Số hóa “địa chỉ đỏ” – Cầu nối truyền thống cách mạng với thế hệ trẻ

08/05/2025
Trong thời đại công nghệ số phát triển mạnh mẽ, việc số hóa các “địa chỉ đỏ” – những di tích lịch sử, văn hóa cách mạng – đang trở thành giải pháp hiệu quả nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử dân tộc. Tại huyện Krông Pa (Gia Lai), mô hình này không chỉ mang lại hiệu quả trong công tác giáo dục truyền thống cách mạng mà còn thể hiện lòng tri ân sâu sắc của thế hệ trẻ đối với những người đi trước.
 
233.pngKhu lưu niệm lịch sử, nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên huyện H2
 (tiền thân của Đảng bộ huyện Krông Pa) tại xã Đất Bằng.
Hồi sinh giá trị lịch sử bằng công nghệ số
Ngày 2/8/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đã ký Quyết định số 406/QĐ-UBND, xếp hạng địa điểm thành lập Chi bộ đầu tiên của huyện Cheo Reo (nay thuộc buôn Ia Rnho, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đây là nơi ghi dấu sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên tại địa phương vào ngày 10/8/1947 – tiền thân của Đảng bộ huyện Krông Pa ngày nay.
Chi bộ ban đầu chỉ gồm ba đảng viên: Ksor Ní (Bí thư), Rơ Chơm Thép và Rơ Chơm Buk, nhưng đã nhanh chóng xây dựng lực lượng, phát động phong trào cách mạng, tổ chức đấu tranh và lãnh đạo quần chúng giành chính quyền. Đỉnh cao là sự kiện giải phóng toàn huyện vào ngày 18/3/1975 – một dấu mốc lịch sử quan trọng của vùng đất anh hùng.
Nhằm góp phần bảo tồn và lan tỏa giá trị di tích, Huyện đoàn Krông Pa đã triển khai số hóa địa điểm này bằng cách tích hợp mã QR tại khu di tích, giúp người dân và du khách dễ dàng truy cập thông tin lịch sử chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet. Nội dung số hóa gồm đầy đủ văn bản, hình ảnh, video tư liệu... được trình bày sinh động, khoa học, dễ tiếp cận.
11222.pngĐoàn viên xã Đất Bằng hướng dẫn người dân tra cứu thông tin về địa điểm thành lập Chi bộ đầu tiên của huyện Cheo Reo thông qua mã QR.
Tuổi trẻ tự hào tiếp nối truyền thống
Việc số hóa đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng, đặc biệt là đoàn viên, thanh niên địa phương. Ông Nay Thiay, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ia Rnho, chia sẻ:“Công trình số hóa rất có ý nghĩa, giúp mọi người dễ dàng tìm hiểu lịch sử hình thành Chi bộ đầu tiên của xã Đất Bằng. Người dân rất phấn khởi vì có thể tra cứu thông tin nhanh chóng, dễ hiểu hơn so với trước kia.”
Không chỉ truy cập để tìm hiểu, nhiều đoàn viên trẻ còn tích cực hướng dẫn người dân sử dụng điện thoại để quét mã, khai thác thông tin. Em Rơ Ô Hiệp, đoàn viên buôn Ia Prông, cho biết:“Việc số hóa giúp em và mọi người trong buôn thuận tiện hơn trong việc tìm hiểu lịch sử địa phương. Em rất tự hào được sống trên mảnh đất mang nhiều giá trị truyền thống như thế.”
Em Kpă H’Ngoai, đoàn viên cùng buôn, cũng bày tỏ cảm xúc:“Chỉ cần điện thoại có mạng, em đã có thể tìm hiểu đầy đủ thông tin chi tiết về di tích. Em càng thêm yêu quý và tự hào về xã Đất Bằng anh hùng của mình.”
Lan tỏa tinh thần cách mạng trong kỷ nguyên số
Nhằm mở rộng mô hình, các cơ sở đoàn trong toàn huyện Krông Pa đang tiếp tục thành lập các nhóm ứng dụng công nghệ thông tin để tiến hành số hóa các di tích lịch sử – văn hóa khác. Mọi nội dung được đăng tải đều trải qua quá trình kiểm duyệt nghiêm ngặt, đảm bảo tính chính xác, đầy đủ và phù hợp với công tác giáo dục truyền thống. Theo anh Kpă Thuy, Phó Bí thư Đoàn xã Đất Bằng:“Số hóa các địa chỉ đỏ góp phần rất lớn vào việc giáo dục truyền thống cách mạng cho tuổi trẻ. Nhờ đó, chúng tôi hiểu rõ hơn về lịch sử quê hương, thêm yêu Tổ quốc và có ý thức gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử.”
Việc số hóa di tích không chỉ là giải pháp ứng dụng công nghệ trong bảo tồn văn hóa, mà còn là cơ hội để tuổi trẻ thể hiện vai trò, trách nhiệm trong việc kế thừa và lan tỏa truyền thống cách mạng. Đây là bước đi thiết thực để đưa lịch sử đến gần hơn với thế hệ trẻ, giúp họ hiểu và tự hào về nguồn cội dân tộc – ngay trong từng thao tác công nghệ hàng ngày.
NGUYÊN ANH