Nay Lưng - Người lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc người Jrai

02/12/2021
   Đối với người Jrai cồng chiêng, ché rượu không chỉ thể hiện sự giàu có của gia chủ (nhất là thời xưa) mà còn là vật không thể thiếu trong các ngày lễ hội, đặc biệt trong các đám tang. Vì thế từ bao đời nay người Jrai luôn coi cồng chiêng như “báu vật” được nhiều thế hệ đồng bào dân tộc gìn giữ, nhất là thế hệ đi trước, họ luôn luôn bảo tồn và coi nó là biểu tượng đại diện cho bản sắc văn hóa dân tộc mình.
3b840ba9a6686d363479.jpg
Hình ảnh: ông Nay Lưng trao đổi với phóng viên
   Được sự giới thiệu của cán bộ xã chúng tôi đến gia đình nhà ông Nay Lưng buôn Kơ Jing, xã Ia Dreh. Năm nay, ông Nay Lưng đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông đã có hơn 20 năm tâm huyết với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của dân tộc mình. Vì vậy, bao nhiêu năm qua, ông luôn kiên trì, tích cực vận động con cháu, dòng họ và bà con dân làng lưu giữ, bảo tồn cồng chiêng. Bởi, đó là “phần hồn” của buôn, làng và là báu vật của cha ông để lại.
   Riêng đối với bản thân ông, đầu tiên ông đã chọn cách sưu tầm, lưu giữ. Trong căn nhà, Cồng chiêng cũng được trưng bày ở chỗ trang trọng, ông Nay Lưng chia sẻ: Năm 2005, ông sang Đắk Lắk mua đủ một bộ chiêng đồng la gồm 9 cái. Nếu trước đây muốn có bộ chiêng này thì phải mất tới 35 con bò. Tuy điều kiện kinh tế gia đình không phải khấm khá còn phải nuôi 5 đứa con ăn học nhưng ông vẫn cố gắng mua cho được bộ chiêng quý giá này, những chiếc chiêng được ông lưu giữ gần như còn nguyên vẹn về cấu trúc và âm thanh của dàn cồng chiêng cổ và được sử dụng trong các ngày lễ hội, khi có đám tang và đặc biệt trong các Lễ bỏ mả (Pơ-thi) trong làng hoặc được sử dụng để truyền dạy cho con cháu trong làng. Nhờ đó, thanh niên trong buôn Kơ Jing đa số biết đánh cồng chiêng, riêng gia đình ông 4 người con trai, con rể đều biết đánh, phương pháp học của họ là chủ yếu tự học, thế hệ trước truyền lại cho thế hệ sau và cứ thế hàng năm mỗi khi có các Lễ hội do xã tổ chức họ thường là những nhân tố góp phần làm nên sự thành công của buổi lễ. Nhận xét về ông Nay Lưng anh Nay Phương- Công chức văn hoá – xã hội xã Ia Dreh cho biết: Ông Nay Lưng là một người rất tận tâm, tận tình và trách nhiệm trong việc truyền dạy cũng như lưu giữ truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn xã. Với sự tham gia hướng dẫn nhiệt tình của ông nên trong nhiều năm qua đội cồng chiêng của xã đã đạt được nhiều thành tích cao tại các cuộc thi công chiêng do huyện tổ chức.
   Và điều đặc biệt hơn nữa họ chính là những người đưa cái nét đẹp, bản sắc riêng của dân tộc mình hòa nhập làm một với văn hóa dân tộc Việt Nam để nền văn hóa bản sắc ấy có thể trường tồn mãi mãi qua mọi thời đại.Trước khi chia tay, ông nói với chúng tôi rằng ông cảm thấy rất vui là bản thân đã làm tròn trách nhiệm của một người con đối với tổ tiên, với buôn làng. Mong sao, con cháu đồng bào dân tộc Jrai tiếp bước chân ông lưu giữ và phát huy mãi bản sắc văn hóa cồng chiêng của cha ông lưu truyền lại cho thế hệ mai sau./.
NGUYỄN CHI