23/07/2018
Một thời cầm súng chiến đấu, hiến một phần máu xương vì độc lập dân tộc khi đất nước được hòa bình, họ trở về với cuộc sống đời thường với phần cơ thể không còn lành lặn, nhiều người lính vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất của người bộ đội cụ Hồ, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên trong cuộc sống, động viên gia đình sản xuất, phát triển kinh tế, là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Tại buôn Thiel xã Ia Rmok, tấm gương bệnh binh Nay Bang sinh năm 1944 là một trong những điển hình vượt khó, phát triển kinh tế gia đình và luôn hết lòng giúp đỡ mọi người.
Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, cuộc sống thời bình giờ đã có cái ăn, cái mặc nhưng người cựu chiến binh Nay Bang vẫn chưa lúc nào nguôi nhớ về thời thanh niên sôi nổi với những chiến công, những kỷ niệm đẹp nhất và cả những nỗi đau thể xác. Cũng như hàng ngàn thanh niên cùng trang lứa, năm 1960 khi mới bước sang tuổi 16, cậu thanh niên Nay Bang làm đơn tình nguyện tham gia chống Mỹ cứu nước. Nhưng khi nhìn thân hình nhỏ bé của cậu bé ai cũng ái ngại, họ nói cho cậu nghe những khó khăn, gian khổ, phải sống trong rừng sâu núi rậm cả tháng trời, sẽ phải chịu đói chịu rét. Song với quyết tâm của một người con Jrai anh dũng, Nay Bang đã xin đi tham gia chiến đấu. Cũng đã có người lôi kéo ông tham gia vào ngụy quyền với lời hứa ngon ngọt sẽ cho làm cán bộ, cuộc sống sẽ được ăn no, mặc đẹp. Nhưng vẫn với tinh thần kiên định, ông không hề lay chuyển mà quyết tâm ra đi đánh giặc. Vì anh thanh niên Nay Bang đã nhìn thấy được ánh sáng của con đường cách mạng, chỉ có theo Đảng thì sau này mới có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tham gia hoạt động tại các huyện ở tỉnh Đăk Lăk. Năm 1965 ông bị thương, rồi bị bắt tại trận đánh phía nam Đăk Lăk. Bị thương gẫy chân và rất nhiều vết thương nặng khác trên cơ thể. Sau đó, bị giam cầm tại nhà lao Buôn Mê Thuột-Đăk Lăk và bị xử 8 năm tù tại nhà tù Côn Đảo. 4 năm ở Côn Đảo, vết thương của ông tuy có được chữa trị những vẫn không bị khỏi. Tối tối vết thương khiến ông Nay Bang nằm ngủ không yên, đau đớn, không tắm rửa được. Sau năm 1970, ông và một số anh, em lại bị đưa về giam ở Biên Hòa. Những năm tháng ở trong tù khổ sai, ông và nhiều đồng chí bị bọn địch tra tấn hết sức dã man. Do không chịu đầu hàng, không chịu hô khẩu hiệu theo chỉ dẫn của bọn địch. Có nhiều người bị đánh đến chết. Lúc đó người tù chính trị Nay Bang cũng bị tra tấn dã man và giờ đây ông còn mang rất nhiều vết thương nặng trong mình. Năm 1973, ông được trao trả về địa phương theo hiệp định Pari. Sau đó ông bắt vợ. Trở về địa phương ông tiếp tục tham gia hoạt động bí mật, làm cán bộ cơ sở cách mạng. Sau năm 1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng ông về tham gia làm giáo viên xóa mù chữ cho bà con ở địa phương. Kinh tế gia đình lúc đó vô cùng khó khăn. Bản thân ông thì bị đau ốm thường xuyên, giám định thương tật mất 65% sức khỏe. Những lúc trái gió, trở trời, vết thương cũ lại làm ông đau nhức. Trong 6 đứa con thì có 2 người bị nhiễm chất độc da cam. Cái cảnh cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc luôn luôn xảy ra. Nhưng thực hiện lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế” ông đã không chịu khuất phục trước hoàn cảnh, động viên vợ con vượt khó khăn, chăm chỉ làm ăn, tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất. Hiện gia đình trồng 3 sào lúa nước, 1, 5 ha mì và 2 sào ngô lai, nuôi thêm 7 con bò, trồng thêm lúa rẫy. Không chỉ vậy, ông là người đầu tiên trong buôn biết đầu tư đào giếng để lấy nước tưới rau và cây ăn quả phục vụ cho nhu cầu trong gia đình. Đây là một cách nghĩ, cách làm thật thiết thực, hiểu quả nhất là đối với bà con nơi đây vì với người Jrai bao đời nay vẫn luôn phụ thuộc vào cái nước của trời. Năm 2011, từ nguồn quỹ đền ơn đáp nghĩa của huyện gia đình ông được hỗ trợ 30 triệu đồng và phần còn lại là gia đình tự đóng góp xây dựng ngôi nhà mới, rộng rãi. Dù bản thân sức khỏe đã yếu dần và nuôi hai đứa con bị nhiễm chất độc da cam song nhờ ý chí của bản thân ông Nay Bang đã vượt qua mọi khó khăn vươn lên, làm gương cho mọi người noi theo. Ông Nay Bang chia sẻ: “Thời chiến tranh tôi bị bắt tù đầy ở Côn Đảo bị thương tật đầy mình. Nhưng tôi vẫn luôn luôn gương mẫu cho con cháu, bà con trong buôn làng”.
Với ý chí, nghị lực của một người lính cụ Hồ, không ngại khó khăn gian khổ, ông đã từng bước gây dựng được nền tảng kinh tế vững vàng cho gia đình, nuôi các con trưởng thành và chăm lo cho hai đứa con cố bị thiệt thòi. Không chỉ lo cho gia đình mà ông luôn gương mẫu trong mọi việc, nhiệm vụ nào cũng nhiệt tình và nêu cao vai trò của một Đảng viên mẫu mực, một người lính tiên phong, đóng góp một phần công sức của mình vào phong trào xoá đói giảm nghèo ở địa phương, xây dựng quê hương ấm no hạnh phúc. Với những cống hiến đó, ông đã được cấp trên tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen. Đồng chí Ksor Ơng-Bí thư xã Ia Rmok cho biết: Mặc dù tuổi già, sức khỏe ngày càng yếu do vết thương của chiến tranh để lại, nhưng ông Bang vẫn luôn gương mẫu, được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã kính trọng vì nghị lực phi thường của ông.
Thấm nhuần lời dạy của Bác thương binh tàn nhưng không phế, ông Nay Bang luôn tự nhủ với bản thân và động viên gia đình cùng những người xung quanh cùng gương mẫu trong mọi mặt của cuộc sống. Ông không chỉ là một bệnh binh biết làm kinh tế, mà còn là một công dân gương mẫu luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương, là tấm gương sáng cho con cháu noi theo. Ông thực sự là một tấm gương sáng về tinh thần lao động, một minh chứng sống động cho những cựu chiến binh luôn phấn đấu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh./.
Đức Mạo