Krông Pa triển khai hiệu quả công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

29/01/2024
Krông Pa là huyện miền núi cao, có 24 thành phần dân tộc, với 58 buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đồng bào DTTS chiếm 69% dân số (chủ yếu là người Jrai); cư trú đan xen và rộng khắp toàn huyện, mỗi dân tộc mang một bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.
Quán triệt và thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, ngày 20/10/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy và các cấp ủy đảng, chính quyền trong huyện đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận vùng đồng bào DTTS, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn xã hội, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Kết quả đạt được thể hiện trên các lĩnh vực:
Mi.jpg
Hội thảo đầu bờ tuyên truyền Nhân dân về chăm sóc, phát triển cây mỳ
Trên lĩnh vực kinh tế: Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, địa phương tập trung huy động nhiều nguồn lực, lồng ghép các Chương trình mục tiêu quốc gia, huy động sức dân với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” ưu tiên đầu tư, hỗ trợ những nơi khó khăn, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở; quan tâm đến lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào DTTS; giúp đồng bào DTTS được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Các chương trình phát triển kinh tế - xã hội được triển khai tích cực và đem lại nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống của đồng bào DTTS. Cơ sở hạ tầng được đầu tư, nhất là tập trung nguồn lực ưu tiên cho các xã, các làng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, vùng căn cứ cách mạng. Đến cuối năm 2023, 100% thôn, buôn có đường ô tô, có điện thắp sáng và trên 91% số hộ được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; toàn huyện còn 2.649 hộ nghèo, chiếm 12,55% (giảm 5,39% so với năm 2021); tỷ lệ hộ nghèo DTTS chiếm 92,2% tổng số hộ nghèo và chiếm 21,57% tổng số hộ dân cư đồng bào dân tộc thiểu số; 2.873 hộ cận nghèo, chiếm 13,61%; thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2023 đạt 47,83 triệu đồng/năm.
Cogn-chieng.jpg
Liên hoan Cồng chiêng toàn huyện
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, chú trọng: Chính quyền các cấp đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh trên lĩnh vực văn hóa - xã hội về công tác dân tộc thành các chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tiễn, nguyện vọng của đồng bào DTTS trong huyện; triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển văn hóa - xã hội, y tế, giáo dục vùng dân tộc thiểu số; huy động các nguồn lực phát triển cơ sở hạ tầng; xây dựng nền tảng tinh thần văn hóa xã hội lành mạnh, trong sáng như vốn có của nó. Bên cạnh đó, huyện cũng đã chú trọng thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số như hỗ trợ bảo hiểm y tế; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo. Phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2018-2025”, “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025” đã đạt được kết quả tích cực, nhận thức của người DTTS về bình đẳng giới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được nâng lên. Đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào DTTS ngày càng được cải thiện và nâng cao; diện mạo các xã đã có nhiều đổi thay tích cực; có 3/13 xã đạt chuẩn Nông thôn mới và 04 buôn đạt buôn nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số; 100% các xã, thôn, làng vùng đồng bào DTTS được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã phổ cập giáo dục THCS; trên 90% học sinh THCS đi học đúng độ tuổi; 62,5% trường học đạt chuẩn quốc gia; trên 40% lao động đã qua đào tạo; 92,5% người dân tham gia BHYT; 100% số xã có trạm y tế và có bác sỹ làm việc, 100% thôn, buôn có nhân viên y tế hoạt động,…
Các giá trị các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương được giữ gìn và phát huy. Hàng năm, huyện tổ chức từ 4-5 hội thi, hội diễn văn hóa, văn nghệ, thu hút từ 200-300 nghệ nhân, diễn viên không chuyên tham gia; các xã, thị trấn tổ chức trung bình 02 hội thi, hội diễn/năm; tổ chức từ 5-7 giải cấp huyện và từ 3-5 giải cấp xã về thể thao phong trào; các ngày lễ, các sự kiện chính trị đều tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao chào mừng, thu hút hàng chục ngàn lượt người dân tham gia, cổ vũ... Đến nay, huyện còn lưu giữ trên 550 bộ cồng chiêng các loại, trong đó 20 bộ cồng chiêng quý hiếm; có trên 130 đội văn nghệ quần chúng, thuộc các thôn, buôn, tổ dân phố của 14 xã, thị trấn và các cơ quan, ban ngành huyện; bình quân mỗi đội có từ 10-15 thành viên,... Đây thực sự là những hoạt động tô đậm những giá trị văn hóa truyền thống, tạo sân chơi tinh thần lành mạnh cho cộng đồng, góp phần quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hóa và đời sống văn hóa lành mạnh ở mỗi địa bàn dân cư.
Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị cơ sở: Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp tạo điều kiện để nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát, tiếp thu ý kiến trong xây dựng hệ thống chính trị và và những vấn đề liên quan đến lợi ích của nhân dân trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Định kỳ tổ chức hội nghị tiếp xúc đối thoại trực tiếp với Nhân dân, tổ chức tiếp công dân theo đúng quy định; mở hội nghị nghe góp ý, công khai lấy ý kiến nhân dân trước những vấn đề liên quan trực tiếp đến người dân. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được cải thiện rõ nét và đi vào nề nếp, tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính được thực hiện hiệu quả, kịp thời, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân giải quyết công việc. Nhiều chủ trương, nghị quyết của cấp ủy đã được nhân dân tham gia góp ý cho tổ chức Đảng, đảng viên về phương thức lãnh đạo, nội dung công tác và tổ chức cán bộ. Nhờ vậy, chất lượng tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên đã được nâng lên; vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, chi bộ và tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên ngày càng thể hiện rõ. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tăng cường các hoạt động hướng về cơ sở và mang lại quyền lợi thiết thực cho đoàn viên, hội viên. Đội ngũ cán bộ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã trực tiếp tham gia sinh hoạt, trao đổi và cùng nhân dân tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở.
Trên lĩnh vực an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo: Các cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng tập trung tuyên truyền vận động nhân dân và triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu, thủ đoạn chống phá các thế lực thù địch; kịp thời ngăn chặn hoạt động tuyên truyền, kích động, lôi kéo người DTTS trốn đi nước ngoài; tình trạng vay vốn, mua nợ hàng hóa với lãi suất cao trong nhân dân từng bước được kiềm chế; công tác đảm bảo an ninh chính trị nội bộ, an ninh nông thôn, an ninh xã hội, an ninh mạng được chú trọng; tinh thần cảnh giác cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên, thực lực chính trị ở cơ sở được củng cố.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua, triển khai công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn một số khó khăn, tồn tại như: Đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn; trình độ nhận thức có mặt còn hạn chế; công tác nắm bắt tình hình ở cơ sở nhất là những vấn đề liên quan đến công tác dân tộc, chính sách dân tộc, công tác phối hợp giải quyết những vấn đề nảy sinh ở cơ sở có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác dân tộc; Chỉ thị số 49-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường đổi mới công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các tổ chức đảng, đảng viên về công tác dân tộc, công tác vận động đồng bào DTTS là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Thứ hai, Ủy ban nhân dân huyện tập trung triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, trọng tâm là Nghị định 05/2011/NĐ-CP, ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc. Thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với đồng bào DTTS, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, các hoạt động hỗ trợ học nghề, vay vốn, tạo việc làm cho người đồng bào DTTS, dạy nghề cho lao động nông thôn là người DTTS, nhằm nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình.
Thứ ba, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động và hoạt động an sinh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn minh gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Thứ tư, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ là người DTTS, gắn với củng cố đội ngũ làm công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ năm, tăng cường nắm bắt tình hình tư tưởng, tình hình an ninh chính trị, an ninh nông thôn, để phối hợp làm tốt công tác vận động nhân dân vùng đồng bào DTTS, kịp thời xử lý các vấn đề nảy sinh trên địa bàn.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các cơ quan huyện với các thôn, buôn khó khăn, kết nghĩa giữa thôn người Kinh với thôn người Jrai theo tinh thần chỉ đạo của Chỉ thị 13-CT/TU, ngày 05/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Với kết quả khá toàn diện trên các mặt, có thể thấy công tác dân vận trong vùng đồng bào DTTS đã góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống, kinh tế - xã hội của huyện. Chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế có nhiều chuyển biến tích cực; văn hóa truyền thống của các dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, qua đó một lần nữa khẳng định sự quân tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước đối với công tác dân tộc, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết các dân tộc và niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với Đảng và Nhà nước.
LƯU THỊ THƯƠNG