Huyện Krông Pa: Những kết quả đạt được giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025

03/07/2023
Qua giữa nhiệm kỳ triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình dịch COVID-19, nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, huyện Krông Pa đã bám sát các nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện có kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực.
2d9e17e9f1e021be78f1-(1).jpg
Toàn cảnh Hội nghị lần Thứ 13, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện lần thứ XVII
Trong đó, kinh tế phát triển ổn định, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hằng năm giai đoạn (2021 - 2022) đạt 11,03%, đảm bảo chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; năm 2022, tỷ trọng các ngành: Nông - lâm nghiệp, thủy sản 39,32%; công nghiệp - xây dựng 35,74%; dịch vụ 24,93 %. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 43,5 triệu đồng, bằng 81% Nghị quyết.
Ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục phát triển theo hướng bền vững. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất đạt kết quả tích cực. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Đến cuối năm 2022, toàn huyện có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 05 buôn đạt làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Phát huy hiệu quả của các mô hình Nông hội, gắn với đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đến nay có 11 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng ngày càng phát triển cả về số lượng và quy mô sản xuất. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2022 đạt trên 2.085 tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với năm 2020.
Văn hóa - xã hội tiếp tục có tiến bộ, các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động triển khai có hiệu quả; công tác y tế, phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị tiếp tục có chuyển biến tiến bộ; quan tâm củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác dân vận và hoạt động của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được phát huy thông qua các hoạt động phong trào thi đua, tạo sự đoàn kết phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện cũng còn một số tồn tại, hạn chế như Một số chỉ tiêu về phát triển - kinh tế xã hội chưa đạt theo lộ trình đề ra; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa phát huy rộng rãi, toàn diện; chuyển đổi cơ cấu cây trồng còn hạn chế. Việc triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chậm. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục, y tế, văn hóa còn thiếu và chưa đồng bộ. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng còn một số hạn chế nhất định. Công tác nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội ở cơ sở có lúc, có thời điểm chưa kịp thời…
Để chủ động khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo động lực mới để tăng tốc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục rà soát, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là nghị quyết mới ban hành của trung ương, của tỉnh liên quan trực tiếp đến sự phát triển của huyện, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân trong tổ chức thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế; trọng tâm là tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ; duy trì tốc độ tăng ngành công nghiệp - xây dựng và giảm tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục có liên quan, nhất là về đất đai, thủ tục đầu tư; tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ rừng; chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn. Triển khai các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, đúng quy định; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tiếp tục triển khai lồng ghép có hiệu quả các chương trình MTQG, phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giảm nghèo bền vững. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế dự phòng, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, thị trường lao động và giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tại địa phương.
Trong công tác xây dựng Đảng chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, nêu gương của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, giữ vững kỷ luật, kỷ cương; thực hiện có hiệu quả các nhóm giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực cán bộ, lãnh đạo các cấp; tăng cường công tác đào đạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm có chất lượng, bản lĩnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác dân vận; phát huy vai trò và chất lượng hoạt động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thông qua các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo”; quan tâm công tác dân tộc, tôn giáo.
TUỆ LÂM