Huyện Krông Pa: “Kết luận 61” đi vào cuộc sống

09/05/2022
      Hội Nông dân huyện Krông Pa có 10.236 hội viên sinh hoạt ở 14 cơ sở hội và 77 chi hội. Thực hiện Kết luận 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X về Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giai cấp nông dân Việt Nam”, thời gian qua Hội đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng vùng đất “chảo lửa” ngày càng phát triển.
      Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông- lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025, Hội Nông dân huyện Krông Pa đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, các hộ gia đình, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia thực hiện. Theo đó, trong năm qua phối hợp với các ban ngành triển khai 10 ha mô hình trồng sắn có tưới cho 10 hộ, dự án nuôi heo địa phương với 200 con cho 100 hộ, mô hình trồng cây ăn quả, hệ thống tưới nhỏ giọt tại xã Uar và Ia Mlah với quy mô 7 ha. Cùng với tập trung phát triển các mô hình, dự án chăn nuôi, Hội Nông dân huyện Krông Pa đã triển khai thực hiện Dự án “Phát triển sản xuất, liên kết chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm điều và sắn” thuộc Hợp tác xã Ia Mlah, Uar, Phú Cần, Chư Gu, Đất Bằng, Chư Ngọc, Ia Rsươm, Chư Đrăng, Ia Rmok, Chư Rcăm, Krông Năng, thị trấn Phú Túc...; kịp thời giúp 15 hộ hội viên nông dân ở xã Phú Cần thực hiện tốt dự án “Chăn nuôi bò sinh sản” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ủy nhiệm cho Hội Nông dân tỉnh từ năm 2017 với 30 con giống hỗ trợ ban đầu, đến nay đàn bò đã phát triển lên 60 con, sinh trưởng khỏe mạnh.
vinh.png
Ảnh: Mô hình chăn nuôi heo địa phương của hội viên nông dân xã Ia Rmok, huyện Krông Pa cho hiệu quả kinh tế cao
      Để tạo điều kiện cho hội viên về vốn, giống, khoa học- kỹ thuật, trong năm qua Hội đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức 33 cuộc hội thảo tập huấn cho 5.627 hội viên nông dân; tiến hành thành lập 9 hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ, 7 mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, 5 mô hình nông hội; 01 chi hội nghề nghiệp và 25 tổ hội nghề nghiệp; phối hợp thực hiện chương trình OCOP (mỗi xã 1 sản phẩm) và đã có 10 sản phẩm OCOP đạt 3 sao cấp tỉnh, 01 sản phẩm Bò Krông Pa- Gia Lai EST 1979 chất lượng tuyệt hảo, được Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ công nhận.
      Trong năm qua, Hội đã phối hợp với các ngân hàng trong việc tổ chức dịch vụ vay vốn cho hội viên nông dân. Đến nay, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện quản lý 107 tỷ đồng thông qua 54 tổ tiết kiệm và vay vốn với 2.549 hộ vay chiếm 0,02 % so với dư nợ ủy thác; không có nợ quá hạn. Phối hợp ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất thông qua 55 tổ liên kết với tổng dư nợ trên 256 tỷ đồng cho 2.547 hộ vay. Đối với việc xây dựng, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ nông dân, hiện Hội Nông dân huyện đang quản lý 2,2 tỷ đồng, triển khai thực hiện 8 dự án, 6 phương án với 83 hộ tham gia. Đến nay, nhiều dự án đã phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra các loại nông sản hàng hóa, mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả như: nuôi bò sinh sản ở xã Phú Cần, Ia Rsai, thị trấn Phú Túc, nuôi dê ở xã Ia Rmok, Krông Năng...
Trong xây dựng Nông thôn mới, Hội đã phát huy vai trò nòng cốt, thực hiện tốt nhiệm vụ là thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới của huyện. Trong năm qua, các cấp hội nông dân trong huyện đã phối hợp tổ chức 224 buổi tuyên truyền, vận động 7.332 lượt hội viên nông dân thực hiện phong trào “Huyện Krông Pa chung sức xây dựng nông thôn mới”; tham gia đóng góp 13.872 m2  đất, sữa chữa và làm mới hơn 25,7 km đường giao thông nông thôn với tổng giá trị lên 1,3 tỷ đồng.
      Để tiếp tục đưa "Kết luận 61” đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên nông dân, thời gian tới, các cấp hội nông dân huyện Krông Pa tiếp tục đẩy mạnh các phong trào, hoạt động, thực hiện tốt các mô hình, chương trình, đề án, dự án gắn với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân các cấp; chủ động thực hiện tốt công tác phối hợp trong lĩnh vực dạy nghề và các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân; quan tâm củng cố tổ chức Hội; chủ động nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân; tham gia giám sát, phản biện xã hội; làm cầu nối để kết nối các địa chỉ tiêu thụ nông sản cho hội viên nông dân...
HOÀNG VĂN VĨNH