Những phát hiện mới về di sản văn hóa ở Krông Pa.

05/04/2021
Được sự đồng ý và hỗ trợ của lãnh đạo huyện Krông Pa, từ ngày 03/4 và 04/4/2021, đoàn công tác của TS. La Thế Phúc (cán bộ nghiên cứu của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam) cùng một số phòng ban huyện đã tiến hành khảo sát di tích khảo cổ tiền sử phân bố dọc hai bên bờ sông Pa thuộc địa bàn huyện KrôngPa.
   Sau hai ngày khảo sát, Đoàn khảo sát đã phát hiện thêm được 5 điểm di tích khảo cổ tiền sử, trong đó có 4 điểm thời đại Đá cũ và 1 điểm thời đại Đá mới. Như vậy tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn huyện đã phát hiện được 8 điểm di tích khảo cổ tiền sử (năm 2019 trong khuôn khổ đề tài KHCN cấp Nhà nước TN17/T06 (2018-2020) do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam chủ trì, TS. La Thế Phúc làm Chủ nhiệm đã phát hiện 3 điểm). Địa điểm phát hiện chủ yếu tập trung ở các xã Nam Sông Pa, xã Phú Cần và xã ChưRCăm, trong đó các xã Nam Sông Pa thể hiện dày đặc hơn, có địa tầng rõ ràng, kéo dài từ xã Chư Đrăng đến xã Krông Năng.

    Cùng với di tích An Khê đã được khẳng định, việc phát hiện những di tích khảo cổ tiền sử phân bố rộng rãi trên khắp lưu vực sông Pa, từ huyện KBang, qua An Khê, Ia Pa, Chư Sê, Phú Thiện, AYunpa kéo dài xuống tới huyện Krông Pa đã bước đầu định hình một dòng chảy lịch sử phát triển của người Việt cổ dọc lưu vực sông Pa, gợi mở về khả năng nghiên cứu để xác lập nền văn minh cổ ở lưu vực sông Pa. Đồng thời một lần nữa góp phần khẳng định tiềm năng di sản tự nhiên và văn hóa khảo cổ ở khu vực này.

    Theo Tiến sỹ La Thế Phúc cho biết “việc phát hiện 1 điểm là thời đại đá mới, điều này cho thấy dấu hiệu rất khả quan về người tiền sử thời đại đá mới đã có mặt ở đây. Để làm rõ, chúng ta cần nghiên cứu thêm nhưng sơ bộ có thể thấy con người tiền sử ở KrôngPa đã xuất hiện từ thời đá cũ đến thời đá mới và kéo dài theo dòng chảy lịch sử đến ngày nay. Sau khi có tài liệu về khai quật khảo cổ sẽ chính xác hơn và sẽ có thông tin khoa học giá trị hơn, không chỉ cho riêng tỉnh Gia Lai mà cả khu vực Đông Nam Á”.   
Untitled-1.png

     Cũng trong chuyến công tác này, đoàn đã kết hợp khảo sát khu vực bến sông buôn Tơnia, xã Chu Gu. Qua khảo sát, tiến sỹ La Thế Phúc khẳng định những khối đá hình cầu phân bố trong đá cát sạn kết là những kết hạch, kết vón của các thành tạo Laterit khá phổ biến trong đá trầm tích, mà không phải là hoá thạch Cúc đá (Ammonite). Những kết hạch này chỉ có ý nghĩa về khoa học mà hoàn toàn không có giá trị về kinh tế.
 
                                                                           HIỀN TRẦN - TRƯỞNG PHÒNG VHTT