Quyết liệt, đúng đắn, đồng bộ, chú trọng hơn nữa

06/12/2022
   Những ngày này cán bộ, đảng viên trên địa bàn huyện Krông Pa đang được triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII). Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm đông đảo của tầng lớp Nhân dân, đó là Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
   Có thể nói trong bối cảnh tình hình trong nước và trên thế giới đã, đang và sẽ có nhiều thay đổi trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, toàn Đảng, toàn dân ta cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, đúng đắn, đồng bộ hơn trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Cần phải nhận thức rõ: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội ngày càng dựa nhiều hơn vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư; là phương thức quan trọng để Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao.
 
NQTW6.jpg
Hội nghị cán bộ toàn huyện học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 khóa XIII của Đảng
   Trong quá trình tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phải chú ý bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp quốc gia, đổi mới sáng tạo, phát huy giá trị văn hóa, bản lĩnh con người việt nam; vai trò, xung kích đi đầu của lực lượng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân và đội ngũ trí thức, giai cấp công nhân hiện đại.
   Việc tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là một yêu cầu tất yếu khách quan trong tình hình mới; là nhiệm vụ trung tâm của chiến lược phát triển kinh tế- xã hội đất nước. Triển khai thực hiện Nghị quyết sẽ là cơ sở để chúng ta khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của đất nước, của từng vùng, từng địa phương trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tận dụng và phát huy lợi thế của nước đi sau và đang trong thời kỳ “dân số vàng”; kết hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu; đẩy nhanh sự phát triển toàn diện của đất nước.
   Đối với Nghị quyết số 28 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, kiểm lại thời gian qua công tác này đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm thực hiện đúng cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng.
   Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế do một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc, thiếu thống nhất, đồng bộ trong quá trình tổ chức thực hiện. Ngoài ra hạn chế còn có nguyên nhân do một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, năng lực, phẩm chất, uy tín hạn chế, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật Nhà nước ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Một số cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc của Đảng.
   Nghị quyết 28 lần này đã đưa ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục nhấn mạnh giải pháp về phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Mặc dù những năm gần đây Trung ương đã có những quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu; nhưng trong thực tế, vẫn còn nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả người có chức vụ quan trọng bị “nhúng chàm”, nêu gương xấu. Cùng với họ, gia đình, người thân cũng chưa có lối sống gương mẫu, coi trọng vật chất hơn đạo đức, danh dự, vô cảm trước những khó khăn của quần chúng nhân dân. Các kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều “vạch mặt chỉ tên” những gương xấu đó.
   Phấn khởi vì Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, tiếp tục nhấn mạnh vai trò trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; nhân dân cũng mong muốn tổ chức đảng các cấp cần chú trọng hơn nữa công tác giáo dục và công tác kiểm tra, giám sát đảng viên- trong đó đề cao vai trò giám sát của Nhân dân. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác tự phê bình và phê bình, tự soi tự sửa hàng ngày của mỗi cá nhân và tổ chức Đảng. Có như vậy mới kịp thời phát hiện, đề phòng các vi phạm từ sớm, từ xa; đồng thời giúp cán bộ, đảng viên không thể, không dám vi phạm.
HOÀNG VĂN VĨNH