Đoàn giám sát của Hội đồng nhân dân huyện Krông Pa Giám sát UBND huyện về công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử hai cấp huyện, xã giai đoạn 2021-2022

16/06/2023
Sáng ngày 15/6/2023, Đoàn giám sát chuyên đề của Hội đồng nhân dân huyện do đồng chí Nay Quyên – Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát về “Kết quả thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử năm 2021 và 2022” đối với UBND huyện. Tham gia buổi làm việc với Đoàn giám sát có đồng chí Ksor Tin - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện, cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng HĐND-UBND huyện, phòng Tài chính và Kế hoạch, phòng Nội vụ, phòng Văn hóa và Thông tin, phòng Giáo dục và Đào tạo, Chi cục Thuế, Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện, Bưu điện huyện.
eecebcb3517a8024d96b.jpg
Toàn cảnh của buổi làm việc
Trên cơ sở báo cáo của UBND huyện về kết quả công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử hai cấp (huyện, xã) năm 2021-2022. UBND huyện đã thường xuyên quan tâm công tác lãnh đạo và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử, đồng thời thường xuyên theo dõi tiến độ giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn.
Về công tác cải cách thủ tục hành chính: giai đoạn 2021-2022, UBND huyện tiến hành rà soát và đề xuất UBND tỉnh xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền đề nghị cắt giảm thành phần hồ sơ, thời gian giải quyết hồ sơ TTHC cho 02 thủ tục thuộc lĩnh vực tư pháp và văn hóa – thông tin; công khai, niêm yết đầy đủ các TTHC tại Bộ phận tiếp nhần và trả kết quả, Trang thông tin điện tử huyện, xã; thực hiện công khai, minh bạch việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết trên hệ thống phần mềm “Một của điện tử”. Tổng số hồ sơ thủ tục hành chính đã tiếp nhận và giải quyết trong 02 năm cấp huyện, xã là 87.221 hồ sơ; trong đó: hồ sơ trực tuyến là 1.019, chiếm tỷ lệ 1,19%, hồ sơ trực tiếp và qua dịch vụ bưu chính là 86.088, hồ sơ chuyển từ kỳ trước qua là 114. Số lượng hồ sơ đã giải quyết là 87.221; trong đó: hồ sơ đúng hạn là 85.928 chiếm tỷ lệ 98,5%; hồ sơ quá hạn là 1.293, chiếm tỷ lệ 1,48%. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ của huyện đã thực hiện chuyển giao qua Bưu điện từ năm 2018, đồng thời thí điểm bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ đối với UBND thị trấn Phú Túc và xã Ia Rsươm.
Về xây dựng chính quyền điện tử: Hạ tầng kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị, địa phương được quan tâm đầu tư, nâng cấp thường xuyên và đảm bảo an toàn thông tin mạng đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trên môi trường mạng để xử lý công việc. Việc khai thác, sửu dụng các ứng dụng phầm mềm dùng chung của tỉnh được các cơ quan, đơn vị, địa phương khai thác hiệu quả trong giải quyết công việc như: hệ thống họp thư công vụ, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, trang thông tin điện tử, Phòng họp trược tuyến; các phần mềm ứng dụng chuyên ngành khác…theo đúng quy định, kịp thời, bảo đảm nguyên tắc và chế độ bảo mật.
Về đầu tư, mua sắm trang thiết bị: Trong 02 năm, UBND huyện đã đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin của huyện với tổng kinh phí trên 3.763 triệu đồng; UBND các xã, thị trấn cũng bố trí nguồn kinh phí để đầu tư, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác CCTTHC và xây dựng CQĐT từ 70 đến 120 triệu/năm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử hai cấp (huyện, xã) cũng còn một số hạn chế; đó là:  Việc ban hành các văn bản triển khai thực hiện công tác cải cách TTHC và xây dựng CQĐT của một số xã chưa kịp thời; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT trong cải cách hành chính còn hạn chế; Một số cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn chưa phát huy hiệu quả của các dự án CNTT, còn quyết liệt ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc trên môi trường mạng. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 chưa được người dân và các doanh nghiệp sử dụng rộng rãi, vẫn còn tâm lý e ngại khi sử dụng; Cán bộ phụ trách CNTT, kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn huyện chủ yếu làm kiêm nhiệm, nên chất lượng, hiệu quả chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nay Quyên – Trưởng đoàn giám sát đã ghi nhận và đánh giá cao sự quan tâm trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo UBND huyện, các phòng ban chuyên môn trong công tác cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử hai cấp (huyện, xã) năm 2021-2022; đồng thời, đồng chí đề nghị trong thời gian tới, lãnh đạo UBND huyện và các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tiếp thu ghi nhận tối đa những ý kiến góp ý của các thành viên trong Đoàn giám sát, đề ra các giải pháp, chương trình hành động và xây dựng các kế hoạch để chỉ đạo, khắc phục những tồn tại hạn chế, nhất là sớm khắc phục tình trạng đối với hồ sơ quá hạn; điều chỉnh, đối chiếu lại các số liệu về hồ sơ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong 02 năm, hoàn thiện báo cáo sát, đúng đề cương gợi ý của Đoàn giám sát.
TIẾN HÙNG-Phó ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện