Tự hào một thế kỷ vì đất nước, vì dân tộc

16/06/2025
Ngày 21 tháng 6 năm 2025, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử báo chí nước ta- tròn 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đầy gian nan nhưng cũng vô cùng tự hào của báo chí Việt Nam. Một thế kỷ qua, báo chí nước nhà đã không ngừng cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, vì đất nước, vì dân tộc, đồng hành cùng những bước đi của lịch sử và phát triển.

 
54.jpgPhóng viên Quang Ngọc- Trung tâm Văn hoá- Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa tác nghiệp tại cơ sở
(Ảnh: Hoàng Văn Vĩnh)
Báo chí cách mạng Việt Nam ra đời trong thời kỳ đất nước còn chìm trong đêm tối của chế độ thực dân. Những tờ báo đầu tiên, như “Thanh niên” do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, không chỉ đơn thuần là các phương tiện truyền thông mà còn là ngọn cờ, là vũ khí tinh thần để kêu gọi sự thức tỉnh của nhân dân, khơi dậy ngọn lửa đấu tranh vì tự do, độc lập. Báo chí đã có mặt từ những ngày đầu của cuộc cách mạng, hỗ trợ đắc lực cho các phong trào yêu nước, từ kháng chiến chống thực dân đến cuộc chiến chống đế quốc, góp phần quyết định vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta.
Báo chí không chỉ là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, diễn đàn của nhân dân mà còn là ngôi nhà của những ngòi bút yêu nước, những người có trách nhiệm với sự nghiệp giải phóng dân tộc, những chiến sĩ trên mặt trận văn hoá, tư tưởng. Báo chí đã đồng hành cùng nhân dân qua từng giai đoạn lịch sử, từ chiến tranh đến hoà bình, từ nền kinh tế bao cấp đến công cuộc đổi mới. Mỗi tờ báo, mỗi chương trình truyền hình, mỗi bài viết đều chứa đựng tình yêu đất nước, khát vọng phát triển của dân tộc.
Cùng với cả nước, Báo chí Gia Lai đã có một quá trình phát triển lâu dài, thu hái được nhiều thành tựu qua các thời kỳ. Báo chí Gia Lai, Đài phát thanh- truyền hình Gia Lai, Trung tâm Văn hoá- Thông tin và Thể thao, và các cơ quan thông tin đại chúng khác trên địa bàn tỉnh đã phản ánh chân thực, kịp thời các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh, của đất nước. Thực sự là tiếng nói của Đảng, chính quyền, là diễn đàn của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Báo chí Gia Lai còn giữ vai trò quan trọng trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, đồng thời quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh đến cộng đồng trong nước và quốc tế…
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, báo chí Việt Nam hôm nay đang đối mặt với những thách thức mới, nhưng cũng mở ra những cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Báo chí cần phải chuyển mình để thích nghi với thời đại số, thời đại AI (trí tuệ nhân tạo), nơi thông tin lan toả nhanh chóng và rộng rãi. Phải đổi mới cả hình thức lẫn nội dung để tiếp cận độc giả hiệu quả hơn, chất lượng hơn. Đưa ứng dụng công nghệ vào công tác sản xuất và phân phối thông tin, phát triển các nền tảng báo chí điện tử, báo chí di động, báo chí AI, mạng xã hội…
Mặc dù có sự chuyển mình mạnh mẽ về phương thức truyền tải thông tin, nhưng báo chí Việt Nam vẫn không quên đi những giá trị cốt lõi. Tính khách quan, trung thực, trách nhiệm với cộng đồng và đất nước luôn là những phẩm chất không thể thiếu của những người làm báo. Báo chí Việt Nam trong thời đại mới tiếp tục giữ vai trò là kênh cung cấp thông tin chính thống, là công cụ giáo dục, tuyên truyền, là diễn đàn để phản biện xã hội, góp phần xây dựng một đất nước phát triển, công bằng, dân chủ và văn minh.
Bước vào thế kỷ thứ hai của mình, báo chí Việt Nam nói chung và báo chí tỉnh Gia Lai nói riêng sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng đổi mới, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng một xã hội phát triển bền vững và thịnh vượng. Báo chí cách mạng Việt Nam sẽ luôn tự hào vì đất nước, vì dân tộc, và luôn tiếp tục sứ mệnh quan trọng của mình trong thời đại mới- thời đại kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
HOÀNG VĂN VĨNH