Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai ở Krông Pa

30/11/2021
     Krông Pa là huyện nằm ở phía đông nam của tỉnh Gia Lai. Vùng đất này được mệnh danh là “Chảo Lửa”, với thời tiết đa phần là nắng nóng nhiều. Không chỉ vậy, vùng đất Krông Pa còn là nơi lưu giữ kho tàng văn hoá nghệ thuật dân gian (truyện cổ tích, sử thi, hát dân ca...), không gian văn hoá cồng chiêng, các lễ hội truyền thống (lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả, lễ mừng nhà mới...) và các nghề thủ công truyền thống (dệt thổ cẩm, đàn lát, làm rượu cần...) của người Jrai.
   Nhưng với nhịp độ của cuộc sống hiện đại những kho tàng văn hoá nghệ thuật dân gian, không gian văn hoá cồng chiêng, các lễ hội truyền thống và các nghề thủ công truyền thống của người Jrai ngày bị mai một dần. Trong đó điển hình là nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai ở Krông Pa đang đứng trước nguy cơ đó.
   Dệt thổ cẩm là nghề thủ công truyền thống, nét văn hoá độc đáo của người Jrai. Từ xa xưa, nghề dệt thổ cẩm gắn bó mật thiết với đời sống người Jrai đặc biệt là với người phụ nữ. Theo quan niệm người Jrai chỉ có người phụ nữ với đôi bàn tay khéo léo cộng với những tâm tư, tình cảm của mình được gửi gắm vào từng nét đường chỉ, hoa văn để dệt nên những tấm thổ cẩm không chỉ đẹp mà còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc cho người sử dụng. Không chỉ vậy người phụ nữ biết dệt thổ cẩm là một trong tiêu chuẩn để chọn làm vợ.
   Theo như lời kể của các già làng, ngày xưa sau khi làm xong hết công việc trên nương rẫy là lúc những người đàn ông vào rừng săn bắn, hái lượm mang về cho gia đình làm thực phẩm, hay lên núi kiếm lồ ô, nứa mang về để đan gùi, làm tổ cho con gà ở... Còn những người phụ nữ sẽ ở nhà ngồi dệt thổ cẩm, để dệt những chiếc áo, váy, khố, tấm choàng... cho gia đình của mình.
Hiện nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai ở Krông Pa chỉ còn lác đác ở một vài Thôn, Buôn của các xã. Như tại Buôn Tơ Nia (xã Chư Gu, Krông Pa, Gia Lai), chị Amí Xuyên vẫn còn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai mình. Sau khi làm xong công việc ở nương rẫy của mình, chị lại cắm cụi ngồi vào bên khung dệt để dệt nên những tấm thổ cẩm cho người thân và khách đạt hàng. Theo như lời kể của chị: “Không biết mình gắn bó với nghề dệt thổ cẩm được bao nhiêu năm, chỉ biết là từ khi còn là thiếu nữ mình đã biết dệt thổ cẩm từ lúc đó và cho đến hiện tại”. Chị kể thêm: “Muốn dệt được tấm thổ đẹp và ưng với ý của mình là không được sao nhãng đến các công việc khác mà phải tập trung vào từng nét đường chỉ, các chi tiết trên tấm dệt. Ngoài ra, mình dệt thổ cẩm này khoảng 12 ngày là xong một tấm thổ cẩm”.
   Khi được hỏi “Chị đã truyền dạy nghề dệt thổ cẩm này cho con cháu của mình chưa?” Chị trả lời với giọng buồn bã: “Có! Nhưng mà chúng nó không muốn học, nhưng vẫn có một vài đứa cũng muốn học mà lại không có thời gian với điều kiện. Như lúc trước mình có đứa cháu cũng học dệt từ mình được một thời gian nhưng giờ đã nghỉ rồi, do bận rộn công việc gia đình”.
det-tho-cam.jpg
Ảnh: Chị Amí Xuyên chăm chú dệt bên khung dệt của mình
   Câu nói ấy của chị Amí Xuyên cũng là một trong nguyên nhân làm cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai ngày càng đứng trước nguy cơ bị mai một. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như: Sự phát triển của công nghệ dệt hiện đại và sự thay đổi thị hiếu tiêu dùng; Một số bạn trẻ hiện nay không còn hứng thú với nghề dệt thổ cẩm truyền thống hoặc chuyên tâm lo việc học hành; Ngày nay cuộc sống bận rộn hơn lúc trước nên chỉ có những lúc rãnh rỗi mới ngồi dệt thổ cẩm...
   Đó cũng là tình trạng chung, không chỉ ở riêng huyện Krông Pa mà ở những vùng khác của tỉnh Gia Lai. Trong thời gian sắp tới cũng mong các cơ quan có thẩm quyền quan tâm và có những chủ trương, chính sách, kế hoạch và chương trình cụ thể để có những hướng đi mới cho nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Jrai phát triển và được bảo tồn.
KSOR NAM - PHÒNG VĂN HÓA VÀ THÔNG TIN