Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm việc với UBND huyện Krông Pa

21/07/2023
Sáng ngày 19/7/2023, Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh do bà Đỗ Thị Hương Lan - Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND huyện Krông Pa về việc thực hiện quy định pháp luật về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Tham gia Đoàn giám sát có các thành viên Ban Dân tộc, lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu quốc hội và HĐND tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.
GiamsatHĐND.jpg
Toàn cảnh của buổi làm việc 
Huyện Krông Pa là huyện vùng sâu, vùng xa, với dân số 93.840 người, trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số là 67.700 người, chiếm 72%. Tổng số hộ nghèo toàn huyện là 3.244 hộ, chiếm tỷ lệ 15,69% trên tổng số hộ dân cư, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số 2.991 hộ, chiếm tỷ lệ 92,2% trong tổng số hộ nghèo toàn huyện.
Theo báo cáo của UBND huyện, thời gian qua các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật; xây dựng các nhóm giải pháp để nâng cao nhận thức cho người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình. UBND huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương; bố trí kinh phí để thực hiện đề án (năm 2022: 320 triệu đồng; năm 2023: 320 triệu đồng). Tổ chức 14 hội nghị tập huấn, với 1.287 người tham gia; xây dựng 05 mô hình điểm tại các thôn đặc biệt khó khăn của 05 xã: Chư Gu, Chư Rcăm, Ia Rsai, Ia Rsươm, Uar và đã tổ chức 05 lớp tập huấn cho cán bộ xã, thôn và người dân tham gia thực hiện mô hình với 290 người tham gia. Tiếp nhận và cấp phát 1.500 tờ rơi tuyên truyền của Ban Dân tộc tỉnh cho các xã triển khai thực hiện mô hình điểm; thực hiện lắp đặt 03 cụm panô tuyên truyền trực quan tại 03 xã: Ia Rsươm, Chư Gu, Chư Drăng; đưa các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình vào hương ước, quy ước, tiêu chuẩn làng văn hoá, gia đình văn hoá; qua đó, giúp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra trên địa bàn huyện.
 
Tuy nhiên, với đặc thù là huyện vùng sâu, vùng xa, do đời sống của một số bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức của người dân còn hạn chế, việc chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình ở một số địa phương vẫn chưa thực hiện triệt để, vì vậy tình trạng tảo hôn vẫn còn tồn tại. Công tác quản lý, kiểm tra, phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ tảo hôn để có biện pháp kịp thời ngăn ngừa còn hạn chế. Công tác xử lý vi phạm đối với các trường hợp tảo hôn và tổ chức tảo hôn chưa được quan tâm thực hiện, vẫn còn tình trạng nể nang khi xử lý các trường hợp vi phạm. Từ tháng 01 năm 2021 đến tháng 05 năm 2023, toàn huyện có 243 cặp tảo hôn, chiếm tỷ lệ 13,04% trên tổng số cặp kết hôn; 01 cặp hôn nhân cận huyết thống, chiếm 0,05% so với tổng số cặp kết hôn. Qua rà soát thống kê cho thấy, độ tuổi tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thường tập trung nhiều nhất vào độ tuổi 16,5 đối với nữ, 17,5 đối với nam.
Tiếp đó, các thành viên trong đoàn giám sát đã yêu cầu UBND huyện, các cơ quan liên quan làm rõ một số nội dung liên quan. Trên cơ sở yêu cầu của đoàn giám sát, lãnh đạo UBND huyện và các cơ quan, đơn vị đã giải trình, làm rõ những nội dung mà đoàn giám sát quan tâm.
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, bà Đỗ Thị Hương Lan - Phó Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao những kết quả mà UBND huyện đã triển khai, thực hiện trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh: Cần tiếp tục tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, hội viên, quần chúng Nhân dân những hậu quả của tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống để từ đó nhân dân nhận thức được việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống không những ảnh hướng đến kinh tế, nòi giống mà còn vi phạm pháp luật. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể huyện, UBND các xã, thị trấn trong thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới phương pháp tuyên truyền, giáo dục về hôn nhân và gia đình; chú trọng lựa chọn nội dung trọng tâm, biên soạn tài liệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, sát với thực tiễn và nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung vào nhóm đối tượng phụ nữ, thanh, thiếu niên và vùng có nguy cơ cao về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là đối tượng là cán bộ, Đảng viên; xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước của thôn, buôn, TDP.
RCOM NỐI