Nên sửa mình trước

31/08/2023
Thực tế cho thấy đã có không ít cán bộ khi chưa phát hiện sai phạm từng hùng hồn rao giảng về đạo đức, liêm chính, vì dân…Nhưng sau đó chính họ bị pháp luật “sờ gáy” với hàng loạt sai phạm về những điều họ từng rao giảng. Chứng tỏ họ đạo đức, liêm chính giả tạo, che dấu dư luận và tổ chức, nói một đằng làm một nẻo. Thậm chí, họ đầy rẫy thói hư tật xấu nhưng không tự sửa mình; nói đúng, nói hay nhưng làm sai, làm dở.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường đặt mệnh đề “Tự phê bình” lên trước với hàm ý “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, bản thân phải gương mẫu, sửa mình trước, mới nói được người khác. Những cán bộ như kể trên chính là những người rèn luyện không thường xuyên, liên tục, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, sinh ra những thói hư tật xấu, thiếu gương mẫu, làm ảnh hưởng đến đồng nghiệp, đồng đội và tập thể.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gọi họ là những người “chân mình còn lấm bê bê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người”. Hệ luỵ khiến quần chúng Nhân dân bức xúc, mất niềm tin vào Đảng, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, đảng viên; thậm chí tạo ra tâm lý nghi ngờ những phát ngôn mạnh mẽ, hành động quyết liệt của những người đứng đầu thực sự có phẩm chất, năng lực tốt.
Chính vì vậy, các cấp uỷ, tổ chức đảng cần thực hiện đúng nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, tăng cường giáo dục cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần đấu tranh tự phê bbình và phê bình. Đặc biệt, người đứng đầu cần thực hành nêu gương, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các biểu hiện nói một đằng làm một nẻo; yêu cầu thực hiện đúng nguyên tắc tự phê bình gắn với phê bình, bảo đảm chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Bên cạnh đó, cần quan tâm xây dựng môi trường làm việc, sinh hoạt văn hoá, văn minh, đoàn kết; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch những nội dung công việc, chế độ, chính sách theo đúng quy định để tạo sự đồng thuận, thông suốt về tư tưởng, không còn những “khoảng tối”, mập mờ tạo cơ hội cho tính xấu nảy sinh.
TUỆ LÂM