Lợi dụng chính sách trồng rừng để huỷ hoại rừng, ba bị cáo nhận bản án nghiêm khắc của pháp luật

26/08/2023
Trong các ngày 22 và 25 tháng 8 năm 2023, Tòa án nhân dân huyện Krông Pa đã mở phiên tòa xét xử công khai trực tiếp và tuyên phạt các Lê Hoàng P (tên gọi khác: Lê Hồng P/ Tư P), sinh năm 1954 (Địa chỉ: Số 114/1 đường Lê Thị Hồng Gấm, Phường 6, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù; Lục Văn K, sinh năm 1970 (Địa chỉ: Thôn Trường Hà, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk) 02 (hai) năm 03 (ba) tháng tù và Lê Văn T, sinh năm 1987 (Địa chỉ: Thôn Trường Hà, xã Ea Hồ, huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk) 02 (hai) năm tù về tội “Hủy hoại rừng” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 Bộ luật Hình sự đồng thời buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường thiệt hại với số tiền hơn 365.000.000 đồng.
Theo cáo trạng, năm 2017, Công ty trách nhiệm hữu hạn Nông lâm sản PPGL lập thủ tục xin thuê đất trồng rừng và tiến hành khảo sát, đo đạc hiện trạng khu vực đất xin thuê để trồng rừng tại tiểu khu 1395, 1396 xã Chư Drăng với diện tích 859,49ha.
Lợi dụng chủ trương của UBND tỉnh Gia Lai về việc cho phép doanh nghiệp phát dọn thực bì, đào hố chuẩn bị trồng rừng trước khi được phê duyệt dự án, mặc dù biết rõ Công ty chưa được phê duyệt dự án, chưa được cấp phép, chưa được cho thuê đất nhưng trong thời gian từ tháng 02 đến tháng 10 năm 2018, bị cáo Lê Hoàng P với danh nghĩa cá nhân đã nhiều lần xúi giục, chỉ đạo quyết liệt Lục Văn K và Lê Văn T nhanh chóng phát dọn rừng tự nhiên (loại rừng sản xuất) thuộc lô 3, khoảnh 3, Tiểu khu 1396 để lấy đất sản xuất. Đầu tháng 10/2018, Lục Văn K và Lê Văn T đã thuê nhân công dùng rìu, rựa, máy cắt cỏ tiến hành phát dọn 30.000m2 rừng tự nhiên ở khu vực được chỉ đạo thuộc lô 3, khoảnh 3, Tiểu khu 1396 địa giới xã Chư Drăng; loại rừng sản xuất, trạng thái rừng: TXP (Rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh phục hồi) gây thiệt hại 365.320.193 đồng.
Việc các bị cáo Lê Hoàng P, Lục Văn K và Lê Văn T biết rõ trong khu vực dự án có rừng tự nhiên nhưng lợi dụng chính sách trồng rừng, cho phép phát dọn thực bì, đào hố chuẩn bị trồng rừng trước khi được phê duyệt dự án, lợi dụng sự lơ là trong quản lý, bảo vệ rừng của chủ rừng, các bị cáo vẫn chỉ đạo, thuê nhân công hủy hoại diện tích 30.000 mrừng tại lô 3, khoảnh 3, Tiểu khu 1396 địa giới xã Chư Drăng để lấy đất sản xuất mà chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền là đã phạm vào tội “Hủy hoại rừng”. Diện tích rừng mà các bị cáo hủy hoại là  30.000 mđã thỏa mãn định mức được quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 của BLHS, như vậy, hành vi phạm tội của các bị cáo rõ ràng là có lỗi và sai trái với đường lối, chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước ta, nay phải chịu trách nhiệm hình sự và hậu quả pháp lý đã gây ra.
Hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài nguyên rừng của quốc gia đang được Nhà nước và nhân dân quan tâm chăm sóc, bảo vệ do đó rõ ràng là có lỗi và sai trái với đường lối, chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước nên bị cáo phải chịu trách nhiệm do hành vi của mình gây ra và phải nhận mức án nghiêm khắc trước pháp luật.
Đối với những người được các bị cáo Lục Văn K, Lê Văn T thuê phát dọn thực bì và chặt hạ cây rừng. Khi thuê các bị cáo nói rằng các bị cáo đã được Công ty cho thuê hợp pháp nên những người này tin tưởng rằng hành vi chặt hạ cây rừng là hợp pháp, do vậy không có đủ căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự đối với những người này.
Trong vụ án này, bị hại Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba cũng có một phần trách nhiệm khi đã thiếu kiểm tra, kiểm soát đối với diện tích rừng được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ để xảy ra tình trạng huỷ hoại rừng diễn ra trong một thời gian dài, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Do đó, thông qua việc xét xử vụ án, Hội đồng xét xử kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba trong việc để xảy ra tình trạng huỷ hoại rừng, gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước nêu trên.
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án, đặc điểm nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, hoàn cảnh của bị cáo đã được thẩm tra và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo mức án nghiêm khắc, đảm bảo dúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Rừng là nguồn tài nguyên rất quý giá của mỗi quốc gia, là một bộ phận quan trọng không thể thiếu của môi trường. Rừng có giá trị vô cùng lớn đối với đời sống, sản xuất của xã hội, là cơ sở phát triển kinh tế - xã hội, rừng giữ chức năng sinh thái cực kỳ quan trọng, là nền tảng cho cuộc sống con người hiện tại và của thế hệ tương lai. Bảo vệ và phát triển rừng là vấn đề mang tầm quốc gia, là nhiệm vụ trọng tâm được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm bằng những chính sách và chủ trương quyết liệt mang lại hiệu quả cao do đó mọi hành vi xâm phạm tài nguyên rừng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
ĐINH HẢI BIỂN