bước được củng cố hoàn thiện. Đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể được đào tạo, bồi dưỡng và qua hoạt động thực tiễn đã trưởng thành về nhiều mặt. Huyện đã cơ bản hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch chi tiết các vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi. Trong sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng được mở rộng, năng xuất các loại cây lương thực, thực phẩm tăng khá. Huyện đã bước đầu hình thành các vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày như mì, thuốc lá, đậu các loại…Chăn nuôi phát triển mạnh, đàn bò và đàn heo của huyện tăng nhanh…Trong lĩnh vực công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã đầu tư nâng cấp và xây dựng mới nhà máy điện, nâng công xuất phát điện, phục vụ tốt hơn cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đã xây dựng được nhà máy nước và hệ thống cấp thoát nước ở thị trấn Phú Túc. Các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, sản xuất gạch ngói, chế biến thuốc lá, nước đá, xay xát, may đo, sửa chữa cơ khí…được hình thành và phát triển. Hệ thống giao thông không ngừng mở rộng, các tuyến đường liên xã được xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân và lưu thông hàng hóa trên địa bàn. Hệ thống thủy lợi vừa và nhỏ được xây mới phục vụ tưới tiêu, mở rộng diện tích sản xuất. Trong phân phối lưu thông đã xây dựng các cửa hàng thương nghiệp ở các xã Ia Siơm , Ia Mlah, Chư Gu, Chư Drăng. Hợp tác xã mua bán ở các xã bước đầu thực hiện việc mua hàng nông sản trong dân và phân phối bán lẻ hàng hóa của thương nghiệp quốc doanh cho dân. Công tác định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đồng bộ. Đến hết tháng 1/1986, toàn huyện có 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số được định canh, định cư ổn định. Huyện đã tiếp nhận một số lượng lớn dân kinh tế mới đến làm ăn, sinh sống tại địa phương. Các lĩnh vực văn hóa-xã hội có chuyển biến tích cực. Từng bước xây dựng đời sống mới ở các thôn buôn, các hủ tục lạc hậu được đẩy lùi. Sự nghiệp giáo dục có bước phát triển khá. Mạng lưới trường lớp được mở rộng, số lượng học sinh tăng nhanh, chất lượng dạy và học được nâng lên. Hoạt động y tế đã có nhiều cố gắng trong phòng chống dịch bệnh, nhất là bệnh sốt rét. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Các hoạt động quốc phòng-an ninh được tăng cường. Tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững. Những kinh nghiệm và thành tựu trên là tiền đề quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Krông Pa bước tới thời kỳ đổi mới.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, bước vào thực hiện đường lối đổi mới, Krông Pa vẫn còn gặp nhiều khó khăn, có mặt hết sức gay gắt. Điểm xuất phát đi lên của Krông Pa thấp hơn mặt bằng chung của cả tỉnh. Đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào kinh tế mới hết sức khó khăn. Nạn đói giáp hạt vẫn còn xảy ra trên diện rộng. Tốc độ phát triển kinh tế chậm và thiếu ổn định. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn ở tình trạng quảng canh và du canh; thâm canh chỉ mới thực hiện được ở mức độ nhất định ở một số nơi. Huyện chưa cân đối được lương thực tại chỗ. Quan hệ sản xuất mới, tuy đã hình thành được các hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, nhưng chủ yếu còn mang tính hình thức. Tổ chức bộ máy và năng lực quản lý còn rất hạn chế, cơ sở vật chất ngoài ruộng đất, nương rẫy hầu như chưa có gì đáng kể. Bộ máy công quyền các cấp còn cồng kềnh, hoạt động hiệu quả thấp. Tổ chức Đảng, đoàn thể tuy được củng cố một bước, song nhìn chung vẫn còn yếu. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng vẫn còn chung chung, thiếu biện pháp cụ thể, chưa sâu sát. Chưa giải quyết dứt điểm hoạt động của bọn FULRO trên địa bàn. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nhiều nơi, nhiều lúc diễn biến phức tạp. Sau khi điều chỉnh giá- lương- tiền, vào tháng 10/1985, tình hình kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và Krông Pa nói riêng diễn biến xấu, giá cả tăng vọt, thị trường rối loạn, nạn chợ đen phát triển, đời sống của đại bộ phận cán bộ, nhân dân trên địa bàn huyện vốn rất khó khăn, trước cơn bão giá càng gặp nhiều khó khăn hơn.
Trước những thuận lợi và khó khăn trên, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Đại hội Đảng bộ Krông Pa lần thứ IX đã diễn ra từ ngày 09 đến 13/9/1986. Tham dự Đại hội có 89 đại biểu chính thức, thay mặt cho 467 đảng viên của 26 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn Đảng bộ. Đại hội nghiên cứu thảo luận dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V sẽ trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Kết luận của Bộ Chính trị về quan điểm kinh tế và dự thảo báo cáo chính trị của Tỉnh ủy Gia Lai- Kon Tum khóa VIII, trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX. Trên cơ sở nghiên cứu các quan điểm mới của Trung ương, của tỉnh và kiểm điểm tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII, Đại hội Đảng bộ huyện Krông Pa xác định cơ cấu kinh tế của huyện trong những năm đầu đổi mới là nông, lâm, công nghiệp và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế- xã hội của huyện giai đoạn 1986-1990 là:
Phát huy những kết quả đã đạt được, không ngừng tăng cường khối đại đoàn kết nhất trí trong Đảng bộ, quân và dân, phát huy vai trò làm chủ tập thể của nhân dân lao động, phấn đấu thực hiện thắng lợi các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và của tỉnh. Thúc đẩy sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của huyện theo hướng nhanh và ổn định. Phát triển kinh tế hàng hóa, thực hành tiết kiệm để xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội. Không ngừng củng cố thực lực chính trị, nhất là tập trung xây dựng đơn vị cơ sở vững mạnh, đảm bảo an ninh, quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong huyện. Nhiệm vụ trọng tâm của thời kỳ này là tiếp tục hoàn thành định canh, định cư theo bốn tiêu chí quy định của Trung ương. Đẩy mạnh khai hoang xây dựng đồng ruộng, nâng cấp đường giao thông, phát triển hệ thống thủy lợi. Tiếp thu dân đến xây dựng kinh tế mới, đoàn kết đồng bào tại chỗ và dân mới đến để cùng nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng con đường hợp tác hóa.
Trên cơ sở định hướng chung, Đại hội đã quyết định một số nhiệm vụ và chỉ tiêu cụ thể trong 5 năm 1986-1990 là:
Tiếp tục coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Tích cực mở rộng diện tích canh tác, gắn với thâm canh, chuyên canh nhằm tăng năng suất trên diện tích gieo trồng. Tổng diện tích gieo trồng năm 1990 đạt 27.500 ha, tăng 2,1 lần so với năm 1986. Trong đó, diện tích lúa nước đạt 3.200 ha. Tổng sản lượng lương thực quy thóc năm 1990 đạt 26.000 tấn, lương thực bình quân đầu người hàng năm 360kg. Từ năm 1988 trở đi, huyện tự cân đối được lương thực tại chỗ. Mở rộng diện tích và tăng năng suất các loại cây sản xuất hàng hóa có thế mạnh của địa phương như mè, thuốc lá, ngô lai, thầu dầu, đậu đỗ các loại.
Phát triển chăn nuôi trên cả ba hình thức quốc doanh, tập thể và hộ gia đình. Đến năm 1990, huyện xây dựng 2 nông trường chăn nuôi bò, quy mô mỗi nông trường trên 1.000 con. Mỗi hợp tác xã nông nghiệp đều có trang trại chăn nuôi tập thể. Xây dựng trại lợn giống ở các hợp tác xã nông nghiệp, có chính sách phù hợp phát triển chăn nuôi hộ gia đình. Đến năm 1990, huyện có đàn bò 30.000 con, đàn heo 30.000 con, đàn gia cầm 140.000 con.
Trong 5 năm khai thác 30.000m3 gỗ tròn phục vụ chế biến gỗ. Trên vùng quy hoạch đất nông nghiệp, lập kế hoạch khai thác gỗ gắn với khai hoang xây dựng đồng ruộng. Hình thành lâm trường Ia Rsai, Đất Bằng. Tiến hành giao đất, giao rừng cho từng hợp tác xã, hộ gia đình để quản lý.
Xây dựng thủy lợi Uar vào năm 1987, đảm bảo diện tích tưới trên 500ha; làm đập Ia Mlah, Ia Buar có công suất tưới khoảng 250 đến 500 ha; mở rộng trạm bơm dầu Ia Rsai đủ sức tưới 300 ha, bơm điện ở Phú Cần, Chư Gu tưới diện tích 500-600 ha; xây dựng trạm bơm điện ở Ia HDreh đảm bảo diện tích tưới từ 250-300 ha. Phát động phong trào làm thủy lợi nhỏ ở những nơi có điều kiện để phục vụ mở rộng diện tích canh tác.
Đầu tư phát triển xí nghiệp thi công cơ giới huyện, đủ năng lực khai hoang xây dựng đồng ruộng hàng năm trên 500 ha, phục vụ tốt yêu cầu mở rộng hệ thống kênh mương thủy lợi, làm đường giao thông nông thôn và tham gia vận tải hàng hóa. Hoàn thành cụm điện Điê zen có công suất 1.400 KW vào cuối năm 1987, phục vụ sản xuất và đời sống. Mở rộng các xí nghiệp gỗ, xí nghiệp gạch ngói, xí nghiệp thuốc lá, xay xát, làm bao bì…Phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trong dân để chế biến các nguyên liệu sẵn có tại chỗ nhằm phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Mở rộng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống thương nghiệp Xã hội chủ nghĩa bao gồm quốc doanh và tập thể. Tổ chức hợp tác xã mua bán, hợp tác xã tín dụng gắn với hợp tác xã nông nghiệp, chuẩn bị điều kiện để tiến tới xây dựng hợp tác xã thống nhất nông-công-thương-tín. Các hợp tác xã nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng tốt yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân, góp phần bình ổn giá cả thị trường.
Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trung bình hàng năm 2,6%. Ngăn chặn tình trạng đẻ không nuôi được đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp nhận khoảng 32.000 dân kinh tế mới. Chuẩn bị tốt các điều kiện về địa bàn, đất ở, đất sản xuất và cơ sở hạ tầng để tiếp dân theo kế hoạch. Đến năm 1990, dân số toàn huyện tăng lên khoảng 73.000 người.
Xây dựng đời sống văn hóa mới, con người mới Xã hội chủ nghĩa. Từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Củng cố mạng lưới loa truyền thanh ở khu vực trung tâm huyện lỵ. Nâng cao chất lượng hoạt động của các đội thông tin lưu động ở cơ sở. Mỗi buôn xây dựng một chòi phát thanh để hàng ngày tuyên truyền trong dân những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bình quân một năm dân được xem phim 4 lần. Phổ cập giáo dục cấp I cho tất cả học sinh trong độ tuổi. Tất cả các buôn làng đều có học sinh cấp II. Đến năm 1990, xây dựng trường cấp III hoàn chỉnh tại Phú Túc. Phấn đấu các trạm y tế xã có đủ y sỹ, y tá và thuốc điều trị. Đến năm 1990, huyện có 2 giường bệnh trên 1.000 dân.
Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt tỷ lệ 8% dân số. Giải quyết cơ bản vấn đề FULRO, làm trong sạch địa bàn, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội cho cán bộ, đảng viên. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác chính trị tư tưởng. Kiện toàn tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng hoạt động của trường đảng huyện. Thực hiện cụ thể 5 nội dung xây dựng Đảng bộ vững mạnh. Phấn đấu không còn đảng viên yếu kém, có 60 % đảng viên xếp loại tốt. Đảng bộ huyện đạt trong sạch vững mạnh. Phấn đấu hàng năm kết nạp mới 50-60 đảng viên. Quy hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, chú trọng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ tại chỗ, cán bộ nữ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra đảng đối với tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Đưa công tác kiểm tra đảng vào nề nếp thường xuyên.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa IX gồm 42 đồng chí. Trong đó có 33 đồng chí ủy viên chính thức và 09 đồng chí ủy viên dự khuyết. Hội nghị Huyện ủy lần thứ nhất đã bầu Ban Thường vụ gồm 8 đồng chí. Đồng chí Phan Minh Tường được bầu làm Bí thư huyện ủy. Các đồng chí Rơchơm Bơm, Ksor Tam được bầu làm Phó bí thư huyện ủy.
Qua quá trình nghiên cứu các dự thảo báo cáo chính trị của Trung ương và của tỉnh, Kết luận của Bộ Chính trị về quan điểm kinh tế đã tác động mạnh mẽ đến sự đổi mới tư duy của cán bộ, đảng viên trong toàn huyện. Nhận thức về con đường đổi mới do đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, bước đầu được xác lập trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Quán triệt những quan điểm mới, trên cơ sở tình hình thực tiễn của địa phương, Đại hội Đảng bộ huyện Krông Pa lần thứ IX đã đề ra  phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và các giải pháp để triển khai thực hiện đường lối đổi mới của Đảng tại địa phương. Dù đây chỉ là bước đầu, nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiến trình đi lên xây dựng quê hương giàu đẹp, theo định hướng xã hội chủ nghĩa trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng ở huyện cực nam của tỉnh.
Krông Pa bước vào thực hiện đường lối đổi mới, trong điều kiện tình hình chính trị, kinh tế xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu có những diễn biến phức tạp, không có lợi cho cách mạng Việt Nam. Tình hình kinh tế-xã hội của cả nước và của tỉnh đang gặp khó khăn gay gắt. Cùng với những khó khăn chung, trong những năm 1986-1988, thời tiết trên địa bàn huyện diễn biến không có lợi cho sản xuất nông nghiệp. Hạn hán, lũ lụt, thiên tai liên tiếp xảy ra, ảnh hưởng lớn đến kế hoạch phát triển kinh tế của huyện và đời sống của nhân dân. Vượt qua những khó khăn, Đảng bộ và nhân dân Krông Pa luôn bám sát nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra để đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội. Huyện đã tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện bước đầu Nghị quyết của Tỉnh ủy (5-1987) về ba chương trình kinh tế: lương thực-thực phẩm, hàng tiêu dung và hàng xuất khẩu; Nghị quyết 10-NQ/TW, ngày 4-5-1988 của Bộ Chính trị “về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”; Chỉ thị số 47-CT/TW, ngày 31/8/1988 của Bộ Chính trị về “giải quyết một số vấn đề cấp bách về đất đai”; Nghị quyết số 16-NQ/TW, ngày 15-7-1988 của Bộ Chính trị “về đổi mới chính sách và cơ chế quản lý đối với các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh”…Tuy tình hình địa phương còn gặp nhiều khó khăn, song bước đầu huyện cũng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:
Tổng diện tích gieo trồng toàn huyện năm 1987 là 13.436 ha, năm 1988 là 13.156 ha, đạt 97,1% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực năm 1988 đạt 8.034 tấn, lương thực bình quân đầu người trong năm là 202 kg. Trước những diễn biến thời tiết không thuận lợi, thiên tai, hạn hán liên tục xảy ra, nạn đói xảy ra trên diện rộng, huyện chủ trương thay đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng diện tích cây lương thực, cây màu để giải quyết những khó khăn trước mắt về thiếu lương thực. Diện tích sản xuất cây ngô và sắn được mở rộng. Năm 1988, diện tích ngô toàn huyện tăng lên 3.031 ha, gấp 1,6 lần so với năm 1986. Diện tích sắn tăng từ 380 ha năm 1986 lên 936 ha năm 1988. Giống sắn H34 năng suất cao, chịu hạn tốt đã được đưa vào trồng đại trà. Diện tích trồng khoai lang, đậu đỗ các loại cũng được mở rộng. Năm 1987, toàn huyện có 423 ha khoai lang, 485 ha đậu đỗ, năm 1988 tăng lên 703 ha khoai lang, 927 ha đậu đỗ.
Đi đôi với việc tăng diện tích gieo trồng các loại cây lương thực, huyện chú trọng lãnh đạo phát triển cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày nhằm tăng nhanh sản xuất hàng hóa phục vụ trao đổi, xuất khẩu. Trong hai năm 1987-1988, Krông Pa đã trồng mới được 230 ha điều. Cây thuốc lá được triển khai trồng đại trà trong các hộ gia đình. Diện tích cây thuốc lá của huyện năm 1987 đạt 798 ha, năm 1988 tăng lên 812 ha. Nhờ thâm canh tốt nên sản lượng thuốc lá tăng khá, năm 1987 đạt 319 tấn, năm 1988 tăng lên 487 tấn. Cùng với đậu đỗ các loại, cây thuốc lá, cây điều trở thành những loại cây hàng hóa chủ lực của huyện trong thời kỳ này.
Chăn nuôi phát triển khá ở các hình thức quốc doanh, tập thể và đặc biệt là hộ gia đình. Bình quân giai đoạn 1986-1988, đàn bò tăng hàng năm 5,2%, đàn heo tăng 10,4%. Đến năn 1988, Krông Pa có 21.371 con bò, 18.036 con heo, tổng đàn gia cầm đạt 46.776 con. Mạng lưới thú y bước đầu mở rộng đến các xã, phục vụ tốt hơn công tác phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm. Huyện và các địa phương phát động phong trào làm chuồng nuôi nhốt gia súc tại các hộ gia đình. Sau khi dãn dân định cư, nhiều địa phương đã triển khai tốt công tác rào vườn, làm chuồng nhốt gia súc. Tiêu biểu như Đất Bằng có 100% hộ gia đình làm vườn rào; tất cả các hộ ở buôn Ia Mláh (xã Phú Cần) đều xây dựng chuồng nhốt gia súc.
Do điều kiện kinh tế của đất nước gặp nhiều khó khăn, Trung ương cắt giảm vốn đầu tư, nên kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản của tỉnh đối với Krông Pa giảm nhiều so với những năm trước, nhưng với tinh thần tự chủ, tự lực, huyện đã tích cực huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm phục vụ sản xuất, dân sinh theo đúng kế hoạch. Trong hai năm 1987-1988, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn huyện đạt 312,24 triệu đồng, trong đó vốn tự có của huyện là 127,33 triệu đồng, vốn vay ngân hàng 108 triệu đồng. Đảm bảo tiến độ triển khai xây dựng các công trình trọng điểm như đã hoàn thành tu sửa và nâng cấp hồ Phú Cần đủ năng lực tưới tiêu trên 80 ha lúa nước hai vụ và hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc của cụm điện Điê zen và vận hành tốt tổ máy số 1 phục vụ cung cấp điện cho các trạm bơm dọc sông Ba.
Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã triển khai sản suất, chế biến gỗ, gạch ngói, sản xuất nông vụ, dệt vải thổ cẩm… phục vụ có hiệu quả cho xây dựng cơ bản, tiêu dùng trong và ngoài huyện. Một số đơn vị sản xuất quốc doanh được bổ sung thiết bị để mở rộng sản xuất, các ngành thủ công truyền thống như dệt vải được ưu tiên phát triển để giải quyết lao động tại chỗ và tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Trong điều kiện sản xuất khó khăn, nhưng nhờ vận dụng sáng tạo cơ chế quản lý mới, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thương nghiệp bước đầu triển khai hạch toán kinh doanh; chủ động tiếp nhận và cung ứng tiền hàng đảm bảo phục vụ sản xuất và đời sống. Thương nghiệp quốc doanh của huyện cũng đã làm tốt công tác thu mua nông sản, thực phẩm trong dân, trao đổi hàng hoá với bên ngoài. Năm 1998 đã thu mua được 1.002 tấn lương thực, 220 tấn hạt mè, 298 tấn thuốc lá…. Ngoài vốn của nhà nước, các đơn vị kinh doanh thông qua liên kết kinh tế đã từng bước tháo gỡ khó khăn về vốn để duy trì kinh doanh có hiệu quả.
Hoạt động văn hoá - thông tin có nhiều tiến bộ. Đài truyền thanh huyện phát tin thường xuyên hơn. Các hoạt động chiếu phim, truyền tin cổ động, thư viện, dịch vụ văn hoá được duy trì phát triển. Trong hai năm 1987-1988 các đội chiếu phim lưu động của huyện đã tổ chức 790 buổi chiếu phim tại các xã, buôn làng phục vụ nhân dân. Lĩnh vực giáo dục, tuy điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đời sống giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn được duy trì và phát triển khá. Năm học 1987-1988, toàn huyện có 6.559 học sinh, năm học 1988-1989 tăng lên 7.519 học sinh. Huyện đã thành lập được trường phổ thông trung học. Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện được xây mới, năm học 1988-1989 có 273 học sinh. Ngành y tế có nhiều cố gắng trong đổi mới công tác phục vụ, khám chữa bệnh cho nhân dân và tổ chức tốt các đợt phòng chống dịch bệnh tại các xã. Năm 1988 huyện có 60 giường bệnh, có hơn 16.000 lượt người được khám bệnh, 2.516 lượt người được điều trị tại các cơ sở y tế. Nhằm khắc phục hậu quả hạn hán, lũ lụt, công tác điều tra các đối tượng thiếu đói được triển khai khẩn trương với tinh thần trách nhiệm cao. Năm 1986 huyện tổ chức cứu đói cho 24.867 khẩu, năm 1987 là 20.317 khẩu, năm 1988 có 20.757 khẩu được cứu đói. Nhờ hỗ trợ kịp thời của Nhà nước trên diện rộng, nhân dân từng bước khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ huyện trong lĩnh vực kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Công tác tổ chức, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế theo đường lối đổi mới còn lúng túng, hiệu quả thấp. Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của huyện không đạt chỉ tiêu đề ra. Những khó khăn ở cơ sở chưa được giải quyết kịp thời. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh làm ăn thô lỗ kéo dài nhưng chậm được xử lý. Nguồn thu ngân sách của huyện không ổn định, thu không đủ chi. Tình trạng thiếu lương thực kéo dài, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và cán bộ công chức. Trong chỉ đạo giải quyết một số việc cụ thể còn nóng vội, thiếu tính toán. Ngược lại một số việc cần giải quyết ngay thì còn chần chừ dẫn đến mất thời cơ, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của các tầng lớp nhân dân.
Bước vào năm 1989, trong bối cảnh chung của đất nước, của tỉnh, Krông Pa cũng đối mặt với khó khăn gay gắt về kinh tế và đời sống. Khủng hoảng toàn diện, sâu sắc và những diễn biến phức tạp tại các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô đã tác động tiêu cực đến nước ta. Trên địa bàn huyện, tư tưởng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân có sự giao động. Trước tình hình trên Huyện uỷ đã liên tục tổ chức các đợt học tập chính trị cho cán bộ chủ chốt và đảng viên ở cơ sở, nhằm quán triệt các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, các chủ trương chính sách và quyết định của nhà nước về đổi mới, giữ vững mục tiêu Xã hội chủ nghĩa. Phê phán tư tưởng giao động, hoài nghi, cơ hội, chấn chỉnh những phát ngôn sai trái, vô kỷ luật. Huyện gắn việc nâng cao nhận thức với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, ngành, cơ sở nhằm đưa đường lối đổi mới của đại hội VI đi vào cuộc sống, từng bước làm chuyển biến nền kinh tế từ chỗ vận hành theo cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp sang nền kinh tế nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường, dưới sự quản lý của Nhà nước. Đồng thời huyện chỉ đạo các ngành chức năng kiên quyết đấu tranh với các lực lượng phản động, truy quét bọn tội phạm, các tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Giữa bối cảnh đó, Đại hội Đảng bộ huyện Krông Pa lần thứ X diễn ra trong hai ngày 27 và 28/4/1989. Tham gia Đại hội có 90 đại biểu chính thức và 20 đại biểu mời. Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tiễn của địa phương sau gần ba năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đại hội đã đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện trong thời kỳ 1989-1991:
Nhanh chóng khắc phục hậu quả lũ lụt, nắng hạn, tổ chức lại sản xuất, nhất là sản xuất lương thực. Ổn định đời sống các tầng lớp nhân dân, trước hết là chống đói, Phấn đấu đến năm 1991 đủ ăn và có một phần lương thực dự trữ. Đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, nông, lâm sản và chế biến dưới nhiều hình thức. Hạn chế tối đa việc bán nguyên liệu thô, giá trị thấp.
Tổ chức cải tạo Xã hội chủ nghĩa, phát huy hiệu quả hoạt động của các thành phần kinh tế với quy mô, tính chất, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế của huyện. Khai thác các tiềm năng sẵn có, nâng cao hiệu quả sản xuất, nhất là đối với kinh tế quốc doanh và tập thể. Đẩy mạnh sản xuất, tăng nhanh quay vòng tiền, hàng, không để ứ đọng sản phẩm trong các xí nghiệp, ứ đọng hàng hoá trong kho các cửa hàng.
Tiếp tục củng cố, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm biên chế, số lượng cán bộ trung gian, gián tiếp ở các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Giải quyết kịp thời, đúng chế độ với số cán bộ trong diện tinh giảm biên chế. Tuyển dụng mới cán bộ có đủ trình độ năng lực. Bố trí cán bộ đúng người, đúng việc theo yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội. Lấy yêu cầu nhiệm vụ chính trị để bố trí cán bộ, phát huy năng lực của cán bộ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của từng cán bộ, đảng viên.
Giữ vững quốc phòng an ninh, chuẩn bị các phương án sẵn sàng đánh thắng các âm mưu phá hoại của địch. Tập trung xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, phát động phong trào quần chúng, truy quét liên tục làm trong sạch địa bàn. Đấu tranh thực hiện công bằng xã hội, chống các biểu hiện quan liêu, xa rời cơ sở, xa rời quần chúng, thiếu dân chủ. Xây dựng tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh toàn diện, đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, đơn vị cơ sở.
Để thực hiện bốn nhiệm vụ trọng tâm, Đại hội đã xác định một số mục tiêu, giải pháp chủ yếu toàn diện trên các ngành, lĩnh vực. Trước hết tập trung thay đổi cơ chế quản lý và các giải pháp khuyến khích đầu tư, thúc đẩy giải phóng sản xuất, khai thác tiềm năng và nhân tố mới trên các lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chế biến nông, lâm sản phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Liên kết các thành phần kinh tế trong và ngoài huyện để thu hút nguồn vốn, mở rộng sản xuất kinh doanh. Mở rộng quyền tự chủ cho cấp xã và các đơn vị sản xuất kinh doanh, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; trọng tâm là thực hiện ba chương trình kinh tế lớn của Đảng: lương thực- thực phẩm, hàng tiêu dùng, và hàng xuất khẩu.
Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ khoá X gồm 28 đồng chí. Ban chấp hành bầu Ban Thường vụ Huyện uỷ gồm 9 đồng chí. Đồng chí Phan Minh Tường, Tỉnh uỷ viên, tiếp tục được bầu làm Bí thư Huyện uỷ. Các đồng chí Ksor Tam, Rơchơm Bơm được bầu làm Phó bí thư. Đến tháng 7-1989, đồng chí Phan Minh Tường được điều động về tỉnh nhận công tác khác, Tỉnh uỷ điều động và phân công đồng chí Trần Ngọc Bửu, Tỉnh uỷ viên dự khuyết về làm Bí thư huyện uỷ.
Trong ba năm tổ chức thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ lần thứ X, vận dụng các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo, khắc phục những khó khăn lớn về đời sống nhân dân, về cơ sở vật chất kỹ thuật, vốn, hạ tầng cơ sở để đẩy mạnh sản xuất. Đội ngũ cán bộ được cũng cố, bố trí phù hợp hơn đã chủ động, sáng tạo giải quyết những vấn đề chính trị, kinh tế-xã hội của địa phương theo tinh thần đổi mới của Đảng. Tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng huyện đã tập trung đầu tư phát triển nông, lâm nghiệp gắn liền với định canh định cư, xây dựng nông thôn mới. Triển khai thực hiện ba chương trình kinh tế,  trước hết là tập trung đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm. Huyện đã chủ động trích một phần ngân sách để mua phân bón, thuốc trừ sâu, giống các loại và đã tu sửa các công trình thuỷ lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp. Diện tích canh tác tăng bình quân hằng năm trên 5%. Năm 1990 tổng diện tích gieo trồng toàn huyện đạt 13.798 ha. Một số cây trồng chủ lực diện tích gieo trồng đạt khá như lúa duy trì 4.605 ha, ngô 3.746 ha, sắn 680 ha, đậu các loại 1.551 ha. Năng suất, sản lượng một số cây trồng chủ yếu như lúa năng suất đạt 13,07 tạ/ha, ngô đạt 6,847 tạ/ha. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của huyện phát triển chậm và chưa toàn diện. Tổng diện tích gieo trồng năm 1990 chỉ bằng 50,5 % so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết Đại hội IX. Nguyên nhân chủ yếu là do việc đề ra chỉ tiêu chưa sát thực tế. Sản xuất lương thực nhiều năm không đạt chỉ tiêu đề ra. Năm 1989-1990, huyện đã cơ bản cân đối được lương thực, nhưng đến năm 1991, do hạn hán kéo dài nên tình trạng thiếu đói giáp hạt diễn ra trên diện rộng. Sản lượng lương thực bình quân đầu người chỉ đạt 249 kg, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra của Đại hội IX là 360 kg/người/năm.
Cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày mà chủ lực là cây thuốc lá, mè, điều đã khẳng định được giá trị kinh tế cao, khối lượng hàng hoá lớn và là một trong những nguồn thu chủ yếu của nông dân địa phương tiếp tục được đầu tư phát triển. Đến năm 1990 tổng diện tích cây công nghiệp ngắn ngày của huyện đạt 2.302 ha trong đó diện tích thuốc lá có 689 ha, diện tích mè 1.230 ha, thầu dầu 65 ha, lạc 247 ha…. Cây công nghiệp trên địa bàn huyện, tuy có phát triển nhưng chưa đi vào chuyên canh, thâm canh nên năng suất, sản lượng còn thấp. Thêm vào đó giá cả thu mua chưa hợp lý đã ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư mở rộng diện tích, tăng năng suất.
Công tác định canh định cư chuyển hướng từ chỉ đạo diện sang chỉ đạo điểm. Tận dụng các nguồn vốn của Trung ương và địa phương đã định cư cho 4.393 hộ với 28.516 khẩu tại 76 buôn làng. Có 1.794 hộ sau định cư ổn định sản xuất có đời sống kinh tế khá. Ở một số vùng, đồng bào dân tộc thiểu số đã biết làm kinh tế vườn, thu nhập ổn định. Nhờ định canh định cư nên bộ mặt nông thôn một số vùng của huyện thay đổi đáng kể. Tuy nhiên công tác định canh định cư trên địa bàn huyện chưa đạt những yêu cầu cơ bản. Nhiều địa phương định canh chưa gắn liền với thâm canh, định cư chưa gắn với phát triển kinh tế vườn. Các hợp tác xã nông nghiệp và tập đoàn sản xuất được hình thành trước đây, do chuyển đổi không kịp theo cơ chế mới, nên chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng các xí nghiệp quốc doanh vẫn duy trì hoạt động và đứng vững được trong cơ chế thị trường. Các hoạt động dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp tư nhân phát triển mạnh phục vụ thiết thực cho nhu cầu của sản xuất và đời sống, tạo nguồn thu ngân sách quan trọng cho địa phương. Một số công trình phục vụ ba chương trình kinh tế và dân sinh được triển khai xây dựng, từng bước tạo cơ sở vật chất kỹ thuật cho huyện, phục vụ mục tiêu phát triển trước mắt và lâu dài. Trước những khó khăn do chuyển đổi cơ chế, huyện chủ trương nhanh chóng sắp xếp lại tổ chức bộ máy lao động và các hoạt động sản xuất kinh doanh của các xí nghiệp quốc doanh, có kế hoạch vay vốn đầu tư có trọng điểm cho từng đơn vị, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, gắn sản xuất với thị trường. Tuy nhiên, quá trình phát triển, ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện chưa được quy hoạch tổng thể cơ bản, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế nên phát triển chậm. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chưa phục vụ thiết thực cho việc phát triển nông, lâm nghiệp. Tiểu thủ công nghiệp chưa khai thác hết lợi thế về lao động và nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Việc chế biến nông lâm sản để tăng giá trị hàng hoá nông nghiệp chưa được quan tâm đầu tư phát triển.
Khi chuyển sang cơ chế thị trường, lĩnh vực phân phối lưu thông có chuyển biến tích cực. Các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng, nên việc lưu thông hàng hoá thuận lợi, chủng loại hàng hoá phục vụ tiêu dùng phong phú, giá cả ổn định hơn. Với phương thức “thuận mua, vừa bán” đã khuyến khích sản xuất phát triển. Trong cơ chế mới, tư nhân bung ra làm ăn hiệu quả, thì ngành thương nghiệp quốc doanh lâm vào tình trạng khó khăn. Do chưa thích ứng kịp với cơ chế thị trường nên thương nghiệp quốc doanh làm ăn kém hiệu quả; chưa gắn lưu thông hàng hoá với sản xuất, chưa mở rộng thị trường tiêu thụ để khuyến khích sản xuất phát triển. Thương nghiệp quốc doanh bỏ trống vùng nông thôn, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số để tư thương thâu tóm, lũng đoạn. Mạng lưới cửa hàng thương nghiệp và hợp tác xã mua bán tại các xã ngày càng thu hẹp và bị triệt tiêu.
Cùng với đổi mới cơ chế quản lý, triển khai thực hiện ba chương trình kinh tế lớn, giải quyết vấn đề cấp bách về lương thực, thực phẩm, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân, Huyện uỷ KrôngPa luôn quan tâm dúng mức đến việc lãnh đạo phát triển các mặt văn hoá – xã hội. Trong những năm đầu đổi mới, mọi mặt tình hình chung của huyện còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Đảng bộ xác định, muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nhất quyết phải quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí của nhân dân trên địa bàn huyện. Đại hội IX và X Đảng bộ huyện đều chủ trương: tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển sự nghiệp giáo dục. Chú trọng công tác xoá mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học, đối tượng chủ yếu là cán bộ thôn, buôn, cán bộ xã, cán bộ dự bị. Đầu tư phát triển hệ thống trường, lớp. Phấn đấu đến năm 1991, huyện có đủ trường lớp để thu hút hầu hết số trẻ trong độ tuổi đến trường. Mở rộng, phát triển hệ thống trường cấp I, cấp II đến các xã. Hoàn chỉnh trường cấp III của huyện. Có các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng dạy và học theo yêu cầu đổi mới giáo dục. Từng bước giải quyết chỗ ở cho giáo viên, để các thầy cô yên tâm công tác lâu dài. Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức xã hội chủ nghĩa cho giáo viên và học sinh.
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền sự nghiệp giáo dục của huyện có bước phát triển khá. Quy mô giáo dục được mở rộng, hệ thống trường lớp phát triển, số lượng học sinh tăng. Năm học 1986-1987 toàn huyện có 15 trường, với 6.342 học sinh. Năm học 1990-1991, Krông Pa có 17 trường, 6.534 học sinh các cấp. Tất cả các xã trên địa bàn huyện đều có lớp mẫu giáo và tiểu học. Để tăng cường cơ sở vật chất trường lớp đáp ứng yêu cầu học tập ngày càng tăng; huyện đã trích ngân sách và huy động sự đóng góp của nhân dân để tu sửa, xây dựng mới trường lớp học, đóng bàn ghế cho học sinh, giáo viên để phục vụ dạy và học. Riêng năm 1991, huyện đã đầu tư xây mới 13 phòng học, với tổng kinh phí 187 triệu đồng. Ngành giáo dục huyện đã đề ra nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy và học, như đẩy mạnh phong trào thi đua hai tốt, tăng cường trách nhiệm của giáo viên trong việc vận động trẻ trong độ tuổi đến lớp; tổ chức bồi dưỡng, thi chọn giáo viên và học sinh giỏi các cấp. Công tác bổ túc văn hoá và xoá mù chữ được triển khai thường xuyên. Năm học 1986-1987 , duy trì được 26 lớp bổ túc văn hoá với 660 học viên. Năm 1990-1991, huy động được 386 học viên tại các xã tham gia các lớp xoá mù chữ. Tuy nhiên tình hình giáo dục huyện trong những năm đầu đổi mới cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục nhất là ở vùng đồng bào dân tộc còn thấp. Bình quân hàng năm có khoảng 80% cấp I và cấp II lên lớp thẳng. Trên 50% giáo viên của huyện được đào tạo cấp tốc nên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Một số giáo viên do điều kiện kinh tế khó khăn nên thiếu an tâm công tác, một số bỏ nghề. Năm học 1991 – 1992 toàn huyện có 298 giáo viên, giảm 13 giáo viên so với năm học 1990 – 1991. Số lượng học sinh tăng nhưng số lượng giáo viên giảm đã ảnh hưởng lớn đến việc duy trì củng cố và phát triển sự nghiệp giáo dục của huyện trong những năm đầu đổi mới.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân, Đảng bộ huyện chủ trương phát huy cơ sở vật chất đã có, xúc tiến đầu tư xây dựng mới cơ sở vật chất cho ngành y tế, quản lý và phân công công tác phù hợp cho đội ngũ y, bác sỹ. Phát huy phong trào trồng cây thuốc nam tại các xã. Kết hợp đông tây y trongôphngf và chữa bệnh. Phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Phát triển phong trào vệ sinh phòng bệnh trong nhân dân. Kịp thời giám sát và dập tắt các ổ dịch bệnh từ cơ sở. Củng cố mở rộng việc khám chữa bệnh cho nhân dân tại bệnh viện huyện và các trạm y tế xã. Có kế hoạch chủ động về thuốc và kinh phí phục vụ cho các hoạt động y tế. Vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 2% vào năm 1991, để có điều kiện chăm lo sức khỏe, giáo dục trẻ em và nâng cao đời sống của nhân dân.
Tuy còn gặp nhiều khó khăn, nhưng hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn huyện, trong 5 năm đầu đổi mới có nhiều tiến bộ, cơ sở vật chất, phương tiện khám chữa bệnh được tăng cường, các xã đều có trạm y tế. Năm 1986, toàn huyện có 120 giường bệnh, năm 1991 tăng lên 130 giường. Bệnh viện huyện được xây mới phòng mổ, trang bị mới xe cấp cứu. Phòng khám đa khoa khu vực Lệ Bắc được xây mới và đưa vào sử dụng. Đội ngũ cán bộ y tế huyện đã có nhiều nỗ lực vượt qua thách thức, từng bước xây dựng đội ngũ thầy thuốc có phẩm chất, nghiệp vụ chuyên môn và  thái độ phục vụ theo tiêu chuẩn của ngành. Năm 1991 huyện đã mở một lớp y tá hộ lý gồm 39 học viên, đến cuối khóa học có 31 học viên tốt nghiệp được phân bổ về các trạm y tế. Do được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và quan tâm xây dựng đội ngũ y bác sỹ nên chất lượng khám chữa bệnh đã có tiến bộ. Trung tâm y tế huyện có khả năng xử lý được những trường hợp sốt rét ác tính, đẻ khó, phẫu thuật vừa và nhỏ. Công tác tiêm chủng mở rộng được thực hiện có kết quả. Năm 1991 tổ chức tiêm chủng tại 8/11 xã, có 1.099 trẻ được tiêm chủng. Công tác kế hoạch hóa gia đình , sinh đẻ có kế hoạch triển khai đạt được một số kết quả bước đầu. Công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai thường xuyên. Riêng năm 1990, huyện đã tổ chức phun thuốc trừ muỗi cho 100% hộ gia đình các xã Phú Cần, Phú Túc, Chư Gu.
Tuy có những chuyển biến bước đầu, nhưng công tác y tế của huyện trong những năm đầu đổi mới còn có nhiều khó khăn, yếu kém. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác y tế, có nơi còn khoán trắng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân cho ngành chuyên môn, nên tinh thần phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân của một bộ phận cán bộ y tế chưa tốt. Tỷ lệ sử dụng giường bệnh của tuyến y tế cơ sở còn rất thấp. Dụng cụ y tế và thuốc men để chăm sóc và điều trị bệnh cho nhân dân còn thiếu nghiêm trọng. Nhiều trạm y tế xã còn tạm bợ, bị xuống cấp nhưng chưa được đầu tư sửa chữa nâng cấp kịp thời. Bệnh sốt rét phát triển thành dịch bệnh trên diện rộng, các bệnh bướu cổ, dịch hạch, sốt xuất huyết, bệnh phong vẫn chưa được phòng ngừa và điều trị có hiệu quả. Năm 1991, trên địa bàn huyện xảy ra đợt dịch lỵ A míp có 135 người mắc, trong đó có 14 người tử vong.
Hoạt động văn hóa thông tin đã tập trung tuyên truyền đường lối đổi mới của Đảng và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của huyện, động viên phong trào sản xuất của nhân dân, nhằm phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế -  xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh. Đài Truyền thanh huyện hoạt động ngày càng đi vào nề nếp. Số lượng tin bài tăng, chất lượng tin bài tốt hơn, đã phản ánh toàn diện mọi mặt đời sống của huyện. Năm 1987, đài truyền thanh huyện tiếp sóng và phát 1758 giờ, với 672 tin bài, đến năm 1991 số giờ phát sóng tăng lên 2.440 giờ, với 731 tin bài bằng hai ngôn ngữ Jrai và phổ thông. Các hoạt động chiếu phim, văn hóa - văn nghệ phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân được chú trọng. Số buổi chiếu phim, biểu diễn văn nghệ ở các xã, thôn buôn được tổ chức thường xuyên hơn đã góp phần cổ vũ nhân dân hăng say lao động sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa mới, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Năm 1987, đội chiếu phim lưu động huyện tổ chức được 356 buổi chiếu tại các xã, thôn buôn, phục vụ cho gần 160.000 lượt người xem; năm 1990 đội chiếu phim lưu động huyện đã tổ chức được 370 buổi chiếu phim phục vụ cho 215.830 lượt người xem.
Cùng với chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, tuy điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí hạn hẹp, nhưng huyện đã quan tâm thực hiện tốt các chính sách xã hội. Trong những năm 1986 – 1988, thiên tai, hạn hán, mất mùa xảy ra liên tiếp trên địa bàn làm cho nhiều hộ dân rơi vào cảnh thiếu đói. Một mặt huyện kêu gọi, động viên nhân dân tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để vượt qua khó khăn, mặt khác huyện đã xuất lương thực cứu đói cho nhân dân năm 1986 là 24.864 khẩu, năm 1987 là 20.317 khẩu, năm 1988 có 20.757 khẩu được cứu đói. Công tác thương binh xã hội, đền ơn đáp nghĩa được quan tâm. Huyện tổ chức thực hiện tốt chính sách đối với thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, cán bộ hưu trí mất sức. Thường xuyên giúp đỡ về vật chất đối với các gia đình chính sách gặp khó khăn; ưu tiên sắp xếp việc làm phù hợp cho một số thương binh. Huyện thường xuyên phát động phong trào trong cán bộ nhân viên, nhân dân đóng góp, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Hàng năm nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sỹ, ngày Tết cổ truyền và các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước,  lãnh đạo huyện, các ngành,các xã thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách, động viên các gia đình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp đổi mới của địa phương.
Trong 5 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng,  tình hình mọi mặt của KrôngPa có chuyển biến tích cực. Trong lĩnh vực kinh tế, huyện tập trung quán triệt các quan điểm kinh tế mới của Đảng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, chỉ đạo các cấp, các ngành và nhân dân tập trung thực hện ba chương trình kinh tế lớn,  bước đầu giải quyết được các vấn đề cấp bách về lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng để ổn định cuộc sống, giải phóng sức sản xuất, giải quyết được sự khan hiếm hàng hóa trên thị trường, đời sống nhân dân từng bước ổn định hơn. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực. Quy mô giáo dục tăng khá, trình độ dân trí của huyện được nâng lên. Chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện đáng kể. Hoạt động văn hóa thông tin, văn nghệ, thể thao có nhiều cố gắng đổi mới cơ chế hoạt động và phương thức phục vụ.  Tuy nhiều chỉ tiêu do nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX và lần thứ X đề ra chưa thực hiện được, nhưng huyện đã giải quyết được nhiều khó khăn trước mắt, để đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, tạo đà quan trọng để Krông Pa tăng tốc phát triển trong những năm tiếp theo.
II- CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ, GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG - AN NINH
  Năm 1990 và những tháng đầu năm 1991, tình hình quốc tế có những biến động sâu sắc, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô khủng hoảng trầm trọng và từng bước sụp đổ đã ảnh hưởng lớn đến tình hình mọi mặt của nước ta, nhất là về tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trước tình hình đó, Huyện ủy vừa tập trung lãnh đạo giữ vững ổn định chính trị, tư tưởng, vừa lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện, đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu nhiệm vụ đề ra trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ X. Tháng 6-1991, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của năm năm 1991 – 1995. Đại hội thông qua cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và thông qua chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, đặc biệt là chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, dưới sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, là tiền đề thuận lợi quan trọng để Đảng bộ huyện lãnh đạo nhanh chóng ổn định tình hình tư tưởng chính trị trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; đồng thời có định hướng đúng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn huyện.
Trong tháng 6, 7 và 8 năm 1991, Huyện ủy tổ chức nhiều lớp học tập Nghị quyết và các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII và nghiên cứu dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X. Qua các lớp học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng, nhận thức chính trị tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân có chuyển biến tích cực. Niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới được củng cố một bước.
Từ ngày 17 đến 20 tháng 12 năm 1991, đã diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện KrôngPa lần thứ XI. Về dự đại hội có 73 đại biểu chính thức, thay mặt cho hơn 500 đảng viên của 30 tổ chức cơ sở Đảng trong toàn huyện. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các văn kiện được thông qua tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, dự thảo báo cáo chính trị của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, Đại hội Đảng bộ huyện đã phân tích, đánh giá những mặt làm được và chưa được sau ba năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ X, phân tích nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm và đề ra 4 mục tiêu lớn để phấn đấu thực hiện trong 5 năm 1991-1995:
Từng bước xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, dưới sự quản lý của Nhà nước theo định hướng Xã hội chủ nghĩa. Chuyển nền sản xuất nông nghiệp mang tính tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung thực hiện ba chương trình kinh tế lớn lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Kiểm soát và đẩy lùi được đói, đau, mù chữ và bội chi ngân sách. Gắn sản xuất với chế biến. Xây dựng cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng Nông - lâm - Công nghiệp  haoệp đổi mới của địa phương,  tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Củng cố các cơ sở đã định canh, định cư, tiếp tục vận động và tổ chức nhân dân các nơi chưa định canh, định cư tiến hành định canh, định cư. Nâng cao trình độ mọi mặt của nhân dân. Xây dựng gia đình văn hóa, con người mới xã hội chủ nghĩa, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội, thực hiện tốt các chính sách xã hội và chính sách hậu phương quân đội.
Tăng cường công tác quốc phòng an ninh. Xây dựng lực lượng vũ trang, công an nhân dân vững mạnh, để thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm thất bại âm mưu thủ đoạn phá hoại của địch trên địa bàn.
Đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trong hệ thống chính trị ở địa phương. Làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tăng cường sự gắn bó của Đảng với nhân dân.
Đại hội xác định một số chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội cần phấn đấu đạt được vào năm 1995, cụ thể: sản xuất được 19.000 đến 20.000 tấn lương thực quy thóc, bình quân lương thực đầu người đạt 400kg/năm. Dân số tăng lên khoảng 46.000 người. Mở rộng diện tích lúa nước hai vụ đạt từ 350 đến 400 ha, diện tích cây ngô đạt 4.500 ha, cây sắn 1.000 ha, cây khoai lang 900 ha. Mở rộng diện tích cây công nghiệp ngắn ngày và dài ngày, trong đó cây thuốc lá đạt từ 1.200 đến 1.300 ha, 1.600 ha mè, 500 đến 600 ha đậu phụng, 1.500 ha điều. Phát triển đàn gia súc của huyện, đưa đàn bò lên 25.000 đến 26.000 con, đàn heo đạt 21.000 con. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến thủ công mỹ nghệ. Các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ yếu của huyện là điện, gỗ, vật liệu xây dựng, thịt các loại, thức ăn gia súc, chế biến đường… Trong lĩnh vực dịch vụ đảm bảo giá trị hàng hóa trao đổi đạt 5.500 triệu đồng; huy động 85% trẻ trong độ tuổi đến lớp, phấn đấu hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ tại 3 xã. Củng cố mạng lưới y tế cơ sở, mỗi xã đều có một trạm y tế, có đủ cán bộ y tế để triển khai nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Giải quyết dứt điểm việc thiếu đói thường xuyên và đói giáp hạt trên địa bàn huyện.
Đại hội bầu ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XI gồm 27 đồng chí. Ban chấp hành Đảng bộ huyện bầu Ban thường vụ huyện ủy 7 đồng chí. Đồng chí Kor Tam, Tỉnh ủy viên, được bầu làm bí thư huyện ủy. Hai đồng chí Nguyễn Minh Đẩu, Rơchơm Bơm được bầu làm phó bí thư huyện ủy.
Sau Đại hội Đảng bộ huyện, trọng tâm lãnh đạo của cấp ủy địa phương là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh sản xuất, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội đã đạt vượt mức kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Huyện lãnh đạo từng bước chuyển nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa, theo mô hình kinh tế hộ gia đình là chủ yếu.
Địa phương khuyến khích phát triển mạnh các loại cây nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế khá như: mè, thuốc lá, sắn, đậu đỗ các loại. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của huyện giai đoạn 1991 – 1995 đạt 7,9%. Trong đó nông lâm nghiệp tăng trưởng bình quân đạt 7,68%, công nghiệp – xây dựng đạt 9,4%, thương mại – dịch vụ tăng 8,9%. Tỷ trọng cơ cấu kinh tế của huyện năm 1995 là: nông – lâm nghiệp chiếm 80,7%, công nghiệp – xây dựng chiếm 11,18%, thương mại – dịch vụ chiếm 8,12%. GDP bình quân đầu người của huyện năm 1995 đạt 163 USD, tương đương 1.805.000 đồng.
Từ ngày 24 đến 26 tháng 3 năm 1994, huyện tổ chức Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ, nhằm phân tích, đánh giá tình hình của huyện sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI. Hội nghị thống nhất đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của huyện đã từng bước đi vào thế ổn định và có bước phát triển khá. Đời sống đại bộ phận nhân dân được nâng lên. Kinh tế hộ gia đình phát triển kích thích nông dân phát huy quyền làm chủ trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư các nguồn lực cho sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp ngày càng nhiều. Song, kinh tế của huyện tăng trưởng chậm, còn nhiều yếu tố chưa vững chắc. Đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng nhất là giao thông nông thôn chưa được đầu tư nâng cấp, đã ảnh hưởng lớn đến việc đi lại và thông thương hàng hóa.
Trên cơ sở đánh giá tình hình, hội nghị đã bổ xung nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện cần đạt được đến năm 1995 và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm: chuyển dịch và hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý, đẩy mạnh phát triển nông – lâm nghiệp toàn diện, gắn với phát triển các ngành nghề thủ công. Từng bước hình thành một số cơ sở chế biến nông sản hàng hóa bằng hình thức liên doanh để khai thác tốt tiềm năng và các nguồn lực của các thành phần kinh tế. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư từ bên ngoài để phát triển sản xuất. Ưu tiên có trọng điểm xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật của huyện. Từng bước thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo. Thực hiện có hiệu quả các chương trình giải quyết việc làm, định canh định cư cho đồng bào các dân tộc; thực hiện tốt các chương trình quốc gia về y tế , giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường. Xây dựng thực lực chính trị cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Qua năm năm triển khai thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu do đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XI đề ra, sản xuất nông, lâm nghiệp đi dần vào thế ổn định và có bước phát triển. Sản xuất lương thực được coi trọng, đã tập trung chỉ đạo thâm canh, tăng vụ, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, đưa nhiều loại giống mới vào sản xuất có hiệu quả. Tổng diện tích gieo trồng năm 1995 đạt 19.370 ha, tăng 6.183 ha so với năm 1991. Tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 14.912 tấn, tăng 143,8% so với năm 1991, bình quân lương thực đầu người đạt 310 kg, cao hơn bình quân toàn tỉnh. Cây công nghiệp ngắn ngày tăng khá cả về diện tích và năng suất. Cây thuốc lá sau năm năm diện tích tăng 458 ha, đưa tổng diện tích cây thuốc lá toàn huyện năm 1995 đạt 1170 ha, trong đó có 60 ha thuốc lá sợi vàng. Sản lượng thuốc lá năm 1995 đạt 512 tấn, tăng 131 tấn so với năm 1991. Đậu các loại năm 1995 diện tích gieo trồng lên đến 2.661 ha, tăng 202% so vơi năm 1991. Cây công nghiệp dài ngày chủ lực là cây điều tăng nhanh về diện tích, năm 1995 đạt 5.876 ha tăng 3.345 ha so với năm 1993.
Trong chăn nuôi huyện đã đề ra biện pháp cải tạo giống gia súc của địa phương. Lập dự án để đầu tư giống bò lai, từng bước thay dần giống bò địa phương năng suất thấp. Năm 1995 tổng đàn bò của huyện là 32.928 con, tăng 8.928 con so với năm 1991, đàn heo toàn huyện có 24.528 con, trong đó heo lai chiếm 20% tổng đàn. Trong năm năm đàn heo của huyện tăng 5.828 con. Đàn dê của huyện phát triển mạnh, năm 1995 có 1750 con, huyện từng bước đưa giống dê bách thảo vào nuôi để cải tạo giống dê địa phương. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đưa giống mới vào để lai tạo đàn gia súc được bà con nông dân hưởng ứng, đã tạo ra năng suất, chất lượng và hiệu quả tăng lên rõ rệt, từng bước đưa ngành chăn nuôi trở thành một trong những ngành sản xuất hóa chính của địa phương.
Bằng nguồn vốn của dự án 327 “ phủ xanh đất trống đồi núi trọc” huyện đã triển khai trồng mới được 2298 ha rừng, chủ yếu bằng cây điều. Đã tiến hành quy hoạch giao khoán cho 153 hộ dân quản lý bảo vệ 5657 ha rừng. Huyện duy trì khai thác hàng năm từ 2.500 đến 3.000 m3 gỗ để chế biến và bán ra thị trường tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương. Tuy nhiên, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn huyện triển khai thiếu đồng bộ, hiệu quả thấp. Nạn phá rừng làm nương rẫy diễn ra khá phổ biến ở nhiều nơi làm cho vốn rừng giảm dần, diện tích đất trống đồi núi trọc tăng nhanh. Diện tích trồng rừng tăng chậm. Việc thực hiện chủ trương giao đất khoán rừng cho các đơn vị và hộ gia đình triển khai chậm. Hiệu quả kinh tế lâm nghiệp còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của huyện.
Công tác định canh định cư được Huyện uỷ thường xuyên quan tâm lãnh đạo. Từ khi có nghị quyết 22 của Bộ Chính trị ( khoá VII ) và Quyết định số 72 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã gắn công tác định canh định cư, với tổ chức lại sản xuất, thực hiện giao đất, giao rừng, phát triển ngành nghề, chăm lo giáo dục, y tế, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Đến cuối năm 1995, huyện đã xây dựng, củng cố định canh, định cư gắn với xây dựng nông thôn mới được 84/117 thôn buôn. Đời sống của đại bộ phận đồng bào sau khi định canh, định cư đã dần ổn định, nhiều hộ đã vượt qua phương thức sản xuất tự túc, tự cấp trở thành những hộ sản xuất hàng hoá.
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện tuy còn nhỏ nhưng đã cố gắng vươn lên khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất và đứng được trong cơ chế mới. Huyện xúc tiến sắp xếp lại tổ chức bộ máy, đào tạo lại cán bộ công nhân, xây dựng lại phương án sản xuất kinh doanh, trang bị thêm một số máy móc cho các đơn vị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của địa phương. Ngoài xí nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng huyện, nhà nước đã liên doanh với một số hộ gia đình sản xuất gạch ngói, đã đáp ứng cơ bản nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Riêng năm 1995, sản lượng sản xuất tại địa phương đạt 630000 viên, ngói 93000 viên. Xí nghiệp vật liệu xây dựng đã nộp cho ngân sách 16 triệu đồng. Ngành điện được đầu tư, tăng thời gian phát điện từ 4 giờ lên 10 giờ/ngày phục vụ tốt hơn cho yêu cầu sản xuất và sinh hoạt. Nhà máy nước tại thị trấn Phú Túc đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng cung cấp nước hàng năm đạt 5160m3­­. Tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề thủ công ở các hộ gia đình phát triển khá. Nhiều gia đình đã bỏ vốn đầu tư mua sắm thiết bị máy móc, mở các cơ sở xay xát, sửa chữa cơ khí, điện máy, nhất là ở thị trấn Phú Túc và các xã ven đường quốc lộ 25. Đã hình thành được xưởng gia công chế biến gỗ ván lạng tại Phú Túc, giải quyết việc làm cho hơn 50 lao động.
Thương mại, dịch vụ phát triển, hàng hoá chu chuyển trong huyện ngày càng phong phú, thông suốt. Khi chuyển sang cơ chế thị trường, thương nghiệp quốc doanh gặp khó khăn lớn trong hoạt động kinh doanh, không cạnh tranh nổi với tư nhân, dẫn đến làm ăn thua lỗ. Huyện tiến hành giải thể ba đơn vị thương nghiệp quốc doanh, sắp xếp lại tổ chức, thực hiện phương án kinh doanh mới, công ty bước đầu làm ăn có hiệu quả và nạp được ngân sách cho nhà nước.
Cùng với những kết quả đạt được ban đầu, đến năm 1995, nhìn tổng thể nền kinh tế huỵên Krông Pa vẫn mang nặng tính chất nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Kinh tế hàng hoá chưa phát triển ở các xã vùng sâu, vùng xa. Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm so với yêu cầu đặt ra. Chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện còn chậm, tỷ trọng nông nghiệp trong nền kinh tế còn lớn, chiếm hơn 80%. Việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế, nên năng suất và hiệu quả kinh tế còn thấp. Ngân sách của huyện mất cân đối lớn, thu không đủ chi, phần lớn do ngân sách tỉnh hỗ trợ.
Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong sản xuất nông nghiệp, đường giao thông chậm cải thiện, do vốn đầu tư còn hạn chế. Các thành phần kinh tế đang hình thành và cạnh tranh gay gắt, kinh tế quốc doanh và tập thể mất vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Việc điều tiết lưu thông hàng hoá gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu dùng.
Đi đôi với phát triển kinh tế, huyện đã quan tâm đúng mức đến việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển các lĩnh vực văn hoá - xã hội. Các hoạt động văn hoá thông tin, phát thanh tuyền hình, chiếu phim, văn nghệ quần chúng được tăng cường, góp phần quan trọng đưa đường lối chính sách đổi mới đến với nhân dân, hướng dẫn tổ chức xây dựng đời sống văn hoá mới, bài trừ mê tín dị đoan, các hủ tục lạc hậu. Đến năm 1995, đã phủ sóng truyền hình đến hầu hết các xã, thị trấn của huyện, hệ thống truyền thanh mở rộng đến các xã. Đội chiếu phim số 7 khắc phục khó khăn, hàng năm tổ chức trên 300 buổi chiếu phim phục vụ đồng bào ở các buôn, thôn. Huyện đã cơ bản xoá buôn trắng về phim ảnh. Năm 1995, ngành văn hoá huyện đã phối hợp với trung tâm đào tạo bồi dưỡng mở một lớp tập huấn nghiệp vụ văn hoá thông tin cho 20 cán bộ làm công tác văn hoá thông tin cơ sở. Hàng năm huyện đã tổ chức nhiều đợt liên hoan văn nghệ quần chúng nhân các ngày lễ lớn, qua đó khơi dậy phong trào văn hoá văn nghệ ở các cơ quan, đơn vị và cơ sở. Hoạt động quản lý văn hoá và dịch vụ văn hoá được triển khai thường xuyên. Qua các năm huyện tổ chức nhiều đợt kiểm tra các hoạt động dịch vụ karaôkê, kinh doanh văn hoá phẩm, phát hiện thu giữ nhiều băng hình có nội dung đồi truỵ, kích động bạo lực. Thư viện huyện được củng cố, đến năm 1995, thư viện có 3.609 đầu sách, phục vụ cho 11.506 lượt bạn đọc.
Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân các cấp đã quan tâm chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, nhờ vậy, công tác giáo dục và đào tạo của huyện có bước ổn định và có bước phát triển mới. Hệ thống trường lớp phát triển đa dạng, quy mô được mở rộng. Năm học 1995-1996, toàn huyện có 23 trường với 13.500 học sinh, tăng 6 trường và 6.966 học sinh so với năm 1991. Hầu hết các thôn buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đều có lớp học, có sở vật chất trường lớp phục vụ dạy và học được quan tâm đầu tư xây dựng. Huyện đã xoá được làng trắng về giáo dục và hạn chế được lớp học ca 3. Riêng trong hai năm 1994, 1995 bằng nguồn ngân sách địa phương và huy động sự đóng góp của nhân dân, huỵên đã đầu tư 1tỷ 598 triệu đồng xây dựng mới 80 phòng học, đầu tư hàng trăm triệu đồng để đóng mới, sửa chữa bàn ghế giáo viên và học sinh, xây dựng hệ thống thư viện trường học, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy và học. Ngành giáo dục huyện có nhiều giải pháp cụ thể để huy động trẻ trong độ tuổi đến trường. Giai đoạn 1991 -1995, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp trung bình hàng năm đạt 80%. Chất lượng dạy và học từng bước được nâng lên. Tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp các cấp và chuyển cấp đạt cao và thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp ngày càng nhiều. Công tác bổ túc văn hoá, phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ được duy trì thường xuyên. Đến năm 1995, huyện có 6/14 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học- chống mù chữ. Tuy nhiên, công tác giáo dục và đào tạo của Krông Pa giai đoạn này vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp vẫn còn thấp, mới đạt khoảng 20% trẻ trong độ tuổi chưa được đến trường. Tỷ lệ học sinh phổ thông bỏ học còn cao, hàng năm chiếm tới 10%. Trình độ của đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên được đào tạo cấp tốc, giáo viên làng còn rất thấp, đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Trường lớp tuy được quan tâm đầu tư, nhưng do số lượng học sinh tăng nhanh, nên tình trạng thiếu lớp học, phải học 3 ca vẫn còn khá lớn.
Công tác sức khoẻ nhân dân ngày càng được chăm lo tốt hơn. Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố, 100% số xã thị trấn có cán bộ y tế hoạt động, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chăm sóc sưc khoẻ ban đầu cho nhân dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được cải thiện một bước. Riêng năm 1995, ngành y tế huyện được đầu tư mua mới 1 máy chụp Xquang, 1 xe cứu thương, 4 kính hiển vi...Các chương trình y tế quốc gia và công tác điều tra phát hiện, quản lý các bệnh xã hội được triển khai thường xuyên. Tổ chức tiêm chủng mở rộng cho trẻ em hàng năm đạt trên 90%, tiêm phòng uốn ván cho phụ nữ có thai đạt trung bình khoảng 85% . Sốt rét trên địa bàn huyện bước đầu được ngăn chặn, hạn chế và đẩy lùi. Hàng năm, y tế huyện đều phối hợp với các trung tâm chuyên ngành của tỉnh tiến hành điều tra bệnh lao, phong, da liễu.. tại các xã, thị trấn để phát hiện, quản lý và điều trị kịp thời. Công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình có bước phát triển mới. Tất cả 14/14 xã thị trấn của huyện đều có cán bộ chuyên trách dân số, toàn huyện có 135 cộng tác viên dân số ở các thôn buôn, việc tuyên truyền thực hiện kế hoạch hoá gia đình được triển khai sâu rộng. Nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, trong đó có các cặp vợ chồng đồng bào dân tộc chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của huyện năm 1995 là 2,4%, giảm 0,3% so với năm 1991. Tuy nhiên, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân của huyện còn yếu kém. Phong trào vệ sinh phòng bệnh, vệ sinh môi trường triển khai chưa hiệu quả. Chất lượng khám chữa bệnh ở cả bệnh viện huyện và tuyến y tế cơ sở còn thấp. Trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh còn thiếu và lạc hậu. Trình độ của đội ngũ y bác sỹ, nhất là ở tuyến cơ sở còn thấp. Công tác quản lý và điều trị các bệnh xã hội hiệu quả còn thấp, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng rất cao, lên đến 42% vào năm 2005.
Xác định hai nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ mới là xây dựng đất nước và bảo vệ tổ quốc, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, công tác quốc phòng an ninh được Đảng bộ huyện quan tâm lãnh đạo chỉ đạo sâu sát. Trong các thời kỳ đại hội IX, X, XI Đảng bộ huyện chủ trương : Phát động và giữ vững phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc. Trên cơ sở sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chuyên chính  kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu và hành động phá hoại nhiều mặt của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác. Giữ gìn trật tự an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, bảo vệ sự bình yên ở các thôn buôn.
Tích cực xây dựng thực lực cách mạng ở cơ sở, chăm lo đời sống đồng bào. Kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chuẩn bị phương án động viên khi cần thiết, xây dựng phương án sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu tốt để bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền trong mọi tình huống. Phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tính tích cực cách mạng của khối đại đoàn kết toàn dân. Tăng cường phối hợp giữa hai lực lượng quốc phòng và an ninh trong cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh trật tự. Kết hợp đấu tranh của các lực lượng vũ trang và đấu tranh chính trị, tổ chức bóc gỡ cơ sở địch trong dân, đánh địch liên tục giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Cơ bản giải quyết vấn đề FULRO trên địa bàn theo các yêu cầu: đánh bật FULRO ra khỏi địa bàn, không để người dân của huyện ra rừng theo FULRO, không nghe địch tuyên truyền, xoá sạch cơ sở ngầm của địch trong dân.
Tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang và bán vũ trang tại chỗ. Xây dựng lực lượng công an trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng xung kích trên mặt trận an ninh trật tự. Chú trọng công tác giáo dục chính trị trong các lực lượng vũ trang. Quản lý chặt chẽ quân dự bị động viên, dân quân tự vệ, tổ chức tốt các đợt huấn luyện kỹ chiến thuật theo yêu cầu chuyên môn thường xuyên hàng năm.
Làm tốt công tác bảo vệ an ninh tổ quốc, bảo vệ nội bộ. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng văn hoá...Giữ vững trật tự trị an, an toàn xã hội, chủ động đập tan âm mưu “diễn biến hoà bình” của địch, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm hình sự. Phát hiện và xử lý kịp thời các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội.
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh tổ quốc,củng cố và xây dựng quốc phòng trong tình hình mới, Huyện uỷ chỉ đạo các ngành, các xã tăng cường giáo dục quốc phòng toàn dân, giáo dục luật nghĩa vụ quân sự, ra sức củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các lực lượng vũ trang và công an nhân dân về mọi mặt. Huyện chỉ đạo củng cố lực lượng dân quân tự vệ ở các xã. Tiến hành phúc tra, phân loại, quản lý quân dự bị động viên. Đến năm 1994, toàn huyện có 935 dân quân tự vệ ở các cơ quan và các xã, chiếm 2% dân số. Toàn huyện có 134 quân dự bị động viên, công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu được triển khai thường xuyên hàng năm. Riêng năm 1995, huyện đã tổ chức huấn luyện và kiểm tra 16 cán bộ xã đội, 822 dân quân, 1 trung đội quân cơ động, 82 dân quân trinh sát, 36 dân quân binh chủng. Sau đợt huấn luyện tổ chức bắn đạn thật có 65% đạt loại khá, huyện đội cũng đã tổ chức huấn luyện quân sự cho 98 học sinh trung học phổ thông.
Mặc dù bị đánh rã vào cuối năm 1985, nhưng trên địa bàn huyện thời kỳ 1986-1995, bọn phản động FULRO vẫn ngấm ngầm hoạt động chống phá cuộc sống bình yên của nhân dân. Chúng tổ chức móc nối xây dựng cơ sở một số buôn, tổ chức cài cắm cơ sở trong dân, tiến hành tuyên truyền chống phá cách mạng. Trước tình hình trên, triển khai thực hiện Nghị quyết 60 của Bộ Chính trị về nhiệm vụ quốc phòng và an ninh quốc gia trong tình hình mới và Chỉ thị 135 của Hội đồng Bộ trưởng về truy quét các loại tội phạm hình sự, Huyện uỷ đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang phối hợp với các ngành hữu quan, với mặt trận và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền phát động quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, không nghe và không làm theo các luận điệu tuyên truyền của bọn phản động. Các lực lượng vũ trang huyện tổ chức nhiều đợt truy quét bọn FULRO. Tiêu biểu như trận đánh FULRO ngày 04-4-1991. Được sự chỉ đạo của Thường trực huyện ủy, ngày 3-4-1991 một tổ công tác của huyện đội gồm 8 đồng chí do trung tá Rơ Ô Cheo, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện dẫn đầu lên đường tiến hành truy quét một toán FULRO đang hoạt động tại địa bàn xã Ia Rmok. Sau một ngày hành quân, dọc đường tổ công tác bất ngờ gặp toán FULRO trên. Bằng sự mưu trí và dũng cảm tổ công tác đã tiêu diệt 2 tên và làm bị thương 1 tên, thu 1 súng Ak với 60 viên đạn và một M79 với 14 viên đạn, cùng nhiều tài liệu quan trọng. Sau trận đánh này huyện tiếp tục truy kích gọi hàng một tên, phát động kêu gọi đầu thú 21 cơ sở ngầm FULRO và 66 đối tượng có tiếp xúc, gặp gỡ nhận nhiệm vụ của FULRO. Đến năm 1992, trên địa bàn huyện không còn sự hoạt động của lực lượng FULRO có vũ trang. Đến năm 1994, huyện đã cơ bản đánh bại được âm mưu xâm nhập, móc nối cơ sở, xây dựng lực lượng chống phá lâu dài của bọn FULRO.
Huyện uỷ thường xuyên chỉ đạo các ngành, các xã phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng lực lượng dân quân, công an cơ sở vững mạnh để giữ gìn an ninh trật tự trong tình hình mới. Toàn huyện đã xây dựng được 237 tổ an ninh nhân dân ở các khu dân cư. Phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, có tác dụng thiết thực trong hoạt động bóc gỡ cơ sở ngầm FULRO, phát hiện và tố giác các loại tội phạm, bảo vệ trật tự an toàn xã hội tại khu dân cư. Các tổ an ninh nhân dân đã kịp thời hoà giải các vụ tranh chấp, xích mích, mẫu thuẫn trong dân. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, quần chúng ở các xã đã tích cực, chủ động cung cấp nhiều tin tức có giá trị cho chính quyền và lực lượng công an về hoạt động của bọn tội phạm, bọn phản động để các lực lượng truy quét, bóc gỡ kịp thời.
Giai đoạn 1986-1995, công tác quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng lực lượng vũ trang, an ninh cơ sở được chú trọng. Thông qua các đợt truy quét FULRO và các loại tội phạm đã góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện. Huyện đã làm tốt công tác củng cố quốc phòng an ninh với xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, thời kỳ này tình hình trật tự an toàn xã hội của huyện vẫn còn diễn biến phức tạp. Các vụ trọng án như giết người cướp của, lừa đảo, xâm phạm tài sản công dân, tài sản xã hội chủ nghĩa có chiều hướng gia tăng. Tham nhũng, suy đồi đạo đức, lối sống…đang là những vấn đề nóng bỏng. Kỷ cương pháp luật chấp hành chưa nghiêm, là nhân tố ảnh hưởng lớn đến niềm tin của nhân dân vào Đảng, nhà nước và công cuộc đổi mới. Những vấn đề nổi cộm này sẽ tiếp tục được Đảng bộ huyện lãnh đạo giải quyết ở những năm tiếp theo trong tiến trình thực hiện đường lối đổi mới.
III-TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC XÂY DỰNG ĐẢNG, CHÍNH QUYỀN, MẶT TRẬN VÀ CÁC ĐOÀN THỂ QUẦN CHÚNG VỮNG MẠNH
Cùng với chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh, công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ Krông Pa xác định là nhiệm vụ then chốt. Trong 10 năm thực hiện đường lối đổi mới, triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương và của tỉnh, công tác xây dựng Đảng của huyện tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Trong lĩnh vực tư tưởng, tiến hành đổi mới tư duy trong mọi hoạt động của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, trước hết là đổi mới tư duy về kinh tế. Gìn giữ và nâng cao phẩm chất cách mạng của cán bộ, đảng viên, bồi dưỡng tinh thần yêu quê hương, yêu chủ nghĩa xã hội, khơi dậy ý chí cách mạng của quần chúng nhân dân. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện tư tưởng lệch lạc, chống lại các luận điệu phản tuyên truyền, tạo sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng và trong nhân dân. Đổi mới công tác tổ chức, công tác cán bộ của Đảng. Đổi mới phong cách làm việc, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nâng cao chất lượng đảng viên và hoạt động của các tổ chức cơ sở đảng, cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng. Xây dựng Đảng bộ huyện và các tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh. Kiên quyết đưa ra khỏi đảng những đảng viên thoái hóa, biến chất.
Huyện ủy đã tích cực chỉ đạo tuyên truyền, quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội các cấp, theo tinh thần Chỉ thị số 02-CT/TU, ngày 14/11/1986 của Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum về “tổ chức quán triệt và thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX”. Huyện uỷ chủ trương quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp cần xây dựng cho cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở có tinh thần trách nhiệm cao, vượt khó vươn lên, quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm chuyển biến căn bản tình hình mọi mặt. Tất cả cán bộ, đảng viên phải có nhận thức thống nhất, nói đi đôi với làm, nói và làm theo Nghị quyết. Chống tư tưởng giao động, hoài nghi, tiêu cực, bảo thủ, nói không đi đôi với làm. Trong những tháng cuối năm 1986 và đầu 1987, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Huyện lần thứ IX, nhận thức của cán bộ, và đảng viên trong huyện có chuyển biến tích cực. Các quan điểm đổi mới của Đảng từng bước được cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn. Đây là cơ sở quan trọng để từng bước triển khai thực hiện đường lối của Đảng trên địa bàn huyện.
  Trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, những khó khăn chung của đất nước và địa phương, một bộ phận án bộ, đảng viên và nhân dân tư tưởng bị giao động, hoài nghi, thiếu tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào công cuộc đổi mới và tiền đồ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Quan tâm đặc biệt đến công tác tư tưởng, Huyện uỷ đã tổ chức các đợt học tập các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng như Nghị quyết Trung ương 7 (khoá VI) về “một số vấn đề cấp bách về công tác tư tưởng trước tình hình trong nước và quốc tế hiện nay”; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII, Nghị quyết Trung ương III (khoá VII) “về đổi mới và chỉnh đốn Đảng”… đạt kết quả tốt. Qua các lớp học tập, quán triệt Nghị quyết, đảng viên, cán bộ và nhân dân của huyện được cung cấp những thông tin cần thiết về tình hình quốc tế và trong nước, thấy rõ những âm mưu, luận điệu chống phá cách mạng của các thế lực thù địch; nhận thức rõ những chủ trương, đường lối của Đảng trong lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn thách thức, từng bước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Nhờ được tuyên truyền tốt nên niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng vào sự nghiệp đổi mới từng bước được củng cố.
  Nhằm nâng cao trình độ lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngang tầm với nhiệm vụ mới, Đảng bộ huyện tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 04-NQ/TW của Bộ Chính Trị (khoá VI) “về cuộc vận động làm trong sạch và nâng cao sức chiến đấu của tổ chức Đảng và bộ máy nhà nước, làm lành mạnh các quan hệ xã hội”, và Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VII) “về đổi mới và chỉnh đốn Đảng”. Được sự chỉ đạo chặt chẽ của Huyện uỷ, các tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn huyện đã triển khai tốt các đợt phê bình và tự phê bình nghiêm túc trong nội bộ đảng và hằng năm thường xuyên tổ chức góp ý xây dựng cán bộ, đảng viên và tổ chức cơ sở đảng. Huyện uỷ chỉ đạo củng cố kiện toàn các tổ chức các cơ sở đảng yếu kém có nguyên nhân từ nội bộ mất đoàn kết, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ như: Đảng bộ thị trấn Phú Túc, Ia Siơm, Phú Cần, Ia Mlah, Krông Năng. Triển khai phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các quy chế hoạt động của các loại hình tổ chức cơ sở đảng theo các qui định 49, 50, 51, 52, 54 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá VII), nhiều tổ chức cơ sở đảng của huyện đã cụ thể hoá thành quy chế riêng của đơn vị mình và hoạt động có hiệu quả. Qua việc đưa các quy chế vào áp dụng thực tiễn đã giúp cho các cấp uỷ và từng đảng viên hiểu rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và mối quan hệ của tổ chức mình với các cơ quan, đơn vị cấp trên, cấp dưới và các cơ quan hưu quan. Đồng thời xác định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng, với sự điều hành quản lý của nhà nước và công tác vận động quần chúng của các đoàn thể nhân dân. Trong quá trình lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, huyện luôn xác định lấy nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội làm trung tâm, nhiệm vụ xây dựng Đảng làm then chốt. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, nên công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh trong Đảng bộ Krông Pa có những chuyển biến tích cực. Năm 1986, Đảng bộ huyện có 26 tổ chức cơ sở đảng, qua phân loại, có 3 tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh, chiếm tỷ lệ 11,5%, 19 cơ sở đảng đạt loại khá chiếm 73,1%, có 4 cơ sở xếp loại yếu kém, chiếm 15,4%. Đến năm 1995, toàn đảng bộ có 31 tổ chức cơ sở đảng được phân loại, kết quả có 4 đơn vị đạt trong sạch vững mạnh, chiếm 12,9%; 25 cơ sở được xếp loại khá chiếm tỷ lệ 80,6%, có 2 cơ sở xếp loại yếu kém, chiếm 6,5%. Đối với đảng viên, kết quả phân loại năm 1995, tỷ lệ đảng viên loại I đạt 65,74%, tăng 20,7% so với năm 1992; số đảng viên năng lực còn hạn chế giảm từ 50% năm 1992 xuống còn 31,1% năm 1995; số đảng viên có vi phạm giảm từ 5,3% năm 1992 xuống còn 3,5% năm 1995.
  Công tác kiểm tra đảng được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Hàng năm đã tổ chức phân loại tổ chức cơ sở đảng và đảng viên. Đã nghiêm túc kỷ luật, kiểm điểm đảng viên và tổ chức cơ sở đảng vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng, vi phạm Điều lệ Đảng và pháp luật của nhà nước. Riêng trong thời kỳ 1991-1995 đã tổ chức kiểm tra 305 đảng viên có dấu hiệu vi phạm, xử lý kỷ luật khai trừ ra khỏi đảng 6 đảng viên, cảnh cáo 9 đảng viên, khiển trách 7 đảng viên, xoá tên 20 đảng viên và miễn sinh hoạt cho 20 đồng chí đảng viên tuổi cao, sức yếu. Kết quả kiểm tra đã góp phần giữ vững kỷ luật của đảng, nâng cao phẩm chất đạo đức và năng lực của đảng viên, cũng cố tổ chức đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.
Nhằm tăng cường sức mạnh của Đảng và tạo nguồn kế cận, trong những năm đầu đổi mới huyện uỷ đã quan tâm đúng mức đến công tác phát triển đảng viên mới và đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Từ năm 1988 đến năm 1995, huyện đã kết nạp được 141 đảng viên mới. Năm 1986 đảng bộ huyện có 467 đảng viên, đến năm 1995 tăng lên 519 đồng chí. Đảng viên trong huyện thường xuyên được học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Từ đó đã nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong việc thực hiện và vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, cơ sở. Nổi bật trong thời kỳ này là đảng viên đi đầu trong việc triển khai thực hiện xoá đói, giảm nghèo, làm kinh tế vườn, phát triển kinh tế hàng hoá, chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các giống mới vào sản xuất.
Huyện đã có các giải pháp cụ thể để xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ như: xây dựng các văn bản chỉ đạo phân cấp quản lý cán bộ theo quy định của Trung ương; xây dựng đề án quy hoạch cán bộ từ trưởng buôn đến cán bộ chủ chốt của huyện; chuẩn bị tốt nhân sự để bổ nhiệm các chức danh phù hợp với trình độ năng lực; tiến hành khảo sát trình độ đội ngũ cán bộ các cấp, làm cơ sở để tiến hành quy hoạch cán bộ và có kế hoạch cử đi đào tạo bồi dưỡng. Riêng từ năm 1992 đến 1994 huyện đã cử 98 cán bộ đi học các lớp trung cấp, cao cấp, cử nhân chính trị; bố trí cho 275 cán bộ đi đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Các Ban Đảng của huyện đã mở được một số lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ công tác xây dựng đảng, công tác tư tưởng-văn hoá, vận động quần chúng cho cấp uỷ viên cơ sở.
Cùng với những kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng của huyện trong 10 năm đầu đổi mới vẫn còn bộc lộ một số yếu kém. Bộ máy Đảng kiện toàn, sắp xếp chậm, chất lượng, hiệu quả hoạt động còn hạn chế. Một bộ phận đảng viên, chi bộ, Đảng bộ cơ sở chấp hành điều lệ Đảng chưa nghiêm. Công tác cán bộ còn nhiều bất cập, việc quy hoạch, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ triển khai còn chậm. Năng lực và phẩm chất một số cán bộ, đảng viên chưa tương xứng với nhiệm vụ được phân công; một số giảm sút về tư tưởng cách mạng, ít chịu nghiên cứu học tập, rèn luyện để vươn lên trong công tác. Sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng giảm sút.
Trong những năm đầu đổi mới, thực hiện chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của dân, do dân và vì dân”, vai trò, vị trí của các cơ quan dân cử của huyện Krông Pa từng bước được nâng lên, đảm bảo sự lãnh đạo của đảng trong các cơ quan chính quyền. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng lề lồi làm việc và quy chế hoạt động, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân. Bước đầu thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước theo Hiến pháp và pháp luật. Huyện đã thành lập Đảng đoàn Hội đồng nhân dân và Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong cơ quan nhà nước. Bộ máy chính quyền huyện từng bước được củng có theo tinh thần Thông tư 79 và Quyết định 111 của Hội đồng Bộ trưởng. Năm 1991, huyện sắp xếp lại các phòng ban chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện từ 11 đơn vị xuống còn 7 đơn vị. Tổ chức rà soát, bố trí lại cán bộ và tinh giảm biên chế theo chỉ đạo của tỉnh. Năm 1989, khối Ủy ban huyện có 111 cán bộ, năm 1992 giảm xuống còn 50 người, đến năm 1994 còn 46 người. Việc giảm biên chế đã nâng cao chất lượng lao động, phát huy được trình độ năng lực của cán bộ. Sau khi sắp xếp lại tổ chức bộ máy và cán bộ, các cơ quan chính quyền của huyện đã phát huy được hiệu lực trong công tác, chất lượng làm việc được nâng lên, đã dần tiêu chuẩn hóa cán bộ theo chức danh công chức, viên chức. Các chủ trương của huyện ủy đã được chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả, tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững kỷ cương pháp luật, khắc phục dần tình trạng quan liêu xa rời quần chúng. Tuy nhiên, thời kỳ này ở huyện, trình độ quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô còn lúng túng; chưa xây dựng hoàn thiện chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của huyện dài hạn. Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân một số xã chất lượng hoạt động yếu, thiếu chủ động, sáng tạo trong công tác. Một số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và cấp xã chưa hoàn thành nhiệm vụ, chức trách của người đại biểu nhân dân.
Cùng với công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Huyện ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VI, Đại hội VII của Đảng: đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các tổ chức quần chúng, hướng về cơ sở, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia vào các phong trào cách mạng. Trong 10 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới, các cấp Mặt trận huyện Krông Pa đã tổ chức nhiều đợt sinh hoạt chính trị trong quần chúng nhân dân để tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Vận động nhân dân đổi mới phương thức làm ăn, xây dựng đời sống mới, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, phòng chống các tệ nạn xã hội và tuyên truyền phản bác các luận điệu phản động của các thế lực thù địch. Với nhiều hình thức sinh hoạt đa dạng phong phú đã thu hút hàng ngàn lượt người tham gia. Riêng năm 1995, Mặt trận huyện đã tổ chức 9 buổi tuyên truyền, học tập Nghị định 46 của Chính phủ quy định về hoạt động của tôn giáo với 711 lượt người tham dự; tổ chức 11 buổi học tập Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về đại đoàn kết dân tộc với 975 người tham gia…Thông qua các buổi, đợt sinh hoạt, Mặt trận các cấp một mặt tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, mặt khác đã tiếp thu các ý kiến, nguyện vọng của nhân dân góp ý với chủ trương chính sách của cấp ủy đảng, chính quyền và hoạt động của cán bộ, đảng viên để có kiến nghị đề xuất giải quyết kịp thời.
Công tác tham gia xây dựng, củng cố chính quyền các cấp của Mặt trận các cấp có bước phát triển mới. Các cuộc bầu cử quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp được tổ chức theo một quy trình thống nhất và có đổi mới nhằm bảo đảm và phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân. Đã xây dựng được quy chế về mối quan hệ công tác giữa Ủy ban Mặt trận huyện, xã với Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cùng cấp, bước đầu triển khai thực hiện có nề nếp. Các cấp mặt trận thường xuyên giữ mối liên hệ với nhân dân và các đại biểu dân cử, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân để phản ánh, đề xuất với các cơ quan dân cử các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn cơ sở. Từ năm 1988-1995, Mặt trận huyện và các xã đã tổ chức hàng trăm buổi đóng góp ý kiến dự thảo Hiến pháp, các văn bản luật, các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương với hơn 15.000 lượt người tham dự và đóng góp hơn 500 ý kiến. Mặt trận cũng đã thực hiện tốt công tác phê bình, góp ý kiến cho các đại biểu dân cử. Từ năm 1986 đến năm 1995, Mặt trận huyện đã kiến nghị bãi nhiệm 02 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 23 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Mặt trận và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào giúp nhau làm kinh tế, xây dựng đời sống mới, xóa đói giảm nghèo. Hướng dẫn và tạo điều kiện cho nhân dân, nhất là người nghèo vay vốn từ các nguồn 120, 327 và các nguồn vốn hỗ trợ giải quyết việc làm của các đoàn thể như cựu chiến binh, nông dân, thanh niên, phụ nữ để đầu tư cho sản xuất, phát triển chăn nuôi. Mặt trận các cấp đã phối hợp triển khai thực hiện các chính sách đền ơn, đáp nghĩa. Từ năm 1991 đến năm 1995, Mặt trận huyện đã vận động được 5 triệu đồng, lập 26 sổ tiết kiệm tặng 26 gia đình chính sách. Vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp xây dựng 5 ngôi nhà tình nghĩa trị giá gần 100 triệu đồng; sửa 35 ngôi nhà cũ cho các đối tượng chính sách và các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trị giá 80 triệu đồng. Đặc biệt, năm 1993, Mặt trận huyện đã phát động phong trào quyên góp ủng hộ nhân dân Cu Ba được 26 triệu đồng và ủng hộ đồng bào bị nạn do cơn bảo số 5 gây ra hơn 40 triệu đồng.
Công tác xây dựng, củng cố Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, hướng dẫn mọi hoạt động của Mặt trận tới các địa bàn dân cư được triển khai khá tốt. Mặt trận huyện tập trung củng cố Ủy ban Mặt trận xã, thị trấn. Đến năm 1995, Mặt trận huyện có 30 ủy viên, trong đó có 3 cán bộ thường trực chuyên trách. 14/14 xã, thị trấn đều thành lập được Ủy ban Mặt trận, có 14 chủ tịch chuyên trách. Tổng số ủy viên của Ủy ban Mặt trận cấp xã, thị trấn là 210 người. Toàn huyện đã thành lập được 82 tổ mặt trận; củng cố và xây dựng 187 tổ tự quản và thanh tra nhân dân trên địa bàn dân cư.
Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Krông Pa trong 10 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể  tổ chức nhiều đợt giáo dục truyền thống, triển khai các hoạt động hướng về nguồn nhằm nâng cao nhận thức của đoàn viên thanh, thiếu niên về truyền thống cách mạng vẽ vang của Đảng, của dân tộc và của đoàn thanh niên. Tích cực tuyên truyền vận động thanh niên tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội; tham gia thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Đoàn từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, giúp cho đoàn viên, thanh niên tiếp cận và hòa nhập nhanh với cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hưởng ứng các phong trào “thanh niên lập nghiệp”, tuổi trẻ giữ nước do Trung ương đoàn phát động. Ở khu vực nông thôn, đoàn các cấp đã làm tốt công tác vận động thanh niên tích cực tham gia lao động sản xuất, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi; tạo việc làm, tham gia vào các dự án phát triển kinh tế-xã hội của huyện như: dự án 327 về phủ xanh đất trống, đồi núi trọc; các dự án thuộc chương trình xóa đói giảm nghèo…Thanh niên huyện bằng nguồn vốn tự có và vốn vay ngân hàng đã đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi. Giai đoạn 1992-1996, thành lập các tổ nhóm giúp đỡ nhau 3.295 ngày công và 28 triệu đồng tiền mặt. Từ phong trào trên đã xuất hiện nhiều đoàn viên thanh niên tự vươn lên làm giàu chính đáng, có thu nhập hàng năm trên 20 triệu đồng, qua đó góp phần ổn định, nâng cao đời sống gia đình và làm ra nhiều sản phẩm hàng hóa cho xã hội.
Công tác phát triển đoàn viên mới được các cấp bộ đoàn thường xuyên chú trọng nhằm tăng số lượng và nâng cao chất lượng đoàn viên cho tổ chức cơ sở đoàn. Riêng trong 5 năm 1992-1996, huyện đã mở được 26 lớp đối tượng đoàn, bồi dưỡng cho 1.013 thanh niên tiêu biểu, kết nạp đựoc 828 thanh niên ưu tú vào đoàn. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ đoàn các cấp được quan tâm. Đã cử 63 cán bộ đoàn, hội, đội tập huấn chuyên môn nghiệp vụ tại tỉnh và Trung ương. Đoàn thanh niên huyện tích cực  bồi dưỡng, phát triển đoàn viên ưu tú để giới thiệu cho Đảng kết nạp. Thời kỳ 1989-1991, đoàn đã giới thiệu 57 đoàn viên ưu tú, được Đảng kết nạp 24 đồng chí; giai đoạn 1991-1996, đoàn đã giới thiệu được 349 đoàn viên ưu tú, được Đảng kết nạp 53 đồng chí vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Hội phụ nữ huyện đã tích cực tuyên truyền hội viên tham gia học tập các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước. Trong những năm đầu đổi mới, Hội phụ nữ đã gắn cuộc vận động “xây dựng người phụ nữ mới” với phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình. Các cấp hội từ huyện đến cơ sở đã vận động chị em giúp nhau vốn, giống cây con và lao động để phát triển kinh tế hộ gia đình. Riêng giai đoạn 1990-1995, các cấp hội trên địa bàn huyện đã vận động chị em có điều kiện kinh tế khá giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn 20 triệu đồng, 8 tấn lúa, 10 tấn bắp, 1,7 tấn đậu, 1 tấn mè giống và hàng ngàn ngày công, qua đó giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Ngoài nguồn vốn chị em giúp đỡ nhau, các cấp hội đã tín chấp để hàng trăm chị em vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất. Với vốn tương trợ và vay ngân hàng mỗi năm tăng thêm đã giúp chị em phát triển kinh tế gia đình.
Hội phụ nữ đã phối hợp với ngành y tế và các cơ quan tuyên truyền, giáo dục nâng cao hiểu biết của phụ nữ về chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình, chương trình tiêm chủng mở rộng và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em…Hội còn vận động phụ nữ thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội như vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, vận động chị em quyên góp tặng quà con em khi lên đường nhập ngũ, tổ chức thăm hỏi các gia đình thương binh, liệt sỹ nhân các ngày lễ tết…Tiêu biểu cho phong trào này là phụ nữ các xã Đất Bằng, Ia Mlah, Phú Cần, Chư Gu và thị trấn Phú Túc.
Trong 10 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Krông Pa đã phấn đấu đạt được một số kết quả ban đầu quan trọng: nhịp độ tăng trưởng kinh tế khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhất là giai đoạn 1991-1995, cơ chế quản lý có chuyển biến tiến bộ. Đi đôi với phát triển kinh tế, đã triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn trên địa bàn huyện được giữ vững. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được kiện toàn và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động. Đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân được cải thiện. Đến năm 1995, mặt dù tình hình kinh tế-xã hội của huyện đang còn những khó khăn, yếu kém cần khắc phục, song với những thành tựu đã đạt được bước đầu, đã tạo tiền đề quan trọng để huyện Krông Pa tăng tốc phát triển trong những năm tiếp theo.

 
Chương bảy
ĐẨY MẠNH CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI THEO HƯỚNG
CÔNG NGHIỆP HOÁ - HIỆN ĐẠI HOÁ
(1996 - 2007)
        
 I- TẬP TRUNG LÃNH ĐẠO PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NHÂN DÂN, CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG - AN NINH.
1- Lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội.
Sau 10 năm thực hiện đường lối đổi mới và 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng. Tuy đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội nhưng yêu cầu đặt ra cho Đảng bộ và nhân dân trong huyện tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước tạo ra tiền đề cần thiết chuyển sang thời kỳ mới phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, phấn đấu thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thực hiện Chỉ thị 51, ngày 9-3-1995 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, từ ngày 21 đến ngày 22 tháng 3 năm 1996, Đảng bộ huyện Krông Pa đã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XII. Đại hội đã đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội giai đoạn 1991-1995, trong đó GDP tăng bình quân đạt 7,9%; sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, cả trồng trọt và chăn nuôi, tổng diện tích gieo trồng đạt 19.370 ha. Bình quân lương thực đầu người đến cuối năm 1995 đạt 310 kg; GDP bình quân đầu người đạt 163 USD. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ nhưng đã có mức tăng hơn trước, các doanh nghiệp Nhà nước được sắp xếp lại phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Vai trò tự chủ của kinh tế hộ được khẳng định, nhiều gia đình bà con dân tộc thiểu số đã biết cách chuyển đổi cây trồng theo hướng sản xuất hàng hoá nên đời sống nhân dân ổn định và được cải thiện, số hộ đói giảm dần. Các hoạt động y tế, giáo dục, văn hoá được chăm lo phát triển, vai trò lãnh đạo của Đảng bộ được củng cố, nâng cao hiệu lực quản lý của chính quyền, an ninh quốc phòng được đảm bảo. Đó là những kết quả, thắng lợi ban đầu trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại hội cũng thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn hạn chế các mặt của huyện từ năm 1991-1995 là:
- Nền kinh tế vẫn còn mang tính chất nông nghiệp lạc hậu, kinh tế hàng hóa chưa phát triển. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm so với yêu cầu đặt ra.
- Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế còn chậm, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế nên năng suất, hiệu quả về kinh tế đạt thấp. Đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đáng kể, quản lý của chính quyền có mặt còn bị buông lỏng, thiếu sự hướng dẫn, điều tiết kịp thời và có những biện pháp quản lý cụ thể.
- Về giáo dục - đào tạo, cơ sở vật chất trường, lớp bị xuống cấp, công tác xoá mù chữ còn chậm. Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe chưa đáp ứng yêu cầu, 42% trẻ em bị suy dinh dưỡng. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao.
Đại hội đã thảo luận và quyết nghị về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, và các giải pháp chủ yếu sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ 1996-2000: Tiếp tục thúc đẩy sự phát triển kinh tế của huyện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn bằng cách chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế theo hướng nông - lâm - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Ổn định và phát triển sản xuất, nâng dần nhịp độ tăng trưởng và hiệu quả kinh tế - xã hội. Phấn đấu đưa tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt từ 9 -10%; trong đó sản xuất nông - lâm nghiệp tăng 10%; công nghiệp - xây dựng 25,7%; thương mại - dịch vụ 28,7%. Tỷ trọng GDP nông - lâm nghiệp của nền kinh tế đạt 72,2%; công nghiệp - xây dựng 14,6%; thương mại - dịch vụ 13,2%. Đến năm 2000 đạt được các chỉ tiêu cơ bản: Tổng diện tích gieo trồng đạt 20.000 ha, sản lượng lương thực quy thóc đạt 19.100 tấn, bình quân lương thực đầu người 350kg/năm. Phát triển chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, cùng với phát triển trồng trọt, phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân 10%.
Ổn định và từng bước cải  thiện đời sống nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần. Thu nhập bình quân người/năm đạt 270USD, không còn hộ đói; 50% số xã sử dụng điện lưới quốc gia. Xây dựng đủ số phòng học để thu hút số học sinh trong độ tuổi đến trường. Triển khai kế hoạch quy hoạch thị trấn và xây dựng nông thôn mới theo hướng đô thị hoá. Tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường nội thị và liên thôn, xã.
Giữ vững sự ổn định về chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng, đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng để chủ động đối phó với mọi tình huống diễn biến hoà bình của các thế lực thù địch, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội, lập lại kỷ cương thực hiện đúng pháp luật.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện gồm 33 đồng chí. Ban Chấp hành bầu ra Ban Thường vụ gồm 11 đồng chí. Đồng chí Rơchơm Bơm được bầu làm Bí thư Huyện uỷ, các đồng chí Nguyễn Minh Đẩu và đồng chí Huỳnh Thành được bầu làm Phó bí thư Huyện uỷ.
Bước vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đại hội lần thứ XII Đảng bộ huyện, tình hình quốc tế và trong nước diễn biến phức tạp, do cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực bùng nổ đã tác động xấu đến nền kinh tế cả nước. Tại Krông Pa hạn hán, lũ lụt liên tiếp xảy ra, giá cả các mặt hàng nông sản xuống thấp, dịch bệnh gia súc, gia cầm xảy ra trên diện rộng đã ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế của huyện.
Trước khó khăn trên, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo ổn định phát triển kinh tế - xã hội, xác định các loại cây trồng chủ lực theo hướng đảm bảo lương thực và tạo sản phẩm hàng hoá, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là các công trình thuỷ lợi, mở rộng kênh mương nội đồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đến năm 2000, nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội đã đạt và vượt theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện:
Nhịp độ tăng GDP bình quân 5 năm (1996-2000) là 11% cao hơn mức chỉ tiêu Đại hội XII Đảng bộ huyện đề ra 2%. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp hàng năm tăng 8,8%, chiếm tỷ trọng 69% trong tổng sản phẩm của huyện. Tổng diện tích gieo trồng là 25.670 ha, đạt 122,5% kế hoạch. Một số loại cây trồng chính tăng nhanh cả về diện tích năng suất và sản lượng so với năm 1995 như: thuốc lá vàng tăng 976%, ngô lai tăng 154%, lúa nước tăng 77%, sắn tăng 65%.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, bằng nhiều nguồn vốn huyện đã đầu tư nâng cấp và xây dựng một số công trình thuỷ lợi, mở rộng diện tích và phát huy năng lực tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp như đập Uar, trạm bơm điện Ia Rmok, hồ Phú Cần, hồ Chư Gu… Tuy nhiên kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng nông nghiệp của huyện, do việc thường xuyên phải chịu thiên tai, lũ lụt và hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Mặt khác, do phương thức canh tác lạc hậu, việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất của đồng bào dân tộc tại chỗ chậm, công tác khuyến nông chưa được triển khai thực hiện đồng bộ, giá cả nông sản bấp bênh, nên ảnh hưởng đến sự phát triển nông nghiệp của huyện.
Thực hiện mục tiêu từng bước đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác lai cải tạo đàn bò, đàn lợn để nâng cao chất lượng đàn gia súc. Phần lớn vốn các chương trình xoá đói giảm nghèo đều tập trung vào phát triển chăn nuôi. Năm 2000, đàn gia súc phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, với tổng đàn bò có 48.800 con, trong đó bò lai chiếm 19%; đàn heo 28.650 con.  Tuy nhiên, do dịch bệnh gia súc xảy ra liên tiếp nên ảnh hưởng đến tốc độ phát triển đàn gia súc.
Về lâm nghiệp, với 1.025 ha rừng tự nhiên, chiếm 71% diện tích của huyện, nên công tác quản lý, bảo vệ rừng được huyện uỷ đặc biệt quan tâm. Thực hiện Chỉ thị số 286, ngày 02-05-1997 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng” và Chỉ thị số 10, ngày 27-05- 1997 của Uỷ ban nhân dân tỉnh:“Về việc tổ chức kiểm tra, truy quét nạn phá rừng, buôn lậu lâm sản”, huyện đã triển khai thực hiện việc giao khoán quản lý, bảo vệ rừng. Lực lượng kiểm lâm tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra bảo vệ nên từng bước hạn chế nạn chặt phá rừng làm nương rẫy, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Tuy nhiên, do nhận thức của nhân dân về tầm quan trọng của nguồn tài nguyên rừng với môi trường sinh thái còn hạn chế, nên tình trạng khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản, đốt rừng làm nương rẫy trái phép vẫn còn xảy ra.
Công tác quản lý đất đai có bước chuyển biến tích cực, đã tiến hành quy hoạch, giao đất, lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho tổ chức và cá nhân. Công tác thanh tra, giải quyết đơn khiếu nại về tranh chấp đất đai được chú trọng. Tuy nhiên, tiến độ đo đạc, quy hoạch lập bản đồ và lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm và gặp nhiều khó khăn.
Về sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và xây dựng: giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 9,4% tổng sản phẩm của huyện; tốc độ tăng trưởng bình quân 16,2% năm. Toàn huyện có 7 xã có điện lưới quốc gia, gần 28% số hộ có điện. Ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của huyện quy mô nhỏ lẻ và chưa có sự chuyển biến rõ nét. Công nghiệp chế biến nông lâm sản chưa được đầu tư xây dựng, trong khi đó huyện có thế mạnh về nguồn nguyên liệu và lao động.
Thương mại - dịch vụ, đạt 163,6% tăng 12,7% so với năm 1995. Công ty thương mại huyện có nhiều cố gắng tiếp nhận và cung ứng các mặt hàng trợ giá, trợ cước và cho không đối với đồng bào vùng sâu, vùng xa. Các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được tạo điều kiện phát triển về quy mô và đa dạng loại hình, đáp ứng phần lớn nhu cầu sinh hoạt, đời sống của nhân dân trong huyện. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh chưa đi vào nề nếp, quản lý thiếu chặt chẽ và có những mặt hạn chế.
Lĩnh vực xây dựng cơ bản của huyện được quan tâm chỉ đạo. Hàng năm bằng nguồn vốn đầu tư của Trung ương và của tỉnh, nguồn ngân sách của huyện đã đầu tư nâng cấp, rải nhựa, hoặc san ủi mặt bằng một số tuyến đường nội thị và các tuyến đường liên xã, liên thôn như đường Hùng Vương, Bạch Đằng, Chư Ngọc, Mlah, Đất Bằng, Ia Siơm-Uôr, đường nội vùng trung tâm cụm xã Ia Hdréh và các cầu cống Mlah, Đất Bằng, Ia Rsai, Ia Hdréh, Krông Năng… Phương tiện vận tải hàng hoá và vận chuyển hành khách được nâng lên về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hoá và đi lại của nhân dân.
Hoạt động bưu chính viễn thông trên địa bàn huyện có bước phát triển, đã lắp đặt đưa vào hoạt động tổng đài điện thoại điện tử ở Trung tâm huyện và khu vực Lệ Bắc. Năm 2000, có 50% số xã có máy điện thoại, toàn huyện có 420 máy điện thoại đạt 0,76% máy/100 dân. Đã đưa vào sử dụng 4 điểm bưu điện văn hoá xã, phục vụ nhu cầu văn hoá và trao đổi thông tin của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
Lĩnh vực tài chính, ngân hàng bình quân hàng năm tăng 49%. Ngân sách hàng năm đều đạt kế hoạch được giao. Tổng thu ngân sách huyện năm 2000 là 3,16 tỷ đồng. Chi ngân sách tăng bình quân hàng năm là 133%. Chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện có nhiều cố gắng trong việc mở rộng mạng lưới tín dụng ở cơ sở, đa dạng hình thức huy động vốn để đầu tư phát triển sản xuất và cho vay vốn “Xoá đói giảm nghèo”. Tuy nhiên, tình hình thu ngân sách địa phương rất khó khăn, còn phụ thuộc hơn 70% vào điều tiết của tỉnh và Trung ương.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa VIII về “Tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục- đào tạo”, các cấp ủy Đảng đã quan tâm chỉ đạo, ngành giáo dục tập trung mọi nỗ lực đảm bảo sự ổn định và phát triển. Số lượng học sinh tăng nhanh, năm 1996 có 13.500 em, đến năm 2000 đã tăng lên là 16.504 em (trong đó có 9.720 học sinh dân tộc). Toàn huyện có 26 đơn vị trường học, với 678 cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học. Bình quân một vạn dân có 2.870 người đi học. Hơn 90% trẻ em trong độ tuổi được huy động đến trường. Năm 1998, huyện được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Cơ sở vật chất như trường, lớp được đầu tư xây dựng và nâng cấp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên phát triển về số lượng và từng bước được nâng cao về chất lượng. 85,5% giáo viên các cấp học, bậc học đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, năm 1996 chỉ đạt 50%. Tuy nhiên, chất lượng dạy và học của một số trường lớp ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn thấp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không cao. Nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, huyện chú trọng bồi dưỡng, đào tạo cán bộ ở cơ sở. Hàng năm có trên 1.000 cán bộ, đảng viên dự các lớp bổ túc văn hoá, lý luận chính trị và học tập quán triệt các Nghị quyết của Đảng, bồi dưỡng kiến thức quản lý, chuyên môn, nghiệp vụ và công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể.
Đảng bộ huyện luôn quan tâm chỉ đạo gắn phát triển kinh tế đi đôi với chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, tập trung tăng cường xây dựng đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh. Do vậy, chất lượng khám và điều trị bệnh được nâng lên, các chương trình quốc gia về y tế được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh sốt rét, bướu cổ, phong, lao… Tuy nhiên công tác y tế vẫn còn nhiều khó khăn hạn chế: mạng lưới y tế cơ sở còn thiếu thốn cả về trang thiết bị và cơ sở vật chất. Công tác tuyên truyền vệ sinh phòng dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng y, bác sĩ được tăng cường nhưng chưa đáp ứng nhu cầu (gần một vạn dân mới có một bác sĩ).
Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về “Dân số - Kế hoạch hóa gia đình”, Đảng bộ huyện đã có nhiều chủ trương nhằm hạn chế mức gia tăng dân số tự nhiên, thường xuyên tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân ý thức và tự giác thực hiện kế hoạch hóa gia đình, gắn công tác chăm sóc sức khỏe, bảo vệ bà mẹ trẻ, trẻ em. Do đó, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 2,4% (1996) xuống 2,34% (2000).
Trong công tác xoá đói giảm nghèo, huyện tiếp tục triển khai thực hiện tập trung ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng bằng các nguồn vốn: xoá đói giảm nghèo; định canh, định cư; giải quyết việc làm và chương trình 135. Các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao kỹ thuật về sản xuất nông nghiệp được đẩy mạnh. Từ đó, góp phần hạ tỷ lệ đói nghèo từ 73% (1996) xuống còn 25% (2000). Đời sống vật chất và tinh thần phần lớn nhân dân được cải thiện.
Phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ các thương binh, liệt sĩ, giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng được quan tâm. Trong 5 năm 1996-2000 đã sửa chữa 130 căn nhà đối tượng chính sách, xây dựng 2 nhà tình nghĩa, quy tập 20 mộ liệt sĩ về nghĩa trang liệt sĩ huyện. Các hoạt động từ thiện, phong trào tương thân, tương ái, ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai, lũ lụt được phát động kịp thời, rộng rãi và được các tầng lớp nhân dân, các tổ chức quan tâm hưởng ứng tích cực.
Về văn hoá thông tin - thể dục thể thao. Năm 2000, đã phủ sóng truyền thanh, truyền hình đạt 80% khu dân cư trên địa bàn huyện. Hàng năm huyện tổ chức nhiều giải thể dục thể thao, hội diễn văn nghệ thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn và hướng hoạt động văn hoá thông tin đến tận cơ sở. Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao về mặt hưởng thụ đời sống văn hoá, hoạt động của ngành Văn hoá - thông tin còn nhiều hạn chế, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) “Về xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” về các lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng, sưu tầm văn hoá dân gian, thông tin lưu động, cổ động trực quan, xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở và dịch vụ văn hoá trên địa bàn huyện chưa được cụ thể hoá thành những kế hoạch, biện pháp của các cấp chính quyền.
Qua 5 năm 1996-2000, cán bộ và nhân dân các dân tộc Krông Pa đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất về chính trị, tư tưởng, phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng do Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ huyện đề ra, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Đảng bộ tỉnh.
Để đánh giá những thành tựu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và phát huy những thành quả đạt được trên các lĩnh vực, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Krông Pa lần thứ XIII tiến hành từ ngày 20 đến 21-11-2000, có 100 đại biểu chính thức đại diện cho 816 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Đồng chí Nguyễn Vỹ Hà-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã về dự và chỉ đạo Đại hội. Đại hội đã đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ trong nhiệm kỳ qua, nhất là những thành tựu đã đạt được tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện vào sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước. Đại hội đã nghiên cứu thảo luận báo cáo Chính trị và báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá XII, đánh giá những thành tựu đạt được cũng như những hạn chế trong 5 năm 1996-2000.
Kinh tế của huyện đã có bước phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng đều tăng; thương mại - dịch vụ tăng. Tổng diện tích gieo trồng đạt 122,5% kế hoạch. Tổng sản lượng lương thực quy ra thóc là 20.686 tấn, bình quân lương thực đầu người là 331,6 kg/năm; đưa tỷ trọng nông - lâm nghiệp trong tổng sản phẩm từ 72,2% năm 1996 xuống còn 69% năm 2000.
Sự chuyển biến tích cực về các mặt văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục và thực hiện có hiệu quả các dự án định canh, định cư đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện. An ninh - quốc phòng được đẩy mạnh, hệ thống chính trị được củng cố và xây dựng vững chắc…
Đại hội cũng chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm, đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm so với tiềm năng, và điều kiện tự nhiên, lao động của huyện cơ sở hạ tầng về kinh tế - xã hội chưa được đầu tư phát triển đúng mức, quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực như tài nguyên rừng, đất đai… chưa được tốt, việc ngăn chặn và xử lý các tệ nạn xã hội hiệu quả còn thấp. Từ những kết quả đạt được và tồn tại yếu kém trên, Đại hội đã rút ra bài học kinh nghiệm sau:
- Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành thực hiện nhiệm vụ mục tiêu phải phù hợp các đặc điểm tình hình thực tế của địa phương. Đồng thời phát huy nội lực, ý thức tự lực, tự cường, khai thác có hiệu quả về thế mạnh, tiềm năng của huyện; đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ và đầu tư có trọng tâm, trọng điểm của Trung ương, của tỉnh. Kết hợp nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế với xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh vững mạnh.
- Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; đổi mới phương thức vận động quần chúng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại hội đề ra mục tiêu, phấn đấu trong nhiệm kỳ tới, đó là: Phát huy nội lực kết hợp tranh thủ mọi nguồn lực từ bên ngoài để thực hiện công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn, tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Quan tâm công tác giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá đi đôi với giải quyết những bức xúc về xã hội. Đến năm 2005, cơ bản xoá được hộ đói kinh niên, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 15%, tăng hộ khá, nâng mức tích lũy nội bộ nền kinh tế tạo tiền đề cho bước phát triển những năm tiếp theo.
Với những mục tiêu cụ thể sau:
- Tập trung phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Xây dựng và phát triển kinh tế hợp tác xã, khuyến khích kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển. Phấn đấu đưa chăn nuôi trở thành một trong những ngành sản xuất chính của huyện.
- Phấn đấu cải thiện đời sống vật chất và đời sống tinh thần cho nhân dân phù hợp với nhịp độ phát triển kinh tế. Ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, thực hiện kịp thời các chính sách xã hội.
- Phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân các dân tộc trong huyện và cả hệ thống chính trị để xây dựng cơ sở chính trị - xã hội vững mạnh và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn chặt với thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
- Chăm lo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh ngang tầm với vai trò nhiệm vụ trong giai đoạn mới, đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, góp phần tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Đại hội đã đề ra những chỉ tiêu và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của  huyện giai đoạn 2000-2005.
Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 11%. Trong đó, nông - lâm nghiệp tăng 9,4%; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng 20%. Thương mại - dịch vụ 11,1%. Bình quân thu nhập đầu người đạt khoảng 2.700.000 VNĐ. Tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế chung là: Nông - lâm nghiệp 64,2%; công nghiệp - xây dựng 14%; thương mại - dịch vụ 21,8%. Có kế hoạch đầu tư phát triển đưa chăn nuôi thành một trong những ngành sản xuất chính của huyện, chiếm tỷ trọng 25-30% tổng sản phẩm trong ngành nông nghiệp.
Phát triển có trọng điểm các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp có lợi thế so sánh, khả năng cạnh tranh như chế biến nông - lâm sản và sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp điện, nước, cơ khí và công nghiệp tiêu dùng. Phát triển các hình thức kinh tế hợp tác và hợp tác xã. Phát triển các thành phần kinh tế cá thể, kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại.
Đẩy mạnh công tác giáo dục, huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt 80% ở ngành mầm non, 95% ở bậc tiểu học; 60% ở bậc trung học cơ sở và 40% ở bậc trung học phổ thông. Có kế hoạch mở 10 lớp nhô để tiến tới thành lập trường phổ thông cấp 2-3 khu vực xã Ia Siêm-Chư Rcăm. Hoàn thiện việc phổ cập giáo dục trung học cơ sở cho thị trấn Phú Túc và một số xã có điều kiện.
Giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Cơ bản xoá hết hộ đói, giảm hộ nghèo xuống dưới 15%. Củng cố mạng lưới y tế ở cơ sở để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác khám, điều trị và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Phấn đấu hạ tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,9%.
Với tinh thần dân chủ và trách nhiệm, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khoá XIII nhiệm kỳ (2000-2005) gồm 32 đồng chí. Đồng chí Rơchơm Bơm được bầu làm Bí thư huyện uỷ; đồng chí Huỳnh Thành và đồng chí Phạm Ngọc Xuân được bầu làm Phó Bí thư. Bầu Ban Thường vụ huyện ủy gồm 11 đồng chí.
Sau Đại hội, Đảng bộ đã tập trung lãnh đạo theo hướng phấn đấu đạt các mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Đầu tư có trọng điểm, trọng tâm kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Quan tâm công tác giáo dục, y tế, văn hoá đi đôi với giải quyết những vấn đề về xã hội. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ Krông Pa trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, an ninh chính trị trên địa bàn Tây Nguyên và tỉnh Gia Lai đã xảy ra hai lần biểu tình, bạo loạn chính trị, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh gia súc xảy ra trên diện rộng, giá cả một số vật tư, hàng hoá thiết yếu tăng cao, đã tác động tiêu cực đến kinh tế- xã hội, quốc phòng- an nịn của huyện. Song với truyền thống đoàn kết vượt mọi khó khăn thử thách, trong 5 năm (2000-2005) Đảng, quân và dân các dân tộc trong huyện đã đạt được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng GDP toàn huyện giai đoạn 2000-2005 đạt 14,6%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2005 là 3.900.000 VNĐ đạt 146% Nghị quyết Đại hội đề ra.
 Cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với công nghiệp chế biến. Diện tích gieo trồng năm 2005 đạt 35.435 ha, tăng 9.865 ha so với năm 2000. Diện tích và sản lượng các loại cây trồng chính đều vượt kế hoạch như: thuốc lá vàng từ 648 ha (2000) đã tăng lên 2.130 ha (2005), cây điều từ 3.500 ha lên 6.500 ha, ngô lai đạt 8.715 ha, sắn từ 3.280 ha tăng lên 6.035 ha… Tổng sản lượng lương thực từ 10.034 tấn (2000) đã tăng lên 21.011 tấn (2005), bình quân lương thực đầu người năm 2005 đạt 327 kg vượt chỉ tiêu Đại hội XIII.
Cuộc vận động đồng bào dân tộc thực hiện định canh, định cư được Đảng bộ huyện thường xuyên quan tâm lãnh đạo. Từ khi có Nghị quyết 22- NQ/TW, ngày 27-11-1989 của Bộ Chính trị (khóa VI) “Về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi” và Quyết định 72- HĐBT, ngày 13-03-1990 của Hội đồng Bộ trưởng “Về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội” đã gắn cuộc vận động định canh, định cư với tổ chức lại sản xuất, thực hiện giao đất, giao rừng, phát triển ngành nghề, chăm lo công tác giáo dục, y tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm, bố trí sử dụng vốn định canh, định cư để ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc. Thực hiện Chương trình 132 của Chính phủ về “Giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số”, huyện đã tiến hành điều tra số hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất hoặc không có đất sản xuất, giải quyết cho 427 hộ.
Ngày 28-4-2003 Ban Thường vụ huyện ủy đã ban hành Chỉ thị 01-CT/HU “Về việc tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo”, xác định rõ: công tác xoá đói giảm nghèo là một nhiệm vụ kinh tế - xã hội hết sức khó khăn và phức tạp, vừa cấp bách, vừa lâu dài. Do đó, công tác xoá đói giảm nghèo phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện thường xuyên của Đảng. Phải huy động sức mạnh tổng hợp của các thành phần kinh tế, các đoàn thể và của cả cộng đồng, trên cơ sở lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, tạo điều kiện cho những hộ nghèo vươn lên bằng sức lao động của chính mình, nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội ổn định, bền vững góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đồng thời Ban Thường vụ cũng đánh giá, với sự đầu tư của Nhà nước, sự lồng ghép và phối hợp của các chương trình, dự án bằng nhiều nguồn vốn đầu tư theo các hình thức khác nhau như: đầu tư cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm; hỗ trợ về y tế, giáo dục, sản xuất đời sống, cung cấp tín dụng cho hộ nghèo… đã có tác động tích cực trong phát triển nông nghiệp nông thôn và nâng cao đời sống của nhân dân. Người nghèo đã có nhận thức đúng để tự vươn lên, biết tận dụng cơ hội và các điều kiện hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo từ 35,6% (2001) xuống còn 15,6% (2004) và ước giảm còn 13% vào cuối năm 2005 (theo tiêu chí cũ).
Về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn cũng có sự tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ước thực hiện trên 25,7 tỷ đồng. Các sản phẩm chủ yếu đều tăng so với trước, điện thương phẩm đạt 6,92 triệu KWh, nước sinh hoạt 226 ngàn m3. Ngành công nghiệp đã tập trung vào phát triển chế biến nông lâm sản, khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng. Thu hút được các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, nhà máy chế biến hạt điều. Nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác đá, cát, sỏi; cơ sở sơ chế thuốc lá và các dịch vụ gia công sửa chữa cơ khí, sản xuất nông cụ cầm tay được hình thành tạo việc làm cho hàng trăm người lao động trên địa bàn, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách, phát triển lực lượng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Kinh tế tư nhân, kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại đã được phát triển cả về số lượng, quy mô và hiệu quả, giải quyết được phần lớn việc làm, xoá đói giảm nghèo trong nhân dân. Trong phong trào đã xuất hiện nhiều gia đình có mô hình sản xuất kinh doanh giỏi với trên 100 hộ gia đình có thu nhập từ 100 triệu đến 150 triệu đồng/năm, có hàng trăm hộ thu nhập từ 50 triệu đến 100 triệu đồng/ năm.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, kinh tế - xã hội vùng nông thôn trên địa bàn có bước phát triển mạnh mẽ. Đến năm 2005, toàn huyện có 100% xã có điện lưới và trên 72% số hộ được sử dụng điện, 100% xã có đường ô tô đến các trung tâm xã; đã hoàn thành rải nhựa 3,6 km đường Quốc lộ 25 đoạn qua thị trấn Phú Túc; 14 km đường bê tông nông thôn tại 06 xã, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá của nhân dân.
Các hoạt động thương mại - dịch vụ, tài chính, ngân hàng có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Thực hiện Nghị quyết của Đảng về chính sách kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, Đảng bộ huyện luôn quan tâm tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện phát triển. Ngoài Công ty Thương mại huyện, năm 2005 toàn huyện có 10 doanh nghiệp và 1.184 hộ kinh doanh cá thể, đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện năm 2005 là hơn 60,05 tỷ đồng, trong đó thu trên địa bàn là 8,02 tỷ đồng, thu trợ cấp 46,34 tỷ, thu kết dư 5,6 tỷ.
Qua 5 năm (2000-2005), tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn là 243,1 tỷ đồng, bình quân hàng năm đầu tư 48 tỷ đồng. Trong đó, gồm vốn ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng, vốn đầu tư của doanh nghiệp và vốn đầu tư của người dân. Nguồn vốn đầu tư ngày càng đa dạng về cơ cấu và có sự chuyển dịch theo hướng chú trọng về vùng khó khăn, vùng trọng điểm và công trình trọng điểm. Đặc biệt là vốn đầu tư của chương trình 135, chương trình kiên cố hoá trường học, bê tông hoá giao thông nông thôn, các chương trình đầu tư cho phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, vốn đầu tư của các dự án và vốn ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho các công trình quan trọng trên địa bàn, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.
Mạng lưới thông tin liên lạc trên địa bàn huyện được mở rộng và từng bước hiện đại hoá, 100% số xã có điện thoại, đạt bình quân 22,9 máy/1000 dân, đã phủ sóng điện thoại di động và đưa dịch vụ internet vào khai thác.
Được sự quan tâm chỉ đạo và lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá tiếp tục có bước phát triển.
Về giáo dục - đào tạo: tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về “Chiến lược giáo dục - đào tạo trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước”. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã xác định: đối với một huyện vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp, phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn này là đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giáo dục từ huyện đến xã, thị trấn, thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, hoàn thành chuẩn hoá đội ngũ giáo viên theo hướng đảm bảo chất lượng, tạo cho được sự chuyển biến toàn diện về chất lượng giáo dục, đẩy lùi những hiện tượng tiêu cực, tạo môi trường giáo dục lành mạnh và hiệu quả. Đến năm 2005, toàn huyện có 33 đơn vị trường học với 18.499 học sinh và 805 cán bộ quản lý, giáo viên các cấp; có 11/14 xã, thị trấn có bậc học trung học cơ sở; giáo viên đạt chuẩn là 94,4%. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập trung học cơ sở cũng được chú trọng triển khai thực hiện. Đến cuối năm 2005, thị trấn Phú Túc và 2 xã đã hoàn thành phổ cập trung học cơ sở.
Hệ thống bệnh viện trung tâm, khu vực trạm xá xã được đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị; đội ngũ y bác sĩ tăng về số lượng và chất lượng. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân thực hiện có hiệu quả, góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân sốt rét, bướu cổ, phong, lao. Tỷ lệ trẻ em dưới một tuổi được tiêm chủng đạt 92%, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 49% (2001) xuống còn 29,8% (2005). Dân số trên địa bàn huyện đến năm 2005 là 64.254 người tăng 7.132 người so với năm 2000, bình quân mỗi năm tăng 2,3%. Nhờ triển khai tốt công tác truyền thông dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản và vận động thực hiện kế hoạch hoá gia đình, nên tỷ lệ tăng dân số giảm từ 2,21% (2001) xuống còn 2,01% (2005).
Trong năm năm (2000-2005), đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa từng bước được cải thiện, ý thức phấn đấu xây dựng đời sống văn hóa được nâng cao. Các tập tục lạc hậu đã giảm đáng kể. Ngành văn hóa thông tin - thể dục thể thao huyện đã có nhiều cố gắng trong công tác tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thông qua nhiều loại hình phong phú. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao với phương châm: “đưa xuống cơ sở, hướng về cơ sở” đã tạo nên những phong trào văn hóa văn nghệ - thể dục thể thao sôi nổi ở cơ sở. Đến cuối năm 2005, toàn huyện có khoảng 5.000 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 43,9% số hộ; 14 thôn, buôn văn hóa, chiếm tỷ lệ 11,3% số thôn, buôn. Trong vùng đồng bào dân tộc, đời sống văn hoá tinh thần từng bước cải thiện, Phong trào quần chúng tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao duy trì và phát triển. Đồng bào đã có ý thức trong việc bảo tồn, phát huy và giữ gìn các loại hình truyền thống văn hóa, ngành nghề truyền thống của dân tộc mình. Hoạt động văn hoá thông tin có nhiều tiến bộ, đưa được nhiều chương trình văn hoá thông tin về cơ sở; chất lượng, thời lượng truyền thanh, truyền hình ngày một tăng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân.
Phong trào đền ơn, đáp nghĩa, chính sách đối với người có công được huyện chú trọng và quan tâm, đã sửa chữa hoàn thiện 182 căn nhà cho các đối tượng chính sách, người có công trên địa bàn với tổng kinh phí 995 triệu đồng. Huyện đã tiến hành điều tra các xã và làng đặc biệt khó khăn theo quyết định 393 của Uỷ ban dân tộc miền núi. Về công tác thi đua, khen thưởng, huyện đã tổ chức thành công Hội nghị điển hình tiên tiến năm năm (2001-2005), hoàn thành việc trao 140 Huân chương kháng chiến. Với những thành tích đạt được trong công cuộc đổi mới, xây dựng phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng- an ninh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3. Phong trào thi đua yêu nước của Đảng bộ đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
Đối với công tác Mặt trận và các đoàn thể, cấp uỷ Đảng và chính quyền các cấp đã chú trọng lãnh đạo và chỉ đạo tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các phong trào do Mặt trận phát động. Qua năm năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” đã tạo sự chuyển biến về nhận thức động viên nhân dân tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trên địa bàn.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, XIII của Đảng bộ huyện, với sự cố gắng nỗ lực của nhân dân các dân tộc trong huyện, nền kinh tế đạt được những chỉ tiêu quan trọng, tạo được những tiền đề cho sự phát triển của huyện trong những năm tới. Cơ cấu kinh tế, được chuyển dịch đúng hướng, quan tâm vùng khó khăn, vùng trọng điểm trên cơ sở khai thác những lợi thế của từng vùng, từng loại nông sản. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá tiếp tục phát triển, các chính sách xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo, ngày càng được quan tâm thực hiện đã góp phần nâng cao trình độ dân trí, chăm sóc sức khỏe ban đầu, cải thiện đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân các dân tộc trên địa  bàn huyện.
2- Lãnh đạo công tác quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Do xác định vị trí chiến lược quan trọng của huyện đối với tỉnh và của cả Tây Nguyên nói chung, nên trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ chú trọng chỉ đạo phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh, xác định đảm bảo quốc phòng - an ninh là một trong nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.
Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII và XIII đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và các đoàn thể nhân dân. Không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã đi sâu xây dựng chương trình, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trong tình hình mới, tích cực xây dựng nền “Quốc phòng toàn dân” gắn chặt với “Thế trận an ninh nhân dân”. Công tác quốc phòng - an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, kết hợp chặt chẽ với phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật, chương trình giáo dục quốc phòng toàn dân, đưa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống của nhân dân.
Ban chấp hành Đảng bộ huyện chỉ đạo triển khai hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 17-12-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) “Về chiến lược an ninh quốc gia” trong tình hình mới và Nghị quyết 05, ngày 24-9-1998 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XI) về “An ninh nông thôn”. Xây dựng và hoàn chỉnh các phương án phòng thủ địa bàn trọng điểm, tổ chức diễn tập chống “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, nắm chắc diễn biến, hoạt động của các đối tượng để có phương án xử lý thích hợp. Từ đó tạo sự chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị. Công tác đảm bảo an ninh nông thôn gắn với phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư; phong trào tự quản. Vì vậy tình hình an ninh nông thôn cơ bản được ổn định, góp phần quan trọng vào việc đấu tranh chống lại các luận điệu tuyên truyền và âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Từ năm 1996 - 2005, trên địa bàn huyện tình hình tội phạm hình sự ở trên địa bàn thị trấn Phú Túc và các xã vùng ven có chiều hướng gia tăng và phức tạp. Xuất hiện một số tội phạm mới, trộm cắp cổ vật văn hoá dân tộc, buôn bán thuốc nổ... Các tập tục lạc hậu có hại cho sản xuất và đời sống như: ma lai, lặn nước, sải cây, chặt cổ gà, phạt vạ trở lại ở vài nơi, bên cạnh đó, một số vấn đề phức tạp như: tranh chấp, khiếu kiện, đòi đất đai, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội đã được huyện chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn kịp thời.
Từ năm 2000, trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và địa bàn Gia Lai nói riêng tình hình an ninh chính trị có nhiều diễn biến phức tạp, bọn phản động lưu vong tăng cường các hoạt động thực hiện âm mưu chống phá nước ta trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, chúng lập ra tổ chức phản động gọi là “Nhà nước Đê Ga”, “Tin lành Đê Ga”, tuyên truyền, lôi kéo quần chúng dân tộc theo chúng, kích động gây mâu thuẫn trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn nhiều huyện, thành phố, đặc biệt là kích động lừa phỉnh quần chúng tổ chức gây bạo loạn chính trị ở các tỉnh và các thôn làng.
Sau vụ việc ngày 02-02-2001 tại thành phố Pleiku đã tác động đến tư tưởng, gây hoang mang dao động trong một bộ phận quần chúng đồng bào dân tộc trên địa bàn Krông Pa. Số đối tượng cốt cán trong tổ chức phản động FULRO, Tin lành Đê Ga trên địa bàn đã ra sức củng cố, tổ chức lôi kéo người theo Tin lành Đê Ga với nhiều thủ đoạn lừa mị. Số cầm đầu móc nối với các đối tượng ở các địa bàn lân cận như: Ayun Pa, Ia Pa, sông Hinh (Phú Yên) và MĐrak (Đak Lak) để hoạt động phát triển tổ chức, liên lạc với đối tượng ở nước ngoài để chỉ đạo, lập danh sách người theo “Tin lành Đê Ga” và thu thập thông tin của công an và chính quyền để gửi sang Mỹ nhằm tố cáo Nhà nước ta đàn áp tôn giáo, đàn áp dân tộc.
Ngày 07-02-2001, trước tình hình phức tạp về an ninh chính trị trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị 01- CT/TU về “Phòng chống bạo loạn” nhằm giải quyết ổn định tình hình, ngăn chặn âm mưu của bọn phản động từ bên ngoài kích động các phần tử phản động trong nội địa hoạt động chống phá ta. Tiến hành nhiều biện pháp tích cực đấu tranh, triệt phá số cầm đầu và bóc gỡ các khung ngầm của bọn phản động, ngăn chặn hoạt động đưa đón người vượt biên, củng cố hệ thống chính quyền cơ sở; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhất là ở các địa bàn trọng điểm. Coi trọng phát triển kinh tế gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, tập trung chỉ đạo, xây dựng tiềm lực, xây dựng các cơ quan quân sự, đơn vị thường trực, lực lượng dân quân tự vệ, quân dự bị động viên vững về chính trị, nâng cao chất lượng hoạt động, khả năng sẵn sàng chiến đấu và hợp đồng tác chiến giữa các lực lượng. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng toàn dân được quan tâm, tinh thần cảnh giác cách mạng sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân được nâng lên. Ngay sau khi có Chỉ thị 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ huyện ủy đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng chống bạo loạn và đấu tranh xóa bỏ tổ chức phản động “FULRO -Tin lành Đê Ga”, tổ chức Hội nghị quán triệt, nội dung Chỉ thị trong cán bộ chủ chốt, đánh giá tình hình và dự kiến các tình huống có thể xảy ra gây mất ổn định chính trị trên địa bàn huỵên. Đồng thời xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp giải quyết các điểm nóng, những vấn đề mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, chỉ đạo lực lượng công an, quân sự xây dựng kế hoạch phòng và chống bạo loạn trên địa bàn huyện.
Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy, ngày 23-10-2003 Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa XIII đã họp và ra Nghị quyết 05-NQ/HU về “Xây dựng huyện Krông Pa thành khu vực phòng thủ “cơ bản, liên hoàn, vững chắc”, “bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa giai đoạn 2003-2010”. Việc xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ trên nền tảng của thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, phát huy sức mạnh tổng hợp, ngăn ngừa và đối phó có hiệu quả với mọi tình huống để bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn huyện. Quán triệt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ vững về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng - an ninh, nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động đập tan âm mưu “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
Tập trung xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh toàn diện, sẵn sàng đánh bại mọi âm mưu chống phá của kẻ thù, kể cả chiến tranh xâm lược, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nắm vững và tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” trong giai đoạn mới, dưới sự lãnh đạo, quản lý điều hành của cấp uỷ Đảng, chính quyền, phát huy vai trò tham mưu của cơ quan quân sự, công an, sự phối hợp giữa các ban ngành địa phương để huy động sức mạnh của nhân dân trong huyện, nêu cao ý thức độc lập tự chủ, xây dựng huyện thành khu vực phòng thủ “cơ bản, liên hoàn, vững chắc”.
 Thực hiện phương châm “Tỉnh nắm đến xã; huyện nắm đến thôn, buôn; xã nắm đến từng hộ dân” của Tỉnh ủy. Ngày 24-9-2004 Ban Thường vụ huyện uỷ đã họp và ra Quyết định về “Phân công các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện phụ trách 40 thôn, buôn, tổ dân phố”. Quyết định của Ban Thường vụ huyện uỷ là sự chỉ đạo đúng đắn kịp thời trước tình hình an ninh chính trị diễn biến phức tạp trên địa bàn. Huyện đã vận dụng nhiều cách làm như: các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện giúp thôn, buôn; xã giúp tới từng hộ dân. Các đơn vị phụ trách có cán bộ tăng cường cơ sở, trực tiếp xuống nhà dân, nghe dân nói, cùng bàn với Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân tham gia giải quyết các vấn đề có liên quan. Từ đó đã tạo được sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Đồng thời đã giúp xã, thôn, buôn chủ động ngăn chặn có kết quả các hoạt động chống phá của bọn phản động, tạo sự ổn định để tiếp tục phát triển kinh tế, chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho các tầng lớp nhân dân trong huyện.
Huyện ủy cũng quyết định phân công cán bộ chủ chốt bám địa bàn củng cố chính quyền, thực lực cơ sở, xây dựng cốt cán trong nhân dân. Củng cố kiện toàn bộ máy cơ sở chú trọng đưa đi đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, năng lực công tác và bản lĩnh chính trị cho cán bộ chủ chốt; tổ chức phân công lực lượng bám sát ở các địa bàn xã và cơ quan sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra, do đó tình hình an ninh- chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững và ổn định.
Nhờ thực hiện có kết quả các chương trình phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý và các tệ nạn khác nên trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được đảm bảo. Huyện đã triển khai hợp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng vũ trang địa phương, kết hợp với cấp uỷ chính quyền, các đoàn thể ở cơ sở tăng cường công tác tuần tra, trực bảo vệ mục tiêu, địa bàn trọng điểm, phát động quần chúng, chủ động nắm chắc tình hình và ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động FULRO, Tin lành Đê Ga, không để xảy ra biểu tình, bạo loạn, tăng cường rà soát các đối tượng cốt cán tin lành Đê Ga, điều tra, bóc gỡ các tổ chức phản động và đường dây đưa người vượt biên sang Campuchia. Để chủ động đấu tranh phòng chống địch phản tuyên truyền, phá hoại khối đoàn kết các dân tộc; huyện đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành tranh thủ những già làng, người có uy tín và chức sắc trong các tôn giáo, trong đó có quần chúng tốt để phục vụ công tác nắm tình hình phát động quần chúng bảo vệ an ninh chính trị.
Nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, huyện triển khai quán triệt các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác tôn giáo như: Chỉ thị 37 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Công tác tôn giáo trong tình hình mới”, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về “Công tác dân tộc, công tác tôn giáo, pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”; Chỉ thị 01 ngày 04- 02- 2005 của Thủ tướng Chính phủ về “Một số công tác đối với đạo Tin lành”; Nghị định số 22 ngày 01-03-2005 của Chính phủ về “Hướng dẫn thi hành pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo”;  và đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục quốc phòng toàn dân nhằm làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc hơn về tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một phận nhân dân còn tồn tại lâu dài trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện nhất quán việc tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của công dân. Đồng thời đẩy mạnh triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2005 và Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về “Xây dựng, phát triển Gia Lai toàn diện, bền vững, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân”; tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân tích cực tham gia các hoạt động kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Trong tổ chức vận động quần chúng các cấp uỷ, chính quyền, các đoàn thể lực lượng công an, quân sự ở cơ sở tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền phát động nhân dân các thôn buôn phản bác các luận điệu tuyên truyền của bọn xấu. Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn, quản lý giáo dục đối tượng ở địa phương nêu cao tinh thần cảnh giác, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn và phương thức hoạt động của bọn phản động FULRO, Tin lành Đê Ga. Chỉ đạo các cơ quan ban ngành, các xã tổ chức tốt việc xây dựng kế hoạch phòng chống biểu tình, bạo loạn, phân công lực lượng trực các địa bàn trọng điểm, tuần tra canh gác, trực bảo vệ công sở.
Ban Thường vụ huyện uỷ đã chỉ đạo các cấp uỷ Đảng, các ngành chức năng và lực lượng vũ trang tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 07 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ (khoá XII) về “Xây dựng cơ quan quân sự, các đơn vị bộ đội thường trực, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ vững mạnh toàn diện”. Hàng năm tổ chức huấn luyện theo hướng “Giảm về số lượng, nâng cao chất lượng”. Từ năm 2000 đến 2005, huyện luôn đảm bảo quân số thanh niên nhập ngũ và chất lượng lực lượng dân quân tự vệ, tỷ lệ lực lượng dự bị động viên trong dân quân tự vệ đạt 7%, đồng thời làm tốt chính sách hậu phương quân đội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình an ninh - chính trị trên địa bàn huyện vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, công tác tuyên truyền, vận động, phát động quần chúng chưa thường xuyên, một số cấp uỷ chưa xây dựng được Nghị quyết về công tác bảo đảm an ninh - chính trị, an ninh nông thôn trên địa bàn. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân  chưa nhận thức rõ âm mưu thủ đoạn thâm độc của chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, chưa phát huy được thế mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác quốc phòng- an ninh. Tình hình tranh chấp đất đai, đơn thư khiếu kiện vẫn còn xảy ra ở một số nơi, việc quán triệt và thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược về “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” chưa chặt chẽ và thường xuyên.
II - ĐỔI MỚI, XÂY DỰNG HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH.
Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quân dân các dân tộc trong huyện, Đảng bộ đã đề ra các phương hướng chung và nhiệm vụ cụ thể tiếp tục tăng cường công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, phát huy bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong của Đảng. Xây dựng và từng bước hoàn thiện chiến lược cán bộ huyện, xã theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VIII) để nâng cao trình độ nhận thức, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên, chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ. Tăng cường công tác kiểm tra Đảng và đoàn kết, thống nhất nội bộ để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Tại Đại hội lần thứ XII và XIII, Đảng bộ huyện đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị thực hiện cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng với quyết tâm và nỗ lực cao hơn, tạo chuyển biến cơ bản trên cả ba mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Trước hết, tập trung chỉ đạo đổi mới tổ chức học tập, quán triệt các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh uỷ và các Nghị quyết của huyện ủy, vận dụng vào điều kiện của địa phương xây dựng chương trình hành động mang tính khả thi đưa Nghị quyết của Đảng nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đảng bộ huyện luôn đặt công tác chính trị tư tưởng lên hàng đầu, nhằm giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, chống âm mưu “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Hoạt động tích cực của các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng đã khơi dậy và phát huy năng lực sáng tạo của cán bộ đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội góp phần thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Đảng bộ huyện cũng xác định công tác chính trị tư tưởng phải kịp thời đáp ứng những đòi hỏi do cuộc sống đặt ra, thông qua học tập lý luận và thực tiễn công tác xây dựng Đảng để nâng cao năng lực lãnh đạo chính trị của Đảng bộ và các tổ chức Đảng. Tiếp tục thực hiện tốt cuộc vận động “Xây dựng chỉnh đốn Đảng” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2), đấu tranh chống những quan điểm nhận thức lệch lạc, tư tưởng giao động và những biểu hiện cơ hội, bảo thủ, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu nhân dân… Chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức giáo dục chính trị, tư tưởng. Tiếp tục củng cố, xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên có đủ phẩm chất, năng lực và nhiệt tình công tác, kết hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để thông tin kịp thời và nhanh chóng đưa các chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống. Thường xuyên kiểm tra, sơ tổng kết các chương trình hành động của cấp uỷ Đảng.
Đảng bộ huyện thường xuyên quan tâm công tác xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Các tổ chức cơ sở Đảng được củng cố, kiện toàn về mặt tổ chức, từ đó nâng cao hiệu quả lãnh đạo của cấp uỷ Đảng đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành và của địa phương. Từng tổ chức Đảng đã chú trọng công tác xây dựng Đảng, thường xuyên thực hiện đổi mới và chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khoá VIII. Trong sinh hoạt Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình được đảm bảo, tăng cường củng cố về chính trị, tư tưởng và tổ chức, tăng cường các biện pháp củng cố, xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh.
Thực hiện Nghị quyết 14 ngày 15-5-1996 của Bộ Chính trị khóa IX; Nghị quyết 01 ngày 18-6-1996 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khóa XI về “Lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng”, Ban Thường vụ huyện uỷ đã xác định đây là nhiệm vụ rất quan trọng, việc làm thường xuyên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ. Huyện đã tiến hành xây dựng chương trình, kế hoạch, triển khai các biện pháp cụ thể thực hiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Trước hết tập trung quán triệt Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 01 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đến từng đảng viên, cán bộ, công chức. Nhận thức được nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng là mộtnhiệm vụ quan trọng, bức thiết của Đảng và nhân dân ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đó là một cuộc đấu tranh gay go, phức tạp và lâu dài để góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước và xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Bước đầu đã có tác dụng ngăn chặn sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật, phát huy quyền dân chủ của nhân dân góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.
 Công tác kiểm tra Đảng được thực hiện thường xuyên. Trong 5 năm (2001-2005) đã kiểm tra 40 - 60% đảng viên thuộc diện cấp ủy quản lý. Kiểm tra 18 tổ chức Đảng cấp dưới và 157 đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Kỷ luật 2 tổ chức cơ sở Đảng và 54 đảng viên, khiển trách 23 đảng viên, cảnh cáo 25 đảng viên. Qua phân tích chất lượng tổ chức cơ sở Đảng năm 2004 có 40% tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh (năm 2001 có 32,14%). Kết quả kiểm tra đã góp phần giữ vững kỷ luật của Đảng, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng và năng lực công tác của đội ngũ đảng viên trong Đảng bộ.
Công tác phát triển đảng viên mới được các cấp ủy xác định là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên nhằm tăng cường đội ngũ, đảm bảo tính kế thừa và vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong 5 năm (2000 - 2005) đã kết nạp 350 đảng viên mới và xóa được 8 thôn, buôn “trắng” đảng viên. Toàn Đảng bộ huyện đã có 37 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc, tăng 9 tổ chức so với năm 2000.
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải có đầy đủ phẩm chất chính trị, kiến thức chuyên môn và luôn kiên định, vững vàng trước mọi tình huống xảy ra. Trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ được thực hiện tích cực ở các cấp, các ngành. Huyện đã cử 7 đồng chí đi đào tạo cử nhân chính trị; 28 đồng chí học cao cấp lý luận chính trị, 80 đồng chí học trung cấp và  273 đồng chí học sơ cấp lý luận chính trị; cử 35 em đi học lớp dự nguồn cán bộ cơ sở. Bố trí, phân công lại cấp uỷ viên, xây dựng quy chế làm việc của cấp uỷ, thực hiện đúng quy chế quản lý cán bộ, đồng thời gắn với việc củng cố, xây dựng các tổ chức Đảng với vịêc sắp xếp, kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt của huyện, xã, thị trấn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khoá VIII). Các đồng chí là Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân xã, thị trấn đều được đào tạo lý luận từ trung cấp trở lên. Việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, từng bước gắn với quy hoạch đào tạo. Đồng thời quan tâm đến công tác tạo nguồn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng nhiều hình thức để nâng cao trình độ học vấn, lý luận chính trị,  chuyên môn nghiệp vụ…theo hướng chuẩn hoá đội ngũ cán bộ huyện, xã, thị trấn.
Để xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh, Ban Thường vụ huyện luôn chú trọng làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ theo đúng tinh thần Chỉ thị số 39, ngày 14-8-1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) “Về thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác bảo vệ chính trị nội bộ”; Quy định số 75, ngày 25-4-2000 của Bộ Chính trị “Về một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng" và Chỉ thị 64, ngày 22 -03-2001 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn và bảo vệ bí mật của Đảng trong tình hình hiện nay”, trước tình hình các lực lượng thù địch tăng cường các hoạt động phá hoại tư tưởng, thực hiện âm mưu “Diễn biến hòa bình” và bạo loạn lật đổ nhằm chống phá cách mạng nước ta, tán phát tài liệu nói xấu, gây chia rẽ nội bộ Đảng, Nhà nước trước thềm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX. Các vụ bạo loạn chính trị tháng 02-2001 và tháng 04-2004 ở Gia Lai và các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền cho thấy các thế lực thù địch, phản động đang ráo riết thực hiện âm mưu chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây rối an ninh trật tự, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trước tình hình trên, Đảng bộ huyện đã tăng cường giáo dục chính trị trong Đảng, giữ nghiêm kỷ luật phát ngôn khắc phục những yếu kém trong công tác thông tin tuyên truyền, nhằm đấu tranh có hiệu quả với những thông tin xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, nâng cao nhận thức chính trị trước yêu cầu nhiệm vụ mới cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời không ngừng nâng cao năng lực, quản lý Nhà nước của chính quyền, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý điều hành, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động quản lý của các cấp chính quyền.
Qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị khóa VIII về thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở, cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể từ huyện xuống cơ sở đã có những chuyển biến về nhận thức cũng như hành động để phát huy quyền làm chủ của nhân dân với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã khơi dậy tinh thần dân chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Dân chủ xã hội được mở rộng, quần chúng nhân dân được tạo mọi điều kiện để giám sát các hoạt động của các cơ quan Nhà nước và của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Với kết quả đó, sức mạnh của hệ thống chính trị được phát huy, tạo được niềm tin và sự gắn bó giữa quần chúng nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.
Cấp uỷ coi việc xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh là một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, đảm bảo cho Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp huyện và xã thật sự là Nhà nước “của dân, do dân và vì dân”, quản lý điều hành Nhà nước bằng pháp luật, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Để nâng cao năng lực của các đại biểu Hội đồng nhân dân và quyền làm chủ của nhân dân, huyện uỷ luôn quan tâm chỉ đạo mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ Hội đồng nhân dân và cán bộ, công nhân viên chức tại huyện và các cụm xã về quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân huyện. Qua các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp vào năm 1997, 1999, 2002, 2004 chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được nâng lên về nhận thức và năng lực tổ chức thực hiện. Nhiệm kỳ 2004-2009, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện, trình độ học vấn tốt nghiệp trung học phổ thông, đại học, cao đẳng chiếm 29%; trung cấp có 21%. Lý luận chính trị: cử nhân và cao cấp chiếm 50%. Đại biểu Hội đồng nhân dân xã, thị trấn có trình độ trung học phổ thông tăng 216% so với nhiệm kỳ trước; đại học, cao đẳng có 5 đại biểu; cử nhân, cao cấp chính trị có 5 đại biểu, nhiệm kỳ trước không có đại biểu nào. Chất lượng của các kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện, xã, cũng như việc thể chế hoá các Nghị quyết của cấp uỷ để quyết định nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng -an ninh ngày càng  hiệu quả đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Hoạt động của các tổ chức Mặt trận đoàn thể đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước trong toàn dân, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện phát huy vai trò hạt nhân tích cực trong các đợt phát động quần chúng đấu tranh chống FULRO và các phần tử phản động đội lốt tôn giáo; phát động cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”. Triển khai tốt cuộc vận động xây dựng quỹ “Ngày vì người nghèo”, xây dựng “Nhà đại đoàn kết”.
Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, Hội Cựu chiến binh huyện luôn chủ động tích cực đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền phát triển hội viên, mở rộng tổ chức hội. Các hội viên của Hội Cựu chiến binh đóng vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng, giữ vững an ninh nông thôn, tham gia huấn luyện dân quân và lực lượng dự bị động viên. Hội thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, tham gia xây dựng các đoàn thể ở buôn, làng; phát động phong trào giúp nhau làm kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho hội viên và nhân dân.
 Thực hiện Nghị quyết Đại hội VIII của Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội VI của Liên đoàn lao động tỉnh, Liên đoàn Lao động huyện đã đổi mới nội dung và hình thức hoạt động nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Năm 2003, toàn huyện có 40 tổ chức công đoàn cơ sở, 1 công đoàn cấp trên cơ sở và 10 công đoàn thuộc ngành nghề đứng chân trên địa bàn. Bộ máy công đoàn huyện được kiện toàn, quan hệ hoạt động giữa công đoàn và chính quyền các cấp được xây dựng và thực hiện theo quy chế, quyền hạn của công đoàn theo quy định. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, công nhân viên chức trong huyện luôn tin tưởng tuyệt đối vào công cuộc đổi mới, có ý thức tổ chức kỷ luật, mong muốn tham gia xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều việc làm ổn định cuộc sống. Đội ngũ công nhân lao động luôn có ý thức làm chủ vươn lên nắm bắt kỹ thuật, công nghệ mới, học tập nâng cao tri thức, tham gia phong trào lao động sản xuất, xây dựng Đảng, chính quyền và tổ chức công đoàn. Để phát huy vai trò đảng viên, công nhân viên chức trong huyện hăng hái tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động huyện tổ chức thi đua thực hiện ba phong trào lớn do Tổng Liên đoàn Lao động phát động phong trào “Lao động giỏi – nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ và tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội”, phong trào thi đua “Lao động giỏi với năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động”; “Phong trào thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí, chống các biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu làm trái pháp luật” trong toàn huyện. Qua các phong trào thi đua, nhiều đơn vị đã đạt thành tích, được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen và cờ thi đua.
Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thường xuyên giáo dục chính trị, nâng cao tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho đoàn viên và thanh niên, tổ chức và động viên đoàn viên, thanh niên tham gia hai phong trào “Thanh niên lập nghiệp”“Tuổi trẻ giữ nước”. Hàng năm nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh huyện tổ chức các buổi sinh hoạt, tọa đàm, thảo luận giúp đoàn viên và thanh niên nhận thức về phẩm chất đạo đức, vai trò của lực lượng thanh niên, đoàn viên trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa… Ngoài ra, đoàn còn phát động thanh niên hưởng ứng các chủ trương: bảo vệ môi trường, phòng chống HIV/AIDS, giữ gìn trật tự giao thông, chống văn hóa đồi trụy và các tệ nạn xã hội trên địa bàn. Ở các làng, xã đoàn viên thanh niên các dân tộc trong huyện đã tích cực học tập tiếp nhận chuyển giao tiến bộ kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới. Tổ chức đoàn phối hợp với phòng kinh tế huyện mở lớp khuyến nông cho đoàn viên thanh niên. Nhiều cây trồng, vật nuôi có năng suất hiệu quả cao được thanh niên đầu tư như: thuốc lá sợi vàng, mì MK92, bắp lai KK888, lúa mới, lúa cạn, bò lai, dê bách thảo... Nhằm hỗ trợ cho thanh niên lập nghiệp, góp phần phát triển kinh tế của địa phương, một số cơ sở đoàn thị trấn Phú Túc, xã Chư Gu đứng ra tín chấp vay vốn cho đoàn viên thanh niên số tiền hàng trăm triệu đồng phát triển sản xuất, chăn nuôi. Ngoài ra còn huy động được hàng ngàn ngày công của đoàn viên thanh niên ra quân tu sửa đường giao thông, nạo vét kênh mương làm thủy lợi, xây dựng các công trình thanh niên cấp cơ sở  thu hút trên đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia.
Cùng với các hoạt động tham gia phát triển kinh tế - xã hội, Đoàn Thanh niên còn tích cực tham gia “Phong trào tuổi trẻ giữ nước”. Trong 5 năm (1996-2001), đã có 4.780 đoàn viên thanh niên được học tập Luật nghĩa vụ quân sự, chấp hành lệnh gọi nhập ngũ. Các cấp bộ đoàn vận động đoàn viên thanh niên tham gia trong hoạt động nhân đạo từ thiện, uống nước nhớ nguồn, tặng quà cho các gia đình chính sách, sửa sang, làm mới nhà cho những gia đình cô đơn có công cách mạng, quyên góp tiền ủng hộ bộ đội nơi biên giới hải đảo và xây dựng quỹ tình thương... Qua các phong trào hành động cách mạng tổ chức đoàn và hội từng bước được xây dựng, củng cố và phát triển. Số lượng đoàn viên tăng nhanh từ 1.225 đoàn viên (1996) lên 2.340 đoàn viên (2001), có 587 đoàn viên ưu tú được giới thiệu xem xét kết nạp Đảng, trong đó 182 đoàn viên được kết nạp Đảng.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tiếp tục được củng cố và xây dựng, đẩy mạnh thực hiện các phong trào, các chương trình của Hội đề ra: nâng cao kiến thức và giúp nhau làm kinh tế gia đình, chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em. Hội thường xuyên tuyên truyền và tổ chức học tập cho hội viên nâng cao nhận thức về  chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, động viên chị em phụ nữ tham gia hiệu quả các chương trình, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế ngày càng phát triển sâu rộng, các cấp hội đã vận động chị em giúp nhau vốn, giống cây, con và lao động để phát triển sản xuất gia đình. Từ năm 1996 đến năm 2001, các cấp Hội đã vận động 1.265 chị giúp đỡ cho 880 chị có hoàn cảnh khó khăn cùng phát triển kinh tế gia đình với số tiền là 96.000.000 đồng, 69 chỉ vàng;  372 con giống heo, bò ; 3.528 kg giống đậu, lúa, mè, bắp và 12.960 ngày công lao động. Phong trào phát triển mạnh ở các xã Chư Gu, Chư Rcăm, thị trấn Phú Túc... Các cơ sở Hội đã chủ động lập các dự án vay nhiều nguồn vốn để phát triển chăn nuôi kinh tế gia đình; xây dựng 55 tổ phụ nữ tiết kiệm… Với sự giúp đỡ tích cực của Hội phụ nữ các cấp, chị em dân tộc đã định canh, định cư, đẩy mạnh chăn nuôi, trồng cây, lập vườn, phát triển kinh tế hộ; tăng được thu nhập, giảm bớt khó khăn về đời sống. Ngoài ra, các cấp Hội thường xuyên phối hợp với ngành y tế và các cơ quan chức năng tuyên truyền, giáo dục, nhằm nâng cao hiểu biết của phụ nữ về các chương trình dân số, kế hoạch hóa gia đình, chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em... tổ chức khám, chữa bệnh, vận động chị em sinh đẻ có kế hoạch. Các cấp hội còn vận động phụ nữ làm công tác hậu phương quân đội như động viên thanh niên tòng quân, thăm hỏi tặng quà cho các gia đình liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Thường xuyên giúp đỡ các gia đình chính sách hàng ngàn ngày công lao động, tham gia hoạt động từ thiện giúp đỡ phụ nữ và trẻ em các vùng bị thiên tai. Những hoạt động của Hội đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các chính sách của Đảng  và Nhà nước ở địa phương.
Qua năm năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ huyện, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác lãnh đạo xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng còn thiếu chủ động trong việc tháo gỡ những vướng mắc trong tư tưởng nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Một số tổ chức Đảng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác bảo vệ chính trị nội bộ, công tác xây dựng Đảng. Tổ chức kiểm tra giám sát đảng viên và tổ chức Đảng chấp hành Điều lệ Đảng, thực hiện Nghị quyết của Đảng chưa thường xuyên. Công tác quy hoạch cán bộ chưa khoa học, nề nếp mang tính chiến lược cũng như bổ sung kịp thời trước yêu cầu tình hình mới. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ còn lúng túng, bị động. Hoạt động của chính quyền từ huyện đến cơ sở có lúc, có nơi chưa hiệu quả. Cải cách thủ tục hành chính còn chậm. Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chưa thực sự vững mạnh và chưa sâu sát cơ sở. Trình độ đội ngũ cán bộ nhìn chung còn hạn chế trước yêu cầu tình hình mới, nhất là trước những yêu cầu lãnh đạo, quản lý, chuyên môn khoa học kỹ thuật nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Một số cấp uỷ và chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức và làm tốt công tác vận động quần chúng.
III- PHÁT HUY VÀ TRANH THỦ MỌI NGUỒN LỰC, LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIV CỦA ĐẢNG BỘ HUYỆN
Bước sang năm 2005, nhằm đưa kinh tế - xã hội của địa phương từng bước phát triển vững chắc, Đảng bộ huyện đã tập trung huy động sức người, sức của, phát huy tiềm năng, lợi thế về đất, rừng và nguồn nhân lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, xoá đói giảm nghèo, tăng cường củng cố quốc phòng - an ninh.
Trong bối cảnh chung của tỉnh và cả nước, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ huyện đã tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ lần XIV từ ngày 17 đến ngày 19-10-2005. Đại hội đã đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế, khuyết điểm trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội - văn hóa và quốc phòng - an ninh theo mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XIII. Mặc dù trong tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh, huyện có những diễn biến không thuận lợi, các thế lực thù địch vẫn tăng cường hoạt động thông qua các vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền để chống phá ta... Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, nhân dân các dân tộc trong huyện đã vượt qua khó khăn thách thức, phát huy nội lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, đời sống nhân dân ổn định và có bước phát triển. Cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng bộ địa phương.
Các đại biểu Đại hội đã tập trung thảo luận và thông qua các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đến năm 2010: Tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm trên 14%, trong đó nông - lâm nghiệp tăng 11,5%; công nghiệp - xây dựng 22,8%; dịch vụ và thương mại 15,8%. Thu nhập bình quân đầu người 6.800.000 VNĐ. Tỷ trọng GDP trong ngành nông -lâm nghiệp 55%; công nghiệp - xây dựng 19,7%; thương mại - dịch vụ 25,3%.
Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhất là mạng lưới giao thông, thuỷ lợi, lưới điện, trường học. Phấn đấu đến năm 2010, 100% buôn làng và các tuyến đường khu dân cư đều có điện lưới và 95% số hộ được dùng điện, 60% số hộ dân được dùng nước sạch, hoàn thành định canh, định cư cho 100% hộ đồng bào dân tộc, giảm số hộ nghèo xuống dưới 15% so với tiêu chí hiện hành; hạ mức tăng dân số tự nhiên dưới 1,78%; huy động trên 95% trẻ em trong độ tuổi đến trường; 100% trạm xá xã và phòng khám khu vực có bác sỹ. Hạn chế tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 25%; có trên 9.000 gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, 80 thôn buôn văn hoá.
Củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị. Tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ, đổi mới và nâng cao hiệu lực hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp, tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý điều hành của Ủy ban nhân dân các cấp, củng cố các đoàn thể quần chúng.
Đại hội cũng đề ra những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể đến năm 2010:
Tổng sản lượng lương thực có hạt là 41.000 tấn, tổng diện tích gieo trồng và nuôi trồng thủy sản 42.000 ha, trong đó: lúa nước hai vụ 3.000 ha; ngô 9.000 ha; sắn 6.000 ha; mè 1.500 ha; thuốc lá 3.000 ha; điều 8.000 ha;  bông vải 1.500 ha; 500 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản. Đẩy mạnh phát triển đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là đàn bò, heo. Khuyến khích hỗ trợ để đẩy mạnh chương trình “Lai hoá đàn bò, lai kinh tế đàn heo”, 30% đàn bò được lai tạo. Quản lý có hiệu quả tài nguyên rừng trên địa bàn, tiếp tục mở rộng diện tích rừng sản xuất, rừng phòng hộ. Hoàn thành việc quy hoạch, sử dụng đất trên địa bàn từng xã, lập bản đồ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các tổ chức kinh tế và các hộ nông dân trong huyện.
Phát triển một số ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp như chế biến sắn, điều, sơ chế thuốc lá, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Xây dựng quy hoạch cụm công nghiệp ở thị trấn Phú Túc, Chư Rcăm, Ia Siơm. Đầu tư có trọng điểm kết cấu hạ tầng, nhất là mạng lưới giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học.
Tiếp tục củng cố thương nghiệp quốc doanh giữ vai trò chủ đạo trong việc cung ứng các mặt hàng thiết yếu và tiêu thụ sản phẩm hàng hoá cho nông dân, thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo điều kiện cho các thành phần khác tham gia thị trường. Mở rộng mạng lưới ngân hàng, tín dụng tới các địa bàn nông thôn, đáp ứng nhu cầu vốn cho các tổ chức và hộ gia đình đầu tư phát triển sản xuất, phát triển mạnh dịch vụ bưu chính viễn thông.
Trong năm năm, tập trung giải quyết các vấn đề văn hoá - xã hội: Củng cố mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở, chấn chỉnh và nâng chất lượng phục vụ của các cơ sở y tế, thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia giảm thiểu các bệnh xã hội như: bệnh lao, phong, bướu cổ, sốt rét trên địa bàn. Tiếp tục thực hiện các chính sách kế hoạch hoá gia đình. Đẩy mạnh phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em.
Nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn hoá, làng văn hoá ở nông thôn. Thực hiện tốt chính sách đối với người có công, hoàn thành, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng chính sách, quan tâm giúp đỡ các đối tượng xã hội như trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa, người tàn tật… Tích cực phòng chống các tệ nạn xã hội, đặc biệt là ma tuý, ngăn ngừa đại dịch HIV/AIDS xâm nhập và lây lan trên địa bàn.
Đẩy mạnh thực hiện các chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma tuý, tăng cường công tác phòng ngừa và giảm dần tai nạn giao thông. Coi trọng củng cố lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, công an xã. Quan tâm huấn luyện nghiệp vụ, kỹ năng tác chiến và trang bị đồng bộ phương tiện, công cụ, vũ khí, trang phục cho lực lượng làm nhiệm vụ về an ninh chính trị.
Đối với hệ thống chính trị: các cấp uỷ Đảng cần phải coi trọng và tiếp tục nâng cao giáo dục chính trị tư tưởng, chống chủ nghĩa cá nhân, đấu tranh với các quan điểm sai trái. Tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự là “công bộc” của nhân dân, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thực hiện tốt phương thức“Đảng lãnh đạo, Nhà nước điều hành quản lý, nhân dân làm chủ”. Coi trọng công tác tổ chức thực hiện, cụ thể hóa các Nghị quyết của các cấp ủy Đảng, cấp trên.  Hoàn thành kế hoạch, chương trình hành động và phân công cụ thể trách nhiệm đối với từng cấp ủy viên, cán bộ phụ trách. Đổi mới tác phong, lề lối làm việc hướng về cơ sở, giải quyết kịp thời những ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Chống quan liêu, tham nhũng, cửa quyền, sách nhiễu gây phiền hà cho dân. Từng bước hiện đại hóa các trang thiết bị và phương tiện làm việc để phục vụ tốt cho sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng.
Chú trọng, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ ngay trong đơn vị, địa phương và đối với từng cán bộ, đảng viên. Tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên và đột xuất, kiểm tra chuyên đề, phát hiện, xem xét, kết luận và xử lý kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm. Giải quyết kịp thời các đơn thư khiếu nại, tố cáo của cán bộ, đảng viên và nhân dân không để tồn đọng, phát sinh điểm nóng.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tăng cường các biện pháp củng cố, xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Phấn đấu đến năm 2010 có trên 65% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ và trên 60% tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh; 90% thôn buôn có chi bộ Đảng. Chú ý phát triển Đảng trong lực lượng Đoàn thanh niên, trong đội ngũ giáo viên, lực lượng dân quân tự vệ, đảm bảo kết nạp trên 8% đảng viên mới so với tổng số đảng viên của Đảng bộ.
Xây dựng và thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển cán bộ, đồng thời có chính sách hợp lý nhằm thu hút nhân tài từ nơi khác đến, nhất là những người có trình độ khoa học kỹ thuật, phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn của huyện trong giai đoạn mới.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”. Tiếp tục củng cố kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, hiệu lực quản lý của Ủy ban nhân dân để kịp thời triển khai cụ thể hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng. Nâng cao chất lượng đại biểu dân cử trong việc thực hiện chức năng quyết định và giám sát hoạt động của các cơ quan Nhà nước và của cán bộ công chức. Xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh, thực sự của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, có đủ năng lực quản lý và giải quyết tốt những vấn đề của đời sống xã hội.
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nâng cao vai trò các đoàn thể nhân dân. Cần đổi mới phương pháp vận động các phong trào của đoàn, hội, khắc phục tình trạng quan liêu hành chính trong hoạt động của các đoàn thể. Phấn đấu 100% thôn, buôn, tổ dân phố có tổ chức đoàn thể, đổi mới phương thức hoạt động để thu hút và tập hợp tối đa quần chúng vào các tổ chức hội. Củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh đạt 60%, không có tổ chức yếu, kém. Tích cực tuyên truyền, phổ biến giải thích các chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước trong nhân dân. Hướng dẫn các tôn giáo hoạt động theo hướng phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức lành mạnh, hướng thiện, phù hợp với truyền thống dân tộc và đời sống xã hội, thực hiện tôn giáo gắn bó với dân tộc, đoàn kết lương giáo cùng nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Krông Pa lần thứ XIV gồm 39 đồng chí, 11 đồng chí trong Ban Thường vụ, đồng chí Huỳnh Thành được bầu làm Bí thư, các đồng chí Phạm Ngọc Xuân, Trần Văn Mạnh và Ksor Pớ được bầu làm Phó bí thư.
Tháng 6-2006, đồng chí Huỳnh Thành, chuyển về tỉnh công tác, đồng chí Phạm Ngọc Xuân giữ chức vụ quyền Bí thư. Tại Hội nghị Ban Chấp hành ngày 01-06-2007, đồng chí Phạm Ngọc Xuân được bầu làm Bí thư, đồng chí Nguyễn Duy Anh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức giữ chức vụ Phó bí thư huyện ủy.
Những thành tựu đạt được của đất nước trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo thực sự là động lực quan trọng, tác động mạnh mẽ đến sự phát triển mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Với định hướng đúng từ Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, Nghị quyết XII của Đảng bộ tỉnh Gia Lai và sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy; Với những thành quả đạt được trong các nhiệm kỳ, đặc biệt là nhiệm kỳ 2001-2005 Đảng bộ huyện. Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm rút ra trong thời kỳ đổi mới, nhất là trong quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIV Đảng bộ huyện, quân dân trong huyện đã phát huy nội lực và thế mạnh, tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi, đoàn kết quyết tâm khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra.
Năm 2007, quân và dân các dân tộc trong huyện tập trung mọi nỗ lực vào việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ , trong điều kiện nhiều mặt không thuận lợi, nắng hạn vào đầu năm, mưa lũ kéo dài vào cuối năm cùng với giá cả vật tư, các mặt hàng thiết yếu tiếp tục tăng cao đã làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân, làm giảm sút tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Trước tình hình trên, phát huy những thuận lợi và những kết quả đạt được trong năm 2006, cùng với sự quan tâm của tỉnh, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện, nền kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của huyện tiếp tục chuyển biến, đạt được những chỉ tiêu cơ bản do Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ đề ra. Năm 2007, tổng diện tích gieo trồng đạt 34.774 ha bằng 101,5% kế hoạch; tổng sản lượng lương thực quy ra thóc đạt 21.866 tấn.
Về chăn nuôi nâng tổng đàn bò lên 55.728 con; đàn heo: 11.754 con; đàn gia cầm trên 79.000 con. Chương trình lai tạo đàn bò có kết quả, tỉ lệ bò lai đạt 9%.
Hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện có bước phát triển, các loại dịch vụ hàng hóa đa dạng, phong phú phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên 240 tỷ đồng. Các mặt hàng chính sách, trợ cước, trợ giá phục vụ kịp thời, đúng đối tượng, đã cấp trên 226 tấn muối Iốt, trợ cước thu mua 3.000 tấn hàng nông sản.
Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo kế hoạch trên 40,4 tỉ đồng với 123 công trình, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng xã, thị trấn có công trình thủy lợi chú trọng sửa chữa, nạo vét kênh mương cấp 1, 2 bảo đảm việc tưới tiêu cho cây trồng. Đã tiếp nhận và đưa vào khai thác hồ Ia Hdréh, nâng tổng số công trình thủy lợi của huyện lên 7 công trình, cung cấp nước tưới cho 465 ha cây trồng vụ Đông - Xuân và 500 ha cây trồng vụ mùa.
Thu ngân sách trên địa bàn đạt 142 tỉ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 56,5 tỉ đồng bằng 105% so với cùng kỳ, toàn huyện có 10.876 hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, chiếm 85,2% tổng số hộ.
Về công tác giáo dục -đào tạo đã có nhiều chuyển biến trên các mặt, thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp”. Kết thúc năm học 2006- 2007, xét công nhận phổ cập trung học cơ sở cho 1 xã, nâng tổng số xã đạt phổ cập trung học cơ sở lên 5 xã, thành lập và đưa vào hoạt động 02 trung tâm học tập cộng đồng ở 2 xã Ia Mlah và Ia Siơm… Trong năm đã đầu tư sửa chữa 50 phòng học, xây dựng mới 11 điểm trường, trang bị mới trên 11 ngàn bộ sách giáo khoa.
Mạng lưới y tế cơ sở được củng cố và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động khám chữa bệnh. Vận động nhiều cặp vợ chồng kế hoạch hoá gia đình bằng các biện pháp tránh thai hiện đại làm giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống còn 1,90% (giảm 0,44% so với năm 2006); tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống còn 18%.
  Phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư có nhiều tiến bộ, đã tổ chức Hội nghị biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu toàn huyện lần thứ nhất; công nhận 5.456 gia đình văn hóa. Mạng lưới truyền thanh, truyền hình phục vụ tốt nhu cầu nghe nhìn của nhân dân, tăng thời lượng phát sóng chương trình thời sự địa phương. Triển khai và thực hiện chương trình 134/CP, đến năm 2007 đã hoàn thành việc sửa chữa và làm mới 872 nhà ở cho các đối tượng chính sách. Hoàn thành 33 giếng khoan tập trung cho 33 thôn, buôn. Thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, định canh, định cư giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020, tỷ lệ đói nghèo toàn huyện đã giảm xuống còn 27,7% đạt 155% kế hoạch (giảm 7,81% so với năm 2005).
Trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, Đảng bộ huyện đặc biệt coi trọng công tác giữ vững, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng. Sau vụ việc ngày 10, 11-4-2004, tình hình an ninh - chính trị trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung chỉ đạo các ngành, các đoàn thể, các cơ quan chức năng tham gia vận động quần chúng, xử lý các điểm nóng về an ninh - chính trị. Triển khai bóc gỡ các cơ sở ngầm của tổ chức phản động FULRO, Tin lành Đê Ga, ngăn chặn các hoạt động lôi kéo người trốn đi Campuchia, nhất là ở các địa bàn trọng điểm. Trong tháng 2, 3-2006, một số đối tượng cầm đầu cốt cán thuộc các xã: Uôr, Ia Siơm, Chư Rcăm, Chư Đrăng tổ chức cuộc họp bàn việc chuẩn bị biểu tình vào cuối tháng 10 hoặc tháng 11-2006 tại bờ sông Ba. Bằng tinh thần cảnh giác cách mạng cao độ và được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể trong huyện đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện và đấu tranh ngăn chặn kịp thời vụ biểu tình bạo loạn.
Ngày 01-02-2007, tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 01, ngày 07-02-2001 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ khóa XII về “Phòng chống bạo loạn” và sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 1588, ngày 24-9-2004 của Ban Thường vụ huyện uỷ về “Phân công các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện phụ trách thôn, buôn, tổ dân phố”. Thường trực huyện uỷ đã có những nhận định đánh giá: trong thời gian tới tình hình an ninh chính trị tuy ổn định, khả năng biểu tình, bạo loạn trên địa bàn huyện khó có thể xảy ra, nhưng các yếu tố bất ổn về an ninh chính trị vẫn còn như các đối tượng FULRO, tổ chức Tin lành Đê Ga phục hồi hoạt động, trốn đi Campuchia vẫn có khả năng xảy ra; các tranh chấp, mâu thuẫn hình thành điểm nóng an ninh chưa được giải quyết; hoạt động tôn giáo vẫn còn phức tạp; hệ thống chính trị cơ sở tuy đã được củng cố song còn nhiều yếu kém, chưa đủ sức giải quyết các tình huống an ninh chính trị. Đó là những nguy cơ gây mất ổn định về an ninh chính trị, do vậy Đảng bộ huyện, chính quyền các cấp không được lơ là, mất cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các tổ chức phản động FULRO, Tin lành Đê Ga. Ban Thường vụ huyện uỷ yêu cầu các ngành chức năng, các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị phụ trách thôn, buôn tiếp tục tăng cường công tác nắm tình hình, phối hợp giữa các lực lượng, kịp thời phát hiện những vấn đề phức tạp nảy sinh ở cơ sở, không để bọn phản động “FULRO - Tin lành Đê Ga” hoạt động trở lại, kích động, lôi kéo quần chúng cũng như gây nên các điểm nóng về an ninh nông thôn. Theo dõi, quản lý chặt chẽ các đối tượng cầm đầu trong tổ chức phản động “FULRO - Tin lành Đê Ga”. Nhờ có sự chỉ đạo chặt chẽ, thường xuyên của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, cùng với sự nỗ lực phấn đấu của nhiều ngành, đơn vị và quần chúng nhân dân nên đã nhanh chóng ổn định tình hình, tạo điều kiện tiếp tục duy trì phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn huyện. Quốc phòng - an ninh được giữ vững, hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật được quan tâm chỉ đạo, công tác giáo dục pháp luật được đẩy mạnh; công tác điều tra, xét xử được thực hiện nghiêm minh đúng pháp luật, giải quyết kịp thời các đơn thư, khiếu tố của nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu kém chưa khắc phục kịp thời như:
- Sản xuất nông nghiệp chưa thật sự bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, năng suất, chất lượng thấp. Chăn nuôi phát triển chưa mạnh; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Tỷ lệ đói nghèo tuy có giảm nhưng chưa thật sự vững chắc.
- Chất lượng dạy và học không đồng đều giữa các vùng, việc triển khai mô hình Trung tâm học tập cộng đồng còn lúng túng, khó khăn. Mạng lưới y tế cơ sở chưa đủ mạnh, chất lượng khám và điều trị còn hạn chế, sự phối hợp giữa các đơn vị, bộ phận trong hoạt động y tế còn thiếu đồng bộ, chặt chẽ.
- Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở một số địa bàn xã vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp có thể gây mất ổn định an ninh chính trị. Việc quản lý của Nhà nước về công tác tôn giáo ở một số xã còn thiếu chặt chẽ. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng - an ninh chưa được các cấp cơ sở thường xuyên quan tâm chỉ đạo triển khai.
Trong công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ huyện luôn coi trọng lãnh đạo củng cố, kiện toàn, sắp xếp và đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao chất lượng hoạt động phù hợp với từng loại hình tổ chức cơ sở Đảng. Tổ chức phát động và triển khai thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đến với cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức và nhân dân trên địa bàn huyện. Xây dựng các chương trình hành động của cấp ủy triển khai thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng một cách hiệu quả, thiết thực. Ban Thường vụ huyện ủycũng đã tiến hành củng cố, kiện toàn một số đảng ủy, chi bộ, chỉ định bổ sung cấp ủy viên, luân chuyển cán bộ lãnh đạo các ban, đoàn thể của huyện và các xã từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Năm 2007, đã kết nạp 102 đảng viên mới đạt 100% kế hoạch, công nhận đảng viên chính thức cho 75 đồng chí, thành lập 09 chi bộ cơ sở thuộc đảng bộ xã. Trong đó xóa được 4 buôn “trắng” chi bộ đảng, nâng tổng số thôn, buôn trong toàn Đảng bộ huyện có chi bộ lên 82/128 thôn, buôn. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện thực hiện tốt công tác phụ trách và giúp đỡ các thôn, buôn, tổ dân phố trọng điểm.
Chính quyền huyện, xã từng bước được kiện toàn. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trên tất cả các ngành, lĩnh vực và xã, thị trấn. Hoạt động của Hội đồng nhân dân được tập trung củng cố, bộ máy tinh gọn, hoạt động có chất lượng. Ban Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể đã đóng vai trò quan trọng trong việc vận động quần chúng thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tuyên truyền vận động nhân dân cảnh giác trước âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch.
Cùng với bộ máy chính quyền, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cũng đi vào chiều sâu, phối kết hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan triển khai kịp thời mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến các hội viên. Các đoàn thể đã chú trọng đến việc đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để tập hợp quần chúng đi đôi với chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, góp phần tích cực thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương.
Thông qua các đoàn thể, nhiều phong trào vận động quần chúng được triển khai sâu rộng. Đáng chú ý là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới” ở các khu dân cư, phong trào “Tuổi trẻ rèn đức, luyện tài, xây dựng quê hương giàu đẹp”; “Dạy tốt, học tốt, sức khỏe tốt”... Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh huyện đã mở nhiều cuộc thi tìm hiểu các vấn đề về kinh tế, chính trị và lịch sử của đất nước, của dân tộc, có tác dụng giáo dục tư tưởng, tình cảm sâu rộng trong tuổi trẻ như cuộc thi kể chuyện “Âm vang Điện Biên Phủ”; “76 năm lịch sử vẻ vang của Đoàn”. Đặc biệt trong đợt triển khai sinh hoạt chính trị tiếp lửa truyền thống “Mãi mãi tuổi hai mươi” cho 34 tổ chức cơ sở Đoàn thu hút 11.569 lượt đoàn viên thanh niên tham gia. Các hoạt động từ thiện, các quỹ hội được duy trì và phát triển, góp phần tích cực vào việc cứu trợ cho đồng bào miền Trung bị thiên tai lũ lụt, chăm sóc phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ các hộ nghèo làm kinh tế...
Liên đoàn lao động huyện tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi trong cán bộ công nhân viên chức, chăm lo bảo vệ quyền lợi người lao động, hỗ trợ giải quyết vịêc làm và phát triển kinh tế gia đình, dấy lên các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao sôi nổi. Vận động công nhân viên chức tham gia hưởng ứng các cuộc thi do Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của huyện tổ chức; cuộc thi tìm hiểu về “Đạo đức Hồ Chí Minh”, “Tìm hiểu về các kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam” do Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức; “Từ Đại hội đến Đại hội” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tổ chức... thu hút đông đảo công nhân viên chức tham gia. Do vậy, phong trào công nhân viên chức có nhiều chuyển biến tích cực. Thường xuyên bồi dưỡng và giới thiệu đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Trong nhiệm kỳ 2003- 2008 đã giới thiệu 344 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét và đã có 277 đồng chí được kết nạp.
Hội Phụ nữ có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đưa phong trào phụ nữ lên một bước mới với các hình thức phong phú và hiệu quả như phong trào “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, quyên góp quỹ tình thương, chăm lo công tác hậu phương quân đội. Hội luôn chú trọng nâng cao năng lực cán bộ, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, tích cực chống các tệ nạn xã hội, làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về kiến thức cuộc sống, về chế độ chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Hơn mười năm (1996-2007), dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, kinh tế - xã hội của huyện Krông Pa đã có bước phát triển mạnh mẽ, khoảng cách chênh lệch giữa các vùng được thu hẹp dần, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện cả về vật chất lẫn tinh thần. Nạn đói kinh niên và dịch bệnh không còn là những hiểm họa đối với cuộc sống của nhân dân các dân tộc trong huyện. Thành tựu đổi mới của Krông Pa là kết quả quá trình Đảng bộ huyện vận dụng sáng tạo đường lối đối mới của Đảng. Cơ chế mới trong quản lý kinh tế, quan hệ sản xuất mở rộng, đa dạng hơn các hình thức sở hữu đã phát huy tiềm năng sức lao động, vốn, kỹ thuật và tài nguyên đất rừng, thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển nhanh kể từ sau ngày giải phóng năm 1975, quốc phòng - an ninh từng bước được tăng cường và giữ vững. Những chuyển biến tích cực, nhanh chóng trên con đường đổi mới đặt nền tảng cho bước phát triển bền vững của Krông Pa trong giai đoạn chiến lược đến năm 2020.
 
KẾT LUẬN
 
Hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ huyện Krông Pa đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc địa phương đấu tranh kiên cường chống thực dân, đế quốc, giải phóng quê hương, xây dựng chủ nghĩa xã hội, bước đầu đạt được những thành tựu trong công cuộc đổi mới, đem lại cuộc sống ấm no, bình đẳng cho đồng bào các dân tộc trong huyện. Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, một khoảng thời gian ngắn so với lịch sử phát triển của địa phương nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, trực tiếp là Đảng bộ huyện, nhân dân các dân tộc địa phương đã vươn lên làm chủ vận mệnh của mình, thoát khỏi cảnh đời nô lệ được bình đẳng với các dân tộc anh em, được  phát huy tự chủ trong lao động, xây dựng cuộc sống ấm no trên quê hương của mình. Có thành quả cách mạng to lớn đó là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết kiên cường đấu tranh bền bỉ, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của nhân dân các dân tộc địa phương và ngày nay cần được phát huy mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dân các dân tộc Krông Pa có truyền thống yêu nước chống áp bức xâm lược, bảo vệ quê hương buôn làng chống các thế lực xâm lược. Ngay từ những năm giữa thế kỷ XIX nhân dân các bộ tộc vùng đông tây Cheo Reo đã liên minh nổi dậy chống sự xâm nhập truyền giáo của các linh mục người Pháp. Các cuộc đấu tranh âm ỉ của các bộ tộc, kéo dài đến cuối thế kỷ XIX và suốt những năm thực dân Pháp xây dựng, củng cố bộ máy cai trị ở Tây Nguyên và vùng đông Cheo Reo, không chấp nhận cuộc sống cùng cực, lạc hậu do chính sách khai sáng “văn minh”, thực chất là chính sách ngu dân của chính quyền thực dân Pháp.
Các cuộc nổi dậy của nhân dân vùng đông Cheo Reo, Krông Pa ngày nay, chống Pháp chịu ảnh hưởng lớn của phong trào Pơtao Pui, Oi Hmai, Oi HPhai (1901- 1909) và đặc biệt là phong trào Săm Brăm (1935- 1939) cũng như phong trào đấu tranh khác của nhân dân quanh vùng. Phong trào đấu tranh chống Pháp của nhân dân đông Cheo Reo sôi động nhất ở vùng Ia Mlah, MĐrak. Tuy còn mang tính tự phát nhưng phong trào chống Pháp của đồng bào các dân tộc Krông Pa thể hiện tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm chống kẻ thù xâm lược bảo vệ buôn làng, quê hương
Khi Đảng cộng sản Đông Dương ra đời, ảnh hưởng của Đảng thông qua các phong trào đấu tranh của công nhân, trí thức và những người tù cộng sản đã lan toả đến vùng Cheo Reo làm dấy lên các phong trào của các bộ tộc vùng Krông Pa chống Pháp quyết liệt, trở thành cao trào của quần chúng đứng lên giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945. Từ đây lịch sử các dân tộc Cheo Reo -Krông Pa bước sang một trang mới của cuộc đấu tranh cách mạng chống thực dân Pháp, bảo vệ quê hương buôn làng, cuộc sống mới dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh. Phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc Krông Pa chuyển biến nhanh chóng từ phong trào đấu tranh yêu nước tự phát sang đấu tranh tự giác, quyết liệt hơn nhằm bảo vệ chính quyền cách mạng, bảo vệ quyền tự do, độc lập, bình đẳng dân tộc, chuẩn bị điều kiện kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược lần thứ hai.
Mười tháng sống dưới chính quyền cách mạng (tháng 9-1945 đến tháng 6-1946) đã bồi đắp thêm tình yêu quê hương, buôn làng, truyền thống đấu tranh chống áp bức, xâm lược của nhân dân các dân tộc Krông Pa. Đặc biệt được hưởng các quyền tự do, bình đẳng, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xơ đăng hay Bana và các dân tộc khác, đều là anh em ruột thịt…đồng bào các dân tộc Krông Pa đã đoàn kết một lòng theo Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đứng lên kháng chiến chống Pháp bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Ngay sau khi thực dân Pháp trở lại xâm lược Tây Nguyên và vùng đông Cheo Reo (tháng 6- 1946), nhất là sau khi tổ chức Đảng và Đảng bộ huyện Cheo Reo ra đời (tháng 8-1948), phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Krông Pa từng bước phát triển mạnh mẽ, sâu rộng. Hệ thống chính quyền và Mặt trận Việt Minh được tổ chức ở khắp các làng, xã, vùng căn cứ kháng chiến của huyện được thành lập tại Đất Bằng làm chỗ dựa cho phong trào toàn vùng và phát triển lực lượng vào phía nam. Cơ sở chính trị rộng khắp vùng đông tây Cheo Reo, tố chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Việt Minh ngày một vững mạnh đã tạo điều kiện cho lực lượng vũ trang của huyện, tỉnh Đak Lak và bộ đội chủ lực Liên khu V mở các chiến dịch lớn tiêu hao sinh lực địch, tiến lên đánh đòn quyết định giải phóng địa bàn trong đông xuân 1953-1954.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Đảng bộ Krông Pa đã vượt qua thử thách gay go, ác liệt của thời kỳ khôi phục cơ sở, giữ gìn lực lượng, bảo vệ được cán bộ, Đảng, chính quyền, chuyển hướng phong trào đấu tranh dưới các hình thức thích hợp sáng tạo kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự, binh vận… xây dựng củng cố vùng căn cứ kháng chiến của huyện, làm chỗ dựa mở rộng  phong trào kháng chiến vào phía nam của tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ Đak Lak, nhân dân các dân tộc huyện H2- Krông Pa đã kiên trì bám trụ, xây dựng phát triển thực lực chính trị, vũ trang, phối  hợp đánh địch bằng ba mũi giáp công, trên ba vùng chiến lược góp phần cùng quân dân Đak Lak và Tây Nguyên  lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ, tiến tới đại thắng  mùa Xuân 1975, giải phóng quê hương.
Bắt tay vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa trong hoàn cảnh kinh tế-xã hội địa phương vô vàn những khó khăn. Hơn 95% đồng bào dân tộc trong huyện mù chữ, nạn đói kinh niên và dịch bệnh luôn là nguy cơ đe dọa cướp đi sinh mạng con người. Sản xuất của đồng bào ở trình độ lạc hậu, đốt phá chọc chỉa, tự cấp, tự túc, phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, năng suất cây trồng, vật nuôi rất thấp, cuộc sống bấp bênh. Tuy được giải phóng nhưng an ninh chính trị chưa đảm bảo. Tàn quân địch và FULRO vẫn lén lút hoạt động chống phá cướp bóc, bắn giết cán bộ, nhân dân, gây khó khăn cản trở công cuộc xây dựng cuộc sống mới.
Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết đấu tranh chống thực dân, đế quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong huyện đã vươn lên, vượt qua những khó khăn thách thức, lao động bền bỉ, khôi phục phát triển kinh tế- văn hoá xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, từng bước xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc ngay trên quê hương của mình. Từ một địa phương nghèo khó sau chiến tranh, đến nay huyện Krông Pa đã đạt những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cơ cấu nền kinh tế được xác định rõ nông- lâm- công nghiệp dịch vụ và đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp. Đời sống của nhân dân các dân tộc địa phương ngày càng được quan tâm cải thiện mọi mặt. An ninh quốc phòng được giữ vững. Cùng với các Đảng bộ huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Krông Pa đang nỗ lực vươn lên lao động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Phong trào đấu tranh cách mạng và xây dựng quê hương của nhân dân các dân tộc Krông Pa dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Đảng bộ tỉnh và Đảng bộ huyện qua trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau có cả những thắng lợi vẻ vang và những hy sinh cao cả. Từ công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng cuộc sống mới sau năm 1975 của nhân dân Krông Pa đã để lại những bài học lịch sử quý báu cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc địa phương, cụ thể là:
1. Nắm vững quan điểm, đường lối của Đảng, chủ trương của Đảng bộ tỉnh, vận dụng sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương, xây dựng được thực lực, lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng.
Krông Pa là một Đảng bộ huyện miền núi xa Trung ương và tỉnh, qua thực tiễn hơn năm mươi năm lãnh đạo phong trào từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đến xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng bộ luôn chú trọng việc quán triệt vận dụng đường lối, chủ trương của Đảng và Tỉnh uỷ sát với thực tiễn địa phương, đề ra nhiệm vụ cách mạng phù hợp với phong trào của đồng bào các dân tộc trong từng thời kỳ cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đảng bộ huyện thấm nhuần quan điểm, đường lối trường kỳ kháng chiến, dựa vào lực lượng quần chúng, kiên trì bám trụ trong đồng bào dân tộc, xây dựng cơ sở chính trị, kết hợp đấu tranh vũ trang bằng nhiều hình thức, phương pháp linh hoạt đánh địch, giành những thắng lợi ngày càng to lớn.
Những cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên của Đảng bộ là những người bám sát cơ sở, vận dụng sáng tạo đường lối của Đảng vào phong trào cách mạng của huyện. Từ những cơ sở chính trị được xây dựng trong buôn làng vùng đồng bào dân tộc đã góp phần bảo tồn lực lượng, phát triển thành phong trào du kích, đẩy mạnh phong trào kháng chiến toàn vùng tiến tới tiến cống, tổng tiến công đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, góp phần vào thắng lợi của cả dân tộc.
Trong những năm hoà bình khôi phục phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, phát huy thế mạnh của một vùng đất có nhiều tiềm năng sản xuất nông, lâm nghiệp, huyện đã nhanh chóng bắt tay vào khai hoang, làm thuỷ lợi, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chăm lo cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc về văn hoá, y tế, giáo dục. Sau hơn ba mươi năm giải phóng, từ một vùng đất bị chiến tranh tàn phá, nghèo đói, Krông Pa đã vươn lên trở thành một huyện nhân dân có đời sống khá, chấm dứt nạn đói kinh niên, dịch bệnh, an ninh chính trị được giữ vững. Thành tựu trong sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của Đảng bộ bắt nguồn từ đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng đồng thời có nguyên nhân từ sự vận dụng sáng tạo của Đảng bộ, biết phát huy truyền thống cách mạng của nhân dân các dân tộc, khơi dậy tiềm năng sức lao động con người và đất đai, tài nguyên rừng để phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, tích lũy đầu tư đẩy mạnh công nghiệp hoá- hiện đại hoá, phục vụ cho đời sống nhân dân.
2. Đảng bộ luôn coi trọng, phát huy vai trò của quần chúng, kiên trì vận động, giác ngộ quần chúng các dân tộc đoàn kết đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Nhân dân Krông Pa có truyền thống yêu nước cách mạng, có tinh thần đoàn kết trong chiến đấu và trong lao động xây dựng quê hương. Truyền thống đó được hình thành và hun đúc từ lâu đời trong lịch sử đấu tranh chống các thế lực xâm lược từ bên ngoài, chống áp bức bất công dưới chế độ thực dân phong kiến. Truyền thống đó được phát huy cao độ khi Đảng bộ Krông Pa ra đời lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong huyện đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giải phóng quê hương, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, mặc dù hoàn cảnh hết sức khó khăn, phong trào quần chúng và cơ sở bị địch đánh phá tan vỡ, cán bộ bị tách khỏi dân, nhưng Đảng bộ huyện vẫn kiên trì bám trụ vận động quần chúng, khôi phục phong trào, xây dựng thực lực chính trị, phát triển lực lượng vũ trang, tiến lên phối hợp đánh tiêu diệt địch. Thành công trong chỉ đạo chiến tranh cách mạng, đánh địch bằng hai chân, ba mũi giáp công trên ba vùng chiến lược, vừa vũ trang đánh địch vừa giữ thế hợp pháp, binh vận làm rã ngũ địch là thành công của sự vận dụng quan điểm cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, phát huy sức mạnh, sự sáng tạo của quần chúng trong đấu tranh chính trị, vũ trang chống lại âm mưu thủ đoạn khủng bố, tàn sát cán bộ, quần chúng của địch. Sau ngày hoà bình lập lại năm 1975, nghèo đói và lạc hậu là thách thức lớn đối với Đảng bộ, nhân dân trong huyện. Phát huy truyền thống đoàn kết và sức mạnh sáng tạo của quần chúng trong kháng chiến, các cấp uỷ Đảng đã phát động quần chúng tiến quân vào mặt trận nông nghiệp, khai hoang, làm thuỷ lợi, xây dựng cánh đồng sản xuất lương thực, hàng hoá xuất khẩu, đảm bảo cuộc sống cán bộ, nhân dân. Sức mạnh đoàn kết các dân tộc, Kinh cũng như Thượng, đồng bào tại chỗ cũng như đồng bào kinh tế mới đã khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng đất đai và nhân lực của huyện, nhanh chóng khôi phục phát triển kinh tế-văn hoá xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh quốc phòng trong sự nghiệp đổi mới.
Có thể nói mỗi chiến công, mỗi thành tựu trong hơn nửa thế kỷ đấu tranh cách mạng, xây dựng và trưởng thành của quân dân các dân tộc Krông Pa đều có nguyên nhân từ sự lãnh đạo của Đảng bộ trong việc coi trọng và phát huy cao độ sức mạnh truyền thống yêu nước, đoàn kết, sáng tạo của quần chúng nhân dân trong cộng đồng các dân tộc vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
3. Xây dựng căn cứ cách mạng vững chắc để xây dựng thực lực cách mạng, giữ thế phát triển liên tục của phong trào đi đến thắng lợi cuối cùng.
Huyện Krông Pa là địa bàn chiến lược, cửa ngõ của tỉnh Gia Lai và Đak Lak, núi rừng hiểm trở, nơi tiếp giáp của ba tỉnh (Phú Yên, Đak Lak, Gia Lai). Trong kháng chiến vùng đông Cheo Reo còn gọi là H2, là địa bàn thuận lợi làm đầu mối hành lang và đứng chân của các lực lượng của Trung ương và tỉnh phát triển phong trào ra các địa bàn xung yếu, đặc biệt là nam Tây Nguyên. Được sự chỉ đạo của Khu uỷ và hai tỉnh Đak Lak, Gia Lai, Đảng bộ Krông Pa đã xây dựng căn cứ địa vững chắc ở vùng Đất Bằng, Ia Rsai cùng với tỉnh xây dựng căn cứ Dleiya tồn tại trong suốt hai cuộc kháng chiến.
Xây dựng căn cứ là xây dựng thực lực toàn diện cả quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá làm cho bộ mặt căn cứ có nét ưu việt hơn vùng địch tạm chiếm. Ngoài chăm lo xây dựng bố phòng làng, xã chiến đấu, xây dựng lực lượng an ninh vũ trang vững mạnh, trong sạch địa bàn đủ sức đánh địch bảo vệ cán bộ, nhân dân, Đảng bộ luôn quan tâm chăm lo đời sống đồng bào, vừa huy động sức người, sức của cho kháng chiến vừa bồi dưỡng sức dân, hướng dẫn nhân dân sản xuất tiết kiệm, xây dựng đời sống văn hoá, nâng cao trình độ giác ngộ chính trị, gắn kết một cách chặt chẽ ba mặt dân sinh, dân trí và dân khí, tạo nên bản lĩnh chiến đấu của nhân dân và sức sống của vùng căn cứ cách mạng.
Đất nước thống nhất, Krông Pa bước vào thời kỳ hòa bình xây dựng cuộc sống mới, Đảng bộ lãnh đạo toàn diện phát triển kinh tế, văn hoá xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, nhưng luôn chú trọng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng sâu vùng xa, đối tượng chính sách, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo. Đồng thời luôn giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng, củng cố mối đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc, giữa đồng bào các tôn giáo và không tôn giáo, nêu cao cảnh giác làm thất bại âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch, thực hiện “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ. Đó là yếu tố xây dựng củng cố lòng dân, những biện pháp và hình thức cụ thể phát huy vai trò căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
4. Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong từng thời kỳ cách mạng, đặc biệt chú trọng đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số địa phương làm công tác lãnh đạo, vận động quần chúng.
Nhận thức rõ vai trò của cán bộ và công tác cán bộ trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng bộ huyện Krông Pa luôn quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, đoàn thể về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu của các giai đoạn cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đội ngũ cán bộ của Đảng bộ được bồi dưỡng nhận thức chính trị, thấm nhuần quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng, có chuyên môn nghiệp vụ, gắn bó với quần chúng các dân tộc, được rèn luyện qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, lao động sản xuất, bắt đầu từ những cán bộ lãnh đạo chính trị, quân sự, binh vận và những cán bộ lãnh đạo quản lý chính quyền, chuyên môn… phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng.
Đảng bộ Krông Pa là một Đảng bộ có nguồn cán bộ đến từ nhiều địa phương khác nhau trong cả nước; do đó Đảng bộ đã quan tâm, thường xuyên giáo dục và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất, chống tư tưởng cục bộ địa phương, dân tộc hẹp hòi, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, tinh thần cộng đồng trách nhiệm, bám đất, bám dân, đi sát cơ sở, xây dựng, củng cố đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ trong từng thời kỳ cách mạng. Đồng thời nghiêm khắc đấu tranh loại bỏ những tư tưởng, hành động lệch lạc, cực đoan chia rẽ nội bộ Đảng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc ở địa phương.
Trong điều kiện Đảng bộ lãnh đạo toàn diện và sâu rộng phong trào cách mạng trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, Đảng bộ luôn đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số tại chỗ gắn bó với địa phương cơ sở có phẩm chất, năng lực và tâm huyết. Đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số của địa phương cần được bồi dưỡng, đào tạo theo quy hoạch, luân chuyển để đủ khả năng đảm nhận công tác lãnh đạo, quản lý, công tác vận động quần chúng theo yêu cầu phân công của cấp uỷ góp phần làm cầu nối giữa Đảng và nhân dân, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ huyện.
5. Luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh, kiên quyết đấu tranh chống những tư tưởng hành động lệch lạc, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, sự ổn định chính trị xã hội.
Vai trò lãnh đạo của Đảng bộ đã được xác định ngay từ khi Đảng bộ ra đời tháng 8- 1948, trong hoàn cảnh khó khăn của những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hơn nửa thế kỷ qua vai trò lãnh đạo của Đảng bộ ngày càng trở thành nhân tố quyết định mọi thắng