Ninh Văn Dậu: Người thầy – Người cha!

22/11/2017
     Mặc dù chưa có gia đình, bản thân thầy đang ở tập thể, hoàn cảnh của gia đình còn rất khó khăn, mẹ cũng đang chiến đấu với căn bệnh ung thư nhưng thầy Ninh Văn Dậu vẫn dành rất nhiều tình cảm, kinh phí để hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn và đến nay thầy đã nhận đỡ đầu nhiều em học sinh.
      Câu chuyện thầy Ninh Văn Dậu vào rẫy “lấy học sinh về” trong những ngày đầu tháng 3/2017 đã tạo được một sức lan tỏa mạnh mẽ trong dư luận xã hội. Trong hoàn cảnh phải mải mê chạy theo đời sống thường ngày, khi mà sự quan tâm trước nỗi đau người khác tưởng đã thành một hiện tượng hiếm hoi thì suy nghĩ và hành động của thầy Ninh Văn Dậu là một tiếng chuông khiến nhiều người trong và ngoài ngành giáo dục phải tự nhìn lại mình, tự vấn mình.
       Làm công tác chủ nhiệm, ngoài những công việc chung thì việc vận động học sinh bỏ học quay trở lại lớp là một việc làm mà thầy Dậu đã dành rất nhiều thời gian, công sức cũng như tâm huyết cho công việc đầy gian khó tại vùng đất khó này. Không kể ngày - đêm; ngày lễ, tết; ngày nắng hay mưa…, bất kể là xa hay gần; gia đình ủng hộ hay không ủng hộ… thầy Dậu đều tranh thủ đến tận nhà học sinh để vận động. “Được thầy Dậu động viên nhiều lần, em đã về lại lớp học, tham dự kỳ thi tốt nghiệp quốc gia đã đậu, nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tốt nghiệp xong em nghỉ ở nhà làm phụ giúp gia đình. Em cảm ơn tấm long của thầy Dậu đã giành cho em trong suốt 3 năm học vừa qua, thầy đối với em như một người cha, người mẹ vậy Em Ksor Gôl, xã Ia Dreh nói.
       Nhận đỡ đầu 04 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn như tảo hôn theo phong tục thầy đã kịp thời khuyên ngăn, mồ côi cha hoặc mẹ, bố bị tai biến để hỗ trợ cho các em tiền ăn học và quan tâm đến đời sống hàng ngày của các em. Đến nay, trong số 04 em có 03 em đã tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng và đi làm. Cụ thể vào năm 2009, em Nay Mel, ở buôn Thial, xã Ia Rmok, tính đến chuyển bỏ học giữa chừng vì bố em bị tai biến, nhà không có điều kiện để theo học, thông cảm với khó khăn của học sinh, thầy Dậu đến tận nhà, nắm bắt tâm tư, chia sẽ tình cảm và nhận đỡ đầu me trong quá trình học, không phụ công thầy Mel đã nỗ lực cố gắng, đến nay em đã tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, chuyên ngành Toán Tin. Vào năm 2011, suốt mấy ngày liền không thấy một học sinh trong lớp của mình đi học, rồi nghe các em học sinh trong lớp kháo nhau là thằng Sếp sắp bắt vợ, không tin vào tai mình, thầy Dậu đã tìm đến nhà Sếp để hỏi chuyện và hỏi lý do sao em không đi học, đến chứng kiến sự việc thầy mới tá hỏa. Lúc này bằng sự đồng cảm, chia sẽ và kiên trì, thầy đã thuyết phục được Sếp và gia đình từ bỏ cái ý định bắt vợ, và sếp quay trở lại trường học hết cấp ba, đi học chuyên nghiệp và hiện nay về công tác tại xã Ia Dreh ở cương vị xã đội phó. “Giữa cấp 3 thì gia đình bắt ép bắt vợ, trong lúc đó có thầy Dậu qua nhà động viên an ủi về mặt tinh thần, rồi em đổi ý không bắt vợ nữa. Trong quá trình học có thầy Dậu luôn an ủi về tinh thần và hỗ trợ vật chất, em tốt nghiệp 12 xong rồi đi học trường Trung cấp y, hiện nay em làm ở xã. - Ksor Sếp nói.
       Rồi đến năm 2013, một học sinh khác trong lớp thầy Dậu chủ nhiệm đó là Ra Lan Sen ở buôn Drai, xã Ia Dreh, bố chết vì đột quỵ thầy Dậu cũng đã nhận đỡ đầu để em Sen vượt qua khó khăn tiếp tục con đường học của mình, và giờ đây Sen đã tốt nghiệp cao đẳng Công nghệ thông tin, đi làm ở Chư Prông, công việc cũng ổn định, có thu nhập. Và hiện nay thầy Dậu vẫn đang tiếp tục đỡ đầu em Đỗ Ngọc Quang, sinh viên năm thứ 3 Đại học Nha Trang, Quang được thầy Dậu nhận đỡ đầu từ năm vào lớp 10, gia đình em cũng rất khó khăn, bố mất sớm do bị bệnh gan, nhà đông anh em, nên con đường bước tiếp của em trên con đường vào Đại học cũng chính nhờ thầy Dậu.
       Chia sẻ với chúng tôi, thầy Dậu khiêm tốn kể, mình nhận 4 học sinh làm con nuôi. Có em mồ côi cả mẹ lẫn cha, có em bố hoặc mẹ ốm liệt giường… nói chung các em đều có hoàn cảnh rất tội nghiệp. Với đồng lương eo hẹp của mình, thầy giáo Dậu cho hay, mình chỉ giúp chút ít về kinh tế, còn chủ yếu nâng đỡ các em về mặt tinh thần để có chỗ nương tựa và vượt qua khó khăn trong học tập. “Trong số các em này, tôi day dứt mãi với một học sinh. Bố em bị xuất huyết não nhưng nhờ quyết tâm, em đã tốt nghiệp xong Khoa Toán-Tin của ĐH Đà Lạt. Tuy nhiên, hiện em rất khó xin được việc làm ở địa phương do nhu cầu nhân lực ngành này khá đặc biệt”, thầy Dậu ngậm ngùi nói.
       Ngoài những công việc chuyên môn, thầy Dậu còn rất quan tâm đến đời sống hàng ngày của các em học sinh, đặc biệt là những học sinh ở Khu kí túc xá của trường. Ngay từ đầu năm học 2017-2018, thầy Dậu đứng ra huy động thầy cô giáo và các em học sinh san lấp mặt bằng trên khu đất trống gần 200m2 ở khu ký túc xá. Rồi vận động học trò có giống cây, giống rau đem tới trồng tại khu vườn mới. Số rau khác không huy động được, thầy trích từ đồng tiền lương hàng tháng của mình để mua về trồng. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, những hạt giống được gieo trồng từ tấm lòng chân tình của người thầy với học trò nghèo vùng khó đã nảy mầm xanh tươi tốt và cho những lứa sản phẩm đầu tiên. Thầy Dậu còn kêu gọi các mạnh thường quân ở mọi miền đất nước chung tay xây dựng công trình “Giếng nước nghĩa tình” cho các em học sinh nội trú của nhà trường với tổng kinh phí gần 35 triệu đồng. Đến nay giếng đã khoan xong và đi vào sử dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho các em trong đời sống thường nhật vốn còn nhiều gian khó. Đồng thời, nhằm giúp đỡ cho các em học sinh nghèo, thầy Dậu đã liên hệ với Nhóm thầy cô giáo tiểu học từ Tp HCM: tặng 3 suất quà bằng hiện vật và 3 triệu vào quỹ Tiếp sức đến trường của Nhà trường nâng tổng số tiền quỹ lên 14 triệu. Liên hệ với Trường Đại học công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức trao tặng 200 bộ sách giáo khoa cho các em học sinh khối 10 và 11 có hoàn cảnh khó khăn.
       Thầy Trịnh Văn Bình, Phó hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, huyện Krông Pa cho biết: “Thầy Dậu kể cả trong công tác chuyên môn thì thầy đã thể hiện hết trách nhiệm của mình và đạt được nhiều thành tích cao và thầy là một giáo viên có chuyên môn giỏi. Về công tác vận động học sinh đến lớp tôi đánh giá thầy Dậu là một người có tinh thần trách nhiệm rất cao. Trong lớp chủ nhiệm của thầy trên 40 học sinh hầu như tất cả các học sinh thầy đều đến nhà không chỉ một lần mà là nhiều lần và trong khi các em có nguy cơ ý định bỏ học thì  thầy thường xuyên liên hệ đến tận nhà tận rẫy để vận động các em đến lớp”
Đức Mạo