Sức sống thổ cẩm

03/07/2023
 Ngày xưa vùng đất Krông Pa hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số sống khá biệt lập, giao thông đi lại khó khăn, cuộc sống của người dân dựa vào thiên nhiên theo phương thức tự cung tự cấp là chủ yếu. Mỗi gia đình phải tự đảm bảo trang phục cho các thành viên của mình. Chất liệu vải thổ cẩm có thể tương đối giống nhau, song mỗi dân tộc lại tạo ra bộ trang phục từ vải thổ cẩm rất khác nhau. Nếu như người Mông, Dao…trang phục rất sặc sỡ, lấy màu đỏ làm chủ đạo, thì dân tộc Gia Rai lại ưa sắc đen.
H-krieeu.jpg
Bà Ksor H’ Kriếu, buôn Nông Siu, xã Ia Rmok là một trong những người phụ nữ Jrai gắn bó lâu năm với nghề dệt thổ cẩm
Bà Ksor H’ Kriếu, dân tộc Jrai, 65 tuổi, người gắn bó lâu năm với nghề dệt thổ cẩm buôn Nông Siu, xã Ia Rmok chia sẻ: “thổ cẩm là một loại vải được làm từ sợi tơ tự nhiên của cây bông. Vải thổ cẩm được dệt hoàn toàn thủ công có độ bền cao, mềm mại, thoáng mát, tính thẩm mỹ và thân thiện với môi trường. Vải thổ cẩm được sản xuất theo phương pháp truyền thống, đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế và công phu, đánh giá sự đảm đang của người phụ nữ dân tộc thiểu số. Bởi vậy nghề dệt thổ cẩm cứ thế truyền từ thế hệ nọ sang thế hệ kia tạo nên nét đặc sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Gia Rai. Các công đoạn làm vải thổ cẩm đều phải qua các quy trình sơ chế sợi bông, kéo sợi, xử lý sợi vải, mắc khung cửi, dệt vải, nhuộm vải, mài vải, giặt phơi”.
PCT.jpg
Đồng chí Nguyễn Tiến Đãng, Phó Chủ tịch UBND huyện thăm quan gian hàng thổ cẩm của Câu lạc bộ Thổ cẩm buôn Toát, xã Ia Rsươm
 
Đến xã Ia Rsươm, tôi được nghe chị Trần Thị Thắng, Chủ tịch Hội LHPN xã cho biết: “đối với người Gia Rai bộ trang phục làm từ vải thổ cẩm rất linh thiêng. Các hộ gia đình cũng tự tay làm để tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Để có màu sắc của vải thổ cẩm, một là nhuộm sợi sau đó dệt, hai là dùng sợi màu để thêu hoa văn. Các hoa văn của vải thổ cẩm thường được lấy cảm hứng hình thù quả, hoa, lá cây, con thú gần gũi với cuộc sống của bà con. Người Gia Rai rất trân quý bộ trang phục của dân tộc mình, thường lúc đi hội, ngày lễ Tết, đám cưới họ mới mặc. Trong các lễ hội của người Gia Rai không thể thiếu bộ trang phục của dân tộc mình. Bởi vậy, các gia đình phải chuẩn bị trang phục quần áo từ rất sớm và để làm hoàn chỉnh một bộ trang phục có khi mất mấy năm trời. Vì lẽ đó mà vải thổ cẩm với người Gia Rai có sức sống lâu bền với thời gian.
Nhớ lại có thời kỳ kinh tế thị trường và hội nhập văn hóa làm cho nhiều gia đình ở huyện vùng sâu, vùng xa Krông Pa xếp khung dệt vải thổ cẩm vào một chỗ, họ bắt đầu ăn mặc phổ thông. Công cuộc “lai căng” văn hóa diễn ra âm thầm và mạnh mẽ. Tuy nhiên việc chấn hưng văn hóa để gắn với phát triển du lịch đã khiến người ta nhận ra giá trị của thổ cẩm. Những người già, nghệ nhân cao tuổi là những “đốm lửa” đau đáu truyền lại cảm hứng cho lớp trẻ. Nhờ vậy, Câu lạc bộ dệt thổ cẩm truyền thống như của chị Rah Lan H’Nghí, buôn Toát, xã Ia Rsươm có 23 thành viên được hình thành. Họ giúp đỡ nhau truyền nghề và có thu nhập cải thiện cuộc sống. Đến nay ngoài may trang phục dân tộc bằng vải thổ cẩm, thì các đồ lưu niệm như khăn, mũ, ví, túi được Câu lạc bộ dệt thổ cẩm sản xuất. Sản phẩm được bày bán cho du khách thập phương mỗi khi dừng chân ghé đến huyện Krông Pa, bán ra thị trường ngoài tỉnh được khách hàng đánh giá cao.
Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế đang là mục tiêu phấn đấu của huyện Krông Pa. Đồng chí Trần Như Lý, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Krông Pa cho rằng, thời gian gần đây, người dân trên địa bàn huyện Krông Pa đã có ý thức thành lập nhiều nhóm hay Câu lạc bộ văn hóa truyền thống của người Gia Rai quyết tâm khôi phục nghề dệt thổ cẩm, mang lại lợi ích thiết thực. Cùng với đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện mời nghệ nhân truyền dạy kỹ thuật dệt, may trang phục, sản xuất đồ lưu niệm từ vải thổ cẩm cho những người có nhu cầu. Tiêu biểu trong đó có Câu lạc bộ Thổ cẩm buôn Toát, xã Ia Rsươm, chủ yếu là phụ nữ Gia Rai thạo nghề. Đến nay, mô hình Câu lạc bộ Thổ cẩm buôn Toát, xã Ia Rsươm đang là hướng đi bền vững, có triển vọng giải được bài toán giữa phát triển kinh tế và bảo tồn bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống cho người dân.
Vừa qua, huyện Krông Pa tổ chức Ngày hội Văn hoá- Thể thao các dân tộc thiểu số và Hội chợ kết nối nông sản lần Thứ I tại công viên thị trấn Phú Túc. Ngoài các mặt hàng nông sản đặc trưng, phiên chợ quy tụ các gian hàng thổ cẩm của các xã, thị trấn trong huyện. Bên cạnh trình diễn kỹ thuật dệt, thêu vải thổ cẩm, thì các gian hàng đều tranh thủ quảng bá, giới thiệu, bán các sản phẩm như trang phục, đồ lưu niệm sản xuất từ vải thổ cẩm. Một phiên chợ đa sắc màu, đa dân tộc đã khiến du khách trong và ngoài huyện bị cuốn hút, tạo nên sức sống mãnh liệt của thổ cẩm huyện Krông Pa.
TUỆ LÂM