Hậu quả của việc vi phạm pháp luật

24/05/2024
Sáng ngày 23 tháng 5 năm 2024, Tòa án nhân dân huyện Krông Pa đã mở phiên tòa xét xử công khai trực tiếp và tuyên phạt bị cáo Kpă Ôi, sinh năm 1957 (Trú tại: Buôn Đoàn Kết, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) 14 (mười bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 28 (hai mươi tám) tháng về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 243 Bộ luật Hình sự. Tuyên phạt các bị cáo Ksor Quân, sinh năm 1982 (Trú tại: Buôn Đoàn Kết, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) 07 (bảy) tháng tù; Ksor Krih, sinh năm 1998 (Trú tại: Buôn Pan, xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo với thời gian thử thách là 12 (mười hai) tháng đều về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 1 Điều 330 Bộ luật Hình sự.
3136c102d27f72212b6e.jpg
Toàn cảnh phiên toàn xét xử và tuyên phạt bị cáo Kpă Ôi, sinh năm 1957
Theo cáo trạng, từ năm 2021 đến tháng 4/2023 tại lô 5, khoảnh 3, tiểu khu 1314 Lâm phần xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, bị cáo Kpă Ôi đã có hành vi hủy hoại 5.600m2 rừng tự nhiên, loại rừng sản xuất. Ngày 10/4/2023, Ksor Krih (là con Kpă Ôi) tiếp tục dùng dao rựa, rìu, cưa xăng phát dọn cây rừng để mở rộng diện tích rẫy (diện tích mở rộng là 2.300m2).
Đến ngày 17/4/2023, Ksor Krih và Rơ Ô N điều khiển 2 chiếc xe máy cày nhãn hiệu MTZ và Belarus, cày trên phần diện tích rừng mà Kpă Ôi và Ksor Krih hủy hoại nói trên thì bị tổ tuần tra của Ban lâm nghiệp xã Ia Rsai thực hiện nhiệm vụ phát hiện, lập biên bản và đưa hai xe máy cày là phương tiện vi phạm về trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ia Rsai để giải quyết.
Biết sự việc Ksor Quân Ksor Quân điều khiển xe mô tô chặn trước hai xe máy cày, tay phải cầm dao rựa dài 59cm đe dọa tổ tuần tra của Ban lâm nghiệp xã Ia Rsai tạo điều kiện cho Ksor Krih điều khiển xe máy cày bỏ đi. Thành viên Tổ tuần tra của Ban lâm nghiệp xã Ia Rsai yêu cầu dừng xe thì bị Ksor Quan sử dụng phần sống dao chém một phát trúng vào bắp tay phải làm người này ngã ra đất, sau đó bị cáo tiếp tục dơ dao chém trúng vào cổ tay, lúc này Ksor Krih vẫn cố tình điều khiển xe bỏ chạy khỏi hiện trường.
Ksor Krih điều khiển chiếc xe máy cày về rẫy nhà (cách hiện trường khoảng 500 mét) thì nảy sinh ý định ‘‘giải cứu’’ chiếc xe máy cày còn lại của Rơ Ô N nên quay lại hiện trường, nhặt một cây gỗ (dài khoảng 1 mét, đường kính 5 cm) đi đến gần Tổ tuần tra vụt qua vụt lại, doạ đánh các thành viên tổ tuần tra của Ban lâm nghiệp xã Ia Rsai. Cùng lúc này, có anh chị em của Ksor Quân và Ksor Krih (Ksor H’N, Nay L, Siu T, Ksor U…) đến cùng la hét, gây áp lực cho tổ tuần tra của Ban lâm nghiệp xã Ia Rsai buộc họ phải để lại phương tiện vi phạm, Rơ Ô N điều khiển chiếc xe máy cày về nhà.
Việc bị cáo Ôi tự ý dùng dao rựa, cưa xăng chặt phá diện tích 5.600m2 rừng tại lô 5 khoảnh 3 tiểu khu 1314 Lâm phần xã Ia Rsai, huyện Krông Pa, thuộc loại rừng sản xuất để lấy đất làm rẫy mà không có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền là đã phạm vào tội “Hủy hoại rừng”. Diện tích rừng mà bị cáo Ôi chặt phá đã thỏa mãn định mức được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 243 của Bộ luật Hình sự. Hành vi của các bị cáo Ksor Quân và Ksor Krih dùng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực ngăn cản các thành viên tổ tuần tra của Ban lâm nghiệp xã Ia Rsai làm họ không thực hiện được nhiệm vụ được giao đã phạm vào tội Chống người thi hành công vụ”.
Rừng là nguồn tài nguyên rất quý giá của mỗi quốc gia, là một bộ phận quan trọng không thể thiếu của môi trường. Rừng có giá trị vô cùng lớn đối với đời sống, sản xuất của xã hội, là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội và giữ chức năng sinh thái cực kỳ quan trọng. Hành vi của bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng của quốc gia đang được Nhà nước và nhân dân quan tâm chăm sóc, bảo vệ do đó rõ ràng là có lỗi và sai trái với đường lối, chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước nên bị cáo phải chịu trách nhiệm do hành vi của mình gây ra và phải nhận mức án nghiêm khắc trước pháp luật.
Người thi hành công vụ là người được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội. Hành vi chống người thi hành công vụ gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; cản trở hoạt động đúng đắn của các cơ quan công vụ, gây thiệt hại đối với tài sản của Nhà nước; đồng thời trực tiếp xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người thi hành công vụ; thể hiện thái độ coi thường pháp luật của một số người dân.
Trong vụ án này, bị hại Ủy ban nhân dân xã Ia Rsai cũng có một phần trách nhiệm khi đã thiếu kiểm tra, kiểm soát đối với diện tích rừng được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ để xảy ra tình trạng huỷ hoại rừng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Do đó, thông qua việc xét xử vụ án, Hội đồng xét xử kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã Ia Rsai trong việc để xảy ra tình trạng huỷ hoại rừng, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước nêu trên.
Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tỉnh táo, không để bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hành vi cản trở hoạt động của lực lượng chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; nghiêm khắc lên án các hành vi chống người thi hành công vụ. Ðồng thời phát huy tinh thần, ý thức trách nhiệm của người dân trong việc chủ động tham gia ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật nói chung, hành vi chống người thi hành công vụ nói riêng.
ĐINH HẢI BIỂN