Huyện Krông Pa - 45 năm thành lập, xây dựng, phát triển và trưởng thành

16/04/2024
Huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp giữa ba tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk và Phú Yên, nối liền Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung. Nơi đây ghi dấu biết bao chiến công oanh liệt của nhân dân trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Cách đây 77 năm, ngày 10/8/1947 tại buôn Ma Hing, xã Đất Bằng, Chi bộ Đảng ở huyện Cheo Reo được thành lập, tiền thân của Đảng bộ huyện Krông Pa ngày nay. Đây là mốc son quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của phong trào cách mạng ở địa phương dưới sự lãnh đạo của Đảng, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, lòng mong mỏi và tâm nguyện của đồng bào các dân tộc huyện Cheo Reo lúc bấy giờ. Sau khi thành lập, Chi bộ Đảng không ngừng phát triển cả về lực lượng và tổ chức, lãnh đạo quân và nhân dân các dân tộc đoàn kết, vượt qua khó khăn, gian khổ, quyết tâm đi theo Đảng và Bác Hồ, bền bỉ đấu tranh cách mạng, lập được nhiều thành tích to lớn, cùng nhân dân cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đến năm 1979, huyện Krông Pa được thành lập theo Quyết định số 178-CP, ngày 23/4/1979 của Hội đồng Chính phủ.
Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Gia Lai, huyện Krông Pa có diện tích tự nhiên 1.623,66 km2; dân số trên 90.000 người. Tính đến 31/3/2024, Đảng bộ huyện có 43 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, gồm 14 đảng bộ xã, thị trấn và 29 đảng bộ, chi bộ cơ quan với 3.030 đảng viên; có 162 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, trong đó có 77 thôn, buôn, tổ dân phố. Với đặc thù là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, điều kiện tự nhiên, khí hậu tương đối khắc nghiệt, đời sống của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.  Song, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, cùng sự nỗ lực, cần cù, sáng tạo, cố gắng với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện tiếp tục vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc chiến chống đói nghèo, lạc hậu, dũng cảm, tự tin bước vào công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh trên vùng đất giàu tiềm năng, giàu truyền thống cách mạng, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.
Ngày mới thành lập, Krông Pa là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh, với nền kinh tế lạc hậu, sản xuất manh mún, nông nghiệp năng suất thấp, mang nặng tính tự cung tự cấp, công nghiệp hầu như chưa hình thành, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và cơ sở hạ tầng không có gì đáng kể. Trình độ dân trí thấp, hủ tục, mê tín dị đoan còn nặng nề. Sau 45 năm thành lập, Đảng bộ và Nhân dân huyện Krông Pa đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, khắc phục khó khăn, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế đưa nền kinh tế huyện nhà phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 - 2020 đạt 10,87%. Riêng năm 2023, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) 6.246 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 11,64%. Cơ cấu kinh tế các ngành đảm bảo chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng các ngành: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 39,31%, công nghiệp và xây dựng 36,07%, dịch vụ chiếm 24,63%. Thu nhập bình quân đầu người 47,83 triệu đồng/năm.
Cùng với đó, việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất được quan tâm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế. Năm 1979, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện khoảng 7.000 ha, chủ yếu sử dụng phương pháp đốt, chọc tỉa, đến nay đã chuyển sang phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường, hình thành các vùng sản xuất tập trung, từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiệu khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Trong giai đoạn 2015-2020, huyện đã hỗ trợ 6,2 tỷ đồng để triển khai 20 mô hình, dự án khuyến nông, chuyển giao công nghệ. Riêng năm 2023, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện đạt 49.564,32 ha, tổng đàn bò 63.632 con, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt trên 3.900 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt trên 3.500 tỷ đồng (theo giá hiện hành), tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 1.700 tỷ đồng. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công huyện quản lý trên 172,5 tỷ đồng, bố trí cho 26 chương trình, dự án trên địa bàn huyện. Hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, công sở… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, góp phần thay đổi diện mạo của huyện.
Không chỉ dừng lại ở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đã triển khai thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình giảm nghèo bền vững. Tổng nguồn vốn lồng ghép, huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trong 05 năm 2015-2020 đạt 1.624,156 tỷ đồng. Với những nỗ lực đó, đến cuối năm 2020, toàn huyện có xã Phú Cần và xã Ia Mlah đạt chuẩn nông thôn mới; Buôn Ia Mlah, xã Phú Cần; buôn Prong xã Ia Mlah; buôn MaRok xã Chư Gu đạt chuẩn làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số; đến cuối năm 2023, huyện có thêm xã Uar đạt chuẩn nông thôn mới.
Bên cạnh đó, sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đảm bảo cân đối về quy mô, loại hình và nâng cao chất lượng, từng bước được chuẩn hóa, hệ thống trường lớp được sắp xếp theo hướng tinh gọn, phù hợp. Từ những ngày đầu thành lập huyện, quy mô hệ thống giáo dục nhỏ bé, toàn huyện có 6 trường tiểu học và hơn 2.000 học sinh, tỷ lệ trẻ em đến trường ở mức 25%, chất lượng giáo dục còn hạn chế nhiều mặt, trình độ dân trí rất thấp, với gần 90% dân số mù chữ. Đến nay, đã có 4 bậc học với 48 đơn vị trường, với 725 lớp và 24.559 học sinh, trong đó có 30 trường đạt chuẩn quốc gia.
Y tế có nhiều tiến bộ, công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân và phòng, chống dịch bệnh được tăng cường. Hoạt động văn hóa, thông tin và thể thao có nhiều chuyển biến tích cực, đáp ứng cơ bản nhu cầu vui chơi, giải trí và rèn luyện sức khỏe cho Nhân dân. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao mang bản sắc dân tộc được giữ gìn, phát huy gắn với bảo tồn và phát huy truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Các chương trình an sinh xã hội, giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.
Công tác dân tộc luôn được cấp ủy đảng, chính quyền xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, luôn thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số như: hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón cho hộ đồng bào dân thộc thiểu số nghèo. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”, “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhận thức của người dân tộc thiểu số về bình đẳng giới, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được nâng lên. Các chính sách về tôn giáo, quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo được đảm bảo. Toàn huyện hiện có 06 tôn giáo được Nhà nước công nhận, với 23.997 tín đồ; có 21 chức sắc, 137 chức việc. Các hoạt động tôn giáo cơ bản theo quy định của pháp luật, những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo được phát huy, tôn trọng.
Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được đảm bảo và tăng cường, lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ không ngừng được củng cố, kiện toàn cả về số lượng và chất lượng. Công tác tuyển quân, tuyển sinh quân thực hiện đúng quy trình, đảm bảo chỉ tiêu, chất lượng, tỷ lệ thanh niên nhập ngũ hàng năm đều đạt 100% chỉ tiêu.
Quán triệt quan điểm của Đảng, phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, văn hóa là nền tảng tinh thần, trong 45 năm qua huyện đã dành nhiều công sức, trí tuệ tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trên địa bàn huyện. Những thành tựu đã đạt được là động lực để thúc đẩy sự phát triển, tiếp tục vững bước trên các cung bậc trong thời kỳ mới. Với những thành tựu nổi bật đó, mỗi chúng ta hôm nay đang sinh sống trên mảnh đất Krông Pa anh hùng đều có quyền tự hào với những kết quả mà Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong huyện đã đoàn kết vượt qua bao khó khăn thách thức để giành được; xem đó là nền móng quan trọng cho sự phát triển trong thời gian tới, toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc huyện Krông Pa sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, ra sức thi đua, quyết tâm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra, thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
NGUYỄN LIÊN