Những cái chết ám ảnh người ở lại

23/01/2018
    Nhiều năm qua trên địa bàn huyện Krông Pa đã có không ít người tìm đến cái chết vì những lý do rất đơn giản, xung khắc rất bình thường trong các mối quan hệ, thậm chí có người tự tử chết nhưng chẳng ai hiểu vì cớ gì. Trước đây nhiều người tự tự bằng cách uống thuốc trừ sâu, diệt cỏ, ăn trái cây độc, thì trong năm 2017 nhiều người lại tìm đến cái chết bằng cách treo cổ. Những cái chết đó ám ảnh người ở lại.
    Đã hơn 1 năm khi Ksor Lanh đứa con trai đầu mới chớm 16 tuổi tìm đến cái chết bằng cách thắt cổ trong chòi rẫy chị Ksor H’Lý mẹ của Lanh ở buôn Púh xã Ia Rsai vẫn chưa thể nào nguôi ngoai, cứ rấm rứt trong lòng vì đứa con ra đi ở cái tuổi đẹp nhất. Lanh tự tử vì nguyên nhân rất đỗi bình thường, “ muốn xe máy mà nhà đang khó khăn không có tiền mua. Nó đòi xe Enxentơ màu đỏ, đi ngoài đường thấy xe đẹp nó thích, mình cũng khuyên không cho đi uống rượu, nói từ từ nó cũng nghe, thấy nó buồn buồn đi chơi uống rượu với bạn bè, giờ thì nó bỏ đi rồi”. Chị Ksor H’Lý nói.
    Ông Siu Jú – Bí thư chi bộ buôn Púh cho biết tình trạng tự tử trong buôn tăng hơn nhiều so với trước đây. Mặc dù công tác tuyên truyền cũng được triển khai nhưng trường hợp tự tử thường ở độ tuổi mới lớn nên hành động tiêu cực bột phát. “Bố mẹ thì khó khăn nợ chủ đầu tư, mẹ nó làm nhà năm ngoái, nó thấy xe đẹp đời mới đòi mua, bố mẹ nói đợt này còn kẹt thu mua xong vay đầu tư lại làm mua xe cho con. Bố mẹ cũng giáo dục nói con chưa đủ tuổi lái xe ạ, 18 tuổi mới đủ tuổi đi lấy bằng lái xe. Lần đầu nó cầm dây đi thắt cổ họ hàng dân làng bắt lại. Khi uống rượu bố mẹ cũng quan tâm lắm phục nó mà nửa đêm nó lấy xe đi. Sáng bố mẹ chạy xe vào rẫy thì nó chết ở đấy”.
    Năm 2017, trên địa bàn xã Ia Rsai xảy ra 3 vụ tự tử làm chết 3 người tất cả đều là người dân tộc thiểu số và phần lớn đều nằm trong độ tuổi lao động. Những cái chết vô nghĩa đã kéo theo hệ lụy khôn lường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý xã hội, làm phức tạp tình hình an ninh nông thôn. Ông Thái Hữu Lự-Trưởng công an xã Ia Rsai cho biết: “2017 xảy ra 3 vụ chết 3 người so với 2016 tăng. Nguyên nhân yếu là do mâu thuẫn gia đình, đối tượng phần lớn tuổi trẻ vị thành niên thiếu suy nghĩ nông cạn uống rượu với bạn bè về xin tiền bố mẹ chưa có thì về tự tử. Đối với chính quyền công an tham mưu chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, qua cuộc họp cảnh báo đến tình trạng tự tử đến người dân. Tuy nhiên tình trạng tự tử gia tăng”.
    Xã Đất Bằng, Ia Dréh, Uar, Ia Mláh, Ia Rsai.... là những địa phương có người dân tộc thiểu số tự tử nhiều nhất. Nguyên nhân của những cái chết đau lòng đó chẳng có gì to tát. Mâu thuẫn, bức xúc trong phạm vi gia đình. Người Jrai ở Krông Pa, bản tính thẳng thắn, bộc trực, lòng tự trọng cao, nhưng tính tự ái cũng rất lớn. Mặt khác trình độ hiểu biết còn hạn chế, khi gặp chuyện không ưng cái bụng, cộng với chất xúc tác của rượu, lúc đến đỉnh điểm của mâu thuẫn, liền nghĩ ngay đến cái chết để giải tỏa bức xúc. Theo số liệu thống kê sơ bộ trong vòng 5 năm trở lại đây trên địa bàn huyện Krông Pa đã xảy ra hơn 50 vụ tự tử trong đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng năm 2017, đã xảy ra 13 vụ, chủ yếu là người dân tộc thiểu số.
    Ông Hwing Son-Trưởng ban dân vận huyện uỷ cho biết: “Vấn đề tự tử các trường hợp xoáy quanh việc gia đình, vợ chồng, cha mẹ, uống rượu tủi thân quá kết liễu để thanh thản khỏi vướng mắc. Sau khi có nhiều trường hợp tự tử nhiều huyện thành lập tăng cường tuyên truyền công tác giáo dục để biết hậu quả, ở các xã trọng điểm nạn tự tử”.
Những con số thống kê cho thấy vấn nạn tự tử vẫn chưa được đẩy lùi mà đang có xu hướng gia tăng ở Krông Pa. Việc tìm ra các biện pháp hữu hiệu nhằm hạn chế đến mức thấp nhất, tiến tới đẩy lùi và xóa bỏ nạn tự tử trên địa bàn vẫn là một bài toán khó đối với địa phương. Bởi vậy, sẽ vẫn còn những cái chết tức tưởi với lý do thật đơn giản xảy ra ám ảnh những người ở lại.   
                                                          Đức Mạo – Ngô Thu