Phát huy các đề tài dự án khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh

20/05/2017
Từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học của tỉnh, nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học công nghệ và văn hóa đã được ứng dụng trong thực tế và đã phát huy hiệu quả, góp phần không nhỏ vào nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Điển hình như Dự án ứng dụng chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá lăng nha đuôi đỏ do  Trung tâm Giống Thủy sản Gia Lai thực hiện  đã tạo cơ hội cho người dân Gia Lai tiếp cận kỹ thuật sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá Lăng nha, đưa loài cá này trở thành đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi trồng thủy sản tỉnh Gia Lai, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh. Sau 1 năm triển khai, từ 1.300m2 mặt nước và với 6.190 con cá giống được sản xuất nhân tạo tại chỗ, trong điều kiện nuôi bằng thức ăn chế biến kết hợp với thức ăn viên, mô hình đã cho ra  gần 2,200 tấn cá thương phẩm với trọng lượng trung bình từ 0,5 -0,7kg/con. Với giá bán hiện nay  từ 130-150.000đ/kg mô hình có tổng thu từ 281.500.000 đồng – 325.000.000 đồng. Sau khi trừ chi phí sẽ cho lãi khoảng  từ 37- 80 triệu đồng.
Ông Phạm Hữu Phước, GĐ Trung tâm Giống Thủy sản Gia Lai  cho biết: “Mô hình đã được đánh giá cao, giúp người dân Gia Lai mở rộng nuôi trồng thủy sản. Cá lăng nha đuôi đỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Do vậy khi đưa giống  cá này vào nuôi sẽ mang lại lợi nhuận cao. Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hội thảo để nông dân đến tìm hiểu mở rộng mô hình”.
Ở lĩnh vực văn hóa, đề tài khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ dân gian Bahnar, Jrai trên địa bàn tỉnh Gia Lai”; do Bảo tàng tỉnh chủ trì đã phát huy hiệu quả trong thực tế đời sống, giúp người dân trong và ngoài tỉnh hiểu hơn về nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian Tây Nguyên. Với 152 bức tượng gỗ độc đáo do chính các nghệ nhân người Jrai, Bahnar có nhiều kinh nghiệm ở các buôn làng trong tỉnh chế tác, trong quá trình thực hiện đề tài, các nhà nghiên cứu  đã sưu tầm và sắp đặt thành vườn tượng gỗ dân gian của người Jrai, Bahnar được trưng bày tại khu du lịch Công viên Văn hóa  Đồng xanh, Tp.Pleiku đưa nghệ thuật tạc tượng gỗ truyền thống của người Tây Nguyên đến gần hơn với công chúng.
Bà Hoàng Thanh Hương, Phó GĐ Bảo tàng tổng hợp tỉnh Gia Lai cho biết : “Quảng bá sản phẩm văn hóa điêu khắc gỗ dân gian truyền thống độc đáo của hai dân tộc thiểu số Jrai, Bahnar tỉnh Gia Lai đến nhân dân trong nước, quốc tế. Tạo một địa chỉ du lịch văn hóa hấp dẫn ngay trong lòng thành phố Pleiku. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của chính đồng bào các dân tộc thiểu số tại địa phương là điều mà chúng tôi đang mong muốn và kỳ vọng ở khu trưng bày vườn tượng này”.
Từ hai đề tài, dự án trên có thể nói hoạt động nghiên cứu cũng như ứng dụng các đề tài, dự án khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh ta đã và đang ngày càng được phát huy, qua đó đã có nhiều đóng góp thiết thực trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương./.