Ngon cơm cùng “Pung pó”

14/09/2022
      Có lần, xe máy độc hành lang thang tìm…mình trong làng Jrai giữa lòng Phố núi Pleiku, tình cờ gặp lại “Pung pó” bày bán ở chợ làng nhóm họp vào buổi chiều bên góc đường Lê Thị Hồng Gấm (làng 50, phường Yên Đổ, Tp. Pleiku). Ôi cái thức quà của tuổi thơ, của miền ký ức khó nghèo nhưng đầy yêu thương tưởng chỉ có ở xã vùng sâu Đất Bằng (huyện Krông Pa), nào ngờ lại là hàng hoá ở đây!
IMG20180729162904-(1).jpg
 
      “Pung pó” là món ăn phổ biến của người Jrai, được dùng vào bữa phụ như thức hàng quà (là tôi mượn chữ dùng); khi lại làm thức ăn trong bữa chính tuỳ thuộc vị mặn trong quá trình chế biến.
      Thành phần nguyên liệu làm nên món pung bó rất linh hoạt, chủ yếu được lấy từ môi trường tự nhiên nhưng không thể thiếu măng rừng, ớt hiểm và bột gạo. Nói “linh hoạt”, bởi các thành phần khác góp mặt làm nên “Pung pó” có thể thay đổi theo mùa trong năm, tuỳ thuộc mỗi gia đình, bàn tay người chế biến.
      Mùa mưa, cây măng le dễ tìm, rất sẵn được người phụ nữ trong gia đình “hái lượm” mang về, chọn lấy những củ măng ngon nhất đem cắt mỏng dọc, luộc chín để loại bỏ độc tố, một phần vị đắng. Sau đó, cùng với gạo đã vo sạch, ngâm nước qua đêm, ớt hiểm và nhiều thức khác có thể là mớ tép đồng tươi, cua đồng nướng/vùi tro bếp, lá và quả non khổ qua rừng, nấm mối, muối hạt, lá yao (một loại lá họ dây leo, dùng thay cho bột ngọt) … cho vào cối giã. Hỗn hợp nhuyễn đặc ấy được gói vào lá chuối tươi hơ qua lửa, buộc lạc nhìn bên ngoài như thể chiếc bánh giò, rồi cho vào nồi hấp chín. Món “Pung pó” thành phẩm dẻo sệt, được “phối màu” từ màu của lá, của vỏ loài giáp xác chín; dậy hương nồng ngậy; “tổng hợp” vị, có đắng nhẩn, cay nồng, bùi ngậy, béo ngọt thanh thoảng. Chén cơm gạo lúa mới nóng hổi, dẻo thơm ăn cùng “Pung pó” nóng ấm, vị đậm, cay đơn giản vậy thôi mà ngon không thể nào tả nổi…
Mùa khô, củ măng chua cất giữ được đem ra luộc loại bớt vị chua và mặn, rồi cùng với các thành phần nguyên liệu khác có thể là lá mì, cà đắng, hoa đu đủ, con cá dưới lòng suối cạn nướng xiên dậy mùi; con chẫu sành quanh nhà đã vặt chân, ngắt cánh đảo nhanh tay qua lửa… góp phần làm nên “Pung pó”.
IMG20180729162424-(1).jpg
"Pung pó" đã được hấp chín. Ảnh: Đình Phê
      Trong ký ức tuổi thơ tôi, có món “Pung pó” lấy củ mì thay cho gạo; gạn lọc nước tro rễ cỏ tranh săn thay cho muối biển; vùi tro bếp thay cho hấp; ăn riêng mỗi “Pung pó” thay vì làm thức ăn cùng với cơm. Khi amí vừa dừng tay chày giã bột “Pung pó”, anh chị em chúng tôi đã dành phần gói bánh. Những chiếc bánh vụng về gấp sau nhiều lớp lá, buộc kỹ bằng sợi dây lá giang đánh dấu riêng mình, rồi vùi tro bếp lửa nhà sàn. Chính cách nướng vùi, hấp thụ hơi nóng âm ỉ sau thời gian dài cho chiếc bánh chín đều, hương vị hơn hẳn cách hấp chín nhờ hơi nước.
      “Pung pó” bây giờ đã có mặt ở chợ làng tuy không thường xuyên, phần nào đã nói lên chất lượng món ăn dân dã trong “hành trình” giao lưu văn hoá ẩm thực. Tôi thường chọn mua “Pung pó” với giá 10.000đ/chiếc mang về, còn mời bạn đến nhà dùng cơm có món “Pung pó”. Với tôi, “Pung pó”-món ngon dậy lên từ ký ức; bạn xuýt xoa nhận xét, giá mà bớt cay, mặn hẳn pung pó hấp dẫn hơn nhiều!
RƠ Ô TRÚC