23/10/2024
Cùng với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm phòng, chống lãng phí với nhiều chỉ thị, nghị quyết, ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo nhằm đẩy mạnh công cuộc phòng, chống lãng phí…Thế nhưng, khách quan đánh giá, việc chống lãng phí thời gian qua tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng chưa kỳ vọng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới. Lãng phí như những con đỉa ngày đêm hút máu “cơ thể” đất nước, làm suy giảm nguồn lực, thất thoát tài nguyên, kìm hãm sự phát triển.
Có thể dễ dàng nhận thấy những khu đô thị bỏ hoang, các trụ sở bỏ không hoặc các công trình bệnh viện, cầu xây dựng chậm tiến độ, không đồng bộ, không đưa vào sử dụng được, các “dự án treo”…cũng còn nhiều. Thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, chồng chéo khiến người dân, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian, công sức, chi phí thực hiện, gây lãng phí nguồn lực, cơ hội sản xuất kinh doanh. Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu năng lực, tâm huyết, chất lượng, năng suất lao động thấp vẫn không được loại bỏ, gây lãng phí lớn về chất xám, nguồn nhân lực. Lãng phí cũng còn xảy ra ngay với mỗi người, trong mỗi gia đình như nạn đốt vàng mã vô tội vạ, xây dựng lăng mộ hoành tráng, rồi ma chay, cưới xin linh đình, tiệc tùng xa hoa, hay thậm chí từ việc lãng phí thực phẩm…
Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết quan trọng “Chống lãng phí”, nhấn mạnh 4 nhóm giải pháp để thực hiện, gồm: Thống nhất nhận thức đấu tranh phòng, chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp, là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp, có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để xây dựng Đảng ta vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”; tập trung hoàn thiện và tổ chức triển khai có hiệu quả thể chế phòng, chống lãng phí, xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công; tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản công, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực chăm lo Nhân dân và phát triển đất nước; xây dựng văn hoá phòng, chống lãng phí, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành “tự giác”, “tự nguyện”, “cơm ăn nước uống, áo mặc hàng ngày”…
Để công cuộc phòng, chống lãng phí mang lại hiệu quả tích cực, các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, nhất là nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Đặc biệt, cần tìm ra nguyên nhân vì sao chủ trương, giải pháp thì nhiều nhưng hiệu quả thực hiện thời gian qua còn chưa cao, để từ đó có hướng khắc phục, đồng thời phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, quyết liệt trong thực hiện để phòng, chống lãng phí đi vào thực chất, hiệu quả, tránh hô hào hình thức, cổ vũ.
V.I. Lênin nói “Chúng ta phải thực hành tiết kiệm tột mức trong bộ máy nhà nước của chúng ta. Chúng ta phải bài trừ mọi vết tích lãng phí mà nước Nga quân chủ và bộ máy quan liêu tư bản chủ nghĩa của nó đã để lại đầy rẫy”. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu nhấn mạnh “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội phải khắc phục khuyết điểm, tức là phải tăng gia sản xuất, tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ của công”; để đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước, nhất định chúng ta phải quyết tâm phòng, chống lãng phí gắn với phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
HOÀNG VĂN VĨNH