GẶP NGƯỜI CÁN BỘ PHỤ TRÁCH XÃ ĐẤT BẰNG SAU HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ 1954

22/04/2019
    Nhờ anh bạn thân làm tài xế xe ôm, phải mất hơn tiếng đồng hồ, loằng ngoằng mấy con hẻm nhỏ tại Thôn1, xã Hòa Xuân cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 12 cây số, chúng tôi mới tìm được nhà ông. Từ đầu cổng, ông niềm nở bắt tay chúng tôi hệt như đón người thân lâu ngày gặp lại. Vừa uống nước, trò chuyện, chúng tôi đảo mắt quan sát, thấy vật dụng bày biện trong phòng khách hết sức đơn giản, chẳng có gì quý giá ngoài một tủ sách lớn,  nhiều Huân, Huy chương, Bằng khen... cá nhân do Đảng và Nhà nước tặng thưởng trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng được treo trang trọng trên tường. Chúng tôi thật khó thể tưởng tượng ra một người từng giữ chức vụ Phó Bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk lúc nghỉ hưu sống rất giản dị trong căn nhà đơn sơ giữa khu vườn cây ăn trái nho nhỏ ven thành phố...
 
    Tuy tuổi đã cao, trí nhớ giảm nhiều nhưng khi biết mục đích của chúng tôi muốn nhờ ông chỉnh lý, bổ sung và cung cấp thêm những tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu - biên soạn Lịch sử Đảng bộ xã Đất Bằng giai đoạn 1945-2015, , ánh mắt ông toát lên niềm vui với nụ cười rạng rỡ, qua đó chúng tôi cảm nhận được những kỷ niệm gian khổ, oanh liệt một thời trai trẻ tại vùng đất anh hùng - xã Đất Bằng - trong ký ức của ông được khơi dậy. Ông cho biết, cơ bản nhất trí với những sự kiện trong dự thảo (chúng tôi gửi trước đó), còn những gì cần trao đổi trực tiếp, thì: “Nhớ đâu, mình nói đó!”. Cách nói chuyện của ông rất gần gũi, thân mật, ông xưng “mình” và gọi “cậu, các cậu” với chúng tôi. Câu chuyện ông kể thật tự nhiên...
    Ông tên là Tô Tấn Tài nhưng hầu như mọi người xưa nay đều quen gọi là Ama H’Oanh, sinh năm 1932, quê quán tại xã Hòa Kiến huyện Tuy Hòa tỉnh Phú Yên. Cách mạng Tháng Tám 1945, tuy mới 13 tuổi song ông đã tham gia đoàn học sinh của huyện ủng hộ cuộc khởi nghĩa, xuống đường giành chính quyền về tay nhân dân. Qua vài công việc như trinh sát, liên lạc, du kích xã, ông được cử đi học, làm cán bộ phụ trách Thanh thiếu nhi ở quê nhà. Tháng 9 năm 1949, ông được Đảng phân công lên hoạt động tại huyện Cheo Reo (đóng tại căn cứ Đất Bằng), phụ trách công tác Văn phòng Ban cán sự Đảng, do đồng chí Nguyễn Địch (ông gọi bằng cậu ruột) làm Bí thư Ban cán sự Đảng bộ huyện.  Sau đó, ông được phân công xuống Đội công tác phụ trách Xã Đất Bằng. lúc này xã Đất Bằng có đại đội độc lập 29 và một đội vũ trang tuyên truyền thuộc Trung đoàn 84 đóng. Lực lượng này cùng với cán bộ dân chính, lực lượng du kích, dân quân của huyện đẩy mạnh xây dựng cơ sở chính quyền cách mạng; lúc này xã Đất Bằng đã xuất hiện nhiều cán bộ, chiến sỹ tiêu biểu như Ơi Lưng (Ma Djet), Ama Tyh (Kpă YLang), Ma Đăm, Ma Diêk, Y Bua, Ma Hân, Ơi Yem… đều là người dân tộc Jrai tại chỗ. Số cán bộ này được tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và lực lượng vũ trang bồi dưỡng để kết nạp Đảng. Chi bộ xã Đất Bằng được thành lập vào tháng 9 năm 1949 gồm có 10 đảng viên do Ama Đăm (Ơi Nhen) làm Bí thư. Chủ trương của Chi bộ xã Đất Bằng đề ra các nhiệm vụ trước mắt là: Đẩy mạnh phát triển củng cố cơ sở chính trị, tích cực phát triển dân quân du kích buôn, xã; phát triển bố phòng; củng cố bàn đạp dừng chân cho xã và huyện; giúp đỡ nhân dân sản xuất kịp vụ rẫy; cung cấp đủ nông cụ cho nhân dân phát rẫy, làm cỏ; tiếp tục kèm cặp, bồi dưỡng thêm nhận thức cho các đối tượng cảm tình để kết nạp thêm đảng viên...Ông nhận định: Việc thành lập chi bộ xã với hầu hết đảng viên là người Jrai thể hiện sự đánh giá đúng vai trò của cán bộ địa phương, tình yêu thương đoàn kết giữa cán bộ người Kinh và cán bộ người dân tộc. Chi bộ đã phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, huy động sức mạnh nhân dân trong xã tích cực tham gia cuộc kháng chiến trên mọi mặt công tác, ý thức tự giác ngày một cao. Bằng những hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội đó, trong hai năm 1948 -1949, vùng căn cứ Đất Bằng được xây dựng, củng cố, trở thành bàn đạp vững chắc cho phong trào kháng chiến của huyện và tỉnh Đăk Lăk bấy giờ.
    Ông nhắc đến những sự kiện lớn đã được sử sách của tỉnh, của huyện ghi lại, trong đó có rất nhiều công lao của cán bộ, nhân dân xã Đất Bằng như: Trận tấn công đồn Ma Phu- mở màn chiến dịch Nguyễn Huệ đêm 15-7-1950, lực lượng dân quân du kích tập trung của huyện và xã Đất Bằng phối hợp Tiểu đoàn 365 của Trung đoàn 803 đã tiêu diệt và làm bị thương 30 tên địch, bắn sập hết nhà cửa, phá huỷ một súng cối 81 mm và làm tê liệt hệ thống hoả lực của địch. Tuy không tiêu diệt được hoàn toàn cứ điểm, nhưng trận Ma Phu đã khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sỹ, nhân dân vùng Đất Bằng, Mlah (trung tâm huyện Krông Pa ngày nay)... làm cho địch hoang mang, lo sợ. Sau đó, Huyện uỷ, mở Hội nghị phát động quân, dân, chính, Đảng hạ quyết tâm chống Pháp đến cùng, diệt bọn tề gian ác ngoan cố. Đồng bào được dân quân du kích hỗ trợ đồng loạt nổi dậy tổng phá hoại đường giao thông từ cứ điểm Mlah (thị trấn Phú Túc- NV) đi Ma Phu, dùng súng và lựu đạn đánh vào kho gạo, bốt gác của địch, diệt 4 lính Pháp và 20 lính khác, bắt 2 tên, làm bị thương 10 tên. Đồng chí Nay Séo- Xã đội trưởng, ...đã chiến đấu và hy sinh anh dũng.
    Phong trào du kích xã Đất Bằng lúc này khá mạnh, xã có 01 trung đội dân quân du kích cơ động do đồng chí .Ama Tyh (Kpă YLang) - Huyện ủy viên chỉ huy; đến tháng 5 năm 1951 lực lượng du kích xã Đất Bằng có 66 du kích thường; 170 dân quân thường: 40 du kích tập trung do đồng chí Rơ Ô Đheng (Ama Krứ) làm trung đội trưởng, đồng chí Rahlan Y Tuai (Ama BLum) làm trung đội phó. Ngoài Ama Tyh, còn có Ama Noa người buôn Ơi Đak là chiến sỹ du kích rất nổi tiếng bấy giờ. Năm 1951 xã Đất Bằng được tuyên dương xã chiến đấu xuất sắc của tỉnh Đăk Lăk.
    Sau khi Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt  chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, Đảng bộ, chiến sỹ và đồng bào Đát Bằng, Mlah vô cùng phấn khởi. Nhân lúc binh lính địch rã rời tuyệt vọng, đồng chí Nguyễn Khuê (Ama H’Lơ) chỉ đạo tổ chức đồng bào các buôn xung quanh, nhất là chị em phụ nữ bồng bế trẻ con, kéo vào đồn Mlah kêu gọi, thuyết phục, giành giật...đưa con em mình bỏ hàng ngũ địch trở về với cha mẹ, với đồng bào để được khoan hồng. Hòa cùng không khí chung, xã Đất Bằng tổ chức mít tinh, hội họp, liên hoan mừng Mlah, Cheo Reo được giải phóng, mừng thắng lợi Hiệp định Giơnevơ, mừng đất nước được hòa bình sau chín năm trường kỳ kháng chiến gian khổ. Tháng 8-1954, Cán bộ và nhân dân xã Đất Bằng vinh dự được đại biểu nhân dân vùng Mlah tập trung về Tân Vinh ( Phú Yên) tham gia lễ ăn mừng chiến thắng và quán triệt tình hình nhiệm vụ mới của cách mạng, đồng thời tiễn đưa lực lượng vũ trang và những người con đi tập kết. Ông cho biết thêm: Sau năm 1954, thực hiện Hiệp định Giơnevơ, đại bộ phận cán bộ quân đội chuyển đi tập  kết ra Bắc, chỉ bố trí ở lại một lực lượng rất mỏng, không trang bị vũ khí, nhiệm vụ chủ yếu là bám dân xây dựng cơ sở với phương thức hoạt động mới, chuẩn bị thi hành Hiệp thương Tổng tuyển cử. Ông là một trong số các đồng chí được Đảng phân công ở lại bám trụ, xây dựng cơ sở, phụ trách xã Đất Bằng Huyện H2. Xã (còn gọi làTổng) Đất Bằng cùng các tổng giáp ranh Phước Tân, cà Lúi...(Phú Yên)  lúc này tuy đã do Mỹ ngụy kiểm soát, chúng tăng cường cố, thành lập bộ máy cai quản chánh tổng, chủ làng, tuy nhiên có một số  chánh tổng là người của ta cài vào như Ama Tiêu - làm Chánh tổng Đất Bằng... Thời gian này, ông phải cải trang: cởi trần, phơi nắng cho da đen nhẻm, đóng khố, ngậm tẩu...thành người Jrai, ban ngày ở ngoài rừng, đêm vào buôn hoạt động, có lúc phải cột võng ngủ ở khu nhà mả, nơi địch ít chú ý. Ông gỡ kính, dụi mắt: “Một trong những kỷ niệm không bao giờ quên lúc này là: Năm 1957, địch tăng cường tố cộng gây khó khăn cho phong trào, nhưng nhờ sự bảo vệ của nhân dân và sự bình tĩnh của cán bộ ta nên vẫn bảo toàn được cán bộ, cơ sở, ông (tức Tô Tấn Tài (Ama H'Oanh- NV) cải trang như người địa phương, cùng vợ chồng một gia đình đồng bào - Ơi Nhen buôn Ơi Khảm, chuyển máy chữ và tài liệu của cơ quan tỉnh Phú Yên gửi cất giấu từ địa điểm hang đá tại buôn Ơi Kham sang Ơi Đak, Ơi HDjik giữa ban ngày. Trên đường gặp đoàn công vụ của địch, nhưng nhờ sự bình tĩnh đối đáp bằng tiếng Jrai, nên địch không nghi ngờ, vì vậy chuyến đi được an toàn.
    Ông cho biết thêm, nhiều cơ sở là phụ  nữ rất tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia các phong trào ở địa phương như Amí Nhung, Amí Tha, Amí Lưu (vợ đồng chí Trần Kiệt) ở Đất Bằng...đã tích cực vận động chị em trong xã buôn tham gia vót chông rào làng chống địch, bảo vệ buôn làng, căn cứ ...
Tháng 7 năm 1957, ông được phân công hộ tống đưa đoàn cán bộ huyện ra miền Bắc, đến tháng 5 năm 1959 ông trở vào, hoạt động ở vùng Chư Dlêiya. Ông xã xã Đất Bằng từ đó.
    Ông luôn động viên chúng tôi cố gắng ghi lại chặng đường lịch sử đấu tranh gian khổ nhưng rất đỗi tự hào của cán bộ, nhân dân xã Đất Bằng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ,  làm bài học giáo dục chính trị cho thế hệ trẻ hôm nay và tương lai...Chia tay ông, chung tôi không quên chúc ông luôn dồi dào sức khỏe, có dịp mời ông về thăm lại chiến trường xưa- Xã Đất Bằng anh hùng, thân thương...
Trần Quang Lực