Đền thờ Tiền hiền làng Phú Cần (Krông Pa) được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh

15/01/2025
Ngày 31-12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, Nguyễn Thị Thanh Lịch đã ký Quyết định số 847/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Đền thờ Tiền hiền làng Phú Cần (thôn Thắng Lợi, xã Phú Cần, huyện Krông Pa).
be0ecc23f1d84d8614c9.jpg
Ảnh: Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh Đền thờ Tiền hiền làng Phú Cần
Đình đền là nơi ghi dấu sự hiện diện của người Kinh, cũng là trung tâm văn hoá, tín ngưỡng của người Kinh trong hành trình di dân lập làng. Và trong khi tại những địa phương khác, người Kinh di cư lập làng lâu đời như An Khê, Đăk Pơ có nhiều đình miếu được xây dựng quy mô, thì tại Krông Pa, chỉ có một ngôi Đền thờ Tiền hiền quy mô khiêm tốn nhưng đã tồn tại vững bền từ tám thập kỷ qua.
Đền thờ Tiền hiền làng Phú Cần không thờ cúng các thần thánh siêu phàm như chúng ta thường thấy tại các địa phương khác, mà thờ những nhân vật có tên tuổi, nguồn gốc khá rõ ràng. Nhân vật chính được thờ cúng tại Đền thờ Tiền hiền làng Phú Cần là ông Phan Hữu Phàn (1890 – 1940). Ông là người Phú Yên, có công chiêu mộ người dân từ vùng Phú Long, An Chấn, An Mỹ (nay thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) di cư lên Krông Pa, lập ra làng Phú Cần của người Kinh năm 1925 và được chính quyền nhà Nguyễn đương thời ghi nhận, phong hàm “Chánh chủ mộ”, “Cửu phẩm” và giao cho ông quản lý làng với chức “Đội trưởng”. Ông đã tận tình giúp đỡ những người nghèo xa xứ tha hương đến Krông Pa làm ăn bằng cách xây khu nhà tập thể, chia ruộng đất cho họ có chỗ ăn chỗ ở và đất canh tác. Ông cũng kết mối giao hảo với đồng bào người dân tộc tại chỗ, để người Kinh chung sống hoà thuận với đồng bào dân tộc anh em, tạo thành truyền thống giao lưu Kinh – Jrai tốt đẹp tại Phú Cần trong một thời gian dài. Vì thế, sau khi ông mất, dân làng Phú Cần đã trân trọng tôn xưng ông là “ông Tiền hiền”, kính trọng, tri ân và xem ông Phan Hữu Phàn như một vị Thành hoàng linh thiêng có thể che chở, giúp đỡ dân làng, trở thành vị Phúc thần đem lại may mắn và những điều tốt đẹp cho dân làng Phú Cần. Dân làng Phú Cần đã lập đền thờ để tưởng nhớ và cùng nhau chăm sóc đền thờ, mộ địa của ông cẩn thận từ năm 1940 đến nay. Hiện mộ và bia ghi thông tin cá nhân của ông Tiền hiền Phan Hữu Phàn và vợ vẫn còn khá nguyên vẹn tại Krông Pa, gần đền thờ.
Ngoài ông Phan Hữu Phàn, Đền thờ Tiền hiền làng Phú Cần còn thờ tự các ông Nguyễn Thành Cựu, Nguyễn Hữu Phúc... cũng từ Phú Yên di cư lên và nhiều vị tiền bối, hậu bối khác. Họ được ghi danh trong văn cúng tại đền thờ vì đã có công góp công góp của phát triển làng xã, tạo nên lịch sử trăm năm cho vùng Phú Cần. Công lao khai khẩn khai cơ của những bậc tiền nhân, tiền bối lập làng được cả chính quyền và dân làng địa phương ghi nhận. Từ đó các thế hệ sau chung sức chung lòng xây mộ, xây đền thờ để tưởng nhớ, tri ân những người có đóng góp thiết thực cho cộng đồng.
Quản lý đền thờ là “Ban phụng sự” gồm một nhóm người được người dân địa phương bầu ra, chính quyền xác nhận, chịu trách nhiệm nhang khói, vệ sinh thường xuyên cho cả khu đền thờ và khu lăng mộ.
ebf1872ae961553f0c70.jpg
Đền thờ Tiền hiền làng Phú Cần. Ảnh tư liệu hồ sơ khoa học di tích
Ngày lễ quan trọng nhất của Đền thờ Tiền hiền làng Phú Cần diễn ra vào ngày 28 tháng 5 (âm lịch) hàng năm, căn cứ trên ngày mất của ông Tiền hiền Phan Hữu Phàn (chính thức là 29 tháng 5, dân làng giỗ trước đó 1 ngày theo phong tục, lệ làng). Đây là ngày hội làng lớn nhất của người Kinh tại Krông Pa, thu hút đến khoảng 400 người gần xa về tham dự, dâng hương tưởng niệm, đóng góp trùng tu di tích, trong đó thường xuyên có sự hiện diện của lãnh đạo huyện Krông Pa. Điều này thể hiện sự quan tâm rộng rãi và sâu sắc của cả chính quyền và Nhân dân đối với đền thờ. Ngôi mộ ông Tiền hiền cũng không còn thuần túy là nơi an nghỉ của một cá nhân có công lao với làng xã đã qua đời, mà còn là điểm đến khá thường xuyên của nhiều người dân, mang tính văn hóa tâm linh tốt đẹp, thể hiện niềm tin và sức mạnh tập thể, đạo lý truyền thống “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc.
d52fcc8ba2c01e9e47d1.jpg
Mộ ông Tiền hiền làng Phú Cần. Ảnh tư liệu hồ sơ khoa học di tích
Đây cũng là những căn cứ khoa học cụ thể rõ ràng, tiêu biểu nhất chứng minh cho quá trình lịch sử ấy. Các lễ nghi và việc thực hành tín ngưỡng cộng đồng do tập thể sáng tạo nên và duy trì qua nhiều thế hệ như lễ giỗ Tiền hiền làng Phú Cần, là những nét đẹp trong văn hóa truyền thống người Việt, đồng thời cũng thể hiện niềm tin và sức mạnh to lớn của cộng đồng vào những giá trị nhân văn tốt đẹp mà các thế hệ nối tiếp nhau kiến tạo nên.
Việc công nhận và xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với di tích “Đền thờ Tiền hiền làng Phú Cần” là việc làm thiết thực nhằm tôn vinh những bậc tiền nhân có công khai hoang, mộ dân lập làng, đồng thời qua đó khuyến khích sự đóng góp xây dựng quê hương đất nước của các thế hệ trẻ.
Nhận thấy giá trị và ý nghĩa to lớn của Đền thờ Tiền hiền làng Phú Cần, năm 2023, UBND huyện Krông Pa đã phê duyệt kế hoạch lập hồ sơ khoa học di tích cấp tỉnh, giao Tiến sĩ Lưu Hồng Sơn (Bảo tàng tỉnh) phụ trách thực hiện. UBND huyện Krông Pa đã tiến hành hội thảo góp ý hoàn thiện hồ sơ đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai xem xét, quyết định xếp hạng đối với di tích Đền thờ Tiền hiền làng Phú Cần.
Việc công nhận và xếp hạng Đền thờ Tiền hiền làng Phú Cần lần này còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với Krông Pa, bởi đúng vào dịp kỷ niệm 100 thành lập Phú Cần (1925 – 2025). UBND huyện Krông Pa hiện đang tích cực chuẩn bị các hoạt động chào mừng cho lễ kỷ niệm này.
TS: LƯU HỒNG SƠN