Người cựu chiến binh làm giàu từ cây nhãn

20/01/2020
    Phát huy truyền thống của người lính Cụ Hồ, trong những năm qua, trên địa bàn huyện Krông Pa đã xuất hiện nhiều tấm gương cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Một trong số đó là cựu chiến binh Vũ Ngọc Hòa, sinh năm 1956 ở thôn Mới, xã Chư Rcăm, một người đã làm giàu từ cây nhãn.
    Ông Vũ Ngọc Hòa được sinh ra và lớn lên tại xã Lệ Xá, huyện Tiên Nữ, tỉnh Hưng Yên, là nơi vốn giàu truyền thống cách mạng. Vì thế, khi vừa tròn 18 tuổi ông đã tham gia bộ đội và được huấn luyện ở đồi Yên Phụ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Hưng-cũ. Sau khi huấn luyện xong, ông được tham gia nhiều chiến dịch, như chiến dịch giải phóng Nông Sơn ở tỉnh Quảng Nam, chiến dịch giải phóng Tuần Dưỡng, Tam Kỳ thuộc bán đảo Sơn Trà. Năm 1976, ông Hòa xuất ngũ và trở về quê hương. Đến năm 1995, ông cùng gia đình vào Krông Pa và chọn xã Chư Rcăm là nơi bắt đầu cho một cuộc sống mới. Những năm đầu trên vùng đất này, gia đình ông Hòa gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với bản chất của người lính Cụ Hồ, không cam chịu cảnh đói nghèo, ông đã từng bước vươn lên và trở thành một trong những cựu chiến binh, có thu nhập cao trong Hội cựu chiến binh xã Chư Rcăm. Ông Vũ Ngọc Hòa - Hội viên Hội cựu chiến binh thôn mới xã Chư Rcăm, chia sẻ: “Vào năm 95 ở quê thì đất chật, người đông, thế rồi hoàn cảnh khó khăn, rồi tôi vào Krông Pa thăm quan, thấy đất rộng, người thưa, làm ăn tốt nên tôi đưa vợ con vào đây phát triển kinh tế. Về đây thì mang tính chất của người lính bộ đôi cụ Hồ, thì tôi vẫn luôn luôn phấn đấu. Tôi trồng thuốc lá thấy nó không hiệu quả cho lâu dài, thì tôi mới đưa cây nhãn vào đây, tôi trồng ở vườn nhà, khi được thì tôi nhân ra rộng cho anh em, bạn bè. Hiện tại, năm nay tôi bội thu.”
    Bắt đầu chỉ với vài sào trồng nhãn, đến hôm nay ông Hòa đã có 2,7 ha trồng nhãn giống Hương Chi. Ông Hòa cho biết, muốn cây nhãn Hương Chi phát triển tốt, phải thường xuyên chăm sóc, thăm nom vườn cây. Nếu như trời nắng, khô hạn thì tưới 1 lần/ngày vào mùa mưa có thể ngưng tưới nước. Với những loại côn trùng bạn có thể bắt bằng tay hoặc có thể dùng chế phẩm sinh học phun loại bỏ; đối với dơi thì cần giăng lưới, dơi sẽ bị mắc vào. Khi quả chín màu sẽ chuyển sang vàng nâu. Quả to và mọng, nên hái vào ban ngày khi trời mát và dùng kéo chuyên dụng cắt chùm nhãn, rồi bảo quản nơi thoáng mát. Sau khi thu hoạch xong, ta phải tỉa bớt cỏ dại để cây tiếp tục cho vụ sau.
Một cây nhãn giống Hương Chi thường cho ra khoảng 1,5 tạ nhãn, nhưng ông Hòa chỉ lấy từ 1 tạ đến 1,2 tạ. Những quả nhỏ, quả không đạt chất lượng sẽ bị loại bỏ, để cây lấy dinh dưỡng nuôi những quả còn lại. Ông Vũ Ngọc Hòa cho biết: “Giống nhãn này thì tôi đưa từ Hưng Yên vào, đó là giống nhãn Hương Chi. Nó đã 2 năm trên vườn ươm, đưa về đây thì cây cao khoảng 1m đến 1m2, bầu 20 đến 25, nặng từ 6 đến 7kg. Khi đào hố trồng thì sâu khoảng 50, đường kính rộng 40, rồi thả xuống phân bò, phân hoi, rồi ta tưới nước. Khoảng cách cây cách cây là 5 m, luống cách luống tôi trồng 6m. Năm thứ hai là đã cho bói. Khi thu hoạch xong thì ta đánh chồi, cho nó thanh thoáng để tạo cho vụ tới. Nếu như ở nơi đây thì 2 năm có thu hoạch 3 vụ. Trước khi thu hoạch thì ta tưới nước đều đặn, để cây phát triển tốt và quả sẽ ra đều và sáng.”
    Nhãn có giá khoảng 25 nghìn đồng 1 kg, vào các thời điểm lễ tết có thể lên đến 40 nghìn đồng 1 kg. Ngoài ra, ông Hòa còn bán cây giống, mỗi cây giống có giá 150 nghìn đồng. Nhờ đó, mỗi năm sau khi bán nhãn và cây giống, thu nhập của gia đình đều từ 500 đến 700 triệu đồng.
Không chỉ nghĩ cho bản thân mình, ông Hòa còn tận tình hướng dẫn cho nhiều người trong và ngoài xã kỹ thuật trồng nhãn. Ngoài ra, ông còn được nhiều nơi mời đến tư vấn kỹ thuật trồng nhãn như huyện Chư Sê, huyện Chư Pưh tỉnh Gia Lai, và một số nơi thuộc tỉnh Đăk Nông. Ông Vũ Trọng Khiếu - Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh thôn mới, xã Chư Rcăm nói: “Tôi thấy mô hình của đồng chí Hòa, hiện nay đang phát triển tốt, có thu nhập cao. Ngoài trồng nhãn, đồng chí cũng áp dụng đủ các loại như chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là phát triển cây giống, để đi gây giống ở huyện cũng như là trong tỉnh Gia Lai hoặc là các tỉnh khác. Theo tôi nghĩ là phát triển với giống nhãn Hương Chi thì tôi thấy được, ăn cùi dày và ngọt.”
    Ông Nguyễn Đức Giang – Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Chư Rcăm, nhận xét: “Đồng chí vào đây đưa mô hình trồng nhãn và đã tồn tại cho đến nay đã 25 năm. Cây nhãn của đồng chí phát triển rất tốt, cho năng suất cao. Đồng chí Hòa là một trong những cựu chiến binh đưa mô hình trồng nhãn để phát triển kinh tế, và từ ngày đồng chí thực hiện mô hình trồng nhãn thì kinh tế gia đình rất ổn định, các con được ăn học trưởng thành. Đồng thời, đồng chí tạo điều kiện cho 2 công nhân để làm việc tại vườn của đồng chí, cho đến nay có thu nhập ổn định, mỗi tháng từ 4 đến 5 triệu đồng.”
    Luôn giữ vững phẩm chất cao đẹp của người lính bộ đội Cụ Hồ với ý chí mạnh mẽ, không khuất phục trước khó khăn, lao động cần cù, sáng tạo. Cựu chiến binh Vũ Ngọc Hòa xứng đáng là tấm gương sáng để người dân học tập và noi theo.
T/h: Sơn Trung- Nguyên Anh.