Bảo tồn, phát huy văn hóa lễ hội ở Gia Lai

12/11/2024
Văn hóa lễ hội nói riêng trong đời sống của con người có vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là trong điều kiện văn minh hiện đại. Qua thực trạng hoạt động văn hóa lễ hội ở Gia Lai sau 10 năm triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Đảng về Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, bài viết đề xuất giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa lễ hội, đồng thời góp phần phản bác quan điểm văn hóa lễ hội cản dòng xã hội văn minh hiện đại.
“Văn hóa” là một khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người.
“Lễ hội” là một trong những hiện tượng sinh hoạt văn hóa cổ truyền tiêu biểu của nhiều tộc người ở nước ta cũng như trên thế giới. Nó là “tấm gương” phản chiếu khá trung thực đời sống văn hóa của mỗi dân tộc, bao gồm toàn bộ các hoạt động tinh thần và ứng xử, phản ánh những tập tục, vật hiến tế, lễ nghi dâng cúng, những hội hè đình đám của một cộng đồng gắn với đơn vị hành chính/nơi cư trú. Lễ hội diễn ra nhằm biểu hiện lòng tôn kính của con người đối với Thần linh, phản ánh những ước mơ chính đáng của con người trước cuộc sống mà bản thân con người chưa có khả năng thực hiện/bày tỏ lòng biết ơn đấng Thần linh ban trao những điều mà cộng đồng mong muốn. Hội là hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng xuất phát từ nhu cầu cuộc sống của sự tồn tại và phát triển của cộng đồng, sự bình yên cho từng cá nhân, hạnh phúc cho từng gia đình, sự vững mạnh cho từng dòng họ, sự sinh sôi nảy nở cho gia súc, sự bội thu của mùa màng… Lễ hội phản ánh mối quan hệ, sự giao thoa giữa siêu và thực, giữa con người với con người trong những hoạt cảnh và hoạt động cụ thể.
Theo cách hiểu như vậy, giữa văn hóa và lễ hội-thành tố thuộc truyền thống của một dân tộc có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Văn hóa lễ hội các tộc người ở Gia Lai
Quá trình đấu tranh chống ngoại xâm và phát triển kinh tế đã tạo nên tính đa dạng mà thống nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Ở tỉnh Gia Lai, có 44/54 dân tộc sinh sống (dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 44% trong tổng số 1,4 triệu người) là một minh chứng. Tính đa dạng, xét về phương diện văn hóa lễ hội được sáng tạo bởi các nhóm dân cư, các thành phần dân tộc, lối sống đan xen, giao lưu văn hóa tạo.
Vùng văn hóa Trường Sơn – Tây nguyên gắn liền với kinh tế rừng, kinh tế nông nghiệp lúa rẫy. Cư dân tại chỗ có hẳn “mùa tết” với “hệ thống” nghi lễ và hội hè, gọi chung là mùa Ning nơn, diễn ra tưng bừng cận trước và sau Tết Nguyên đán. Cùng với quan niệm vạn vật hữu linh, lễ hội được tiến hành: Mừng lúa mới, Pơ thi, cúng các Yang (Yang Đak (nước) Yang cây, Yang suối, Yang rừng...) diễn ra theo qui mô họ tộc, cộng đồng làng.
mung-tho.jpg
                  Lễ mừng thọ (Lih thun tha) của người Jrai. Ảnh: ĐÌNH PHÊ
Vài thập niên trở lại đây, diễn trình văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, ở Gia Lai nói riêng vận động và định hình theo một diện mạo mới thông qua lối sống giao thoa, tác động của kinh tế nông nghiệp lúa nước, sức ảnh hưởng và lan tỏa của tôn giáo, bởi thành tựu khoa học–công nghệ, của lối sống công nghiệp,… mùa Ning nơn bị “đứt quãng” cả theo nghĩa không gian và thời gian, không còn rõ nét. Tuy thế, ở vài địa phương thuộc huyện Krông Pa, Ayun Pa, Kông Chro các tộc người Jrai, Bahnar từ lúc sinh ra cho đến khi nằm xuống và còn dài hơn thế nữa vẫn bảo tồn nhiều lễ hội truyền thống. Pơ thi - cuộc chia tay vĩnh viễn giữa người sống và người chết, tiễn người chết về cõi Atâu là quan trọng nhất.
Một số làng xã thuộc các huyện Kbang, Phú Thiện, Ia Grai… có đông đồng bào DTTS phía Bắc định cư, sinh sống. Tết Nguyên Đán là dịp họ tổ chức hoạt động lễ hội của dân tộc mình. Vào hội, ngoài ẩm thực đặc trưng, họ diễn xướng các trò chơi “tung còn”, “nhảy sạp”, “múa khèn”; đắm say bởi điệu múa dân gian mềm mượt của những thiếu nữ trong bộ váy áo rực rỡ lóng lánh sắc màu được mang đến từ quê nhà.
Cộng đồng người Kinh, lễ hội truyền thống theo tín ngưỡng dân gian, theo các tôn giáo được gìn giữ, phát huy giá trị.
Hằng năm, nhiều địa phương tổ chức lễ hội truyền thống và hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và thu hút khách du lịch như: hội Cầu Huê (An Khê), lễ Cầu mưa (Phú Thiện), lễ hội Hoa Dã quỳ - Núi lửa Chư Đang Ya (Chư Păh), lễ hội Hoa Muồng vàng (Chư Prông)...
Hạn chế của văn hóa lễ hội và vấn đề đặt ra
Do điều kiện lịch sử-xã hội sản sinh, quy định, lễ hội tạm được chia ra gồm truyền thống và hiện đại, có những đặc điểm riêng.
Lễ hội truyền thống, về mặt thời gian là sản phẩm văn hóa hình thành trong cộng đồng các dân tộc từ xa xưa, trong xã hội truyền thống các tộc người Việt Nam, gắn với những phong tục, tập quán, thói quen, lối sống đã ăn sâu bám rễ vào tư duy và đời sống tinh thần dân tộc, được kế thừa, phát triển trong suốt tiến trình lịch sử, mang giá trị riêng, thể hiện tinh thần dân tộc, cốt cách dân tộc, bản sắc dân tộc. Theo thời gian, lễ hội truyền thống hiện ra nhiều hạn chế, được hiểu là những mặt trái, lạc hậu, lỗi thời trong bối cảnh đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay như: Tiêu tốn nhiều thời gian, tiền của, mất vệ sinh (các lễ hội liên quan đến người mất). Mang tính bạo lực, lễ hội máu (lễ ăn trâu). Sùng bái và thần phục trước thế lực siêu nhiên (lễ hội liên quan đến quan niệm vạn vật hữu linh)...
Giao lưu, tiếp thu và “tiếp biến” văn hóa lễ hội, những năm gần đây, một bộ phận lớp người trẻ dân tộc Jrai, Bahnar ở Gia Lai “chạy đua” tổ chức sinh nhật thành viên trong gia đình, kỷ niệm ngày cưới, mừng tân gia… tại nhà hàng hay thuê dịch vụ nhà hàng tiệc cưới, quy mô đông người, nhận phong bì. Nội dung hội cũng biến đổi theo hướng hiện đại, thay cho xoang, chiêng, đi cà kheo… là diễn xướng các ca khúc trên sân khấu cùng ban nhạc với những nhạc cụ hiện đại.
Cá biệt, tại các lễ hội còn xảy ra tình trạng xô đẩy, chen lấn, thậm chí còn đánh nhau, chém nhau.
Để bảo tồn và phát huy hiệu quả văn hóa lễ hội, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác bảo tồn văn hóa, về công tác quản lý văn hóa là nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với cơ sở. Nghiệm vụ tuyên truyền có thể lồng ghép việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với phát triển du lịch, tiếp thu có chọn lọc văn hóa mới, bài trừ hủ tục lạc hậu, chống âm mưu lợi dụng dân tộc, lợi dụng văn hóa dân tộc để chia rẽ dân tộc, chống phá khối đại đoàn kết dân tộc và sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Đánh gía về vai trò lễ hội truyền thống cần gắn nó với bối cảnh lịch sử. Ví dụ như lễ hội ăn trâu ở Tây Nguyên được lưu giữ đến ngày hôm nay chính là hình thức hiến tế cầu mong no đủ, mừng chiến thắng, mùa màng bội thu, tưởng nhớ công ơn thần linh,… Vì thế, nếu chúng ta không đánh giá nó dựa trên quan điểm tôn trọng văn hóa truyền thống mà lấy quan điểm đương đại để đánh giá, phê phán sẽ khó có sự đồng cảm. Hiện nay, người ta chỉ thực hiện lễ ăn trâu trong một số sự kiện văn hóa-du lịch.
Văn hóa lễ hội gắn với thiết chế văn hóa. Một số nhà rông văn hóa ở Gia Lai không phù hợp với điều kiện tự nhiên, phong tục, tập quán của cộng đồng; hoặc trang thiết bị hoạt động hầu như đã cũ; hoặc đội ngũ cán bộ quản lý hoạt động lễ hội “thiếu tay nghề”, chủ quan, áp đặt, mệnh lệnh sẽ là “mảnh đất màu mỡ” cho lễ hội hiện đại phát triển. Mặc khác, khi mà sinh cảnh của vùng văn hóa Trường Sơn-Tây Nguyên bị thu hẹp, có nơi bị biến mất cũng là lí do lễ hội truyền thống bị mai một.
Việc tổ chức lễ hội còn mang tính hình thức, bề nổi, nội dung đơn điệu, phô trương, hình thức chưa đáp ứng với nhu cầu đời sống tinh thần tác động từ lối sống đan xen, từ hiệu ứng công nghệ 4.0 mang đến, từ tâm lý muốn thể hiện và khẳng định của lớp người trẻ,... là mảnh đất cho lễ hội hiện đại phát triển. Giúp cho lớp người trẻ nhận thức đúng đắn về phát triển xã hội trên nền tảng kế thừa phát huy văn hóa lễ hội truyền thống gắn với phát triển kinh tế bền vững là hoạt động tế nhị, thường xuyên, liên tục, lâu dài của cả hệ thống chính trị.
RƠ Ô TRÚC -Trường Chính trị tỉnh Gia Lai