Krông Pa chú trọng lai hóa đàn bò

20/05/2017
Krông Pa là địa phương có đàn bò lớn nhất tỉnh Gia Lai, nhưng chủ yếu là giống bò cỏ địa phương có thể trạng nhỏ, trọng lượng thịt đạt thấp nên hiệu quả kinh tế đem lại không cao. Trước tình hình đó, năm 2015, huyện Krông Pa đã giao cho Trạm Khuyến nông triển khai mô hình phát triển chăn nuôi bò lai tại hộ gia đình nhằm nâng cao chất lượng đàn bò trên địa bàn, phát huy hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi.
Theo thống kê, hiện toàn huyện Krông Pa có khoảng trên 60.000 con bò; trong đó, đàn bò lai chỉ chiếm chưa tới 20%. Chính vì thế mà những năm qua, từ nguồn vốn của các chương trình, dự án, huyện Krông Pa đã đẩy mạnh việc lai cải tạo đàn bò trên địa bàn bằng mô hình phát triển chăn nuôi bò lai tại hộ gia đình. Trong 2 năm, 2015, 2016, từ nguồn vốn của Sở Khoa học công nghệ 650 triệu đồng và vận động các hộ dân tham gia dự án đóng góp hơn 200 triệu, huyện Krông Pa đã  mua và cấp 22 con bò giống, gồm: 11 bò cái sinh sản và 11 con bò đực giống, cho 5 hộ người đồng bào dân tộc thiểu số và 6 hộ người kinh ở thị trấn Phú Túc và xã Phú Cần. Các hộ được chọn triển khai mô hình là những hộ có kinh nghiệm trong chăn nuôi và phải có ít nhất 3 con bò cái giống địa phương.
Ông Ksor Blăk,Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Đối với người đồng bào dân tộc thiểu số thì hỗ trợ 100% bò đực và bò cái, với máy cắt cỏ và giống cỏ là 60%. Còn đối với hộ người kinh thì hỗ trợ bò đực giống là 100% và bò cái là 50%. Mục đích của làm mô hình này là để cho người nông dân học hỏi để về cải tạo đàn bò và phát triển chăn nuôi bò lai ở huyện Krông Pa”.
Là một trong những hộ tham gia mô hình, gia đình anh Ksor Lík, ở xã Phú Cần, từ 2 con bò hỗ trợ ban đầu đến nay đã sinh sản thêm được 1 bê con. Riêng con bò đực giống đã phối cho đàn bò cỏ 4 con của nhà anh và rất nhiều hộ khác trong làng. Theo nhận xét của anh Lík thì việc nuôi bò lai cũng không mấy khó khăn và hiệu quả kinh tế đem lại chắc chắn sẽ cao hơn giống bò vàng của địa phương.
Anh Ksor Lík, xã Phú Cần, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Việc sinh trưởng, phát triển của bò lai thì rất là nhanh và tầm vóc, lượng thịt đương nhiên là sẽ cao hơn bò cỏ địa phương. Đối với truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số ở đây thì đa số là nuôi bò cỏ, người ta không muốn chăn nuôi bò lai vì nghĩ là công chăm sóc nó nhiều mà người ta không nghĩ đến sự phát triển nhanh của đàn bò lai. Là người nông dân thì sau này tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con nuôi bò lai để đem lại hiệu quả hơn”.
Theo thống kê của Trạm Khuyến nông huyện Krông Pa thì đối với 11 con bò cái được cấp đến nay đã sinh sản được 5 con bê lai và số còn lại đều đang sinh trưởng, phát triển tốt và phù hợp với điều kiện thời tiết ở địa phương. Ngoài ra, 11 con bò đực giống đã phối được cho rất nhiều bò cái sinh sản ở địa phương. Trước triển vọng của mô hình phát triển chăn nuôi bò lai tại hộ gia đình, huyện Krông Pa sẽ tuyên truyền, vận động người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đẩy mạnh việc lai tạo đàn bò.
Ông Ksor Blăk, Trưởng Trạm Khuyến nông huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết: “Để phát triển đàn bò lai thì trong thời gian tới Trạm sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra các xã khác và cũng sẽ làm giống như triển khai trong năm 2015 và 2016. Từ các nguồn vốn như: khoa học công nghệ, của huyện và các ban ngành cùng bắt tay thực hiện để cải tạo đàn bò cho huyện và nhân rộng nhiều hơn các xã trong huyện”.
Với 1 huyện thuần nông như Krông Pa và có thế mạnh về chăn nuôi gia súc thì việc triển khai thành công mô hình lai cải tạo đàn bò sẽ giúp cho người dân nâng cao được hiệu quả kinh tế, cải thiện cuộc sống và đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo trên địa bàn huyện.