Huyện Krông Pa tập trung triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó với mưa lũ.

01/12/2021
   Từ chiều tối 29 đến sáng 30-11, trên địa bàn huyện Krông Pa có mưa lớn đã gây ra ngập lụt cục bộ ở nhiều xã. Trước tình hình đó, huyện Krông Pa đã tập trung triển khai các biện pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của Nhà nước và Nhân dân.
hinh-bao-lu-12.jpg
Hình ảnh: Mưa lớn làm ngập lụt cục bộ ở nhiều khu vực ven sông Ba
   
   Sáng ngày 30-11, mực nước ở sông Ba đạt đỉnh cao nhất từ đầu năm 2021. Do mức nước ở sông Ba cao nên đã gây ra ngập lụt và chia cắt tạm thời nhiều khu vực trên địa bàn huyện; nhất là ở các địa phương nằm gần ven sông Ba. Bên cạnh đó, nhiều diện tích hoa màu của người dân dọc bên sông Ba đã bị ngập sâu trong nước.
hinh-bao-lu-3.jpg
Hình ảnh: Mưa lớn làm ngập lụt cục bộ ở nhiều khu vực ven sông Ba
 
   Huyện Krông Pa đã huy động lực lượng, phương tiện để hỗ trợ di dời người và tài sản của người dân đến nơi an toàn. Cùng ngày, huyện đã kịp thời tiếp cận giải cứu 15 người dân bị mắc kẹt tại các khu vực đất rẫy ven sông Ba thuộc địa bàn xã Chư Gu và Chư Drăng. Theo Ông Huỳnh Văn Lực, một người dân thuộc tỉnh Bình Định đến xã Chư Gu để sản xuất nông nghiệp, kể lại: “Bắt đầu từ chiều tối 29-11, trời mưa rất to, làm mức nước của sông Ba lớn, chúng tôi đã chuyển đồ lên chỗ cao hơn. Nhưng đến 2 giờ sáng ngày 30-11, do mưa to không dứt, làm mực nước của sông Ba dâng lên nhanh, làm ngập toàn bộ khu vực sản xuất. Nhận thấy tình hình không ổn nên chúng tôi đã liên hệ với chính quyền xã nhờ cứu hộ”.
   Cũng theo Ông Ksor Nhối - Chủ tịch UBND xã Chư Gu, cho biết: “Sau khi nắm được tình hình qua thông tin cứu trợ của người dân đang bị mắc kẹt tại khu đất rẫy ven sông Ba, ngay trong sáng 30-11 chúng tôi đã huy động lực lượng thường trực tại xã và 2 xuồng máy để lên hỗ trợ di dời người dân bị mắc kẹt”.
hinh-bao-lu-7.jpg
Hình ảnh: các lực lượng cứu hộ hỗ trợ người dân bị mắt kẹt
hinh-bao-lu-6.jpg
Hình ảnh: lực lượng cứu hộ kịp thời di chuyển người dân bị mắt kẹt vào nơi an toàn
 
   Đến chiều ngày 30-11, dù lượng mưa đã giảm song mực nước ở các sông, suối trên địa bàn huyện Krông Pa vẫn đang ở mức cao. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện vẫn tiếp tục triển khai các biện pháp để ứng phó với tình hình mưa lũ. Theo Ông Đinh Xuân Duyên - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Krông Pa, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo cho các thành viên thường xuyên theo dõi các khu vực bị ngập lụt, nhất là khu vực ven Nam sông Ba và khu vực đất rẫy ven sông để cảnh báo, đề nghị người dân di chuyển vào vùng cao hơn để đảm bảo tính mạng cho người dân.”
hinh-bao-lu-10.jpg
Hình ảnh: ổng Đinh Xuân Duyên kiểm tra tình hình tại một số địa bàn
 
    Theo tổng hợp của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, tính đến ngày 01/12, toàn huyện bị hiệt hại trên 2.232 ha cây trồng các loại, trong đó diện tích bị thiệt hại trên 70% gồm: lúa thuần trên 400ha; sắn-ngô-rau 1.160ha và thuốc lá giống 6,5ha. Các xã có diện tích thiệt hại nhiều gồm: Chư Drăng trên 1.100ha, tiếp đến là xã Ia Dreh bị thiệt hại trên 336ha; Ia Rmok 234ha; Krông Năng 168ha; Chư Ngọc 135ha; Phú Cần 177ha. Tổng giá trị thiệt hại trên 45 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Mưa lũ đã làm ngập lụt một số nhà của hộ dân trên địa bàn các xã, thị trấn: Chư Gu (13 hộ), Ia Rsươm (06 hộ), Ia Rmok (01 hộ), TT. Phú Túc (01 hộ), Phú Cần (01 hộ).
   UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Thường trực ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, UBND các xã, thị trấn thường xuyên trực ban 24/24 giờ để kịp thời thông tin đến người dân về tình hình mưa lũ. Thông tin cảnh báo khi có mưa lớn, nước suối chảy xiết; tuyên truyền bà con nhân dân trên địa bàn không được đi qua suối để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu, bị chia cắt để sẵn sàng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn./.
SƠN TRUNG