Tấm gương để “tự soi”, “tự sửa”

06/03/2023
Như chúng ta đã biết, vừa qua Thường trực Ban Bí thư đã ký Quy định số 96-QĐ/TW về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Điểm mới của Quy định này là, nếu như trước đây, kết quả phiếu tín nhiệm chỉ là “kênh thông tin tham khảo”, thì nay sẽ trở thành căn cứ để đánh giá, sử dụng, sàng lọc, xử lý cán bộ. Đồng thời, Quy định 96 nêu rõ, bản thân cán bộ phải nêu gương, vợ, chồng, con cũng cần gương mẫu trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Như vậy, những ai đó có vợ/chồng, con cái vi phạm pháp luật, lợi dụng vị trí công tác của người thân để trục lợi, tạo dựng sân sau, sẽ không thể vô can.
maxresdefault.jpg
Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 02 tháng 02 năm 2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị
Sau khi Trung ương ban hành Quy định mới, nhiều ý kiến cho rằng đây là một bước luật hoá các chủ trương của Đảng. Đồng thời, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh đối với những người có chức, có quyền không bị vòng xoáy quyền lực cuốn vào tham nhũng, tiêu cực. Quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ là một giải pháp mới trong đánh giá, sử dụng cán bộ, phù hợp tình hình thực tiễn. Nó như một tấm gương để cán bộ “tự soi”, “tự sửa”, tạo môi trường tốt trong công tác đấu tranh tự phê bình và phê bình.
Tuy nhiên, dù có bao nhiêu quy chế, quy định cũng không thể đầy đủ nếu cán bộ không tự giác rèn luyện phẩm chất đạo đức, sa vào căn bệnh cá nhân chủ nghĩa, chỉ vì danh lợi mà quên mất đạo đức, trách nhiệm dẫn đến vi phạm pháp luật. Niềm tin của quần chúng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chính là niềm tin vào sự ngay thẳng và chính trực của đội ngũ tiên phong, luôn khiêm tốn, cầu thị, lấy việc nước, việc dân làm niềm vui, làm hạnh phúc của mình.
 
TUỆ LÂM