Khi nông dân nghèo Krông Pa có vốn

16/12/2024
Trong những năm qua, nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều nông dân nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện đã sử dụng hiệu quả, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo của địa phương.
b74591d7288b95d5cc9a.jpg
Ảnh: Anh Ksor Hoa (buôn Suối Cẩm, xã Chư Drăng) đang chăm sóc vườn ươm thuốc lá để chuẩn bị cho vụ mới
Theo lời giới thiệu của bà Nay H’ Hiên-Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Chư Drăng chúng tôi tìm đến nhà anh Ksor Hoa - buôn Suối Cẩm. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn truyền thống khang trang, đầy đủ tiện nghi, nhâm nhi chén trà anh Ksor Hoa tâm sự: Khi anh xây dựng gia đình và ra ở riêng, tài sản của 2 vợ chồng anh chỉ là một căn nhà tạm bợ và vài thứ vật dụng sinh hoạt hàng ngày. Không vốn liếng, lại không biết về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, chỉ có được ít đất rẫy bạc màu trồng mì hàng năm không thể giúp gia đình anh đủ ăn. Làm gì để thoát nghèo là câu hỏi luôn thường trực trong đầu anh. Muốn xoá đói giảm nghèo, trước hết mình phải học cách làm trước đã - Anh nghĩ thế. Vì vậy, anh tích cực đọc báo, nghe đài, xem tivi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và trực tiếp tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn huyện. Mặt khác, anh cùng vợ cần mẫn khai hoang để trồng một số loài cây như bắp, lúa, để đảm bảo lương thực cho gia đình. Khi đã "no bụng", anh nghĩ ngay tới việc mở rộng sản xuất để làm giàu. Khó khăn nhất là vốn. Quyết tâm thì có thừa, kiến thức cũng đã kha khá nhưng không có vốn thì cũng đành chịu. Năm 2016, gia đình anh được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua tín chấp của Hội nông dân xã. Có vốn trong tay, anh đầu tư thuê đất để trồng thuốc lá. Nhờ chịu thương chịu khó và biết cách tính toán làm ăn nên anh đã nhanh chóng trả hết nợ, tích luỹ được vốn, anh đầu tư chăn nuôi thêm bò và trồng thêm một số cây ngắn ngày khác... Trừ chi phí mỗi năm gia đình anh thu về hơn 200 triệu đồng.
Ông Ksor Blip-buôn Du, xã Chư Rcăm cũng lập nghiệp bằng hai bàn tay trắng. Vào năm 2018, được Hội dân xã đứng ra tín chấp Ngân hàng Chính sách huyện cho ông vay hơn 30 triệu đồng để phát triển chăn nuôi với số tiền trên ông mua bò, dê và dùng vốn đầu tư chăm sóc cây mì. Đến nay gia đình ông đã trả hết nợ cho Ngân hàng và có đàn bò hơn chục con. Ông tâm sự: "Trước đây, năng suất ở một số loại cây mà gia đình ông trồng đạt rất thấp, nhưng sau khi được vay vốn đầu tư cho khâu chăm sóc, năng suất đã được nâng lên rõ rệt... Tôi cảm ơn các cấp Hội nông dân đã tín chấp cho hội viên nông dân nghèo được tiếp cận đồng vốn. Tôi mong muốn, trong thời gian tới sẽ có nhiều hội viên nông dân nghèo như tôi được vay vốn để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, mở dịch vụ buôn bán..."
a0e5d96a6036dd688427.jpg
Ảnh: Anh (buôn Ngôl, xã Uar) chăm sóc đàn bò của gia đình
Câu chuyện thoát nghèo của anh Niê Nguyên, người Ê Đê ở buôn Ngôl, xã Uar lại khác. Năm 2008, anh trở về địa phương sau hơn 3 năm phục vụ trong Quân đội. Do hoàn cảnh gia đình cộng với thiếu đất sản xuất, mặc dù bản thân và gia đình chịu khó làm lụng song vẫn không đủ ăn, nhiều năm liền rơi vào diện hộ nghèo. Cuộc sống bí bách, nhiều lần anh phải tìm đến “tín dụng đen” để lo thuốc thang khi người thân đau ốm và trang trải cho cuộc sống gia đình. Với số tiền vay 15 triệu đồng, mỗi tháng anh phải trả lãi 750 ngàn đồng. Gia đình vốn đã khó khăn thì lấy đâu ra tiền trả lãi hàng tháng. Trong lúc bế tắc, anh được Ngân hàng Chính sách huyện cho vay 40 triệu đồng. Vốn là người chịu khó, ham học hỏi, đến nay, anh Niê Nguyên không những đã giải quyết được nợ vay bên ngoài mà mỗi năm sau khi trừ đi chi phí gia đình anh còn thu về hơn 100 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng trọt. Anh Nie Nguyên cho hay: “Từ vốn vay này, ban đầu, tôi mua 3 con bò sinh sản. Để đa dạng nguồn thu nhập nên sau khi bò sinh sản tôi đem bán một số con để lấy tiền mua đất rẫy trồng mì, lúa nên giờ cũng đã khá giả, quan trọng là không còn nợ bên ngoài với lãi suất cao nữa. Tôi rất biết ơn Đảng, Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Pa đã quan tâm đến các hộ nghèo như gia đình tôi và các hộ cùng hoàn cảnh trong buôn để đồng bào thoát nghèo”.
84bb4119f845451b1c54.jpg
Ảnh: Nhân viên Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Pa hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn
Qua trao đổi với chúng tôi, bà Phùng Thị Tố Trinh-Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho biết, xác định nhiệm vụ trọng tâm là đồng hành với địa phương trong công tác giảm nghèo, những năm qua, Phòng Giao dịch đã xây dựng kế hoạch, chủ động triển khai các chương trình tín dụng chính sách đến hộ nghèo, cận nghèo của huyện. Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của đơn vị là hơn 553 tỷ đồng, với 11.435 hộ còn dư nợ (tăng hơn 22 tỷ so năm 2023) với 240 tổ tiết kiệm và vay vốn, bình quân dư nợ đạt trên 48 triệu đồng/hộ. Trong đó, tổng dư nợ hộ đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 440 tỷ đồng, với 8.084 hộ dư nợ, tăng hơn 15 tỷ đồng so với năm 2023.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách, từ năm 2020 đến nay, toàn huyện Krông Pa đã có 1.570 hộ thoát nghèo, giúp 1.621 lao động có việc làm, xây dựng được 3.882 nhà vệ sinh và một số công trình nước sạch, cho 9 học sinh, sinh viên vay vốn đi học, giúp hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số xóa được 81 căn nhà dột nát…  
“Nguồn vốn ưu đãi đã đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi “tín dụng đen”, đẩy nhanh tiến độ về đích nông thôn mới tại các xã, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách an tâm sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần quan trọng trong công tác xoá, giảm nghèo trên địa bàn”-bà Trinh khẳng định.
NGUYỄN CHI