HỘI NGHỊ CÔNG BỐ CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP SỞ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2021

20/07/2022

​Sáng ngày 15/7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) năm 2021 và Kế hoạch khắc phục, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Các đồng chí: Võ Ngọc Thành- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Tiến Đông- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Kpă Thuyên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đà Nẵng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.​

 

Sáng ngày 15/7, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) năm 2021 và Kế hoạch khắc phục, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022. Các đồng chí: Võ Ngọc Thành- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Đỗ Tiến Đông- Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Kpă Thuyên- Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Đà Nẵng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

DSC_2900.jpg

Quang cảnh hội nghị

Theo báo cáo kết quả đánh giá DDCI của tỉnh Gia Lai năm 2021, tổng số đơn vị được thực hiện khảo sát đánh giá trong năm 2021 trên địa bàn tỉnh là 35 đơn vị, trong đó có 18 đơn vị thuộc nhóm sở, ban, ngành và 17 đơn vị thuộc nhóm cấp huyện. Theo bảng đánh giá xếp hạng DDCI của tỉnh năm 2021, điểm số trung vị nhóm sở, ban, ngành lần này là 69,37 điểm, tăng 0,49 điểm so với năm 2020. Trong đó, các chỉ số thành phần (CSTP), doanh nghiệp (DN) đánh giá khá cao là chỉ số chi phí thời gian với trung vị đạt 7,44 điểm; cạnh tranh bình đẳng có điểm trung vị thấp nhất là 6,04 điểm. 3 đơn vị được đánh giá cao nhất lần lượt là Bảo hiểm Xã hội tỉnh (71,17 điểm), Sở Kế hoạch và Đầu tư (71,08 điểm) và Sở Thông tin và Truyền thông (70,95 điểm). 3 đơn vị có vị trí thấp nhất trên bảng xếp hạng là Cục Thi hành án dân sự (67,38 điểm), Cục Quản lý thị trường (67,35 điểm) và Sở Tài nguyên và Môi trường (66,93 điểm). Kết quả khảo sát DDCI nhóm cấp huyện cho thấy điểm số khá sát nhau giữa các đơn vị, trung vị điểm số tổng hợp là 61,44 điểm. Trong 8 chỉ số thành phần thì chỉ số có trung vị cao nhất là hỗ trợ DN với 6,61 điểm; tính năng động là chỉ số có trung vị thấp nhất với 6,01 điểm. Điều này cho thấy dư địa cải thiện ở các chỉ số là khá rộng. Thị xã An Khê đứng đầu nhóm cấp huyện (70,63 điểm). Các địa phương có vị thứ xếp hạng cao tiếp theo lần lượt là TP. Pleiku (68,02 điểm); Đak Pơ (67,86 điểm). 3 địa phương có điểm số DDCI tổng hợp thấp trong nhóm cấp huyện là Mang Yang, Phú Thiện và Chư Păh với điểm số lần lượt là 57,33 điểm, 56,42 điểm và 55,48 điểm.

Về Kế hoạch khắc phục nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), năm 2021, PCI tỉnh Gia Lai xếp thứ 26/63, tăng 12 bậc so với năm 2020. theo Kế hoạch dự thảo, với các giải pháp thực hiện, UBND tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu chỉ số PCI tỉnh Gia Lai năm 2022 đạt top 24 và đến năm 2025 đạt top 20.

Tại Hội nghị các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chỉ số DDCI cũng như chỉ số PCI trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

DSC_2905.jpg

Đồng chí Võ Ngọc Thành phát biểu kết luận hội nghị

 

Kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Ngọc Thành đề nghị thông qua điểm số các CSTP của DDCI lẫn PCI, các đơn vị đánh giá lại toàn bộ mặt làm được và chưa làm được để có giải pháp thực hiện hiệu quả. Mục tiêu phấn đấu PCI ít nhất tăng 5 bậc trở lên, nằm trong top 20 càng tốt. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Để khắc phục, trước hết vẫn là vấn đề công khai minh bạch quy hoạch, kế hoạch đúng, đủ ngay từ đầu năm trên các website của tỉnh, của sở, ngành, địa phương và có sự kiểm tra chéo; các thông tin công khai phải dễ hiểu, dễ vận dụng, dễ thực hiện. Các cơ quan, đơn vị phải có trách nhiệm, không đùn đẩy hết trách nhiệm cho Bưu điện; cán bộ, người xử lý hồ sơ phải có tính chuyên nghiệp, am hiểu luật pháp, biết lắng nghe, biết giải thích; có tương tác, có giải trình liên quan đến ý kiến của Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, mỗi sở, ngành, đơn vị phải có đường dây nóng để tiếp nhận kịp thời những phản ánh, kiến nghị của Doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hộ kinh doanh và người dân. Sở Nội vụ cần phải có đánh giá, kiểm tra cán bộ công chức, thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, công chức mỗi năm. Phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; thiết lập các kênh phối hợp qua môi trường mạng giữa các đơn vị cho thật tốt. Rà soát lại các thủ tục tranh tra, kiểm tra đang chồng chéo; rà soát lại các thủ tục dịch vụ công cấp độ 3, 4, đơn giản lại. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp nhận, giải đáp vấn đề nóng. Rà soát, minh bạch các thủ tục hành chính có thể thực hiện trong 1 ngày, 1 giờ. Sở Nội tăng cường công tác kiểm tra công vụ; người đứng đầu các sở, ngành cũng xây dựng các tổ kiểm tra của đơn vị. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu đến cuối tháng 7/2022, các địa phương, đơn vị phải có kế hoạch khắc phục những tồn tại, hạn chế DDCI, PCI gửi cho sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp./.

Theo gialai.gov.vn