Huyện Krông Pa: Xưa và Nay

18/04/2022
      Huyện Krông Pa là một huyện vùng sâu, vùng xa, nơi cửa ngõ phía Đông của tỉnh Gia Lai. Nếu ai đó đã nhiều năm chưa có dịp trở lại vùng “chảo lửa” Krông Pa thì chắc chắn sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay mạnh mẽ của vùng đất này. “ Krông Pa vừa xa, vừa xóc” vì thế cũng trở nên gần lại.
      Những ngày đầu thành lập
      Đầu thế kỷ XX, Krông Pa nói riêng, Tây Nguyên nói chung thuộc quyền bảo hộ của thực dân Pháp. Từ năm 1904- 1907, phần đất Cheo Reo (trong đó có Krông Pa) thuộc tỉnh Phú Yên. Nghị định của toàn quyền Đông Dương ngày 04-7-1905 tách toàn bộ vùng núi phía tây tỉnh Bình Định, Phú Yên trong đó có Krông Pa để thành lập tỉnh Pleiku Đer. Ngày 9-2-1913, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định số 215 thành lập tỉnh Công Tum (Kon Tum). Địa giới của tỉnh Kon Tum bao gồm: địa lý hành chính Cheo Reo tách ra khỏi tỉnh Phú Yên, địa lý Kon Tum tách ra khỏi Bình Định và địa lý Đăk Lăk.
      Ngày 24-5-1932, Nghị định của Toàn quyền Đông Dương tách một phần đất phía Nam tỉnh Kon Tum, bao gồm địa lý Pleiku và địa lý Cheo Reo để lập tỉnh Pleiku. Như vậy, cho đến trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, Cheo Reo là một trong 5 huyện, thị của tỉnh Pleiku. Khu vực Krông Pa thuộc vùng đất của phía đông của huyện Cheo Reo, có tên gọi là Mlah. Ngày 25 tháng 6 năm 1946, thực dân Pháp chiếm lại Gia Lai và vẫn giữ nguyên tên tỉnh là Pleiku. Ngày 6-11-1947 theo Quyết định số 51/TB-NĐ của Ủy ban kháng chiến Nam Trung Bộ, Cheo Reo được tách ra khỏi Gia Lai và giao cho phân ban liên lạc hành chính Tây Nguyên, trực thuộc Khu 15.
      Đến tháng 8-1948, đại diện Chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa tại miền Nam Trung Bộ ra Quyết định số 203-ĐD/CP, đặt Cheo Reo dưới sự chỉ đạo của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Đăk Lăk. Ngày 30-5-1953, Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Trung Bộ ra Nghị định số 477-MN/TOC, chia huyện Cheo Reo thành hai huyện thuộc tỉnh Đăk Lăk là Đông Cheo Reo gồm các xã phía đông và phía Bắc sông Ba và Tây Cheo Reo gồm các xã phía Tây Sông Ba. Trong kháng chiến chống Mỹ, cả vùng Cheo Reo (gồm cả khu vực các huyện Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và Thị xã Ayun Pa ngày nay) vẫn thuộc tỉnh Đăk Lăk. Toàn bộ vùng này gồm 2 huyện: huyện Đông Cheo Reo được gọi là H2 và huyện Tây Cheo Reo được gọi là H3.
      Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 4-1975, tỉnh Đăk Lăk tổ chức lại các huyện. Tháng 7-1975, huyện Sông Ba được sáp nhập với huyện 37 (thị xã Hậu Bổn và vùng Tây Cheo Reo) thành huyện Cheo Reo, thuộc tỉnh Đăk Lăk. Huyện Krông Pa lúc đó là một phần của huyện Cheo Reo. Tháng 1-1976, theo Quyết định của Chính phủ, huyện Cheo Reo thuộc tỉnh Đăk Lăk được chuyển giao về tỉnh Gia Lai- Kon Tum. Ngày 15-1-1976, Hội nghị Tỉnh ủy Gia Lai- Kon Tum ra Nghị quyết về kiện toàn, xây dựng huyện mạnh, thống nhất địa giới hành chính và phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Huyện Cheo Reo được sáp nhập với khu 11 thành huyện mới có tên là Ayun Pa.
      Ngày 23/4/1979, theo Quyết định số 78-CP của Hội đồng Chính Phủ, huyện Ayun Pa được chia tách thành 2 huyện: Ayun Pa và Krông Pa.
a.jpg
Ảnh: Một góc Thị trấn Phú Túc xưa
      Huyện Krông Pa được thành lập trên cơ sở tách từ phần đất phía Đông của huyện Ayun Pa. Sau khi thành lập, địa giới hành chính của huyện Krông Pa từ đèo Tô Na xuống phía đông, đến bắc cầu Kà Lúi và tây sông Krông Năng, gồm 6 xã: Xã Ia Rsai, Chư Đrăng, Ia Rmok, Đất Bằng, Ia Hdreh, Krông Năng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, Krông Pa là một vùng núi rừng hẻo lánh, với nền kinh tế khép kín; đời sống người dân vô cùng vất vả. Tuy vậy, cuộc vật lộn với thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt và cuộc đấu tranh chống áp bức của thực dân đã tạo cho người dân Krông Pa những phẩm chất tốt đẹp: giản dị, thật thà, cần cù, chịu khó, yêu thương, đùm bọc, trọng lẽ phải, ghét gian tà, kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh cho quê hương đất nước...
      Vươn lên phát triển
      Trong những năm qua, huyện Krông Pa đã mạnh mẽ vươn vai đứng dậy với tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng tinh thần quả cảm, sự đoàn kết một lòng của các dân tộc anh em. Từ xa xưa, người dân Krông Pa đã hiểu được lợi ích to lớn do rừng mang lại. Vì vậy, công tác bảo vệ, chăm sóc rừng được coi trọng. Những năm gần đây, công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho một số hộ dân và cộng đồng dân cư có bước phát triển mạnh mẽ. Hiện các ngành chức năng đã giao khoán quản lý, bảo vệ trên 4.438,69 ha; độ che phủ của rừng đạt trên 50%; công tác xã hội hóa nghề rừng có sự chuyển biến tích cực, rõ nét.
b.jpg
Ảnh: Một góc Thị trấn Phú Túc ngày nay nhìn từ trên cao
      Dọc theo Quốc lộ 25 chạy dài qua thị trấn Phú Túc tới các xã vùng sâu, vùng xa là hệ thống điện cao thế mang ánh sáng văn minh về cho các thôn, buôn. Minh chứng cho sự đổi thay mạnh mẽ và bền vững nơi đây còn là những trường học kiên cố, khang trang; những trạm y tế xã, Trung tâm Y tế huyện với nhiều trang- thiết bị hiện đại và đội ngũ y- bác sỹ tâm huyết; những sân vận động, nhà văn hóa cấp huyện, cấp xã, những trạm truyền thanh, truyền hình phục vụ nhu cầu nắm bắt thông tin của người dân...Bên cạnh đó còn là các công trình thủy lợi, thủy điện, điện năng lượng mặt trời được đầu tư xây dựng, những nhà máy chế biến nông sản; chợ trung tâm huyện và các chợ ở các xã mọc lên đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa và phục vụ cuộc sống sinh hoạt của nhân dân.
      Đổi thay ngoạn mục nhất nhất chính là thị trấn Phú Túc. Các trục đường chính như Hùng Vương, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng...đã thay thế cho những con đường đất bụi mù về mùa khô và trơn trượt về mùa mưa; nhiều dãy nhà lợp tôn thấp lè tè nhường chỗ cho nhà xây khang trang, nhà cao tầng...Cầu Bung (nay gọi là cầu Phú Cần), cầu Ia Rmok nối hai bờ sông Pa được xây dựng đã chấm dứt cảnh chia cắt hai nửa thị trấn và các xã mỗi khi mùa lũ về.
      Chuyển biến lớn hơn cả của Krông Pa những năm qua đó chính là sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của nhân dân các dân tộc trong cuộc chiến chống đói nghèo. Nhiều năm trước, một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại, quen với sự bao cấp, hỗ trợ của Nhà nước. Nhưng nay, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy và chính quyền huyện, các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang, đội ngũ thầy, cô giáo cắm thôn, buôn đã ra sức tuyên truyền, vận động, từng bước giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm để thoát nghèo bền vững. Số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm dần qua từng năm; đến nay toàn huyện còn 3.630 hộ nghèo, chiếm 17,94%, 2.157 hộ cận nghèo, chiếm 10,66%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,4 triệu đồng/năm.
      Có thể khẳng định, những kết quả đạt được trong những năm qua đã từng bước làm thay đổi bộ mặt của huyện, đời sống của nhân dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần, bản sắc văn hóa của các dân tộc được giữ gìn và phát huy có hiệu quả. Các dân tộc anh em đoàn kết một lòng, đẩy mạnh phong trào thi đua, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức; chủ động phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương. Tin chắc rằng, trong tương lai không xa, Krông Pa sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.
HOÀNG VĂN VĨNH